THôNG TưTHÔNG TƯ
CỦA LIÊN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG - GIAO THÔNG VẬN TẢI
Hướng dẫn thực hiện Nghị định 86/CP
ngày 8/12/1995 về việc phân công quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá
Thực hiện Nghị định số 86/CP ngày 08 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá, Liên bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Giao thông vận tải (dưới đây gọi tắt là Liên bộ) hướng dẫn thực hiện những nội dung có liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của hai Bộ như sau:
1- Phân công trách nhiệm
1.1 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá thuộc phạm vị và đối tượng được phân công quy định tại chương II, Điều 4, điểm 4 Nghị định 86/CP trên phạm vi cả nước. Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn, các quy định về quản lý chất lượng hàng hoá thuộc các đối tượng nêu ở Điểm 2 của Thông tư này, từ khâu định hướng sản xuất, đến sản xuất ra hàng hoá tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất nhập khẩu.
Vụ Khoa học Kỹ thuật (KHKT) Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối về công tác quản lý chất lượng hàng hoá của Bộ GTVT.
Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT là các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về chất lượng hàng hoà thuộc đối tượng được phân công, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá theo chức năng và quyền hạn tại các quy định của Chính phủ và của Bộ GTVT.
1.2 Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (KCM) là cơ quan chức năng giúp Chính phủ chỉ đạo và thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá, đề ra các chủ trương chính sách chung, quản lý thống nhất về nghiệp vụ, hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành các quy định đó.
Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng theo dõi, đôn đốc hướng dẫn về nghiệp vụ quản lý chất lượng hàng hoá.
2- Đối tượng hàng hoá được phân công quản lý chất lượng của Bộ GTVT được quy định tại chương II, điều 4, điểm 4 của Nghị định 86/CP cụ thể như sau:
2.1- Các phương tiện vận tải bao gồm:
- Phương tiện vận tải đường bộ: Các loại xe máy, xích lô máy, mô tô, xe lam, các loại ô tô, máy kéo, rơ mooc, thùng chở hàng (container)
- Các loại phương tiện vận tải đường thuỷ: Các loại tầu thuyền, xà lan, u nổi, phao và xuồng máy
- Phương tiện vận tải đường sắt: Các loại đầu máy toa xe
2.2- Các công trình hạ tầng giao thông bao gồm:
- Đường bộ và các công trình cầu cống, hầm trên đường bộ.
- Đường sắt và các công trình cầu cống, hầm, nhà ga trên đường sắt.
- Các công trình bến cảng, luồng tàu, ụ tàu, âu tàu trên đường sông, đường biển.
2.3- Các thiết bị nâng hàng từ một tấn trở lên bao gồm:
- Các loại cần cẩu đặt trên các phương tiện nổi, cần cẩu ô tô, cần cẩu bờ từ 1 tấn trở lên.
- Các loại xe nâng hạ tự hành từ 1 tấn trở lên.
2.4- Nồi hơi, bình chịu áp lực sử dụng trong giao thông vận tải.
3- Tiêu chuẩn hoá (TCH) chất lượng hàng hoá:
3.1- Bộ Giao thông Vận tải lập kết hoạch xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Tiêu chuẩn ngành (TCN) cho các đối tượng được phân công cần quản lý, thoả thuận với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường về kế hoạch và biện pháp cần thiết trong việc biên soạn TCVN; cử chuyên gia tham gia các Ban kỹ thuật cho từng đối tượng tương ứng với các Ban Kỹ thuật của tổ chức TCH quốc tế để biên soạn TCVN; quy định việc bắt buộc áp dụng TCVN, TCN; thông báo danh mục TCVN bắt buộc áp dụng cho Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) để phối hợp chỉ đạo áp dụng trên phạm vi cả nước; phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan ở Trung ương và địa phương tổ chức đôn đốc và kiểm tra việc áp dụng các TCVN, xử lý các trường hợp vi phạm thuộc đối tượng quản lý được phân công theo quy định hiện hành; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các TCN trong quá trình sản xuất ra hàng hoá và lưu thông trên thị trường.
3.2- Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm ban hành các TCVN và đăng trong công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng có trách nhiệm tập hợp danh mục các TCVN bắt buộc áp dụng, thông báo cho các cơ quan đăng ký chất lượng, các cơ quan kiểm tra chất lượng và cung cấp cho các ngành, địa phương, các cơ quan, cơ sở có yêu cầu.
4- Đăng ký chất lượng hàng hoá:
4.1. Hàng năm, Bộ GTVT đề xuất danh mục các hàng hoá bắt buộc phải đăng ký chất lượng; xác định các chỉ tiêu và mức chất lượng bắt buộc phải đăng ký, các căn cứ để đăng ký chất lượng; xác định loại hàng hoá có yêu cầu khảo nghiệm, thử nghiệm và chỉ định cơ quan tổ chức khảo nghiệm, thử nghiệm thuộc đối tượng được phân công quản lý. Danh mục này được soát xét, sửa đổi hàng năm và gửi trước ngày 15 tháng 8 cho Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường công bố chung vào tháng 9 để áp dụng thống nhất trên cả nước từ ngày 01 tháng 01 năm sau.
4.2. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường chỉ định các Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh, thành phố là cơ quan tổ chức đăng ký chất lượng và xét cấp đăng ký chất lượng cho các loại hàng hoá bắt buộc phải đăng ký chất lượng đã quy định tại điểm 4.1 của Thông tư này và gửi danh sách các loại hàng hoá đã đăng ký chất lượng cho Bộ GTVT (Vụ khoa học kỹ thuật).
5- Kiểm tra chất lượng hàng hoá:
5.1. Bộ GTVT đề xuất danh mục hàng hoá thuộc đối tượng được phân công quản lý sản xuất trong nước và xuất nhập khẩu bắt buộc phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng, phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường quy định chỉ tiêu chất lượng cần kiểm tra, cơ quan kiểm tra chất lượng đối với các hàng hoá bắt buộc phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng (được liên Bộ chỉ định bởi Quyết định liên Bộ KCM-GTVT). Danh mục này được soát xét, bổ sung, sửa đổi hàng năm tuỳ theo mục tiêu chất lượng được xác định và gửi trước ngày 15 tháng 8 cho Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường công bố vào tháng 9 để áp dụng từ 01 tháng 01 năm sau.
5.2. Trường hợp hàng hoá kiểm tra không đạt yêu cầu chất lượng quy định, cơ quan kiểm tra có trách nhiệm thông báo cho chủ hàng, cơ quan quản lý chuyên ngành Bộ GTVT (điểm 1.1) và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ khoa học Công nghệ và Môi trường) để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Quản lý chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường:
Liên Bộ phối hợp với Bộ Thương mại và các cơ quan hữu quan khác trong việc tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường nội địa theo Quyết định 96/TTg ngày 18 tháng 2 năm 1995 của Chính phủ và các văn bản pháp luật hiện hành.
7- Tổ chức thực hiện:
Hàng năm, định kỳ 6 tháng một lần, lãnh đạo hai Bộ họp để xem xét việc thực hiện Nghị định 86/CP và Thông tư Liên bộ này, thoả thuận các biện pháp thực hiện tiếp theo.
- Mỗi quý Bộ GTVT báo cáo tình hình thực hiện Nghị định 86/CP (đối với các đối tượng được phân công quản lý) với Chính phủ và thông báo để Bộ khoa học Công nghệ và Môi trường tập hợp báo cáo Chính phủ.
- Việc tiến hành những nhiệm vụ quản lý chất lượng hàng hoá đối với các loại phương tiện vận tải là máy bay dân dụng và các công trình hạ tầng về hàng không dân dụng sẽ được thực hiện theo quy định chung giữa Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có các vấn đề mới nảy sinh, liên Bộ sẽ bàn bạc giải quyết cụ thể.