THÔNG TƯ
Hướng dẫn phân loại mặt hàng linh kiện, phụ tùng ôtô
Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 06 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Căn cứ Nghị định 77/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện phân loại mặt hàng linh kiện, phụ tùng ôtô nhập khẩu để áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Quyết định số 57/2005/QĐ-BTC ngày 10 tháng 08 năm 2005 như sau:
I. Quy định chung:
1. Danh mục và mức thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô ban hành kèm theo Quyết định số 57/2005/QĐ-BTC được áp dụng cho việc phân loại và tính thuế theo phụ tùng, linh kiện rời thay thế cho việc tính thuế theo bộ linh kiện CKD, IKD quy định tại Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/07/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong đó mức thuế suất thuế nhập khẩu được quy định trên nguyên tắc:
- Những phụ tùng, linh kiện ôtô có thể dùng chung được cho các loại xe khác nhau thì được quy định một mức thuế suất thuế nhập khẩu thống nhất, không phân biệt theo chủng loại xe. Ví dụ: kính, gương, bộ dây điện...
- Những phụ tùng, linh kiện ôtô còn lại được quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu phân biệt theo chủng loại xe (cơ bản theo 4 chủng loại xe chính: xe chở người dưới 16 chỗ ngồi; xe chở người từ 16 chỗ trở lên; xe vận tải hàng hoá, loại có tổng trọng lượng có tải tối đa không quá 5 tấn và loại trên 5 tấn).
2. Việc phân loại và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với phụ tùng, linh kiện ôtô theo hướng dẫn tại Thông tư này được áp dụng thống nhất cho hoạt động nhập khẩu phụ tùng, linh kiện không phân biệt để sản xuất, lắp ráp; bảo hành sửa chữa, kinh doanh thương mại và các loại hình khác.
II. Danh mục và mức thuế suất thuế nhập khẩu của các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ôtô
Danh mục và mức thuế suất thuế nhập khẩu của các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ôtô được quy định ở Danh mục I và Danh mục II ban hành kèm theo Quyết định số 57/2005/QĐ-BTC ngày 10/08/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (dưới đây gọi tắt là Danh mục), cụ thể như sau:
1. Danh mục I: được xây dựng trên cơ sở Danh mục Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Trong nhóm hàng 4 số bao gồm nhiều phân nhóm hàng, nhưng trong đó chỉ có một số phân nhóm hàng 6 số hoặc 8 số là chi tiết các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ôtô. Để tạo điều kiện cho việc tra cứu, phân loại hàng hoá của người khai Hải quan cũng như cơ quan Hải quan, các nhóm hàng vẫn được chi tiết đầy đủ các phân nhóm 6 số hoặc 8 số thuộc nhóm hàng đó.
Ví dụ: trong nhóm 7007 (kính an toàn, làm bằng thuỷ tinh cứng (đã tôi) hoặc thuỷ tinh đã cán mỏng), chỉ có phân nhóm 8 số 7007.11.10 là loại phù hợp dùng cho xe ôtô. Nhưng để thuận lợi cho việc tra cứu, phân loại, trong Danh mục vẫn chi tiết đầy đủ các phân nhóm thuộc nhóm 7007.
2. Danh mục II: chi tiết một số phụ tùng, linh kiện ôtô theo quy định chung được phân loại theo Danh mục I, nhưng để phân biệt thuế suất áp dụng cho phụ tùng, linh kiện theo chủng loại xe Danh mục có phân loại riêng (xe chở người dưới 16 chỗ ngồi; xe chở người từ 16 chỗ ngồi trở lên, xe tải có tổng trọng lượng có tải không quá 5 tấn và xe tải có tổng trọng lượng có tải trên 5 tấn). Theo đó, phải tách một số chủng loại phụ tùng, linh kiện thuộc một số phân nhóm hàng trong Danh mục I sang Danh mục II để quy định mức thuế suất phân biệt. Những phân nhóm hàng phải tách riêng sang Danh mục II được đánh dấu bằng dấu (*) bên cạnh mức thuế suất tại Danh mục I.
Ví dụ 1: Trong Danh mục I, phân nhóm 8 số 8409.99.41 (chế hoà khí và bộ phận của chúng), thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 15% nhưng có đánh dấu (*), có nghĩa là: trong phân nhóm này có loại phụ tùng sẽ được chi tiết tại Danh mục II để quy định mức thuế suất khác với mức thuế suất 15%. Khi thực hiện phân loại cần phải xem Danh mục II quy định mức thuế suất khác với 15% cho loại chế hoà khí của chủng loại xe nào để phân loại, cụ thể:
- Danh mục II có quy định "chế hoà khí và bộ phận của chúng dùng cho xe vận tải hàng hoá và xe chở người từ 16 chỗ trở lên" chi tiết tại mục 4.1 có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 10%. Như vậy trong trường hợp "chế hoà khí và bộ phận của chúng" là loại dùng cho xe vận tải hàng hoá và xe chở người từ 16 chỗ trở lên thì áp dụng mức thuế suất 10% theo Danh mục II, không áp dụng mức thuế suất 15% theo Danh mục I. Theo đó, "chế hoà khí và bộ phận của chúng" dùng cho xe chở người dưới 16 chỗ (không được chi tiết tại Danh mục II) có mức thuế suất 15% quy định tại phân nhóm 8409.99.41 của Danh mục I.
Ví dụ 2: Trong Danh mục I, phân nhóm 8708.99.99 (loại khác), thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 30%, có đánh dấu (*), có nghĩa là: trong phân nhóm nhóm này có loại phụ tùng sẽ được chi tiết tại Danh mục II để quy định mức thuế suất khác với mức thuế suất 30%, cụ thể:
- Mặt hàng "Nhíp" được chi tiết tại mục 20.1 của Danh mục II có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 20%; bộ phận, phụ tùng (không kể nhíp) thuộc nhóm 8708.99.99 thuộc mục 20.2, Danh mục II có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 5%. Còn lại khung xe không gắn động cơ có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 30% quy định tại phân nhóm 8708.99.99 tại Danh mục I.
Đối với các hàng hoá là bộ phận, phụ tùng khác của xe ôtô nhưng không được chi tiết trong các nhóm hàng thuộc Danh mục I và II nêu trên được phân loại và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/07/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC và Thông tư số 85/2003/TT-BTC ngày 29/08/2003 hướng dẫn thực hiện việc phân loại hàng hoá theo Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Biểu thuế xuất khẩu.
Ví dụ: mặt hàng "van từ dùng cho cửa xe ôtô con chở khách và xe buýt" không được chi tiết trong Danh mục I và Danh mục II, do vậy sẽ được phân loại và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC. Theo đó mặt hàng này thuộc phân nhóm 8481.20.11, có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 5%.
3. Một số nhóm hàng, phân nhóm hàng bao gồm phụ tùng, linh kiện ôtô và các mặt hàng khác đều áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu quy định tại Quyết định 57/2005/QĐ-BTC, nếu phân nhóm đó không tách ra quy định mức thuế suất riêng cho phụ tùng, linh kiện ôtô.
Ví dụ 1: Phân nhóm 7009.10.00 "Gương chiếu hậu dùng cho xe có động cơ", quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 30%, có nghĩa là mức thuế suất này được áp dụng cho gương chiếu hậu của các loại xe có động cơ như: ôtô, xe máy...
Ví dụ 2: Phân nhóm 8544.30.10 "Bộ dây đánh lửa và bộ dây khác dùng cho xe có động cơ", quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 20%, có nghĩa là mức thuế suất này được áp dụng cho "bộ dây đánh lửa và bộ dây khác" của các loại xe có động cơ như: ôtô, xe máy...
4. Một số nhóm hàng trong Danh mục có những nhóm, phân nhóm hàng bao gồm phụ tùng, linh kiện ôtô và các mặt hàng khác, nhưng chỉ tách riêng phụ tùng, linh kiện ôtô để quy định mức thuế suất riêng ở Danh mục II, các mặt hàng khác vẫn áp dụng mức thuế suất quy định tại Danh mục I.
Ví dụ: Phân nhóm 8519.99.30, thiết bị âm thanh, loại dùng đĩa compact, chỉ có loại dùng cho ôtô được tách ra chi tiết tại mục 11, Danh mục II có mức thuế suất 30%, còn lại các loại thiết bị âm thanh khác thuộc phân nhóm này áp dụng mức thuế suất 50%, quy định tại Danh mục I.
III. Nguyên tắc phân loại:
Việc phân loại linh kiện, phụ tùng ôtô được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 85/2003/TT-BTC ngày 29/08/2003 hướng dẫn phân loại hàng hoá theo Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Biểu thuế xuất khẩu. Một số trường hợp đặc thù được thực hiện theo các quy định cụ thể dưới đây:
1. Phân loại bộ linh kiện ôtô rời đồng bộ và không đồng bộ:
1.1. Bộ linh kiện rời đồng bộ hoặc không đồng bộ nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ôtô đều được phân loại tính thuế theo từng nhóm/phân nhóm với mức thuế suất quy định cho từng chi tiết, linh kiện quy định tại Quyết định số 57/2005/QĐ-BTC và các văn bản có liên quan.
1.2. Điều kiện để được phân loại và tính thuế theo quy định tại điểm 1.1:
- Phụ tùng, linh kiện do các doanh nghiệp đảm bảo Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô theo quy định của Bộ Công nghiệp trực tiếp nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu.
- Các chi tiết, linh kiện rời có thể là những sản phẩm đã hoàn thiện nhưng đã có đặc trưng cơ bản của thành phẩm để lắp ráp với nhau với mức độ rời rạc tối thiểu bằng mức độ rời rạc của bộ linh kiện ôtô quy định tại Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/05/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đối với các trường hợp sản xuất, lắp ráp các loại xe chuyên dùng trên cơ sở khung gầm gắn động cơ (ôtô chassis) thì không phải áp dụng điều kiện quy định về mức độ rời rạc theo Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN.
1.3. Trường hợp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nhập khẩu bộ linh kiện rời đồng bộ hoặc không đồng bộ để sản xuất, lắp ráp ôtô có mức độ rời rạc thấp hơn mức độ rời rạc theo quy định tại Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN thì phải nộp thuế nhập khẩu theo mức thuế suất của sản phẩm ôtô nguyên chiếc.
1.4. Việc phân loại linh kiện, chi tiết rời được thực hiện theo đúng mức độ rời rạc khi nhập khẩu. Nếu nhập rời từng chi tiết thì phân loại theo từng chi tiết; nếu nhập khẩu theo cụm chi tiết thì phân loại theo cụm chi tiết, không tách từng chi tiết trong cụm để phân loại và tính thuế riêng.
2. Phân loại cụ thể của một số phụ tùng, linh kiện ôtô:
a) Mặt hàng khung xe đã gắn động cơ và khung xe không gắn động cơ:
- Khung xe đã gắn động cơ được phân loại vào nhóm 8706, tuỳ theo chủng loại (khung xe tải, khung xe chở người, khung xe chuyên dụng...) sẽ được phân loại vào các phân nhóm khác nhau trong nhóm 8706.
- Khung xe chưa gắn động cơ được phân loại vào nhóm 8708, phân nhóm 8708.99.99.
b) Khung gầm gắn với cabin: được phân loại cùng nhóm với xe ôtô nguyên chiếc tương ứng thuộc các nhóm 8702, 8703, 8704, không phân loại vào nhóm 8706.
c) Mặt hàng hộp số và các cơ cấu điều tốc khác, ly hợp dùng cho ôtô: được phân loại vào phân nhóm tương ứng thuộc nhóm 8708, không phân loại vào nhóm 8483.
d) Các bộ phận, phụ tùng khác... thuộc mục 20, Danh mục II: các bộ phận, phụ tùng thuộc mục này không phải bao gồm tất cả các phụ tùng, linh kiện ôtô còn lại chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác của Danh mục I, Danh mục II mà chỉ bao gồm những bộ phận, phụ tùng thuộc phân nhóm 8708.99.99, trong đó:
- Mặt hàng nhíp được quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 20%.
- Mặt hàng khung xe không gắn động cơ được quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 30% theo quy định tại Danh mục I.
- Các bộ phận, phụ tùng còn lại thuộc phân nhóm 8708.99.99, có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 5%.
3. Các bộ phận, phụ tùng dùng cho xe vận tải hàng hoá có tổng trọng lượng có tải trên 20 tấn:
1.1. Các linh kiện, phụ tùng thuộc các nhóm 4011; 4012; 4013; 4016; 6813; 7007; 7009; 8414; 8415; 8421; 8481; 8482; 8484; 8507; 8511, 8512; 8519; 8539; 8544; 8708.29.13; 8708.29.17; 8708.29.93; 8708.29.17; 9029; 9104; 9401; Thùng xe thuộc các phân nhóm 8708.29.93, 8708.29.97; Khung xe không gắn động cơ thuộc phân nhóm 8708.99.99 áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo quy định tại Danh mục I và Danh mục II.
1.2. Các linh kiện, phụ tùng còn lại (không bao gồm những linh kiện, phụ tùng đã chi tiết ở mục 1.1) chỉ được sử dụng cho vận tải hàng hoá có tổng trọng lượng có tải trên 20 tấn áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu thống nhất 3%.
Ví dụ 1: Mặt hàng thùng xe của xe vận tải hàng hoá có tổng trọng lượng có tải trên 20 tấn được phân loại vào các phân nhóm 8708.29.93; 8708.29.97 (thuộc các linh kiện, phụ tùng được nêu tại mục 1.1.), do vậy sẽ được phân loại và áp dụng mức thuế suất 20% quy định cho thùng xe tải nói chung.
Ví dụ 2: Mặt hàng động cơ của xe vận tải hàng hoá có tổng trọng lượng có tải thuộc nhóm 8407.34.29 (không thuộc các linh kiện, phụ tùng chi tiết tại mục 1.1), sẽ áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 3%.
4. Các bộ phận, phụ tùng của xe vừa chở người vừa chở hàng:
4.1. Bộ phận, phụ tùng của loại xe vừa chở người vừa chở hàng được phân loại và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của bộ phận, phụ tùng của loại xe vận tải hàng hoá có tổng trọng lượng có tải không quá 5 tấn.
Ví dụ: mặt hàng động cơ đốt trong kiểu chuyển động tịnh tiến của xe ôtô vừa chở người vừa chở hàng, có công suất trên 1000cc, đã lắp ráp hoàn chỉnh được phân loại vào mục 2.2, Danh mục II cùng với xe vận tải hàng hoá, có thuế suất thuế nhập khẩu 20%.
4.2. Đối với các bộ phận, phụ tùng lắp trong khoang chở người mà không có trong xe vận tải hàng hoá thì được phân loại cùng với bộ phận, phụ tùng tương ứng của xe chở người thuộc nhóm 8703.
5. Các bộ phận, phụ tùng của xe chuyên dùng:
Bộ phận, phụ tùng của xe chuyên dùng (trừ thân xe chuyên dùng, các thiết bị, bộ phận chuyên dùng), được phân loại và áp dụng mức thuế suất theo bộ phận, phụ tùng của xe chở người và xe vận tải hàng hoá tương ứng với loại xe cơ sở làm nền sản xuất xe chuyên dùng, cụ thể:
- Nếu xe chuyên dùng được sản xuất từ nền xe cơ sở là xe vận tải hàng hoá thì các bộ phận, phụ tùng của xe chuyên dùng được phân loại và áp dụng mức thuế suất quy định cho phụ tùng, linh kiện của loại xe vận tải hàng hoá tương ứng:
Ví dụ 1: Xe đông lạnh được sản xuất, lắp ráp từ nền xe cơ sở là xe vận tải hàng hoá có tổng trọng lượng có tải không quá 5 tấn thì phụ tùng, linh kiện xe đông lạnh đó được phân loại và áp dụng mức thuế suất của bộ phận, phụ tùng xe ôtô vận tải hàng hoá có tổng trọng lượng có tải không quá 5 tấn.
Các bộ phận chuyên dùng của xe đông lạnh: thiết bị làm lạnh, tấm cách nhiệt... được phân loại vào các mã số tương ứng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Ví dụ: thiết bị làm lạnh được phân loại tương ứng vào nhóm 8418.
- Nếu xe chuyên dùng được sản xuất từ nền xe cơ sở là xe chở người thì các bộ phận, phụ tùng của xe chuyên dùng được phân loại và áp dụng mức thuế suất quy định cho phụ tùng, linh kiện của loại xe chở người tương ứng:
Ví dụ 2: Xe cứu thương được sản xuất, lắp ráp từ nền xe cơ sở là chở dưới 16 người (kể cả lái xe) thì phụ tùng, linh kiện xe cứu thương được phân loại và áp dụng mức thuế suất của bộ phận, phụ tùng xe ôtô chở dưới 16 người.
Các bộ phận chuyên dùng của xe cứu thương: băng ca, còi ủ, các thiết bị cấp cứu... được phân loại vào các mã số tương ứng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Ví dụ: băng ca được phân loại vào nhóm 9402, phân nhóm 9402.90.10, thuế suất thuế nhập khẩu 0%.
IV. Tổ chức thực hiện:
1. Ban hành kèm theo Thông tư này là Danh mục phụ tùng, linh kiện ôtô thuộc các phân nhóm hàng trên cơ sở dữ liệu hàng hoá của Tổ chức Hải quan thế giới để người khai Hải quan và cơ quan Hải quan tham chiếu.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những loại phụ tùng có thể dùng cho chung cho các loại xe khác nhau nhưng đang được quy định hai mức thuế suất khác nhau thì Hải quan địa phương báo cáo ngay về Bộ Tài chính (Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Hải quan) để có hướng xử lý kịp thời.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị các đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để giải quyết./.