THÔNG TƯ
Hướng dẫn thi hành một số quy định của Quy chế thực hiện Hiệp định hợp tác về
nuôi con nuôi giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Pháp
Căn cứ Quyết định số 142/2000/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Pháp;
Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 04 tháng 06 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;
Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an;
Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Quy chế thực hiện Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Pháp như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này quy định về hồ sơ và hướng dẫn cụ thể một số quy định về thủ tục giải quyết hồ sơ xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi của công dân Pháp và người nước ngoài thường trú tại Pháp theo quy định của Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Pháp (sau đây gọi là Hiệp định) và Quy chế thực hiện Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Pháp (sau đây gọi là Quy chế); quy định về hồ sơ, thủ tục xin cấp Giấy phép hoạt động tại Việt Nam của tổ chức con nuôi của Pháp.
2. Trẻ em được giới thiệu cho làm con nuôi là trẻ em đang ở trong các cơ sở nuôi dưỡng được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) chỉ định để thực hiện Hiệp định. Số lượng các cơ sở nuôi dưỡng được chỉ định tuỳ thuộc vào tình hình và điều kiện thực tế của địa phương. Bản sao văn bản chỉ định cơ sở nuôi dưỡng của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải được gửi cho Bộ Tư pháp, kèm theo địa chỉ và họ tên của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng này.
Chỉ giải quyết cho nhận trẻ em làm con nuôi từ gia đình đối với các trường hợp vì lý do nhân đạo được quy định tại đoạn 2 Điều 3 của Quy chế. Đối với trường hợp xin trẻ em từ gia đình vì lý do nhân đạo khác phải được Bộ Tư pháp chấp thuận trước. Thủ tục chấp thuận trước của Bộ Tư pháp đối với trường hợp này được thực hiện theo quy định tại điểm C.4 mục II của Thông tư này.
II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ HỒ SƠ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT HỒ SƠ XIN NHẬN CON NUÔI
A. HỒ SƠ CỦA NGƯỜI XIN NHẬN CON NUÔI
1. Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 4 của Quy chế, hồ sơ của người xin nhận con nuôi bao gồm các giấy tờ sau đây:
a) Công văn của Cơ quan con nuôi quốc tế của Pháp gửi Bộ Tư pháp Việt Nam;
b) Đơn xin nhận con nuôi theo mẫu quy định;
c) Bản chụp Hộ chiếu còn có giá trị của người xin nhận con nuôi, có chứng thực của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp;
d) Giấy cho phép nhận con nuôi còn có giá trị do Hội đồng cấp tỉnh của Pháp cấp, kèm theo Báo cáo kết quả điều tra xã hội, điều tra tâm lý về người xin nhận con nuôi và lý lịch tư pháp của người đó;
đ) Giấy xác nhận người xin nhận con nuôi có sức khoẻ, không mắc bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm, do cơ sở y tế có thẩm quyền của Pháp cấp chưa quá 6 tháng, tính đến thời điểm Bộ Tư pháp nhận được hồ sơ, giấy này phải có dấu xác nhận của Cơ quan con nuôi quốc tế của Pháp;
e) Giấy xác nhận mức thu nhập hàng năm của người xin nhận con nuôi đủ bảo đảm việc nuôi dưỡng con nuôi (Thông báo thuế thu nhập của năm trước).
2. Công văn của Cơ quan con nuôi quốc tế của Pháp gửi Bộ Tư pháp nói tại điểm 1.a trên đây gồm có những nội dung sau:
a) Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số Hộ chiếu, nơi thường trú, nghề nghiệp, địa chỉ liên hệ của người xin nhận con nuôi;
b) Tình trạng năng lực hành vi dân sự của người xin nhận con nuôi;
c) Khả năng đảm bảo việc nuôi con nuôi (khả năng kinh tế, hoàn cảnh nhân thân, gia đình, tình trạng sức khoẻ, môi trường xã hội) của người xin nhận con nuôi;
d) Lý do xin nhận con nuôi;
đ) Nguyện vọng về trẻ em muốn xin nhận làm con nuôi (độ tuổi, giới tính, các đặc điểm khác mà người xin nhận con nuôi thấy thích hợp); nếu người xin nhận con nuôi xin đích danh trẻ em ở trong cơ sở nuôi dưỡng hoặc từ gia đình, thì phải ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và nơi cư trú của trẻ em đó;
e) Cam kết tiếp tục hoàn tất thủ tục nuôi con nuôi tại Pháp, nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em Việt Nam đã được quyết định cho làm con nuôi.
3. Hồ sơ của người xin nhận con nuôi được lập thành hai bộ. Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài trong hồ sơ phải được dịch ra tiếng Việt, có chứng thực bản dịch của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
B. HỒ SƠ CỦA TRẺ EM ĐƯỢC GIỚI THIỆU LÀM CON NUÔI
1. Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 của Quy chế, hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi bao gồm các giấy tờ sau đây:
a) Bản sao Giấy khai sinh;
b) Giấy chấp thuận cho trẻ em làm con nuôi;
c) Giấy xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên về tình trạng sức khoẻ của trẻ em (nếu tình trạng sức khoẻ của trẻ em có gì đặc biệt cần lưu ý, thì phải được nêu rõ);
Trong trường hợp trẻ em được giới thiệu làm con nuôi thuộc diện bị bỏ rơi, thì còn phải có bản sao Biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi; nếu trẻ em thuộc diện mồ côi, thì phải có bản sao Giấy chứng tử đối với người mẹ và người cha.
Trong trường hợp trẻ em được giới thiệu từ cơ sở nuôi dưỡng, thì phải kèm theo công văn của cơ sở nuôi dưỡng, trong đó ghi rõ: thời gian trẻ em đã ở trong cơ sở nuôi dưỡng; hoàn cảnh gia đình của trẻ em; nhu cầu, sở thích đặc biệt của trẻ em, nếu có; lưu ý về tình trạng sức khoẻ của trẻ em, nếu cần thiết. Công văn của cơ sở nuôi dưỡng phải khẳng định việc chưa có người ở trong nước xin trẻ em đó làm con nuôi và việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài là biện pháp thích hợp nhất cho lợi ích của trẻ em đó.
2. Giấy chấp thuận cho trẻ em làm con nuôi nói tại điểm 1.b trên đây phải do người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng ký, đối với trường hợp trẻ em được giới thiệu làm con nuôi đang ở trong cơ sở nuôi dưỡng; nếu là trẻ em còn cha, mẹ đẻ hoặc có người giám hộ, thì còn phải có ý kiến chấp thuận của những người đó.
Trong trường hợp trẻ em được giới thiệu làm con nuôi từ gia đình thì Giấy chấp thuận phải do cha, mẹ đẻ ký; nếu cha hoặc mẹ đẻ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự, bị tuyên bố là đã chết hoặc mất tích bằng một quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, thì chỉ cần chữ ký của người mẹ hoặc người cha còn sống, có năng lực hành vi dân sự.
Trong trường hợp cha, mẹ đẻ đều đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự, bị tuyên bố là đã chết hoặc mất tích bằng một quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, thì người giám hộ của trẻ em có thẩm quyền ký Giấy chấp thuận.
Người giám hộ nói tại điểm này phải là người đã đăng ký giám hộ theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
3. Nếu trẻ em được giới thiệu làm con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên, thì phải có ý kiến của trẻ em đó đồng ý làm con nuôi người nước ngoài bằng cách ghi trực tiếp vào Giấy chấp thuận cho trẻ em làm con nuôi.
4. Hồ sơ của trẻ em được lập thành hai bộ.
C. MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT HỒ SƠ XIN NHẬN CON NUÔI
1. Ngay sau khi nhận được hồ sơ xin nhận con nuôi, Vụ Quản lý Công chứng, Giám định, Hộ tịch, Quốc tịch, Lý lịch tư pháp (sau đây gọi là Vụ Quản lý Hộ tịch) có trách nhiệm kiểm tra, xem xét toàn bộ hồ sơ; nếu thấy đã đầy đủ và hợp lệ, thì làm thủ tục đề nghị giới thiệu trẻ em theo quy định tại Điều 5 của Quy chế và chịu trách nhiệm về việc hồ sơ của người xin nhận con nuôi khi được gửi cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã đáp ứng đầy đủ các quy định của Hiệp định, Quy chế và Thông tư này.
Trong trường hợp xét thấy hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, thì Vụ Quản lý Hộ tịch thông báo cho Cơ quan con nuôi quốc tế của Pháp để bổ sung, hoàn thiện.
2. Ngay sau khi nhận được hồ sơ của trẻ em do cơ sở nuôi dưỡng hoặc do cha mẹ đẻ, người giám hộ gửi đến, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, xem xét toàn bộ hồ sơ; nếu thấy đã đầy đủ và hợp lệ, thì làm thủ tục chuyển hồ sơ cho Bộ Tư pháp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 của Quy chế và chịu trách nhiệm về việc hồ sơ của trẻ em khi được gửi cho Bộ Tư pháp đã đáp ứng đầy đủ các quy định của Hiệp định, Quy chế và Thông tư này.
Trong trường hợp xét thấy hồ sơ của trẻ em chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, Sở Tư pháp thông báo cho cơ sở nuôi dưỡng hoặc cha mẹ đẻ, người giám hộ để bổ sung, hoàn thiện.
3. Trong khi kiểm tra, xem xét hồ sơ, nếu thấy nguồn gốc của trẻ em không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc giới thiệu trẻ em, nghi ngờ tính xác thực của hồ sơ, giấy tờ, thì Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Cơ quan công an cấp tỉnh thẩm tra theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 của Quy chế. Trong văn bản đề nghị thẩm tra, phải nêu rõ nội dung đề nghị thẩm tra. Văn bản đề nghị thẩm tra, văn bản thông báo kết quả thẩm tra của Cơ quan công an cấp tỉnh phải được gửi cho Bộ Tư pháp kèm theo hồ sơ của trẻ em.
4. Thủ tục xin nhận trẻ em làm con nuôi từ gia đình vì lý do nhân đạo mà không thuộc các trường hợp nói tại đoạn 2 Điều 3 của Quy chế được quy định như sau:
Người xin nhận con nuôi phải làm đơn gửi Bộ Tư pháp Việt Nam trước (thông qua Cơ quan con nuôi quốc tế của Pháp), trong đơn nêu rõ họ và tên trẻ em, địa chỉ thường trú của trẻ em, lý do nhân đạo mà người xin nhận con nuôi muốn xin đích danh trẻ em đó.
Ngay sau khi nhận được đơn, Vụ Quản lý Hộ tịch gửi cho Sở Tư pháp, nơi thường trú của trẻ em để xem xét, kiểm tra tính xác thực của lý do nhân đạo do người xin nhận con nuôi nêu ra; nếu xét thấy lý do nhân đạo là xác thực, được cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ sơ bộ chấp nhận, Sở Tư pháp báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp để trả lời cho người xin nhận con nuôi.
Sau khi nhận được ý kiến chấp thuận của Bộ Tư pháp về lý do nhân đạo, người xin nhận con nuôi mới có thể nộp hồ sơ xin nhận con nuôi theo quy định của Hiệp định.
D. LỄ GIAO NHẬN CON NUÔI
1. Lễ giao nhận con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người xin nhận con nuôi là hai vợ chồng, thì về nguyên tắc cả hai người đều phải có mặt và trực tiếp nhận con nuôi, ký vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi. Trong trường hợp một trong hai người vì lý do sức khoẻ hoặc lý do khách quan khác mà không thể đến được Việt Nam vào thời điểm đã được ấn định để làm thủ tục giao nhận con nuôi, thì có thể chấp nhận việc uỷ quyền của người đó cho người kia.
2. Khi giao nhận con nuôi, Sở Tư pháp trao cho người xin nhận con nuôi các giấy tờ sau đây:
a) Bản chính Quyết định cho nhận con nuôi;
b) Bản chính Biên bản giao nhận con nuôi;
c) Bản chính Giấy khai sinh của con nuôi; trong trường hợp bản chính Giấy khai sinh bị mất hoặc bị hư hỏng đến mức không thể sử dụng được thì thay bằng bản sao Giấy khai sinh từ Sổ đăng ký khai sinh;
d) Bản sao Giấy chấp thuận cho trẻ em làm con nuôi;
đ) Bản sao Giấy chứng tử đối với cha, mẹ đẻ của trẻ em, nếu cha, mẹ đẻ đã chết;
e) Bản sao Biên bản xác nhận tình trạng bị bỏ rơi, nếu trẻ em thuộc diện bị bỏ rơi.
III. HỒ SƠ, THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM ĐỐI VỚI TỔ CHỨC CON NUÔI CỦA PHÁP
A. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM
1. Tổ chức con nuôi của Pháp (sau đây gọi là Tổ chức con nuôi) muốn hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi tại Việt Nam phải làm đơn theo mẫu quy định gửi Bộ Tư pháp Việt Nam xin cấp Giấy phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi là Giấy phép hoạt động).
Kèm theo đơn phải có các giấy tờ sau đây:
a) Bản sao có chứng thực hợp lệ Điều lệ của Tổ chức con nuôi;
b) Bản sao có chứng thực hợp lệ Giấy phép hoạt động tại Việt Nam do Cơ quan con nuôi quốc tế của Pháp cấp;
c) Báo cáo về tình hình hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi trong hai năm gần nhất, kèm theo xác nhận của Cơ quan con nuôi quốc tế của Pháp, trong đó nêu rõ về tình hình thu, chi tài chính liên quan đến hoạt động nuôi con nuôi; nếu Tổ chức con nuôi đã hoạt động tại Việt Nam thì phải có báo cáo về những hoạt động đã tiến hành tại Việt Nam, có xác nhận của cơ quan quản lý Việt Nam;
d) Dự kiến kế hoạch hoạt động tại Việt Nam và kế hoạch trợ giúp kỹ thuật hoặc hỗ trợ nhân đạo cho các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em;
đ) Phiếu lý lịch tư pháp của người được Tổ chức con nuôi dự kiến cử làm đại diện tại Việt Nam;
e) Danh sách và phiếu lý lịch tư pháp của những người được dự kiến tuyển dụng làm việc cho Tổ chức con nuôi tại Việt Nam.
2. Đơn xin cấp Giấy phép hoạt động và các giấy tờ kèm theo được lập thành hai bộ hồ sơ. Giấy tờ bằng tiếng Pháp trong hồ sơ phải được dịch ra tiếng Việt, có chứng thực bản dịch hợp lệ.
B. THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG
1. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Vụ Quản lý Hộ tịch có trách nhiệm xem xét, gửi công văn xin ý kiến của các Bộ, Ngành hữu quan và của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, nơi Tổ chức con nuôi dự kiến đặt trụ sở.
Ngay sau ngày nhận được ý kiến trả lời của các cơ quan nói trên, Vụ Quản lý Hộ tịch có trách nhiệm phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế trình Bộ trưởng xem xét quyết định việc cấp Giấy phép hoạt động.
Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có Quyết định cấp Giấy phép hoạt động, Vụ Quản lý Hộ tịch trao Giấy phép hoạt động cho Tổ chức con nuôi.
Trong trường hợp từ chối cấp Giấy phép hoạt động, Vụ Quản lý Hộ tịch gửi công văn thông báo cho Tổ chức con nuôi, nêu rõ lý do từ chối.
Giấy phép hoạt động được làm thành hai bản chính: một bản cấp cho Tổ chức con nuôi, một bản lưu tại Bộ Tư pháp. Giấy phép hoạt động có hiệu lực không quá 2 năm và có thể được gia hạn, mỗi lần không quá 2 năm.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Giấy phép hoạt động, thông qua Sở Tư pháp, Tổ chức con nuôi phải báo cáo về việc được cấp Giấy phép hoạt động và nộp bản sao Giấy phép hoạt động cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đặt trụ sở.
C. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC NHẬN CON NUÔI
Tổ chức con nuôi đã được Bộ Tư pháp Việt Nam cấp Giấy phép hoạt động, ngoài các quyền và nghĩa vụ được quy định tại khoản 1 Điều 18 của Quy chế, còn có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Được liên hệ với Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp và cơ sở nuôi dưỡng trẻ em để thực hiện những công việc được Cơ quan con nuôi quốc tế của Pháp hoặc được người xin nhận con nuôi uỷ quyền;
2. Được tiến hành các hoạt động trợ giúp kỹ thuật, hỗ trợ nhân đạo cho cơ sở nuôi dưỡng trẻ em trên cơ sở ký kết thoả thuận bằng văn bản với cơ sở nuôi dưỡng. Việc ký kết thoả thuận này phải được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở nuôi dưỡng;
3. Chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở;
4. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
D. THỦ TỤC GIA HẠN, THAY ĐỔI NỘI DUNG GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG
1. Gia hạn Giấy phép hoạt động
Tổ chức con nuôi nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam, các quy định của Hiệp định, Quy chế và Thông tư này thì có thể được gia hạn Giấy phép hoạt động.
Chậm nhất là 60 ngày trước khi Giấy phép hoạt động hết hạn, Tổ chức con nuôi phải có đơn xin gia hạn gửi Bộ Tư pháp. Kèm theo đơn phải có văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở, nhận xét về tình hình hoạt động và nêu ý kiến về việc gia hạn.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn xin gia hạn Giấy phép hoạt động, Vụ Quản lý Hộ tịch có trách nhiệm xem xét và phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế trình Bộ trưởng xem xét quyết định.
Trong trường hợp từ chối gia hạn Giấy phép hoạt động, Vụ Quản lý Hộ tịch gửi công văn thông báo cho Tổ chức con nuôi, nêu rõ lý do từ chối.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận Quyết định gia hạn Giấy phép hoạt động, thông qua Sở Tư pháp, Tổ chức con nuôi phải thông báo về việc được gia hạn và nộp bản sao Quyết định gia hạn Giấy phép hoạt động cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở.
2. Thay đổi nội dung Giấy phép hoạt động
Trong trường hợp Tổ chức con nuôi có thay đổi về tên gọi của Tổ chức, người đứng đầu, trụ sở chính tại Pháp, trụ sở tại Việt Nam, thì phải có văn bản thông báo cho Bộ Tư pháp Việt Nam biết để ghi chú về việc thay đổi này trong Giấy phép hoạt động.
Trong trường hợp Tổ chức con nuôi có yêu cầu thay đổi người đại diện của Tổ chức con nuôi tại Việt Nam, nội dung hoạt động, địa bàn hoạt động tại Việt Nam, thì phải có đơn đề nghị Bộ Tư pháp cho phép việc thay đổi đó. Trong đơn phải ghi rõ nội dung yêu cầu thay đổi và lý do thay đổi.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn xin thay đổi nội dung Giấy phép hoạt động, Vụ Quản lý Hộ tịch có trách nhiệm xem xét và phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế trình Bộ trưởng xem xét quyết định.
Trong trường hợp từ chối cho phép thay đổi nội dung Giấy phép hoạt động, Vụ Quản lý Hộ tịch gửi công văn thông báo cho Tổ chức con nuôi, nêu rõ lý do từ chối.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận Quyết định cho phép thay đổi nội dung Giấy phép hoạt động, thông qua Sở Tư pháp, Tổ chức con nuôi phải thông báo về việc thay đổi nội dung Giấy phép hoạt động và nộp bản sao Quyết định cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở.
Đ. THỦ TỤC CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM
1. Tổ chức con nuôi chấm dứt hoạt động tại Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
a) Hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép hoạt động do Bộ Tư pháp Việt Nam cấp mà không có gia hạn;
b) Đã chấm dứt hoạt động tại Pháp;
c) Bị thu hồi Giấy phép hoạt động tại Việt Nam;
d) Tự chấm dứt hoạt động tại Việt Nam.
Trong các trường hợp quy định tại Điểm b và d trên đây, trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động 60 ngày, Tổ chức con nuôi phải báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở về ý định chấm dứt hoạt động tại Việt Nam.
2. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày chấm dứt hoạt động tại Việt Nam, Tổ chức con nuôi phải thanh toán xong mọi khoản nợ, nếu có, với các tổ chức, cá nhân và giải quyết xong mọi vấn đề có liên quan đến việc chấm dứt hoạt động, gửi báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở.
IV. MẪU GIẤY TỜ VÀ VIỆC LƯU TRỮ HỒ SƠ NUÔI CON NUÔI
1. Ban hành kèm theo Thông tư này các mẫu giấy tờ sau đây (*):
a) Công văn của Bộ Tư pháp gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị giới thiệu trẻ em làm con nuôi (dùng cho trường hợp xin không đích danh);
b) Công văn của Bộ Tư pháp gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị giới thiệu trẻ em làm con nuôi (dùng cho trường hợp xin đích danh);
c) Công văn của Bộ Tư pháp gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về việc chuyển hồ sơ của người xin nhận con nuôi;
d) Công văn của Bộ Tư pháp gửi Sở Tư pháp yêu cầu xác minh lý do nhân đạo của việc xin đích danh trẻ em từ gia đình;
đ) Công văn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trả lời Bộ Tư pháp về việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi;
e) Văn bản thông báo của Sở Tư pháp gửi người xin nhận con nuôi về việc giới thiệu trẻ em cho làm con nuôi (dùng cho trường hợp xin không đích danh);
g) Văn bản thông báo của Sở Tư pháp gửi người xin nhận con nuôi về việc chấp thuận cho trẻ em làm con nuôi (dùng cho trường hợp xin đích danh);
h) Giấy chấp thuận cho trẻ em làm con nuôi;
i) Mẫu đơn xin nhận con nuôi (dùng cho trường hợp xin không đích danh);
k) Mẫu đơn xin nhận con nuôi (dùng cho trường hợp xin đích danh);
l) Mẫu đơn xin cấp Giấy phép hoạt động của Tổ chức con nuôi.
2. Việc lưu trữ hồ sơ nuôi con nuôi (gồm hồ sơ của người xin nhận con nuôi và hồ sơ của trẻ em được nhận làm con nuôi) được thực hiện tại Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp theo quy định hiện hành về lưu trữ.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Việc công dân Pháp thường trú ở ngoài nước Pháp xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định và Quy chế; trình tự, thủ tục giải quyết việc cho nhận con nuôi đối với trường hợp này được thực hiện theo quy định chung của pháp luật về nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 04 năm 2001.
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp có công văn gửi Bộ Tư pháp để hướng dẫn./.
(*) Không in các mẫu