Ông tôi bảo cây đó là chim ăn rơi hạt mọc lên mà thành, chứ giống ổi thóc quả to cũng chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái người lớn một chút chẳng ai trồng cho chật đất cả.
Nhưng tôi không nghĩ thế. Cây ổi với tôi rất quan trọng. Nó là niềm yêu thích của tôi. Giả như không có cây ổi thì tôi vẫn có thể chơi đủ trò của trẻ con, nhưng sẽ thiếu đi một màn đặc sắc là leo trèo và hái quả trong vườn nhà. Giống ổi thóc tuy nhỏ nhưng đặc biệt thơm ngon. Quả lúc chín vàng ươm màu rơm mới, ruột đỏ hồng và ngọt lựng, chỉ cần có cơn gió thoảng qua là khắp khu vườn đã dậy mùi hương.
Nhưng họa hoằn lắm mới có lần ổi chín, bởi tôi và lũ trẻ trong xóm luôn không ngừng háo hức mỗi khi mùa ổi về. Ngày ngày chúng tôi đều ra thăm nom, thấy quả nào da bắt đầu nhạt màu, bấm móng tay đã ăn sâu vào lớp vò là chúng tôi hái. Ổi ương giòn giòn ngọt dịu, ăn hoài không chán. Thằng Lộc Lốt thường tị nạnh với tôi:
- Nhà mày đất rộng nhiều cây ăn quả ghê, chả bù cho nhà tao có mỗi cái vườn bé tí.
Mẹ thằng Lộc, cô Lốt làm nghề bán bún. Cái vườn bé tí nhà thằng Lộc nhắc đến có mỗi một cây mít còi, dăm lần mười họa mới ra được vài quả cũng quắt queo y chang nó vậy. Nhưng nhà nó không chặt đi bởi cô Lốt có căng dưới gốc cây mít một tấm bạt nhỏ để làm chỗ xay bún. Méo mó có hơn không, dù sao cây mít cũng còn tán lá che chở nắng mưa, bảo đảm cho tuổi thọ của tấm bạt kia dài hơn tí chút. Tôi đã từng theo sang nhà thằng Lộc, ngồi bệt xuống gốc cây mít ấy tròn xoe mắt xem mẹ nó làm bún. Gạo ngâm được cô Lốt đổ vào cái cối tròn tròn, xay nhuyễn cùng với nước. Dòng bột gạo trắng đục mịn màng chảy xuống một cái xô lớn, nhanh chậm theo nhịp tay cô, sóng sánh và hấp dẫn tựa như những ly sữa đặc có đường mà mẹ vẫn pha cho tôi.
- Ê mày, làm gì mà cứ há mồm ra thế hả?
Thằng Lộc huých cùi chỏ vào sườn tôi đau điếng. Nó chẳng thèm nể nang tôi là con gái gì cả. Tôi ngậm miệng lại, lấy tay áo quệt quệt qua.
- Tự dưng tao lại thèm uống sữa.
Nó nhăn nhó nhìn tôi.
- Chậc, sang thế mày, giờ này tự dưng thèm uống sữa.
Nhưng rất nhanh, ánh mắt nó sáng lên.
- Tao có cái này, bào đảm ngon ngang sữa.
Tôi vẫn đang ngơ ngác nhìn nó thì nó đã chạy tọt vào trong nhà, rồi sau đó bê ra một rá gạo.
- Mẹ, con nấu cơm nha.
- Hôm nay trời mưa hay sao mà chăm chỉ đột xuất thế?
Cô Lốt ngừng xay, quay lại thắc mắc. Nhưng thấy thằng Lộc chẳng có biểu hiện gì nghịch ngợm nên lại tiếp tục công việc với những vòng quay đều đặn.
Thằng Lộc nhóm bếp. Những cọng rạ khô cong nhanh chóng bắt lửa, bừng lên một thứ ánh sáng yên vui. Hai cái bóng nhỏ của chúng tôi hắt lên trên tường bếp. Chúng tôi thi nhau lấy tay làm hình con chim, con thỏ in trên vách bếp. Thằng Lộc vừa chơi, vừa rút rạ gẩy vào bếp. Đến lúc chúng tôi hơi chán trò đó thì nồi cơm cũng bắt đầu lục ục sôi. Thằng Lộc nhón lấy cái giẻ góc bếp, nhấc vung ra. Khói trắng bóng rẫy tỏa ra nghi ngút.
- Mày cho nhiều nước thế, cơm nát ra bây giờ.
Tôi sửng sốt kêu lên khi thấy nồi cơm lõng bõng những nước, nhưng thằng Lộc tỏ bộ rất điềm nhiên.
- Xùy, mày không phải lo.
Nói rồi, nó nhanh tay gạn phần nước trong nồi cơm ra cái bát tô đặt bên cạnh. Nước trong nồi đã còn lại vừa đủ.
- Mày chưa uống thế này bao giờ à? Bây giờ tao bỏ ít đường vào đây, quấy lên, đảm bảo uống ngon không kém gì sữa.
Nó đảo qua đảo lại bát nước cho tan đường rồi đưa cho tôi. Tôi chưa bao giờ được nếm thử một món lạ lùng như vậy.
- Nhỡ may đau bụng thì sao?
Tôi lưỡng lự. Thằng Lộc hừ một tiếng rồi đưa bát lên húp một hơi cạn gần một nửa.
- Tao cho uống trước không uống lại còn vẽ chuyện. Tao uống bao nhiêu lần rồi, có lần nào bị làm sao đâu.
Tôi đón lấy bát nước gạo trắng đục từ tay thằng Lộc. Trông nó có vẻ cũng na ná sữa, mùi cũng rất thơm. Liếc nhìn thằng Lộc, thấy ánh mắt nó đầy tin tưởng, tôi cũng tò mò, uống thử một ngụm. Tôi không nhớ rõ vị “sữa” tự chế ấy của thằng Lộc như thế nào, chỉ mang máng rằng nó cũng khá ngon và tôi đã một hơi cạn sạch.
- Lần sau bà tao nấu cơm, tao cũng bảo bà tao làm như thế này.
Tôi toe toét cười. Thằng Lộc gật gật đầu, tỏ ý hài lòng lắm.
- Thế là mày khỏi phải chảy dãi ướt áo nữa rồi.
Tôi ngượng chín mặt, âm thầm ngẫm nghĩ cách trả đũa. Mãi khi ra đến cổng nhà nó, tôi mới nhớ ra cái tật hiếm hoi của nó lúc đông về. Tôi gào to:
- Còn hơn là cái đồ lớn rồi vẫn thò lò mũi xanh.
Chúng tôi lại trở về gốc ổi thóc trong vườn nhà.
Trò vặt ổi và nỗi trông ngóng những trái ổi thơm ngon luôn khiển chúng tôi mê mải không ngừng. Lũ trẻ con đứng dưới hò hét khi thằng Lộc trèo lên cây hái quả. Chúng nó chỉ trỏ chỗ này, chỗ kia cho thằng Lộc biết đường vạch lá tìm vặt quả ngon. Tôi giơ cái nón lá trắng phau mới mua của mẹ ra hứng ổi, ngước lên nhìn thằng Lộc trên tán cây cao. Những quả ổi lộp độp rơi vào nón lá. Bẵng đi vài hôm với trò thả diều, không ngờ cây ổi thóc lại mau chín, ương đến thế.
“Rắc”.
Tiếng cành cây gãy, điều mà chẳng đứa nào trong số chúng tôi lường đến. Thằng Lộc rơi từ trên cây xuống y hệt như cách rụng của những trái ổi vàng thơm. Thằng Lộc lồm ngồm ngồi dậy, nhưng nó lại nằm đuỗn ra, mặt nhăn nhó. Lũ trẻ con nháo nhào chạy đi gọi cô Lốt, chúng nó làm loạn cả xóm với tràng âm thanh vang rền.
- Cô Lốt ơi thằng Lộc trèo ổi bị gẫy chân rồi.
Tôi buông nón chạy đến chỗ thằng Lộc, chẳng màng đến những quả ổi thóc lăn lóc trên nền đất. Tôi hốt hoảng và mếu máo:
- Mày có sao không Lộc ơi!?
Thằng Lộc mím môi lắc đầu. Tôi thấy gương mặt nó tái đi vì đau, nhưng nó không kêu lấy một tiếng. Đúng là thằng Lộc Lốt lì lợm bạn tôi.
Nó bị gãy chân thật. Bàn chân nó bó bột trắng phau. Nó phải nghỉ học một tuần, rồi sau đó mẹ nó đưa nó đến trường với cái chân bó bột cà nhắc. Lũ trẻ con trong xóm đến hỏi thăm nó, mặt đứa nào đứa nấy lấm lét như đi ăn trộm. Chúng tôi đều sợ cô Lốt, người đàn bà to béo thường thét ra lửa. Cô có lừ chúng tôi, nhưng giọng không đến nỗi đáng sợ như mỗi khi cô quát chú Lợi - chồng cô.
- Chúng mày còn nghịch ngợm leo trèo nữa, cẩn thận lại ra như thằng Lộc đấy.
Chúng tôi im re, chẳng dám nói gì. Chúng tôi đặt những trái ổi thóc thơm lừng lên chiếc bàn cạnh đầu giường nó rồi lần lượt ra về. Tôi ngoảnh lại nhìn nó một lát, thấy nó nhe răng ra cười với tôi rồi lập tức ngậm miệng làm bộ hình sự khi mẹ nó quay lại. Cô Lốt ngán ngẩm thở dài:
- Con với chả cái.
Hôm đó tôi cũng bị mẹ tét nát mông vì cái tội mang chiếc nón mới của mẹ ra hứng ổi. Nhưng cái nỗi buồn đau con con của tôi so với nỗi đau đớn mà thằng Lộc phải chịu chẳng thấm tháp gì nên tôi chẳng rấm rứt chui vào xó nhà khóc như mọi khi nữa. Tôi ngó ra góc vườn nhà tôi, buồn bã nhìn cành ổi thóc bị gãy, nằm ép rẹp vào cây.
Rồi lại một mùa ổi thóc.
Thằng Lộc bùi ngùi đứng dưới gốc cây ổi nhà tôi. Nó chìa cho tôi mấy quả ổi vừa xanh vừa vàng.
- Mày ăn đi.
- Thôi, mày ăn đi. Không rồi đi Quảng Ninh thì làm gì còn ổi thóc mà ăn nữa.
Tôi nguây nguẩy lắc đầu. Nó không nói gì, ánh mắt thoáng buồn vệt một đường màu trời xanh thẫm.
Nhà nó chuyển ra Quảng Ninh sống. Bố nó bảo ở đó làm ăn thuận lợi hơn. Thủ tục chuyển trường của nó cũng đều đã xong xuôi. Lũ trẻ con xóm tôi, mặt đứa nào cũng buồn xo khi nghe cái tin ấy. Thằng Lộc tuy còi người nhưng nó rất chín chắn, lại thường nhường nhịn chúng tôi và giỏi đủ trò, nên nó đi, đứa nào cũng tiếc.
Chúng tôi tổ chức một “bữa tiệc” chia tay nho nhỏ dưới gốc ổi. Nhà đứa nào có gì thì góp cái đó. Miến “Lè” thì góp trứng gà xanh; Tấn “Đen”, Tấn “Trắng” thì góp mấy quả khế ngọt; Sang “Sói”, Phương “Ồm” thì mang dăm ba củ khoai lang nướng. Tôi thì đương nhiên góp ổi thóc. Còn thằng Lộc rút từ trong túi mấy cái kẹo lạc. Nó đặt lên tấm nilon trước mặt thẽ thọt:
- Quà của bố tao cho.
Nhưng chúng tôi chẳng đứa nào buồn ăn. Trong cái suy nghĩ non nớt trẻ thơ của chúng tôi lại bỗng nhiên cảm thấy ghét bố thằng Lộc. Chú ấy đang dưng nói cả nhà chuyển đi làm gì. Chú ấy chuyển đi thì cứ chuyển, cớ gì phải đem theo cả thằng Lộc của chúng tôi theo?
Sáu đứa trẻ cứ ngồi trơ ì ra như thế. Mỗi đứa nghệt mặt một ý nghĩ. Nhưng chắc đứa nào cũng đang nghĩ về những trò vui đầy đủ “quân”. Giờ thằng Lộc đi rồi, mỗi lần chơi trò diễn kịch sẽ thiếu đi một “diễn viên” mỗi lần dựng lều lá chuối sẽ thiếu đi một “công nhân” và mỗi lần trèo ổi, trèo na sẽ mất đi một người xông xáo.
Thằng Lộc dúi kẹo lạc vào tay từng đứa một. Chắc nó hiểu chúng tôi đang oán trách bố nó lắm. Nó cũng đã từng úp mặt vào gối khóc lóc không chịu dời đi. Nhưng rồi chúng tôi cũng phải hiểu rằng, cuộc sống này tất yếu phải có những cuộc rời xa như thế.
Chúng tôi ngậm ngùi tiễn thằng bạn lên đường. Những cái bóng nhỏ tí xíu đổ trên nền đường còn âm ẩm sau cơn mưa rào đầu hạ.
Thằng Lộc thò cổ ra khỏi xe ô tô vẫy chào chúng tôi.
- Rồi nghỉ hè tao lại về chơi với chúng mày.
Chúng tôi cũng vẫy chào lại nó rối rít. Đứa nào cũng cố gân cổ gào thật to với theo chiếc xe khách đang ngày một xa dần.
- Nhớ về với chúng tao nghe mày.
Đã bao nhiêu mùa ổi thóc nữa.
Thằng Lộc không trở về. Gia đình nó còn có mấy ai thân thích ở đây đâu mà về nữa. Chắc nó cũng muốn giữ lời hứa với chúng tôi, nhưng hoàn cảnh không cho phép, nên chúng tôi cũng chẳng đứa nào trách nó. Thằng Lộc đã rời xa khỏi tuổi thơ chúng tôi như thế. Ký ức tuổi thơ mơ hồ như những áng mây bay.
Chỉ khi thỉnh thoảng nhìn lên cây ổi thóc trong vườn, thấy vết tích của cành cây gãy, chúng tôi lại nhìn nhau bùi ngùi nhớ đến những kỷ niệm thơ bé bên người bạn láu lỉnh đáng yêu năm nào.
Ổi thóc trong vườn lại khe khẽ thơm hương.