QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ HỒ SƠ VÀ DIỆN TÍCH ĐẤT CÔNG, ĐẤT CHƯA SỬ DỤNG CỦA UBND CẤP PHƯỜNG, XÃ, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân;
Căn cứ Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 04/CP ngày 10/1/1997 của Chính phủ;
Căn cứ Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND mỗi cấp;
Căn cứ Quyết định số 3128/QĐ-UB ngày 6/8/1998 và Quyết định số 23/1998/QĐ-UB ngày 17/7/1998 của UBND Thành phố;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Địa chính Hà Nội.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bản quy chế về tiếp nhận, quản lý hồ sơ và diện tích đất công, đất chưa sử dụng của UBND cấp phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà nội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn; Giám đốc Sở: Địa chính, Nhà đất, Xây dựng, Giao thông công chính; Kiến trúc sư trưởng thành phố; Thủ trưởng các Sở ban ngành có liên quan của Thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
VỀ VIỆC TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ HỒ SƠ VÀ DIỆN TÍCH ĐẤT CÔNG, ĐẤT CHƯA SỬ DỤNG CỦA UBND CẤP PHƯỜNG, XÃ, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 73/1998/QĐ-UB ngày 22 tháng 12 năm 1998 của UBND Thành phố Hà Nội)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. UBND phường, xã, thị trấn thực hiện và chịu trách nhiệm trước UBND quận, huyện và UBND Thành phố về toàn bộ công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn phường, xã, thị trấn theo thẩm quyền được quy định tại Luật đất đai, Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyện hạn cụ thể của HĐND và UBND ở mỗi cấp và Quyết định số 23/1998/QĐ-UB ngày 17/7/1998 của UBND Thành phố.
Điều 2. Đối tượng, phạm vi áp dụng theo Quy chế này gồm: đất công, đất chưa sử dụng tại các phường, xã, thị trấn.
- Đất công là đát được sử dụng vào mục đích công cộng để xây dựng đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, sông, hồ, đê, đập, chợ, công viên, vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em, quảng trường, sân vận động, bến cảng và các công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ.
- Đất chưa sử dụng là đất chưa có đủ điều kiện hoặc chưa được xác định để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, chưa được xác định là đất khu dân cư nông thôn, đô thị, chuyên dùng và Nhà nước chưa giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nào sử dụng ổn định lâu dài.
Chương 2:
TRÁCH NHIỆM CỦA UBND PHƯỜNG, XÃ, THỊ TRẤN TRONG VIỆC TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ HỒ SƠ VÀ DIỆN TÍCH ĐẤT CÔNG, ĐẤT CHƯA SỬ DỤNG
Điều 3. Hồ sơ về diện tích đất công, đất chưa sử dụng trên địa bàn gồm:
- Biểu tổng hợp diện tích các loại đất công và đất chưa sử dụng thuộc địa bàn phường, xã, thị trấn do UBND phường, xã, thị trấn quản lý.
- Bản đồ Địa chính tỷ lệ 1/200 cua phường, tỷ lệ 1/500 của thị trấn, tỷ lệ 1/1000 của xã trong đó thể hiện rõ ranh giới, hình thể, diện tích và vị trí của từng thừa đất công, đất chưa sử dụng giao quản lý trên bản đồ và thực địa.
Điều 4. UBND phường, xã, thị trấn có trách nhiệm:
1/ Lập dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí lực lượng để quản lý đất công, đất chưa sử dụng theo quy định của Luật Đất đai, không để lấn chiếm đất công, đất chưa sử dụng, không để sử dụng đất sai mục đích như: đổ rác gây ô nhiễm môi trường.
2/ Quản lý đất công chặt chẽ theo hiện trạng sử dụng, sử dụng đúng mục đích được giao được thể hiện trong các hồ sơ bàn giao cơ sở hạ tầng của các ngành Địa chính, Giao thông công chính, Nhà đất, Kiến trúc sư trưởng.
3/ Quản lý đất chưa giao sử dụng:
+ Đối với các khu đất nhỏ lẻ tại các phường, thị trấn: UBND phường, thị trấn có trách nhiệm lập phương án, kế hoạch sử dụng đất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trên nguyên tắc ưu tiên sử dụng đất làm trường học, khu vui chơi thể thao, giải trí, khu cây xanh bảo vệ môi trường và những công trình công cộng phục vụ chung trên địa bàn phường, thị trấn.
+ Đối với các khu đất chưa giao sử dụng tại các xã: UBND xã có trách nhiệm quản lý cùng với qũy đất công ích được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được sử dụng để:
- Cho hộ gia đình, cá nhân thuê sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tiền thu được từ việc cho thuê đất công ích xã phải đưa vào ngân sách của xã và chỉ được chi vào nhu cầu công cộng của xã theo quy định của Pháp luật.
- Xây dựng hoặc để bù lại đất đã dùng vào xây dựng các công trình công cộng tại xã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Không được dùng đất danh cho nhu cầu công ích của xã để giao cho nhân khẩu tăng thêm hoặc giao để xây dựng nhà ở.
4/ Căn cứ vào hồ sơ của Sở Địa chính bàn giao, có trách nhiệm xem xét xác nhận cho các đơn vị, tổ chức được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng đất chưa sử dụng trên địa bàn phường, xã, thị trấn.
5/ Có trách nhiệm kiểm tra phát hiện cac vi phạm về quản lý sử dụng đất để lập hồ sơ và gửi kèm các chứng lý ban đầu, báo cáo kịp thời lên cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý, thu hồi quyền sử dụng đất.
- Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đình chỉ ngay hoặc buộc phá dỡ công trình đối với những trường hợp lấn chiếm đất công, đất chưa sử dụng.
- Đối với những trường hợp sử dụng đất công mà vi phạm các quy định về việc bảo vệ môi trường, UBND phường, xã, thị trấn có trách nhiệm đình chỉ sử dụng đất, phạt cảnh cáo về việc vi phạm các quy định bảo vệ môi trường theo quy định của Pháp luật.
- Đối với những trường hợp vi phạm về quản lý và sử dụng đất công, đất chưa sử dụng vượt qúa thẩm quyền xử lý của UBND phường, xã, thị trấn thì UBND phường, xã, thị trấn phải kịp thời báo cáo lên cấp có thẩm quyền để giải quyết, xử lý.
6/ UBND phường, xã, thị trấn có trách nhiệm lập, quản lý và sử dụng hồ sơ địa chính, trong đó có hồ sơ đất công, đất chưa sử dụng bao gồm:
- Lập bản đồ địa chính có thể hiện ranh giới các thửa đất công, đất chưa sử dụng.
- Tổng hợp diện tích các loại đất công, đất chưa sử dụng trên địa bàn phường, xã, thị trấn.
- Theo dõi và chỉnh lý biến động đất, lập sổ theo dõi biến động đất để thống kê, kiểm kê đất đai và chỉnh lý, thường xuyên điều chỉnh bản đồ hiện trạng sử dụng đất của phường, xã, thị trấn.
Chương 3:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. UBDN phường, xã, thị trấn chịu sự lãnh đạo của UBND quận, huyện và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của phòng Địa chính và quản lý nhà về tiếp nhận sử dụng hồ sơ các loại đất, cùng với phòng Địa chính - Quản lý nhà tham mưu cho UBND quận, huyện giải quyết các khiếu kiện, tranh chấp về đất đai. Đồng thời UBND phường, xã, thị trấn chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Sở Địa chính và các Sở, Ban ngành Thành phố; Thường xuyên quan hệ công tác với các phòng ban nghiệp vụ của Sở Địa chính và các Sở, Ban ngành Thành phố để tổ chức và phối hợp thực hiện các chính sách, quyết định của các cấp về quản lý và sử dụng đất đai.
Điều 6. Căn cứ vào Quy chế này, UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn có trách nhiệm lập kế hoạch để tiếp nhận hồ sơ các loại đất công, đất chưa sử dụng do Sở Địa chính bàn giao, đôn đốc và tổ chức phổ biến những nội dung của quy chế này đến các ban, ngành liên quan, cán bộ chuyên ngành quản lý đất đai ở địa phương và tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho nhân dân địa phương biết để quản lý, sử dụng có hiệu qủa.
Điều 7. Tập thể, cá nhân có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này không làm tròn nhiệm vụ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với những quy định của pháp luật, bao che cho người vi phạm, gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất theo Quy chế này thì tùy theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tập thể, cá nhân thực hiện tốt Quy chế này, có thành tích xuất sắc thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước và Thành phố.
Điều 8. Trong qúa trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh thì UBND quận, huyện, phường xã, thị trấn cần kịp thời báo cáo Sở Địa chính để tổng hợp, trình UBND Thành phố điều chỉnh, bổ sung cho hoàn chỉnh và phù hợp với thực tế.