A. Tiêu chuẩn hành lý xuất khẩu:
1. Mỗi lần xuất cảnh, lái xe, lái tầu và thuyền viên Việt Nam được mang theo miễn thuế các hành lý dưới đây:
a) Quần áo, giầy dép, vật dụng sinh hoạt hàng ngày, đồ dùng nghề nghiệp v.v... để sử dụng cho cá nhân trong thời gian lưu trú ở nước ngoài;
b) Hai trăm gam thuốc phòng bệnh thông thường;
c) Năm tút thuốc lá (loại một tút 10 bao, 1 bao 20 điếu) loại do thương nghiệp quốc doanh bán;
d) Một đồng hồ loại đeo tay hoặc bỏ túi;
e) Một tư trang bằng vàng không quá hai đồng cân, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
g) Một máy ảnh;
Trừ các hành lý sử dụng hết hoặc tiêu hao (a, b, c) khi về nước phải mang về đầy đủ các hành lý (d, e, g) mà lúc xuất cảnh đã mang đi.
2. Riêng đối với lái xe, lái tầu Việt Nam, quy định thêm như sau:
a) Đi và về trong một ngày không được mang theo hàng hoá.
b) Đi và về từ hai ngày đến bảy ngày được mang theo miễn thuế một số hàng hoá trị giá không quá chín trăm đồng Việt Nam (theo giá tính thuế hàng hoá xuất nhập khẩu phi mậu dịch do cơ quan thuế tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương ấn định từng thời gian).
c) Đi và về từ tám ngày đến mười bốn ngày được mang theo miễn thuế một số hàng hoá trị giá không quá hai nghìn đồng Việt Nam (theo giá tính thuế như quy định ở mục A, điểm 2b).
d) Đi và về từ mười lăm ngày đến hai mươi ngày được mang theo miễn thuế một số hàng hoá trị giá không quá hai nghìn năm trăm đồng Việt Nam (theo giá tính thuế như quy định ở mục A, điểm 2b).
e) Đi và về từ hai mươi ngày trở lên được mang theo hành hoá như quy định ở mục A điểm 2b; và kể từ ngày thứ hai mươi mốt trở đi, mỗi ngày được mang thêm một số hàng hoá với trị giá không quá một trăm đồng Việt Nam (theo giá tính thuế như quy định ở mục A điểm 2b).
Số ngày đi và về phải được ghi rõ trên giấy đi đường do Thủ trưởng hoặc người được thủ trưởng uỷ quyền của xí nghiệp hoặc đơn vị vận tải ký tên (phải ghi rõ họ tên người ký rồi đóng dấu của đơn vị hoặc xí nghiệp) và phải xuất trình cho Hải quan cửa khẩu lúc xuất cảnh.
3. Hàng hoá mang đi (không thuộc loại cấm xuất khẩu) vượt trị giá hoặc vượt định lượng, thì phần hàng hoá vượt trị giá, hoặc vượt định lượng quy định ấy không được xuất khẩu.
B. Tiêu chuẩn hành lý nhập khẩu:
1. Đối với lái xe, lái tầu Việt Nam.
Ngoài những hành lý mang theo trong một chuyến đi công tác (quy định ở mục A điểm 1), khi nhập cảnh còn được mang theo về nước miễn thuế một số hàng hoá như sau:
a) Đi và về từ hai đến bẩy ngày, số hàng hoá được mang theo về trị giá không quá chín trăm đồng Việt Nam, theo giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch do cơ quan thuế tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương ấn định từng thời gian (nếu có chứng minh khi xuất cảnh có mang theo đi số hàng hoá trị giá tương đương) trong đó thuốc lá không quá năm tút loại 1 tút 10 bao, 1 bao 20 điếu, loại do Lào hoặc Campuchia hoặc Việt Nam sản xuất.
b) Đi và về từ tám đến mười bốn ngày, số hàng hoá được mang theo về nước trị giá không quá hai nghìn đồng Việt Nam và theo các quy định khác như ở mục B điểm 1. a.
c) Đi và về từ mười lăm ngày đến hai mươi ngày, số hàng hoá được mang theo về nước trị giá không quá hai nghìn năm trăm đồng Việt Nam và theo các quy định khác như ở mục B điểm 1. a.
d) Đi và về từ hai mươi ngày trở lên số hàng hoá được mang về nước như đã quy định ở mục B điểm 1. c và kể từ ngày thứ hai mươi mốt trở đi, mỗi ngày được mang thêm một số hành hoá về nước trị giá không quá một trăm đồng Việt Nam (theo giá tính thuế nói ở mục B điểm 1. a).
Hàng hoá mang theo về nước (không thuộc loại cấm nhập khẩu) vượt trị giá và vượt định lượng thì phần hàng hoá vượt trị giá quy định phải nộp thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch cho Hải quan cửa khẩu, đồng thời phải bán cho thương nghiệp quốc doanh phần thuốc lá vượt định lượng, theo giá mua thấp hơn giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp từ 10% đến 20% như đã quy định trong Chỉ thị số 202 - HĐBT ngày 10 - 7 - 1985 của Hội đồng Bộ trưởng.
2. Đối với thuyền viên Việt Nam.
a) Về hàng hoá:
a. 1) Hàng miễn thuế: Khi nhập cảnh ngoài những hành lý ghi ở điểm 1 mục A, còn được mua mang theo về nước một số hàng hoá bằng các khoản ngoại tệ thu nhập hợp pháp được công nhận của từng người:
- Nếu số ngoại tệ thu nhập hợp pháp chỉ dùng để mua hàng hoá cho bản thân, thì mức miễn thuế được hưởng là 3,3 USD/ngày (tính theo số ngày đi và về).
- Nếu tất cả ngoại tệ thu nhập hợp pháp còn lại đều dùng mua những hàng hoá Nhà nước khuyến khích nhập khẩu và bán cho Nhà nước theo quy định ở điểm a. 4 dưới đây, thì mức miễn thuế được hưởng là 4USD/ ngày (tính theo số ngày đi và về).
a. 2) Hàng hoá phải nộp thuế; Số hàng hoá mua bằng ngoại tệ vượt định mức miễn thuế nhưng nằm trong tổng số ngoại tệ thu nhập hợp pháp của từng người trong một chuyến đi và khi nhập cảnh có khai báo hải quan, thì phải nộp thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch cho Hải quan cửa khẩu (theo giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch do cơ quan thuế tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương ấn định từng thời gian).
a. 3) Những hàng hoá Nhà nước không khuyến khích nhập khẩu: Trong phạm vi ngoại tệ thu nhập hợp pháp, thuyền viên Việt Nam chỉ được mang theo về nước theo định lượng và thời gian quy định như sau:
- Thuốc lá nước ngoài: đi dưới ba tháng thì mỗi lần nhập cảnh không quá hai tút (một tút 10 bao, mỗi bao 20 điếu): đi trên ba tháng thì mỗi lần nhập cảnh không quá 5 tút cùng chủng loại như trên;
- Súng săn: một khẩu, cho mỗi lần nhập cảnh cách nhau một năm, nhưng phải có giấy phép của Công an tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương;
- Súng hơi: một khẩu cho mỗi lần nhập cảnh, cách nhau một năm;
- Xe máy loại 125 phân khối trở xuống: một năm được nhập khẩu một chiếc; loại trên 125 phân khối không được phép nhập khẩu.
- Vi - đi - ô cát xét: một năm được nhập khẩu một bộ hoàn chỉnh, nhưng phải có giấy phép trước của Tổng cục Điện tử và Bộ Văn hoá. Nếu có giấy phép thì Hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là Hải quan tỉnh ) mới cấp giấy phép nhập khẩu.
Nếu số hàng hoá nói trên mang theo về nước, tuy trong phạm vi ngoại tệ thu nhập hợp pháp, nhưng vượt định lượng hoặc không đúng thời gian quy định, thì phần vượt định lượng hoặc không đúng thời gian quy định ấy phải nộp thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch cho Hải quan cửa khẩu và phải bán cho thương nghiệp quốc doanh theo giá mua thấp hơn giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp từ 10% đến 20% như đã quy định trong Chỉ thị số 202 - HĐBT ngày 10 - 7 - 1985 của Hội đồng Bộ trưởng.
a. 4) Những hàng hoá Nhà nước khuyến khích nhập khẩu: Thuyền viên Việt Nam sử dụng ngoại tệ thu nhập hợp pháp được mua mang về nước không hạn chế số lượng, chủng loại và tất cả đều được miễn thuế.
Những loại hàng hoá khuyến khích nhập khẩu là những loại phụ tùng thiết bị cho ngành đóng tầu, sửa chữa tầu, giao thông vận tải như:
- Các loại phụ tùng ô - tô;
- Các loại sơn;
- Các loại dây điện, bóng điện;
- Các loại máy móc, thiết bị hàng hải;
- Các vòng bi;
- Các loại dụng cụ cơ khí;
- Các loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng cho nghiên cứu khoa học hàng hải;
- Các loại nguyên liệu phục vụ cho sản xuất...
Những loại hàng hoá nói trên có tính chất chuyên dùng cho ngành Giao thông vận tải, thì bất luận do tập thể hoặc cá nhân mua về đều phải bán cho Công ty cung ứng vật tư thiết bị của Tổng cục Đường biển Bộ Giao thông vận tải, hoặc Công ty vận tải biển thuộc Sở Giao thông vận tải (nếu là tầu của tỉnh), hoặc cho Bộ Vật tư với giá thoả đáng như đã quy định trong Chỉ thị số 202- HĐBT ngày 10 - 7 - 1985 của Hội đồng Bộ trưởng (theo giá bán buôn vật tư trong nước hoặc theo giá vốn bằng nguyên tệ, nhân với tỷ giá kiều hối; trong cả hai trường hợp đều được cộng thêm một tỷ lệ thường đủ mức khuyến khích thuyền viên Việt Nam mang các loại hàng hoá trên về bán cho Nhà nước có lợi hơn mang các loại hàng hoá khác).
a. 5) Những hàng hoá công nghiệp tiêu dùng:
Thuyền viên Việt Nam mua mang theo về nước bằng ngoại tệ thu nhập hợp pháp những hàng hoá công nghiệp tiêu dùng sau khi làm xong thủ tục hải quan (kể cả hàng miễn thuế hoặc nộp thuế), thì những hàng hoá nói trên thuộc quyền sở hữu của người có hàng; khi cần bán, thì chỉ được bán cho thương nghiệp quốc doanh và được thanh toán sòng phẳng bằng tiền mặt theo giá thoả đáng (thấp hơn giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp từ 5% đến 10% như đã quy định trong Chỉ thị số 202 - HĐBT ngày 10 - 7 - 1985 của Hội đồng Bộ trưởng, không được bán ra ngoài cho tư thương.
Đối với các loại tân dược, thì vẫn thi hành theo các quy định hiện hành của Bộ y tế.
b) Các khoản thu nhập hợp pháp ngoại tệ gồm:
- Tiền tiêu vặt, theo chế độ của Bộ Tài chính quy định mà tiết kiệm được;
- Phần tiết kiệm được trong tiền ăn do Nhà nước quy định (không quá mười lăm phần trăm mức định lượng/ ngày mà Nhà nước quy định cho từng người);
- Các loại tiền thưởng;
- Tiền lao động ngoài nghĩa vụ;
Riêng đối với tầu biển Việt Nam đi sửa chữa, tiền lao động ngoài nghĩa vụ phải được Tổng cục Đường biển hoặc Sở Giao thông vận tải (nếu là tầu địa phương ) duyệt và thông báo trước cho Hải quan tỉnh biết trước khi tầu xuất cảnh.
- Các loại tiền thưởng, tiền ăn và tiền lao động ngoài nghĩa vụ tiết kiệm được phải có Giám đốc Công ty vật tải biển xác nhận.
c) Cách tính trị giá hành hoá mua bằng ngoại tệ thu nhập hợp pháp:
c. 1) Để có cơ sở pháp lý tính trị giá hàng hoá của từng thuyền viên Việt Nam mang về nước mua bằng ngoại tệ thu nhập hợp pháp, khi làm thủ tục hải quan phải khai đúng giá nguyên tệ, kèm theo hoá đơn hợp lệ do các hãng buôn hoặc hãng sản xuất của nước bán có đủ tư cách pháp nhân cấp. Nếu không có hoá đơn, hoặc có hoá đơn nhưng không hợp lệ, thì hải quan cửa khẩu sẽ căn cứ vào bảng giá hàng nước ngoài bằng nguyên tệ do Tổng cục Hải quan công bố một tháng một lần để tính trị giá hàng hoá của thuyền viên Việt Nam mua mang về nước.
c. 2) Thuyền viên Việt Nam mua hàng cũ mang về nước, thì cách tính giá trị như sau:
- Hàng hoá còn giá trị sử dụng từ chín mươi phần trăm trở lên, thì coi như là hàng mới;
- Hàng hoá còn giá trị sử dụng dưới chín mươi phần trăm thì được coi là hàng cũ và được tính trị giá bằng một phần tư hàng mới.
1. áp dụng sổ đăng ký hành lý xuất nhập khẩu của lái xe, lái tầu, thuyền viên Việt Nam do Tổng cục Hải quan thống nhất phát hành và quản lý.
2. áp dụng tờ khai hành lý nhập khẩu đối với thuyền viên Việt Nam, và tờ khai hành lý xuất nhập khẩu đối với lái xe, lái tầu Việt Nam, theo mẫu của Tổng cục Hải quan quy định.
3. Các tầu thuyền Việt Nam khi xuất cảnh muốn mang theo một số vật phẩm do Việt Nam sản xuất để làm quà biếu (không phải là hàng cấm xuất khẩu), hoặc muốn nhập khẩu hàng hoá (không phải là hàng cấm nhập khẩu) cho tập thể (cơ quan, công đoàn) của ngành vận tải biển Việt Nam, thì phải xin phép trước Hải quan tỉnh. Riêng đối với những trường hợp xin phép nhập khẩu hàng hoá cho tập thể, thì phải kèm theo giấy phép xuất khẩu ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.
Nếu được phép xuất khẩu hay nhập khẩu, thì toàn bộ số hàng hoá xuất nhập khẩu phi mậu dịch ấy phải nộp thuế cho Hải quan cửa khẩu.
4. Trong trường hợp tầu biển Việt Nam thường xuyên đi nước ngoài, thì được phép dự trữ trên tầu và xuất khẩu, nhập khẩu miễn thuế cho từng chuyến đi như rượu không quá hai mươi chai (loại 0, 75 lít); thuốc lá nước ngoài không quá mười tút (một tút 10 bao, mỗi bao 20 điếu); bia không quá năm két (mỗi két 24 chai, loại 0,05 lít) để tiếp khách nước ngoài.
Số hàng hoá này khi tầu xuất nhập cảnh phải khai báo với Hải quan cửa khẩu.
Nên sử dụng rượu, bia, thuốc lá Việt Nam để tiếp khách nước ngoài. Tuyệt đối không dùng bia, rượu, thuốc lá nước ngoài để tiếp khách trong nước.
5. Đối với quà biếu của các hãng nước ngoài tặng tầu biển Việt Nam, thì khi tầu nhập cảnh thuyền trưởng phải làm đầy đủ thủ tục Hải quan và phải ghi đồ vật đó vào mục lục tài sản của tầu theo quy định của Nhà nước.
6. Tầu biển Việt Nam nếu có vận chuyển thêm hàng hoá, hành lý của công dân Việt Nam công tác, học tập, lao động ở nước ngoài, thì khi nhập cảnh thuyền trưởng phải khai báo và làm đầy đủ thủ tục Hải quan với Hải quan cửa khẩu.
Nếu số lượng hành lý, hàng hoá nói trên quá năm kiện thì ngoài việc khai báo làm thủ tục Hải quan có vận đơn và phải được ghi trong lược khai hàng hoá của tầu.
7. Thủ tục kiểm tra, kiểm soát của Hải quan cửa khẩu chỉ làm một lần,
khi tầu xuất cảnh hay nhập cảnh.
Thuyền viên Việt Nam chỉ được quyền làm thủ tục một lần khai báo toàn bộ hành lý, hàng hoá cho Hải quan cửa khẩu, cảng mà tầu được chỉ định nhập cảnh.
Sau khi kiểm tra, Hải quan cửa khẩu có trách nhiệm làm đầy đủ thủ tục để hành lý, hàng hoá phi mậu dịch của thuyền viên Việt Nam được giải phóng và lưu hành hợp pháp ngay.
Hàng hoá nhập khẩu sau khi đã làm xong thủ tục Hải quan phải mang lên bờ ngay, không được để ở dưới tầu.
Trong trường hợp hàng hoá chưa mang lên bờ được, thì thuyền trưởng phải báo cáo Hải quan cửa khẩu để xác nhận.
Khi có nghi vấn cần phải kiểm tra , kiểm soát lần thứ hai, thì phải do Hải quan cấp tỉnh quyết định; đồng thời thông báo ngay cho Giám đốc Công ty vận tải biển chủ quản biết. Nếu thấy cần thiết, Giám đốc Công ty vận tải biển chủ quản có thể đến chứng kiến việc kiểm tra.
8. Khi cán bộ, chiến sĩ Hải quan xuống tầu biển Việt Nam làm nhiệm vụ, thì thuyền trưởng, thuyền viên không được biếu tặng quà cáp, hoặc tổ chức chiêu đãi, ăn uống.