Thông tư THÔNG TƯ
CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 21/TT NGÀY 17-9-1975 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 109/CP, NGÀY 19-6-1973 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TRẢ PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NỘI TRÚ, TRẢ PHỤ CẤP DẠY GHÉP LỚP ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN VÙNG CAO, VÙNG XA XÔI HẺO LÁNH
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Kính gửi: Uỷ ban Hành chính khu, tỉnh miền núi
Hội đồng Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 109/CP, ngày 19-6-1973 về một số chính sách cụ thể đối với đồng bào các dân tộc và cán bộ vùng cao.
Về trả phục cấp trách nhiệm quản lý nội trú nghị quyết đã ghi: "
Ở các trường sư phạm và dự bị sư phạm có nội trú ở vùng cao, giáo viên được hưởng phụ cấp 5% lương mỗi tháng về trách nhiệm quản lý".Về trả phụ cấp dạy ghép lớp nghị quyết đã ghi: "Giáo viên dạy kiêm lớp nói cung đều được hưởng thêm phụ cấp theo số lớp phải dạy kiêm, (nếu ghép 2 lớp được 5 đồng, ghép 3 lớp được 10 đồng và kiêm cả vỡ lòng, bổ túc văn hoá và phổ thông thì được hưởng 15 đồng một tháng)".
Sau khi thống nhất ý kiến với Ban Tổ chức của Chính phủ (tại công văn số 133/TC, ngày 1-3-1974), với Bộ Tài chính (tại công văn số 33/TC-HCVX, ngày 23-3-1974) và Bộ Lao động (tại công văn số 1040/LĐ ngày 23-3-1974). Bộ Giáo dục ra thông tư hướng dẫn thi hành như sau:
A- TRẢ PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NỘI TRÚ
I- ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TRẢ PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM
QUẢN LÝ NỘI TRÚ.
Những giáo viên dạy ở các trường sư phạm; dự bị sư phạm, thiếu nhi vùng cao, thanh niên dân tộc và phổ thông có nội trú (kể cả những trường phổ thông nửa nội trú) ở vùng cao và vùng xa xôi hẻo lánh ngoài chế độ lao động của một thầy giáo còn chính thức nhận thêm trách nhiệm quản lý các mặt nội trú của một lớp học sinh. Hiệu trưởng hiệu phó không ở trong đối tượng này, vì đã hưởng phụ cấp % chức vụ theo quyết định số 273/QĐ ngày 11-7-1960 của Bộ Giáo dục.
II- ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT ĐỐI VỚI MỘT GIÁO VIÊN NHẬN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NỘI TRÚ
1. Ty giáo dục cần có danh sách phân công và quyết định đối với giáo viên được giao thêm trách nhiệm quản lý từng lớp học sinh ở nội trú trong các trường sư phạm, dự bị sư phạm, thiếu nhi vùng cao, thanh niên dân tộc và phổ thông.
2. Giáo viên được chính thức nhận thêm trách nhiệm quản lý học sinh nội trú, phải ăn ở trong nhà trường và chịu trách nhiệm trước ban giám hiệu về toàn bộ các mặt sinh hoạt, học tập (như ăn, ở, học tập, đạo đức, vui chơi sức khoẻ, tính mạng và tài sản) của một lớp học sinh nội trú.
III- CÁCH TRẢ PHỤ CẤP
Từ tháng đầu của mỗi năm học, sau khi có quyết định của Ty giáo dục về những giáo viên nhận thêm trách nhiệm quản lý học sinh nội trú, thì mỗi giáo viên được hưởng thêm một khoản phụ cấp bằng 5% (năm phần trăm) lương chính. Hàng tháng được trả sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.
B- TRẢ PHỤ CẤP DẠY GHÉP LỚP, KIÊM LỚP
I- ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC DẠY GHÉP LỚP, KIÊM LỚP
Các giáo viên phổ thông, bổ túc văn hoá, mẫu giáo (cấp 1 và cấp 2) trong biên chế nhà nước hoặc tập sự (kể cả hiệu trưởng, hiệu phó) đang giảng dạy ở vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh và hải đảo xa xôi.
II- NHỮNG NGUYÊN TẮC VÀ ĐIỀU KIỆN
1. Tổ chức và quản lý:
Căn cứ vào yêu cầu phát triển giáo dục có kế hoạch vững chắc, nhanh chóng thu hút đông đảo con em các dân tộc ít người đến tuổi đi học, Uỷ ban hành chính địa phương và Ty Giáo dục cần có kế hoạch bố trí mạng lưới trường lớp, xét duyệt lực lượng giáo viên và ra quyết định cử người dạy các lớp ghép, lớp dạy kiêm. Phương pháp dạy ghép có nhiều khó khăn, nên cử người có nhiều kinh nghiệm nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy, nói chung không nên bố trí giáo viên đang tập sự dạy các lớp này. Do đó chỉ tổ chức lớp ghép đôi (2 trình độ) như lớp vỡ lòng + lớp 1; lớp 1 + lớp 2; hạn chế lớp 3 + lớp 4; hạn chế lớp ghép 3 (ba trình độ) như lớp vỡ lòng + lớp 1 + lớp 2... chỉ ghép lớp bổ túc văn hoá với thanh toán mù chữ mà không ghép lớp bổ túc văn hoá với phổ thông.
Dạy kiêm (hay dạy thêm lớp) chỉ áp dụng đối với các lớp bổ túc văn hoá (do giáo viên phổ thông daỵ thêm); còn đối với các lớp vỡ lòng, lớp phổ thông (nếu đủ số học sinh một lớp) mà thiếu thầy dạy thì áp dụng theo chế độ dạy lớp treo hiện hành.
Các lớp dạy nghép cần được đặc biệt chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất (phòng học, đồ dùng dạy học, bàn, ghế...) để bảo đảm điều kiện cho học sinh trình độ khác nhau có chỗ ngồi và những phương tiện học tập riêng biệt.
2. Thầy giáo:
Giáo viên được phân công dạy lớp ghép, dạy kiêm lớp cần được qua một lớp huấn luyện về chương trình và phương pháp giảng dạy. Giáo viên dạy lớp ghép, dạy kiêm lớp có nhiệm vụ soạn bài đầy đủ, chấm bài cận thận đúng quy chế chuyên môn và chất lượng giảng dạy.
Ở
các bản lẻ, một giáo viên có thể dạy một lớp ghép đôi và dạy kiêm 1 lớp. Ở các bản, xã có điều kiện tập trung học sinh, một giáo viên chỉ được dạy một lớp ghép; nếu giáo viên không dạy ghép mà đang dạy một lớp như thường lệ thì được dạy kiêm 1 lớp bổ túc văn hoá (hoặc dạy kiêm một lớp 1 đặc biệt).3. Học sinh:
Một lớp ghép đôi có từ 10 học sinh trở lên. Một lớp ghép ba có từ 13 học sinh trở lên. Một lớp dạy kiêm phải có từ 7 học sinh trở lên. Trường hợp đặc biệt phải mở lớp ghép, lớp dạy kiêm, nhưng không đủ số học sinh quy định trên thì các xã phải báo cáo lên cấp trên và được Ty giáo dục kiểm tra, xác nhận.
III- GIÁ BIỂU VÀ CÁCH TÍNH TRẢ PHỤ CẤP
1. Giá biểu:
Dạy một lớp ghép đôi (ngoài tiền lương chính) được phụ cấp thêm 5 (năm) đồng một tháng; dạy một lớp ghép ba (ngoài tiền lương chính) được phụ cấp thêm 10 (mười) đồng một tháng, dạy kiêm một lớp (ngoài tiền lương chính) được phụ cấp thêm 15 (mười lăm) đồng một tháng.
2. Cách tính:
Giáo viên được Ty giáo dục xét duyệt và giao trách nhiệm dạy lớp ghép, dạy kiêm lớp thì được hưởng khoản tiền phụ cấp quy định nói trên. Tiền được thanh toán kịp thời sau mỗi tháng dạy học.
Thời gian trả phụ cấp 2 khoản tiền trên, chỉ trả trong thời gian thực làm nhiệm vụ, nếu vì lý do nào đó, không làm nhiệm vụ từ một tháng trở lên thì không được hưởng phụ cấp. Phụ cấp này là ngoài tiền lương chính, vì thế không được gộp vào tiền lương chính để tính phụ cấp khu vực và trả tiền bảo hiểm xã hội.
Về việc quy định vùng, nghị quyết 109/CP đã ghi: "trong lúc chưa có quy định chính thức của Nhà nước về phạm vi các vùng cao, nghị quyết này được thi hành trong phạm vi vùng cao mà các Uỷ ban hành chính tỉnh đã quyết định trước đây". Thông tư 30/TT-LB ngày 28-8-1974 của Liên Bộ Giáo dục - Tài chính đã hướng dẫn việc quy định vùng. Các Uỷ ban hành chính tỉnh cần dựa vào đó mà quy định vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh cho phù hợp để thi hành việc trả 2 khoản phụ cấp nói trên.
Trong quá trình thực hiện, gặp khó khăn gì, các địa phương phản ánh về Bộ biết để nghiên cứu bổ sung.