Bồng Bềnh Thiên Sứ Truyện 7


Truyện 7
Đất không cưu mang

Nén nhang đã tàn trên lư hương người chồng sau. Một cây nhang uốn cong lại thành hình số 9, con số của điềm lành. Nhưng lòng bà Năm bất ổn, luôn luôn bất ổn mỗi khi đứng trước bàn thờ hai người chồng. Khi ấy, dù cố quên đi, trong bà vẫn cuồn cuộn niềm hạnh phúc lẫn nỗi bất hạnh xưa. “Ôi, phải chi lớp đất nhầy nhụa của đợt pháo khủng khiếp trong chiều mưa dầm dề ngày đó vùi ta cùng chồng, thì đâu gây nên bao nỗi khổ đau chất ngất cho người, cho ta...”. Bà thắp thêm nén nhang cắm kề con số 9.Tayrun run bà chạm phải, làm tan ra, tàn rơi lả tả. Bà đứng bất động, nhìn không chớp vào những mẩu tro tàn...

Với người chồng trước vẫn mãi là phần ký ức dịu ngọt, nồng nàn đã hòa tan trong từng mạch máu và luân chuyển không ngơi trong cơ thể bà. Nhưng cũng vì thế mà không phải không có những lúc trong bà mất đi cảm giác đó, ấn tượng đó.

Còn với người chồng sau lại là những chuỗi ký ức sắc nhọn thường cứa vào bà buốt nhói, như lúc này. Và bà chỉ

 

biết bấu víu vào ánh mắt khoan dung, u buồn của ông từ khung hình vàng úa...

 

*

*           *

 

Ánh mắt ấy, ba mươi năm trước là ánh mắt bạo dạn cuồng nhiệt của người đàn ông tóc điểm sương, người vạm vỡ, nổi tiếng phiêu bạt nhiều nơi, đang ngồi đối diện với bà trong nhịp thở đứt quãng, hào hển:

- Đừng bắt tôi nói nhiều. Ừ đi Năm! Ừ một tiếng đi! Ừ đi, tôi cưới Năm liền. Ừ đi Năm, ừ đi...

Sau giây phút ngỡ ngàng, bà Năm không thể từ chối quyết liệt. Bà lưỡng lự. Nhìn qua vai ông, trời đen kịt, vẳng tiếng bìm bịp kêu nước lớn, nẫu lòng. Con nước này, không biết bờ rẫy có chịu nổi không, thằng Hai thì ngủ như chết, đường lại tối om om, công bí mới trổ bông... Bà nhè nhẹ gỡ đôi tay thô nóng đang siết chặt tay bà:

- Tỉnh lại đi anh Mười! Chắc hồi chiều anh uống nhiều rượu...

Đôi mắt ông Mười quắc lên. Ông bóp mạnh tay bà làm bà ứa nước mắt.

- Phải, tôi say. - Đột nhiên, khuôn mặt rắn rỏi gió sương của ông méo xệch. - Tôi say. Say vì Năm. Trời ơi, ừ đi Năm, tôi van Năm...

Cơn xúc động ấy làm bà Năm bối rối:

- Nghĩ kỹ đi anh Mười! Anh quên tôi là đàn bà ba con...

 

- Ba con, hay ba chục con tôi cũng thương, cũng cưới! Sao Năm ác quá, không chịu hiểu ruột gan tôi, nè trời! Ừ đi Năm, ừ một tiếng đi. Nếu không, tôi không về!

- Ý chết, không được! Anh Mười về đi, kẻo sắp nhỏ...

- Sợ gì! Tôi cho tụi nó hay bây giờ. Tụi nó sắp có cha. Một người cha ngon lành!

- Đừng, đừng! Tôi van anh, anh Mười! Nếu anh thiệt lòng thương tôi thì anh về đi. Còn chuyện đó để... thủng thẳng tính sau.

Ông buông bà ra, ngồi phịch xuống thềm nhà. Đầu ông rủ xuống. Lâu sau, ông đứng lên thẫn thờ, đau đớn:

- Tôi về! Nhưng Năm đừng hành hạ tôi lâu. Trời ơi, tôi thương Năm! Tôi thương Năm! Tôi thương...

Ông tiếp tục thì thầm, rên rỉ và có lúc như gào lên trên đường: “Tôi thương Năm! Tôi thương Năm! Tôi thương...”

 

*

*           *

 

Tình cảm của ông Mười đã bật dậy như cái lò xo từ lâu bị nén. Cứ mỗi lần không ghìm được, ông lại háo hức như chàng trai mới biết yêu lần đầu, sải bước đến nhà bà Năm.

 Lúc đầu, bà Năm lờ đi tiếng kêu sốt ruột, giục giã của ông Mười.

Bà là con gái duy nhất của một người phiêu bạt có ít nhiều chữ nghĩa. Với đôi tay bạt rừng và cái đầu biết ghi nhớ lời cổ nhân, cha bà sống dễ dãi với mình nhưng lại quá nghiêm khắc với các con. Là đứa con có hiếu, bà biết cha bà sẽ khổ nơi chín suối nếu con cái sống ngược với điều ông răn dạy. Nhất là điều ông hằng ca cẩm: “Chết đói là chuyện nhỏ, thất tiết mới là chuyện lớn.”.

Chồng chết, bà đã không đủ gan, lại chẳng điên dại gì và cũng không thể chết theo. Đói khổ, bà đã từng nếm trải. Còn tiết hạnh, bà đang khư khư giữ lấy.

Đóng cửa như mọi khi bà chưa yên tâm. Bà buộc thêm vào cánh cửa và cột nhà mấy vòng dây lạt. Vẫn phấp phỏng, bà tấn thêm ở trong cánh cửa mấy cái cà vung, chứa đầy đậu phộng.

Ông Mười không kêu cửa nữa. Ông đến, lặng lẽ ngồi xuống bãi cỏ trước sân nhà bà Năm. Ngôi nhà quạnh hiu như chìm hút trong đêm tối nếu không hắt ra thứ ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu lay lắt. Gió! Gió rậm rật đuổi nhau. Cánh cửa va đập. Ông lại nghe tiếng sột soạt trên nền nhà. Có lẽ, sau cánh cửa bà Năm huy động tất cả cái gì có thể che chắn được. Ngọn đèn vẫn kiên nhẫn cháy...

Bóng đêm loãng dần ra, mênh mông hơn. Ông Mười ngả người xuống cỏ, hai tay vòng sau gáy. Sao mọc lưa thưa. Vầng trăng khuyết ngại ngùng không muốn phô hết mình, cứ thập thò ẩn hiện để rơi rớt xuống trần gian thứ ánh sáng nhờ nhợt, mờ ảo. Trong màn đêm mơ màng ấy, những ngôi sao thỉnh thoảng nhấp nháy với ông. Ông nheo mắt với nó. Các vì sao cũng cô lẻ và thao thức thâu đêm! Cả tiếng gà gáy lác đác cũng lẻ loi. Tiếng gáy xáo động không gian và con người. Còn tiếng thở dài của ông họa hoằn lắm mới làm con mực giật mình, ngơ ngác. Ông ghét và sợ tiếng thở dài của mình.

 

Ông xoay người úp mặt xuống cỏ. Ông rưng rưng khi lớp cỏ non tơ, mềm mại cà cạ vào mặt mình. Và liên tưởng, khát khao... Ông định sẽ nằm với cỏ suốt đêm. Như thế này may ra chợp mắt được. Nhiều đêm liền ông thức trắng. Ông sợ mình mơ khi ngủ. Trong mơ dồn hết sức lực để yêu thương. Tỉnh dậy trơ trọi, kiệt sức. Nhiều lần quáng quàng chân vấp, chân ngã, và khi thấy ngôi nhà của bà Năm còn đứng vững trên mặt đất, ông lầm lũi trở về. Đêm nay, cỏ mơn man và ông chợp mắt. Bỗng giọng đàn bà êm ngọt bên tai ông:

- Sương xuống rồi, anh Mười! Nằm đây cảm chết!

Bàng hoàng, tim đập loạn xạ, ông mở mắt. Trước tiên, là một cặp chân. Một cặp chân nõn nà tỏ mờ dưới vầng trăng khuyết. Cặp chân ấy di động gần ông. Ông không kịp lý giải vì sao đường khô sạch như vầy mà hai ống quần đen lại xắn cao quá? Nhìn sự di động bạo dạn của đôi chân, ông dần tỉnh. Ông đứng dậy tránh hướng di động quyết liệt của đôi chân. Đôi chân ấy cứ tiến và dừng lại, rồi một cánh tay mềm mại, ấm áp chạm vào người ông.

- Khuya lắm rồi. Về nhà em nghỉ đi, anh Mười!

Ông lựng khựng, lừng khừng. Cánh tay níu chặt ông, người ép sát vào ông. Ông thấy mình như bị ma ám, để người đàn bà láng giềng kéo đi tuồn tuột. Đi một quãng, đến con mương rộng với cây cầu bắc ngang là hai đoạn cây gút mắc chông chênh, ông dừng lại. Đôi chân người đàn bà nhún nhảy, thoăn thoắt và khi tới đầu cầu bên kia, một đầu của đoạn cây bên này nhổng lên chới với rồi rớt tỏm xuống nước. Nước văng tung tóe. Nước bắn vào ông. Rùng mình. Ông tỉnh. Không, ngôi nhà ông tìm đến muốn đến đang nằm thiêm thiếp sau lưng ông kìa! Ông quày quả trở lại. Lập tức, giọng nói tức tối đuổi theo ông:

- Hứ!... Như chó chực xương! Để rồi coi...

Không chỉ bằng linh cảm mà còn bằng tiếng sủa hậm hực của con Phèn, dù đóng chặt cửa bà Năm vẫn biết sự có mặt của ông Mười hàng đêm trước nhà mình.

 Dần dần, con Phèn chỉ sủa sủa, khịt khịt chiếu lệ theo thói quen như sủa gốc cây hay sủa mặt trăng. Sự lười nhác của con Phèn làm bà Năm không còn giữ được vẻ dửng dưng. Bà lắng nghe tiếng bước chân. Bà thấy như khắc khoải, như chờ Út vào lòng mỗi lần thấy con Phèn cong đuôi rối rít nhảy bổ ra khi nghe loáng thoáng bước chân ông Mười từ ngoài đường.

Sự gần gũi của con Phèn làm ông Mười thấy được an ủi phần nào. Vừa ngồi xuống bãi cỏ, con Phèn lập tức chạy lại bên ông và ngoan ngoãn để ông vỗ về, âu yếm. Là con cái tơ, nó nhạy cảm. Nó luôn xoắn xuýt bên ông, lúc ngồi, lúc quỳ, lúc chồm lên liếm vào vai, vào cổ, vào má ông.

Khi ông chuếnh choáng tiếp nhận tình cảm của con Phèn thì con Mực của ông như giận dỗi. Tránh ra xa xa, nó chạy loanh quanh, mũi khịt khịt, hít hít lối đi của chuột len lỏi trong các đám cỏ, lâu lâu nhảy cỡn lên như vừa hù dọa vừa đùa giỡn với lũ chuột. Lùi lũi một thoáng nó lại quay về với chủ. Một tay vẫn giữ con Phèn, một tay ông vuốt vuốt cái mõm ướt rượt của con Mực. Nó nhắm mắt lại, rạp đầu xuống rồi khéo léo, lặng lẽ rút mõm khỏi bàn tay ông. Cố lấp đi sự ganh tỵ bằng hành vi hào hiệp, nó lại chạy loanh quanh, đánh hơi, nghe ngóng và sẵn sàng nghinh chiến bảo vệ chủ và cô bạn chưa thân.

Chỉ ít lâu, con Mực và con Phèn mê nhau. Thi thoảng chúng cũng nhớ ông và dành cho ông những cử chỉ âu yếm quen thuộc. Ông nhận ra đó chỉ là tình thương hại. Ông đẩy chúng ra. Chúng cong đuôi rối rít rồi lập tức nô đùa, đuổi bắt và xoắn lấy nhau. Ông thấy mình như mất hết! Cả chiếc bóng đơn độc cũng đang từ từ thoát khỏi ông. Một cảm giác nghẹn ngào trỗi dậy và ngực ông nhói đau khi nhận ra mình đang hờn ghen với hạnh phúc của đôi chó. Ông cố xua cảm giác đó nhưng nó cứ bám riết, bám riết, không sao rứt ra được...

 

*

*           *

 

- Chắc trời mưa!

Ông Mười lầm bầm như thế khi thấy mây đen ùn ùn


kéo tới.

Trong nhà, bà Năm vặn ngọn đèn to hơn. Bà đi đi, lại lại, bồn chồn. Bưng đèn lên, lại để xuống. Lại thắp nhang cho chồng. Lại xê dịch đèn. Xê dịch bước chân... Đến khi cơn gió rùng rình mái nhà rồi cơn mưa ập xuống, bà run run mở cửa...

Ông Mười vẫn trơ gan ngồi một chỗ như không hề biết trời đang mưa, mà lại mưa to. Người ông sũng nước. Râu tóc nước chảy thành dòng. Bà Năm muốn gọi ông nhưng sợ ông không nghe được tiếng bà. Bà chạy ào ra mưa.

 

Khi hai người ướt sũng dìu nhau vào nhà, không biết từ xó xỉnh nào, con Phèn, con Mực nhảy chồm lên hai người,
rối rít.

 

*

*           *

 

- Mình à, sắp nhỏ kêu mình bằng ba...

- Ơ... ờ, tuỳ mình thôi,... Nhưng kêu bằng cha tôi chịu hơn...

- Tôi ngài ngại sắp nhỏ...

Ông buông vợ ra. Bà Năm chơi vơi giữa câu nói. Thở dài một lúc, ông bỏ vợ trong mùng, bước thùm thụp ra ngoài vấn thuốc. Bà Năm ra theo, ngồi cạnh ông, ấp úng định nói gì đó nhưng ông chặn lời:

- Không, lỗi đâu phải do mình. Lỗi ở tôi. Tự dưng lại xen vào đời mình!

Ý nghĩ ấy trở đi trở lại với ông. Ông xỉ vả, nguyền rủa mình. “Đúng, lỗi do tôi, tại tôi! Tôi đã hung hăng như cọp, lỳ lợm như trâu, yếu mềm như con trùn chỉ vì muốn được mình. Nhưng tôi chỉ được thân xác mình”. Ông đấm ngực thình thịch vì sự thực này. Ngay đêm đầu chung đụng, bà đã bật khóc tức tưởi, nghẹn ngào. Khóc vì nuối tiếc, vì kỷ niệm, vì hạnh phúc đã qua? Hỡi ơi, có giọt nước mắt nào cho ông!? Lúc ấy, thở hồng hộc, ông muốn xiết bà đến tắt thở và hả hê nhìn những giọt nước mắt khô lại trên đôi mắt thâm quầng của bà. Thay vì làm vậy, ông lại quỳ xuống cạnh bà như một con chó. Và bà đã ban ơn. Chính lòng trắc ẩn này làm ông lúc nào cũng treo căng giữa hai đầu yêu thương và ghen giận. Mỗi một cử chỉ gần gũi, âu yếm của bà lại nảy ra mối ngờ vực trong ông. Ông đã chăm chăm rình mò bà như một kẻ hèn hạ. Cái nhìn luôn dán theo bà, ngay cả lúc nằm bên nhau. Ông không chịu được khi ngủ bà quay về phía không có ông. Ông luôn kéo bà về phía mình. Ông muốn sở hữu bà ngay trong giấc ngủ và cả trong chiêm bao. Ông biết điều này quả khó khăn. Ông tím mật bầm gan khi nhận ra mình phải hằn học tranh chấp quyền sở hữu với người đã khuất. Ông thấy bàn thờ người chết lúc nào cũng sừng sững, che chắn hạnh phúc của ông. Từng đốm nhang trên bàn thờ cứ châm đốt vào ông, rát bỏng. Có lần, điên tiết, ông đã vơ hết đống nhang rồi thắp đỏ rực. Bà ngạc nhiên, chưa kịp nói câu nào, ông đã nóng nảy:

- À, bà sợ người ta nóng à? Sướng, sướng, chết được vậy thiệt sướng!

Nhiều lúc ông thèm được chết. Ông biết, mình chết sẽ không “được sướng” như “người ta”. Nhưng dầu sao cũng để ấn tượng cho bà. Ông sợ tất cả trôi tuột hết, dù sống đằng đẵng bên nhau. Và chắc sẽ gây ấn tượng dữ dội nếu ông chọn cái chết lơ lửng trên không. Một cành cây nào đó oằn xuống, thân xác ông đong đưa, đôi mắt mở trừng trừng. Đôi mắt đó sẽ theo bà suốt đời. Nghĩ đến đây, ông mỉm cười mà nước mắt thành dòng.

Ông đã chọn một cây đước, tua tủa những cánh tay vững chãi vươn ra mặt đất. Ông mò tìm một cành cây để buộc thòng lọng vào đó nhưng cành cây nào cũng mảnh dẻ so với thân thể cường tráng của ông. Ông đang căng mắt trong bóng tối để tìm một thân cây khác, thì loi nhoi xuất hiện trên đường hẹp những bóng người. Rồi tiếng chân chạy rậm rịch, tiếng kêu hớt hải: “Ba, ba ơi!”. Ông mềm người trước tiếng kêu ấy. Ông tuột từ trên cây cao xuống khi nghe tiếng khóc rấm rức của con Út. Ông bế thốc con Út lên và siết chặt nó vào lòng.

“Thì ra, mình đâu phải là người thừa!”. Ý nghĩ này với ông như liều thuốc hồi sinh. Ông làm lụng bất kể chết. Mặt trời chưa mọc ông đã có mặt ngoài rẫy và trở về khi mặt trời đã khuất sau dãy rừng đen thẫm. Hai mươi công rẫy gần như chỉ mình ông đào đắp, cuốc xới, trồng tỉa, chăm bón, thu hoạch. Thằng Hai chỉ hụ hợ ông chút ít, thằng Ba, con Út quanh quẩn ở nhà cơm nước với mẹ. Mỗi lần từ rẫy về bao giờ trong túi ông cũng đầy ắp trái thù lù chín mọng, trái nụ áo đỏ ối. Thằng Ba, con Út tranh nhau trái chín ông cho, háo hức nhai rau ráu. Ông xoa đầu chúng và thấy như mình có lỗi, ông chẳng có gì quý hơn cho chúng ngoài những quả dại len lỏi khắp rẫy...

 

*

*           *

 

- Thằng Hai nhà chị giống cha như đúc!

Đang cuốc phăm phăm, bỗng ông khựng lại khi nghe câu nói vẳng từ đám bắp phất cờ lao xao gần đó.

 

Ông nhận ra giọng nói của người đàn bà hàng xóm. Người đàn bà hễ gặp ông, dù giữa trưa gay gắt nắng cũng xắn hai ống quần thật cao, bộ ngực trêu ngươi, lúc la lúc lỉu. Người đàn bà ấy, tên gọi Sáu Lê. Ông không rõ vì sao cô ta mang tên ấy, dường như tên của một thứ trái chua, hay vì cái tính ngồi lê đôi mách hằn đậm ở cô ta?

Xóm giềng vừa chê bai, vừa bị kích thích bởi cá tính ấy. Sau lưng, các bà bĩu môi cảnh giác nhưng vẫn tìm cách tụm năm tụm ba nghe Sáu Lê bô lô ba la đủ thứ chuyện, đặc biệt là chuyện người ta chỉ làm trong bóng tối, trong khuất vắng thì Sáu Lê lại lôi nó ra tênh hênh giữa ban ngày ban mặt. Chính khả năng này mà đến bất kỳ nhà ai, cô ta cũng chăm chắm vào buồng ngủ. Đối với cô ta, trên đời này không có gì hấp dẫn bằng khoản đó. Không ngượng ngùng, chọc chọc những ngón tay vào đầu gối tròn lẳn, Sáu Lê tuyên bố thẳng thừng: “Con cái làm khỉ gì cho mệt. Tôi chỉ cần cây gậy của đàn ông!”. Sáu Lê nhiều lần có chồng nhưng không ông nào ở với Sáu Lê được quá nửa năm. Sau mỗi lần chia tay, Sáu Lê không giấu được bực tức: “Ông ấy xìu quá!”. Rõ ràng ràng, không ông chồng nào đủ cường lực để nhấc Sáu Lê khỏi mặt đất. Sức lực dân chài của ông chồng mới nhất cũng chỉ nâng Sáu Lê là đà trên mặt đất. Mà Sáu Lê muốn bay, bay cao, bay nữa... Tức tối, Sáu Lê ráo riết kiếm tìm... Bộ râu rậm rì, vùng lông xoáy mượt ở bụng, ở ngực ông Mười trong đêm trăng thanh vắng đó lại nung khối máu ấy trong Sáu Lê, sôi sùng sục. Chưa một gã đàn ông nào không bị cuốn hút bởi ma lực đàn bà của Sáu Lê. Và vì vậy, đối với ông Mười, từ chỗ lượn lờ quyến rũ Sáu Lê chuyển sang lạnh lùng kình chống và nghinh chiến. Rất cay với cuộc sống của ông Mười và người đàn bà khác, nhưng ngoài mặt đối với bà Năm, Sáu Lê luôn tạo sự gần gũi thân thiện. Sự thân thiện ngấm ngầm mưu mô tai ác. Qua người vợ Sáu Lê biết sẽ dễ dàng đánh trúng chỗ yếu nhất, dễ tổn thương nhất nơi ông Mười. Điều này không phải chờ lâu. Lúc trò chuyện, bà Năm tiết lộ: “Ông nhà tôi, chỉ có tật... hay ghen”. Chộp được yếu điểm này, Sáu Lê mừng húm như vớ được vàng...

Câu nói tưởng như vô tình, vẳng ra từ đám bắp lúc nãy, chính là mũi tên độc nhằm vào ông.

Cả tin, vợ ông phụ họa theo:

- Nó giống hệt từ lúc lọt lòng...

Ông bập lưỡi cuốc cái phập vào đất. Buột miệng chửi thề một tiếng rồi xăm xăm một mạch bỏ đi.

Khi về nhà, bà Năm đã thấy ông ngồi lảm nhảm trên bộ ván ngựa giữa nhà, miệng nồng mùi rượu.

Bà thụt lùi lại, há miệng ngạc nhiên nhìn ông giựt phắt cái khăn ướt quăng đi khi bà vừa chạm nó vào trán ông:

- Mẹ! Đừng giả nhân giả nghĩa. Bà có thương yêu gì tôi? Bà chỉ thương cái sức trâu bò của thằng tôi! Tôi đi! Tôi
phải đi...

Ông đùng đùng bỏ đi trong cơn say. Bà Năm chết lặng nhìn theo. Không hé răng, không níu kéo.

Ba ngày sau ông lủi thủi trở về, mình đầy vết xước, đôi mắt trũng sâu thâm quầng, má hóp lại nhưng cái nhìn của ông khác hẳn. Đó là cái nhìn của một người vừa trải qua cơn bệnh nguy kịch.

Ông ngồi phịch xuống sân nhà, vẫy con Mực lại. Cùng một lúc, con Mực lẫn con Phèn mừng rỡ đặt những cái chân lấm lem bùn đất lên đôi tay chai sạn của ông. Con Mực chồm cao hơn, đưa cái lưỡi mềm nhũn, nhoèn nhoẹt liêm liếm vào cổ ông. Cử chỉ quen thuộc của con Mực, con Phèn giúp ông thêm can đảm. Ông bước vào nhà trong tiếng reo líu ríu của con Út:

- A, ba về! Má ơi, ba về! Anh Ba ơi, ba về! A, ba về!

Đôi chân ông bủn rủn muốn khuỵu xuống khi thấy vẻ mặt vui sướng và tiếng kêu mừng rỡ của con Út “Ba về, ba về...”! Ôi... Út, con... Ông vồ vập thốc con Út lên, dụi đầu vào ngực nó:

- Sao ba khóc?

- Không, đâu có, ba đâu khóc!

- Sao mắt ba ướt nhèm nè!

- Tại... kiến đái vô mắt ba!

- Ơ... chắc cũng tại con kiến vàng. Má cũng bị nó đái
vô hoài.

Ông siết chặt con Út vào lòng:

- Má con đâu?

- Má con bửa củi ngoài sân kia kìa!

Ông đặt con Út xuống, dúi vào tay nó nắm thù lù chín mọng. Ra chỗ tiếng búa, không nói không rằng, ông giằng lấy cây búa từ tay vợ, bửa một mạch hết đống cây làm củi.

 

Vào nhà, ông lau mồ hôi nhễ nhại khắp thân thể, ăn hết một phần xoong cơm nguội với mắm tép, hút một điếu thuốc rê, vấn vội chiếc khăn rằn lên đầu, hấp tấp chạy ra rẫy giữa trời nắng chang chang.

- Vô nghỉ đi Hai, để đó cho ba!

Bất ngờ trước thái độ của ông, thằng Hai ngẩng nhìn ông, bối rối, mặt ửng hồng, đầu mũi phập phồng. “Nó giống cha như đúc”. Thình lình câu nói ấy trở lại giày vò ông. Ông chua chát nghĩ đến người chồng trước: “Rõ ràng hắn đẹp trai. Nhưng ta thời trẻ nào thua hắn. Tôi thương mình, tôi nâng niu mình. Còn hắn, hắn tàn phá mình, dù mình mới ba lần sinh nở. Ôi sao mình không sinh nở với tôi? Trời ơi, mình chỉ có con với hắn”. Con quỷ ghen tuông lên cơn hoành hành. Ông đấm thình thịch vào ngực mình: “Tao lạy mày! Tao thừa khổ rồi!”.

- Ba, ba mệt vô nghỉ đi, để con làm...

- À... mày cả gan chê tao yếu, tao mệt hả? Đi, đi cho khuất mắt tao!

Nhìn dáng đi thất thểu của thằng Hai, niềm day dứt lại trào lên cổ ông. Ông cố nuốt mấy cái. Té ra nó không phải vướng ở cổ mà có sức nặng của đá tảng đè lên. Ông lảo đảo, vớ được cán cuốc ông tựa vào đó và từ từ khuỵu xuống, soãi người ra mặt đất. Mặt đất xốp, phập phều thả vào ông hơi thở oi nồng. Ông nằm im, sự êm mát của đất đem lại tình âu yếm dịu dàng, ông liên tưởng đến khuôn mặt nhòe nước mắt
của vợ...

 

... Ngày ấy, ông cũng chẳng biết mình đến đâu nếu không gặp mẹ con bà Năm hì hụi chèo xuồng cây khẳm đừ trong cơn dông thịnh nộ đuổi theo. Mặt nước cồn cào, dậy sóng. Trên bờ cây gãy răng rắc, lá đổ rào rào. Chấp chới chim rừng líu ríu gọi nhau. Đột nhiên ông đuổi theo chiếc xuồng chèo rì rì trước mặt. Cặp xuồng lại, ông nói như quát:

- Mày nhảy qua xuồng này chèo cho nhẹ!

Ông thay chỗ cho thằng bé. Ông gồng người, chèo hết tốc lực, mái chèo cong vút chực gãy nhưng chiếc xuồng vẫn lì lợm nhích từ từ. Mưa đã trắng xóa mặt sông. Không cách nào khác, ông cặp xuồng lại, hối hả quăng cây lên bìa rừng. Mưa ào ào trút xuống. Hai mẹ con bà Năm cuống cuồng tát nước mưa trong xuồng ra. Quăng hết cây, ông giằng gàu tát nước và kéo mũi xuồng lên bờ. Mưa dày đặc. Khu rừng tối sầm. Tấm vải ni lông không đủ cho ba người. Ông và người đàn bà đứng nửa trong, nửa ngoài căng tấm ni lông che cho thằng bé. Mưa dai dẳng. Người đàn bà tái xanh trong bộ bà ba đen dính sát vào tấm thân mảnh khảnh, yếu đuối. Thằng bé cũng tái xanh như mẹ nó, cứ liên tục “khởi động” tại chỗ trên mặt đất nhoèn nhoẹt sình lầy.

Mưa nhẹ hạt một chút thì vô số muỗi rừng từ gốc cây, kẽ lá và như từ từng giọt mưa sinh ra, vây bủa ba người. Chúng thi nhau bâu chặt vào da thịt, hau háu hút máu. Vừa chống chọi với lũ muỗi say máu, cả ba người vừa tháo lui. Dưới chân trơn trượt sình lầy, hai mẹ con người đàn bà run rẩy bấu ngón chân vào mặt đất lần đi từng bước nhưng cứ liên tục chúi đi, vấp ngã. Ông và hai mẹ con bà Năm phải bíu vào những chang đước tua tủa như muôn ngàn cánh tay gân guốc bám vào mặt đất. Len lỏi trên những chang đước cơ man nào là ba khía, còng chạy roàn roạt, vênh những chiếc càng xanh, đỏ trêu tức sự yếu ớt của con người. Nh 7046 nương vào chang đước, cả ba tới được xuồng. Bấy giờ, nước ròng vực sâu, chảy xiết. Hai chiếc xuồng nằm chơ vơ trên bãi lầy, cạnh đống cây ngổn ngang. Trời tối nhanh. Cả khu rừng chìm trong bóng tối thâm u, xáo động. Xáo động đến rợn người khi nghe tiếng kêu hoảng loạn bi thương của những con chim bị mất tổ sau trận mưa giông. Tiếng kêu của lũ chim có âm sắc nhọn hoắt đâm vào màng nhĩ ông. Ông rùng mình. Quằn quại và tuyệt vọng trong rừng đêm, những con chim bơ vơ không tìm đâu ra tổ ấm. Ông cũng kiếm tìm và hình như trời đất cũng thấu nỗi lòng ông...

Ông nhớ vợ cồn cào. Ông vùng dậy sải những bước chân gấp gửi. Được mươi bước, chân ông vấp một chiếc gai chà là nhọn hoắt. Rút gai nhọn ra khỏi chân, một vệt máu đỏ lẫn vào lớp đất bám dưới gan chân ông. Ông xoa xoa chỗ đau, lưỡng lự rồi quay lại những luống khoai cuốc dở, cầm cuốc lên...

Khi ông về đến nhà mặt trời đã khuất hẳn sau cánh rừng. Vợ ông đang lúi húi cho thêm củi vụn vào bếp hun muỗi, làn khói sẫm màu táp vào vợ ông. Ông nheo mắt, cay xè. Ông sục sạo trong đống củi xấp lớp sau hè lôi ra những cây củi mục đặt vào bếp un. Cây mục bắt lửa, không cháy, tức tưởi, lùng nhùng phả ra những bựng khói xám xịt tỏa khắp nhà. Vợ ông yên tâm nhìn bầy heo táp phầm phập trong máng không quất đuôi đuổi muỗi liên tục như lúc nãy. Bà rửa chân tay, dọn cơm trong khi ông nhảy ùm xuống sông tắm táp, ngụp lặn như một cậu bé nghịch ngợm. Ông hớp hớp vào miệng những ngụm nước, phun ra, lại hớp vào. Vị mặn của nước làm lưỡi ông tê tê thích thú. Ông mặc quần áo, chải tóc trong tiếng chan húp xì xụp của thằng Hai, thằng Ba. Con Út nũng nịu đẩy chén cơm ra, ngoẻo đầu trên đùi mẹ, phụng phịu: “Con chờ ba ăn cơm à”. Ông sà vào mâm cơm, gắp con tôm hùm luộc đỏ au, lột vỏ, bỏ vào chén con Út. Ông lột vỏ một con nữa định bỏ vào chén vợ thì bà đã thụt chén lại:

- Mình ăn đi!

Biết vợ từ chối vì mình nhưng ông vẫn thấy như vừa bước hụt. Ông bỏ con tôm vào miệng quên chấm mắm và cũng chẳng biết dư vị của nó.

Không để ý vẻ mặt của chồng, bà Năm tiếp tục đẩy đĩa cua lột chiên đến gần ông:

- Của cô Sáu cho. Mình ăn đi, để nguội mất ngon!

Ông không rõ, có phải nghe đến tên người đàn bà ấy hay nhìn những con cua lột mềm nhũn mà trong người ông nổi lên cảm giác gai gai. Ông đẩy đĩa cua về phía vợ.

- Mình ăn đi!

- Mình ăn trước đi, ngon lắm!

Bất giác, những con cua èo uột nằm trong đĩa, gợi cho ông những hình ảnh và sự liên tuởng.

- Mình thích nó à?

Ngạc nhiên trước câu hỏi gay gắt của chồng, bà nhìn ông đau đáu. Và vội vã quay đi giấu giọt nước mắt không kịp nén. Cúi gằm mặt, lùa hết chén cơm, ông bỏ ra sân ngồi với bóng đêm và lũ muỗi. Muỗi vo ve hàng đàn. Muỗi cắn ông từng chùm. Máu nhòe nhoẹt trong lòng tay ông: “Mẹ kiếp, tao dư khổ rồi!” Như đánh được hơi máu, lũ muỗi kéo lại càng đông. Ông muốn vào nhà nhưng sợ nước mắt vợ. Nước mắt thương yêu, tủi hờn hay tiếc nuối? Càng hỏi ông càng hoang mang. Ông tin máu chảy nhưng ông luôn hoài nghi những giọt nước mắt. Hình ảnh cư xử của loài cua hiện ra trước mắt ông và ông chợt nhận ra thâm ý của Sáu Lê.

Nhiều lần ông gặp con cua đực giương càng hùng hổ xông vào tấn công ông, bất kể trong tay ông lăm lăm chĩa sắt. Chĩa gãy càng những cái ngoe còn lại tiếp tục cựa quậy, chống chọi đến cùng. Tóm được cua đực canh giữ trước hang thì biết chắc trong hang con cua cái đang ung dung lột vỏ. Ngược lại, khi ông bắt gặp con cua cái bò thoăn thoắt cùng một con cua đực đến trước miệng hang và để con cua đực hăm hở bò vào hang thì ông biết trong hang đó, một con cua đực khác đang lột vỏ lúc ẻo nuột nhất, hoàn toàn không còn sức tự vệ... Loài cua cái và... đàn bà... mình còn tơ tưởng đến hắn sao mình sống với ta? Với hắn, mình đẻ một loạt con. Còn với ta...

- Má ơi, ba đâu rồi, má.. Phải chi con Út là con đẻ của ta. - Ông lẩm bẩm ước ao... - Con hổng ngủ đâu, con chờ ba!... Má má khóc hoài à! Ông gượng đứng dậy, phủi lũ muỗi, phủi những ám ảnh quái gở giày vò. Ông lần khần vô mùng. Con Út mừng quýnh nằm chen giữa ông và vợ. Nó vân vê râu ông và rúc rích vì nhột. Nó cù nách ông, hôn lên mặt ông và ngủ rất nhanh trên cánh tay chắc nịch của ông. Nghe hơi thở con trẻ trên tay mình, lòng ông rưng rưng. Ông nhè nhẹ đặt nó vô phía trong và nhích lại gần vợ. Hơi thở khó nhọc và bộ ngực phập phồng của vợ xua hết nỗi hờn ghen. Ông kéo vợ sát mình:

- Đừng khóc nữa, mình!

Vợ ông nấc lên nghẹn ngào:

- Tôi xin mình!

Ông áp đôi má ướt đẫm nước mắt vợ vào ngực mình. Bà nức nở trong vòng tay xiết chặt của ông. Và không biết từ lúc nào, ông cũng khóc. Giấu mặt vào mái tóc của vợ, ông nghẹn ngào:

- Mình ác với tôi lắm... Sao mình không cho tôi một đứa con!

Vợ ông nấc lên dữ dội. Hoang mang cực độ, ông chỉ biết ôm chặt vợ. Bỗng ông buông vợ ra, ngồi bật dậy khi nghe tiếng thì thào của vợ: “Mình sắp có con!”. Ông không tin vào tai mình, ông hỏi lại vợ và bất ngờ vén áo vợ lên. Ông áp tai vào bụng vợ nghe ngóng:

- Thiệt hôn mình?

- Được gần ba tháng rồi!

- Sao mình giấu tôi!

- Để thiệt chắc, sợ mừng hụt!

Vợ ông ngỡ ngàng, sung sướng đón nhận cơn thủy triều yêu thương trào dậy nơi ông. Ông hôn khắp bụng vợ, thì thầm: “Con trai, con trai của ta!”.

 

Ngày tháng chờ đợi đứa con ra đời là thời gian hồi hộp đến cuống quýt trong hạnh phúc. Ông nâng niu, ông chăm sóc vợ ân cần chu đáo đến nỗi những bà vợ hàng xóm quýnh lên chì chiết, chê trách đức ông chồng của mình.

Đối với Sáu Lê, dù cố tình phớt lờ nhưng vẻ mặt vẫn không giấu nỗi ghen tức, coi hạnh phúc của ông Mười như sự thách thức trêu tức cảnh “cây độc không trái...” của mình. Ông chọn tên Nghĩa đặt cho đứa con sắp ra đời - em nó sẽ là Tình. Ông gật gù và tự thưởng một ly rượu vì sự lựa chọn này. Ông cấm tuyệt không cho vợ làm lụng nặng. Ông bửa củi chất đầy nhà, vác củi un chất đầy chuồng heo. Các khạp mái chứa nước lúc nào cũng đầy ăm ắp. Ông sửa lại tay vịn cây cầu, bắc lại sàn lản bằng phẳng, vững vàng. Ông ép bà ăn tôm, ăn cua để “cho thằng Nghĩa thiệt bự, thiệt khỏe”. Hễ nói chuyện với vợ, bao giờ ông cũng nhắc tới “thằng Nghĩa”. Nhiều lúc vợ ông nói như dỗi:

- Ông chỉ biết thằng Nghĩa, đâu thương yêu gì tôi!

Ông ngượng ngập xoa tay lên bụng vợ, cười ngượng nghịu:

- Đợi lâu quá!

Ngày chờ đợi rồi cũng đến...

Ông không nhớ bằng cách nào, mình đến nhà bà mụ nhanh như vậy. Ông muốn nện cho bà mụ một trận khi thấy bà thủng thẳng ngồi nhai trầu, thủng thẳng dựng đầu gối lên vén ống quần chùi nước trầu đỏ tươi tứa ra mép. Ông quơ giỏ trầu bà chạy trước, bà mụ lấp vấp theo sau. Hình như ông bị bà mắng té tát khi ôm thốc bà chạy trên đoạn đường cuối về nhà. Bà mụ cấm không cho ông vào buồng đẻ.

 

Ở ngoài, lòng phừng phừng như lửa đốt, ông đứng ngồi không yên. Lên nhà trước, xuống nhà sau. Ở góc sân, con Út mặt buồn xo, tay chống cằm nhìn chăm chăm dòng nước trôi lững lờ trước mặt.

- Sao buồn, Út?

- Có em, ba má hết thương con!

Ông bối rối không biết nói câu gì dỗ dành con bé thì bất ngờ tiếng khóc oa oa vang ra từ trong nhà. Chân ông chùng lại, ngỡ ngàng: Sao lại khóc? Những đứa trẻ khác có khóc không? Và ông, ông có chào đời bằng tiếng khóc?

 - Ba ơi, em trai!

Ông định thần lại bởi tiếng kêu của con Út. Vào buồng, ông thấy một hài nhi đỏ hỏn, xa lạ đối với mình và khác xa sự hình dung bấy lâu nay. Càng chăm chú nhìn đứa bé ông càng thất vọng. Miệng nó hớp hớp không khí, vặn vẹo toàn thân. Đôi mắt hum húp của nó hé mở nhưng ông chẳng tìm thấy tín hiệu nào ở trong đôi mắt ngơ ngác đó. Chỉ có tiếng khóc là khẳng định sự có mặt của nó. Nhưng sao lại là tiếng khóc? Ông lại nghĩ đâu đâu... Tiếng bà Năm kéo ông lại:

- Thằng Nghĩa của mình đó!

Ông thấy lòng xốn xang trước nụ cười mệt mỏi và mãn nguyện của bà. Nhưng đứa trẻ vẫn chưa mảy may đánh thức tình cha con trong ông. Vợ ông hơi nhổm đầu lên, tay kéo nhích manh chiếu về phía ông:

- Mình coi, mắt miệng con giống hệt mình, rồi ngón tay, ngón chân nữa, dài thậm thượt...

 

Ông cúi xuống vạch tấm vải quấn.Taychân, thân thể nó gầy ngoẵng, đầu chờ vờ như cá lóc mắc cạn, càng làm ông thấy xa cách với cơ thể là hòn máu của mình. Bà mụ, với kinh nghiệm trước những người đàn ông có con đầu lòng, vừa nhai trầu, vừa trấn an ông:

- Mới đẻ, đứa nào cũng vậy hết ông tướng!

Sáu Lê có mặt ở đó góp lời:

- Ơ, ờ, coi... coi nào! Mấy đứa trước bảnh hơn nhiều!

Ông muốn bóp cổ người đàn bà ác miệng độc lòng đó. Ông nắm tay lại, bắp thịt gân guốc nổi lên cuồn cuộn:

- Câm đi!

Ông quát to rồi bế gọn đứa bé trên tay. Từ phút đó, ý thức máu thịt với sinh linh bé nhỏ ấy trỗi dậy trong ông.

Đứa trẻ lớn nhanh. Ông Mười thấy nó giống trái bầu, trái bí - chỉ ngủ qua đêm, sáng ra đã thấy lớn phổng phao cạnh những bông hoa nở muộn, vàng rực, đẫm hơi sương. Và ông bắt đầu ngắm trái bầu, trái bí căng tròn, chen chúc trên mặt đất với con mắt chăm chú, khám phá, ngỡ ngàng. Khi khám phá mảnh đất hoang vu rừng rậm này, ông chỉ nghĩ đến chuyện bòn rút, vắt kiệt sự phì nhiêu, màu mỡ của nó. Ông đã từng thẳng tay băm vằm, cuốc xới nó trong cơn bực tức nóng nảy bởi tiếng kêu rỗng rễnh của dạ dày. Giờ đây, khi áp tai xuống mảnh đất đẫm sương, nhận ra tiếng tí tách khe khẽ của những hạt mầm do chính bàn tay mình gieo trồng, ông rưng rưng thấy nó có cái gì rất gần, rất giống sự quẫy đạp của con ông khi nằm trong bụng mẹ. Bước chân của ông trên mặt đất như nương nhẹ hơn. Mặt đất nâu xốp, phập phình, sau mỗi bước chân làm ông không ngừng nghĩ đến cơ thể khổng lồ đang thở mệt nhọc trong kỳ sinh nở.

Ông khao khát cơ thể sinh sôi. Vợ ông ngụp lặn trong hạnh phúc. Ông bỏ hẳn rượu và không thiết đến trà. Thú tiêu khiển độc nhất của ông là được nằm cạnh võng, nghe vợ hát ầu ơ... Cứ mỗi lần nghe vợ hát ru con, nước mắt ông cứ chực trào ra. Khi ấy, ông muốn ôm vợ, ôm con, ôm cả trời đất vào lòng! Ông muốn tiếng ru được nối tiếp tiếng ru:

- Mình à, đẻ thêm con Tình cho tôi nghen!

Khi con Tình chưa ra đời thì thằng Nghĩa là tất cả đối với ông. Một vết đỏ muỗi cắn trên da thịt của thằng Nghĩa cũng làm ông nổi giận. Ông thường lấy hai tay đập “bốp” thật mạnh vào bất kỳ con muỗi nào bay láng cháng trước mặt. Vừa buông cây cuốc là ông chạy ù về với con. Ông hôn con chùn chụt, miệng không ngớt: “Khỏe, khỏe quá!”. Ông nói ngọng nghịu với nó, làm con nghé cho nó cưỡi... Ông thường nằm ngửa, nâng thằng Nghĩa lên cao, giang hai cánh tay nó ra làm chiếc máy bay đang cất cánh. Trong tiếng cười khanh khách của nó, lưỡi ông líu lại phát ra âm thanh đả đớt:

- Ừng ữa, on i áy ay iệt éng(1)!

Ông rất lo cho “chừng nữa” của thằng Nghĩa và có một kế hoạch tương lai dành cho nó, nhất định ông không để cho con khổ như cha, như mẹ.

Một đêm gần cuối mùa mưa, năm thằng Nghĩa đã lên ba. Nằm với vợ con, ông tính đến tháng hạn sẽ ruồng thêm mươi công đất đang còn là cánh rừng rậm rịt nhưng đất ở đó cao, phân vừa dày vừa xốp có thể làm rẫy rồi sau lập vườn. Ông sẽ dẫn cho nó xem ánh lửa bập bùng của những ngày làm rẫy. Nó sẽ chạy lon ton theo ông...

Nghĩ đến đó, ông lấy tay sờ nắn đôi chân mềm mại của thằng Nghĩa. Giật mình, nhỏm dậy, ông nắn bóp khắp người nó. Vợ ông luýnh quýnh vặn cao ngọn đèn, miệng lắp bắp: “Hồi chiều, nó còn chơi”. Toàn thân thằng Nghĩa nóng hầm hập, đôi mắt nhắm nghiền, đôi môi đỏ tươi khô khát. Ông vùng dậy, kêu xóm, gọi làng.

Chòm xóm chạy đến, trên tay mỗi người lọ dầu, củ gừng, trái chanh, nắm cỏ mực, viên thuốc, cắt, lễ, đắp khăn ướt, chà chanh, xoa dầu nhiều lượt nhưng thằng Nghĩa vẫn nằm mê man, lâu lâu lại co giật. “Nó bị kinh phong giật, phải tìm mật mèo mun”. Mệnh lệnh của ai đó vừa phát ra, tức thì như mãnh hổ, ông Mười chộp được con mèo, đôi mắt nó như hai mảnh sao lóe lên trong bóng tối. Ông mổ bụng con mèo trong nhấp nháy, tìm túi mật đen thẫm chỗ buồng gan nóng hổi. Giọt mật thứ ba vào miệng, thằng Nghĩa khẽ chớp mắt, chân tay động đậy. Giọt thứ tư, thứ năm mồ hôi rịn ra khắp người nó. Cơn nóng dịu dần, dịu dần... Khi mọi người yên tâm ra về, ông bảo vợ “chợp mắt một lát”, ông dành ngồi canh cho con ngủ đến sáng. Hôm sau, ông nấn ná bên con đến xế chiều mới vác cuốc ra rẫy. Đến đêm, thằng Nghĩa lập lại trạng thái nóng sốt, mê man, co giật của đêm trước. Ông cuống lên huy động cả xóm bắt mèo mun nhưng gặp toàn mèo mướp, mèo vàng, chỉ nhà Sáu Lê có mèo mun. Sáu Lê cũng xăng xái đi tìm bắt con mèo, nhưng như có phù phép nó biến mất dạng. Mồ hôi chảy từng dòng, từng dòng ông chỉ bắt gặp ánh mắt Sáu Lê lóe sáng giống hệt ánh mắt mèo hoang trong mùa động đực. Ông chộp bừa con mèo có những vệt lông màu sáng. Những giọt mật của con mèo mướp không ngăn được cơn co giật của thằng Nghĩa. Cơn co giật dữ dội hơn.

Không còn cách nào, ông xốc con, kéo vợ xuống xuồng, bươn bả chèo tìm trạm y tế.

Trời tối đen. Sao trời không xuyên qua được kẽ lá của rừng cây. Lồng đèn dềnh dàng bằng gỗ đước cũng không chắn được gió luồn. Ngọn đèn dầu nhập nhòe, nhập nhòe rồi tắt. Chiếc xuồng vướng víu. Mũi xuồng va liên tục vào vô số tay đước thò ra mé sông. Nước ròng chảy xiết. Chiếc xuồng nhích khập khựng như dưới lườn bị nhiều cánh tay lực lưỡng ghì lại. Mồ hôi tuôn ra như tắm, ông sụp người xuống sạp xuồng khấn đất, van trời, cầu xin thần rừng, lạy bà hà bá... phù giúp ông kịp đưa con đến nơi.

Đến nơi, chân trời vừa rựng hồng, soi lờ mờ gương mặt thằng Nghĩa đang lịm ngủ. Nó ngủ mãi không chịu dậy nữa.

Ông nằm bên mộ của thằng Nghĩa suốt ba đêm liền. Bóng tối trùm xuống ông. Trong ông toàn bóng tối. Bóng tối dày đặc. Sang đêm thứ tư ông lên cơn sốt mê man. Cơn sốt lui đi ông gần như người câm. Ông nói là chỉ nói với thằng Nghĩa. Ông thủ thỉ, nô đùa và khóc nức nở với nó. Ông trườn vào các ngóc ngách trong nhà, mân mê đồ chơi còn lại của thằng Nghĩa, miệng lặp đi, lặp lại:

 

- Trời ơi, con ơi, làm sao!

Sau những lúc như vậy, ông ngồi câm lặng hàng giờ bên chai rượu. Dù say bí tỉ, ông vẫn tìm đến được với thằng Nghĩa. Lại thủ thỉ, nô đùa, khóc rưng rức với nó.

Tai họa tiếp tục ập đến. Ông ngồi bật dậy như cái lò xo khi nghe tiếng kêu hớt hải của con Út: “Ba ơi, nước tràn vô rẫy. Nước, nước...”. Đến nơi, ông chết lặng người! Nước tràn ào ào qua bờ rẫy. Ông thấy vợ ông tách ra thành nhiều người, rồi thằng Hai, thằng Ba cũng tách ra thành nhiều đứa loi ngoi, dập dềnh trên mặt nước. Khi thằng Hai kéo tay ông, ông mới giật mình, gấp gửi điên cuồng dùng tay xắn đất. Những tảng đất cứ chuồi đi, rẽ nước tung tóe. Mặc, ông cứ tiếp tục xắn đất, gấp gửi, điên cuồng cho đến khi kiệt sức và tuyệt vọng nhìn mặt nước ngoài sông phẳng lì với mặt rẫy.

Ông nằm bẹp trong nhà suốt ba ngày. Ngày thứ tư ông gượng dậy, lần dò ra rẫy. Mực nước đã xuống nhưng hỡi ôi, màu vàng úa, thê lương trải ra trước mắt ông. Ông lê từng bước nặng nề theo từng luống dưa, luống bí, nâng niu vuốt ve những trái, những nụ gục đầu, héo rũ. Và kìa, đám bắp ngậm sữa hôm nào nay phất cờ trắng y hệt rừng khăn tang bay phần phật trong gió. Cố gượng nhưng sức lực nơi ông không còn. Ông té sấp trên mặt rẫy, trên lớp muối lấp lóa...

Ông tỉnh dậy bởi tiếng kêu rờn rợn của con chim cú mèo. Nó đậu trên cành cây khô đang chăm chú nhìn ông bằng con mắt mèo sáng lạnh.

Ngày cha ông té quỵ và đôi trâu bừa lên nhận chìm trên mặt ruộng sâu cũng là ngày con cú mèo kêu suốt đêm trên đầu sông nhà. Ngày mẹ ông cảm nắng trên cánh đồng vàng mơ của chủ điền, có lẽ cũng không vắng tiếng cú mèo nhưng ngày ấy ông chỉ biết bú, bú đến tưa tái núm vú vì dòng sữa đã nghẹn tắc trên cơ thể lạnh ngắt của mẹ. Ngày thằng Nghĩa bỏ ông đi, con cú mèo liên tục vỗ cánh và cú rũ trên cây đước trước nhà. Và bây giờ đây... Con cú mèo rời mắt khỏi ông và nhìn đăm đăm xuống mặt đất. Mặt đất sủi lên màu phèn, chỗ đậm chỗ nhạt như màu máu loang lổ. Ông tái người. Mặt đất cũng bỏ ông. Nó chỉ cưu mang ông khi ông chia lìa cuộc đời này, khi không còn yêu thương và chẳng biết đau khổ, cũng như nó cưu mang xương cốt cha mẹ ông, hình hài con ông. Con cú mèo vỗ cánh bay đi. Ông lê chân đi được mấy bước rồi khập khựng, lảo đảo. Nỗi bất hạnh dồn dập đã vắt kiệt ông. Ông lại té sấp trên mặt rẫy đầy phèn, loang lổ. Và lần này, ông không gượng dậy nổi nữa. Ông vĩnh viễn chia lìa nỗi thống khổ và niềm hạnh phúc đớn đau, đeo đẳng suốt một kiếp người...

Sau những tai họa liên tiếp đó, mẹ con bà Năm bỏ xóm rẫy, dắt díu nhau tìm đất sống.

Khi tách xuồng khỏi bến, con Mực co chân phóng trở lại nền nhà cũ và chạy một mạch tìm đến hai nấm mộ nằm trơ trọi trên bờ rẫy. Nó gí mõm vào mộ ông Mười, rồi mộ thằng Nghĩa, kêu ư ứ và lại cong đuôi theo chiếc xuồng từ từ tách bến. Thằng Hai rà xuồng lại, vẫy nó xuống xuồng. Nó luýnh quýnh chạy đi, chạy lại lên bờ. Nóng ruột vì nước ròng sát dần, thằng Hai chèo đi, bỏ lại sau tiếng tru não ruột của
con Mực.

 

Mãi sau này, nhờ gặp lại người quen cũ ở xóm rẫy, bà Năm được biết con Mực đêm đêm đã tru bi thiết suốt mấy tháng liền. Rồi người ta gặp cái xác còm cõi của nó cạnh hai ngôi mộ của cha con ông Mười đã ken nhiều lớp cỏ nước mặn. Và nữa, thanh minh năm nào mộ cha con ông Mười cũng được xóm rẫy sửa sang, tuy trong năm nhiều lần bị đàn heo thả lan của Sáu Lê phá ủi.

 

*

*           *

 

Rất nhiều lần, bà Năm van nài con đưa bà về chốn cũ, đem hài cốt chồng con về đây, dù đi vất vả mấy ngày đường. Nhưng cả ba đứa đều trù trừ. Con Út tay bồng, tay bế. Thằng Ba vợ con đùm đề, cơ ngơi đồ sộ. Thằng Hai ngổn ngang việc nước, việc nhà. Bà nán lòng chờ đợi. Và xót xa khi thấy càng trưởng thành, càng xa tuổi ấu thơ thì các con càng ít thuộc về bà. Càng ngày bà càng phải lệ thuộc vào chúng. Mệnh lệnh của bà chẳng còn hiệu lực nữa, nó chỉ như lời càu nhàu, lảm nhảm và thường bà phải chấp nhận mệnh lệnh của con:

- Lo người sống trước đã!

Thằng Hai thường bảo bà như thế. Và khi thấy mẹ cứ lặng câm như cái bóng, nó bù đắp lòng hiếu thảo bằng cách thay một cái bàn thờ mới bằng gỗ quý, chạm trổ công phu, cầu kỳ. Họa lại tấm ảnh của ông Mười từ hồi nảo hồi nào. Rồi cúng giỗ linh đình, khói nhang nghi ngút, khách khứa ì xèo.

 

Nhưng lần giỗ nào cũng vậy, bà muốn nhang khói đừng tan ra, cho bà đừng thấy rõ cái hình người lạ lẫm. Khăn đóng, áo dài, ngồi bên bàn trà sang trọng ấy. Chồng bà chưa một ngày ung dung, chưa một lần mặc áo dài, chưa một phút có vẻ thỏa thuê, no đủ ấy.

Sợ phật lòng con, phải chờ cho khách về hết, như lúc này, bà mới đổi lại tấm hình cũ. Tuy ố vàng lỗ chỗ, bà vẫn nhận rõ ánh mắt ông. Ánh mắt kéo giữ bà lại hàng giờ: “Sao mình không đẻ cho tôi con Tình?”. Bà nghe câu trách móc đó từ ánh mắt. Và niềm nuối tiếc, ngày càng quẫy đạp dữ dội trong tuổi xế bóng của bà.



1. Chừng nữa, con đi máy bay thiệt nghen!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86326


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận