Hồi Ký Tâm Si-đa Vượt Lên Cái Chết Chương 4


Chương 4
Không chốn đi về

May quá, có người biết nên đưa tôi tới nhà của má.

Gặp má, tôi khóc tức tưởi. Má đưa tôi vào nhà tắm rửa, rồi mua cho tôi bộ đồ mới để thay. Những ngày sống lang thang ngoài đường khiến người tôi hôi như cú, trên tóc chí chi chít như mè đen. Tắm xong, má cho tôi ăn uống và hỏi tại sao tôi phải đi lang thang như vầy. Tôi kể má nghe về dì Lành, về ba, các em ở Bình Tuy và lý do tôi bỏ trốn đi tìm má. Không nói gì, má tôi chỉ khóc. Má nói để má dẫn tôi qua nhà dì Hồng bạn của má ở tạm vài bữa. Tôi thắc mắc mà không dám hỏi. Tại sao má không cho tôi ở chung với má? Nhà má bự chảng chỉ có má và chồng của má chứ chật chội gì đâu?

Vậy là tôi qua ở nhà dì Hồng. Mỗi buổi sáng, sau khi chồng của má đi làm ở sở cảnh sát, tôi mới được phép vô nhà chơi với má. Trưa, ông về nhà nghỉ ngơi, tôi lại về bên dì Hồng. Ngày nào cũng vậy. Mấy đứa con dì Hồng được ba má cưng chiều, săn sóc cẩn thận, tối được ngủ chung với ba má; còn tôi thì nằm chèo queo dưới đất. Tôi hay tủi thân, nhất là vào buổi chiều và tối. Nhìn cả nhà dì Hồng quây quần đùa giỡn với nhau, tôi ao ước được như mấy đứa con của dì… Có lần, thấy tụi nó giỡn với dượng Hồng, vui quá tôi cũng nhào vô, chợt tôi ôm chân dượng và kêu: “Ba! Ba!”. Dượng ôm tôi hôn lên đầu. Tôi chưa kịp sung sướng thì… Rầm! Tôi bị con Kim Hồng xô té, đầu đập vô chân bàn chảy máu ròng ròng. Máu chảy dài xuống mắt, xuống cằm tôi. Con Kim Hồng còn đuổi tôi: “Mầy đi chỗ khác đi! Về nhà má mày đi! Mày ở nhà tao, còn giành ba tao hả? Mày ở đây là tao xô hoài cho mày té chết luôn, khỏi giành ba tao nữa!”. Tôi tức tối nhìn nó. Tôi ghét hết mấy chị em nó.

Dì dượng lo băng đầu cầm máu cho tôi, lo lắng quan tâm tôi, khiến tôi sung sướng quên cả đau. Tôi cứ tưởng tượng đây là ba nè, là má nè. Cuối cùng, tôi không thể ở nhà dì Hồng được nữa vì mấy đứa con của dì nhất quyết không cho tôi ở chung. Dì Hồng đành trả tôi về cho má. Tôi sướng rơn, vì kể từ nay tôi sẽ được ở chung với má. Hóa ra tôi mừng hụt, vì tôi chỉ được phép ở nhà má có một buổi sáng thôi.

Ngay sau đó, má tiếp tục gửi tôi qua nhà ông bà Ba cũng ở cạnh đó. Ông Ba tu tại gia, nhưng cũng bận đồ cà sa giống thầy tu ở chùa. Tôi ở nhà ông Ba không được bao lâu thì xảy ra chuyện. Thường mỗi đêm, ông Ba thức dậy tụng kinh. Thỉnh thoảng, ông ôm tôi hôn. Ban đầu tôi thích lắm, đôi lúc tôi còn hôn lại ông vì tôi nghĩ ông giống ông nội tôi ở nhà. Đêm nào cũng vậy. Từ từ ông hôn sau gáy, sau lưng. Tôi nhột lắm, nhưng vẫn thích vì từ trước tới giờ ba má tôi chưa bao giờ hôn tôi như ông Ba. Lần hồi, ông biểu tôi cởi quần áo và hôn khắp người tôi, chỗ nào ông cũng hôn, ngay cả chỗ kín nhất của tôi ông cũng hôn… Đêm nào thức dậy tụng kinh, ông cũng làm như vậy. Ông dặn tôi đừng nói cho ai biết, đừng kể má tôi nghe về chuyện ông hôn tôi. Ông nói, sở dĩ ông hôn tôi vì ông không có con cháu, ông thương tôi lắm; tôi cứ việc ở đây với ông, khỏi sợ ai xua đuổi hay bị xô té như ở nhà dì Hồng. Ông thường cho tôi tiền để ăn quà bánh nên tôi thích và nghe lời ông dặn. Từ hôn, ông chuyển sang liếm, mút. Có lần, ông cắn thật mạnh vào chỗ kín bên dưới làm tôi đau quá thét lên. Tiếng thét của tôi làm bà Ba thức dậy. Từ trong buồng, bà lật đật đi ra. Thấy tôi trần truồng, bà hỏi: “Sao con ngủ mà không chịu mặc áo quần gì hết vậy? Con nít nằm ngủ mà không mặc quần áo, lỡ bị trúng gió bệnh hoạn ai lo?”. Rồi bà hỏi ông Ba: “Còn ông, sao ông thức dậy tụng kinh mà ông không bắt nó mặc đồ vô để ngủ?”. Tôi định nói cho bà Ba biết tại sao tôi không mặc đồ, nhưng ông Ba đã giành nói trước và còn nói oan cho tôi: “Bà coi đó, con nhỏ này lì lợm hết chỗ nói! Tui thức dậy tụng kinh thấy nó nằm ngủ trần truồng, kêu nó dậy mặc đồ vô. Kêu năm lần bảy lượt nó không dậy, giận quá tui đánh nó mấy cái mà nó la lên vậy đó. Ngày mai bà trả nó về cho má nó đi! Lì quá ở làm gì?”. Bị nói oan, tôi cãi lại: “Không phải đâu bà Ba. Ông Ba ổng…”. Tôi chỉ nói được bấy nhiêu, bà Ba đã bảo: “Tao biết rồi, mày khỏi phải nói! Ngày mai, tao trả về cho má mày là xong chuyện, khỏi sợ ai đánh ai đập, được chưa?”. Thế là tôi bị bà Ba trả về cho má và mang thêm tiếng là đứa lì lợm, khó dạy. Trong khi má tôi lo năn nỉ và xin lỗi ông bà Ba để cho tôi tiếp tục được ở lại, tôi chạy qua nhà dì Hồng và kể sự thật về chuyện ông Ba cho dì nghe. Nghe xong, dì kêu má tôi qua và biểu tôi đi chỗ khác chơi, để dì nói chuyện với má tôi.

Sau vụ đó, tôi tá túc nhà dì Hồng thêm vài bữa rồi má lại mang tôi đi gửi chỗ khác. Lần này là nhà dì Nga, cũng là bạn của má, ở gần chợ Nanci. Tôi được dì Nga cho đi học trở lại, học cùng lớp với con Hạnh con của dì. Hạnh thương tôi lắm, có thứ gì cũng chia cho tôi. Ngoài giờ đi học tôi phải ẵm em, lau nhà, rửa chén, giặt đồ, nấu cơm… Ở nhà dì Nga, tôi rất cực nhưng tôi thích bởi tôi hàng ngày được đi học và vì mấy đứa con của dì đứa nào cũng thương tôi. Dì dượng đi làm sở Mỹ từ sáng đến tối mới về. Thức ăn để sẵn trong tủ lạnh, chỉ việc hâm nóng lên là lũ trẻ chúng tôi có cái ăn. Tự nhiên tôi trở thành người lớn để lo mọi việc trong nhà. Tôi làm công việc nhà rất giỏi, mà chỉ dẫn con Hạnh học bài cũng giỏi. Dì Nga khen tôi luôn. Lúc trước, con Hạnh làm biếng học bài ghê lắm, tối ngày chỉ biết chơi banh đũa, nhảy dây. Mỗi tối đi làm về, dì Nga thường mua quà bánh cho các con của dì, tôi cũng có phần. Dì cũng hay xoa đầu, ôm tôi và con Hạnh vào lòng. Mỗi lần như vậy, tôi vô cùng sung sướng. Tôi cứ tưởng tượng dì là má. Ở nhà dì, tôi được học hết lớp nhất.

Nhưng tai họa lại xảy đến với tôi. Ngày tôi và con Hạnh chuẩn bị thi lên lớp đệ thất, là lớp sáu bây giờ, tự nhiên Hạnh đưa bộ đồng phục cũ của nó biểu tôi mặc vô để đi thi cho hên. Nó biết tôi luôn ao ước có bộ áo đầm đồng phục giống như nó để đi học, dù chỉ mặc một lần thôi cũng được. Vậy là tôi mặc áo đầm cũ của Hạnh, còn nó mặc áo đầm mới. Hai đứa đứng trước tủ kiếng ngắm tới ngắm lui. Con Hạnh khen: “Mày mặc đồng phục đẹp lắm! Để tao xin mẹ tao cho mày bộ đồ này luôn nghen!”. Tôi mừng rơn trong bụng khi nghe nó nói. Hai đứa đùa giỡn trước tủ kiếng trong bộ áo học trò. Dượng Nga đi làm về thấy tôi đang mặc đồ của con Hạnh, không hỏi ai đưa cho tôi đã đùng đùng la mắng và nói tôi là đứa ăn cắp. Dượng quát: “Tao nuôi mày để mày ăn cắp đồ đạc trong nhà hả? Tao nuôi mày là để mày trông em, làm công việc trong nhà, chứ không phải để mày ăn cắp, biết chưa?”. Bị mắng oan, tôi tức tối trả lời: “Con không ăn cắp! Con mượn con Hạnh đàng hoàng. Nó cho phép con mới dám mặc chứ. Dượng hỏi đi, có phải nó cho con mượn không?”. Dượng Nga nga giận quá cầm roi quất túi bụi vào người tôi. Dượng vừa đánh vừa chửi đồ mất dạy, đồ trả treo, đồ trôi sông lạc chợ, vậy nên ba má mày không nuôi là phải… Tôi khóc van xin dượng đừng đánh oan tôi. Nhưng lời của tôi không nhằm nhò gì hết! Đánh tôi xong, dượng quay sang chửi con Hạnh: “Mày bằng tuổi nó mà sao ngu quá vậy? Nghe nó dụ dỗ là lấy đồ đưa cho nó liền. Tại sao vậy hả?”. Dượng đánh chúng tôi một trận rồi giận dữ bỏ đi.

Tôi uất ức… Sao tôi lại bị gọi là “đồ ăn cắp”? Tôi không ăn cắp mà dượng nói tôi ăn cắp, đã vậy tôi sẽ ăn cắp cái áo này luôn cho dượng biết tay. Nghĩ là làm, tôi mặc cái áo đầm con Hạnh bỏ trốn ngay ngày hôm đó. Không biết đường tôi vẫn đi, hết con đường này đến con đường khác. Trời sụp tối, chân cũng mỏi nhừ, tôi vẫn cố đi. Cuối cùng quá mệt, tôi nằm đại trước hiên nhà thuốc đối diện nhà hàng Đồng Khánh, ngủ một mạch cho tới sáng.

Ông chủ nhà thuốc mở cửa chuẩn bị bán hàng. Thấy tôi nằm đó, ông đánh thức tôi dậy rồi hỏi gia cảnh tôi. Thấy ông có vẻ hiền, tôi liền kể mọi chuyện xảy ra với cuộc đời tôi cho ông nghe. Nhưng tôi giấu nhẹm việc tôi lấy cái áo của con Hạnh. Nghe tôi kể xong, ông dẫn tôi vô nhà bảo rửa mặt và tay chân rồi lấy cơm cho tôi ăn. Ông nói: “Con ăn xong chú sẽ đưa con qua nhà bạn chú ở tạm. Bên đó có mấy anh, chị lớn, con là nhỏ nhất. Con sẽ sung sướng hơn, không ai ăn hiếp con, con chịu không?”. Không hiểu sao tôi lại chịu nghe theo lời ông.

Bạn ông là chủ tiệm vải rất lớn nằm trên đại lộ Đồng Khánh. Hai người nói chuyện với nhau một hồi, không biết họ nói những gì. Ông chủ tiệm thuốc nói tôi kêu bạn ông là chú Bảy. Tôi được chú Bảy dẫn lên lầu để ra mắt từng người trong nhà. Chú Bảy dặn: “Từ giờ trở đi, con đừng kêu chú thím nữa mà con cứ kêu là ba, má nghen. Còn đây là chị Ni, chị Mi, anh Mách, anh Toma của con”. Tôi khoanh tay thưa từng người. Cả nhà đều khen tôi ngoan. Chị Ni đưa tôi ra chợ mua quần áo mới. Chị còn tắm cho tôi, tôi không chịu vì từ hồi đó tới giờ tôi tự tắm quen rồi. Chị dỗ dành: “Cưng để chị tắm cho mới sạch được”. Trong lúc tắm cho tôi, chị hỏi sao hai bên hông của em có hột gì nhiều quá vậy? Rồi chị la toáng lên: “Ba ơi, con nhỏ này bệnh gì mà hai bên hông của nó nổi hột ghê quá!”. Tôi nghe chị la lên như vậy sợ đến phát khóc. Cả nhà xúm vô coi. Ba nuôi coi xong nói: “Nó có bệnh gì đâu. Chắc là do ẵm em nhiều nên bị chai hông thôi”. Ông chặc lưỡi: “Tội nghiệp con nhỏ! Chắc nó cực khổ lắm… Tụi con phải thương em, dạy dỗ nó, cho nó ăn học. Mình làm phước được phước, tụi con hiểu chứ?”. Các anh chị đều dạ ran. Ba nuôi tôi còn nói, chừng nào ba má ruột của nó đi tìm thì mình sẽ trả lại.

Ở nhà ba má nuôi thật là sướng. Tôi được chăm sóc dạy dỗ đàng hoàng. Ngày ngày chị Ni dạy tôi học. Các anh chị đi đâu chơi cũng đều dẫn tôi theo. Được một tháng, không thấy ai đi tìm tôi nên cả nhà hay bàn về tôi. Tôi nằm trên giường, giả đò nhắm mắt ngủ, tai dỏng nghe câu chuyện của ba mẹ nuôi tôi. Ba nuôi nói: “Mặt mày con nhỏ sáng sủa dễ thương. Con Ni đòi nuôi nó luôn đó!”. Tôi nghe má nuôi nói: “Vậy ông tìm cách hỏi con nhỏ thử coi ba má nó ở đâu? Còn sống hay chết? Nếu nhà nó nghèo quá mình xin nó làm con của mình luôn rồi đặt tên nó lại, ông nghĩ sao?”. Tôi mừng rơn trong bụng. Vậy là tôi hết sợ bị đòn rồi. Cả nhà dồn tình thương cho tôi. Từ lúc có tôi, các anh chị luôn cãi vã nhau chỉ vì dành chở tôi đi chơi vào buổi tối. Nhưng rồi niềm vui chẳng kéo dài bao lâu...

Một hôm, tôi ngồi ăn sáng với chị Ni dưới nhà, thì thật là xui, ba ruột tôi dẫn dì ghẻ đi mua sắm, vô tình lại bước ngay vô tiệm vải mà tôi đang ở… Sau khi người lớn nói chuyện với nhau và ba má nuôi tôi năn nỉ hết lời, tôi buộc phải theo ba về nhà. Tôi đi, chị Ni khóc quá chừng.

Trên đường về, tôi trốn ba tôi lần nữa, bởi tôi sợ cảnh ở với dì ghẻ lắm rồi. Tôi lại tìm về má ruột tôi, nhưng vẫn không ở được nhà má. Má lại đưa tôi xuống gửi nhà dì Năm Long ở khu Dân Sinh. Nhà dì nằm trong con hẻm đối diện rạp hát Kim Đô. Dượng Năm làm cảnh sát ở quận Nhì. Nhà này chứa sòng bài rất lớn. Công việc của tôi là giữ em và đem thức ăn cho mấy người đánh bài. Nói chung là sai vặt, ai sai gì làm nấy. Ở nhà dì Năm, tuy không được đi học nhưng tôi lại có tiền. Mỗi lần đi mua cà phê, thuốc lá và thức ăn cho khách đánh bài, tiền còn thừa họ cho tôi luôn. Khi thắng bài, họ cũng cho tôi tiền. Tôi cố gắng dành dụm. Tôi nghĩ đến việc bỏ trốn khỏi nhà dì Năm vì ở nhà dì cực quá, không đêm nào tôi ngủ được vì phải thức đêm canh lấy tiền xâu, làm những việc họ sai. Có những người khi thắng thì hể hả, cho tôi tiền; nhưng khi thua thì xem tôi là nơi để trút cơn giận: “Con nhỏ có cái mặt ám quẻ. Chơi bài mà có nó ngồi kế bên xui tận mạng…”. Bị nhiều lần và bị nhiều người mắng chửi, tôi không nói không rằng lẳng lặng ôm đồ bỏ đi. Tôi nghĩ mấy đứa bằng tôi, tụi nó đi hoang cũng sống được, tại sao tôi không sống được? Chợ Cầu Muối là nơi dễ sống. Tụi nó sống hà rầm đó, có ai làm gì đâu?...

Rời nhà dì Năm đi xuống ngã tư Đề Thám - Cô Giang, tôi tìm vào lò bánh bò nướng lãnh bánh đi bán. Chủ lò biểu tôi đi mua một cái mâm, cây dao, khăn, giỏ xách, sau đó chỉ cho tôi cách cắt bánh thế nào để bán có lời. Mỗi ngày tôi đội mâm bánh đi quanh khu vực chợ Cầu Muối, đi giáp hết các con đường mà tôi biết để bán cho mau hết. Ban ngày đi bán, ban đêm tôi ngủ ở mái hiên trường học Bồ Đề gần đó. Không có kinh nghiệm sống trên vỉa hè, đường phố, nên chẳng bao lâu tiền vốn lẫn tiền lời mà tôi cực khổ lắm mới có được đã bị mấy đứa lớn hơn “bắn lôi”[1] . Sạch túi, tôi không thể lãnh bánh đi bán được nữa. Lại những ngày đói và khát, nhưng tôi không dám đi “trút sơ-ri” vì ở đâu cũng có băng nhóm xí phần hết rồi. Khát quá, tôi tìm nước uống ở vòi công cộng. Nhưng cái đói không chịu nỗi khiến tôi phải đi ăn cắp.

Mỗi khuya, tôi thức canh giờ mấy bà dưới quê chở hàng lên bỏ mối cho chủ vựa. Trong lúc họ dỡ hàng, tôi ăn cắp hành ngò của họ để sáng đem ra chợ bày bán. Nhưng cũng chỉ được vài lần, tôi bị phát hiện và đánh cho một trận te tua. Vừa đói, vừa tủi, tôi chỉ biết ngồi ôm mặt khóc…

Mang tiếng là “đồ ăn cắp”, tôi bị mấy bà bán hàng đuổi không cho ngủ gần trường học nữa. Tôi đi qua khu vực Phạm Ngũ Lão toàn là quán bar của Mỹ. Ban ngày, tôi la cà quanh các quán bar, vũ trường để kiếm ăn bằng cách đi mua đồ lặt vặt cho mấy chị phục vụ trong bar hay trong vũ trường. Tối đến, tôi ngủ ngay dưới mái hiên gần vũ trường Quốc Tế. Được cái, mấy chị làm gái nhảy ở đây rất thương tôi Tối tối đi làm về ngang chỗ tôi ngủ, mấy chị hay cho tôi quà bánh. Mỗi lần như vậy, tôi đều khoanh tay cảm ơn.

Bữa nọ, tôi bị trúng mưa cộng cơn đói hành hạ nên nằm co ro run rẩy. Một chị đi làm về khuya qua chỗ tôi nằm, thấy vậy đã đưa tôi về căn gác của mấy chị thuê chung. Chúng tôi vừa bước vô nhà, những người bạn ở chung với chị hỏi liền: “Mày na con nhỏ về đây chi vậy?”. Chị nói: “Tao đi ngang thấy nó lạnh tội nghiệp quá nên đem nó về cho đỡ lạnh”. Nói xong, chị dẫn tôi vô phòng tắm. Sau khi tắm rửa xong, tôi bước ra ngoài. Cả nhà cười ầm lên khi nhìn thấy tôi mặc chiếc áo của chị như đang mặc áo đầm – vừa dài, vừa rộng. Có chị còn khen tôi sạch sẽ trông dễ thương và đẹp gái. Người chị tốt bụng đưa tôi về còn đi mua thuốc sốt cho tôi uống, cho tôi nằm ngủ cạnh chị. Sáng hôm sau, mấy chị ở chung nhà hỏi: “Tâm, mày định nuôi con nhỏ này luôn hả?”. À, hóa ra chị cùng tên với tôi. Chị Tâm hỏi lại: “Tao định cho nó ở đây với tụi mình, mấy đứa mày có chịu không?”. Các bạn chị hỏi thêm về tôi. Chị Tâm trấn an họ rằng tôi là đứa ngoan hiền. Chị Tâm nói hoàn cảnh của tôi na ná như chị và bạn bè chị ở đây. Rồi chị kiên quyết: “Tao sẽ nuôi nó như em ruột của tao!”.

 Vậy là tôi được ở với chị Tâm. Tôi không phải giặt quần áo, rửa chén, ẵm em gì hết. Tôi chỉ ở để các chị sai vặt, đi mua đồ giùm các chị. Tiền còn thừa, các chị đều cho tôi hết. Tôi lại bắt đầu để dành. Tôi ngủ cùng chị Tâm, chỉ khi nào bạn trai của chị đến tôi mới xuống ngủ dưới đất một mình. Cuộc sống những tưởng bình yên, nào ngờ ...

Trong lần tôi đang ở nhà một mình thì có bạn trai chị Bình (bạn cùng phòng của chị Tâm) đến. Người này nói chờ chị Bình đi làm về. Hắn mở máy hát thật lớn, sau đó đột ngột đè tôi xuống giường và cởi hết quần áo tôi ra. Tôi giãy giụa, chòi đạp cũng không được. Tôi cố vùng lên thì bị đánh. Hắn bóp miệng tôi tới chảy máu. Đúng lúc đó, chị Tâm và bạn trai của chị đi chơi về. Vừa mở cửa bước vô nhà, thấy miệng mồm tôi đầy máu, mình mẩy trần truồng đầy những vết sưng bầm, chị Tâm nổi sung nhảy tới đánh tên “dê xồm”. Bạn trai của chị cũng nhào vô đánh phụ.

Trong lúc hai bên còn ẩu đả, tôi sợ quá lẻn trốn đi. Lại ra Cầu Muối, tiếp tục sống lang thang. Tiền dành dụm trong thời gian ở với chị Tâm, tôi đem ra làm vốn đi bán dưa hấu. Tôi mua dao, mâm và nhờ chủ vựa xẻ dưa giùm để tôi đội đi bán. Mấy ngày đầu lời được sáu, bảy đồng, tôi mừng lắm. Nhưng bán được bốn ngày, chủ vựa không xẻ dưa giùm tôi nữa. Tôi phải tự làm lấy. Trái dưa quá lớn so với bàn tay nhỏ bé của tôi, nên tôi xẻ miếng lớn miếng nhỏ không đều, bán không lời được bao nhiêu. Dần dần tôi bị thâm vô tiền vốn.

Hết vốn, “cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ”, tôi lại đi “trút sơ-ri” để sống. Ban đêm, tôi nằm ngủ cạnh các giỏ rau cải ở chợ. Cái lạnh về đêm thật khủng khiếp. Lạnh quá, lạnh đến nỗi hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Không mền không chiếu, tôi lấy cái giỏ bội bằng tre úp lên người cho đỡ lạnh. Đó là chiếc mền duy nhất của tôi. Nhiều đêm mưa gió tạt vào người ướt sũng, lạnh run, tủi thân tôi lại khóc. Khóc chán rồi ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, tôi thấy má, thấy ông bà nội… Cả nhà quây quần bên nhau. Chị em tôi ấm áp trong vòng tay của má… Đang sống trong giấc mơ tuyệt vời, bỗng “bốp, bốp” mấy cái bạt tai điếng hồn. Giật mình ngơ ngác nhìn quanh… Thì ra, đây là cái chợ chứ không phải nhà của tôi!

Người đánh thức tôi là chủ của mấy cái giỏ bội. Bà quát mắng tôi: “Đồ con ranh, làm đổ hết mấy giỏ rau của tao, còn ngồi đó nhìn hả mày? Mới bây lớn đã bỏ nhà đi hoang. Con cái nhà ai mà không biết dạy. Tối mai mày mà ngủ ở đây nữa, tao đánh chết đó!”. Lồm cồm ngồi dậy, tôi không thấy sao người lớn ác quá! Người nào cũng ác. Tôi căm thù người lớn. Tôi oán giận ba má tôi…

Cái đói, cái khát làm tôi đi không nổi. Nhưng tôi vẫn phải ráng mà đi. Đi khỏi đống rau cải để khỏi bị đánh, bị chửi. Tôi lê đến chỗ bán hàng ăn sáng và ngồi chờ để “trút sơ ri”. Đang tận hưởng phần thức ăn thừa thì dì Hồng bắt gặp. Dì lại dẫn tôi về cho má. Mẹ con ôm nhau mà khóc. Rồi má hỏi tại sao tôi bỏ nhà dì Năm đi mà không nói cho má biết. Tôi không nói gì, chỉ năn nỉ má cho tôi được ở chung với má. Tôi năn nỉ hoài cũng không được vì chồng của má không chịu cho tôi ở.

Má lại gửi tôi cho một chủ vựa trái cây ở chợ Cầu Ông Lãnh, là nhà bà dì ở gần rạp hát Lạc Hồng. Ở đây, tôi không phải làm việc nặng nhọc. Tôi được cắp sách đến trường như những đứa trẻ khác. Một ngày tôi học hai buổi sáng, chiều. Ngoài giờ học, tôi phụ trông em cho các dì hoặc đem cơm xuống vựa cho các cậu, các dì ăn.

Tôi sợ cái đói, cái lạnh của những đêm trời mưa gió. Tôi nhớ những lần bị đánh, bị chửi tơi bời… Và tôi cố gắng học.

Tôi học rất giỏi, luôn có bằng khen. Mỗi lần tôi lãnh bằng khen, các cậu ôm tôi hôn. Tôi lập tức xô ra liền vì nỗi ám ảnh lúc trước. Tôi khiếp hãi, tôi sợ đủ thứ… Các cậu không hiểu được cảm giác của tôi khi có người đàn ông ôm hôn, nên la rầy: “Con nhỏ này chưa gì đã phản rồi. Ai đời con cháu mình nuôi nó, thương nó, hôn nó, nó lại xô ra làm như sắp giết nó đến nơi. Ai nuôi con nhỏ này cũng uổng cơm thôi!”. Bị chửi oan, tôi không nói không rằng, chỉ tìm nơi vắng ngồi khóc một mình. Càng tủi thân tôi càng cố gắng học. Thấm thoắt mà tôi đã bước sang lớp đệ ngũ, là lớp tám bây giờ. Bà dì hay nhìn tôi rồi nói với các dì khác: “Con nhỏ bắt đầu trổ giò rồi. Cũng may là má nó đem về đây chứ bắt con nhỏ ở đợ không công hoài làm sao học hành cho được. Tội nghiệp, có cha có mẹ cũng như không!”. Rồi bà dặn các dì các cậu đừng làm gì để tôi tủi thân, vì những đứa như tôi thường tinh ý lắm. Nhưng rồi, tình thương ấy cũng chẳng ở với tôi lâu. Năm tôi mười bốn tuổi cũng là lúc tôi chuẩn bị rời nhà bà dì của tôi.

Ba tôi tìm đến nhà bà dì và xin cho tôi về ở với ba. Ông bà dì sợ tôi bị dì ghẻ đánh đập nên không muốn ba đưa tôi đi. Ba phải hứa là lo cho tôi ăn học đàng hoàng, không để tôi phải đi lang thang đầu đường xó chợ. Vậy là tôi lại về ở với ba.

Những ngày tháng sống lang thang, cái đói, cái khát, bị đánh đập, ức hiếp đủ điều đã dạy tôi khôn ra, nhưng vì ba đã hứa chắc với bà dì nên tôi tin lần này về ở với ba sẽ có được những ngày sung sướng. Ai dè...

Dì ghẻ tôi giàu có nên bài bạc, rượu chè mỗi ngày. Các em cùng cha khác mẹ thì có người làm ẵm bồng chăm sóc, trong khi tôi phải lang thang, rày đây mai đó. Hai đứa em tôi ở Bình Tuy với dì ghẻ khác, giờ không biết sống chết ra sao? Cũng là con, sao ba không ngó ngàng gì đến chị em tôi hết. Tôi càng uất ức hơn khi các em cùng cha khác mẹ với tôi đi học có xe hơi đưa đón, ăn uống có kẻ hầu người hạ. Tại sao tụi nó được chăm sóc cẩn thận từng li từng tí, sống sung sướng đầy đủ, còn chị em tôi mỗi đứa một nơi, đói khát, cực khổ như vầy? Tại sao chúng được ba tôi vuốt ve yêu thương, còn chị em tôi lại không? Cớ sao tôi phải đi ở đợ hết nhà này đến nhà kia, rồi bị dụ dỗ, sàm sỡ, suýt nữa là bị hãm hiếp... Càng nghĩ tôi càng oán hận ba. Ý nghĩ phải lấy cắp tiền của ba để bù đắp những năm tháng đói lạnh lớn dần trong tôi.  

Và... 


[1]Tiếng lóng của giới sống lang thang thời đó, có nghĩa là móc túi.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/73893


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận