Một chiều chủ nhật tôi được gọi ngồi mẫu cho một khách, chỉ có một người thôi. Cô Tâm cho tôi biết là khách trả tiền để nhìn và vuốt ve tôi, chỉ vậy thôi. Cô chưa để cho ai đi quá giới hạn đó, vì tôi không muốn. Cô đã hứa không bắt tôi chịu đựng những gì tôi không muốn, và nói thêm rằng cô muốn giữ tiết trinh cho tôi. Khách vẫn sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để ngắm nhìn một trinh nữ. Cô nói rằng những người đàn ông lịch lãm nhìn màu của đầu ngực, đường cong của hông và biết rằng đứa con gái có còn trinh trắng hay không.
Buổi làm việc diễn ra như mọi ngày khác. Tôi nằm nghiêng, chân duỗi dài trên một chiếc đi văng. Một miếng vải đen quấn ngang đôi mắt và cả miệng tôi, còn hai cổ chân thì buộc vào nhau bằng một dải lụa hồng. Khách ngồi uống rượu ngắm tôi một mình. Lâu sau, ông ấy mới vuốt ve thân thể tôi bằng một tay, vì tay kia ông ta cầm ly rượu. Trong những phút như lúc này, nếu tôi không mơ màng ở vùng biên giới của giấc ngủ, tôi đã quen nghĩ tới một chuyện nào đó ở một nơi nào khác, vào một ngày nào khác. Nhưng hôm đó, khi bàn tay người khách bắt đầu chạm tới vai và mới đi xuống nửa đường lưng, tôi đã bắt đầu cảm thấy bất an. Bàn tay chậm chạp như nó đang thưởng lãm làn da một cách bình tĩnh, nhưng thực ra nó hơi lo âu và tàn tệ. Tôi không biết làn da tôi nhận ra sự thiếu kiểm soát của người đàn ông như thế nào, nhưng tôi đã cảm thấy sự hiểm nguy sắp xảy đến. Tôi nghe thấy tiếng thở bồn chồn của ông ấy, và mọi thứ càng lúc càng như tiến dần đến một biến cố không tránh được.
Tôi nghe tiếng ông khách làm rơi ly rượu xuống sàn nhà có trải thảm, dù thảm êm cái ly cũng vỡ ra vì thủy tinh rất mỏng. Ông khách ôm ngang hông tôi, úp mặt vào bụng tôi và với tay xuống phía chân mở cái nơ của dải lụa màu hồng đang buộc hai cổ chân tôi vào nhau. Tôi co đầu gối, gập lưng lại để lùi bụng tôi khỏi mặt ông. Mắt, miệng tôi vẫn còn bị bịt, tôi không la được, hai cổ tay tôi vẫn còn bị buộc vào nhau. Ông khách dằn tôi xuống và cố mở hai chân tôi ra. Tôi vùng vẫy bằng tất cả sức lực. Ông ta nắm tóc tôi kéo ngược ra phía sau để tôi bớt vùng vẫy. Tôi thấy đau ở cổ nhiều hơn nơi chân tóc. Tôi biết nếu khách làm quá những điều đã thỏa thuận, những người làm của cô Tâm sẽ vào cứu tôi. Họ luôn luôn ở đâu đó trong một gian phòng bên cạnh để trông chừng và can thiệp khi có chuyện khác thường. Ý nghĩ đó làm tôi an tâm đôi chút. Tôi cố khép chân và co hai đầu gối lên bụng, cố tuột người khỏi vòng ôm của ông khách, một phút nữa, ba mươi giây nữa thôi là người làm của cô Tâm sẽ tràn vào phòng.
Nhưng họ không vào, không bao giờ vào. Tôi không có đủ sức lực để trườn ra khỏi chỗ tôi nằm bên dưới người ông khách. Nỗi tuyệt vọng và sợ hãi tràn xuống từ đó, thôi chắc không có cách gì gìn giữ được tấm thân. Tôi bớt vùng vẫy, ông khách không buông tôi, nhưng ông chậm lại bớt, vì ông nghĩ tôi đã qui phục. Ông bắt đầu vuốt ve má tôi, rồi chiếc cổ, rồi bờ vai, tay ông đã chạm tới linh thiêng và nhục nhằn của đời con gái. Lúc đó chợt cúp điện, tôi biết vậy vì tôi nghe tiếng chiếc máy lạnh tắt. Ông khách buông một tiếng chửi thề rồi ngồi đứng dậy. Nửa phút sau tôi nghe tiếng bật lửa. Ông khách loay hoay một lúc. Tôi biết trong phòng còn những cây nến để lại từ những cuộc chơi trước. Tôi biết ông đang châm nến, rồi tìm chỗ cắm cây nến xuống một nơi nào đó.
Ông cầm chai rượu quay lại với tôi. Bây giờ tôi đã biết rằng sẽ không có ai cứu tôi, cô Tâm đã bán tôi rồi. Sự tuyệt vọng lấy đi chút sức lực cuối cùng, tôi không biết cách nào để vùng vẫy tự cứu mình nữa. Tôi chống chọi ít hơn. Bây giờ ông khách bắt đầu lại một cách chậm rãi, thỉnh thoảng lại ngưng để uống rượu. Máy lạnh tắt rồi, căn phòng càng lúc càng nóng. Và ông khách càng lúc càng mê muội tàn tệ hơn.
Sự tàn bạo cuối cùng đang đến, tôi cắn môi chờ nhận lấy vết đâm đau thương nhất một đời. Tôi muốn ngất đi, không thở được. Trong phút đó, giây đó, tôi chợt biết là căn phòng chợt bừng sáng lên. Không khí nóng hừng hực. Ông khách cuống cuồng buông tôi ra. Căn nhà đang bốc cháy.
Tôi thức dậy trong căn hộ nhỏ trên tầng cao tôi thuê cho riêng mình, trong bộ quần áo ngủ tôi vẫn thường mặc. Trên chiếc bàn nhỏ ở cạnh giường vẫn có ly nước lọc tôi mang vào phòng hàng đêm khi đi ngủ. Tôi không biết đêm ấy ai đã mở dây trói tay cho tôi. Tôi không nhớ rõ lắm mình đã mặc quần áo vào như thế nào và chạy khỏi căn phòng có lửa như thế nào. Hình như tôi đi bộ một đoạn đường xa, vừa đi vừa khóc. Đêm rất khuya. Có nhiều người chạy xe máy kè theo mời tôi lên xe. Có thể họ là khách chơi đi kiếm gái, có thể họ chỉ chạy xe ôm. Tôi không nhớ mình lên taxi lúc nào, như thế nào, chỉ nhớ khi về đến nhà tôi không có đồng nào để trả. Ông tài xế nói cô đi xe phải trả tiền chớ, đi chùa tụi tui lấy gì nộp cho hãng, lấy gì mua cơm ăn. Tôi nói bác chờ một chút, cháu chạy nhanh lên nhà lấy tiền mang xuống. Khi tôi xuống, chiếc xe chạy đi mất rồi. Ông ấy không tin lời tôi nói. Không biết vì sao một chuyện nhỏ như vậy trong một cơn bão cũng làm cho tôi thấy buồn. Một nỗi buồn mang mang thêm vào trong một nỗi buồn lớn. Thành phố lạnh tanh vì không có một ai tôi có thể tin. Người duy nhất tôi gặp, ông tài xế taxi, cũng không tin tôi.
Tôi không muốn ra khỏi nhà, không bao giờ còn muốn ra khỏi nhà nữa. Tôi còn gạo và mì gói, cũng đủ sống một số ngày. Tôi nấu cháo ăn. Chiếc điện thoại di động đã mất rồi. Tôi tháo dây điện thoại bàn, lấy một chai nước lọc đặt bên cạnh giường, rồi đi ngủ.
Tôi ngủ. Mỗi khi thức giấc, mỗi khi nhớ lại cuộc đời mình đang sống, tôi ước gì cuộc đời ấy ngưng lại, đừng có chuyện gì xảy ra nữa. Tôi không muốn tự tử, chỉ muốn bỏ đi một ngày, một nghìn ngày, một vạn ngày. Tôi muốn ở một nơi không có thời gian, không có tiếng động, không có đàn bà và đàn ông. Tôi muốn ngủ, chỉ ngủ thôi. Ở giữa những giấc ngủ tôi không làm gì khác ngoài nằm chờ giấc ngủ trở lại.
Tôi không biết khi tôi ngủ, linh hồn tôi lắng xuống - chết một cái chết hững hờ - hay lặng lờ trôi qua những vùng đất tối nào tôi không biết. Có đôi lần tôi tưởng như tôi đánh mất sự liên lạc của ý thức, có những khi thức giấc tôi không biết tên mình. Tôi nằm nhớ lại ngày hôm trước, nhớ lại những câu chuyện, nhớ lại nỗi buồn dở dang mà tôi đã đặt qua một bên khi nhắm mắt ngủ. Về lại với đoạn nối tiếp, nhớ lại những cảm giác của mình, tôi nhớ lại mình là ai, biết mình vẫn còn đó. Điều đó đủ làm cho tôi buồn kinh khủng. Tôi nhớ lại câu chuyện của tôi, nhưng câu chuyện đó không liền lạc. Có những khoảng tối chen vào giữa, những câu chuyện, những kinh nghiệm không có tiếng nói và không len được vào trí nhớ, nhưng chúng vẫn có đó. Những câu chuyện nằm trong vùng đất tối có còn là của tôi hay không? Tôi không biết.
Tôi không thiết những câu chuyện ban ngày. Tôi nằm nhớ lại giấc chiêm bao tôi thấy vào đêm qua và vào đêm trước, đêm qua và một đêm trước đó và vào muôn nghìn đêm trước đêm ấy nữa. Những giấc mộng như những chiếc lá rừng rơi xuống mặt đất ẩm ướt, chồng chất lên nhau. Những giấc mơ mới như những chiếc lá vừa rơi còn nửa xanh nửa vàng phủ lên trên những chiếc lá bên dưới, càng xuống sâu càng ẩm mục và ở một tầng nào đó đã mang màu của đất, đã một nửa biến thành đất nơi chúng đã rơi xuống. Khi nhớ lại những giấc mộng tôi không nhớ câu chuyện nào nằm trong giấc mộng nào, những đường ranh giữa giấc mộng này và giấc mộng kia đã tan đi những chiếc lá mục đã tan vào nhau vào những ngày trở về đất. Dường như có một sợi dây, một sự mạch lạc nào đó trong những câu chuyện trong mơ, dù khi tôi nhớ về chúng, chúng chỉ là những mẩu chuyện chập chờn, vô lý và rời rạc. Tôi cũng không nhớ những câu chuyện trong những giấc mộng đến với tôi bằng hình ảnh, bằng lời lẽ, hay bằng một thứ nhận thức huyền hoặc nào tôi không đặt được tên. Những giấc mơ không muốn nói với tôi điều gì, chúng không màng tới thứ ngôn ngữ mà tôi hiểu. Nhưng chúng có đó, chúng là ánh sáng hắt ra từ những khung cửa sổ của một gian phòng, một gian phòng của một thế giới khác. Tôi không biết tôi ở trong thế giới đó hay thế giới đó ở trong tôi.
Trong một giấc mơ, tôi đang đi trên phố hay một con đường làng, đường tôi đi có bóng cây và một chút gió, trong ánh nắng lại có lất phất vài hạt mưa mỏng. Bỗng có một hình người làm bằng nắng ở trước mặt tôi, một đứa con gái làm bằng ánh sáng lung linh nhưng tóc lại ướt vì cơn mưa trong nắng. Nó chập chờn ở phía trước, thỉnh thoảng lại quay người lại nhìn tôi. Nó cầm một cây que. Nó vạch xuống mặt đường một lằn gạch, nó chạy – hoặc là bay - về phía trước, kéo dài lằn gạch ra ngun ngút đến chân trời. Nó đã vạch một lằn ranh chia thành phố làm hai bên. Tôi không biết bên nào là phía của sự sống và bên nào là xứ chết, tôi chỉ biết mình đang đi trên cái lằn đứa con gái đang vừa cười vừa vạch ra, tôi đi trên đường biên giới. Ở một nơi tôi nghe có tiếng người nhưng khi đến gần thì hình như đó là tiếng đập cánh của một bầy chim lạ. Tôi đi vào giữa bầy chim đang tìm chỗ ngủ đêm trên một bãi đất tối. Đó là lúc ý thức tôi bị một thứ mực loãng nhuộm tím và dần tắt đi. Điều là lạ chính tôi là người biết rằng mình không còn ở đó nữa. Tôi nhớ từng hình ảnh dù chúng rất mông lung. Tôi nhớ cảm xúc của mình trong giấc mơ. Hình như cũng có một câu chuyện, nhưng mọi ý nghĩa đều ở quá xa, hoặc là không có ý nghĩa nào cả.
Tôi không thể trốn mãi vào bên trong những bức tường của những giấc chiêm bao lênh đênh chập chờn. Tôi phải dậy, nếu nằm mãi, tôi sẽ chết trong khi ý thức mình lãng đãng ở một nơi không có mặt đất, đường đi. Tôi sẽ đến trường. Trên đường về nhà tôi sẽ ghé đâu đó mua một chiếc áo mới, nước gội đầu, vài ba đĩa hát, một quyển sách.
Tôi dậy lúc bốn giờ sáng. Tôi mang bài ở trường ra đọc. Sáu giờ tôi nấu nước sôi đổ vào bát mì gói và đậy bát lại. Tôi bưng bát mì lên bàn học. Tôi dỡ cái đĩa úp trên miệng bát ra. Một ít khói bay lên. Tôi nhìn chút hơi nước đó. Tất cả hơi ấm của đời này còn lại bấy nhiêu, một chút nữa nó sẽ tan đi. Tôi nhớ mẹ. Tôi cô đơn, nhưng ý nghĩ đó chợt trở nên nhỏ nhoi, vì tôi linh cảm nỗi cô đơn của mỗi người đàn bà trong dòng máu chúng tôi sẽ còn mênh mông hơn nhiều, giống như một đại dương. Tôi chỉ mới nghe tiếng gió biển thổi vào đất liền, chứ chưa thực sự ra khơi.
Khi nhớ lại đêm ấy ở Muôn Hoa, tôi nhớ mình đã trườn người ra khỏi hai cánh tay của ông khách, ngồi dậy và đi đến chiếc bàn nhỏ đặt ở cạnh cửa sổ. Tôi nhìn cây nến ông khách đã cắm vội nghiêng nghiêng trên mặt bàn. Tôi ngắm nó một lúc rồi đưa tay hất nó xuống đất. Nó vướng vào bức màn nên rơi rất nhẹ nhàng, nó chạm đất không có tiếng động. Bên trong bức màn nhung có một lớp màn bằng vải voan mỏng mơ màng và dễ bắt lửa. Một lúc sau khi lửa đã nhen rồi tấm màn nhung cũng nhập vào đó, rồi khung cửa bằng gỗ, thảm bằng len… Ngọn lửa ban đầu ngập ngừng loáng thoáng, trong đôi phút đã bừng bừng đam mê. Tôi ngắm lửa một lúc, rồi bỏ đi.
Nhưng tôi cũng nhớ bằng cùng một trí nhớ về cùng một biến cố đó, rằng tôi đã nằm tuyệt vọng dưới thân thể to lớn của người đàn ông, trong hai cánh tay bằng sắt của ông ta. Tôi nhớ lại nỗi kinh hoàng, cơn nghẹn ngào uất ức người đàn bà đã bán tôi cho khách trong lúc mắt tôi bị bịt và tay tôi bị trói. Tôi không biết gì về cây nến đổ, không hề biết căn nhà sắp cháy. Làm sao tôi có thể vừa nằm đó, bị kềm chế, không thở được, không nấc được, vừa đứng dậy gạt đổ cây nến trên bàn? Có lẽ trong nỗi sợ sát sao cái chết, một phần ý thức tôi đã bước ra ngoài thân thể. Tôi tưởng tượng mình có thể đi lại được trong phòng và nhìn thấy mọi thứ. Rồi điều tôi tưởng tượng trở thành ký ức, trở thành một thứ sự thật trong tâm tưởng.
Nhưng ai đã hất cây nến xuống đất?