Thông tưTHÔNG TƯ
Hướng dẫn bổ sung và sửa đổi chế độ quản lý, giao nhận
và thanh toán hàng nhập từ nguồn ngoại tệ của
chuyên gia y tế và viện trợ của tổ chức sida
Thi hành Quyết định số 114/CT ngày 10/5/1989 của Chủ tịch HĐBT, Thông tư Liên bộ Y tế - Tài chính số 13/TTLB ngày 5/6/1989 về việc sử dụng nguồn ngoại tệ của chuyên gia y tế đóng góp và nguồn viện trợ của tổ chức SIDA để phục vụ cho công tác phòng, chữa bệnh và triển khai thực hiện các chương trình viện trợ; tiếp theo Thông tư số 14, BYT/TT ngày 3/5/1991 nay Bộ Y tế sửa đổi và bổ sung chế độ quản lý, tiếp nhận, giá cả và thời điểm thanh toán đối với các nguồn ngoại tệ và viện trợ nêu trên như sau:
I. VỀ QUY TRÌNH GIAO NHẬN VÀ THANH TOÁN:
1. Bộ Y tế giao trách nhiệm cho Công ty xuất nhập khẩu y tế I và Công ty xuất nhập khẩu y tế II (viết tắt là VIMEDIMEX I hoặc II) làm đầu mối nhập khẩu, giao hàng và thanh toán các lô hàng nhập bằng nguồn tiền của chuyên gia y tế và hàng viện trợ SIDA trực tiếp với các công ty Dược phẩm cấp I, công ty thuyết bị dụng cụ Y tế hoá chất xét nghiệm cấp I.
2. Các công ty Dược phẩm cấp I và công ty TBDC y tế - HCX cấp I (gọi tắt là các công ty cấp I) nhận hàng nhập của VIMEDIMEX và có trách nhiệm thanh toán tiền cho VIMEDIMEX chậm nhất là 3 tháng kể từ ngày nhận hàng.
3. Các công ty cấp 1 có trách nhiệm ký hợp đồng sản xuất, gia công hoặc mua đứt, bán đoạn với các xí nghiệp Dược phẩm trong ngành, các XN có nhiệm vụ thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký với các công ty cấp I.
II. GIÁ VÀ TỶ GIÁ THANH TOÁN
1. Hàng VIMEDIMEX giao cho các công ty cấp I được ghi trị giá theo nguyên tệ; khi thanh toán các công ty cấp I sẽ trả cho VIMEDIMEX theo tỉ giá ngoại tệ mua vào do Ngân hàng ngoại thương quy định tại thời điểm thanh toán.
2. Khi tính giá trị lô hàng phải thanh toán, các loại hàng nhập từ 2 nguồn nêu trên đều được giảm giá 10% cho nơi tiêu thụ (nơi tiêu thụ bao gồm các công ty cấp 2, xí nghiệp Liên hợp Dược cấp II và công ty TTB cấp II thuộc các tỉnh, thành phố, mua về để bán cho dân, hoặc các bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, các cơ sở phòng bệnh ... trực tiếp mua để sử dụng).
3. Những loại hàng tiêu thụ chậm như các loại thuốc đặc hiệu, các loại hoá chất phòng chống dịch, các loại trang thiết bị ít sử dụng hoặc đắt tiền... sẽ được xem xét và quyết định cụ thể theo danh mục đề nghị của VIMEDIMEX và các công ty cấp I về mức độ giảm giá và thời hạn thanh toán.
-
III. PHÍ UỶ THÁC NHẬP KHẨU VÀ CHI PHÍ GIAO THÔNG
1. Phí uỷ thác nhập khẩu (theo quy định của HĐBT) được tính bằng1% giá tiền hàng cộng phí bảo hiểm và cước phí (CIF).
2. Phí tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản được tạm tính bằng 3,4% trên trị giá lô hàng nêu ở điểm 1 phần II (giá nguyên tệ quy ra tiền đồng theo tỷ giá của Ngân hàng ngoại thương quy định tại thời điểm thanh toán).
IV. MỘT SỐ BIỆN PHÁP
1. Thời điểm thực hiện Thông tư tính từ 1/11/1991
2. Lô hàng mà các công ty, xí nghiệp đã nhận trước ngày 1/11/1991 được thanh toán như sau:
Các loại nguyên liệu: được tính giá và thanh toán theo quy định tại Thông tư này.
Các loại thành phẩm: Tính và thanh toán theo giá cũ quy định tại Thông tư 14/BYT-TT ngày 3/5/1991 của Bộ Y tế.
3. Các công ty, xí nghiệp liên quan có nhiệm vụ:
a. Gấp rút kiểm kê, xác định số lượng nguyên liệu và tính lại để thanh toán.
b. Liệt kê và báo cáo những loại hàng kém phẩm chất hoặc chậm tiêu thụ về số lượng, giá tiền và đề nghị về mức giảm giá.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có giá trị thi hành kể từ 1/11/1991 những điểm không bổ sung, sửa đổi tại Thông tư này vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư 14 BYT/TT ngày 3/5/1991 của Bộ Y tế./.
-