QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH BẮC NINH
Ban hành qui định về chế độ chi hội nghị, công tác phí, trang bị quản lý, sử dụng điện thoại trong các cơ quan sử dụng Ngân sách địa phương
UBND TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Căn cứ Nghị định 38/1998/NĐ-CP ngày 9/6/1998 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chế độ chi hội nghị, công tác phí, trang bị, quản lý, sử dụng điện thoại trong các cơ quan sử dụng Ngân sách địa phương.
Điều 2: Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá và Giám đốc Kho bạc tỉnh có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện và kiểm soát chi theo Qui định này.
Điều 3: Thủ trưởng các cơ quan sử dụng Ngân sách địa phương căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/1998./.
QUI ĐỊNH
Về chế độ chi tiêu hội nghị, công tác phí, trang bị, quản lý và sử dụng điện thoại trong các cơ quan sử dụng ngân sách địa phương
(Ban hành kèm theo Quyết định số 77/1998/QĐ-UB
ngày 23/9/1998 của UBND tỉnh Bắc Ninh)
A- NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG:
I- Ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí cho các cơ quan, đơn vị tổ chức các hội nghị triển khai chế độ chính sách, hội nghị tập huấn chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật, chi tiếp khách, công tác phí cho cán bộ công chức Nhà nước đi công tác trong nước, mua sắm một số tài sản công và đảm bảo phục vụ cho nhu cầu thông tin liên lạc của cơ quan theo qui định.
II- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thi hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn kinh phí trong dự toán hàng năm của cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
1- Đối với việc tổ chức các hội nghị: Phải bố trí hợp lý về nội dung, thành phần mời dự, địa điểm và làm tốt công tác chuẩn bị.
2- Đối với việc cử cán bộ đi công tác: Thủ trưởng đơn vị phải xem xét cụ thể mục đích, yêu cầu, nội dung công việc cần thực hiện, số lượng và thời gian cử cán bộ đi công tác.
3- Đối với việc trang bị và sử dụng phương tiện thông tin liên lạc: Phải căn cứ vào yêu cầu công việc của cơ quan, đơn vị để trang bị cho phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng qui định của nhà nước.
III- Mọi khoản chi được qui định tại văn bản này phải được thực hiện nghiêm túc. Người nào quyết định chi sai hoặc cố tình làm sai dưới bất cứ hình thức nào đều phải xử lý theo qui định của Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
IV- Cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng kinh phí trước, trong và sau khi chi theo đúng qui định của Bộ Tài chính.
B- NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ:
I- Chế độ hội nghị:
1- Thẩm quyền xét duyệt, tổ chức hội nghị:
1.1- Hội nghị có qui mô toàn tỉnh phải được Thường trực Tỉnh uỷ hoặc Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho phép bằng văn bản mới được tổ chức, bao gồm:
Đại hội các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Các hội nghị được ghi vào chương trình công tác hàng tháng của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh.
Các hội nghị mang tính chất chuyên đề của các ngành.
Tổ chức kỷ niệm ngày thành lập ngành.
Hội nghị tập huấn có thời gian 3 ngày trở lên.
1.2- Các hội nghị do Thủ trưởng các đơn vị duyệt:
Hội nghị giao ban định kỳ nội bộ.
Hội nghị sơ kết 6 tháng, tổng kết năm trong nội bộ cơ quan đơn vị;
Hội nghị tập huấn chuyên môn của ngành từ 2 ngày trở xuống;
Hội nghị chuyên ngành xử lý các công việc cuối năm theo qui định của Nhà nước.
Hội thảo chuyên đề của đơn vị.
2- Thời gian tổ chức hội nghị:
Thời gian tổ chức hội nghị không quá 3 ngày; các lớp tập huấn không quá 7 ngày.
3- Chế độ chi hội nghị:
3.1- Mức tiền ăn:
Hội nghị ngành cấp Trung ương tổ chức tại tỉnh chi 25.000đ/ngày/người.
Hội nghị do các đơn vị cấp tỉnh tổ chức chi 20.000đ/ngày/người.
Hội nghị do huyện, thị xã tổ chức chi 15.000đ/ngày/người
Hội nghị do cấp xã, phường, thị trấn tổ chức chi 10.000đ/ngày/người.
3.2- Mức chi tiền thuê chỗ ở:
Mức chi tiền thuê chỗ ở cho đại biểu dự hội nghị áp dụng theo mức chi tiền thuê chỗ ở cho cán bộ đi công tác thực tế có nhu cầu thuê chỗ ở. Cụ thể như sau:
Hội nghị ngành cấp tỉnh, hội nghị tập huấn chuyên đề do các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tổ chức, mức chi không quá 50.000đ/ngày/người.
Hội nghị cấp huyện, thị xã chi không quá 40.000đ/ngày/người.
Mức chi trên chỉ áp dụng cho các trường hợp hội nghị được tổ chức từ 02 ngày trở lên hoặc 02 ngày tính cả thời gian đi và về. Các trường hợp đại biểu không phải thuê chỗ ở hoặc ngủ tại phòng khách các cơ quan thì không phải chi tiền thuê chỗ ở.
3.3- Đóng góp của đại biểu đi dự hội nghị:
Đại biểu dự hội nghị có đăng ký ăn, nghỉ với cơ quan tổ chức hội nghị thì nộp đủ tiền ăn, tiền thuê chỗ ở cho cơ quan tổ chức hội nghị:
Đại biểu hưởng lương từ ngân sách đi dự hội nghị do Trung ương tổ chức thì tự trả tiền ăn, nghỉ bằng tiền công tác phí và một phần tiền lương của mình theo chế độ qui định tại Thông tư 93/1998/TT-BTC ngày 30/6/1998 của Bộ Tài chính.
Đối với đại biểu hưởng lương từ Ngân sách dự hội nghị do ngành cấp tỉnh tổ chức, có nhu cầu hay không có nhu cầu ăn, nghỉ tại hội nghị đều phải dùng tiền công tác phí và một phần tiền lương của mình để tự chi bữa ăn sáng và bữa ăn chiều của mình và nộp tiền ngủ (nếu có nhu cầu) theo chế độ qui định.
Đối với đại biểu không hưởng lương từ Ngân sách do cơ quan tổ chức hội nghị chi tiền ăn, tiền thuê chỗ ở không quá mức qui định trên.
4- Cơ quan tổ chức hội nghị được chi các khoản sau:
Tiền thuê hội trường (nếu có) trong ngày tổ chức hội nghị.
Tiền thuê hội trường (nếu có) trong ngày tổ chức hội nghị. nhu cầu mua để bù đắp chi phí, không tính lãi.
Chi tiền ăn, tiền thuê chỗ ngủ, tiền tàu xe cho đại biểu không hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước theo qui định của Nhà nước.
Chi tiền ăn bữa trưa cho các đại biểu hưởng lương từ ngân sách bao gồm cả đại biểu là cán bộ xã, phường, thị trấn có hưởng sinh hoạt phí:
Đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã tổ chức hội nghị được chi 10.000đ/ngày/người.
Cấp xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị được chi 5.000đ/ngày/người.
Nếu đại biểu không có nhu cầu ăn tại hội nghị thì được thanh toán bằng tiền.
Riêng các cuộc hội nghị tổng kết năm của các cơ quan hoặc toàn ngành trực thuộc tỉnh được chi tiền ăn 25.000đ/ngày/người; cấp huyện được chi 20.000đ/ngày/người.
Tiền thuê xe ô tô đưa đón đại biểu từ nơi nghỉ đến nơi họp, tập huấn (nếu có)
Các khoản chi khác: Tiền nước uống cho đại biểu; bồi dưỡng báo cáo viên; tiền làm thêm giờ của cán bộ công chức cơ quan phục vụ hội nghị; trang trí hội trường và thuốc chữa bệnh thông thường cho các đại biểu thực hiện theo chế độ Nhà nước đã qui định.
5- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn quán triệt tinh thần tiết kiệm, không phô trương, hình thức.
Tất cả các hội nghị, hội thảo, tập huấn phải chi theo tinh thần tiết kiệm, không chi tham quan, nghỉ mát, văn nghệ, chụp ảnh và bất kỳ khoản chi nào khác ngoài các khoản chi do Nhà nước qui định.
6- Trước khi tổ chức hội nghị, hội thảo các cơ quan đơn vị lập dự toán chi tiêu hội nghị gửi cơ quan Tài chính cùng cấp và Kho bạc nơi cơ quan, đơn vị giao dịch.
Cơ quan Tài chính các cấp có trách nhiệm kiểm tra dự toán chi hội nghị của đơn vị, đảm bảo đúng chế độ qui định tại văn bản này và căn cứ vào dự toán ngân sách năm, mục 112 "Hội nghị" làm thủ tục thông báo hạn mức cho đơn vị.
Kho bạc Nhà nước kiểm tra hồ sơ chứng từ, lệnh chuẩn chi của Thủ trưởng đơn vị về chi hội nghị đảm bảo tính hợp pháp của chứng từ phù hợp với hạn mức kinh phí chi hội nghị của đơn vị, làm thủ tục thanh toán kinh phí chi hội nghị cho đơn vị.
Sau khi kết thúc hội nghị đơn vị phải làm quyết toán gửi cơ quan Tài chính (có danh sách đại biểu đính kèm), chứng từ chi phải đúng qui trình của Bộ Tài chính. Cơ quan Tài chính có trách nhiệm kiểm tra chi hội nghị của các đơn vị và xuất toán những khoản chi sai chế độ, vượt dự toán được duyệt.
7- Kinh phí hội nghị:
Đã được bố trí trong dự toán hàng năm của cơ quan đơn vị, hết năm, nếu không chi hết, đơn vị được chuyển sang chi các các nội dung khác sau khi đã thống nhất với cơ quan Tài chính cùng cấp.
II- Chế độ công tác phí:
Công tác phí là một khoản chi phí trả cho cán bộ, công chức Nhà nước được cử đi công tác trong nước để trả tiền vé xe cho bản thân, cước hành lý tài liệu mang theo để làm việc (nếu có), chi phí cho cán bộ, công chức Nhà nước trong những ngày đi đường và ở nơi đến công tác. Cụ thể như sau:
1- Cán bộ công chức đi công tác trong nội tỉnh:
1.1- Cán bộ đi công tác thường xuyên thì được thanh toán công tác phí theo mức khoán hàng tháng:
Cán bộ đi công tác 20 ngày trở lên trong tháng, mức khoán tối đã 100.000đ/tháng.
Cán bộ đi công tác từ 10 ngày đến dưới 20 ngày trong tháng, mức khoán tối đa 80.000đ/tháng.
Các trường hợp khác mức khoán tối thiểu không dưới 50.000đ/tháng và tối đa không quá 80.000đ/tháng.
1.2- Cán bộ đi dự hội nghị theo giấy triệu tập thì thanh toán cho từng cuộc theo chế độ công tác phí qui định tại điểm 2 (phần II)dưới đây:
2- Cán bộ công chức đi công tác ngoài tỉnh:
2.1- Thanh toán tiền tàu xe:
Cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác nếu có đủ vé tàu, vé xe hợp pháp thì được thanh toán tiền tàu xe theo giá cước thông thường Nhà nước đã qui định.
Trường hợp tự túc phương tiện thì được thanh toán tiền tàu xe theo giá cước vận tải ô tô hành khách Nhà nước tại địa phương theo số km thực tế đi và cước phí qua đò, phà, cầu, đường mà cán bộ trực tiếp chi trả.
Trường hợp đi công tác bằng xe ô tô cơ quan thì không được thanh toán tiền tàu xe.
2.2- Phụ cấp công tác phí:
Phụ cấp công tác phí nhằm hỗ trợ cán bộ, công chức Nhà nước khi đi công tác có thêm tiền để trả đủ mức ăn bình thường hàng ngày (không có rượu bia) và thuê chỗ nghỉ tại nơi đến công tác.
Phụ cấp công tác phí tính theo số ngày đi công tác thực tế và được tính từ ngày bắt đầu đi đến khi về cơ quan.
Mức phụ cấp không quá 20.000đ/ngày nếu đi công tác tại tỉnh đồng bằng trung du.
Mức phụ cấp không quá 40.000đ/ngày nếu đi công tác tại vùng núi cao, biên giới, hải đảo.
Những trường hợp không được thanh toán công tác phí:
Thời gian điều trị tại bệnh viện, trạm xá, bệnh xá, nhà điều dưỡng, dưỡng sức.
Những ngày làm việc riêng trong thời gian đi công tác.
Những ngày học tập ở trường lớp đào tạo tập trung ngắn hạn hoặc dài hạn.
Những ngày được giao nhiệm vụ thường trú hoặc biệt phái ở một địa phương hoặc cơ quan khác.
2.3- Thanh toán tiền thuê chỗ ở tại nơi đến công tác:
Cán bộ Nhà nước đi dự hội nghị do các cơ quan Trung ương tổ chức được thanh toán tiền thuê chỗ ở theo hoá đơn thu tiền thực tế nhưng không quá mức tối đa qui định dưới đây:
90.000đ/ngày đối với trường hợp đi công tác ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
60.000đ/ngày đối với trường hợp đi công tác ở các tỉnh khác.
Đối với các trường hợp cán bộ công chức đi dự hội nghị của các ngành cấp tỉnh tổ chức nếu có nhu cầu thuê chỗ ở thì được thanh toán theo hoá đơn thực tế nhưng tối đa không quá 50.000đ/ngày và tổ chức tại các huyện không quá 40.000đ/ngày.
Đối với các trường hợp cán bộ được cấp có thẩm quyền cử đi công tác ở tỉnh ngoài thì được thanh toán tiền thuê chỗ ở theo hoá đơn thu tiền thực tế nhưng không quá mức tối đa qui định sau:
120.000đ/ngày đối với trường hợp đi công tác tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
80.000đ/ngày đối với trường hợp đi công tác ở các tỉnh khác.
Trường hợp cán bộ đi công tác một mình hoặc đoàn công tác có lẻ người khác giới phải thuê phòng riêng thì được thanh toán tối đa không quá mức sau:
150.000đ/ngày đối với trường hợp đi công tác ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
90.00đ/ngày đối với trường hợp đi công tác ở các tỉnh khác.
Các trường hợp cán bộ công chức đi công tác không phải thuê hoặc không có nhu cầu thuê chỗ ngủ thì không được tính mức thuê trên để thanh toán cho cán bộ, công chức.
Trường hợp đi công tác ở tỉnh ngoài phải nghỉ tại các vùng nông thôn không có nhà khách, nhà nghỉ nên không có hoá đơn tiền thuê chỗ ở thì được thanh toán theo mức khoán tối đa không quá 30.000đ/ ngày.
2.4- Đoàn cán bộ đi công tác đột xuất để giải quyết các nhiệm vụ đặc biệt theo Quyết định của Thường trực Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh mà phải nghỉ tại nơi đến công tác thì được hưởng mức công tác phí:
Phụ cấp công tác phí: 20.000đ/ngày/người.
Khoán tiền thuê chỗ ở qua đêm: 30.000đ/ngày/người.
3- Qui định về thanh toán tiền vé máy bay:
Cán bộ đi công tác được thanh toán tiền vé máy bay gồm:
Cán bộ lãnh đạo cấp Sở, ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã và tương đương trở lên.
Cán bộ là chuyên viên chính và các chức danh khác có mức lương từ hệ số 4,47 trở lên.
4- Quản lý chi công tác phí:
Dự toán chi công tác phí được cơ quan có thẩm quyền giao ngay từ đầu năm.
Mức giao này là mức tối đa, nếu đơn vị không sử dụng hết số tiết kiệm được về công tác phí, cơ quan được chuyển sang phục vụ cho nhu cầu thiết thực khác sau khi đã báo cáo và thống nhất với cơ quan Tài chính cùng cấp.
Trường hợp có thành lập đoàn công tác liên ngành, liên cơ quan thì cơ quan chủ trì được chi cho các nội dung có liên quan chung (như tiền văn phòng phẩm, thuê xe ô tô); Cơ quan có cán bộ đi công tác thanh toán tiền công tác phí cho cán bộ được cử đi công tác theo chế độ qui định.
Khoản chi công tác phí qui định trên được quyết toán vào mục 113 theo chương, loại, khoản tương ứng của mục lục NSNN.
Ngoài mức chi công tac phí qui định tại bản hướng dẫn này, các đơn vị không được sử dụng NSNN để chi thêm bất cứ một khoản chi nào dưới bất cứ hình thức nào cho cán bộ đi và đến công tác tại đơn vị.
Những khoản chi công tác phí không đúng qui định nêu trên, khi kiểm tra cơ quan Tài chính có quyền xuất toán. Người nào ra lệnh chi sai phải chịu trách nhiệm bồi hoàn và xử phạt theo qui định.
III- Chế độ trang bị, quản lý và sử dụng phương tiện thông tin điện thoại, fax:
1- Trang bị phương tiện thông tin, điện thoại, fax:
1.1 - Đối với cơ quan, đơn vị lớn (Sở, ban, ngành, các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội) và huyện uỷ, UBND các huyện, thị xã mỗi phòng làm việc của các đồng chí lãnh đạo được trang bị một máy điện thoại cố định loaị thông thường. Các phòng, ban chuyên môn, tuỳ theo tính chất công việc thủ trưởng cơ quan quyết định bố trí máy điện thoại cho phù hợp, đảm bảo tiết kiệm và đáp ứng yêu cầu công tác.
1.2- Đối với cơ quan đơn vị nhỏ (Các tổ chức xã hội nghề nghiệp) và UBND các xã, phường, thị trấn mỗi đơn vị được trang bị một máy điện thoại cố định loại thông thường.
1.3- Điện thoại di động chỉ trang bị cho các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Ban Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thư ký riêng của Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (ở tỉnh và ở huyện), Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã. Trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì không nhất thiết phải trang bị.
1.4- Máy nhắn tin trang bị cho các trường hợp phải đi công tác lưu động không thể lắp máy điện thoại cố định, để đảm bảo thông tin giữa cơ quan và người được cử đi công tác, do Thủ trưởng cơ quan quyết định.
1.5- Trang bị máy fax: Các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội tuỳ theo tình hình cụ thể được trang bị tối đa 01 máy để phục vụ cho công việc chung của cơ quan.
2- Quản lý sử dụng:
2.1- Thủ trưởng các đơn vị phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng phương tiện thông tin liên lạc trong đơn vị mình.
2.2- Trừ các máy của lãnh đạo, mỗi đơn vị được sử dụng một máy điện thoại gọi liên tỉnh, việc quy định máy nào được gọi liên tỉnh do Thủ trưởng cơ quan quyết định, các máy khác chỉ được gọi trong phạm vi nội tỉnh.
2.3- Việc sử dụng máy fax gọi liên tỉnh, quốc tế phải được Thủ trưởng đơn vị hoặc người được uỷ quyền duyệt nội dung cần giao dịch.
2.4- Các phương tiện thông tin liên lạc được trang bị trong các đơn vị chỉ phục vụ cho nhu cầu công tác của đơn vị, không dùng cho mục đích cá nhân.
2.5- Các máy điện thoại cố định trang bị trong các cơ quan, khi gọi liên tỉnh, quốc tế hoặc gọi vào máy di động phải mở sổ theo dõi từng cuộc giao dịch (theo mẫu đính kèm). Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm duyệt chấp nhận thanh toán cho từng cuộc gọi điện này.
2.6- Mọi cán bộ công chức Nhà nước không dùng điện thoại trong cơ quan vào việc riêng, người nào sử dụng điện thoại vào việc riêng phải trả tiền cho bưu điện.
2.7- Cuối mỗi tháng, các bộ phận sử dụng điện thoại phải gửi sổ theo dõi các cuộc giao dịch liên tỉnh, quốc tế, máy di động cho bộ phận kế toán tài vụ của đơn vị. Kế toán đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với bản cước phí điện thoại của cơ quan bưu điện để loại trừ những cuộc giao dịch điện thoại không được cấp có thẩm quyền duyệt và yêu cầu người sử dụng điện thoại phải trả tiền cước phí điện thoại cuộc giao dịch đó.
2.8- Mức thanh toán cước phí đàm thoại, UBND tỉnh tạm thời qui định như sau:
Đối với máy cố định mỗi tháng không quá 200.000đ.
Đối với mày di động mỗi tháng không quá 400.000đ
Trường hợp một người được trang bị cả máy cố định và máy di động thì mức thanh toán tiền cước phí cho cả 2 máy không quá 450.000đ, trong đó:
Máy cố định: không quá 150.000đ
Máy di động: Không quá 300.000đ
Mọi trường hợp sử dụng vào mục đích cá nhân thì cá nhân sử dụng máy phải thanh toán tiền cước cho Bưu điện.
Đối với cơ quan tiết kiệm chi phí lắp đặt điện thoại nên số cuộc đàm thoại ở một số máy có thể tăng lên nhưng mức thanh toán chung không vượt quá mức khoán quy định như khi lắp đủ máy.
2.10- Các trường hợp đã trang bị điện thoại cố định, máy di động, máy nhắn tin thừa hoặc không đúng với hướng dẫn tại văn bản này, tạm thời đơn vị chưa phải thu hồi lại các máy đó nhưng phải thông báo cho cơ quan bưu điện để cắt thuê bao hoặc cá nhân có nhu cầu sử dụng thì phải tự thanh toán cước cho Bưu điện.
3- Trang bị điện thoại nhà riêng:
3.1- Đối tượng:
3.1.1- Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
3.1.2- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
3.1.3- Chánh văn phòng Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành và Trưởng các cơ quan trực thuộc Tỉnh uỷ và các cấp lãnh đạo tương đương, Chủ tịch các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp thuộc tỉnh quản lý.
3.1.4- Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã.
3.1.5- Phó Giám đốc các Sở, ngành và cấp Phó các cơ quan trực thuộc Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch các đoàn thể quần chúng ở tỉnh hưởng nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thị xã.
3.2- Nội dung chi trang bị điện thoại nhà riêng:
Chi lắp đặt máy ban đầu, chi thiết kế phí, chi mua máy thông thường (dưới 500.000đ/máy) chi mua dây, thuê công lắp đặt theo giá hợp đồng với ngành Bưu điện.
Chi trả tiền thuê bao hàng tháng theo mức khoán của ngành Bưu điện.
Hỗ trợ chi tiền cước đàm thoại đường dài trong những trường hợp phục vụ cho công việc chung của đơn vị theo các mức sau:
Máy của các đối tượng 3.1.1 hỗ trợ 120.000đ/tháng.
Máy của các đối tượng 3.1.2 hỗ trợ 100.000đ/tháng.
Máy của các đối tượng 3.1.3 và 3.1.4 hỗ trợ 80.000đ/tháng.
Máy của các đối tượng 3.1.5 hỗ trợ 60.000đ/tháng
Các trường hợp cước điện thoại lớn hơn mức khoán (thuê bao cộng phần hỗ trợ) thì phải tự thanh toán cước điện thoại với Bưu điện.
Các đối tượng khác thực hiện theo Thông tư số 71/TC-HCSN ngày 30/9/1995 của Bộ Tài chính.
4- Hạch toán:
Cước phí điện thoại, điện tín được hạch toán vào mục 111 "Thông tin liên lạc" theo chương, loại, khoản tương ứng của mục lục NSNN.
C- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1- Các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các qui định và hướng dẫn các đơn vị cấp dưới làm đúng và công khai Tài chính theo qui định. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao quản lý sử dụng vốn và tài sản Nhà nước có trách nhiệm trực tiếp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
2- Các doanh nghiệp Nhà nước căn cứ vào văn bản hướng dẫn này để qui định riêng cho phù hợp với tính chất hoạt động của từng doanh nghiệp và công khai hoá trong từng doanh nghiệp.
3- Sở Tài chính vật giá phối hợp với Kho bạc Nhà nước thực hiện công khai hoá các mục chi qui định trong văn bản này đối với tất cả các cơ quan đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước trong toàn tỉnh theo định kỳ từng tháng hoặc từng quí.
4- Các cơ quan: Báo Bắc Ninh, Đài phát thanh truyền hình có trách nhiệm tuyên truyền thực hiện các qui định của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
5- Các cơ quan đơn vị làm tốt thì được khen thưởng, các cơ quan đơn vị vi phạm qui định gây lãng phí và thất thoát Ngân sách Nhà nước thì tuỳ theo mức độ mà xử lý và bồi hoàn theo qui định của pháp luật.
6- Văn bản này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/1998. Các văn bản hướng dẫn trước đây trái với Qui định này đều bãi bỏ./.