Đến bây giờ, mấy chục năm đã trôi qua, nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy chiếc ô tô con màu rêu thẫm, mang tên hãng sản xuất Toyota chạy trên đường, hay lặng lẽ đỗ dưới bóng cây nào đấy, là tôi lại nhớ đến chiếc xe con giống i-xì-phoóc như thế. Vâng, đúng là chiếc xe con bốn chỗ ngồi giống i-xì-phoóc, cùng một sê-ri, hoặc ít ra cũng là phiên bản có độ chính xác đến không phảy một phần nghìn. Bởi ai, chứ tôi, số phận có phần may mắn của chiếc xe giống như "con cưng" của huyện H. thì tôi hiểu quá rõ.
Nhưng cũng lâu rồi...
Dạo ấy, vào năm một nghìn chín trăm...
Bấy giờ lúa má không vụ nọ tiếp nối vụ kia được mùa lớn như bây giờ, mỗi năm một héc- ta lúa đạt bốn tấn rưỡi, năm tấn thóc đã là thắng lợi lớn. Nhưng dẫu lúa má không vụ nọ nối vụ kia được mùa, thì việc huy động lương thực cho nhà nước vẫn cứ đều đều diễn ra theo chiều đảo ngược, năm nay nhất thiết phải cao hơn năm trước. Không thể khác. Bởi chỉ thị đã có, chỉ tiêu đã giao cụ thể, chính xác đến từng cân, từng lạng. Quân lệnh y sơn, chỉ còn biết vắt chân lên cổ mà chạy cho kịp thời hạn cấp trên giao. Vụ huy động lương thực năm ấy, vào đúng thời điểm nước rút, vắt chân lên cổ mà chạy cho kịp thời hạn, thì một tuyên bố phát ra không có văn bản triện đỏ quốc huy, nhưng lại đủ độ tin cậy, làm bùng lên nhiệt huyết vốn đã cuồn cuộn réo sôi trong li ti huyết quản bao người. Bởi bấy giờ,
phương tiện đi lại cực hiếm, cả huyện may có một, hai cái xe com-măng-ca hay u-oát đã là oách. Đừng hòng mơ tới những Toyota hay Mercedez, Nisan, Camry như bây giờ. Thế mà bỗng nhiên người đứng đầu tỉnh đổi mới tư duy, lại ra một tuyên bố xanh rờn: thưởng ngay một chiếc Toyota con cho huyện nào hoàn thành sớm nhất tổng mức huy động lương thực. Khỏi nói, sau cái tin náo nức lòng người ấy, việc huy động lương thực ở các nơi bỗng sôi lên sùng sục đến mức nào. Mấy anh em làm báo chúng tôi cứ là gò lưng đạp xe cũng không theo kịp tiến độ nhập kho các nơi thông báo.
Hôm ấy tôi và mấy anh nữa rủ nhau đạp xe về huyện H. Vừa đến nơi, mấy anh lãnh đạo huyện liền kéo lên chiếc xe u-oát đít vuông bạt thủng, đệm rách, cửa không kính, chạy lạch tà lạch tạch còn thiếu bò ra đường mới đến được mấy chỗ kho ngay cạnh đường trục, để lấy không khí và chụp ảnh bà con đang chuyển thóc nhập kho nhà nước. Mãi trưa mới trở lại huyện ăn cơm. Ăn xong là quay lên phòng khách Ủy ban vừa uống nước, vừa nghe báo cáo tình hình nhập kho của các xã. Khẩn trương thế, vì chúng tôi không thể ở lại lâu, ngay chiều nay đã phải rời đây rồi. Làm báo mà, muốn tin tức sốt dẻo không thể cứ ở lì một chỗ. Phải di chuyển luôn luôn, nếu không muốn mình là người chậm chân, trâu chậm còn uống nước đục nữa là người chậm chỉ có nhịn. Tôi nhớ hôm ấy vào giữa tháng sáu, nắng như đổ lửa. Vườn cây sau nhà khách Ủy ban huyện không một chiếc lá lay. Hai chiếc quạt trần Liên Xô đã tróc sơn, chạy hết cỡ mà trong phòng vẫn hầm hập nóng. Những cốc nước chanh vừa được hai em nhân viên văn phòng bưng trên hai chiếc khay nhựa vào, lần lượt đặt trước mặt từng người ngồi hai dãy bàn kê sát nhau, đá chưa kịp tan, cả chủ và khách không ai bảo ai đã lẳng lặng cầm lên uống cạn. Ngọc, giám đốc công ty lương thực huyện, một người đàn ông thấp béo, trán đẫm mồ hôi, chiếc kính lão trễ trên sống mũi, cắm cúi đánh vật với những con số nhảy loi choi trên tờ giấy để trước mặt. Lúc lâu, ngẩng đầu quay nhìn một người xương xương, vận áo sơ mi ngắn tay bỏ trong quần, đầu ngả ra phía sau, tay đặt lên thành ghế vẻ thư thái, chậm rãi nói:
- Báo cáo chủ tịch huyện, cứ đà này, nhanh cũng phải hai ngày nữa mới hoàn thành tổng mức.
Người ngồi ngả đầu ra phía sau, tay đặt lên thành ghế chính là Việt, chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện H. Đang ngả người trên ghế xa lông vẻ thư thái, bỗng nghe Ngọc nói đến đấy, Việt như bị điện giật, chồm ngay dậy:
- Cái gì? Ông vừa nói cái gì? Hai ngày! Không được! Phải tính toán lại... Sao lại những hai ngày?
Giám đốc lương thực không biết có hiểu hết ý của chủ tịch huyện, mà vẫn lấy tiến độ nhập kho của các nơi ra minh chứng cho nhận định của mình. Chỉ có khác, cách xưng hô lúc này có phần gần gũi, thân mật hơn, chứ không khách khí như ban nãy:
- Báo cáo anh, cho đến mười hai giờ trưa nay, toàn huyện còn thiếu gần nghìn tấn thóc nữa chưa vào kho nhà nước. Nếu đôn đốc ráo riết, mỗi ngày các xã chuyển vào kho được bốn trăm tấn, thì cũng phải đẫy hai ngày nữa mới xong. Đấy là kể cả chiều nay các kho đều mở cửa tiếp nhận, mới hai ngày nữa xong, chứ không, cũng chưa chắc đâu ạ.
Trước khi về huyện H. tôi đã nghe nhiều người nói, Việt trước làm xí nghiệp hóa chất sông Hàn, thuộc Sở Công nghiệp tỉnh, từng được mệnh danh "cây sáng kiến", mà thực ra chỉ là những cải tiến nho nhỏ, như để gọn từng loại hóa chất vào những cái chai thủy tinh con con, rồi dán giấy viết chữ tên hóa chất vào đấy, kiểu như các bà bán thuốc cam ngoài chợ, cho dễ nhớ, dễ tìm, thế thôi. Nhưng từ khi được thuyên chuyển về huyện, vào cấp ủy, rồi phó bí thư, chủ tịch huyện, thì đúng là "cây sáng kiến" làm thay đổi hẳn bộ mặt huyện đường. Rõ nhất là cái cổng Ủy ban huyện và khuôn viên cây cảnh trước cửa nhà khách chúng tôi đang ngồi đây. Cổng trụ sở Ủy ban huyện H. khởi thủy chỉ là hai cây cột sắt như hai cây tre gộc, rỗng giữa, chôn sâu xuống đất, liền với hai phía tường rào dây thép gai chạy bốn xung quanh khu nhà, trông giống trại lính hơn là chốn công đường. Đã thế, bắc ngang trên hai đầu cột sắt lại là một tấm tôn nặng trịch, sơn nền đỏ, kẻ chữ vàng như báo cho mọi công dân biết đây chính là đại bản doanh chính quyền huyện. Nhưng chỉ sau khi Việt đến nhậm chức chủ tịch đúng ba bảy hai mươi mốt ngày, liền cho dỡ tung hàng rào dây thép gai, và dĩ nhiên không thể nhẹ tay hơn với cái cổng chỉ có hai cây cột sắt rỗng và tấm tôn nặng trịch. Hai tháng sau, một hàng tường rào xung quanh trụ sở Ủy ban toàn bằng sắt loại mười hai ly, đan cài hàn gắn hình khuyên, hình thoi, lại quét màu sơn ghi, sáng rực hẳn lên. Bây giờ thì hàng rào sắt đã trở thành cái mốt của nhiều cơ quan công sở, nhưng những năm ấy mà trụ sở Ủy ban huyện đã dựng hàng rào chắn toàn bằng sắt cây, lại cải hoa, sơn quét lòe loẹt, dễ chỉ huyện H mới có là một. Còn khuôn viên cây cảnh trước cửa nhà khách thì dẫu sao cũng đơn giản hơn, chỉ cần vài chục công cuốc xới cho tơi đất màu, bó bờ gạch bốn xung quanh, rồi ra chợ Ba Hàng mua cây, mua hoa về trồng, quay đi quay lại tháng trước tháng sau là ra khuôn
Còn bây giờ. Nghe giám đốc lương thực nói, nhanh cũng phải hai ngày nữa mới hoàn thành, chủ tịch huyện đang ngồi trầm ngâm bỗng bật ra sáng kiến, lại sáng kiến, giọng nói lạc hẳn đi. Đưa ngón tay trỏ ra như một thói quen, chỉ thẳng vào mặt Ngọc, Việt nói không kịp thở:
- Này này, ai bảo cứ vào kho nhà nước mới là nhập kho? Dễ thóc ở kho hợp tác xã không là kho đấy hẳn?
Ngọc ngồi ngay đuỗn, môi mấp máy định có lời giải thích cho tách bạch về cái chỗ kho nhà nước với kho hợp tác xã, thì đã thấy Việt đứng lên, giọng cả quyết như ra lệnh:
- Ông về ngay công ty thống kê lại xem, những hợp tác xã nào đăng ký hoàn thành vào ngày nào, hiện nay còn thiếu bao nhiêu, rồi chiều mang lên cho tôi xem, cùng với tiến độ nhập kho hôm nay, để có hướng giải quyết.
Ngọc gấp vội cuốn sổ, rồi đứng dậy bước nhanh ra cửa, không một tiếng chào, dù chỉ là chào đám khách nhà báo ở tỉnh về. Nắng nóng và oi nồng. Càng về chiều trời càng oi nồng. Hai chiếc quạt trần Liên Xô không đủ tạo ra gió mát trong căn phòng chưa đầy hai mươi mét vuông. Chúng tôi đứng dậy, bắt tay chào mấy anh lãnh đạo huyện còn lại trong phòng. Tiễn chúng tôi ra đến hành lang, Việt còn quyến luyến: "Nắng thế này, mấy anh về làm gì. Ở lại, chiều lấy tiến độ nhập kho trong ngày của toàn huyện, về đăng báo ra ngày mai có "đắt" không". Nhưng phút chia tay vẫn cứ đến. Đứng ở chiếu nghỉ cầu thang, anh bạn "nhà đài" của tôi nắm tay Việt vẻ ngập ngừng, giọng nửa kín nửa hở, theo cách nói rất giật gân của "cánh nhà đài":
- Việc này lẽ ra chưa nên nói, nhưng chỗ thân tình, tôi nói để ông biết: ông Toán hẹn cánh này năm giờ chiều nay sang, nghe huyện ông ấy thông báo hoàn thành tổng mức huy động.
Mới nghe đến đấy, nét mặt Việt vốn hoạt bát, tinh nhanh bỗng trở nên đờ đẫn. Anh đưa tay ra bắt tay tôi, nhưng tôi có cảm giác chính anh cũng không biết đang bắt tay người nào. Anh cứ đứng như trời trồng giữa hành lang giây lát, rồi như không tin vào tai mình, Việt hỏi lại bạn đồng nghiệp của tôi vừa nói câu ban nãy:
- Có đúng ông Toán bảo xong hôm nay không?
Bạn tôi vẫn giọng lấp lửng, đầy vẻ thận trọng:
- Cái đó thì chưa biết đúng bao nhiêu phần trăm. Chỉ biết ông ấy gọi điện bảo năm giờ chiều nay sang...
Tức thì, Việt không chào hỏi gì chúng tôi nữa, anh đảo nhanh cặp mắt lơ láo nhìn dọc hành lang phía này, lại lướt dọc hành lang phía kia, như tìm ai. Lát sau, chúng tôi mới xuống đến chân cầu thang, đã nghe tiếng anh gọi như thét trên tầng hai dãy nhà ba tầng:
- Ngà, Ngà đâu! Chạy sang gọi anh Ngọc đến gặp tôi ngay.
Chúng tôi dắt xe ra khỏi cổng Ủy ban. Trước lúc nhảy lên xe, bạn tôi vừa cười vừa nói:
- Chúng mình vừa nói thế, ông Việt đã cuống cà kê. Hay
thật đấy!
Tôi chưa biết bạn nói hay là hay cái gì, lại cứ ngỡ cái sự thoát nhanh khỏi căn phòng nóng bức mà chỉ có hai cái quạt trần Liên Xô chạy chậm rì rì là hay rồi. Nên cứ thế bảo nhau đạp mải sang T., kịp năm giờ chiều để nghe thông báo về huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành tổng mức huy động lương thực vụ chiêm xuân.
Đến mãi chín giờ tối, về tới nhà, tôi mới ngã ngửa người khi nghe tin huyện H. cũng hoàn thành tổng mức huy động lương thực vào thời điểm trùng khít với huyện T. Và lẽ dĩ nhiên, sáng hôm sau trên trang nhất báo tỉnh vẫn đăng nổi bật cái tin ấy ngang hàng thẳng góc, thậm chí giống i-xì-phoóc cả kiểu, cỡ chữ, với tin huyện T.
Sáng hôm sau, mấy anh em chúng tôi lại gặp nhau ở quán cà phê ngõ Đá như thường lệ. Nhưng khác thường lệ, hôm nay không phải đến lượt Thạch trả tiền cà phê, nhưng Hà bảo, phạt anh Thạch, vì tội mồm cá chép mép nhà báo, không khảo cũng xưng. Ai bảo hôm qua ở cầu thang Ủy ban huyện H. lại bô lô bô la rằng thì là ông Toán hẹn năm giờ chiều sang nghe thông báo hoàn thành tổng mức huy động lương thực. Nhẽ nào ông Việt bên H. chả cuống cà kê, không xong cũng phải vẽ ra cho xong. Hà xơi xơi trút ra một tràng như để cho hả cơn tức giận. Nhưng hẳn Thạch biết trong việc này mình cũng có lỗi một phần, nên không bác bỏ lời cô Hà, chỉ dằn giọng bảo:
- Chiếc Toyota cũng hấp dẫn lắm, bà ơi! Cả tỉnh thử hỏi đã huyện, thị, ban, ngành nào có loại xe ấy chưa?
Tôi "à" lên một tiếng, vì chợt hiểu sự ganh đua không chỉ là lấy tiếng, mà còn giành lấy một thứ chẳng kém gì báu vật làm sang trọng, danh giá cho chủ sở hữu đi tiếp con đường phía trước rộng dài, cao sang hơn. Nhưng cũng thấy xót xa, khi chợt nghĩ tới gánh nặng của bệnh thành tích đang mỗi ngày một đè trĩu trên vai không chỉ riêng ai. Miên man với những ý nghĩ đẩu đâu, chợt cô Hà như kéo tôi về thực tại:
- Nhà báo chúng mình có khi cũng làm tình báo được đấy nhỉ!
Thạch tỏ ra hiểu biết:
- Ở phương Tây, nhiều tay nhà báo kiêm tình báo cỡ bự ấy chứ. Nhưng ở ta, nhiều người chưa biết cách khai thác thông tin trên báo và tin tức của nhà báo như ông Việt đâu các cậu ạ!
Mới nghe Thạch nói đến đấy, mọi người đã cười ngất. Chẳng hiểu cười vì lẽ gì. Tài biến hóa, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ đã đưa được hàng nghìn tấn thóc nhập kho, hay sáng kiến thay đổi khái niệm, kho nhà nước và kho hợp tác xã thì cũng là kho, của Việt? Chẳng biết. Chỉ biết mấy người ngồi uống cà phê bàn bên thấy chúng tôi cười, cũng nghiêng ngả cười theo. Làm cho quán cà phê ngõ Đá sáng ấy vui nhộn khác thường.
Tháng 3-2009