Lịch Sử Tình Yêu Chương 12


Chương 12
Trang cuối cùng

Ban đầu thật dễ dàng. Litvinoff vờ như chỉ giết thời gian, vẽ nghệch ngoạc vẻ lơ đãng trong lúc nghe đài, hệt như các sinh viên của ông vẫn làm khi ông giảng bài trên lớp. Ông không bao giờ ngồi xuống chiếc bàn viết mà con trai bà chủ nhà đã khắc lên những dòng cầu nguyện quan trọng nhất của người Do Thái, và thầm nghĩ: mình sẽ đánh cắp tác phẩm của người bạn đã bị bọn phát xít giết hại. Ông cũng không nghĩ: Nếu cô ấy nghĩ mình viết cuốn này, cô ấy sẽ yêu mình. Ông chỉ chép lại trang đầu tiên - điều hoàn toàn tự nhiên dẫn tới việc sao chép trang thứ hai.

Chỉ khi ông chép tới trang thứ ba, cái tên Alma mới xuất hiện. Ông ngừng lại. Ông đã đổi từ một Feingold quê Vilna sang một De Biedma quê Buenos Aires. Nếu ông đổi Alma sang Rosa thì sẽ rất khủng khiếp phải không? Ba chữ đơn giản - chữ “A” cuối cùng có thể giữ lại. Ông đã đi xa lắm rồi. Ông đặt bút xuống mặt giấy. Dù sao, ông tự nhủ, Rosa là người duy nhất sẽ đọc nó.

Nhưng khi ông sắp sửa viết chữ hoa R ở nơi đã bắt đầu bằng chữ hoa A, nếu tay Litvinoff khựng lại, thì có lẽ bởi vì ông là người duy nhất - ngoài tác giả thực sự - từng đọc Lịch sử tình yêu và biết con người thật Alma. Trong thực tế, ông đã biết cô từ khi cả hai còn nhỏ và cùng học hết phổ thông với cô trước khi ông lên đường đi học ở trường dòng Do Thái. Cô thuộc vào nhóm con gái ông đã theo dõi thấy bật từ những đám cỏ dại bờm xờm thành những bông hoa nhiệt đới đẹp đẽ cuốn không khí xung quanh mình thành làn hơi ẩm dày đặc. Alma đã để lại ấn tượng không thể xóa nhòa trong tâm trí ông, như sáu bảy cô gái khác mà ông đã chứng kiến sự biến đổi, và trong những cơn vật vã tuổi dậy thì của chính ông, đã lần lượt trở thành những đối tượng ông khao khát. Thậm chí trong suốt những năm sau đó, khi ngồi bên bàn của mình ở Valparaíso, Litvinoff vẫn có thể nhớ bản danh sách ban đầu về những cặp đùi trần, hõm cánh tay, những chiếc gáy là niềm khao khát của vô số hành vi phát cuồng khác nhau. Việc Alma bị một kẻ chinh phục theo kiểu hợp-rồi-tan-rồi-lại-hợp không hề ảnh hưởng tới sự xuất hiện của cô trong những cơn mộng tưởng của Litvinoff (điều này phải dựa rất nhiều vào kỹ thuật dựng hình). Nếu có bao giờ ông ghen với việc cô thuộc về kẻ khác thì điều đó không xuất phát từ cảm xúc đặc biệt nào với Alma mà chỉ xuất phát từ mong ước được chọn và được yêu tương tự như thế.

Và nếu lần thứ hai cố thay tên cô bằng một cái tên khác, lần thứ hai tay ông khựng lại, thì có lẽ bởi ông biết rằng xóa đi tên cô cũng giống như xóa toàn bộ dấu chấm câu, tất cả nguyên âm, mọi tính từ và danh từ. Vì không có Alma, sẽ chẳng có cuốn sách nào hết.

Ngòi bút ngập ngừng trên trang viết, Litvinoff nhớ lại một ngày, đầu mùa hè năm 1936, khi ông trở lại Slonim sau hai năm đi học ở trường dòng. Mọi thứ trông nhỏ hơn những gì ông nhớ. Ông bước dọc theo phố, hai tay đút túi quần, đầu đội chiếc mũ mới ông đã mua bằng chỗ tiền tiết kiệm được, thứ ông nghĩ sẽ mang lại cho mình vẻ trải đời. Rẽ vào một con phố chạy từ quảng trường, ông cảm thấy như đã hơn hai năm trôi qua. Cũng những con gà ấy đang đẻ trứng trong ổ, cũng những ông già rụng hết răng đang tranh cãi về những chuyện không đâu, nhưng vì sao đó, mọi thứ dường như nhỏ bé hơn và tồi tàn hơn. Litvinoff biết rằng trong mình đã có gì đó thay đổi. Ông đã trở thành một kẻ khác. Ông bước qua một cái cây có hõm trên thân mà ông đã một lần giấu một bức ảnh “đen” ông ăn trộm trên bàn của bố một đứa bạn. Ông đã cho năm, sáu đứa con trai xem trước khi tin đến tai anh trai ông - kẻ tịch thu tấm ảnh cho mục đích của riêng mình. Litvinoff bước về phía cây ấy. Và đó là lúc ông trông thấy họ. Họ đang đứng cách chục bước. Gursky đang dựa vào hàng rào, Alma thì đang dựa vào cậu ta. Litvinoff theo dõi khi Gursky nâng mặt cô bằng hai tay. Cô ngừng lại, và rồi ngẩng mặt lên để chạm mặt Gursky. Và khi Litvinoff nhìn họ hôn nhau, ông cảm thấy rằng mọi thứ thuộc về mình đều chẳng có chút giá trị nào.

Mười sáu năm sau, ông theo dõi khi mỗi đêm một chương khác của cuốn sách do Gursky viết xuất hiện trở lại qua chữ viết tay cẩn thận của ông. Cần biết là ông chép lại đúng từng từ, trừ những cái tên, tất cả - trừ một cái tên - ông đều thay đổi.

CHƯƠNG 18, ông viết vào đêm thứ mười tám. TÌNH YÊU GIỮA CÁC THIÊN THẦN.

CÁC THIÊN THẦN NGỦ THẾ NÀO. Không ngon. Họ lăn và trở mình, cố gắng hiểu bí ẩn của Con Người. Họ biết rất ít về việc phải kê đơn kính thuốc mới rồi đột nhiên trông thấy thế giới lần nữa, lòng pha lẫn thất vọng và biết ơn. Lần đầu tiên một cô gái mang tên - đoạn này Litvinoff dừng lại bẻ ngón tay - Alma đặt bàn tay mình ngay bên dưới xương sườn dưới cùng của bạn: về cảm giác này, họ chỉ có những giả thuyết chứ không có những ý tưởng cụ thể. Nếu bạn đưa họ một quả cầu tuyết, có lẽ họ thậm chí không biết mà lắc nó nó.

Và họ cũng không mơ. Vì lý do này, họ mất đi một chuyện để kể. Một cách lúng túng, lúc thức dậy họ cảm thấy như thể có thứ gì đó họ đang quên bảo nhau. Có sự bất đồng giữa các thiên thần về việc liệu đây là kết quả của thứ gì đó đã ngừng hoạt động hay là kết quả của sự thấu cảm của họ đối với Con Người, gay gắt đến mức đôi khi làm họ khóc. Nhìn chung về vấn đề mơ, họ chia thành hai nhóm. Ngay cả giữa các thiên thần cũng có nỗi buồn vì sự chia rẽ.

Đến chỗ này, Litvinoff đứng lên đi tiểu, giật nước trước khi xong để xem liệu ông có thể xả hết bóng đái của mình trước khi bồn đổ đầy nước mới. Sau đó ông liếc mình trong gương, lấy chiếc nhíp từ tủ thuốc xuống và nhổ một cái lông mũi mọc xiên. Ông bước ngang hành lang sang bếp và vòng quanh tủ bếp kiếm thứ gì đó để ăn. Không tìm thấy gì, ông đặt ấm lên bếp, ngồi xuống bên bàn và tiếp tục chép.

NHỮNG VẤN ĐỀ RIÊNG TƯ. Đúng là họ không có khứu giác, nhưng các thiên thần, với tình yêu vô bờ bến dành cho Con Người, vẫn đua nhau đi loanh quanh ngửi mọi thứ. Giống như những chú chó, họ không thấy ngại khi chồm lên và đánh hơi người khác. Đôi khi, những lúc không thể ngủ nổi, họ nằm trên giường mà gí mũi vào nách mình, lòng tự hỏi nó có mùi ra sao.

Litvinoff xì mũi, vò chiếc khăn giấy rồi ném xuống chân.

NHỮNG CUỘC TRANH CÃI GIỮA CÁC THIÊN THẦN. Diễn ra bất tận và không hy vọng tìm được cách giải quyết. Có chuyện này bởi họ tranh cãi xem cuộc sống giữa Con Người với nhau ra sao, và vì họ không biết, họ chỉ có thể phỏng đoán, cũng rất giống kiểu Con Người phỏng đoán về bản chất (hoặc ít hơn mức đó) - đến chỗ này thì chiếc ấm đun kêu lên - của Chúa.

 Litvinoff đứng dậy pha một tách trà. Ông mở cửa sổ và ném đi một trái táo dập.

MỘT MÌNH. Giống như Con Người, đôi khi các thiên thần thấy mệt mỏi với nhau và muốn ở một mình. Vì những căn nhà họ sống chật chội và chẳng có nơi nào để đi, điều duy nhất một thiên thần có thể làm trong lúc như thế là nhắm nghiền hai mắt và gục đầu xuống cánh tay. Khi một thiên thần làm việc này, những thiên thần khác hiểu rằng thiên thần đó đang cố lừa bản thân có cảm giác ở một mình, và họ nhón chân đi quanh thiên thần ấy. Để giống như thật, có thể họ nói về thiên thần ấy như thể thiên thần không có mặt ở đó. Nếu họ vô tình chạm phải thiên thần, họ sẽ thì thầm: “Không phải tôi đâu.”

Litvinoff lắc bàn tay đã bắt đầu bị chuột rút. Rồi ông tiếp tục viết:

TỐT HƠN HAY XẤU HƠN. Các thiên thần không lập gia đình. Trước hết bởi họ quá bận bịu, thứ hai là họ không đem lòng yêu nhau. (Nếu bạn không biết cảm giác khi người mình yêu chạm vào phía dưới xương sườn dưới cùng của mình lần đầu tiên, thì liệu có cơ hội cho tình yêu hay không?)

Litvinoff dừng lại để tưởng tượng bàn tay mềm mại của Rosa trên sườn mình và hài lòng thấy rằng điều đó khiến ông rạo rực.

Cách họ sống với nhau không khác một đàn chó mới sinh: mù quáng, biết ơn và bị tước đoạt. Nói thế không có nghĩa họ không cảm thấy tình yêu, bởi họ có cảm thấy; đôi khi họ còn cảm thấy nó mạnh đến mức nghĩ rằng họ đang bị hoảng loạn. Trong những khoảnh khắc ấy tim họ đập không kiểm soát nổi và họ lo rằng họ sắp nôn. Nhưng tình yêu mà họ cảm nhận được không phải dành cho thiên thần mà dành cho Con Người, những kẻ họ không thể hiểu hoặc ngửi hay sờ thấy. Đó là một tình yêu chung chung dành cho Con Người (dù chung chung không làm nó giảm đi chút sức mạnh nào). Chỉ thi thoảng một thiên thần mới thấy trong mình có một khiếm khuyết khiến thiên thần đó yêu, không theo kiểu chung chung mà theo một cách cụ thể.

Vào ngày Litvinoff bước sang trang cuối cùng, ông gom bản thảo của người bạn Gursky, xáo các trang vào nhau rồi ném vào thùng rác dưới chậu rửa. Nhưng Rosa hay đến, Litvinoff chợt nghĩ rằng cô có thể thấy chúng ở đó. Vậy nên ông lấy chúng ra và ném vào những thùng kim loại chứa rác phía sau nhà, ẩn dưới vài túi đựng rác. Rồi ông chuẩn bị đi ngủ. Nhưng nửa giờ sau, tràn ngập nỗi sợ hãi rằng ai đó có thể tìm thấy chúng, ông lại dậy, lục tìm hết các thùng rác để lấy lại các trang viết. Ông nhét chúng dưới giường và cố gắng ngủ, mùi của rác quá khó chịu nên ông dậy, tìm chiếc đèn pin, lấy một chiếc xẻng làm vườn trong kho của bà chủ nhà, đào một cái hố cạnh bụi tú cầu trắng của bà ta, ném các trang giấy vào và chôn lại. Đến lúc ông đi ngủ lại với bộ đồ ngủ lấm đất, trời đã hưng hửng sáng.

Có lẽ đó đã là lần cuối cùng nếu như không có một thực tế là cứ mỗi lần trông thấy bụi tú cầu của bà chủ nhà từ cửa sổ phòng mình, Litvinoff đều nhớ tới điều ông mong muốn quên đi. Khi mùa xuân tới, ông bắt đầu theo dõi bụi cây lòng đầy ám ảnh, phần nào trông đợi nó sẽ nở hoa cùng những thông tin về bí mật của ông. Một buổi chiều, với sự căng thẳng ghê gớm, ông theo dõi bà chủ nhà trồng vài cây tulip quanh gốc bụi tú cầu. Bất cứ lúc nào ông nhắm mắt để ngủ, những bông hoa trắng khổng lồ cũng sẽ xuất hiện trong đầu để khiêu khích ông. Mọi thứ chỉ ngày càng trở nên tồi tệ hơn, lương tâm ông mỗi lúc thêm dằn vặt, cho đến tận cái đêm trước ngày ông và Rosa lấy nhau và chuyển tới căn nhà nhỏ một tầng trên sườn núi, Litvinoff nhỏm dậy với cơ thể đầy mồ hôi lạnh, lách ra ngoài trời lúc nửa đêm, và vĩnh viễn đào toàn bộ gánh nặng của mình lên. Kể từ đó ông giữ nó trong một ngăn kéo của chiếc bàn của ông ở phòng viết căn nhà mới, khóa lại bằng một chiếc chìa ông nghĩ mình đã giấu đi.

Chúng tôi luôn dậy vào lúc năm hay sáu giờ sáng, Rosa viết ở khổ cuối của lời giới thiệu của bà dành cho lần in thứ hai và cũng là cuối cùng của Lịch sử tình yêu. Ông mất vào tháng Giêng nóng như đổ lửa. Tôi lăn chiếc giường của ông tới ô cửa sổ mở trên gác. Mặt trời xối những tia nắng xuống chúng tôi, ông bỏ chăn và cởi hết mọi thứ, làn da ông chuyển thành màu nâu nhờ ánh nắng do chúng tôi luôn làm như thế vào mọi buổi sáng, bởi cô y tá đến lúc tám giờ, và rồi ngày sẽ trở nên thật kinh khủng. Những câu hỏi về bệnh tình, vốn chẳng thú vị gì đối với bất kỳ ai trong hai chúng tôi. Zvi không đau đớn. Tôi hỏi ông, “Anh có đau không?” Và ông đáp, “Đời anh chưa bao giờ thấy thoải mái như bây giờ.” Và vào buổi sáng hôm đó, chúng tôi ngắm nhìn bầu trời, lúc ấy không mây và sáng rỡ. Zvi đã mở cuốn thơ Trung Hoa ông đang đọc, tới một bài thơ mà ông bảo là dành cho tôi. Nó có nhan đề, “Đừng rời bến.” Bài thơ rất ngắn. Bắt đầu là: “Đừng rời bến!/Mai gió sẽ lặng;/Và rồi anh có thể đi,/Và em sẽ không bận tâm về anh.” Vào buổi sáng ông qua đời, có một cơn gió dữ dội, một cơn gió mạnh trong vườn suốt cả đêm, nhưng khi tôi mở cửa sổ thì trời quang đãng. Không có cơn gió nào. Tôi quay lại và nói với ông. “Anh yêu, gió đã lặng!” Và ông ấy nói, “Thế thì anh có thể đi, và em sẽ không bận tâm về anh chứ?” Tôi nghĩ tim mình sắp ngừng đập. Nhưng đúng. Chỉ như thế.

Nhưng không chỉ như thế. Không thực sự thế. Đêm trước khi Litvinoff mất, khi mưa gõ vào mái nhà và chảy qua các khe thoát nước, ông gọi Rosa. Lúc ấy bà đang rửa bát đĩa, bà vội vàng tới bên ông. “Gì thế, anh yêu?” bà hỏi, đặt một bàn tay lên trán ông. Ông ho dữ đến mức bà nghĩ ông sắp khạc ra máu. Khi cơn ho qua, ông nói, “Có một điều anh muốn nói với em.” Bà chờ đợi, lắng nghe. “Anh…” ông bắt đầu, nhưng cơn ho trở lại, khiến người ông quặn vào. “Suỵt,” Rosa nói, đặt ngón tay lên môi ông. “Đừng nói.” Litvinoff cầm lấy tay bà và bóp chặt. “Anh cần nói,” ông nói, rồi cơ thể ông chịu nghe lời và yên lặng một lần. “Em không hiểu à?” ông nói. “Hiểu gì?” bà hỏi. Ông nhắm nghiền hai mắt rồi lại mở ra. Bà vẫn ở đó, nhìn ông với vẻ dịu dàng, săn sóc. Bà vỗ vào tay ông. “Em sẽ pha cho anh chút trà,” bà nói, đứng dậy bước đi. “Rosa!” ông gọi với theo. Bà quay lại. “Anh đã muốn em yêu anh,” ông thì thầm. Rosa nhìn ông. Với bà, ngay lúc ấy, ông dường như đứa con mà họ chưa bao giờ có. “Và em đã yêu anh,” bà nói, kéo thẳng lại cái chụp đèn. Rồi bà bước ra cửa rồi nhẹ nhàng khép nó lại sau lưng mình. Và thế là kết thúc cuộc nói chuyện.

Tưởng tượng đó là những lời cuối cùng của Litvinoff thì thật dễ. Nhưng không phải thế. Đêm khuya hôm ấy ông và Rosa nói chuyện về mưa, về đứa cháu trai của bà, về việc liệu bà có nên mua một cái lò nướng mới bởi chiếc cũ đã bị cháy hai lần. Nhưng không đề cập thêm gì tới Lịch sử tình yêu, hay tác giả của nó.

Nhiều năm trước, khi Lịch sử tình yêu được một nhà xuất bản nhỏ ở Santiago chấp nhận, biên tập viên đã có một số gợi ý, và do muốn được chấp nhận, Litvinoff đã cố gắng thực hiện những thay đổi theo yêu cầu. Đôi lúc ông thậm chí suýt có thể thuyết phục bản thân mình rằng điều ông đang làm không tồi tệ: Gursky đã chết, ít nhất rốt cuộc cuốn sách cũng sẽ được xuất bản và được đọc, chẳng phải là điều có ý nghĩa gì đó chăng? Trước câu hỏi chỉ để hỏi này, lương tâm ông trả lời bằng vẻ lạnh lùng. Tuyệt vọng, không biết làm gì khác, đêm đó ông cũng thực hiện một thay đổi mà biên tập viên đã không yêu cầu. Khóa trái cửa phòng viết, ông thò tay vào túi áo ngực và mở ra mảnh giấy ông đã mang theo mình suốt nhiều năm. Ông lấy ra một tờ giấy mới từ ngăn kéo bàn mình. Ở trên cùng ông viết, CHƯƠNG 39: CÁI CHẾT CỦA LEOPOLD GURSKY. Rồi ông chép lại trang ấy hết từng từ, và bằng tất cả khả năng của mình, dịch nó sang tiếng Tây Ban Nha.

Khi biên tập viên nhận được bản thảo, ông ta viết cho Litvinoff. Ông nghĩ gì khi thêm vào chương cuối mới? Tôi sẽ loại nó - nó không liên quan tới bất kỳ điều gì. Lúc ấy nước triều thấp, Litvinoff ngước mắt rời khỏi bức thư và ngắm những con mòng biển đánh nhau vì thứ gì đó chúng đã tìm thấy trên triền đá. Nếu ông làm thế, ông viết trả lời, tôi sẽ rút lại cuốn sách. Một ngày trôi qua trong yên lặng. Vì Chúa! là hồi âm của tay biên tập viên. Đừng có tự ái thế. Litvinoff lấy bút mình ra khỏi túi áo. Đây không phải chuyện có thể thương lượng, ông viết đáp lại.

Đó là lý do vì sao, khi cuối cùng mưa ngớt vào sáng hôm sau đó, và Litvinoff ra đi nhẹ nhàng trên chiếc giường chan hòa ánh nắng của mình, ông không mang bí mật đi theo. Hoặc không mang theo toàn bộ. Tất cả những gì bất kỳ ai phải làm là lật tới trang cuối cùng, họ sẽ thấy, in bằng hai màu đen và trắng, tên của tác giả thật của Lịch sử tình yêu.

Trong hai người, Rosa giỏi giữ bí mật hơn. Chẳng hạn bà chẳng bao giờ nói với ai về lần bà trông thấy mẹ mình hôn viên đại sứ Bồ Đào Nha ở một bữa tiệc trong vườn do bác bà tổ chức. Hay lần bà trông thấy cô hầu gái thả chiếc dây chuyền vàng của chị gái bà vào túi chiếc tạp dề của cô ta. Hay chuyện cậu em họ Alfonso của bà - được các cô gái cực kỳ hâm mộ nhờ có đôi mắt xanh và cặp môi đầy đặn - lại thích con trai hơn con gái, hay việc cha bà phải chịu những cơn đau đầu khiến ông phát khóc. Thế nên có lẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi bà không bao giờ nói với ai về lá thư đề gửi Litvinoff được chuyển tới vài tháng sau khi xuất bản Lịch sử tình yêu. Nó đóng dấu gửi từ bưu điện ở Mỹ, Rosa cho rằng đó là thư từ chối muộn mằn của một trong số các nhà xuất bản ở New York. Muốn bảo vệ Litvinoff khỏi bất kỳ tổn thương nào, bà đã thả bức thư vào ngăn kéo và quên nó đi. Vài tháng sau, khi tìm một địa chỉ, bà lại thấy nó và mở ra. Bà ngạc nhiên khi thấy lá thư viết bằng tiếng Yiddish. Zvi thân mến, thư bắt đầu. Đừng đau tim nhé, tớ sẽ bắt đầu bằng cách nói rằng bạn cũ Leo Gursky của cậu đây. Có lẽ cậu ngạc nhiên rằng tớ còn sống, mà đôi khi chính tớ cũng ngạc nhiên đấy. Tớ viết từ New York, nơi tớ sống hiện nay. Tớ không biết liệu lá thư này có tới được cậu hay không. Vài năm trước tớ gửi một lá thư tới địa chỉ duy nhất của cậu mà tớ có, nó bị gửi trả lại. Việc rốt cuộc tớ tìm được địa chỉ này như thế nào là cả một câu chuyện dài. Dù sao cũng có rất nhiều điều để nói, nhưng nói trong một lá thư thì quá khó. Tớ hy vọng cậu khỏe và hạnh phúc, có cuộc sống tốt. Tất nhiên tớ luôn tự hỏi liệu cậu có giữ cái gói tớ đã đưa cho cậu lần cuối cùng bọn mình gặp nhau hay không. Trong đó là cuốn sách tớ viết khi cậu biết tớ ở Minsk. Nếu cậu giữ nó, cậu có thể làm ơn gửi nó lại cho tớ được không? Bây giờ nó không có giá trị với ai trừ tớ. Gửi tới cậu cái ôm thắm thiết, L.G.

Dần dần sự thật trở nên rõ ràng với Rosa: một chuyện kinh khủng đã xảy ra. Nó rất lạ lùng, thực sự thế; chỉ nghĩ đến chuyện ấy cũng khiến bụng bà nôn nao. Và bà phần nào cảm thấy tội lỗi. Giờ bà đã nhớ ra cái ngày bà phát hiện thấy chiếc chìa khóa ngăn kéo bàn ông, mở nó ra, tìm thấy một đống trang viết bẩn thỉu bằng chữ viết tay của người nào đó bà không thể nhận ra, và chọn cách không hỏi. Litvinoff đã nói dối bà, đúng vậy. Nhưng, với một cảm giác thật khủng khiếp, bà nhớ lại mình đã thế nào khi chính bà là người khăng khăng rằng ông phải xuất bản cuốn sách ấy. Ông đã tranh cãi với bà, nói rằng chuyện quá mang tính cá nhân, một chuyện riêng tư, nhưng bà cứ thúc và thúc, làm nhũn dần sự kháng cự của ông cho tận tới khi rốt cuộc ông đầu hàng và đồng ý. Bởi chẳng phải đó là điều những bà vợ của các văn nghệ sĩ cần làm sao? Đưa tác phẩm của chồng mình ra với thế giới, nơi mà nếu không có những tác phẩm ấy thì sẽ trở nên tăm tối?

Khi cơn sốc đã qua, Rosa xé tan bức thư, ném vào bồn cầu và giật nước. Rất nhanh, bà nghĩ về việc cần làm. Bà ngồi xuống chiếc bàn nhỏ trong bếp, lấy ra một trang trong tập giấy trắng rồi viết: Thưa ông Gursky, tôi rất lấy làm tiếc khi phải nói rằng chồng tôi, Zvi, quá ốm nên không thể tự hồi âm cho ông. Tuy nhiên ông ấy quá vui mừng khi nhận được thư của ông và biết rằng ông vẫn còn sống. Đáng buồn là bản thảo của ông đã hỏng hết khi nhà chúng tôi bị ngập. Tôi hy vọng ông có thể tìm ra cách tha thứ cho chúng tôi.

Hôm sau bà gói đồ chuẩn bị đi picnic và bảo Litvinoff rằng họ sẽ có một chuyến lên núi. Sau sự phấn khích quanh tác phẩm mới được xuất bản của ông, bà bảo ông, ông cần nghỉ ngơi. Bà theo dõi sát việc chuyển các đồ cần thiết vào xe. Khi Litvinoff khởi động máy, Rosa vỗ vào trán. “Em suýt quên túi dâu,” bà nói, rồi chạy trở vào nhà.

Trong nhà, bà đi thẳng vào phòng viết của Litvinoff, gỡ chiếc chìa khóa nhỏ được gắn bằng băng dính ở mặt dưới chiếc bàn của ông, tra nó vào ngăn kéo và lấy ra một tập trang viết cong queo, bẩn thỉu, bốc mùi mốc. Bà đặt chúng xuống sàn. Rồi, để chắc chắn hơn, bà lấy bản thảo tiếng Yiddish bằng chữ viết tay đầy đủ của Litvinoff từ một ngăn giá cao xuống đặt vào ngăn giá gần dưới cùng. Trên đường ra, bà mở vòi nước chậu rửa và bít lỗ thoát lại. Bà ngừng lại để theo dõi nước chảy vào chậu cho tới khi nước bắt đầu tràn ra. Rồi bà khép cánh cửa phòng viết của chồng lại sau lưng, giật lấy giỏ dâu trên chiếc bàn ngoài hành lang, rồi vội vã chạy ra xe.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/29531


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận