Cuộc Chiến Khuy Cúc Chương 5

Chương 5
Hậu quả của một thảm họa

Hết đớn đau này đến đau đớn khác

Ôi! thử thách càng lúc càng cam go.

Victor Hugo (Năm tháng kinh hoàng)


Người ta thật có lý khi bảo rằng họa vô đơn chí! Chính La Crique về sau đã nói câu châm ngôn này, tuy nó không phải là tác giả.

Lebrac, tóc tai áo xống phất phơ trong gió, vừa lớn tiếng chửi bọn khốn kiếp Velrans vừa chạy tới khúc quanh ở Saute thì không thấy lũ bạn của nó đâu, nhưng lại đụng ngay phải bố Zéphirin, viên cựu binh từng chiến đấu ở châu Phi mà mọi người thường gọi là lão Bédouin; lão giữ cái chức trương tuần tầm thường trong xã mà ta có thể nhận thấy qua tấm lắc màu vàng được lau chùi bóng nhoáng lấp lánh giữa những nếp gấp của chiếc áo choàng màu xanh da trời lúc nào cũng tinh tươm của lão.

Thật may cho Lebrac vĩ đại, vì lão Bédouin, người đại diện công quyền ở Longeverne, hơi lãng tai và mắt cũng không còn tinh tường mấy.

Lão đang quay về, hay sắp quay về, sau chuyến tuần tra thường ngày thì tiếng chửi bới tru tréo của Lebrac - vì đã phải quằn quại dưới bàn tay lũ Velrans - khiến lão dừng bước. Vì từng bị một số thằng nhãi ranh mất dạy trong làng chọc ghẹo nên lão tin chắc rằng tiếng thóa mạ nặng nề của thằng nhóc gần như trần truồng đang chạy kia nhắm vào lão. Lão lại càng không nghi ngờ gì nữa khi nghe rõ các tiếng chửi như “đồ con lợn” hay “quân chó chết” mà theo suy nghĩ logic và rõ ràng của lão thì chỉ có thể nhắm vào một người đại diện “pháp nuật”. Lão kiên quyết (trước hết vì nhiệm vụ) phải trừng trị thằng lỏi vô liêm sỉ này vì nó vừa phạm thuần phong mỹ tục vừa xúc phạm danh dự của hội đồng xã, nên lão liền đuổi theo để tóm cổ nó hay ít nhất cũng để biết nó là ai, rồi sớm hay muộn cũng sẽ cho nó một trận đòn nên thân, “nhân danh pháp luật”.

Nhưng Lebrac cũng nhìn thấy lão Bédouin và những ý đồ thù nghịch từ tiếng “thằng lêu lổng!” lão thốt ra, nên nó nhanh chóng ngoặt sang bên trái, chạy lên phía trên vạt đất công rồi chui biến vào bụi cây, trong khi kẻ truy đuổi nó vung gậy hét toáng:

“Thằng oắt con bẩn thỉu! Ông sẽ tóm được mày cho mà xem!”

Đám Longeverne nấp ở Bụi Cây Lớn hết hồn hết vía về sự kiện bất ngờ này, chúng trố những cặp mắt cú vọ theo dõi hành động của lão Bédouin.

“Chính nó đấy. Phải, chắc chắn là nó rồi!” La Crique nói, ý chỉ chủ tướng của mình.

“Nó lại chơi cho bọn kia một vố nữa rồi!” Tintin nhận xét. “Thế mới là nam nhi!” nó chuyển giọng, chứa chan niềm cảm phục chủ tướng.

“Lão chó chết này còn định phá quấy chúng mình bao lâu nữa đây?” Camus vừa hỏi vừa lấy hai bàn tay khô chai sạn xoa bóp những chỗ đau trên thân thể.

 Nó đã định bảo Tintin hoặc La Crique ra dụ lão Bédouin khỏi cái nơi có lẽ Lebrac đang ẩn trốn bằng cách chửi lão trương tuần một loạt những tiếng thóa mạ thật đau, chẳng hạn như: già đầu mà ngu, đồ kê gian, đồ mang bệnh lậu từ châu Phi và nhiều tiếng chửi khác mà thỉnh thoảng chúng nghe lóm được khi người lớn trong làng trò chuyện.

Nhưng nó không cần dùng tới biện pháp này vì chỉ lát sau đã thấy lão cựu binh theo đường cũ quay trở xuống. Lão lớn tiếng chửi bọn nhóc mất dạy, dọa sẽ kéo tai chúng và thề là một ngày nào đó sẽ tống chúng vào nhà giam của xã cho chúng làm bạn một vài giờ với lũ chuột của nhà máy pho mát.

Ngay lập tức, Camus liền giả tiếng gà gô xám gáy - tín hiệu tập hợp của phe Longeverne; và đáp lại tiếng trả lời vọng đến nó gáy thêm ba tiếng liên tiếp nữa cho vị chiến hữu đang tuyệt vọng của mình biết rằng mối nguy hiểm đã tạm qua.

Tiếp đó, s au những lùm cây, khi tiến lại gần, chúng phát hiện thấy cái dáng ban đầu không rõ lắm và trăng trắng của Lebrac, tay xách bọc quần áo tí tẹo, rồi những đường nét trên gương mặt méo xệch vì giận dữ của nó hiện rõ ra.

“Rồi sẽ biết tay ông! Rồi sẽ biết tay ông!”

Tạm thời Lebrac_(1) chỉ thốt ra được có thế thôi. Nước mắt lưng tròng, nó nghiến răng, dứ dứ nắm đấm đe dọa về phía làng Velrans.

Bọn chúng xúm quanh Lebrac.

Chúng gom góp hết mọi dây nhợ, đinh ghim mong giúp nó có được một bộ trang phục tàm tạm để quay về làng. Chúng lấy dây roi ngựa xỏ một chiếc giày, chiếc kia với dây cột chuôi kiếm. Hai sợi dây bện lại để cột vớ ở khoeo chân. Một chiếc kim băng gài cửa quần. Camus còn muốn hy sinh sợi thun buộc ná để làm thắt lưng cho sếp, nhưng Lebrac đã lịch sự từ chối. Vài chiếc gai móc những lỗ khuy rách toang hoác. Tuy nhiên cái áo khoác hơi bị lệch ra sau, cái áo sơ mi rách cổ không cứu vãn nổi, còn tay áo bị mất hẳn một miếng to là bằng chứng hùng hồn về trận chiến đấu kinh hồn động phách mà người chiến binh Lebrac đã phải kinh qua.

Được vá víu tạm xong, Lebrac buồn bã cúi nhìn mình từ trên xuống dưới, ngẫm nghĩ không biết ăn mặc thế này thì về nhà sẽ ăn bao nhiêu cái đá đít. Nó tóm tắt kết quả của sự suy nghĩ này bằng một câu ngắn gọn khiến đám lính của nó lạnh tới tận tim:

“Chúa ơi! Thế này thì về nhà nát đít mất thôi!”

Tiếp theo lời tiên tri này là cả một sự im lặng não nề. Hiển nhiên không đứa nào nghĩ ra câu trả lời thích đáng, nên chúng đành thiểu não lặng lẽ lê giày đế gỗ về làng trong bóng đêm đang xuống.

Lần này khác lần trở về hôm thứ Hai biết mấy! Bóng đêm ảm đạm và nặng trĩu khiến chúng buồn thê thiết. Không một vì sao nào lấp lánh trong những đám mây bất thần kéo kín bầu trời. Những bức tường xám bên đường như lặng lẽ theo gót thảm họa của chúng; những bụi cây buông rủ cành con như nhánh liễu buồn, còn những chiến binh Longeverne thất thểu lê bước như thể đế giày của chúng trĩu nặng mọi khốn cùng của nhân loại và tất cả nỗi buồn của mùa thu.

Không đứa nào nói một lời vì sợ làm nặng thêm những âu lo tang thương của vị chủ tướng bại trận. Tiếng hát khải hoàn của bọn Velrans kiêu hãnh trên đường về theo làn gió Tây Nam vẳng tới khiến chúng càng thêm đau khổ:

 

Ta là giáo dân Cơ đốc, đấy là niềm vinh quang của ta,

Đấy là hy vọng và chỗ dựa của ta...

 

Vì Velrans là đất của các cố đạo, còn Longeverne là đất của phe Đỏ.

Tới Cây Đoạn To chúng dừng lại theo thói quen. Lebrac phá tan sự im lặng:

 “Sáng mai vào hồi chuông thánh lễ thứ hai mình sẽ gặp nhau ở giếng giặt,” nó làm ra vẻ rắn rỏi, song giọng vẫn run run chứng tỏ nó lo sợ một điều gì đó rắc rối, rất mơ hồ mà đúng ra là chắc chắn sẽ xảy tới.

“Ừ,” chúng đáp gọn lỏn, còn Camus-bị-ném-đá tiến lại lặng lẽ siết chặt tay nó, trong khi đám quân tí tẹo kia tản đi rất nhanh, theo những con đường mòn và đường lớn dẫn về nhà chúng.

Khi Lebrac về tới nhà ở gần giếng trên, nó thấy ngọn đèn dầu đã được thắp trong căn phòng có lò sưởi, và qua những rèm cửa he hé, nó thấy cả nhà đang ăn tối.

Nó run lên. Thế này thì tiêu tan niềm hy vọng cuối cùng rằng sẽ không ai thấy nó lẻn vào nhà trong bộ cánh lôi thôi lếch thếch mà số phận đen đủi đã gây cho nó.

Nhưng suy đi tính lại nó thấy rằng sớm muộn gì cũng sẽ phải đối mặt chuyện này, thế là với lòng quyết tâm đón nhận tất cả, nó nhấc then cài cửa bếp, đi qua bếp rồi đẩy cánh cửa dẫn vào căn phòng có lò sưởi.

Bố Lebrac vì thất học nên lại càng chú trọng chuyện “dáo dục”. Bởi thế ông đòi hỏi thằng con ông ngay từ buổi học đầu tiên trong niên khóa phải ra sức dùi mài kinh sách, một việc hoàn toàn không tương xứng tí nào với đầu óc của thằng học trò Lebrac. Thỉnh thoảng ông tới nói chuyện với bố Simon về vấn đề này và khẩn thiết yêu cầu bố nếu cần thì đừng quên cho nó một trận và cứ việc thẳng tay trừng trị. Chắc chắn ông không bênh thằng con ông như những thứ cha mẹ ngu dốt “không biết thế nào là tốt cho con”; không những thế, nếu nó bị đòn ở trường thì về nhà ông còn cho thêm trận nữa.

Như ta thấy, bố Lebrac quan niệm thật lạc hậu về sư phạm nhưng lại có những nguyên tắc thật rõ ràng mà ông ứng dụng ít ra với sự tin tưởng vững chắc, cho dù không đạt kết quả gì.

Mới chiều nay, sau khi cho lũ bò uống nước xong, ông tới gặp thầy giáo đang ngồi hút tẩu dưới mái vòm nhà làng gần giếng giữa để hỏi han xem thằng con ông cư xử thế nào.

Dĩ nhiên ông được cho biết là thằng Lebrac phải ngồi lại lớp tới bốn giờ rưỡi, rồi nó trả lời trôi chảy bài học mà lúc sáng nó không thuộc, điều đó chứng tỏ rằng nếu nó chịu học thì... có phải thế không ạ...

“Thằng lười!” ông bố kêu. “Thầy biết là nó không hề mang được lấy một quyển sách về nhà chứ? Thầy cứ cho nó nhiều bài làm vào, tính toán, chia động từ, cái gì cũng được! Thầy đừng lo, tối nay tôi sẽ cho nó một trận!”

Bố Lebrac đang ở trong tâm trạng như thế thì thằng con bước qua ngưỡng cửa.

Cả nhà đã ngồi vào bàn và ăn xúp xong rồi. Ông bố đầu đội mũ, tay cầm dao đang định xắt miếng thịt xông khói đặt trên lớp bắp cải thành từng miếng dày mỏng tùy bao tử lớn nhỏ của từng người thì cánh cửa mở kẽo kẹt và thằng con ông ló mặt.

“A, cuối cùng thì mày cũng về,” ông nói nửa sẵng, nửa giễu cợt báo trước việc chẳng lành.

Lebrac thấy cứ im thin thít là khôn ngoan hơn cả nên lặng lẽ ngồi vào ghế ở cuối bàn. Nó không biết ông bố định làm gì.

“Ăn xúp đi,” mẹ nó càu nhàu. “Nguội hết r i.”

“Và cài áo khoác lại,” ông bố nói thêm. “Mày trông cứ như gã lái dê.”

Bằng một động tác mạnh mẽ song vô ích Lebrac kéo lại chiếc áo khoác lửng lơ trên người nó, nhưng không cài cúc hay móc khoen - vì lý do ta đã biết.

“Tao bảo cài áo khoác cơ mà,” ông bố nhắc. “Với lại, mày ở đâu về thế? Đâu phải từ trường về giờ này?”

“Con mất khuy móc áo khoác rồi,” Lebrac lẩm bẩm, không trả lời thẳng vào câu hỏi.

“Chúa lòng lành ơi, sao lại thế được!” bà mẹ kêu lên. “Lũ vô tích sự này! Lũ ăn hại này! Chúng phá hỏng mọi thứ, xé nát mọi thứ, nuốt trôi mọi thứ! Ngữ chúng mày rồi lớn lên sẽ thành gì đây?”

“Thế còn hai tay áo thì sao?” ông bố nói xen vào. “Chẳng lẽ mày cũng mất cúc tay áo luôn à?”

“Vâng,” Lebrac thú nhận.

Điều phát hiện mới này cùng với việc nó về trễ cho thấy đây là một chuyện hết sức không bình thường và đưa đến một màn kiểm tra tỉ mỉ.

Lebrac cảm thấy mặt nó đỏ tới tận chân tóc.

“Chết cha! Thế này thì hỏng kiểu rồi!”

“Lại đứng giữa nhà cho tao xem!”

Ông bố nâng chụp đèn lên và tai họa mà Lebrac phải hứng chịu đã phơi bày hết mức độ trước bốn cặp mắt soi mói của cả nhà. Những bàn tay bè bạn rất nhiệt tình và đầy hảo ý nhưng quá vụng về chẳng những không vá víu được áo quần nó đỡ hơn mà còn làm thảm hại thêm.

“Chúa ơi! Đồ con lợn! Quân lộn giống! Đồ vô tích sự! Phường vô lại!” ông bố gầm lên sau mỗi phát hiện mới. Áo len và áo sơ mi mất sạch cúc, cửa quần gài kim băng, một chiếc kim băng ở cạp quần, dây giày bằng thứ sợi mảnh.

“Sao, mày sinh từ đâu ra thế, hở thằng chết tiệt?” Bố Lebrac gầm lên, ông không thể ngờ được mình là một công dân tốt lại có thể sinh ra một thằng nhóc thế này, còn bà mẹ rên rỉ vì ngày nào thằng con trời đánh cũng khiến bà làm luôn tay mà vẫn không hết việc.

 “Rồi mày tưởng rằng sẽ thế này mãi được à?” ông bố hỏi tiếp. “Mày tưởng tao chịu tiếp tục bỏ tiền ra để nuôi dạy một thằng khốn kiếp như mày ư, một thằng vô tích sự cả ở nhà lẫn ở trường hay ở bất cứ đâu khác ư? Chiều nay tao mới vừa hỏi thầy giáo mày đấy!”

“...”

“Rồi tao sẽ cho mày biết tay, đồ ăn cướp! Mày nên nhớ rằng trại cải huấn không phải xây cho chó. Liệu hồn!”

“...”

“Trước mắt mày không được ăn bữa tối nay! Ơ kìa, Chúa ạ, sao mày không mở miệng ra? Mày nghịch ở đâu mà đến nỗi này?”

“...”

“A, mày không muốn nói gì, thằng nhãi ranh, à phải, thực thế! Chờ đấy, lạy Chúa, tao sẽ buộc mày phải mở miệng!”

Vừa nói bố Lebrac vừa rút từ đống củi bên cạnh lò sưởi một cành cây phỉ vừa dẻo vừa b n, rồi ông kéo áo tụt quần thằng con, quất cho một trận nhớ đời khiến nó lăn lộn, quằn quại, sùi bọt mép, thở ran và kêu gào đến nỗi kính cửa sổ rung cả lên.

Rồi, sau khi đã thực thi công lý, ông sẵng giọng nói thêm, khiến nó không cãi được: “Bây giờ đi ngủ. Liền tức thì. Lạy Chúa! Tao mà còn nghe thấy ‘quái gì đó’!...”

Lebrac mệt bã người nằm dài trên những tấm nệm nhồi lá ngô và rơm yến mạch. Nó cảm thấy kiệt sức, chân tay như bị gãy, mông rát như bị phỏng, đầu óc quay cuồng. Nó trăn qua trở lại thật lâu, ngẫm nghĩ thật lâu, thật lâu và thiếp đi cùng thảm họa của mình.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/t26083-cuoc-chien-khuy-cuc-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận