QUY?T Đ?NHQUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Về việc ban hành Quy định về thanh tra vệ sinh lao động
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Bộ Luật Lao động và Pháp lệnh Thanh tra;
Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 11/10/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp;
Căn cứ Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế số 332/BYT-QĐ ngày 3/3/1997 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Thanh tra Vệ sinh;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về thanh tra Vệ sinh lao động".
Điều 2. Thanh tra Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các ông/bà Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY ĐỊNH VỀ THANH TRA VỆ SINH LAO ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 831/2001/QĐ-BYT
ngày 19 tháng 03 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
Quy định này quy định về thanh tra việc chấp hành những quy định của pháp luật về vệ sinh lao động của các tổ chức và cá nhân (gọi chung là cơ sở) có sử dụng lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động bao gồm:
- Các doanh nghiệp Nhà nước.
- Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế khác.
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
- Các cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội (trừ các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 191 Bộ Luật Lao động, bao gồm các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, đường hàng không và các lực lượng vũ trang).
2. Trách nhiệm tổ chức việc thanh tra vệ sinh lao động:
Thanh tra Bộ Y tế (Thanh tra vệ sinh) có trách nhiệm tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức thanh tra vệ sinh lao động trên địa bàn cả nước.
Thanh tra Sở Y tế (Thanh tra vệ sinh) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được gọi chung là tỉnh) có trách nhiệm tham mưu giúp Giám đốc Sở Y tế tỉnh tổ chức thanh tra vệ sinh lao động trong phạm vi lãnh thổ tỉnh thuộc quyền quản lý.
3. Điều kiện để tiến hành thanh tra vệ sinh lao động:
Việc thanh tra vệ sinh lao động chỉ được tiến hành khi có một trong các điều kiện sau:
- Kế hoạch công tác thanh tra vệ sinh lao động được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Kế hoạch phúc tra vệ sinh lao động đã được quy định tại kết luận hoặc biên bản thanh tra của cuộc thanh tra trước đó liền kề.
- Đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh vi phạm pháp luật về vệ sinh lao động.
Những vụ việc do Thủ trưởng cơ quan cấp trên giao.
- Do tổ chức Thanh tra hoặc Thanh tra viên đề xuất khi phát hiện thấy có vi phạm pháp luật vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp
4. Các hình thức thanh tra:
Thanh tra định kỳ theo kế hoạch.
Thanh tra đột xuất giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh vi phạm pháp luật vệ sinh lao động hoặc thực hiện nhiệm vụ do cấp trên giao.
- Phúc tra.
CHƯƠNG II
QUY TRÌNH TIẾN HÀNH THANH TRA VỆ SINH LAO ĐỘNG
BƯỚC 1
CHUẨN BỊ THANH TRA
1. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Thanh tra:
1.1. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra.
Chánh Thanh tra Bộ Y tế căn cứ vào hướng dẫn của Tổng Thanh tra Nhà nước và yêu cầu công tác của Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra vệ sinh lao động, trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.
Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh căn cứ vào hướng dẫn của Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Nhà nước tỉnh và yêu cầu công tác của Sở Y tế có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra vệ sinh lao động, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định phân cấp của địa phương. Nội dung kế hoạch thanh tra phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, phương pháp thanh tra, thời gian thanh tra, cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện.
1.2. Ban hành Quyết định Thanh tra:
Căn cứ kế hoạch công tác thanh tra vệ sinh lao động đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Chánh Thanh tra Sở Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế ban hành Quyết định thanh tra hoặc tự ban hành Quyết định thanh tra theo quy định phân cấp. Nội dung Quyết định thanh tra phải ghi rõ:
+ Căn cứ để ban hành Quyết định thanh tra.
+ Chức danh của người ban hành Quyết định thanh tra.
+ Nội dung và đối tượng thanh tra.
+ Danh sách và chức vụ các thành viên Đoàn Thanh tra.
+ Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Thanh tra, nhiệm vụ của các đơn vị chuyên môn kỹ thuật trong việc đo, kiểm tra các yếu tố môi trường lao động.
+ Quyền và nghĩa vụ của cơ sở được thanh tra.
+ Thời gian thanh tra và việc tổ chức thực hiện.
2. Trách nhiệm của Trưởng đoàn Thanh tra:
Sau khi có quyết định thanh tra, Trưởng đoàn Thanh tra phải tiến hành công tác chuẩn bị bao gồm:
2.1. Triệu tập họp Đoàn Thanh tra, quán triệt mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung, đối tượng, thời gian thanh tra cho mọi thành viên trong Đoàn.
2.2. Bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Đoàn.
Trường hợp cần đo, kiểm tra các yếu tố môi trường lao động:
- Trưởng Đoàn Thanh tra của Bộ Y tế đề nghị Chánh Thanh tra Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế trưng tập các cơ quan chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh lao động của Bộ Y tế, Sở Y tế để thực hiện.
- Trưởng Đoàn Thanh tra của Sở Y tế đề nghị Chánh Thanh tra Sở Y tế trình Giám đốc Sở Y tế trưng tập các cơ quan chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh lao động của Sở Y tế để thực hiện. Nếu Trung tâm Y tế dự phòng/trung tâm Y tế lao động tỉnh không đủ khả năng thực hiền việc đo kiểm tra các yếu tố môi trường lao động thì Sở Y tế được mời các Viện trong hệ Y tế dự phòng của Bộ Y tế có chức năng đo kiểm các yếu tố môi trường lao động hoặc các Trung tâm Y tế lao động ngành đã được Bộ Y tế cho phép đo kiểm môi trường lao động tiến hành đo.
- Tìm hiểu, thu thập tài liệu về tình hình hoạt động của đối tượng thanh tra và các văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn vệ sinh lao động phục vụ cho việc thanh tra.
- Xây dựng đề cương, kế hoạch cụ thể cho cuộc thanh tra.
- Căn cứ vào Quyết định thanh tra và kế hoạch cụ thể của Đoàn, Trưởng Đoàn có trách nhiệm gửi thông báo và đề cương thanh tra cho cơ sở trước khi Đoàn Thanh tra đến làm việc ít nhất 7 ngày (trừ trường hợp thanh tra đột xuất). Thông báo thanh tra phải ghi rõ chủ cơ sở có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản việc thực hiện các quy định của pháp luật vệ sinh lao động, chương trình và thời gian làm việc của Đoàn Thanh tra, thành phần tham dự của cơ sở (chủ cơ sở các bộ phận chức năng liên quan).
BƯỚC 2
TIẾN HÀNH THANH TRA
1. Công bố Quyết định thanh tra:
Khi bắt đầu cuộc thanh tra, Trưởng Đoàn phải làm việc với chủ cơ sở được thanh tra và các cá nhân có liên quan đến nội dung cuộc thanh tra để công bố Quyết định Thanh tra.
2. Báo cáo của chủ cơ sở về việc thực hiện pháp luật vệ sinh lao động.
Sau khi công bố Quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn Thanh tra yêu cầu chủ cơ sở báo cáo việc thực hiện pháp luật vệ sinh lao động của cơ sở theo đề cương thanh tra đã gửi trước (trường hợp thanh tra đột xuất thì không nhất thiết phải có đề cương thanh tra mà Trưởng Đoàn yêu cầu chủ cơ sở báo cáo những vấn đề thuộc nội dung thanh tra được ghi trong Quyết định Thanh tra) và yêu cầu cơ sở xuất trình các tài liệu về vệ sinh lao động để Đoàn kiểm tra.
3. Kiểm tra hồ sơ, tài liệu vệ sinh lao động.
Căn cứ đặc điểm hoạt động, việc chấp hành những quy định vệ sinh lao động của cơ sở, kết quả thực hiện và những tồn tại của cơ sở đối với các kiến nghị của Đoàn Thanh tra, kiểm tra trước đó liền kề mà Đoàn tập trung kiểm tra một số hay toàn bộ hồ sơ, tài liệu vệ sinh lao động theo yêu cầu của cuộc thanh tra (phụ lục 1).
4. Kiểm tra hiện trường:
4.1. Yêu cầu:
- Xác minh thực chất những nội dung báo cáo của cơ sở.
- Xem xét, đánh giá thực chất việc thực hiện các quy định pháp luật vệ sinh lao động của cơ sở tại hiện trường.
Tuỳ theo mặt bằng, quy mô sản xuất, hoạt động của cơ sở mà Trưởng Đoàn có thể bố trí thành một đoàn hay chia thành từng nhóm nhỏ để kiểm tra nhưng mỗi nhóm ít nhất phải có 2 người và phải có đại diện của cơ sở đi cùng.
4.2. Nội dung kiểm tra tại hiện trường (phụ lục 2).
Việc tổ chức kiểm tra tại hiện trường phải được tiến hành ở tất cả các khu vực sản xuất, làm việc của cơ sở nhưng cần tập trung vào các khu vực có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại.
BƯỚC 3
KẾT THÚC CUỘC THANH TRA
1. Tổng hợp tình hình.
Trưởng Đoàn Thanh tra yêu cầu các nhóm, các thành viên của Đoàn báo cáo kết quả kiểm tra theo nội dung được phân công để thư ký tổng hợp và Trưởng Đoàn Thanh tra viết kết luận hoặc biên bản thanh tra.
2. Dự thảo kết luận hoặc biên bản thanh tra:
2.1. Thủ tục hành chính cần ghi rõ:
- Các căn cứ pháp luật để tiến hành cuộc thanh tra.
- Thời gian tiến hành thanh tra.
- Danh sách, chức vụ các thành viên Đoàn Thanh tra.
- Đại biểu tham dự (nếu có).
- Tên và địa chỉ cơ sở được thanh tra.
- Tên của chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp của chủ cơ sở được thanh tra.
2.2. Nội dung và kết quả thanh tra:
Ghi đầy đủ, chi tiết việc thực hiện của cơ sở đối với từng điều khoản của luật và các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh lao động.
2.3. Kết luận thanh tra:
Trên cơ sở kết quả thanh tra, căn cứ vào quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, Đoàn Thanh tra đưa ra kết luận việc chấp hành của cơ sở về vệ sinh lao động. Kết luận thanh tra cần nêu rõ:
Những điều khoản của luật đã được cơ sở thực hiện.
Những điều khoản của luật chưa được cơ sở thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa đầy đủ. Đối với những điều khoản của luật theo báo cáo của cơ sở đã thực hiện nhưng qua kiểm tra tài liệu hoặc kiểm tra thực tế không có bằng chứng chứng minh báo cáo của cơ sở là đúng thì coi như chưa thực hiện.
Dự thảo kết luận hoặc biên bản thanh tra phải được các thành viên của Đoàn thảo luận, thống nhất. Trường hợp có những ý kiến khác nhau trong đoàn thì Trưởng Đoàn kết luận và chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định thanh tra.
2.4. Kiến nghị của Đoàn Thanh tra:
Căn cứ kết quả kiểm tra tại cơ sở, Đoàn Thanh tra đề xuất các kiến nghị cụ thể để cơ sở khắc phục những tồn tại.
2.5. Xử lý của Đoàn Thanh tra:
Căn cứ tính chất, mức độ hành vi vi phạm của cơ sở, Đoàn Thanh tra tiến hành xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với các hành vi vi phạm phải xử lý bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền thì Đoàn Thanh tra phải lập biên bản theo mẫu biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Y tế ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế số 1416/BYT-QĐ ngày 22 tháng 8 năm 1996 nhưng trong kết luận hoặc biên bản thanh tra phải ghi tóm tắt hành vi vi phạm và hình thức xử lý hoặc kiến nghị xử lý của Đoàn Thanh tra.
3. Công bố dự thảo kết luận hoặc biên bản thanh tra:
Dự thảo kết luận hoặc biên bản thanh tra và biên bản vi phạm hành chính (nếu có) phải được công bố tại cuộc họp giữa Đoàn Thanh tra với chủ cơ sở và các bộ phận chức năng liên quan theo các bước sau:
- Trưởng Đoàn Thanh tra đọc kết luận hoặc biên bản thanh tra, biên bản vi phạm hành chính (nếu có).
- Chủ cơ sở phát biểu ý kiến về kết luận, kiến nghị của Đoàn Thanh tra được ghi trong kết luận hoặc biên bản thanh tra, biên bản vi phạm hành chính (nếu có).
Trường hợp chủ cơ sở có những ý kiến chưa nhất trí với nội dung dự thảo kết luận hoặc biên bản thanh tra và biên bản vi phạm hành chính (nếu có) thì chủ cơ sở có quyền ghi ý kiến của mình vào phần cuối của kết luận hoặc biên bản thanh tra hay biên bản vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ký vào kết luận hoặc biên bản thanh tra và biên bản vi phạm hành chính (nếu có).
Kết luận hoặc biên bản thanh tra, biên bản vi phạm hành chính (nếu có) phải được lập thành 02 bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ một bản.
4. Họp Đoàn thanh tra kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Sau khi kết thúc đợt thanh tra, Trưởng Đoàn Thanh tra phải tổ chức họp Đoàn để rút kinh nghiệm quá trình thanh tra, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các thành viên trong Đoàn.
5. Báo cáo kết quả của cuộc thanh tra lên cấp trên.
Báo cáo cần nêu rõ:
- Tình hình triển khai tiến hành cuộc thanh tra.
- Kết quả của cuộc thanh tra.
- Đề xuất kiến nghị của Đoàn Thanh tra, kiến nghị của cơ sở được thanh tra.
6. Quản lý và lưu trữ hồ sơ thanh tra.
Tất cả các hồ sơ, tài liệu hình thành trong quá trình thanh tra phải được bảo quản, khai thác theo đúng quy định của pháp luật về bảo mật thông tin và hồ sơ lưu trữ.
7. Trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị, quyết định xử lý vi phạm về vệ sinh lao động đối với cơ sở.
Sau khi kết thúc việc thanh tra tại cơ sở, thanh tra Bộ Y tế, thanh tra Sở Y tế phải tổ chức đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị hoặc quyết định xử lý đối với các vi phạm về vệ sinh lao động của cơ sở, trường hợp cơ sở không chấp hành hoặc thực hiện không nghiêm chỉnh các kiến nghị hoặc quyết định xử lý của đoàn thanh tra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có thể tiến hành các biện pháp hành chính khác theo quy định của pháp luật./.