Hồi Ký Tâm Si-đa Vượt Lên Cái Chết Chương 3


Chương 3
Lưu lạc theo cha

Chị em tôi ở với nội được bốn năm thì ba về đem chị em tôi đi. Năm đó tôi chuẩn bị lên lớp nhất, là lớp năm bây giờ. Nội dứt khoát không đồng ý. Nội nói đói no gì cũng ở với ông bà nội, đỡ bị cảnh dì ghẻ con chồng, bị đánh đập, đày ải khổ lắm. Dẫu vậy, tôi lại muốn đi theo ba vì ở với nội ăn uống cực khổ quá. Nội nghèo, bữa cơm chỉ có trứng vịt luộc dầm nước mắm, không thì mắm chưng, ăn riết đâm ngán. Ba tôi nói mãi, nói mãi, cuối cùng nội đành gật đầu để ba đưa chị em tôi đi. Nội chuẩn bị quần áo cho chị em tôi. Tôi là đứa vui nhất vì nghĩ tới cảnh sẽ được sống cạnh ba. Nhưng thằng Dũng, thằng Châu thì cứ quyến luyến ông bà nội. Có lẽ tụi nó sợ bị bỏ đói - tôi nghĩ vậy.

Ba đưa chị em tôi về sống trong căn nhà riêng của ông trong trại gia binh tại Bình Tuy. Tôi và thằng Dũng được tiếp tục đi học. Mỗi ngày trước khi đi làm, ba ra chợ Bình Tuy mua thức ăn đem về để sẵn cho mấy chú lính của ba tới nấu giùm. Mấy chú lính này vừa lo cơm nước, vừa kiêm luôn việc trông coi chị em tôi. Được vài tháng, nhà tôi xuất hiện thêm một người phụ nữ. Chị em tôi gọi là dì Sáu. Dì là vợ của ba lúc ba còn đóng quân ở Sa Đéc. Bây giờ dì tìm ra tận Bình Tuy để ở với ba và chị em tôi. Dì không có con cho nên dì chăm sóc, dạy dỗ chị em tôi rất chu đáo.

Không hiểu sao lúc đó tôi ghét dì kinh khủng. Tôi luôn nghĩ mẹ ghẻ thì không thể thương con chồng. Buổi trưa, tôi không thích ngủ, chỉ thích đi thả diều. Dì Sáu không cho, bắt tôi phải đi ngủ. Mỗi khi tôi chơi những trò của con trai là dì rầy la. Dì nói con gái chỉ nên chơi nhảy dây, banh đũa. Mặc kệ! Tôi thích làm ngược những lời dì nói. Và tôi chỉ chơi với bọn con trai! Tôi muốn làm theo ý tôi, thử coi dì dám làm gì tôi? Dì không la mắng mà méc ba để ba rầy tôi. Thế là tôi càng ghét dì. Thậm chí tôi căm thù dì. Tôi không hề cảm nhận được tình thương dì dành cho chị em tôi. Tôi luôn tìm cách cho ba thấy dì không thương yêu chị em chúng tôi… Trái lại, hai đứa em trai của tôi cứ luôn quấn quít bên dì. Điều đó càng khiến tôi chống đối dì kịch liệt. Tôi không muốn có dì, tôi chỉ muốn có ba thôi!

Trong lúc dì Sáu ở nhà lo toan mọi thứ thì bên ngoài ba lại có thêm người vợ nữa. Dì không hề hay biết. Ba bỏ chị em tôi cho dì muốn làm gì thì làm - yêu thương cũng được, đánh đập cũng được. Ba cũng chẳng màng đến chị em tôi. Ba thường xuyên vắng nhà. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến.. Dì Sáu bắt gặp ba tôi cặp kè với dì Lành ở dưới chợ...

Hai bên đụng mặt nhau. Dì Sáu không nói gì, chỉ bỏ về nhà sắp xếp đồ đạc. Thấy dì soạn quần áo bỏ vào túi xách, thằng Dũng thắc mắc hỏi thì dì bảo dì về quê. Hai đứa em tôi đòi theo, dì không cho. Tụi nó ôm dì khóc. Riêng tôi rất khoái vì từ nay sẽ không còn ai la rầy mỗi khi tôi trốn ngủ trưa để đi chơi nữa. Ở tuổi này, tôi vẫn chưa phân biệt được ai thương ai ghét mình. Tôi thấy thích dì Lành hơn dì Sáu, vì mỗi lần theo ba đến nhà chơi, dì Lành thường cho tôi quà bánh, lại nói chuyện ngọt ngào. Chứ không như dì Sáu, chỉ biết la rầy, bắt phải làm điều này, không cho làm điều kia.

Thấy hai đứa em tôi khóc quá chừng, dì Sáu không nỡ bỏ đi. Nhưng cũng từ đấy, nhà tôi luôn xảy ra những trận cãi vã, đánh nhau giữa ba tôi với dì Sáu, giống như với má tôi trước đây vậy. Riết rồi chịu không nổi, dì Sáu bỏ về quê. Từ đó, ba tôi tự do đi lại nhà dì Lành và dần dần đưa tôi về ở hẳn nhà dì Lành. Tôi thắc mắc hỏi ba sao không cho thằng Dũng, thằng Châu cùng ở. Ba nói: “Tại con là con gái, cần có dì để được dạy dỗ. Còn con trai dù sao cũng dễ hơn”.

Thời gian đầu về ở với dì Lành, tôi cảm thấy rất sung sướng. Mỗi ngày đi học, tôi đều được đưa đón. Tôi quên bẵng chuyện mẹ ghẻ, mẹ ruột… Nhưng cảm giác sung sướng đó không kéo dài được bao lâu. Dì Lành bắt đầu giao công việc nhà cho tôi làm, trước tiên là quét nhà, rửa chén, nấu cơm. Dì nói con gái phải tập làm cho quen. Sau, dì kêu tôi giặt quần áo cho dì và anh Chín con riêng của dì. Chưa hết, dì giao luôn chẻ củi, xách nước từ dưới giếng lên để xài và bắt tôi kiêm luôn việc tưới cây quanh nhà. Không còn chuyện đưa đón đến trường. Không còn quà cáp, bánh trái. Không cả những lời ngọt ngào lúc trước.

Xách nước giếng nhiều quá, tay tôi phồng rộp. Chịu không nổi, tôi đòi về ở với ba và hai đứa em. Ba không cho về. Sống cùng dì Lành với bao nhọc nhằn đè nặng lên vai, tôi đâm ra oán hận ba, oán hận dì. Những lời ba hứa với nội, ba quên hết rồi. Tôi lại nhớ nội, nhớ má. Tôi thường ra bờ giếng ngồi khóc một mình… Phải chi có má thì tôi đâu cực khổ như vầy? Tôi kể cho ba nghe những công việc nặng nhọc và cực khổ mà dì Lành bắt tôi làm nhưng ba không tin, lại còn la rầy tôi. Ba nói tôi là con nít, không ai nỡ bắt làm nặng nhọc vậy, đừng bày đặt nói láo. Ba nói có thấy tôi làm việc gì đâu, ngoài ăn rồi học? Chỉ mỗi việc dọn chén. Rửa chén mà tôi cũng làm biếng. Tôi ức lắm bởi ba không tin lời tôi nói. Hơn nữa, cứ mỗi lần ba tôi rời nhà dì Lành, tôi lại bị một trận đòn nên thân vì cái tội méc ba.

Nỗi oán hận tăng dần trong tôi. Ý nghĩ trốn đi tìm má bắt đầu nhen nhúm… Nhưng đi bằng cách nào để về tới Sài Gòn tìm má đây? Tôi nghĩ hoài mà chưa ra cách.

Có lần, ba về Sài Gòn nhận lương để phát cho lính. Ba đi hơn một tuần thì hầu như đêm nào cũng có người đàn ông lạ mặt vào ngủ chung với dì Lành. Cái giường thường ngày chỉ có tôi với dì, bây giờ thêm người nữa nằm nên rất chật. Ấy vậy thỉnh thoảng nó cứ rung lên, kêu ken két… Chật chội, tôi muốn ngồi dậy đi ra ngoài nằm cũng không dám vì sợ bị đòn. Còn nằm trên giường thì vừa khó ngủ vừa bị trùm mền kín mít từ đầu tới chân, nóng nực chịu không nổi. Hễ tôi bỏ mền ra là dì rầy. Dì nói trời trở gió dễ đau ốm, phải đắp mền như vậy mới được. Thật là cực hình! Sau một tuần ba về và ghé qua nhà dì, tôi méc ba liền. Ba không tin, còn rầy tôi tại sao lúc này tôi hay nói thêm nói bớt cho người khác quá. Ba bảo tôi nói láo như vậy là xấu lắm…

Khi ba về, dì Lành đánh tả tơi cái thân thể còm nhom của tôi. Dì vừa đánh vừa chửi: “Đồ mất dạy! Mày giống con mẹ mày, lớn lên cũng bỏ chồng bỏ con theo trai. Mày nghĩ tao giống con đĩ mẹ mày hả?”. Thân thể tôi không đau vì đòn roi, mà lòng tôi như xát muối vì dì chửi má tôi. Không còn biết sợ là gì nữa, tôi đốp trả ngay: “Dì không được phép chửi má con. Dì không có quyền! Nếu con chửi má dì, dì có chịu không? Sao tự nhiên dì chửi má con?”. Dì Lành điên tiết, quơ cây chổi quét nhà quật tới tấp, đến nỗi cây chổi nát bươm. Khắp người tôi chỗ nào cũng bầm tím, có chỗ rỉ máu.

Đêm đó, tôi lẻn trốn khỏi nhà dì. Từ chợ Lagi, tôi đi bộ về trại gia binh nơi ba và hai đứa em đang ở. Nhưng tôi không dám vô vì sợ ba đánh đòn. Tôi qua nhà chị Thủy con của bác trưởng ty bưu điện xin ở nhờ. Bác trưởng ty vừa thấy tôi, hoảng hồn hỏi ai đánh mà thân thể con như vầy. Tôi vừa khóc vừa kể cho bác nghe. Bác lấy dầu xức cho tôi, vừa xức vừa chặc lưỡi: “Con nít mà bị đánh như vầy làm sao chịu nổi! Đúng là mẹ ghẻ con chồng!”. Tôi năn nỉ bác và chị Thủy cho tôi ở nhờ. Tôi gặp riêng chị Thủy, xin chị nếu có về Sài Gòn thì cho tôi đi theo để tôi đi tìm má. Thấy chị không nói gì, tôi càng năn nỉ. Tôi biết mỗi tháng chị đều về Sài Gòn. Chị nói không dám cho tôi đi theo vì sợ ba tôi biết được thì rắc rối lắm. Tôi hứa đủ điều, cuối cùng chị cũng xuôi lòng.

Trong lúc tôi ở nhà chị Thủy, chờ đến ngày theo chị đi Sài Gòn, thì hai đứa em tôi bắt gặp. Tụi nó đòi về méc ba. Tôi sợ bị bắt đem về nhà dì Lành nên nhỏ giọng: “Tụi cưng có thấy chị bị đòn chưa? Để chị cởi đồ ra cho mà coi nè”. Tôi cởi hết quần áo ra cho hai đứa nó coi những vết roi rướm máu, những vết bầm tím còn in khắp người. Thấy vậy tụi nó mới im. Thằng Dũng tuôn một tràng: “Chị đi như vậy cơm đâu chị ăn? Rồi làm sao chị đi học? Bà nội nói còn nhỏ mà không chịu đi học, lớn lên phải đi hốt rác đó chị biết không? Rồi làm sao chị biết đường mà đi tìm má? Làm sao chị biết đường đi về nhà nội?...”. Tôi nói: “Chị không về nhà nội đâu. Vì về nhà nội, ba cũng sẽ bắt chị ra ở với dì Lành, chị sợ bị đòn lắm. Chị đi kiếm má thôi!”. Nghe tới má, thằng Châu hỏi liền: “Chị có biết má đi đâu không? Em nhớ má quá à! Má có nhớ tụi mình không hả chị? Rồi má có chịu nuôi chị không?”. Thắc mắc một hơi, thằng Châu ngồi thút thít khóc. Ba chị em tôi ngồi ôm nhau khóc vì nhớ má. Tôi ướm hỏi hai đứa em: “Vậy hai đứa có thích ở với má mình không?”. Tức thì, chúng nó nhao nhao: “Thích… thích… Em thích… Em cũng thích. Ởvới má với ba giống như chị em con Hè sướng lắm!”. Tôi bảo: “ Nếu muốn ở với má, với ba thì đừng đứa nào về méc ba là chị đang trốn ở đây nghen. Để chị đi theo chị Thủy về Sài Gòn tìm má. Gặp má rồi chị nói má về dẫn chị em mình về ở luôn với má”.

Tôi và hai đứa em cùng ngoéo tay nhau hứa hẹn, một bên hứa không méc ba, một bên hứa đi tìm má.

Trốn nhà tìm má

Tháng 10 năm 1965, còn hai ngày nữa chị Thủy dẫn tôi đi Sài Gòn.

Hôm đó, tôi cùng hai đứa em rủ nhau ra suối đá Dựng tắm, đùa giỡn thỏa thích. Tôi còn nhớ thằng Dũng bắt chước người lớn đặt thơ trên đá: “Chiều đá Dựng buồn như muốn khóc - Chị đi rồi em ở lại bơ vơ!”. Hai câu thơ ấy theo tôi đến tận bây giờ. Tắm xong, tôi đưa hai đứa em về nhà chị Thủy, dặn tụi nó ráng chờ tôi và má cùng về. Tối đó, chị em tôi quấn quít bên nhau tới khuya. Chị Thủy nhắc mấy lần hai đứa mới chịu về nhà ngủ.

Sáng sớm hôm sau, khi chợ Bình Tuy vừa nhóm, tôi đã có mặt ngoài đường cái. Tôi đứng nép trong lùm cây, chờ xe đò đi ngang. Chị Thủy không cho tôi theo ra bến xe vì sợ gia đình dì Lành bắt gặp. Chị dặn tôi đứng chờ ngoài chợ nơi xe đò thường dừng lại cho hành khách lên. Tôi đứng ngồi không yên vì sợ chị Thủy bỏ tôi. Trời lạnh buốt da, nhưng tôi không còn biết lạnh là gì cả. Tôi chỉ mong xe đến lẹ lẹ đặng tôi đi. Điều chờ đợi cũng đã đến. Chiếc xe đò dừng lại cho hành khách lên, tôi cũng lên theo, dù không nhìn thấy chị Thủy đâu. Lên xe tôi đứng xớ rớ cố để chị Thủy thấy. Từ dãy ghế cuối xe, chị Thủy vẫy tay gọi tôi. Vừa thấy chị, tôi òa lên khóc. Chị vỗ về: “Đừng khóc cưng! Ngồi đây với chị”. Khi hành khách lên xe đủ, bác tài cho xe chạy từ từ…

Bỏ lại Bình Tuy. Bỏ lại hai đứa em của tôi đang chờ tin tôi và má - như lời tôi hứa hẹn với hai đứa nó. Đang suy nghĩ mông lung về mọi thứ, bỗng nghe tiếng gọi: “Chị… chị Tâm ơi…”.  Tôi thò đầu ra ngoài thấy hai đứa em tôi đang run run vẫy gọi. Tụi nó run vì trời rất lạnh. Lạnh hơn bao giờ hết của xứ Bình Tuy. Xe chạy thật xa, tôi vẫn còn ngoái đầu nhìn lại. Bóng hai đứa em mờ khuất trong đám sương mù… xa dần… xa dần…

Về tới Sài Gòn, chị Thủy đưa tôi đến nhà cô của chị ở tạm vì chị chưa có thời gian rảnh dẫn tôi đi tìm má tôi. Chị còn nhiều công việc riêng của chị. Thấy tôi buồn buồn, chị an ủi: “Chị bận quá. Em ở tạm nhà cô vài hôm rồi chị sẽ dẫn em đi tìm má em nha”. Tôi đành phải chịu vì không còn cách nào khác hơn. Lúc chị đưa tôi vô nhà, thấy tôi lạ, cô chị hỏi tôi con ai. Chị Thủy kể về gia đình tôi. Ai dè nghe xong, cô rầy chị quá chừng. Tôi nghe cô Hai nói, con cái của người ta mày dẫn đi, người ta biết được đi thưa thì mày ở tù mọt gông. Tôi sợ cô Hai không cho ở, vội quỳ xuống van xin. Tôi nói: “Con bị dì ghẻ đánh đập nhiều quá nên con năn nỉ chị Thủy cho con đi theo để con tìm má con, chớ chị Thủy không dụ dỗ gì con hết”. Tôi quỳ riết dưới đất, cuối cùng cô Hai mới đồng ý cho tôi ở nhờ.

Nhà cô Hai chuyên làm giấy tiền vàng bạc. Ở nhà cô Hai được vài ngày, tôi đã học được cách dán, phết tiền vàng bạc từ những người làm công cho cô. Tôi còn phụ cho họ nữa. Từ từ quen tay, tôi xin cô cho tôi làm. Ban đầu cô sợ tôi làm hư giấy nên không cho, tôi bèn làm thử cô coi. Cô Hai khen con nhỏ coi vậy mà khéo tay. Được cô nhận vào, tôi cố gắng làm ra thật nhiều sản phẩm. Mỗi ngày cô Hai phát cho tôi năm cắc bạc. Tôi không lấy mà gửi lại nhờ cô giữ giùm. Ngày qua ngày, mải mê làm tôi quên luôn việc đi tìm má. Chị Thủy bận việc nên đi suốt ngày, ít khi gặp tôi. Thấm thoát đã hơn một tháng tôi ở nhà cô thật bình yên. Một hôm, tôi lỡ tay làm đổ lon hồ bạc (loại hồ có pha nhũ bạc dành phết lên giấy). Hồ bị đổ dính đầy sản phẩm của người khác. Tôi bị mấy người lớn làm chung vừa tát vào mặt, vừa cú đầu, vừa chửi rủa: “Cái thứ trôi sông lạc chợ! Cái thứ mới bây lớn đã bỏ nhà đi. Không biết ở đâu mà con Thủy na về đây để báo đời…”.

 Vừa lau dọn, dọn tôi vừa tủi thân nghĩ mình có báo đời ai đâu? Ở nhờ nhà cô Hai, tôi cũng làm đủ thứ việc. Nào là quét dọn nhà cửa. Nào là rửa chén bát. Rồi chà cầu tiêu… tôi làm mọi việc chứ đâu có ở không... Những người làm công ở đây đâu có phải làm việc nhà như tôi. Còn tôi, vì muốn được ngồi dán giấy như họ, tôi phải xong việc nhà trước đã. Vậy mà... Càng nghĩ tôi càng tức tối, không biết phải làm sao mỗi khi bị người khác ăn hiếp.

Uất ức, tôi xin phép cô Hai cho lãnh tiền để tôi đi tìm má. Tôi không thể ở lại nhà cô thêm nữa vì tôi căm ghét những người làm việc ở đây. Tôi cũng không thể chờ chị Thủy về để cảm ơn chị đã dẫn tôi lên Sài Gòn. Cô Hai cho tôi được mười đồng bạc cắc. Tôi gom áo quần cho vào túi xách, khoanh tay cảm ơn cô Hai đã giúp đỡ. Cô Hai hỏi tôi tại sao không chờ chị Thủy về, mà tôi có biết đường đi tìm má tôi không. Tôi trả lời đại là có biết.

Rời khỏi nhà cô Hai, ra tới đầu hẻm tôi hỏi thăm mới biết đây là chợ Xóm Củi gần cầu Chà Và. Tôi đi bộ… Đi tới đâu hỏi đường tới đó. Tôi hỏi đường về Chợ Quán vì nơi đó má tôi đang ở.. Không biết đường nên tôi lạc hoài, đi mấy ngày vẫn chưa tới khu Chợ Quán. Tiền trong túi đã hết, đêm về tôi ngủ bừa ở vỉa hè. Sài Gòn rộng lớn, biết tìm má ở đâu?

Ban ngày tôi lang thang, tối ngủ hè phố. Hết tiền, bụng đói quá nhưng không biết làm sao. Đi ngang qua quán ăn, tôi thấy có nhiều đứa cỡ tôi đang đứng giống như chờ đợi ai. Thực ra, tụi nó không chờ ai cả. Tụi nó chỉ chờ mấy người khách ăn xong là đến xí bàn. Khách vừa trả tiền đứng lên là... a lê hấp! Ngay lập tức có đứa đến bưng cái tô còn thức ăn thừa ngấu nghiến một cách ngon lành. Nhìn tụi nó ăn mà tôi thèm chảy nước miếng. Chịu không nổi cơn đói, tôi lại gần một đứa xin nó cho tôi ăn với. Nó nhìn tôi từ đầu tới chân rồi lên lớp: “Sao mày ngu quá vậy? Mày đi mà xí bàn, rồi đợi người ta đi khỏi là mày cứ việc bưng tô lên ăn thôi, không ai la rầy gì hết á. Miễn là mày đừng làm bể tô của chủ là được!”. Nghe thằng nhỏ nói, tôi mừng rơn trong bụng. Đứng chờ khách ăn xong, tôi cũng xí bàn. Xí hoài không được, vì lần nào tôi cũng bị mấy đứa khác tranh giành. Sợ tụi nó đánh, tôi không dám hó hé. Thằng nhỏ lúc nãy thấy tôi bị ăn hiếp nên lên tiếng bênh vực: “Ê, tụi bây ỷ ở đây lâu rồi ăn hiếp con nhỏ đó hả? Tao biểu nó xí bàn đó, thằng nào ngon giành đi? Tối ngày tụi bây chuyên đi ăn hiếp mấy đứa con gái. Tụi bây có giỏi ăn hiếp mấy thằng con trai như tụi bây đó”. Thằng nhỏ oai thiệt! Nó nói xong là mấy đứa kia im re.. Nhờ vậy tôi mới xí được bàn để ăn.

No rồi, tôi mới hỏi thằng nhỏ đường đi. Nó quay hỏi ngược lại tôi: “Nhà mày ở đâu? Sao mày không biết đường đi? Bộ ba má mày bỏ mày hả?...”. Nó hỏi một hơi, tôi tủi thân òa khóc. Nó quát: “Mày nín đi… Tao ghét thứ con gái hở chút là khóc, chuyện gì cũng khóc!”. Mặc dù bực mình nhưng nó cũng hỏi tôi tên gì, ba má ở đâu. Nó nói, còn tao tên cu Đen, ở đây ai cũng kêu tao như vậy hết. Thấy nó không dữ dằn như mấy đứa kia, tôi kể cho nó nghe tại sao tôi phải như vầy. Nó thở dài: “Mày giống tao quá. Nhưng mày còn có má để đi kiếm. Còn tao… Má tao chết rồi, ở với má ghẻ bị đòn hoài nên tao mới bỏ nhà đi hoang”. Nó lại dạy tôi: “Mày đi hoang thì mày phải khôn, không để mấy đứa lớn ăn hiếp. Nếu cần, cứ chơi xả láng, chơi xong bỏ đi chỗ khác sống. Thiếu gì công viên vỉa hè để tụi mình sống, để tụi mình ngủ! Đói thì đi “trút sơ-ri” để ăn (ý nó là xí bàn). Quán nào khó thì kiếm quán dễ. Kẹt quá thì đi tới quán bar xin tiền mấy thằng lính Mỹ… Sợ gì đói! Mà mày có biết khu này là khu gì không? Khu Đồng Khánh đó. Nhưng mày có má thì mày nên đi tìm má mày đi. Mày là con gái, đi hoang dễ bị ăn hiếp lắm. Để từ từ tao dẫn mày đi tìm má nha. Tao biết khu Chợ Quán, ở gần nhà đèn đó. Tao đưa mày tới đó, mày hỏi người ta sẽ biết liền hà”.

Giữ đúng lời hứa, vài ngày sau, thằng nhỏ dẫn tôi đi quanh quẩn một hồi hết ngã ba này đến con đường nọ. Cho khi tới khu đường Hàm Tử, nó bảo: “Tới rồi đó! Mày hỏi thăm má mày đi, tao còn phải đi kiếm ăn”. Rồi cu Đen bỏ đi một mạch. Tôi lân la hỏi thăm tên má tôi…

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/73892


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận