Bồng Bềnh Thiên Sứ Truyện 8


Truyện 8
Phế tích

Hai người đàn bà nán lại Hà Nội.

Họ thả bộ trên những con phố vừa lạ vừa quen, ngồi uống cà-phê hàng giờ bên mặt hồ và khi trở về khách sạn, Thư thường chọn mua một chục hồng từ những người dắt xe chở hoa bán rong trên phố. Hoa vừa đẹp vừa rẻ. Một chục chỉ năm sáu ngàn. Hoa chưa kịp xuống sắc Thư đã thay hoa mới, hết vàng đến hồng đến đỏ. Châu nhìn những bông hoa còn tươi bị vứt vào giỏ rác, càu nhàu: “Phí quá!”. Thư quay lưng về phía Châu, đưa tay chỉnh sửa lại mấy nhánh hoa cắm vào lọ vờ như không nghe Châu nói. Mà thực ra Thư cũng không để tâm đến mấy bông hoa chúm chím nở, cũng không màng đến thái độ khen chê của Châu. Thư đang chờ nhận được một tín hiệu từ điện thoại. Điện thoại nhấp nháy đỏ. Thư mở máy. Không phải tin nhắn mà cô chờ đợi. Cô ấn nhanh dòng chữ: “Đừng phí thì giờ, vô ích”. Trả lời xong điện thoại đổ chuông. Thấy số điện thoại của Duy, Thư liếc nhanh Châu cũng đang cắm cúi đọc tin, gửi tin rồi bước ra khỏi phòng. Duy nói: “Rất tiếc, ngày mai kẹt việc nên anh không đưa em đi chơi xa được, nhưng tối anh đến đón em...”. Duy còn nói nhì nhằng gì đó nhưng Thư không nghe được nữa. Tai cô lùng bùng, giọng ráo hoảnh: “Không sao đâu anh, xe cộ bây giờ đi đâu cũng dễ!”.

Quả nhiên, đi đâu cũng có xe, chỉ cần tìm đúng số điện thoại của bất kỳ một công ty xe khách nào. Châu cản Thư đừng đi Côn Sơn, ở đó chỉ có gió thốc mây ngàn, vừa buồn vừa leo bộ mỏi chân và cũng chẳng còn dấu vết người xưa vì nghe đâu cái chòi tranh của Ức Trai cũng đã được bê tông và ngói hóa cả rồi. Nhìn dáng ngồi thu lu của Thư trước bình hoa đỏ rực, Châu nói: “Mình nên đi Lạng Sơn!”. Thư nói ỉu xìu: “ Mình có mua sắm gì đâu!”. Châu lưỡng lự: “Thì... đi ngắm nàng Tô Thị!”

Sau hơn hai tiếng đồng hồ ngồi xe “chất lượng cao”, Thư và Châu đặt chân xuống phố Kỳ Lừa, một con phố khá yên tĩnh, còn lác đác những ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương. Theo lời chỉ dẫn của tài xế, hai người đàn bà tìm đến khách sạn “Vạn Xuân” nằm cạnh một mặt hồ lao xao liễu rủ. Nắng chiều vẫn còn nhấp nhới trên mặt lá, mặt hồ và nhảy múa trên những khung cửa kính của phòng nghỉ. Quăng túi xách vào tủ, rửa mặt mũi qua loa, Thư và Châu đi xuống tầng trệt bằng thang máy và bước ra đường, tìm thuê xe ôm. Người chạy xe, ăn mặc như một giáo viên vừa xong tiết dạy tranh thủ chạy vài cuốc xe trước khi về ăn bữa tối với vợ con, sốt sắng yêu cầu được chở một lúc hai người (có lẽ vì số tiền sẽ được gấp đôi). Hai người đàn bà nhờ người chạy xe chở đến chỗ ngọn núi có nàng Tô Thị. Thư bị kẹp giữa người lái xe và Châu. Mùi mồ hôi người lạ xộc vào mũi. Cô trân người, im re, chịu trận. Sau hơn mười lăm phút xe chạy vòng vèo theo phố, theo chân đồi chân núi, nàng Tô Thị hiện ra.

Đó là một khối đá có hình dáng của một người đàn bà bồng con đứng chênh vênh bên sườn núi. Kích thước quá khiêm tốn khiến nàng Tô Thị như lẩn khuất giữa những mỏm đá lô nhô. Xe rướn tới một chút, người đàn bà bồng con có lúc trông như đang bị đe dọa bởi khối đá có hình thù một mãnh thú nửa gấu nửa sói. Người chạy xe nói: “Đến gần, hai chị sẽ thấy một vệt nứt chạy dài từ cổ đến vai nàng Tô Thị”. Chạy thêm một quãng, xe dừng lại bên đường. Anh ta chỉ tay lên những bậc thang khá dốc dẫn lên một cái cổng đá đìu hiu, nói:“Men theo lối này, hai chị có thể đến được gần mẹ con nàng Tô Thị.” Trước khi đi, người chạy xe còn nói thêm: “Đây là thành nhà Mạc, một phế tích kiến trúc quân sự còn lại sau gần ngót bốn trăm năm.”

Đang bước từng bước trên những bậc thang dẫn lên sườn núi, Châu dừng lại, bâng quơ hỏi: “Nàng Tô Thị chắc có trước thành cổ này?” Thư cũng dừng lại, rồi thở dốc . Trong hai người, Châu có sức dẻo dai hơn, dù chị đã hai lần sinh nở. Châu thường chê Thư là ép xác như cánh ve, lấy đâu ra sinh lực. Thư lấy tay quệt mồ hôi rịn lấm tấm trên trán, đáp câu Châu vừa hỏi: “Có chiến tranh mới có cảnh Tô Thị bồng con chờ chồng!” Thư ngập ngừng rồi tiếp: “Mà... mày biết đó, loài người đã biết chém giết nhau từ thời khai thiên lập địa”. Không biết Châu có nghe bạn nói không, chỉ thấy chị móc máy ảnh ra chụp liền mấy pô cảnh hoàng hôn chụp xuống phế tích và với động tác nhanh, chị quay ngược ống kính chụp lấy vẻ mặt hoang mang của Thư. Lần đặt chân trên những bậc đá vững chãi của Vạn Lý Trường Thành cũng vào lúc nhập nhoạng ráng chiều, Thư cũng có tâm trạng này. Mặc cho mọi người cùng đi trong đoàn bấm máy ghi hình lia lịa, Thư ngẩn người nhìn những cuộn mây liên tục thay hình đổi dạng và cũng liên tục biến màu. Vừa đỏ tươi lại chuyển sang đỏ bầm rồi tím rịm...Cả chân trời như ngùn ngụt máu, rồi trong tiếng gió thổi hù hù, nghe như có tiếng va nhau của kim khí, tiếng ngựa hí, tiếng rung chuyển của mặt đất... Đợi Thư bước kịp mình, Châu bất ngờ hỏi: “Mày có bao giờ nghĩ chồng nàng Tô Thị không trở về với vợ con vì đã đi theo tiếng gọi của con tim?”. Mấy từ “tiếng gọi của con tim” Châu nói với một ngữ điệu gây hấn. Thư im mấy giây rồi đáp: “Đi đâu thì đi, quan trọng là sự chờ đợi, là lòng chung thủy!”. Châu quệt mồ hôi, cắm cúi leo tiếp mấy bậc thang nữa rồi ngồi bệt xuống, đợi bạn. Thư thở dốc, cũng ngồi xuống cạnh bạn. Châu tiếp: “Tao đồng ý với mày nếu như đối tượng được chờ đợi, được đón nhận sự chung thủy đó phải xứng đáng! - Châu bất ngờ quay lại nhìn thẳng vào mặt Thư - còn không xứng là phí, là... điên như mày!”.

Kiểu chì chiết mắng mỏ đại loại như thế từ miệng Châu, Thư đã nghe không biết bao lần và lần nào cũng như nước đổ lá khoai, trôi tuột. Sợ Châu mất hứng khi mỏi tay đấm vào không khí, có đôi lần, Thư chống đỡ: “Chờ đợi trong vô vọng còn hơn không có gì để mà chờ đợi”, hoặc: “Không có gì để trông ngóng thà ngủm còn hơn!”. Nhưng lần này, trong chiều tà, trước phế tích còn lại của một cuộc chiến nồi da xáo thịt và trong tầm mắt là hình ảnh người đàn bà ôm con hóa đá, câu nói của Châu nghe nặng trịch. Thư thấy khát, thấy chóng mặt, may là cô đang ngồi trên bậc thang bằng phẳng đúc bằng xi măng. Cô mở nắp chai nước mang theo tu một hơi, sau đó lấy tay xoa xoa hai bên thái dương rồi chống đùi đứng lên. Châu cũng đứng lên. Cả hai bước tiếp. Bàn chân họ giẫm lên mấy túi ni-lon. Vỏ chai nước lọc, vỏ lon bia nằm vương vãi trên những bậc thang. Đâu đó từ trên dốc cao, một con rắn mối có cái lưng mốc thếch bò chầm chậm xuống, khi đánh được hơi người nó nghểnh đầu ngơ ngác rồi trườn nhanh và biến mất. Những vệt chim chấp chới kéo nhau về tổ hắt cái bóng di động dọc lối đi. Lúc Châu và Thư đặt chân đến cánh cổng rêu phong đổ nát của thành nhà Mạc, Thu nán lại, bần thần. Châu quay lại níu tay Thư kéo đi: “Đi thôi!Tao cam đoan với mày, vô số oan hồn còn lởn vởn ở đây”.

Lúc hai người đàn bà bước khỏi những gờ đá của thành cổ, ngước mắt nhìn lên sườn núi trước mắt thì nàng Tô Thị biến mất. Mặt trời chìm xuống, khuất hẳn dưới dãy núi trập trùng. Cả một vùng đồi núi nhuốm cam rồi nhuộm đỏ. Nàng Tô Thị có lẽ đã ở khuất phía sườn núi bên kia. Thư và Châu đi thêm mấy bước thì ngửi mùi hăng hăng của hoa cúc. Hóa ra trên ngọn đồi này, người ta trồng rất nhiều hoa. Hoa mọc từng luống. Những luống hoa kéo dài theo lối đi dẫn đến những quán nhậu, quán cà phê nhấp nháy ánh đèn, xập xình tiếng nhạc. Đồi núi lô nhô chìm dần vào bóng đêm. Tiếng chuông chùa Tam Thanh nghe thật gần. Tiếng chuông ngân dài, nghe như vẳng lại từ mê cung hang động và từ thẳm sâu lòng đá.

Không cần trở lại thành cổ, theo con đường mới sực nức mùi hương, Thư và Châu không mấy khó khăn khi đặt chân xuống chân đồi, bước trở lại con đường cũ gọi một chiếc xe ôm, bỏ lại nàng Tô Thị đứng chênh vênh ở lưng chừng sườn núi, kết thúc cuộc khám phá nửa vời. Lúc ngồi kẹt cứng trên xe ôm, Thư và Châu đều trong trạng thái hẫng hụt.

Cái cảm giác chơi vơi chỉ rứt ra được khi Thư và Châu ngồi ăn trong cái quán nhỏ nhộn nhạo người nằm trước khu chợ Kỳ Lừa. Biết khách phương xa nên bà chủ quán mày sắc mắt sắc đon đả chào mời những món ăn đặc trưng vùng sơn cước. Thư thấy thích món bánh cuốn tráng trứng ăn với nước mắm chua. Còn Châu mê món thịt heo quay bởi có thêm vị thơm của lá mắc mật, một thứ gia vị mà hai người đàn bà miền xuôi mới thưởng thức lần đầu. Nghe Châu khen vị ngon của lá mắc mật, bà chủ quán liền đem ra một đĩa măng ớt trộn thêm với trái mác mật muối. Châu xuýt xoa trước cái vị bùi bùi mằn mặn của trái mắc mật. Chị yêu cầu bà chủ quán lựa riêng trái mắc mật muối bán cho chị một ít, mang về. Mấy phút sau, bà chủ quán bước đến trước mặt Thư, Châu, nói: “Có trái mắc mật thì hai cô phải mua thêm rượu Mẫu Sơn nữa!”, dứt lời chị ta đặt cái hộp nhựa đựng trái mắc mật muối xuống bàn. Châu hỏi: “Rượu có thiệt không?”. Chủ quán chưa kịp trả lời, Thư lật đật chen vào:“Mày mua làm chi, lỉnh kỉnh lắm!” Châu cười, khoe: “Đi đâu có món ngon vật lạ hay cái gì hay hay tao cũng tha về tặng chồng!”.

Có những thứ chẳng lạ cũng chẳng đẹp như quần lót đàn ông gắn nhãn hiệu “Made in China” bày bán la liệt trong khu chợ đêm Kỳ Lừa, Châu cũng mua hàng tá. Thư lặng lẽ tách khỏi Châu, đi một mình. Người đi chợ thật đông, đa số là du khách. Mặt hàng nào cũng túm tụm người mua, từ quần áo giày dép mùng mền cho đến các loại hàng gia dụng. Tâm lý khách hàng phần đông là thích mua giá rẻ và ít chịu đắn đo về giá trị sử dụng của chúng; thành ra những thứ vô dụng xem ra luôn choán một phần không gian sống của họ.

Thư cũng muốn mua cái gì đó làm kỷ niệm cho chuyến đi. Và như mọi lần, cô lại bước tới quầy bán búp bê. Tóc vàng, tóc nâu, tóc đỏ, tóc bạch kim... những cô nàng giương mắt tròn xoe nhìn người qua kẻ lại. Thư để mắt đến con búp bê mặc chiếc đầm nền xanh điểm hoa trắng li ti. Chiếc đầm ngắn khoe đôi chân tròn trĩnh, hai má phúng phính đỏ au trông búp bê giống như đứa bé được chăm chút yêu chiều. Lần bỏ đứa con đã nhìn thấy hình hài, tuy không được siêu âm nhưng Thư nghĩ nó là con gái. Rồi cô hình dung con bé dễ tính dễ nuôi, xổ sữa, bụ bẫm, cũng có đôi chân tròn trĩnh đi lẫm chẫm... Nhiều đêm trong chập chờn thức ngủ, Thư nghe đâu đó tiếng khóc tiếng cười của con trẻ. Duy không tin, anh bảo nặn đâu ra tiếng khóc tiếng cười của những sinh linh chưa kịp chào đời. Anh sợ Thư có triệu chứng thần kinh, mua cho cô một đống thuốc an thần, động viên: “Em phải biết quý trọng sức khỏe, tinh thần để chuẩn bị làm mẹ những đứa con khi anh có đủ điều kiện làm cha”. Thư chờ đợi. Đợi Duy lấy bằng thạc sĩ trong nước, rồi bằng tiến sĩ nước người, đợi anh nhảy một bước dài từ một người làm công tác chuyên môn sang làm công tác quản lý, đợi anh lộn một vòng từ thủ đô vào thành phố và từ thành phố ngược ra thủ đô. Và tiếp tục đợi anh gồng mình trèo tiếp lên từng nấc thang danh vọng. Khi Duy đã an vị trên chiếc ghế mà anh đánh đổi gần như tất cả: tuổi trẻ, tình yêu, sự chân thành, lòng tôn trọng và cả lòng tự trọng; thì Thư thật khó nhận ra người mình đã yêu, đã cho tất cả, kể cả những năm tháng mỏi mòn chờ đợi. Duy hoàn hảo đến đáng ngờ. Anh luôn biết cách làm hài lòng bất cứ ai, từ người thật thà thua thiệt đến kẻ láu cá hãnh tiến. Với Thư, Duy cũng không sao gỡ ra được cái mặt đã liền da liền thịt. Ngay sau những phút đắm đuối yêu đương, Duy cũng lại buột miệng: “Anh xin lỗi! Anh xin lỗi!”, Thư chồm dậy: “Anh xin lỗi vì cái gì? Xin lỗi vì anh chỉ cần thân xác em như một thói quen?”. Duy lồm cồm ngồi dậy, rồi đứng phắt lên, mặc quần mặc áo, thắt dây lưng, đeo cà vạt, xỏ vớ, mang giày, mở điện thoại. Trước khi đi, Duy không quên cúi xuống Thư (cô đang kéo mền che đi gương mặt đầm đìa nước mắt): “Anh xin lỗi, anh có việc phải đi!”. Duy đi rồi Thư khóc thành tiếng, có lúc gào lên. Hôm ở bệnh viện, biết Thư vừa phải rứt bỏ một đứa con mà cô đã cảm nhận được sự cử động của nó, bị thủng tử cung và không còn khả năng làm mẹ, Duy cũng nói với cô đúng câu đó: “Anh xin lỗi...”. Máu từ cửa mình Thư trào ra, nóng hổi. Cố hết sức bình sinh, cô lật úp người xuống giường, dùng trọng lượng của thân thể ép sát cái khoang bụng không bao giờ còn được cơ hội cưu mang một hình hài. Tiếng giày Duy nghe xa dần, Thư khóc nấc lên, dù cô biết, người luôn miệng nói lời xin lỗi là kẻ không bao giờ biết lỗi, kể cả “lỗi” giết người.

Ôm trên tay con búp bê mặc chiếc đầm xanh điểm hoa trắng li ti, Thư thấm ngộp vì hơi người lũ lượt của chợ đêm. Thư nhắn vào máy Châu: “Tao về trước đây!”. Châu gọi lại ngay: “Mày không được về trước, phải đến tiếp cứu tao!”. Thư đến nơi, thấy Châu vai đeo, hai tay xách năm bảy cái túi ni-lông căng phồng. Châu chỉ một hộp giấy cạc - tông vuông vuông trước mặt, nói: “Mày xách cái này giùm tao!”. Thư xách lên: “Cái gì nặng vậy?”. “Bếp từ, ông xã tao thích ăn lẩu, có cái bếp này tiện hơn!”. Nhìn vẻ mặt hân hoan của bạn, Thư lại nhớ đến Duy, chợt thấy thèm cái hạnh phúc được chiều chuộng chăm sóc người đàn ông đời mình, dù đó là một người lương thiện hay đội lốt lương thiện.

Về đến phòng, Châu sải tay nằm nghỉ mấy phút rồi bày các thứ mua được ra giường. Quần áo giày vớ cho chồng, cho mình, cho ô-sin, đồ chơi điện tử cho con, khăn choàng áo ấm cho mẹ chồng, dầu nóng xoa bóp cha chồng...rồi trái mắc mật muối, rượu Mẫu Sơn...tất cả được bày ra như một quầy tạp hóa. Nhìn đống quà bừa bộn của Châu, Thư lắc đầu: “Nhờ những người như mày mà hàng hóa không bị ế.”. Châu vẫn chăm chú xếp các thứ vào túi: “Không ham mua sắm không phải là đàn bà!”. Câu nói vô tình của Châu lại vô tình chạm vào nỗi đau mưng mủ nơi Thư. Dù có sống lột được da như loài rắn cô cũng không bao giờ được thành người đàn bà với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thư nín thinh, đặt con búp bê mặc áo đầm xanh ngồi trên đầu giường rồi vào phòng tắm. Cô thích được giội rửa dưới vòi nước ấm. Khi sấy khô tóc, Thư chỉ muốn ngủ. Cô nói với Châu: “Sắp xếp xong mày nhớ tắt đèn, tao ngủ trước đây!”. Thư kéo mền có in những bông hồng đỏ rực đắp lên mặt để che bớt ánh sáng. Điện thoại Châu đổ chuông. Âm thanh của chuông không phải là khúc hát, tiếng nhạc, tiếng suối, tiếng chim, tiếng gà...mà là tiếng gọi: “Mẹ ơi, có điện thoại!”. Tiếng gọi lặp lại lần thứ hai, Châu mới nghe. Thư kéo mền khỏi mặt, khi nghe giọng Châu hốt hoảng: “Thật không, có đúng như vậy không? Cháu có dám thề với cô không?”. Người ở xa nói điều gì đó Thư không thể nghe nhưng nhìn vào gương mặt thất thần xanh tái của Châu thì cô biết bạn đang gặp một tai hoạ. Thư ngồi bật dậy: “Chuyện gì vậy, Châu?”. Châu ngây dại nhìn chiếc điện thoại di động trước mặt, như thể nó là một kíp nổ gây chết người. Như một phản xạ bản năng, Thư đưa điện thoại của mình cho Châu: “Mày gọi lại xem sao?”. Châu run run cầm điện thoại bạn trên tay và cũng bằng ngón tay run run, chị bấm từng con số trên phím và áp điện thoại vào tai. Khi bỏ máy xuống, mặt Châu càng thêm tái. Đôi môi tái nhợt của chị lập bập: “Chồng tao... với... con... ô... sin...”. Nói đến đó, Châu như hụt hơi, ngã phịch xuống giường. Thư lật đật lấy chai dầu nóng Châu chưa kịp bỏ vào túi, xoa bóp cho bạn. Châu rã rượi, nhắm nghiền đôi mắt. Thư hơi sợ: “Mày có sao không, có cần gọi thầy thuốc?”. Châu lần tìm tay bạn, nắm lấy: “Không cần đâu, mày đừng... bỏ tao là được!”. Hai thái dương giần giật, gương mặt trắng bệch khi Châu nói câu đó. Thư cúi xuống, lấy hai tay nâng khuôn mặt bạn lên và áp vào ngực mình: “Mày ráng bình tâm...”.

Điện thoại Thư đổ chuông. Cô kéo mềm đắp cho bạn rồi cầm điện thoại lên. Thấy số gọi của Duy, cô liếc nhìn chiếc kim đồng hồ treo trên tường đã trượt qua con số 10, rồi nhảy xuống giường, khép cánh cửa sau lưng và bước ra ban công. Giọng Duy không vui: “Em làm gì mà để chuông réo dữ vậy?”. Và cũng như mọi lần, Duy thường không đủ kiên nhẫn lắng nghe bất kỳ câu trả lời hay lời giải thích, anh tiếp: “Tiệc tùng kéo dài đến giờ chưa xong, chắc đêm nay anh không đến với em được!”. Thư định nói: “Em đang ở rất xa và muốn thoát khỏi anh!”, nhưng miệng cô lại nói: “Đêm mai cũng được anh, lúc nào em cũng cần anh!” và sợ Duy không nghe rõ, Thư lập lại: “Lúc nào em cũng cần anh!”. Duy nói lớn như để át tiếng ồn ở buổi tiệc: “Vậy nhé, vậy nhé!” và


tắt máy.

Giọng vô tâm phấn chấn của Duy khiến Thư trào lên cơn căm hận thứ ma lực đã quyến rũ và hủy hoại cô. Đồng thời, cô lại thấy oán ghét và tởm lợm chính mình. Trở thành người đàn bà thủy chung với bất cứ giá nào hay mơ tưởng cuộc hoài thai, với Thư, không còn cần đến nữa. Trên bầu trời thẳm đen, những ngôi sao xanh không ngừng nhấp nháy trông như những con mắt nhìn thấu tâm can. Những con mắt soi rọi và giễu cợt. Thư chợt nghĩ đến những vật dụng mà con người thường sử dụng khi bước đến đường cùng, bị tước hết không khí và ánh sáng. Cô trở vào phòng, sục sạo trong toa-lét, trong các ngăn tủ, dưới gầm ghế, gầm giường... chỉ trừ các túi xách lớn nhỏ của Châu. Thư thất vọng khi không tìm được vật gì sắc nhọn như dao như kéo. Và cũng để Châu khóc cho hết nước mắt và biết đâu được hóa đá dưới tấm đắp in hoa hồng của khách sạn Vạn Xuân, Thư khẽ bước trở ra ban công, nơi so với mặt đất có một độ cao có thể đảm bảo cho một cú nhảy...

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86327


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận