Thông tư THÔNG TƯ
LIÊN NGÀNH TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN TỐI CAO
Hướng dẫn thi hành một số
quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế
1. Đối với các tranh chấp kinh tế quy định tại Điều 12 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế phát sinh trước ngày 1-7-1994, nếu tính đến ngày 1-7-1994 mà chưa hết thời hiệu yêu cầu Trọng tài kinh tế giải quyết tranh chấp (theo Điều 23 Pháp lệnh Trọng tài kinh tế thì thời hiệu này là sáu tháng, kể từ ngày xảy ra vi phạm hợp đồng kinh tế hoặc từ ngày một bên cho là có vi phạm xảy ra), trong thời gian từ ngày 1-7-1994 đến hết ngày 31-12-1994 mà đương sự có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Toà án thụ lý để giải quyết theo thủ tục chung; còn nếu đương sự nộp đơn sau ngày 31-12-1994, thì Toà án không thụ lý để giải quyết.
2. Đối với các tranh chấp kinh tế quy định tại Điều 12 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế phát sinh trước ngày 1-7-1994, nếu trước ngày 1-7-1994 đã hết thời hiệu yêu cầu Trọng tài kinh tế giải quyết, thì đương sự không có quyền yêu cầu Toà án giải quyết, do đó, Toà án không thụ lý để giải quyết loại tranh chấp này.
3. Hướng dẫn tại các điểm 1 và 2 Thông tư này thay thế hướng dẫn tại điểm 2 Mục 1 Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.
4. Đối với những vụ án kinh tế đã được thụ lý do áp dụng điểm 2 Mục I Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 7/1/1995 và đã giải quyết song mà không có khiếu nại của đương sự, thì không đặt vấn đề xem xét để giải quyết lại theo hướng dẫn tại các điểm 1 và 2 Thông tư này.
5. Đối với những vụ án kinh tế đã được thụ lý do áp dụng điểm 2 Mục I Thông tư liên ngành ngày 7-1-1995, nhưng chưa được giải quyết xong (chưa xét xử sơ thẩm, chưa xét xử phúc thẩm, chưa xét xử giám đốc thẩm) hoặc đã giải quyết xong, nhưng đương sự đã khiếu nại về thời hiệu khởi kiện, thì tùy trường hợp cụ thể mà áp dụng hướng dẫn tại các điểm 1 và 2 Thông tư liên ngành này để giải quyết khi xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc kháng nghị để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm.