Con Mắt Rỗng Chương 1

Chương 1
Sự vô nghĩa

 Hắn nhìn mình gườm gườm trong gương. Xa lạ. Có một chút oán hờn. Và nghi kị. Nhận ra nhau mà lại như không phải là...

Nếu không có cơn mưa dữ dội ban chiều thì giờ này hắn đã về đến nhà từ khá lâu rồi. Có thể đã đặt nồi cơm điện. Tắm rửa xong xuôi. Ngồi thảnh thơi trên ghế xa lông vừa ăn vừa xem TV. Chương trình FashionTV. Nơi trí tưởng tượng của con người được đẩy đến mức sắp sửa rơi ra khỏi đầu óc. Những bộ trang phục chẳng rõ có mặc hay không hờ hững trên ngực trần những cô người mẫu có số đo nhân chủng vào loại kì dị gần đến độ quái thai. Những cái đầu quá nhỏ đậu trên nguềnh ngoàng chân tay kheo khư rón rén thả bước. Mong manh như sắp vỡ vụn.

Cơn mưa chiều dập tắt những ồn ào trên phố. Khách kéo vào có đến quá nửa không phải vì bia. Quán chật căng. Lướt thướt người. Bập bùng tiếng mưa dữ dội trên mái tôn át hết nói cười rôm rả. Phố sững lại. Những vòm cây quằn quại hân hoan. Ngạc nhiên, hắn nhìn ra con phố bên ngoài. Dưới ánh đèn cao áp là màn mưa xa hút. Thành phố biến mất. Hay đã hóa thành cơn mưa với muôn vàn tiếng động. Ràn rạt trên mặt đường. Thì thụp trên những mái hiên di động như có một cuộc đấm lưng tập thể. Mưa xiên qua tán cây bàng già những tiếng kêu rách nát giận dữ. Lác đác vài đốm đèn xe chói sáng lướt đi không tiếng động như những quả pháo xịt bắn ngang chọc thủng màn mưa. Cái miệng cống gần ngay cửa quán lọc ọc kêu như bị chọc tiết. Dòng nước hút vào tất cả những rác rưởi trên đường tạo thành một cái xoáy sặc sỡ. Chậm dần. Chậm dần. Đứng lại. Một mạch nước ngầm đen đặc sủi lên miệng cống lại đẩy ra mặt đường toàn bộ những gì đã cuốn vào trước đó.

Người đàn ông quá chén ngồi bàn bên cạnh hắn vơ vội nắm giấy ăn cắm trên chiếc đế gỗ tìm con đường ngắn nhất lao ra cửa quán chúi đầu xuống miệng cống. Ào ạt nôn. Miệng cống cũng nôn trả. Cống thắng người thua. Nước tràn lên vỉa hè ướt sũng đôi giày dèn dẹt cong vắt của gã. Mái hiên di động bập bềnh đột ngột trút xuống bụng nước phụng phịu tràn đầy. Nước bò dần lên mấp mé bậc cửa. Người đàn ông mặt tái xám ngật ngưỡng đánh một vòng ngoài cửa quán. Bây giờ để tìm được con đường trở về chỗ của mình cũng không dễ nữa rồi. Thực ra là chỗ ngồi của gã đã ngay lập tức được người khác tiếp quản. Một đàn bà đứng tuổi không có vẻ gì liên quan đến bia rượu và cũng không liên quan đến ai hùng hục lách mình vào đúng khe hẹp gã vừa tạo ra. Bà ta chống tay lên cằm ngồi tư lự phớt lờ chủ nhân chiếc ghế và cốc bia còn uống dở trên mặt bàn. Những người thản nhiên lấp vào chỗ trống như thế bây giờ ở Hà Nội quán nào cũng có. Về một nghĩa cơ học thì Hà Nội bây giờ không còn chỗ trống nếu đem chia bình quân diện tích đất đai cho đầu người. Người đàn ông nhìn dáng ngồi đầy tự tin của bà ấy bất giác nhoẻn miệng cười thất vọng. Vẻ mặt thân phận của gã khiến hắn tin rằng đó là nét thanh lịch cuối cùng ở thành phố này.

Có tiếng còi xe nghèn nghẹt trong màn mưa. Chiếc xe bốn chỗ ngồi phăng phăng xé nước ngang qua cửa quán. Sóng tràn qua bậc thềm lênh láng rác rưởi. Những người đứng ngoài cửa quán vội vã kéo cao gấu quần. Cô gái trẻ gương mặt nhòe nhoẹt phấn son rướn người trên đôi guốc chênh vênh cao. Chẳng khó khăn gì để nhận ra cô ấy không còn cách nào khác. Chiếc quần bò bó sát ấy người ta không thiết kế cho việc kéo lên. Thời trang bít tất mấy năm nay thịnh hành. Mặc cho đường phố năm nào cũng ngập lụt. Mà dù có mặc quần ống rộng thì rất nhiều năm rồi hắn cũng không thấy đàn bà nào kéo ống quần lên nữa. Kĩ thuật ấy đã hoàn toàn thất truyền. Kéo quần ở hướng ngược lại thường được tôn vinh về mặt thẩm mĩ. Nhưng lại làm cho các nhà đạo đức học nổi khùng.

Những bong bóng nước ọp ẹp lêu đêu quẩn quanh trên mặt đường chẳng biết phải trôi về đâu. Mùi người, mùi cống rãnh trộn lẫn mùi thức ăn trong quán nồng nặc. Hắn biết không thể ngồi lại lâu hơn nữa. Đã bắt đầu thấy cay cay lờm lợm loang trong cuống họng. Hắn đứng bật dậy cố ghìm hơi thở chạy ào ra cửa. Nước đã ngập đến gầm máy chiếc xe hắn dựng trên vỉa hè. Chỉ chậm ít phút nữa thôi là có thể nước sẽ tràn vào ống xả. Điều đó đồng nghĩa với việc dắt xe ra về.

Cắm chìa khóa điện đề cho máy nổ. Hắn cài số 1. Chiếc xe chồm lên quay ngoắt đầu phóng xuống lòng đường. Những ánh mắt kinh dị ngoài cửa quán ném theo hắn những cái nhìn lo lắng. Nhâng nháo phớt lờ, hắn không ngớt tay ga. Cứ để cho máy xe gầm rú xé nước phăng phăng chạy. Kinh nghiệm này hắn đã học được từ người thợ sửa xe vài năm trước. Thành phố bây giờ rất hiếm những ông thợ sửa xe ấm áp lương tâm như thế. Vài ông còn kiêm luôn cả nghề rải đinh.

Phố xá hai bên lững thững lùi lại. Trong màn mưa, ánh đèn sau những khuôn cửa nhòe đi liền vào với thành một bức tường hư ảo khiến hắn có cảm giác đứng yên một chỗ. Lõa lồ trong căn phòng chói lóa.

Hắn đi theo trí nhớ. Rất đúng đường. Mình phì cười định chỉ cho hắn lối rẽ về nhà gần nhất. Đi qua vài quãng phố ngược chiều. Một mình trên đường chẳng cần phải đi đúng luật lệ. Cảnh sát giao thông đương nhiên cũng vắng mặt trong mưa. Nhưng mình kịp dừng lại. Hắn đang cầm lái. Cầm sinh mạng của cả mình và hắn trong tay.

Cuối cùng thì cũng về đến nhà. Khoảnh sân khu tập thể chứa chan ngập không thể nhìn thấy con đường bên dưới. Bây giờ thì trí nhớ của hắn phát huy giá trị. Bánh xe êm ái ào ào lăn trên con đường lát gạch trong tưởng tượng giữa hai hàng cây bằng lăng thấp tè trồng đã hàng chục năm không thèm lớn. Cửa căn hộ tầng 1 gửi xe để ngỏ, hắn thốc ga cho xe chồm hẳn vào trong nhà. Cô chủ nhà luống cuống chạy ra, bác cứ để xe đấy tôi xếp, nãy giờ lau nhà mấy lượt rồi! Hắn gẩy chân chống cạnh. Tắt máy. Chuồi ra phía sau yên xe tụt nhanh xuống đất lao đầu chạy về phía cầu thang. Óc ách nước chảy ra từ hai ống quần xuống mặt bậc thang thành một vệt dài kéo suốt ba tầng gác.

 

*

 

Mình cũng nhìn hắn trong gương. Nét mặt hắn dần giãn ra thư thái. Những nếp gấp trên trán sau cơn buồn nôn đã trở thành những vệt mồ hôi lem nhem tràn vào nhau xóa nhòa ranh giới. Bao nhiêu bia rượu và ầm ĩ quán xá từ chiều đến giờ hắn đã thải ra hết. Vẫn còn chút hặm hặc trong cổ. Rùng mình. Giờ thì mình không để cho hắn quyết định mọi việc nữa. Mình phải đánh răng. Bơm kem lên chiếc bàn chải cùn ngoe ngoét lông cho vào miệng. Nhưng thật không ngờ. Mùi kem đánh răng và mấy chiếc lông bàn chải ngo ngoe trong miệng lại làm hắn dội lên cơn buồn nôn ứ nghẹn. Chảy nước mắt.

Mình khạc vội cả bàn chải và bọt kem ra ngoài. Súc miệng ba bốn lần cho hết cơn ngứa cổ. Quay vào phòng ngủ lấy viên Efferalgan thả vào cốc nước lạnh. Những bọt nhỏ li ti xì xèo bào mòn viên thuốc. Uống một hơi cạn 


cốc. Vị thuốc ngang ngang mằn mặn tẩy rửa dọc theo cuống họng.

Mình nằm xuống giường kéo chiếc chăn mỏng đắp. Bịn rịn mồ hôi. Lâng lâng gió…

Mình mê man thả bộ trên cồn cát giữa hai ngôi làng. Cồn cát mọc lên sau trận lụt vỡ đê từ ngày mình còn bé tí. Những cọng cỏ mía vàng ươm ngọt lịm thấp thoáng ẩn mình dưới cát. Lũ trẻ nhà quê ngày ấy dạy mình khéo léo bới lên tìm đến tận gốc. Lượng đường ngoài tiêu chuẩn tem phiếu dù rất nhỏ nhoi làm dịu đi cơn khát giữa chang chang nắng.

Vượt qua cồn cát mênh mông mình gặp lại cái miếu hoang trơ trọi giữa cánh đồng. Người già trong làng bảo đó là miếu thờ một vị dũng tướng. Chẳng biết vào đời nào và đánh giặc gì. Chỉ biết ông tướng ra trận bị giặc chém gần rụng đầu bèn một tay giữ cổ phóng ngựa về ngang qua cánh đồng này. Nửa đêm, đến đúng chỗ ngôi miếu bây giờ thì dừng lại. Xuống ngựa. Buông tay cho chiếc đầu rơi xuống. Sáng hôm sau chỉ còn lại một gò mối cao ngang ngực thò ra mấy cái móng ngựa. Dân làng đắp thêm đất. Lập miếu thờ.

Trong miếu còn một ngai thờ mục nát và một con ngựa đắp sơn ta lòi hết cả cốt tre ra ngoài. Dân làng đã bỏ hương khói từ rất lâu rồi. Không ai còn nhớ đến ngôi miếu nữa như họ đã từng chẳng biết tên tuổi của vị dũng tướng và kẻ thù của ông ấy. Giờ thì mình đã biết kẻ thù của ông ấy là ai rồi. Và những ông tướng rụng đầu thì thời nào chả có. Mình rón rén đi vào ô cửa gạch trống hoác đen ngòm. Nền miếu đầy cứt dơi lên mốc trắng như sương muối trên mặt ruộng ngổn ngang tơ nhện. Có tiếng lục bục trong bụng con ngựa sơn khiến mình nổi hết cả da gà. Những con dơi thấy động buông mình bay chao chát đổi chỗ trên xà nhà ám khói. Gió lạnh ào ào hắt ra từ bóng tối. Mình bủn rủn quay bước…

 

*

 

Cơn mưa bên ngoài đã tạnh từ lúc nào. Hơi nóng hầm hập tuôn ra từ trong toilet. Chẳng hiểu sao người ta lại thiết kế cái lỗ thông gió toilet ra giếng trời của ngôi nhà tập thể. Cái giếng trời kì dị có mái che bằng tôn nhựa. Ánh sáng âm u suốt cả ngày. Mấy chục cục nóng máy điều hòa của cả 6 tầng nhà treo trong giếng trời làm nhiệt độ của nó luôn cao hơn cả trong nhà lẫn ngoài trời. Mồ hôi toát ra như tắm. Hắn đã đạp chăn ra từ lúc nào.

 

*

 

Mình trở dậy đóng cánh cửa toilet. Bật chiếc quạt khe khẽ trên đầu giường. Nhớ về giấc mơ ban nãy.

Mình nhớ ra rằng ở làng mình không chỉ có ngôi miếu thờ vị dũng tướng bị bỏ hoang. Ngày nhỏ lang thang ngoài cánh đồng mình còn thấy dấu vết đổ nát của một ngôi miếu khác. Cũng một con ngựa sơn đổ sụm xuống chỉ còn vài mảnh xương cốt bằng tre cháy dở. Những lọn lông đuôi ngựa rối bời bết bát như tóc người vớt lên từ trong quan tài khi cải mả. Lũ trẻ chăn trâu đã dùng nó để nhóm lửa nướng những củ khoai lang tím mót được sau vụ thu hoạch. Trên nền gạch lở lói vẫn còn lăn lóc mấy tảng đá kê chân cột đẽo gọt vụng về. Những viên đá lành lặn vuông vắn người ta đã mang về nhà tái sử dụng. Đó là những gì còn lại của một ngôi miếu có truyền thuyết nhảm nhí nhất trên đời mình đã từng gặp. Gọi là Miếu Bà Chúa Ngựa. Truyền thuyết kể lại rằng ngày xưa có một người đàn bà dâm đãng nổi tiếng khắp vùng. Bao nhiêu đàn ông với bà cũng không đủ. Một mình bà đã làm cho tất cả những đàn ông trong làng không còn yên tâm đèn sách cấy cầy nữa. Dân làng phải nghĩ ra một kế để trừng phạt. Người ta làm hình nộm một con ngựa cái bọc vải nâu cho bà chui vào. Mượn một con ngựa đực dũng mãnh nhất vùng mang đến cho giao phối với người đàn bà ngựa. Những tiếng rên la chói lói phát ra từ trong bụng con ngựa nộm vang động mãnh liệt xé tan cả lớp áo vải nâu bên ngoài. Người đàn bà chết trong tận cùng thỏa mãn. Cặp mắt trắng dã hả hê cười. Dân làng xây miếu thờ ngay tại nơi bà nằm xuống. Hoang đường hết sức. Làm gì có con ngựa nào ngu đến thế?

Mình đã băn khoăn suốt cả một thời trai trẻ về hành động độc ác của dân làng. Nhưng lớn lên thì mình hiểu. Ngôi miếu thờ Bà Chúa Ngựa có thể là một lời ăn năn của họ. Cũng có người bảo rằng đó còn là một lời răn đe với những đàn bà lăng loàn khác. Mình chẳng tin. Chỉ có một điều duy nhất cho đến tận bây giờ mình vẫn không sao hiểu nổi. Người ta thờ phụng bà vì lẽ gì? Thường thì người ta thờ phụng một ai đó là vì công lao của người ấy với cộng đồng. Trong trường hợp này là thờ phụng sự khinh bỉ. Xét về mặt đạo đức nào đó thì Bà Chúa Ngựa cũng là người có công làm cho sự ô nhục còn tồn tại trên thế gian này.

Bây giờ thì đã không còn bất kì một dấu tích nào của cồn cát và những ngôi miếu khiến người ta có thể tưởng tượng ra vị trí xa xưa của nó. Một con đường liên xã trải nhựa uốn lượn ngoằn ngoèo như một lần nữa làm mất phương hướng của tưởng tượng. Những ngôi nhà bê tông đồ sộ bám theo mặt đường thậm chí còn làm mình mất hết cảm giác đi qua một ngôi làng. Những ngôi chùa và đình làng được xây mới hoàn toàn theo phong trào nở rộ trùng tu di tích mấy năm nay trên toàn quốc. Người ta trùng tu theo trí nhớ về những công trình kiến trúc làng xã xa xưa mà bản vẽ thiết kế luôn nằm trong đầu các thợ cả. Họ đã mang theo về với đất từ tám đời. Hơn thế, vài anh nhà giàu mới nổi chán ngán với đền chùa miếu mạo công cộng mỗi khi đi lễ phải chầu chực chen chúc. Họ đua nhau chế tạo ra những chốn linh thiêng cho riêng mình. Tự nhiên mình cũng mong một anh thừa tiền nào đó phục dựng lại hai ngôi miếu thờ trên cánh đồng làng. Phục dựng lại ý nghĩa lớn lao nhất của hai công trình ấy. Sự vô nghĩa.

Nguồn: truyen8.mobi/t86725-con-mat-rong-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận