QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Về việc ban hành Điều lệ Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo
tỉnh Ninh Thuận
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2002/TTLT/BYT-BTC ngày 16-12-2002 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức khám, chữa bệnh và lập, quản lý, sử dụng thanh quyết toán Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Kế hoạch số 262/KH ngày 17-02-2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc triển khai thực hiện Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 14/2002/TTLT/BYT-BTC khám, chữa bệnh cho người nghèo;
Căn cứ Quyết định số 68/2003/QĐ-UB ngày 13-6-2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc thành lập Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo tỉnh Ninh Thuận;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Điều lệ Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo tỉnh Ninh Thuận (sau đây gọi tắt là Quỹ khám, chữa bệnh 139) gồm 7 chương và 22 điều.
Điều 2. Sở Y tế, Sở Tài chính - Vật giá chịu trách nhiệm hướng dẫn triển khai thực hiện Điều lệ hoạt động của Quỹ khám, chữa bệnh 139.
Điều 3. Quyết định có liệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và thành viên Ban quản lý Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
ĐIỀU LỆ
QUỸ KHÁM, CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI NGHÈO TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 70/2003/QĐ, ngày 18 tháng 6 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo là quỹ của Nhà nước do Ban quản lý Qũy khám, chữa bệnh cho người nghèo tỉnh Ninh Thuận quản lý, hoạt động theo "nguyên tắc không vì lợi nhuận, bảo toàn và phát triển nguồn vốn". Gọi tắt là Quỹ khám, chữa bệnh 139.
Điều 2. Tư cách pháp nhân của Quỹ
2.1. Quỹ khám, chữa bệnh 139 đóng tại Sở Y tế, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Ninh Thuận và đước tính lãi suất tiền gửi theo quy định hiện hành.
2.2. Trưởng Ban quản lý Quỹ khám, chữa bệnh 139 là chủ tài khoản của Quỹ.
2.3. Hàng năm, Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá xây dựng dự toán ngân sách khám chữa bệnh cho người nghèo; lập dự trù kinh phí quản lý Quỹ trong kinh phí sự nghiệp thường xuyên của Sở Y tế.
Điều 3. Quỹ khám, chữa bệnh 139 được hình thành từ các nguồn sau:
3.1. Ngân sách Nhà nước cấp đảm bảo 95% (ngân sách Trung ương 75%, ngân sách địa phương 20%) tổng giá trị của Quỹ.
3.2. Đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
3.3. Lãi suất tiền gửi Kho bạc Nhà nước.
Điều 4. Định mức Quỹ khám chữa bệnh 139 là 70.000 đồng/người/năm.
Trong đó:
Chi mua Bảo hiểm y tế với mệnh giá 50.000 đồng/người/năm cho các đối tượng quy định tại Điều 2 của Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Phần còn lại để:
Chi hỗ trợ một phần viện phí cho các trường hợp gặp khó khăn đột xuất (không thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 của Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Bảo toàn và phát triển Quỹ.
Chương II
ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ KHÁM CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI NGHÈO
Điều 5. Đối tượng được hưởng chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo gồm có:
5.1. Người nghèo theo quy định hiện hành về chuẩn hộ nghèo quy định tại
Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 01-11-2000 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
5.2. Nhân dân các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa".
5.3. Các đối tượng quy định tại mục 5.1 và 5.2 điều này không thuộc diện hưởng chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo bao gồm:
Các đối tượng đã được ngân sách Nhà nước hoặc các tổ chức kinh tế mua thẻ Bảo hiểm y tế bắt buộc theo Nghị định 58/1998/NĐ-CP ngày 13-8-1998 của Chính phủ và các quy định hiện hành khác;
Người lao động đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu;
Người được hưởng chế độ trợ cấp có công; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học;
Thân nhân sỹ quan tại ngũ đã được Bộ Quốc phòng mua và cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định 63/2002/NĐ-CP ngày 18-6-2002 của Chính phủ...
Điều 6. Đối tượng được hỗ trợ một phần viện phí từ Quỹ khám, chữa bệnh 139 trong các trường hợp khó khăn đột xuất không thuộc diện hưởng khám chữa bệnh người nghèo tại Điều 2 Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm:
6.1. Người bị thương nặng hoặc bị bệnh:
Do hậu quản của thiên tai (hỏa hoạn, bão, lũ, lụt...), tham gia cứu hộ, cứu tài sản của Nhà nước hoặc những người cứu hộ nhân đạo khác mà gia đình hoặc cá nhân bệnh nhân thuộc diện cứu trợ xã hội đột xuất qui định tại khoản 1 và 2, mục II tại Thông tư 18/2000/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 28 tháng 7 năm 2000;
Người lang thang cơ nhỡ không xác định được địa chỉ;
Người bị tai nạn rủi ro trên địa bàn của tỉnh là dân trong hay ngoài tỉnh không có thân nhân;
Thân nhân chủ yếu của liệt sỹ chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thường xuyên;
Các đối tượng trực tiếp có công cách mạng đã được hưởng chế độ ưu đãi, nhưng chưa được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế.
6.2. Các bệnh nhân thuộc diện chính sách, gia đình có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa đã được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế khi mắc bệnh nặng phải trả chi phí vượt quá khung thanh toán của BHYT.
6.3. Các đối tượng nêu ở mục 6.1 và 6.2 điều này phải điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước; được Ủy ban nhân dân xã, phường đề nghị (kèm theo các chứng từ khám chữa bệnh hợp lệ) và được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp gửi về Ban quản lý Quỹ khám, chữa bệnh 139 xem xét, giải quyết.
Chương III
QUẢN LÝ VÀ SỰ DỤNG QUỸ
Điều 7. Mua thẻ Bảo hiểm y tế:
7.1. Thẻ Bảo hiểm y tế do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành thống nhất trên cả nước.
7.2. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp danh sách đối tượng được hưởng Quỹ khám, chữa bệnh 139 quy định tại Điều 2 của Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ từ Ủy ban nhân dân các huyện, thị trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
7.3. Ban quản lý Quỹ khám, chữa bệnh 139 tổ chức mua thẻ Bảo hiểm y tế tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận. Quy trình thực hiện như sau:
Căn cứ vào danh sách các đối tượng được hưởng từ Quỹ khám, chữa bệnh 139 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Ban quản lý Quỹ khám, chữa bệnh 139 ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội tỉnh sau đó chuyển về các huyện, thị.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị tổ chức nhận thẻ Bảo hiểm y tế tại Bảo hiểm xã hội tỉnh (một lần hay nhiều lần).
Căn cứ vào các chứng từ hợp lệ, Ban quản lý Quỹ khám, chữa bệnh 139 chịu trách nhiệm thanh toán cho Bảo hiểm xã hội.
7.4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị tổ chức cấp thẻ Bảo hiểm y tế đến tận tay người được hưởng ngay trong tháng đầu khi có thẻ Bảo hiểm y tế.
7.8. Trường hợp người nghèo là dân tộc thiểu số không có khả năng quản lý thẻ Bảo hiểm y tế, vẫn tổ chức cấp thẻ Bảo hiểm y tế trực tiếp, nhưng giao lại cho Trạm y tế xã quản lý để giao cho bệnh nhân khi phải điều trị ở tuyến trên.
7.9. Trước 3 tháng khi thẻ Bảo hiểm y tế hết hạn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị phải tập hợp danh sách chuyển về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để mua thẻ mới.
Điều 8. Mức hỗ trợ một phần viện phí:
8.1. Bệnh nhân không có thẻ Bảo hiểm y tế bắt buộc ghi tại mục 6.1, Điều 6 của Điều lệ này được chi hỗ trợ tối đa 80% mức thanh toán của Bảo hiểm y tế.
8.2. Các bệnh nhân ghi tại mục 6.2, Điều 6 của Điều lệ này được chi hỗ trợ tối đa 60% chi phí hợp lý vượt quá khung thanh toán của Bảo hiểm y tế.
8.3. Phân ban điều hành kinh phí khám chữa bệnh có trách nhiệm tham mưu trình Trưởng ban Quản lý Quỹ 139 phê duyệt trường hợp cụ thể và mức chi hỗ trợ phù hợp.
Điều 9. Nội dung chi cho công tác quản lý của Quỹ:
Chi thông tin - truyền thông.
Chi văn phòng phẩm.
Chi phí hội nghị.
Chi công tác phí kiểm tra, giám sát.
Chi phụ cấp làm thêm giờ cho cán bộ kiêm nhiệm quản lý Quỹ.
Chương IV
CHẾ ĐỘ THANH QUYẾT TOÁN QUỸ
Điều 10. Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo có thẻ Bảo hiểm y tế với cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước theo quy định của Bảo hiểm y tế hiện hành, nhưng không thực hiện cơ chế đồng chi trả. Cuối năm, kinh phí khám chữa bệnh cho người nghèo còn dư tại Quỹ Bảo hiểm y tế thì được chuyển sang năm sau để mua tiếp Bảo hiểm y tế cho người nghèo.
Điều 11. Hàng năm, Bảo hiểm xã hội dành ít nhất 12,5% quỹ ngoại trú để khám, chữa bệnh cho người nghèo tại tuyến y tế xã, phường. Bảo hiểm xã hội phối hợp với Giám đốc Trung tâm Y tế huyện trong việc phân bổ kinh phí. Giám đốc Trung tâm Y tế có trách nhiệm thanh toán với Bảo hiểm xã hội theo chế độ tài chính hiện hành.
Điều 12. Công tác kế toán tài chính:
Quỹ khám, chữa bệnh 139 thực hiện công tác kế toán thống kê theo đúng các qui định của pháp luật hiện hành:
Mở sổ sách kế toán, thống kê hạch toán đầy đủ các nghiệp vụ tài chính, chấp hành các chế độ, quy định về hóa đơn, chứng từ kế toán.
Mở sổ theo dõi, thống kê đầy đủ danh sách các cơ quan, tổ chức, các nhân đóng góp tài trợ.
Lập và gửi đầy đủ, đúng thời hạn các báo cáo tài chính và quyết toán thu chi định kỳ hàng quý và hàng năm của Quỹ khám, chữa bệnh 139 cho Sở Tài chính - Vật giá tỉnh.
Quỹ có trách nhiệm chấp hành việc kiểm tra, thanh tra tài chính, kiểm toán theo quy định của Nhà nước.
Chương V
TỔ CHỨC KHÁM CHỮA BỆNH
Điều 13. Người có thẻ Bảo hiểm y tế người nghèo không phải đóng tiền tạm ứng (20%) khi vào điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước.
Điều 14. Khám chữa bệnh cho người nghèo có thẻ Bảo hiểm y tế được triển khai đến Trạm y tế xã, phường.
Điều 15. Tổ chức khám chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm y tế:
15.1. Trình tự từ Trạm y tế xã, phường đến Trung tâm y tế huyện, thị; từ Trung tâm y tế huyện, thị đến các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh.
15.2. Người cao tuổi tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa có thẻ Bảo hiểm y tế dành cho người nghèo bị ốm đau nhưng không thể đến khám, chữa bệnh tại nơi quy định thì Trưởng Trạm y tế xã cử cán bộ y tế đến khám, chữa bệnh tại nơi ở của người cao tuổi.
Điều 16. Khám, chữa bệnh sai tuyến quy định.
16.1. Người nghèo có thẻ Bảo hiểm y tế không khám, chữa bệnh theo đúng tuyến quy định (trái tuyến hoặc vượt tuyến) hoặc khám chữa bệnh theo yêu cầu riêng thì phải tự trả chi phí khám chữa bệnh cho cơ sở khám chữa bệnh.
16.2. Trong trường hợp cấp cứu, người nghèo có thẻ Bảo hiểm y tế được khám và điều trị tại bất kỳ cơ sở y tế Nhà nước nào gần nhất và Bảo hiểm xã hội phải thanh toán các khoản chi phí khám, chữa bệnh cho cơ sở y tế đó.
Chương VI
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 17. Khen thưởng và kỷ luật.
17.1. Quỹ khám, chữa bệnh có sổ vàng danh dự ghi công đóng góp của các tập thể, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng và phát triển Quỹ; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng cho các tập thể, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thành tích xuất sắc trong hoạt động xây dựng và phát triển Quỹ; trong việc tổ chức khám, chữa bệnh cho người nghèo.
17.2. Mọi hành vi vi phạm các qui định của Nhà nước về khám, chữa bệnh cho người nghèo và các quy định tại Điều lệ này, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Ban quản lý Quỹ khám, chữa bệnh 139 có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính số 14/2002/TTLT/BYT-BTC ngày 16-12-2002 và điều lệ này.
Điều 19. Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ban, ngành liên quan và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát và đánh giá việc thực hiện chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo của địa phương.
Điều 20. Ủy ban nhân dân các huyện, thị có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, các ngành có liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Quỹ khám, chữa bệnh 139 và các Sở, ban, ngành hữu quan triển khai thực hiện chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo của địa phương mình.
Điều 21. Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe ban đầu các cấp huyện, xã phối hợp với Mặt trân Tổ quốc Việt Nam cùng cấp giám sát thực hiện chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo tại địa phương mình.
Điều 22. Điều lệ này có liệu lực từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ảnh về Ban quản lý Quỹ khám, chữa bệnh 139 để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.
Điều lệ này được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.