1. Tôi trông thế nào khi khỏa thân
Khi tôi thức dậy trong chiếc túi ngủ, mưa đã tạnh và giường tôi trống trơn, ga trải giường đã lột ra. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay. 10 giờ 03. Hôm ấy cũng là 30 tháng Tám, như vậy có nghĩa là chỉ còn mười ngày nữa là bắt đầu năm học mới, một tháng nữa tôi sẽ bước sang tuổi mười lăm, và chỉ ba năm nữa tôi sẽ phải rời nhà tới trường đại học để bắt đầu cuộc sống của mình - ở thời điểm này việc ấy không có vẻ gì là sẽ thành hiện thực. Vì thế, và cả vì những lý do khác nữa, bụng tôi quặn lại. Tôi nhìn qua hành lang vào phòng Bird. Cậu Julian đang ngủ khi vẫn đeo kính, tập hai Sự hủy diệt người Do Thái Châu Âu vẫn mở trên ngực. Bird được một người họ hàng của mẹ tôi sống ở Paris tặng bộ sách, người ấy quan tâm tới Bird sau khi chúng tôi gặp bà trong buổi uống trà ở khách sạn của bà. Bà bảo chúng tôi rằng chồng bà đã chiến đấu trong Kháng chiến, thế là Bird ngừng việc cố dựng một cái nhà bằng các miếng đường để hỏi, “Chống ai?”
Trong nhà tắm, tôi cởi áo phông và đồ lót, đứng lên bồn cầu và nhìn chằm chằm vào mình trong gương. Tôi cố nghĩ năm tính từ để tả xem tôi trông thế nào, và một là gầy nhom, một nữa là Hai tai tôi chìa ra. Tôi tính đến việc đeo khuyên mũi. Khi tôi nâng hai cánh tay lên qua đầu, ngực tôi hõm lại.
2. Mẹ nhìn xuyên thấu tôi
Dưới nhà, mẹ mặc bộ kimono, đọc báo dưới ánh nắng. “Có ai gọi cho con không?” tôi hỏi. “Mẹ khỏe, cảm ơn, con thế nào?” bà nói. “Nhưng con không hỏi mẹ có khỏe không,” tôi nói. “Mẹ biết.” “Mẹ không cần phải luôn tỏ ra lịch sự với người trong nhà.” “Sao lại không?” “Sẽ hay hơn nếu người ta chỉ nói điều họ muốn nói.” “Ý con là con không quan tâm mẹ có khỏe hay không hả?” Tôi trừng trừng nhìn mẹ. “Conkhỏecảmơnmẹcònmẹthếnào?” tôi nói. “Mẹ khỏe, cảm ơn,” mẹ tôi nói. “Có ai gọi con không?” “Ví dụ?” “Bất kỳ ai.” “Đã có chuyện gì giữa con và Misha à?” “Không,” tôi đáp rồi mở tủ lạnh và kiểm tra mấy cọng cần tây đã héo. Tôi bỏ một cái bánh xốp Anh vào lò nướng, mẹ tôi lật tờ báo, lướt qua các tít bài. Tôi tự hỏi thậm chí bà có nhận ra nếu tôi để cái bánh cháy đen hay không.
“Lịch sử tình yêu bắt đầu khi Alma mười tuổi, phải không mẹ?” tôi hỏi. Mẹ ngước lên và gật đầu. “Thế cô ấy bao nhiêu tuổi khi hết truyện?” “Khó nói lắm. Trong cuốn sách có rất nhiều Alma.” “Người nhiều tuổi nhất là bao nhiêu?” “Không nhiều. Có lẽ là hai mươi.” “Vậy là truyện kết thúc khi Alma chỉ mới hai mươi tuổi ạ?” “Xét theo một mặt thì thế. Nhưng phức tạp hơn thế. Thậm chí một số chương còn không nhắc tới cô ấy. Và cảm giác tổng thể về thời gian và lịch sử trong cuốn sách đó rất lỏng lẻo.” “Nhưng không có chương nào Alma hơn hai mươi tuổi sao?” “Không,” mẹ tôi nói. “Mẹ nghĩ là không.”
Tôi ghi nhớ rằng nếu Alma Mereminski là người thật, rất có khả năng Litvinoff đem lòng yêu cô khi cả hai mười tuổi, và rằng hai mươi có lẽ là tuổi của họ khi cô rời đi Mỹ, đó chắc chắn là lần cuối cùng ông nhìn thấy cô. Nếu khác đi, tại sao cuốn sách kết thúc khi cô vẫn còn trẻ thế?
Tôi đứng trước lò nướng ăn chiếc bánh xốp Anh với bơ lạc. “Alma?” mẹ tôi nói. “Gì hả mẹ?” “Đến ôm mẹ đi,” bà nói, thế nên tôi làm theo, dù tôi không thích. “Sao con cao thế nhỉ?” Tôi nhún vai, hy vọng bà sẽ không tiếp tục. “Con sẽ tới thư viện,” tôi bảo bà, đó là lời nói dối, nhưng cứ dựa vào cái kiểu mẹ nhìn tôi là tôi biết thực ra bà đã không nghe thấy, bởi vì tôi không phải người mà bà trông thấy.
3. ‑Một ngày nào đó, tất cả những lời dối trá tôi từng nói sẽ trở lại với tôi
Trên phố, tôi đi qua Herman Cooper đang ngồi ở hiên trước nhà nó. Nó đã ở Maine suốt cả mùa hè và nơi nó đã có được làn da rám nắng bằng lái xe ở đó. Nó hỏi liệu tôi có muốn đi cùng xe chút không. Tôi đã có thể nhắc nó về những tin đồn liên quan tới tôi hồi sáu tuổi mà nó đã rêu rao như tôi là người Puerto Rico được nhận làm con nuôi, hay hồi tôi mười tuổi về chuyện tôi tốc váy trong tầng hầm nhà nó và cho nó xem mọi thứ. Nhưng thay vì thế, tôi bảo nó là tôi bị say xe.
Tôi trở lại số 31 phố Chambers lần nữa, lần này để xem có hồ sơ hôn nhân nào của Alma Mereminski không. Cũng người đàn ông đeo kính đen hôm trước đang ngồi sau chiếc bàn trong phòng 103. “Chào bác,” tôi nói. Ông ngước lên. “Cô Thịt thỏ. Cô khỏe chứ?” “Cháukhỏecảmơnbáccònbácthếnào?” tôi nói. “Ổn, bác nghĩ thế.” Ông quay lại với trang tạp chí rồi nói thêm, “Hơi mệt chút, cháu biết đấy, và bác nghĩ có thể bác đang bị cảm, còn sáng nay bác thức dậy thì con mèo của bác mửa ra, cũng được thôi nếu nó không mửa vào đôi giày của bác.” “Ồ,” tôi nói. “Tệ nhất trong tất cả là bác vừa biết rằng người ta đã cắt truyền hình cáp nhà bác bởi bác vô tình chậm thanh toán hóa đơn một chút, thế nghĩa là bác sẽ lỡ mất tất cả các chương trình, cộng thêm cái cây mà mẹ bác tặng dịp Giáng sinh đang ngả màu hơi nâu, nếu nó chết thì bác sẽ bị cằn nhằn chẳng biết đến bao giờ.” Tôi đợi, phòng khi bác tiếp tục câu chuyện, nhưng bác không nói tiếp nên tôi nói, “Có lẽ bà ấy đã lấy chồng.” “Ai?” “Alma Mereminski.” Người đàn ông gập cuốn tạp chí và nhìn tôi. “Cháu không biết cụ cháu đã lập gia đình hay chưa hả?” Tôi cân nhắc các phương án. “Bà ấy không hẳn là cụ cháu,” tôi nói. “Bác cứ tưởng cháu đã nói…” “Thực tế là thậm chí cháu với bà ấy còn không có họ.” Ông trông bối rối và hơi bực tức. “Cháu xin lỗi. Đó là một câu chuyện dài,” tôi nói, phần nào hy vọng ông sẽ hỏi vì sao tôi tìm cô, để tôi có thể nói cho ông sự thật: rằng tôi không thật chắc chắn, rằng tôi đã bắt đầu tìm kiếm ai đó làm cho mẹ tôi hạnh phúc lần nữa, và mặc dù tôi vẫn chưa từ bỏ việc tìm người ấy, trong quá trình đó tôi cũng đã bắt đầu tìm một điều khác nữa - điều liên quan tới cuộc tìm kiếm đầu tiên nhưng cũng khác biệt, bởi vì nó liên quan tới tôi. Nhưng ông chỉ thở dài và nói, “Liệu bà ấy có kết hôn trước năm 1937 không?” “Cháu không chắc.” Ông thở dài và đẩy kính lên mũi rồi bảo tôi rằng trong phòng 103 chỉ có các hồ sơ về những trường hợp kết hôn cho tới năm 1937.
Dù sao chúng tôi vẫn tìm kiếm, nhưng chúng tôi không thấy Alma Mereminski nào cả. “Cháu nên tới Phòng Hành chính Thành phố,” ông nói vẻ tội nghiệp. “Đó là nơi người ta có tất cả hồ sơ giai đoạn sau đó.” “Nó ở đâu ạ?” “Số 1 phố Centre, phòng 252,” ông nói. Tôi chưa bao giờ nghe tới phố Centre, thế nên tôi hỏi đường đến đó. Chỗ đó không xa nên tôi quyết định cuốc bộ, và trong khi đi bộ, tôi tưởng tượng ra những căn phòng khắp thành phố chứa các hồ sơ chưa ai từng nghe tới, kiểu như ghi lại những lời trăng trối, những lời nói dối thiện ý, và hậu duệ giả mạo của Nữ hoàng Catherine.
4. Chiếc bóng điện tử
Người đàn ông ngồi sau bàn làm việc ở Phòng Hành chính Thành phố đã già. “Ta có thể giúp gì cháu?” ông hỏi khi đến lượt tôi. “Cháu muốn tìm hiểu xem có phải một phụ nữ tên Alma Mereminski đã kết hôn và đổi tên hay không,” tôi đáp. Ông gật đầu và viết gì đó. “M-E-R,” tôi bắt đầu, và ông nói, “E-M-I-N-S-K-I. Hay là Y?” “I,” tôi nói. “Ta cũng nghĩ thế,” ông nói. “Bà ấy kết hôn khi nào?” “Cháu không biết. Có thể là bất kỳ thời điểm nào sau năm 1937. Nếu giờ vẫn còn sống, có lẽ bà ấy khoảng tám mươi tuổi.” “Lập gia đình lần đầu tiên à?” “Cháu nghĩ thế.” Ông già vạch gì đó vào tập viết. “Có thông tin gì về người đàn ông có thể bà ấy đã cưới không?” Tôi lắc đầu. Ông liếm ngón tay, lật trang giấy và ghi thêm một điểm. “Đám cưới… có thể là người thường hay thầy tu hoặc có khi là một giáo sĩ đã làm lễ cho bà ấy không?” “Ta cũng nghĩ thế,” tôi nói. “Đó là điều ta đã nghĩ tới,” ông nói.
Ông mở một ngăn kéo và lấy ra một thỏi Life Savers. “Kẹo bạc hà không?” Tôi lắc đầu. “Cầm lấy,” ông nói, thế nên tôi lấy một chiếc. Ông thảy một viên kẹo bạc hà vào miệng và ngậm. “Bà ấy quê Ba Lan đúng không?” “Sao bác biết ạ?” “Dễ,” ông nói. “Với một cái tên như thế.” Ông đẩy chiếc kẹo từ phía nọ sang phía kia miệng. “Có thể bà ấy tới đây vào năm 39, 40, trước Thế chiến? Bà ấy sẽ…” ông liếm ngón tay và lật lại trang giấy, rồi lấy ra máy tính và bấm các phím bằng đầu tẩy của chiếc bút chì. “Mười chín, hai mươi. Ta cho rằng bà ấy tối đa là hai mươi mốt tuổi.”
Ông viết những con số này vào tập giấy. Ông tặc lưỡi và lắc đầu. “Chắc chắn phải cô đơn rồi, tội nghiệp.” Ông liếc nhìn tôi vẻ dò hỏi. Đôi mắt ông nhợt nhạt và ngấn nước. “Có lẽ vậy,” tôi nói. “Chắc chắn chứ còn có lẽ gì nữa!” ông nói. “Bà ấy biết ai? Chẳng ai hết! Có lẽ trừ một người họ hàng không muốn biết tin tức từ bà ấy. Giờ lão ta sống ở Mỹ, macher(1)_ ấy, lão ta cần gì người nhập cư này? Con trai lão ta nói tiếng Anh không bị pha giọng, một ngày nào đó nó sẽ trở thành luật sư giàu có, điều cuối cùng lão muốn là mishpocheh(2) từ Ba Lan gầy đét như xác chết gõ cửa nhà mình.” Có vẻ chẳng hay khi nói điều gì, thế nên tôi không nói. “Có lẽ bà ấy may mắn được lão ta mời đến dự lễ Shabbat một hai lần, và vợ lão ta gầm gừ bởi thậm chí chính họ cũng chẳng có gì ăn, mụ phải vật nài tay bán thịt cho mụ mua chịu con gà lần nữa, Đây là lần cuối cùng đấy, mụ bảo chồng, Được voi rồi lại đòi tiên cho mà xem, đấy là còn chưa kể ở Ba Lan, bọn giết người đang giết gia đình bà ấy, tất cả những người còn sót lại, cầu-cho-họ-được-yên-nghỉ, ta thành tâm đấy.”
Tôi không biết nói gì, nhưng có vẻ ông đang chờ nên tôi nói, “Chắc hẳn phải khủng khiếp lắm.” “Đó là điều ta đang nói với cháu,” ông nói, rồi lại tặc lưỡi lần nữa và bảo, “Một người không may. Goldfarb, Arthur Goldfarb, một người, tôi nghĩ là cháu gái, đã đến tìm cách đây vài hôm. Một bác sĩ, cô ấy có tấm ảnh, một ông điển trai, vụ hôn nhân tồi tệ, cuối cùng ông ta ly dị sau một năm. Người này sẽ hoàn hảo cho Alma của cháu.” Ông nhai chiếc kẹo rồi lau mũi bằng khăn tay. “Vợ ta bảo là làm mối cho người chết chẳng tài cán gì, thế nên ta bảo bà ấy rằng nếu bà luôn uống dấm, bà sẽ không biết thứ gì ngọt ngào hơn tồn tại.” Ông rời ghế đứng dậy. “Chờ ở đây nhé.”
Khi trở lại, ông thở hổn hển. Ông lê bước lại chiếc ghế của mình. “Cứ như tìm vàng ấy, người quá khó tìm chính là cái cô Alma này.” “Ông đã tìm thấy à?” “Gì hả?” “Tìm bà ấy đó?” “Tất nhiên ta đã tìm thấy, ta là loại nhân viên gì mà không thể tìm được một cô gái xinh đẹp chứ? Alma Mereminski, đây rồi. Kết hôn tại Brooklyn năm 1942 với Mordecai Moritz, đám cưới do giáo sĩ Greenberg làm chủ lễ. Còn có danh sách tên cha mẹ.” “Đây thực sự là bà ấy sao?” “Còn ai khác nữa? Alma Mereminski, ngay chỗ này nói rằng bà ấy sinh ở Ba Lan. Ông chồng sinh ở Brooklyn nhưng cha mẹ từ Odessa tới. Chỗ này nói rằng cha ông ấy sở hữu một nhà máy làm váy, thế nên đời sống bà ấy không khó khăn lắm. Nói thật là tôi thấy nhẹ người. Có lẽ là một đám cưới vui vẻ. Hồi ấy trong đám cưới chú rể phải giẫm vỡ một cái bóng điện bởi chẳng có ai thừa cốc cả(1).
5. Ở Bắc Cực không có bốt điện thoại công cộng
Tôi tìm một bốt điện thoại và gọi về nhà. Cậu Julian nghe máy. “Có ai gọi cho cháu không?” tôi hỏi. “Cậu không nghĩ là có. Xin lỗi vì đêm qua đã đánh thức cháu, Al.” “Không có gì ạ.” “Cậu vui là chúng ta đã nói chuyện một chút.” “Vâng,” tôi nói, hy vọng cậu sẽ không nói chuyện trở thành danh họa lần nữa. “Cháu thấy thế nào nếu hôm nay ta đi ăn tối? Trừ phi cháu có chương trình khác.” “Cháu không có,” tôi đáp.
Tôi gác máy và gọi cho Trung tâm Thông tin. “Khu nào?” “Brooklyn.” “Mục nào?” “Moritz. Tên là Alma.” “Kinh doanh hay cư trú?” “Cư trú.” “Tôi không tìm được gì trong mục đó.” “Thế còn Mordecai Moritz?” “Không.” “À, thế còn ở Manhattan?” “Tôi tìm được một Mordecai Moritz ở phố 52.” “Vậy sao?” tôi nói. Tôi không thể tin nổi. “Giữ máy để tìm số nhé.” “Cháu muốn lấy địa chỉ.” “450 phố 52 khu Đông,” người phụ nữ nói. Tôi viết vào lòng bàn tay và bắt tàu điện ngầm lên phố.
6. Tôi gõ và bà mở cửa
Bà đã già, mái tóc dài bạc được cài ra sau bằng chiếc lược đồi mồi. Căn hộ của bà tràn ngập ánh nắng, bà có một con vẹt biết nói. Tôi kể cho bà về chuyện cha tôi, David Singer, tìm thấy Lịch sử tình yêu ở cửa kính trưng bày của một hiệu sách ở Buenos Aires như thế nào lúc ông hai mươi hai tuổi trong khi đi du lịch một mình với một tấm bản đồ địa hình, một chiếc la bàn, một con dao nhíp Thụy Sĩ và một cuốn từ điển Tây Ban Nha - Hebrew. Tôi cũng kể cho bà về mẹ tôi và bức tường bằng những cuốn từ điển, về Emanuel Chaim dùng cái tên Bird để ca ngợi sự tự do của nó, và chuyện nó đã tai qua nạn khỏi sau một nỗ lực bay - đã để lại một vết sẹo trên đầu nó. Bà cho tôi xem một bức ảnh chụp bà khi bằng tuổi tôi. Con vẹt biết nói rít lên, “Alma!” và cả hai chúng tôi cùng ngoái đầu lại.
7. Tôi phát ốm với các nhà văn nổi tiếng
Ngủ mơ giữa ban ngày, tôi lỡ mất bến và phải cuốc bộ ngược lại mười khối nhà, và cứ mỗi khối đi qua, tôi lại cảm thấy hồi hộp và bớt chắc chắn hơn. Nếu Alma - Alma có thật và còn sống - thực sự ra mở cửa thì sao? Tôi phải nói gì với người từ trong sách bước ra? Hoặc nếu bà ấy chưa bao giờ nghe tới Lịch sử tình yêu thì sao? Hoặc nếu bà từng nghe nhưng lại muốn quên nó đi? Tôi quá mải mê tìm bà đến mức không nghĩ rằng có thể bà không muốn người ta tìm thấy mình.
Nhưng không còn thời gian để nghĩ nữa bởi tôi đã đang đứng ở cuối phố 52, bên ngoài tòa nhà bà ở. “Chú có thể giúp gì cháu?” người gác cửa hỏi. “Cháu tên là Alma Singer. Cháu đang tìm bà Alma Moritz. Bà ấy có nhà không chú?” tôi hỏi. “Bà Moritz à?” chú nói. Người đàn ông có thái độ lạ khi nhắc tên bà ấy. “Ôi,” chú nói. “Không.” Chú trông như thể thấy tiếc cho tôi, rồi tôi thấy tiếc cho bản thân mình, bởi điều tiếp theo chú nói là Alma không còn sống. Bà đã mất năm năm rồi. Đó là cách tôi biết rằng tất cả những người tôi lấy tên theo đều đã chết. Alma Mereminski, cha tôi, David Singer, bà cô tài giỏi Dora - người có tên Hebrew được dùng đặt cho tôi, Devorah - đã chết ở trại tập trung Warsaw. Tại sao người ta luôn được đặt tên theo những người chết? Nếu người ta muốn đặt tên theo bất kỳ thứ gì đó, sao không thể chọn các vật - vốn bền vững hơn - như trời hay biển, hoặc thậm chí các ý tưởng - những thứ chẳng bao giờ thực sự chết, ngay cả những ý tưởng xấu xa?
Người gác cửa vẫn nói nhưng giờ đã dừng lại. “Cháu ổn chứ?” chú hỏi. “Cháukhỏecảmơn,” tôi nói, dù tôi không như thế. “Cháu muốn ngồi chút hoặc làm gì không?” Tôi lắc đầu. Tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi nghĩ tới lúc cha đưa tôi đi xem đám chim cánh cụt ở vườn thú, công kênh tôi lên vai trong cái lạnh ẩm ướt để tôi có thể tì mặt vào lớp kính và xem chúng được cho ăn, và cách ông dạy tôi phát âm từ Bắc Cực. Rồi tôi tự hỏi liệu thực sự điều ấy đã diễn ra bao giờ chưa.
Vì không còn gì để nói, tôi hỏi, “Chú đã bao giờ nghe thấy cuốn sách tên Lịch sử tình yêu chưa? Người gác cổng nhún vai và lắc đầu. “Nếu cháu muốn nói chuyện về sách, cháu nên nói chuyện với người con trai.” “Con trai của bà Alma?” “Chắc chắn rồi, Isaac. Thi thoảng ông ấy vẫn tới.” “Isaac?” “Isaac Moritz. Nhà văn nổi tiếng. Cháu không biết đó là con trai họ à? Đúng thế đấy, ông ấy vẫn ở đây khi vào thành phố. Cháu muốn nhắn lại không?” chú hỏi. “Không, cảm ơn chú,” tôi nói, bởi tôi chưa bao giờ nghe đến ông Isaac Moritz nào.
8. Cậu Julian
Tối hôm đó cậu Julian gọi một ly bia cho mình và một ly sinh tố xoài cho tôi rồi bảo, “Cậu biết đôi khi mọi thứ khó khăn với mẹ cháu.” “Mẹ nhớ bố,” tôi nói, chẳng khác nào nói rằng một tòa nhà chọc trời rất cao. Cậu Julian gật đầu. “Cậu chắc rằng cháu không biết ông ngoại. Xét theo nhiều góc độ, ông rất tuyệt vời. Nhưng ông cũng là một người khó tính. Dùng từ ‘gia trưởng’ thì hợp. Ông có những quy định rất khắt khe về cách sống của cậu và mẹ cháu.” Lý do tôi không biết rõ ông là bởi ông mất vì tuổi già trong khi đi nghỉ ở một khách sạn tại Bournemouth vài năm trước khi tôi ra đời. “Charlotte phải hứng chịu nhiều nhất bởi mẹ cháu là con cả, lại là con gái. Cậu nghĩ đó là lý do mẹ cháu luôn tránh yêu cầu cháu và Bird phải làm gì hay phải làm thế nào.” “Trừ cách cư xử của chúng cháu,” tôi chỉ rõ. “Ừ, mẹ cháu không hạn chế bản thân ở vấn đề cách cư xử, phải không? Cậu cho rằng điều cậu đang cố gắng nói ra là cậu biết có thể đôi khi mẹ cháu có vẻ xa cách. Mẹ cháu có những việc riêng cần giải quyết. Nhớ cha cháu là một chuyện. Cãi lại chính cha mình là một chuyện khác. Nhưng cháu biết mẹ cháu yêu cháu biết bao, phải không Al?” Tôi gật đầu. Kiểu cười của cậu Julian luôn hơi lệch, một bên miệng cậu nhếch lên cao hơn phần còn lại, cứ như thể một phần trong cậu không chịu hợp tác với phần còn lại. “Vậy thế này,” cậu nói và nâng ly. “Chúc mừng cháu bước sang tuổi mười lăm, và chúc cậu hoàn thành cuốn sách ghê gớm này.”
Chúng tôi cụng ly. Rồi cậu kể cho tôi nghe về chuyện cậu phải lòng Alberto Giacometti như thế nào khi cậu hai mươi lăm tuổi. “Vậy cậu phải lòng mợ Frances thế nào?” tôi hỏi. “À,” cậu Julian nói và xoa cái trán ướt bóng nhẫy. Cậu đang hói dần một chút, nhưng theo kiểu điển trai. “Cháu thực sự muốn biết hả?” “Vâng.” “Hồi ấy mợ mặc quần bó màu xanh nước biển.” “Ý cậu là thế nào?” “Cậu trông thấy mợ trong vườn thú, trước chuồng tinh tinh, mợ đang mặc quần bó màu xanh nước biển. Và cậu nghĩ: Đó là cô gái mình sẽ cưới.” “Vì quần bó của mợ ấy à?” “Đúng thế. Ánh nắng chiếu vào mợ theo kiểu rất tuyệt. Và mợ hoàn toàn cứng đờ người vì con tinh tinh ấy. Nhưng nếu như không có cái quần bó, cậu không nghĩ mình sẽ đến bên mợ.” “Cậu có bao giờ nghĩ điều sẽ xảy ra nếu mợ quyết định không mặc cái quần đó hôm ấy không?” “Lúc nào cũng nghĩ,” cậu Julian đáp. “Như thế có lẽ cậu sẽ hạnh phúc hơn.” Tôi đẩy miếng thịt nướng quanh đĩa. “Nhưng có thể là không,” cậu nói. “Nếu đúng như thế thì sao?” Cậu Julian thở dài. “Một khi cậu đã bắt đầu nghĩ về chuyện ấy, thật khó tưởng tượng bất kỳ điều gì - hạnh phúc hay bất hạnh - khi không có mợ. Cậu đã sống với mợ Frances lâu đến mức không thể tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao hay thế nào khi sống với một người khác.” “Như Flo ạ?” tôi hỏi. Cậu Julian mắc nghẹn. “Làm thế nào cháu biết về Flo?” “Cháu thấy lá thư cậu viết trong thùng rác.” Mặt cậu đỏ lên. Tôi ngước nhìn tấm bản đồ Ấn Độ trên tường. Mọi đứa trẻ mười bốn tuổi đều nên biết vị trí chính xác của Calcutta. Sẽ không ổn chút nào khi không biết thông tin ít nhất là Calcutta nằm ở đâu. “Ra vậy,” cậu Julian nói. “Ừm, Flo là đồng nghiệp của cậu ở Courtauld. Cô ấy là bạn tốt, mợ Frances luôn hơi ghen tuông vì điều ấy. Có những điều nhất định… Nói thế nào Al nhỉ? OK. Để cậu cho cháu một ví dụ nhé. Cậu có thể cho cháu một ví dụ chứ?” “Được ạ.” “Có một bức chân dung tự họa của Rembrandt. Nó nằm ở Kenwood House, rất gần chỗ cậu mợ sống. Cậu đã đưa cháu đến đó hồi cháu nhỏ lắm. Cháu nhớ không?” “Không.” “Không sao. Vấn đề là đó là một trong những bức cậu thích. Cậu thích đến ngắm nó liên tục. Ban đầu cậu định đến công viên Heath đi dạo, lát sau cậu thấy mình đã có mặt ở đó rồi. Đó là một trong những bức tự họa cuối cùng ông vẽ. Ông đã vẽ vào thời điểm nào đó giữa năm 1665 và khi ông mất sau đó bốn năm, trong tình trạng phá sản và cô độc. Toàn bộ khung giá vẽ đều để trần. Nét cọ nhanh - cháu có thể thấy chỗ ông vạch vào sơn ướt bằng cán chổi vẽ. Cứ như thể ông ấy biết rằng không còn lại nhiều thời gian. Ấy thế nhưng, trên gương mặt ông có sự thanh thản, cảm giác về một điều gì đó đã tồn tại lâu hơn sự sụp đổ của chính nó.” Tôi ngả người trượt xuống ghế ngồi và đu đưa chân, vô tình đá phải chân cậu Julian. “Chuyện đó liên quan gì tới mợ Frances và Flo?” tôi hỏi. Trong một chốc, cậu Julian trông mất tập trung. “Cậu thực sự không biết,” cậu nói. Cậu lau trán lần nữa và gọi thanh toán. Chúng tôi ngồi im lặng. Miệng cậu Julian mấp máy. Cậu lấy trong ví ra một tờ hai mươi đô la, gập lại thành một hình vuông nhỏ xíu, rồi gập thành một hình vuông còn nhỏ hơn nữa. Rồi rất nhanh, cậu nói, “Fran chẳng quan tâm quái gì tới bức tranh đó,” và đưa ly bia đã cạn lên môi.
“Nếu cậu muốn biết, cháu sẽ nói cháu không nghĩ cậu là đồ đểu đâu,” tôi nói. Cậu Julian mỉm cười. “Cháu có thể hỏi cậu một câu không?” tôi nói, trong khi nhân viên phục vụ trở lại trả tiền lẻ cho cậu. “Tất nhiên rồi.” “Bố mẹ cháu đã bao giờ cãi nhau chưa?” “Cậu nghĩ là có. Chắc chắn, đôi khi có. Cũng như mọi người khác thôi.” “Cậu có nghĩ là bố muốn mẹ yêu lần nữa không?” Cậu Julian dành cho tôi một trong những nụ cười lệch của mình. “Cậu nghĩ thế đấy,” cậu nói. “Cậu nghĩ ông ấy rất muốn thế.”
9. Merde_(1)
Khi chúng tôi về nhà, mẹ tôi đang ở sân sau. Qua cửa sổ, tôi thấy bà đang mặc một bộ đồ bảo hộ lấm lem bùn đất, quỳ và trồng hoa trong chút ánh sáng ban ngày còn sót lại. Tôi đẩy tung cho cánh cửa có mắt lưới mở ra. Đám lá rụng và cỏ dại đã mọc suốt nhiều năm đã bị giật lên và dọn đi, bốn chiếc túi đen đựng rác dựng bên chiếc ghế sắt trong vườn chưa từng có ai ngồi. “Mẹ đang làm gì thế?” tôi gọi hỏi. “Trồng hoa cúc,” mẹ đáp. “Sao lại thế?” “Mẹ đang có hứng.” “Sao mẹ lại có hứng?” “Chiều nay mẹ đã gửi đi thêm vài chương, thế nên mẹ nghĩ mình sẽ làm thứ gì đó để thư giãn.” “Gì cơ?” “Mẹ bảo, mẹ đã gửi thêm vài chương cho Jacob Marcus, thế nên mẹ nghĩ mình sẽ thư giãn một chút,” mẹ tôi nhắc lại. Tôi không thể tin nổi. “Mẹ đã tự gửi thêm vài chương à? Nhưng mẹ luôn đưa con mọi thứ để đưa tới bưu điện mà!” “Xin lỗi. Mẹ không biết là việc đó có ý nghĩa nhiều với con thế. Dù sao con cũng vắng nhà cả ngày mà. Mà mẹ lại muốn gửi chúng đi. Thế nên mẹ đã tự làm.” MẸ TỰ LÀM? Tôi muốn gào lên. Mẹ tôi, loài chỉ có riêng mình mẹ, bỏ một cây hoa vào lỗ và bắt đầu vun đất. Mẹ ngoảnh lại nhìn tôi. “Trước đây bố thích làm vườn,” bà nói, như thể tôi chưa bao giờ biết cha vậy.
10. Những ký ức từ mẹ tôi truyền lại tôi
i Dậy từ lúc trời còn tối để đi học
ii ‑Chơi trong đống đổ nát của tòa nhà bị bom đánh sập gần nhà mẹ ở Stamford Hill
iii ‑Mùi những cuốn sách cũ ông ngoại mang từ Ba Lan về
iv ‑Cảm giác về bàn tay to lớn của ông ngoại đặt trên đầu bà khi ông ban phúc cho mẹ vào các tối thứ Sáu
v ‑Chiếc tàu của Thổ Nhĩ Kỳ mẹ đã đi từ Marseilles tới Haifa, cơn say sóng của mẹ
vi ‑Sự im lặng khổng lồ và những cánh đồng trống trải của Israel, và cả âm thanh của những loài côn trùng trong đêm đầu tiên mẹ ở Kibbutz Yavne - tạo nên chiều sâu và bề rộng của sự im lặng và trống trải
vii Lần cha tôi đưa mẹ tới Biển Đen
viii Thấy cát trong các túi quần áo mẹ
ix Người thợ ảnh mù
x Cha tôi lái xe bằng một tay
xi Mưa
xii Cha tôi
xiii Mấy ngàn trang
11. Làm thế nào để phục hồi lại một nhịp tim
Chương 1 tới tận chương 28 Lịch sử tình yêu dồn lại thành một đống cạnh máy t 12b8 ính của mẹ tôi. Tôi tìm trong thùng rác, nhưng không có bản nháp nào của những lá thư bà đã gửi cho Jacob Marcus. Tất cả những gì tôi tìm thấy một mảnh giấy vo lại có ghi: Hồi ở Paris, Alberto bắt đầu nghĩ lại.
12. Tôi từ bỏ
Thế là kết thúc cuộc tìm kiếm người làm cho mẹ tôi hạnh phúc lần nữa. Rốt cuộc tôi đã hiểu rằng dù tôi có làm gì, hay có tìm ai đi nữa, tôi - người đó - chẳng có ai trong chúng tôi - sẽ có khi nào chiến thắng được những ký ức của mẹ về cha, những ký ức làm bà dịu lại ngay cả khi chúng khiến bà buồn, bởi từ chúng, bà đã tạo nên một thế giới mà bà biết mình có thể tồn tại trong đó, ngay cả khi không ai khác có thể.
Đêm đó tôi không ngủ nổi. Tôi biết Bird cũng thao thức, qua tiếng thở của nó. Tôi muốn hỏi nó về thứ nó đang dựng lên ở khu đậu xe bỏ không, làm thế nào nó biết mình là một thiên sứ, và bảo nó rằng tôi xin lỗi về chuyện đã hét lên với nó lúc nó viết vào vở tôi. Tôi muốn nói rằng tôi sợ, cho cả nó và tôi, và tôi muốn nói với nó sự thật về tất cả những lời dối trá tôi đã nói với nó trong suốt những năm qua. Tôi thì thào gọi tên nó. “Dạ?” nó thì thào đáp lại. Tôi nằm trong bóng tối và sự im lặng - chẳng giống chút nào với bóng tối và sự im lặng mà cha tôi đã nằm trong đó khi còn là một cậu bé ở một ngôi nhà trên con đường đất ở Tel Aviv, hay bóng tối và sự im lặng mà mẹ tôi đã nằm trong đó vào đêm đầu tiên của bà ở Kibbutz Yavne, nhưng cũng chứa đựng cả những bóng tối và những im lặng đó. Tôi cố gắng nghĩ về điều đúng là những gì tôi muốn nói. “Chị không thức đâu,” cuối cùng tôi bảo. “Em cũng vậy,” Bird nói.
Sau đó, khi rốt cuộc Bird đã ngủ, tôi bật chiếc đèn pin và đọc thêm một phần cuốn Lịch sử tình yêu. Tôi nghĩ nếu như tôi đọc đủ kỹ, tôi có thể tìm ra sự thật nào đó về cha tôi, về những điều ông hẳn sẽ muốn nói với tôi nếu ông qua đời.
Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy sớm. Tôi nghe tiếng Bird đi xung quanh phía trên mình. Khi tôi mở hai mắt, nó đang dồn ga trải giường thành một cục, và đũng quần ngủ của nó đang ướt.
13. Rồi đến tháng Chín
Và mùa hè qua, Misha và tôi chính thức không nói chuyện, và không có thêm lá thư nào từ Jacob Marcus, và cậu Julian thông báo sẽ trở lại London để cố giải quyết mọi thứ với mợ Frances. Đêm trước hôm cậu ra sân bay và tôi bước vào lớp mười, cậu gõ cửa phòng tôi. “Chuyện cậu nói về Frances và Rembrandt ấy mà,” cậu nói khi tôi mở cửa cho cậu vào. “Chúng ta có thể vờ là cậu chưa bao giờ nói được chứ?” “Nói gì ạ?” tôi hỏi. Cậu mỉm cười, phô ra kẽ hở giữa hai chiếc răng cửa mà cả hai chúng tôi cùng thừa kế từ bà ngoại. “Cảm ơn cháu,” cậu nói. “Này, cậu có một thứ cho cháu.” Cậu đưa tôi một chiếc phong bì lớn. “Cái gì thế?” “Mở ra đi.” Bên trong là tập danh mục của một trường nghệ thuật trong thành phố. Tôi ngước nhìn cậu. “Nào, đọc đi.” Tôi mở trang bìa, một tờ giấy chấp chới hạ xuống sàn. Cậu Julian cúi xuống nhặt lên. “Đây,” cậu nói, xoa trán. Đó là một mẫu đăng ký. Trên đó là tên tôi và tên của một lớp học: “Vẽ từ cuộc sống.” “Còn có một cái thiếp nữa,” cậu nói. Tôi thò tay vào trong phong bì. Đó là một tấm bưu thiếp in chân dung tự họa của Rembrandt. Mặt sau ghi: Al yêu quý, một lần Wittgensteinđã viết rằng khi mắt trông thấy thứ gì đó đẹp, bàn tay muốn vẽ nó. Cậu ước cậu có thể vẽ cháu. Chúc mừng sinh nhật sớm. Yêu cháu, cậu Julian.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !