Jên Erơ Chương 23


Chương 23
Một mùa hè huy hoàng chói chang trên đất nước Anh-cát-lợi.

 Rất ít khi đất nước bốn bề sóng vỗ của chúng ta được hưởng cảnh bầu trời quang đãng, ánh nắng tưng bừng như thế, dù chỉ trong một ngày. Y như thế từ phương Nam, một chuỗi ngày của nước Ý đã tràn tới, như một bầy chim lữ hành hạ cánh nghỉ ngơi trên những mỏm núi Anbitơn. Cỏ khô ngoài đồng đã được cắt về quanh Thornơfin, cánh đồng xanh rờn trơ gốc rạ, những con đường trắng xóa khô cứng, cây cối thẫm màu tươi, các hàng rào và những cành lá um tùm xanh thẫm tương phải với màu nắng sáng của những cánh đồng quang đãng nằm lọt ở giữa.

Buổi tối hôm trước ngày lễ Thánh Jăng, mệt mỏi vì suốt nửa ngày trời nghịch hái những quả dâu dại trên đường Hây khi mặt trời xế bóng, Ađen đã lên giường ngủ. Tôi đợi cho nó ngủ rồi mới bước ra vườn.

Lúc này là giây phút đẹp đẽ nhất trong cả ngày. Ánh nắng chói chang đã tắt, sương lạnh chiều hôm buông xuống cánh đồng còn nóng hổi và đỉnh đồi nắng sém. Chỗ mặt trời vừa lặn xuống một cách bình dị - không gợn một áng mây - tỏa ra một vùng đỏ ối hùng vĩ, sáng chói màu ngọc đỏ thắm và màu lửa rực cháy, tập trung ở một điểm trên đỉnh đồi và tỏa rộng ra đến nửa vòm trời, màu sắc nhạt dần, nhạt dần. Phương đông có một vẻ đẹp riêng của nó, nền trời xanh thẳm, nổi lên một viên ngọc bình dị, một ngôi sao cô đơn mới mọc, lát nữa, nó sẽ khoe sáng với Hằng Nga, song nàng vẫn còn lẩn dưới chân trời.

Tôi đi thủng thỉnh một lát trên đường đá tảng, nhưng bỗng từ một cửa sổ nào đó thoảng ra một mùi khói thuốc lá nhẹ nhàng, quen thuộc. Tôi nhác thấy cửa sổ phòng đọc sách hé mở. Biết rằng từ chỗ ấy, người ta có thể quan sát được tôi, nên tôi rảo bước vào vườn cây. Không có chỗ nào kín đáo và có vẻ "bồng lai" hơn chỗ này, cây cối um tùm, hoa nở khắp nơi. Một bên có một bức tường thật cao ngăn cách với sân, còn bên kia một con đường trồng toàn cây dẻ, che khuất bãi cỏ. Đằng cuối vườn là một hàng rào đổ, chỗ này chỉ bị ngăn cách với cánh đồng cô quạnh bên ngoài bằng một con đường ngoằn ngoèo dẫn đến hàng rào, hai bên trồng toàn cây nguyệt quế, đầu đường có một cây dẻ gai khổng lồ và một dãy ghế dài ôm vòng lấy gốc cây. Chỗ này người ta có thể đi tha thẩn mà không sợ bị ai nhìn thấy. Trong cảnh tịch mịch ấy, sương êm đềm rơi, bóng chiều buông xuống, tôi cảm thấy như mình có thể ở mãi chốn này được, nhưng trong khi lần bước theo những bồn cây đầy hoa quả ấy, bị ánh trăng mới mọc tỏa xuống mảnh vườn thưa quyến rũ, bỗng tôi dừng bước, chẳng phải vì nghe thấy hoặc trông thấy gì, mà chính vì có một mùi thơm lại thoảng đến.

Hoa lan, hoa tường vi, hoa nhài, hoa cẩm chướng và những đóa hoa hồng đã từ lâu chịu nhường không thoảng hương chiều; mùi thơm kia chẳng phải là mùi cỏ, mùi hoa. Đó là - tôi biết rõ lắm - đó là mùi khói thuốc lá của ông Rôchextơ. Tôi nhìn quanh và lắng nghe. Tôi trông thấy những cây trĩu nặng quả chín; tôi nghe thấy một tiếng chân bước tới, nhưng cái mùi thơm kia cứ tăng mãi lên, tôi phải lánh đi mới được. Tôi tiến lại gần cái cửa ngách dẫn tới lùm cây, thì thấy ông Rôchextơ bước vào. Tôi rẽ sang cái hốc tường phủ cây trường xuân. Chắc ông ấy chẳng đứng ở đây lâu, rồi sẽ quay về chỗ cũ ngay thôi, và nếu tôi ngồi im, thì ông sẽ không sao nhìn thấy tôi được.

Nhưng không - đối với ông, cảnh chiều tà cũng thú vị và khu vườn cổ kính này cũng hấp dẫn như đối với tôi; ông lững thững bước đi, lúc thì nâng những cành phúc bồn tử để ngắm những quả nặng trĩu, to như quả mận, lúc thì hái một trái anh đào chín mọng bên đường, lúc lại cúi xuống gần một cụm hoa để ngửi hương thơm, hoặc ngắm một hạt sương chiều còn đọng trên cánh hoa. Một con bướm đêm to bay gần tôi, đập cánh phần phật, rồi nhẹ nhàng đậu trên một nhánh cây ngay dưới chân ông Rôchextơ. Ông trông thấy con bướm, bèn cúi xuống ngắm nó.

Tôi nghĩ bụng: "Lúc này ông đang quay lưng về phía mình, lại cũng đang mải nhìn con bướm, có lẽ mình bước thật nhẹ mà lùi đi thì ông chẳng biết đâu".

Tôi đi trên bờ cỏ để khỏi có tiếng kêu lạo xạo, ông đang đứng cách chỗ tôi phải đi qua chừng một hoặc hai ba thước; con bướm có vẻ làm cho ông chú ý lắm. Tôi thầm nghĩ "Mình sẽ đi qua rất dễ dàng". Trăng mới mọc chưa cao, bóng ông ngả dài trên mặt đất, lúc tôi bước qua bóng ông, ông thản nhiên nói không quay đầu lại.

- Cô Jên, lại đây mà xem con bướm này.

Tôi đi không một tiếng động, ông không có mắt ở sau lưng, dễ thường bóng ông biết cảm giác chăng? Thoạt tiên tôi giật mình, rồi tôi bước lại gần ông.

- Cô nhìn đôi cánh nó mà xem, nó làm tôi nhớ lại những con bướm ở quần đảo Ăngti. Ở nước Anh ít khi người ta thấy một con bướm đêm to và sặc sỡ như thế này. Kìa! Nó bay rồi.

Con bướm vật vờ bay đi. Tôi cũng định kín đáo rút lui, nhưng ông Rôchextơ bước theo tôi, và khi chúng tôi đi tới cái cửa ngách, ông bảo:

- Quay lại thôi, tối nay đẹp trời thế này mà ngồi ru rú trong nhà thì thực đáng hổ thẹn; chắc chẳng ai nỡ đi ngủ vào lúc mặt trời lặn, bắt gặp mặt trăng lên như thế này.

Tôi có một cái tệ là mặc dù nhiều khi có thể ứng đối quá nhanh, nhưng lại có lúc muốn tìm một lời cáo từ mà lưỡi cứ cứng lại, không nói được, mà trường hợp này thường xảy ra vào những lúc chỉ cần một câu nói đơn giản hoặc một cớ xuôi tai để gỡ cho thoát khỏi một thế bí. Tôi không muốn đi một mình với ông Rôchextơ vào giờ này trong vườn cây tối tăm, nhưng tôi không viện ra được một cớ gì để từ biệt ông. Tôi chậm chạp bước theo ông, tâm trí bận tìm cách thoát, nhưng chính ông thì vẫn rất điềm đạm và cũng rất nghiêm nghị khiến tôi đâm xấu hổ vì cảm thấy mình bối rối. Cái hại - nếu có điều gì là hại ngay cho lúc ấy hoặc có thể sẽ xảy ra - hình như chỉ nằm trong ý nghĩ của tôi thôi, còn tâm trí ông vẫn thanh thản, không biết tới.

- Cô Jên! - Ông lại bắt đầu nói, lúc chúng tôi bước vào con đường trồng nguyệt quế và thủng thỉnh đi về phía hàng rào đổ và cây dẻ gai, - về mùa hè, Thornơfin là một nơi thú vị, có phải không, cô?

- Vâng, thưa ông.

Hẳn là cô đã gắn bó với một mức độ nào đó với cái nhà này, vì cô là người có mắt biết thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, và có nhiều cảnh quyến luyến, phải không?

- Vâng, quả là tôi có gắn bó với Thornơfin.

- Và mặc dù tôi không hiểu ra sao, nhưng tôi cũng thấy hình như cô có phần yêu cái con bé Ađen ngớ ngẩn, và cái bà Fefăc chất phác kia nữa?

- Vâng, thưa ông, tôi mến cả hai, nhưng mỗi người tôi mến một cách khác.

- Và cô sẽ buồn khi phải xa họ chứ?

- Vâng.

- Đáng tiếc! - Ông nói, rồi thở dài và yên lặng. - Việc đời thường vẫn thế, - ông lại tiếp ngay. - Vừa nghỉ ngơi ở một nơi dễ chịu chưa ấm chỗ thì đã có tiếng gọi ta phải đứng dậy lên đường vì giờ nghỉ hết rồi.

Tôi hỏi:

- Tôi phải đi ư, thưa ông? Tôi phải rời bỏ Thornơfin sao?

- Tôi cho là cô phải đi, cô Jên ạ. Tôi rất tiếc, Jên, nhưng tôi cho là chắc chắn cô phải đi.

Thật là một tin "sét đánh ngang tai", nhưng tôi không chịu ngã quỵ:

- Được thưa ông, tôi sẽ sẵn sàng khi nào có lệnh lên đường.

- Có lệnh bây giờ đấy. Tôi phải báo cho cô ngay tối nay.

- Vậy ông sắp thành hôn phải không, thưa ông?

Đ...ú...ng! th...ế! Chí...i...nh the...ế! Cô vẫn có khiếu nhận xét tinh nên đoán đúng ngay.

- Sắp cưới, thưa ông?

- Cũng sắp, cô em... nghĩa là, cô Erơ ạ, và cô hãy nhớ lại Jên, rằng lần đầu tiên khi chính tôi, hoặc dư luận cho cô biết là tôi có ý định tròng một cái nút thiêng liêng vào cổ trai già chưa vợ của mình, để bẳt đầu sống cảnh chồng vợ thần tiên... tóm lại, để ôm cô Ingram vào lòng (cô ấy thì ôm cả một vòng tay mới xuể - nhưng đấy lại là chuyện khác - một báu vật như cô Ingram diễm lệ của tôi, thì bao nhiêu nữa cũng không là chán); vậy thì, như tôi đã nói... kia, cô nghe tôi chứ, cô Jên! Cô đừng quay đầu đi nhìn theo những con bướm khác nữa chứ? Đấy chỉ là một con thiêu thân, cô em ạ, "đang rời xa tổ ấm". Tôi muốn nhắc cô nhớ rằng chính cô là người đầu tiên đã bảo tôi - với thái độ kín đáo mà tôi kính trọng ở cô, với tính biết lo xa, thận trọng và khiêm nhường, rất thích hợp với địa vị của cô, một người có trách nhiệm và phụ thuộc - rằng trong trường họp tôi kết hôn với cô Ingram thì cả cô lẫn Ađen đều đi khỏi nơi này là hơn. Tôi bỏ qua cái ngụ ý phê phán tính tình người yêu của tôi bao hàm lời gợi ý ấy; thực vậy, khi nào cô đi xa rồi, Jên ạ, tôi sẽ cố quên điều đó, tôi sẽ chi lưu ý đến sự sáng suốt của câu nói khiến tôi đã lấy nó làm phương châm hành động. Ađen phải đến trường nội trú, còn cô, cô Erơ ạ, cô phải tìm chỗ làm mới.

- Vâng thưa ông, tôi sẽ đăng báo tìm việc ngay lập tức và trong khi chờ đợi, tôi nghĩ - tôi định nói: "tôi nghĩ vẫn có thể ở lại đến khi tìm được nơi trú ngụ khác" - nhưng tôi ngừng lại ngay, cảm thấy rằng mình không nên nói dài làm gi, và giọng nói của tôi lúc đó không còn hoàn toàn bình tĩnh:

- Tôi hy vọng chừng một tháng nữa tôi sẽ là chú rể, - ông Rôchextơ nói tiếp, - và trong thời gian này, chính tôi sẽ tìm việc làm và chỗ ở giúp cô.

- Cảm ơn ông, tôi rất tiếc là đã làm...

- Ồ, không cần gì phải cảm ơn làm gì! Tôi cho rằng khi một người làm công đã làm đầy đủ bổn phận như cô, thì người ấy có quyền đòi hỏi ở người chủ bất cứ một sự giúp đỡ nhỏ nào trong phạm vi khả năng của ông ta. Tôi đã nghe bà nhạc tương lai của tôi nói chuyện có một chỗ làm mà tôi nghĩ rất hợp với cô, đó là việc dạy năm cô gái bà Điônyxiux Ôgôn trong biệt thự Bitơnơt ở Cônat, xứ Airơlan, nghe nói ở đấy nhân hậu lắm.

- Xa quá thưa ông.

- Cần gì, một thiếu nữ khôn ngoan như cô thì có ngại gì phải đi xa.

- Tôi không ngại đi, mà chỉ ngại xa xôi và biển cả ngăn cách...

- Ngăn cách cái gì, cô Jên?

- Với nước Anh, với Thornơfin, và...

- Và gì?

- Và ông.

Tôi buột miệng nói câu này, và tôi cũng không chủ động kìm được nước mắt cứ trào ra; tuy nhiên tôi tránh không nức nở lên thành, tiếng để đến nỗi bị nghe thấy. Nghĩ đến bà Ôgôn và biệt thự Bitơnơt, tôi thấy lòng lạnh giá, càng thấy lạnh hơn nghĩ tới những đợt sóng cồn hình như trời sinh ra để xô vào giữa tôi và ông chủ hiện đang đi bên cạnh tôi, nhưng điều làm cho lòng tôi càng tê tái là dải đại dương còn mênh mông hơn - tiền tài, đẳng cấp, tục lệ - xen vào giữa tôi và người mà tự nhiên tôi phải yêu, không sao tránh được.

Tôi lại nói:

- Xa xôi quá.

- Xa thật, hẳn thế, và khi cô đến biệt thự Bitơnơt ở Cônat, Airơlan, thì tôi sẽ không bao giờ gặp cô nữa cô Jên ạ, có phần chắc là như vậy. Tôi chưa bao giờ đến Airơlan, tôi chẳng thích thú gì cái xứ sở ấy lắm. Chúng ta đã là những người bạn tốt đối với nhau, có phải như thế không, cô Jên?

- Vâng, thưa ông.

- Thế thì khi những người bạn sắp phải chia ly, họ càng muốn gần gũi nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại. Cô hãy lại đây, chúng ta sẽ bình tĩnh nói chuyện về cuộc hành trình và phút chia tay khoảng độ nửa giờ thôi, trong khi mà những vì sao lấp lánh mọc lên trên bầu trời xa kia. Đây là cây dẻ gai; đây là cái ghế dài kê dưới gốc cây già. Lại đây, ta sẽ cùng nhau thư thái ngồi trên ghế đêm nay, dù sau này ta sẽ không bao giờ còn được ngồi đó với nhau nữa. Ông kéo tôi cùng ngồi xuống.

- Airơlan kể cũng xa xôi thật, Jên ạ, tôi rất buồn phải dúi cô bạn bé bỏng của tôi vào những cuộc hành trình vất vả như thế, nhưng nếu không còn cách gì hơn thì biết làm thế nào? Jên, cô có nghĩ rằng cô có phần nào thân thiết đối với tôi không?

Lúc này tôi không dám trả lời gì, tim tôi đang tràn đầy cảm xúc.

- Bởi vì, - ông nói, - đôi khi tôi có một cảm tưởng kỳ lạ đối với cô, nhất là những lúc cô ở bên tôi như bây giờ. Hình như trong trái tim tôi có một sợi dây không sao gỡ được, ràng buộc với một sợi dây tương tự ở trái tim trong thân hình nhỏ nhắn của cô. Và nếu dải eo biển gầm sóng kia, với gần hai trăm dặm đường trên đất liền nữa, ngăn cách chúng ta, thì tôi e sợi dây cảm thông ấy sẽ đứt, và tôi có linh cảm rằng lúc đó tôi sẽ bị ứa máu trong tim. Còn cô..ẵ. chắc cô sẽ quên tôi.

- Điều đó thì không bao giờ, thưa ông, ông biết...

Tôi không sao nói tiếp được.

- Jên, cô có nghe thấy tiếng họa mi hót trong rừng không đấy? Cô hãy lắng tai?

Vừa lắng nghe, tôi vừa khóc nức lên vì tôi không nén nổi xúc động lâu hơn nữa, tôi đành đầu hàng trước nỗi đau đớn gay gắt, khiến toàn thân tôi rung chuyển. Lúc tôi nói được nên lời, ấy là chỉ để biểu lộ cái ước vọng mãnh liệt là thà tôi đừng sinh ra đời làm gì hoặc đừng biết đến Thornơfin cho xong.

- Có phải vì xa Thornơfin, mà cô buồn không?

Nỗi đau đớn và tình yêu kích thích ở trong tôi một xúc động mãnh liệt, muốn choán cả tâm hồn tôi, giành lấy quyền hành, đòi chiếm ưu thế, để thắng, để sống, để vươn lên, và cuối cùng để thống trị và đúng thế... và để lên tiếng.

- Tôi buồn vì phải xa Thornơfin, tôi yêu mến Thornơfin, tôi yêu nó, vì tôi đã sống ở đây một cuộc sống đầy đủ và sung sướng - ít ra cũng có những lúc như vậy. Tôi đã không bị chà đạp, không bị rẻ rúng. Tôi đã không bị chôn vùi cùng những tâm hồn thấp kém, bị loại trừ ra ngoài mọi ánh sáng cảm thông với những cái gì sáng lạn cương nghị và cao thượng. Tôi đã được trò chuyện đối mặt với người mà tôi sùng kính, người làm cho tôi vui thích, một tâm hồn độc đáo, hùng mạnh, và phóng khoáng. Tôi đã được biết ông, ông Rôchextơ, và ý nghĩ dứt ra đi mãi mãi xa ông, khiến tôi hãi hùng khiếp sợ. Tôi thấy rõ việc tôi đi là cần thiết, khác nào tôi trông thấy cái chết không tránh được.

Ông chợt hỏi tôi:

- Cô thấy sự cần thiết đó ở đâu thế?

- Ở đâu ư? Chính ông đã đặt nó trước mắt tôi.

- Dưới hình thức nào?

- Dưới hình thức cô Ingram, một người đàn bà quý phái và đẹp, vị hôn thê của ông.

- Vị hôn thê của tôi! Vị hôn thê nào? Tôi có vị hôn thê nào đâu!

- Nhưng rồi ông sẽ có.

- Phải, tôi sẽ có! Tôi sẽ có! - ông nghiến răng lại.

- Vậy tôi phải ra đi, chính ông bảo thế.

- Không, cô phải ở lại! Tôi xin thề như vậy và sẽ giữ lời thề.

- Xin thưa với ông rằng tôi phải đi! - Tôi đáp, bị kích thích bởi một cái gì sôi nổi bồng bột. - Ông cho rằng tôi có thể cứ ở lại đây làm một người vô nghĩa đối với ông sao? Ông nghĩ tôi là một kẻ đần độn - một cái máy không tình cảm, có thể cam chịu cho người ta giằng mất miếng bánh ở miệng mình, để cho người ta hắt giọt nước thần tiên trong chén của mình đi chăng? Ông nghĩ vì tôi nghèo khổ, tối tăm, xấu xí, nhỏ bé, mà tôi không có tâm hồn, có tình cảm như ông! Và nếu trời phú cho tôi có đôi chút nhan sắc, lại có tiền của nữa, thì hẳn tôi có thể làm cho ông khó mà xa tôi được, cũng như hiện giờ tôi thấy khó xa ông. Hiện tôi nói chuyện với ông đây không phải là theo tập tục, theo quy ước, mà cũng không phải là qua con người bằng xương bằng thịt; đây chính là linh hồn tôi nói chuyện với linh hồn ông, như thể ông và tôi đều đã qua những nấm mồ và cùng đứng bình đẳng với nhau dưới chân Thượng đế... như hiện chúng ta đang bình đẳng!

- Như chúng ta đang bình đẳng! - ông Rôchextơ nhắc lại. - Đúng thế đấy, - ông nói thêm và vòng hai tay ôm lấy tôi, ghì tôi vào ngực, hôn lên môi tôi. - Đúng thế đấy, Jên ạ!

- Vâng, đúng thế, thưa ông, - tôi tiếp theo. - Nhưng cũng không phải thế đâu... vì ông là người đã có vợ, hoặc cũng gần như một người đã có vợ, mà lại lấy một người thấp kém hơn ông, một người mà ông không có thiện cảm, mà tôi tin rằng ông không yêu thực sự, vì tôi đã trông và nghe thấy ông giễu cợt người ấy. Tôi thì tôi sẽ coi khinh một cuộc hôn nhân như thế, vì vậy tôi là người tốt hơn ông. Ông hãy để tôi đi.

- Đi đâu, Jên? Đi Airơlan ư?

- Vâng, đi Airơlan. Tôi đã nói ra những điều tôi nghĩ và bây giờ tôi có thể đi bất cứ nơi nào.

- Jên, hãy bình tĩnh, đừng vùng vẫy như thế, như một con chim rừng cuồng loạn bứt tuột cả lông của chính mình trong cơn thất vọng.

- Tôi chẳng phải là chim, và chẳng có lưới nào ràng buộc được tôi cả, tôi là một con người tự do, với một ý chí tự chủ, tôi nghe theo ý chí của tôi mà từ giã ông.

Một lần nữa tôi lại cố gắng vùng ra khỏi cánh tay ông Rôchextơ, và đứng thẳng trước mặt ông.

Ông nói:

- Ý chí của cô sẽ định đoạt số phận cô, tôi xin dâng cô cuộc đời tôi, trái tim tôi và nửa phần gia sản của tôi.

- Ông đóng kịch chỉ làm tôi buồn cười.

- Tôi cầu xin cô sống bên tôi suốt đời, làm cái hình bóng của tôi và làm một người bạn đường thân yêu nhất của tôi trên thế gian này.

- Người ấy, ông đã chọn rồi, ông không được thay đổi nữa.

- Jên, cô hãy bình tĩnh một lát đã, cô quá bồng bột đấy. Tôi cũng sẽ bình  tĩnh lại đây.

Một làn gió nhẹ lướt trên con đường trồng những cây trúc đào, làm rung động những cành cây dẻ, rồi lang thang bay đi xa mãi... tới một nơi vô định rồi tắt hẳn. Lúc ấy chỉ có tiếng chim họa mi vọng tới; lắng nghe chim hót tôi lại khóc, ông Rôchextơ ngồi yên lặng, nhìn tôi với một vẻ dịu dàng nghiêm chỉnh. Một lúc sau ông mới nói:

- Ngồi sát lại gần tôi, cô Jên, chúng ta hãy cùng nhau bày tỏ và hiểu nhau.

- Tôi sẽ không bao giờ lại bên ông nữa, bây giờ tôi đã thoát ra được, tôi không thể nào trở lại được nữa.

- Nhưng cô Jên, tôi yêu cầu cô như yêu cầu người vợ, chỉ có cô là tôi định tâm cưới làm vợ thôi.

Tôi im lặng, tôi cho rằng ông giễu cợt tôi.

- Lại đây, Jên... lại gần đây.

- Giữa tôi và ông, còn có người vợ chưa cưới của ông.

Ông đứng dậy, bước một bước đến bên tôi.

- Vợ chưa cưới của tôi ở đây - ông nói và lại kéo tôi vào lòng - vì đây là con người xứng hợp với tôi, là hình bóng của tôi, Jên, cô vui lòng lấy tôi không?

Tôi vẫn không trả lời, vẫn cố rút ra khỏi cánh tay ông, vì tôi vẫn không tin lời ông.

- Cô nghi ngờ tôi phải không, Jên?

- Nghi lắm chứ.

- Cô không có lòng tin đối với tôi sao?

- Không một chút nào hết.

- Tôi là một kẻ dối trá trước mắt cô sao? - Ông sôi nổi hỏi. - Cô bé đa nghi ơi, rồi cô sẽ phải tin. Tôi có tình yêu đối với cô Ingram không? Không, điều đó cô biết đấy. Cô ấy có tình yêu đối với tôi không? Không! Tôi đã mất công xác minh điều này. Tôi tung tin cho lọt đến tai cô ra rằng tài sản của tôi thật ra không bằng một phần ba số thiên hạ tưởng, và sau đó tôi đích thân đến xem kết quả ra sao thì cả hai mẹ con cô ta tỏ ra lạnh nhạt hẳn. Tôi không muốn... tôi không thể nào lấy cô Ingram được. Còn cô, một con người lạ lùng... một con người siêu phàm! Thì tôi yêu như máu thịt của tôi. Cô, người thiếu nữ nghèo và tối tăm, bé bỏng và nhan sắc tầm thường như thế, hầu như tôi cầu khẩn cô hãy nhận lời lấy tôi làm chồng.

- Thế nào, tôi ư! - Tôi thốt lên trước sự nhiệt tình - và đặc biệt trước vẻ sỗ sàng của ông - tôi bắt đầu tin là ông chân thực. - Tôi, một kẻ không có lấy một người thân trên đời, trừ ông ta - nếu ông quả là bạn thân của tôi - và trong túi không có lấy một silinh ngoài tiền ông cho tôi.

- Chính cô, Jên ạ, cô phải là của riêng tôi... hoàn toàn là của tôi. Cô có muốn thuộc về tôi không? Hãy nói bằng lòng đi, nói ngay đi.

- Ông Rôchextơ, ông hãy quay ra phía ánh trăng để tôi nhìn mặt ông đã.

- Tại sao vậy?

- Vì tôi muốn đọc rõ nét mặt của ông, quay ra đi!

- Đây, cô sẽ thấy khó đọc không kém một trang giấy đã bị vò nhàu nát. Cô đọc đi, nhưng mau lên, vì tôi đau khổ lắm.

Mặt ông xúc động và đỏ bừng lên với những đường nét bị co giật mạnh, và đôi mắt lóe lên những tia sáng kỳ lạ!

- Ồ, Jên, cô hành hạ tôi! - ông kêu lên! - Với cái nhìn soi mói nhưng thủy chung và độ lượng của cô, cô đã hành hạ tôi đấy!

- Tôi hành hạ ông sao được? Nếu ông thành thực, nếu lời đề nghị của ông chân tình, thì tình cảm duy nhất của tôi đối với ông phải là lòng biết ơn và tận tụy... Những tình cảm ấy hành hạ ông sao được?

- Biết ơn! - Ông thốt lên và sôi nổi nói tiếp. - Jên, hãy nhận lời tôi mau đi. Hãy bảo: Êđua - hãy gọi thẳng tên tôi(1) - Êđua - em bằng lòng lấy anh.

- Ông nói đứng đắn đấy chứ? Ông có thực lòng yêu tôi không? Ông có thành thực mong muốn lấy tôi làm vợ không?

- Tôi rất thành thực, và nếu phải thề cho em vừa lòng, tôi xin thề.

- Vậy thì, thưa ông, em sẽ làm vợ ông.

- Gọi là Êđua - Người vợ bé bỏng của tôi!

- Êđua thân yêu!

- Sát lại gần đây, hoàn toàn gần gũi tôi - và bằng một giọng rất trầm ông ghé sát vào tai tôi nói tiếp, kề má bên má tô 14df i. - Em hãy gây hạnh phúc cho tôi, tôi cũng sẽ gây hạnh phúc cho em.

Rồi ông lại tiếp - Cầu Thượng đế xá tội cho tôi và mong rằng con người đừng can thiệp vào đây. Tôi đã được nàng, tôi sẽ giữ lấy nàng.

- Sẽ chẳng có ai can thiệp vào đâu, thưa ông, em chẳng còn ai họ hàng để xen vào việc đôi ta.

- Không có ai, thế thì tốt nhất rồi. - ông nói.

Và nếu lúc ấy tôi không yêu ông lắm thì tôi đã có thể nghĩ rằng trong giọng nói và cái nhìn hứng khởi của ông có một vẻ gì man rợ, nhưng ngồi bên ông, bừng tỉnh khỏi con ác mộng chia ly - được gọi lên thiên đường của cuộc kết hôn - tôi chỉ nghĩ đến niềm hạnh phúc được uống trong một dòng suối chan hòa như vậy. Ông cứ hỏi đi hỏi lại: "Em có sung sướng không, Jên?". Và tôi cũng nhắc đi nhắc lại đáp "Có". Sau đấy, ông lẩm bẩm: "Sự này sẽ chuộc lỗi trước, sẽ chuộc lỗi trước, ta đã chẳng thấy nàng cô đơn, lạnh lẽo, và không người an ủi sao? Ta chẳng sẽ bảo vệ, nâng niu và an ủi nàng sao? Trong lòng ta chẳng phải có tình yêu, và trong quyết định của ta chẳng phải có sự thủy chung hay sao? Cái đó sẽ chuộc tội cho ta trước tòa án của Thượng đế. Ta biết Hóa công tán thành việc làm của ta. Còn đối với sự phê phán của trần thế... Ta coi thường. Đối với dư luận của người đời... Ta thách đấy!".

Nhưng có sự gì ở trên đời vậy? Trăng chưa lặn, mà hai chúng tôi đã bị bóng tối bao phủ. Ngồi sát liền bên mà tôi cũng không nhìn rõ mặt ông chủ tôi. Cái gì đã làm cho cây dẻ đau đớn nhỉ? Nó quằn quại rên rỉ, trong khi gió rít trên con đường nguyệt quế và thổi thốc vào hai chúng tôi.

- Chúng ta phải vào nhà thôi, - ông nói, - tiết trời đã thay đổi. Tôi có thể ngồi bên em suốt cho đến sáng, Jên ạ.

Tôi nghĩ thầm: "Em cũng có thể ngồi bên ông như vậy, có lẽ tôi sắp nói ra lời như thế, thì bỗng một tia chớp sáng lóe bỗng xé đám mây tôi đang nhìn, và một tiếng sét nổ vang, tiếp theo một hồi sấm ầm ầm ngay trên đầu, tôi chỉ còn kịp nghĩ đến giấu cặp mắt bị chói lòa vào vai ông Rôchextơ.

Mưa đổ xuống như trút, ông kéo tôi chạy vội theo con đường qua vườn vào nhà, nhưng đến ngưỡng cửa thì chúng tôi đã ướt sũng cả rồi. Vào tới phòng lớn, ông cởi khăn san cho tôi và đang giũ mớ tóc tơi bời của tôi cho hết nước, thì bà Fefăc bước ra khỏi buồng bà. Mới đầu tôi không trông thấy bà, cả ông Rôchextơ cũng vậy. Đèn vẫn còn thắp, đồng hồ điểm mười hai tiếng. Ông Rôchextơ giục:

- Em thay áo ướt ngay đi, và trước khi em đi, chúc em ngủ ngon, ngủ ngon, em yêu dấu?

Ông hôn tôi liên tiếp mấy cái liền, rời khỏi cánh tay ông, tôi vừa nhìn lên thì thấy ngay bà quả phụ đứng sững sờ ra đấy, nét mặt tái đi, nghiêm nghị. Tôi chỉ mỉm cười với bà và chạy luôn lên gác, nghĩ bụng: "Để lúc khác sẽ giải thích cho bà ấy nghe". Tuy nhiên, khi lên đến buồng, nghĩ đến chuyện bà ta có thể nhất thời hiểu lầm về cảnh tượng vừa chứng kiến, tôi cũng cảm thấy bứt rứt. Nhưng rồi niềm vui lại xóa ngay mọi tình cảm khác. Ngoài trời, tuy gió thổi mạnh là thế, tuy sấm động ầm ầm ngay trên đầu, tuy chớp giật sáng lòe liên tiếp, mưa tuôn suốt hai tiếng đồng hồ như thác là thế, mà tôi không hề cảm thấy sợ hãi chút nào. Trong khoảng thời gian ấy, ba lần ông Rôchextơ đến cửa buồng tôi hỏi xem có thấy yên ổn và bình thường không, thái độ đó là niềm an ủi, là sức mạnh giúp cho tôi thắng tất cả.

Sớm hôm sau, tôi còn nằm trên giường đã thấy Ađen chạy vào mách tôi rằng cây dẻ lớn đằng cuối vườn đêm qua đã bị sét đánh gẫy làm đôi.

 

 



1. Rôchxtơ là tên dòng họ, Êđua mới chính là tên, chỉ dùng trong quan hệ thân mật.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86018


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận