Văn bản pháp luật: Quyết định 537/2002/QĐ-UB

Đặng Quốc Lộng
Tỉnh Lào Cai
Quyết định 537/2002/QĐ-UB
Quyết định
15/11/2002
15/11/2002

Tóm tắt nội dung

Về việc Thành lập Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên trực thuộc vườn quốc gia Hoàng Liên tỉnh Lào Cai

Phó Chủ tịch
2.002
Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÀO CAI

Về việc Thành lập Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên trực thuộc vườn

quốc gia Hoàng Liên tỉnh Lào Cai

_____________
 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991;

Căn cứ Nghị định số: 39/CP ngày 18/5/1994 của Chính phủ về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm;

Căn cứ Quyết định số 391/2002/QĐ-UB, ngày 13/9/2002 của UBND tỉnh Lào Cai, về việc ban hành quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyên hạn và tổ chức bộ máy của Vườn quốc gia Hoàng Liên tỉnh Lào Cai;

Xét đề nghị của Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên, (tại Tờ trình số 16/TT-VQG, ngày 28/10/2002) về việc xin thành lập Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Lào Cai,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Thành lập Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên trực thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên;

Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Vườn quốc gia Hoàng Liên; đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai; có tư cách pháp nhân, được phép sử dụng con dấu và mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động.

Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên.

A. Chức năng:

Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên là đơn vị thừa hành pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ tài nguyên trên địa bàn Vườn quốc gia Hoàng Liên, theo sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên và theo sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai.

B. Nhiệm vụ, quyền hạn:

1. Nắm vững tình hình tài nguyên rừng và đất rừng của Vườn quốc gia; từ đó hàng năm đề xuất với Giám đốc Vườn quốc gia kế hoạch, biện pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện việc quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên rừng, đất rừng và lâm sản, bảo vệ môi trường trong khu vực Vườn quốc gia;

2. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và vận động nhân dân bảo vệ, phát triển vốn rừng trên địa bàn vườn quốc gia quản lý;

3. Trực tiếp chỉ đạo các trạm bảo vệ rừng và viên chức kiểm lâm của Hạt, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, tuần tra rừng; thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản thuộc địa bàn Vườn quốc gia quản lý.

Kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với các đối tượng không phải là nhân dân địa phương hoạt động trong phạm vi quản lý của Vườn quốc gia;

4. Phát hiện và đề xuất với Giám đốc Vườn quốc gia, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xử lý những quy định của các cấp chính quyền và tổ chức cơ quan có những nội dung trái pháp luật và các quy định của Nhà nước, của tỉnh về quản lý bảo vệ Vườn quốc gia;

5. Phân công viên chức kiểm lâm bám sát địa bàn giúp các xã xây dựng chương trình hành động cụ thể về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, xây dựng quy ước bảo vệ rừng ở thôn, bản; xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng và vận động nhân dân bảo vệ, phát triển rừng, đấu tranh, ngăn chặn những hành vi gây thiệt hại đến Vườn quốc gia;

6. Xây dựng lực lượng và tổ chức thực hiện các biện pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng của Vườn quốc gia; đồng thời tham gia tích cực việc chữa cháy rừng khi xẩy ra việc cháy thuộc các địa bàn giáp ranh Vườn quốc gia;

7. Chủ động phối hợp, kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn và với các Hạt Kiểm lâm Sa Pa, Than Uyên, Văn Bàn, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) trong việc tuần tra, truy quét các đối tượng phá hoại rừng, vận chuyển lâm sản trái phép xâm hại tài nguyên Vườn quốc gia và vùng giáp ranh.

8. Được quyền yêu cầu chính quyền địa phương trên địa bàn huy động nhân lực, phương tiện cần thiết để kịp thời chữa cháy, diệt trừ sâu bệnh hại rừng, ngăn chặn các hành vi tàn phá, huy hoại tài nguyên rừng Vườn quốc gia;

9. Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo (theo định kỳ hoặc đột xuất khẩn thiết) về tài nguyên rừng, đất rừng, về quản lý bảo vệ rừng Vườn quốc gia, cho Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo quy định hiện hành.

10. Quản lý tổ chức, biên chế, kinh phí, trang thiết bị, vũ khí và các phương
tiện chuyên dùng được giao theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Tổ chức bộ máy và biên chế của Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên:

1. Tổ chức bộ máy:

a) Lãnh đạo Hạt, gồm:

- Hạt trưởng, và 1 Phó Hạt trưởng.

- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Hạt trưởng và Phó Hạt trưởng thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và phân cấp về công tác tổ chức cán bộ của tỉnh.

b) Các bộ phận và chuyên viên giúp việc cho lãnh đạo Hạt về chuyên môn, nghiệp vụ, gồm:

Quản lý bảo vệ rừng; Thanh tra - pháp chế; Tổng hợp (không thành lập phòng).

c) Các bộ phận trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, gồm:

- 01 Tổ Kiểm lâm cơ động;

- Trạm bảo vệ rừng Mường Khoa (Than Uyên);

- Trạm bảo vệ rừng Ô Quý Hồ (Sa Pa);

- Trạm bảo vệ rừng Lao Chải (Sa Pa);

- Trạm bảo vệ rừng Tả Van (Sa Pa);

- Trạm bảo vệ rừng Bản Hồ (Sa Pa);

2. Biên chế:

- Biên chế của Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên được UBND tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể hàng năm theo đề nghị của Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên và Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh;

- Việc bố trí cán bộ, công chức và quản lý cán bộ, công chức của Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên theo đúng tiêu chuẩn chức danh Nhà nước quy định và theo đúng phân cấp về công tác tổ chức cán bộ của tỉnh hiện hành.

Điều 4. Các ông (bà) Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.


Nguồn: vbpl.vn/laocai/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=28928&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận