Nắng Vỡ Truyện ngắn 11


Truyện ngắn 11
Cái bếp
Chị Hiên cùng con gái về đến nhà, lúc ấy trời đã sang chiều, nắng vàng óng chiếu xiên một góc. Chị tra chìa khóa vào ổ. Hồng đứng né về một bên cửa, quay mặt ra ngoài. Cô nhìn thấy bên kia đường có một anh công nhân mặc bộ quần áo màu da cam, mặt cũng có màu da cam. Anh ấy đang leo lên cột điện, vô tình nhìn sang vừa lúc gặp ánh mắt của Hồng. Anh nhìn cô rất lâu rồi mỉm cười làm quen. Chị Hiên mở cửa bước vào trong nhà, trong khi Hồng vẫn còn đứng tại chỗ ấy, lẩm bẩm: "Nhìn cái gì mà nhìn?".

Vào đến nhà là chị đi ngay xuống bếp, mặc dù chả có việc gì. Hình như đã thành thói quen bao nhiêu năm nay, bất kể đi đâu, làm gì hễ về đến nhà là chị vào thăm cái bếp trước tiên. Bếp. Nhà và bếp. Trong nhà có bếp và cái bếp gắn liền với chị không dứt ra được. Lối đi đầu tiên khi trở về nhà và lối đi thường xuyên trong ngày là xuống bếp. Căn hộ nhỏ. Tầng một chỉ có gian khách, tiếp đến ô

 

cầu thang rồi đến gian bếp. Trong bếp có một chiếc cửa sổ vừa để thoát khí vừa lấy ánh sáng. Chị đứng tựa lưng vào bức tường ngăn và nhìn qua ô cửa nhỏ, thấy anh thợ điện đang leo lên đỉnh cột. Trên ấy là cả một mảng dây điện, xoắn, chập, chồng chéo lên nhau lằng nhằng trông đến khiếp. Bên kia đường, ánh nắng buổi chiều xuyên qua kẽ lá của cây sấu già khụ tạo thành từng giọt trên tường bếp quét vôi trắng. Chị vẫn đứng nguyên như thế. Tiếng chân Hồng tèn tẹt chạy trên bậc cầu thang. Chị muốn gọi con gái xuống nhưng rồi lại thôi. Chị đưa mắt nhìn từng thứ dụng cụ treo trên tường và chăm chú nhìn vào cái bếp. Tất cả đều sạch sẽ và ngăn nắp. Duy chỉ có hai cái xoong nhôm là cũ kỹ, còn lại toàn là đồ mới bằng inox sáng loáng. Chị nhìn hai cái xoong nhôm, thành xoong bẹp lổn nhổn và bất giác thở dài.

Không biết cái bếp và người phụ nữ có họ hàng hay huyết thống gì không? Hình ảnh cái bếp và người đàn bà cứ gắn vào với nhau. Từ lúc lớn lên chị đã theo mẹ vào bếp, khi ấy bà nội hãy còn sống, chị nhìn thấy bà cũng hị hụi trong bếp. Bên nhà bà ngoại cũng thế, nhà bác Hát trưởng họ cũng vậy. Chị vừa bước thẳng xuống bếp vừa nghĩ đến mình, thế hệ của những người thuộc ngày hôm qua và những người của ngày hôm nay. Người phụ nữ hiện đại có cần cái bếp không? Việc giải phóng phụ nữ ra khỏi những công việc gia đình, ly thân với cái bếp, giống như cắt chia huyết thống, vậy cái bếp ở đâu? Liệu gia đình không có cái bếp không? Hằng là con gái lớn của chị, lấy chồng đã một năm nay, thỉnh thoảng vẫn gọi điện cho chị hỏi cách làm món này món kia. Chẳng phải là nó bị di truyền đấy chứ? Nghĩ đến đây chị thấy như mình phạm một điều gì rất là hệ trọng, trong lòng thấy sốt ruột, thấy cần phải làm ngay, cần gọi Hồng xuống nhưng phải có lý do, một việc ghê gớm nào đó đủ làm đối trọng với con gái chị vì chị biết tính nó sẽ không dễ nghe những gì không cụ thể. Chị nhẹ nhàng gọi con nhưng nghe đanh đanh. Nó lại tèn tẹt chạy từ tầng hai xuống, thò cái cổ trên bậc cầu thang xuống hỏi: "Gì thế mẹ?". Chị không trả lời, vẫn đắm đuối với những ý nghĩ. Hồng đi xuống đến bên cạnh chị, thấy mẹ nhìn qua ô cửa sổ bếp, cô nhìn theo và thấy anh thợ lúc nãy mặc bộ quần áo màu da cam, mặt cũng có màu da cam đang gỡ những sợi dây trong cái mớ bòng bong dây nhợ rồi thả từng sợi xuống đất.

- Hôm nay sang nhà cô Hân ăn cơm, con thấy gì?

- Thấy gì ạ? - Hồng thấy mẹ hỏi là lạ.

Liệu nó có hiểu không? Hay là không biết gì thật. Cái mà chị muốn nói với con gái lại không thành chuyện để nói mà chỉ có bằng dự cảm mà thôi. Cô Hân và chị Hiên là bạn với nhau, trước đây cùng làm một cơ quan. Sau này cô Hân chuyển sang cơ quan khác nhưng hai người vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với nhau. Cô có hai người con, một trai, một gái. Hùng là con trai lớn cùng tuổi với Hằng. Hôm nay nhân kỷ niệm ngày cưới, cô Hân mời hai mẹ con chị qua ăn cơm cho vui. Thực tình chị rất quý mến Hùng. Có lúc chị cũng muốn Hùng yêu con gái thứ hai của chị. Trên đường đi đến nhà bạn chị cũng đã từng ao ước trong bữa tiệc gia đình, bạn bè hôm nay, trong một không khí ấm cúng, chị tưởng tượng lúc ấy Hân nét mặt hân hoan, đỏ ửng như màu vang nho, hơi lả lơi đi trong men rượu, tiếng nhạc dịu êm, bạn ghé vào tai chị nói nhỏ: "Cho tao xin con Hồng nhà mày nhé?". Lúc ấy chị cũng vờ lả lơi theo, hai mắt lóng lánh bị men rượu hâm nóng: "Tao cho không mày đấy!". Nhưng đến nhà Hân, chị hơi bị ngỡ ngàng thấy Hoàn ở đây, lại trong trang phục nhà bếp, đeo cái tạp dề "Ngọn lửa thần" mà năm ngoái cô mua một đôi ở siêu thị và đem cho Hân một cái. Chị thấy hơi khó chịu trong lòng, trong khi Hân cứ thản nhiên như không. Trước mặt chị, Hân tỏ ra vô tư và rất vui khi khoe: "Giới thiệu với mày đây là Hoàn, bạn gái của thằng Hùng, con bé này được lắm!". "Thế à?". Chị trả lời nhưng trong lòng lúc ấy vừa thấy ghen tỵ, vừa thấy giận bạn. Hồng với Hoàn là bạn học với nhau, chúng nó chào nhau và chị nhìn thấy Hồng ngồi xuống ghế như một vị khách còn Hoàn thì lăng xăng từ phòng ăn sang nhà bếp, từ nhà bếp sang phòng ăn như một người chủ. Ước tính một bữa tiệc nhỏ như thế này sự đi lại từ nhà bếp và các nơi trong nhà cũng đến mấy kilomét đi bộ. Chị để ý thấy Hoàn vẫn nhanh nhẹn, nét mặt tươi lắm. Các món được bê đặt trên bàn thơm rộn lên. Mọi người ồn ào ngồi vào chỗ, tiếng kéo ghế ken két, tiếng canh cách của bát đĩa va nhau, tiếng lanh canh của những cái cái ly uống rượu… đã bao năm, những âm thanh ấy không lạ với chị mà nghe vẫn thấy ấm tai. Chị nâng cốc vang chúc mừng vợ chồng Hân, chúc Hùng mau có gia đình. Hân chúc lại chị, mắt cười vui lắm, chị biết bạn đang vui vì cái gì. Mọi người chạm cốc. Hùng ngượng nghịu giới thiệu bạn gái với chị: "Chúng cháu cũng mới quen nhau thôi ạ". Mới quen! Tai chị như ù đi, chị cố gắng nhấm nháp tí rượu, chị muốn mượn rượu để tỏ ra tự nhiên che phủ đi sự bối rối trong lòng. Mới quen mà con bé đã chiếm được cảm tình mọi người. Chị nhìn Hoàn tươi tắn, hai mắt long lanh vừa có chút ngượng ngùng vừa ánh lên vẻ hạnh phúc, còn Hân thì luôn để mắt đến con bé, không còn quan tâm nhiều đến hai mẹ con chị, luôn mồm hỏi chị xem có ngon không? "Mày nếm thử món này đi. Đấy! Toàn bộ là do một mình "con bé" nó đạo diễn cả". Mỗi lần như thế, chị thấy Hoàn chăm chú nhìn, chờ đợi một lời khen ngợi. Chị bắt đầu ăn từng chút, chầm chậm và quả thấy nó rất ngon. Duy chỉ có món thịt bò hầm, chị thấy hơi thiếu gia vị. Nhưng chị chợt nhớ ra Hân không thích hạt tiêu, bảo nó nóng. Thật là tinh ý! Đấy là chị nghĩ thế nhưng chị lại không khen thẳng vào chỗ đó mà chỉ nói "ăn được". Trong khi cánh đàn ông cứ vục đầu vào mà ăn, mồm khen ngon rối rít. Thường thì đàn ông khen chê thẳng thắn. Có một số ít hay giở trò "ngoại giao" khen chê lẫn lộn, chị rất ghét những người đàn ông như thế, chị cho là họ hay có thủ đoạn. Nhưng cứ nhìn họ ăn một cách thực thà, ăn nhiều, bỗ bã, mồm người nào cũng nhóng nhánh những mỡ thì chắc không có một người đầu bếp nào mà không thấy sung sướng, hãnh diện! Có một người bạn thân của chồng, năm nào cô Hân cũng mời cả gia đình nhưng lần nào cũng chỉ có một mình anh tới. Trong khi ăn, đầu anh thường gật gù, mồm khen ngon và luôn bổ nhào vào món mình ưa thích. Những món mới, anh ngậm nó trong miệng như kiểu người ta cắn một miếng kem, chờ nó tan ra, ngấm vào chân răng làm cho tuyến nước bọt phải mở ra rồi mới thong thả nhận xét, có vẻ dè dặt nhưng chính xác, cái mà bất kỳ một người đầu bếp nào cũng muốn có sự đóng góp chân thành.

Chị thôi không nhìn vào cái cửa sổ bếp, chị nhìn mà không nhìn. Hồng thì không hiểu, cô chỉ biết mẹ gọi mình xuống bếp mà cứ đứng đực ra đấy. Cô đứng xoay người đối diện với mẹ, lưng quay vào bếp, hai bàn chân trần của cô đặt lên nền nhà bếp cảm giác dinh dính. Bây giờ chị mới nhìn kỹ con gái. Năm nay nó đã 22 tuổi. Bằng tuổi này, cách đây 27 năm chị đã từng có một gia đình. Chị không biết bắt đầu thế nào, nhưng chị nghĩ phải là lúc bắt đầu mặc dù rất muộn, phải cắt nghĩa và phải làm cho con chị thấu hiểu. Những áy náy bấy lâu trở thành mối lo mà chị cần phải giải tỏa.

 

- Ý mẹ nói là, con thấy cái Hoàn thế nào? Nó được đấy chứ? - Chị bắt đầu bằng nửa công nhận, nửa


khiêu khích.

- Con chả thấy thế nào cả, nó là nó. Mà sao tự nhiên mẹ lại hỏi con như vậy? - Hồng thấy tưng tức trong
cổ họng.

- Vì mẹ muốn so sánh con với nó. Mẹ muốn nói về cái bếp.

- Cái bếp nào ạ?

Chị thong thả giảng giải. Lấy trọng tâm là cái bếp và cái hạnh phúc bé nhỏ cũng xuất phát từ cái bếp mà đi ra. Không quá coi trọng nó đến nỗi như một sự nghiệp mà người phụ nữ cần dấn thân. Chị cố cắt nghĩa cho đơn giản mà rành rọt, nhưng Hồng thì thấy bỗng nhiên sao hôm nay mẹ cô lại triết lý, tưởng cái gì to lớn hóa ra mẹ cô chỉ nói về cái bếp. Nó thì có gì đâu? Chẳng qua nó chỉ là một khu vực mà khi xây nhà người ta phân nó ra, biệt lập để nó làm công việc chứa đựng những dụng cụ để nấu cơm, luộc rau hay rang thịt để ăn. Công năng chỉ có thế thôi. Chấm hết.

- Nó không đơn giản chỉ có thế! - Chị nói - cái bếp chính là nội lực của cả một gia đình. Một gia đình mạnh khỏe có một cái bếp suốt ngày đỏ lửa. Một ngọn lửa nhỏ, ấm áp chui luồn vào người ta tiếp sức cho những ngọn lửa khác và giữ gìn nó đừng có tắt đi. Đó là thứ lửa không ai nhìn thấy nhưng đều thừa nhận nó, đều thấy niềm tin yêu nhau ăm ắp trong lòng. Hồng cười. Chủ yếu cô thấy những lời của mẹ hôm nay giống như người ta nấu một thứ canh suông rất khó nuốt. Đành rằng bữa ăn gia đình vô cùng quan trọng vì nó ấm cúng, tình thương, chân thật, không gian, không dối, không phỉnh nịnh, chân thành, tự nhiên. Nó không có cạm bẫy, không phải vừa ăn vừa tính toán, vừa liếc nhìn đối thủ và mồm thì tuôn ra những lời chỉ sạch sẽ bề ngoài. Cuộc sống của thế hệ cô bây giờ không chầm chậm như của mẹ cô. Vậy người phụ nữ mới là người không cần phải chết đuối ở trong bếp. Ngọn lửa gì chứ? Nghe thực là khó hiểu. Triết lý về một cái bếp có gì cần phải quan tâm và quan trọng
đến thế?

- Con có biết tại sao cái Hoàn nó được mọi người yêu mến không?

Hồng như bị điểm huyệt và cô thấy ngay là mẹ muốn nói gì. Mẹ muốn so sánh cô với Hoàn chứ gì? Sự tự ái đã được cô dằn xuống giờ mẹ cô lại thổi bùng nó lên. Mẹ cô không thể khen ngợi Hoàn chỉ vì một vài lợi điểm nhỏ nhặt, không công bằng tý nào. Bữa tiệc sáng nay khác với những bữa tiệc cũng ngày này của năm ngoái, năm kia. Mọi người thường hay đổ dồn về phía Hồng, săn sóc cô. Hùng thường gắp cho cô và cô thì rất thích mình được Hùng chiều. Nhất là cô Hân cứ vui vẻ ra mặt. Giữa chừng bữa tiệc cô chả vờ say, rồi cứ bả lả, lâng lâng nửa đùa nửa thật: "Cho đứt thằng Hùng sang nhà cô Hiên mà ở rể". Điều cô Hân vừa nói khiến Hồng đỏ cả mặt, cử chỉ vụng về, trái tim để ngỏ cứ nhộn lên. Năm nay cô tỏ ra bị mờ nhạt trong suốt bữa tiệc. Mặc dù Hoàn thỉnh thoảng cũng quan tâm đến Hồng, nói dăm ba câu bạn bè làm cho cô đỡ lúng túng, nhưng trong lòng thực cũng không hứng thú, lại thấy gai gai khó chịu mà không biết có nên gọi nó là ghen tỵ hay không? Cái cô cần là Hùng kia, chỉ cần anh có cử chỉ tỏ ra âu yếm hay chí ít cũng là ân cần một chút thôi sẽ làm cô bớt cảm thấy mình bị bỏ rơi. Cái cảm giác bị bỏ rơi càng tăng thêm trong suốt bữa tiệc, cô Hân không còn để ý đến Hồng như trước. Từ lúc đến cho tới lúc về cô chỉ được "chúc ngon miệng" có hai lần. Đã có lúc cô định ra hiệu cho mẹ. Nhưng làm như thế thì lộ liễu quá, sẽ làm hỏng bữa tiệc, làm hỏng mối quan hệ giữa hai gia đình và cô cố gắng kìm mình lại, cố gắng nắn nót trong cư xử để cho nó giống như tự nhiên, đủ vào vai con gái của một người bạn, một khách mời thân thiết của gia đình, thế thôi. Về đến nhà mình rồi cô như cởi bỏ được cái gánh đầy tự ái mà cô cứ phải mang trong suốt bữa ăn. Giờ nghe mẹ nhắc đến, cô như bị chọc cho khùng lên, cô nói rất to như không phải đang tâm sự với mẹ:

- Nó chẳng là gì cả. Biết nấu nướng một tý thì đã là cái thá gì cơ chứ!

Chị nhìn Hồng mặt đỏ lên. Chị biết mình không nên nói thêm gì nữa. Cả chị, cả Hồng đều có một tâm trạng giống nhau. Hồng cũng bực bội trong lòng mà chả biết vì sao cô Hân lại có thành ý với một việc giản đơn đến vậy. Nấu nướng thì có cái gì nào? Chả có gì ghê gớm lại còn thô thiển nữa. Về nhan sắc, Hoàn không thể so kè với cô, quan hệ có sẵn và nhất là có một công việc ổn định, đằng này Hoàn chưa có việc làm. Trong suốt bữa tiệc, có lúc cô tỏ ra căng thẳng và thầm mong cho cô Hân sẽ phải hối hận vì sự vội vàng, lúc ấy cô thấy thích thú và cũng coi như tự an ủi mình. Nấu ăn là một việc nhỏ, sự nghiệp là việc lớn, có công việc là có tất cả, không vất vả mà vẫn có ăn ngon thế mới cần tính chuyên nghiệp, anh giỏi cái này tôi giỏi cái kia. Mà suy cho cùng cô cũng biết nấu ăn đấy chứ, cũng đủ làm đẹp lòng mấy ông bà già lẩm cẩm. Chẳng phải mấy lần cô Hân đã nhờ Hồng đến làm bếp đó sao? Tuy có lóng ngóng một tý nhưng thì đã làm sao nào? Rồi cô lại giật mình nếu cô Hân nhờ Hồng giúp cho món sa lát Nga như Hoàn thì cô không biết làm thế nào để vượt qua thử thách, nhưng cô sẽ tỏ ra thông minh hơn, cô sẽ khuyên cô Hân nên chọn món nộm hoa chuối trộn với rau kinh giới. Món này cô rất thích và đã nhiều lần xem mẹ cô làm. Lúc ấy cô cũng có chút oán giận mẹ, cái gì mẹ cũng giành lấy làm nên chỉ có con mắt cô là ngày càng trở nên sành điệu. Thực tình Hồng rất mong cho Hoàn thất bại có thể vì một việc nào đấy làm cho cả nhà phật ý. Nhưng suốt cả bữa tiệc Hoàn không hề phạm chút sai lầm, tất cả cử chỉ, nói năng đều rất tự nhiên và đáng yêu. Còn chị Hiên thì có hơn một ít giận hờn. Chị giận bạn mình thật sự, đáng lý ra Hân nên thông báo trước cho mình hoặc chí ít ra khi đến đây cô cũng nên thanh minh với mình một tiếng vì trước đây Hân không phải có ý muốn Hồng đấy sao? Chị thoáng nhớ ra tối qua lúc Hân mời chị đến dự tiệc nhưng không có lời như mọi năm: "Mày nhớ cho con Hồng đến đi chợ cho tao đấy nhớ". Lúc dập máy rồi chị nghĩ chắc năm nay Hân không bày vẽ gì nhiều, vả lại chợ búa bây giờ toàn thức ăn làm sẵn về chỉ việc chế biến. Bây giờ chị mới hiểu ra bạn mình quá vô tình. Song chị lại nghĩ có thể do mình ích kỷ. Mình cần tỉnh táo mà suy xét. Nếu là mình thì mình sẽ làm gì? Chắc là trong lòng các bà đã từng làm mẹ chả ai dại gì mà lại không chọn cho mình một nàng dâu đảm đang. Chị biết mình đã thất bại. Chị đang muốn đầu tư Hồng vào gia đình Hân, một món đầu tư mà lợi nhuận mang lại là có tất cả, nhưng không thể nói ra một cách sòng phẳng mà phải âm thầm sao cho có vẻ như là tự nhiên nó đến. Tất cả phải được giấu đi, gói ghém thật kỹ để nhỡ không may có gặp sự cố gì thì giữa chị với Hân sẽ không bị mất đi một tình bạn đẹp mà hai người đã dày công xây dựng. Chị còn nghĩ thật xa cả đến những va chạm đời thường giữa hai đứa nếu chúng nên vợ nên chồng. Về điểm này thì chị luôn tin ở mình và tin ở bạn mình. Từ tự ái đến thất vọng chị mới nhìn lại mình, và tự nhiên chị thấy giận mình quá, lại càng giận bạn hơn nữa, sao Hân không nhắc nhở mình lấy một tiếng? Mà đã quá muộn đâu, nếu Hân thích thì chị sẽ rèn cho Hồng bằng cho bạn ưng ý thì thôi. Hoàn đến, mới đến mà đã chiếm được cảm tình mọi người, đã chứng minh một chân lý giản đơn bằng chính những việc làm đơn giản. Cái chân lý giản đơn rất đời thường ấy mà bất kể những bậc làm cha mẹ nào cũng để mắt đến, đó là cái bếp. Hai mẹ con cứ đứng đối diện nhau ở một phía góc bếp. Bây giờ chị mới thấy không hề đơn giản với một phụ nữ yêu bếp không phải ngày một ngày hai mà có được. Chị nghe thấy tiếng thở bị nén trong lồng ngực Hồng bật ra. Hồng thì thấy mình vô duyên khi bị mẹ gọi xuống đây chỉ để nói mấy cái chuyện linh tinh, cô thấy khó chịu và không muốn phải đứng đây, định xoay người bước ra thì bị mẹ giữ lại:

- Mẹ muốn nói với con, đối với người phụ nữ, cái bếp quan trọng lắm. Nó phải bằng năm mốt phần trăm hạnh phúc gia đình, con hiểu không? - Cô vằng mạnh ra một cái, buột khỏi tay mẹ, vai va vào cánh cửa nhà bếp. Cô nói nhỏ nhưng nghe như đang gào lên: "Cả đời mẹ lúc nào cũng ở trong bếp, sao ông ấy vẫn bỏ đi?".

Bị bất ngờ, chị đứng ngây ra.

Hồng bỏ lên tầng trên, bước chân nặng bình bịch.

Cái mà chị đang muốn dành cho con thì ngược lại, nó làm cho chị bị tổn thương sâu hơn. Nếu không tựa hẳn lưng vào tường bếp chắc chị sẽ bị ngã. Chị nhìn hai cái xoong cũ xếp ngay ngắn trên cái giá nhôm. Đó là hai thứ kỷ niệm duy nhất mà chị mang theo. Nước mắt chị tuôn ra không dừng lại được. Phải, chị đã từng bị thất bại. Cái bếp lúc ấy mới thảm hại làm sao. Không! Chị vẫn nhất quyết nhủ rằng nguyên nhân chính không phải do nó mà vì sự nghèo nàn đã khiến cho cái bếp trở thành thủ phạm. Ngày ấy nghèo quá và khổ lắm! Cái bếp của người lao động lúc nào cũng trống rỗng. Bữa ăn quanh quẩn mấy miếng đậu phụ chết trương trong cái thứ nước mắm mậu dịch rẻ tiền. Anh ấy bỏ hai mẹ con chị chạy theo một người đàn bà buôn vải, có một cái sạp to ở chợ. Cái bếp của người buôn bán khi ấy lúc nào cũng đầy ắp thực phẩm. Cuộc sống no đủ nhưng từ đấy đã biến anh trở thành tù nhân của cái bếp. Người đàn bà kia suốt ngày ngồi xạng ra bên những xấp vải, còn việc nhà tất tật giao cho người đàn ông không biết làm ra đồng tiền, chấp nhận công việc nội trợ. Anh càng tỏ ra đảm đang bao nhiêu lại càng bị khinh thường bấy nhiêu. Cái bếp do một người đàn ông cai quản khác xa so với cái bếp của người đàn bà cam tâm tình nguyện. Những ánh lửa bếp tòe toẹt, tiếng nước sôi xình xịch, xào xoẹt trào qua miệng xoong, làm cho người đàn ông trở nên vụng về, đổ cả nước sôi xuống bếp. Người đàn bà ngồi xếp bằng tròn trên ghế hết chịp chẹp, mai mỉa, rồi thứ tự đọc ra các quy trình cho người đàn ông thực hiện. Còn người đàn ông cứ nhẫn nại, âm thầm sắp xếp, làm theo như một thứ hạnh phúc lộn ngược. Từng bữa ăn, ánh mắt ông chồng luôn lén lút đợi chờ một lời khen ngon từ miệng vợ. Khi ra khỏi nhà vẫn bề bề trong cái vỏ đàn ông, nhưng cũng không giấu nổi ánh mắt của những người đàn bà. Sự thương hại dành cho phái mạnh. Tại sao những người phụ nữ ấy vừa muốn giải phóng mình, lại vừa chê bai những người đàn ông bếp núc? Chị không hề thấy nó mâu thuẫn một tẹo nào. Một người đàn ông khác xa loài mãnh thú chỉ biết tha mồi về nhà. Một người đàn ông mà không một người đàn bà nào lại không mong mỏi sự chia sẻ, sự giúp đỡ trong công việc gia đình. Cái hạnh phúc nho nhỏ ấy cứ chắt chiu từng chút, từng chút một và cái bếp là nơi diễn ra, thu nhận và sưởi vào nó một sự ấm áp và chia đều cho mọi người không hề thiên vị. Chị hiểu người ta đấu tranh thì cứ đấu, nhưng cái bếp thì chị nghĩ phải quyết tâm mà giữ lấy vì cái bếp mang giới tính nữ, không thể khác! Thử nghĩ có một ngày nào đó, trong khi người đàn ông túi bụi trong bếp, người đàn bà cứ sột soạt tờ báo thể thao trên tay, đợi cơm vừa chín tới, các món yêu thích của người đàn bà bày la liệt trên mâm, tỏa ra một mùi thơm quyến rũ và một câu thật ngọt rót vào tai người đàn bà rằng: "Em yêu ơi, mình ăn cơm đi!". Người chồng so một đôi đũa bằng nhất trao vào tay vợ, đương lúc người đàn bà đang thò tay nhón một miếng đưa vào miệng, vừa cố nuốt vừa hà hà vì nóng thì người đàn ông bằng ánh mắt óng ánh vô cùng sung suớng đập vào cái tay người phụ nữ rồi buông một lời âu yếm: "Hư quá!" Thử đổi vị trí xem nào? Không đời nào chị đổi, không đời nào chị để mất cái niềm vui được dâng hiến, từng xúc cảm dâng trào khi nhìn những người thân yêu đang la đà trong những món mình chế biến. Chị rất mê âm nhạc nhưng những âm thanh trong nhà bếp nghe còn hay hơn cả nhạc Trịnh. Những âm thanh đích thực, quen thuộc, thô mộc và hoàn toàn nguyên chất. Chị hiểu các loại âm nhạc đều nhại theo những âm thanh ấy nhưng gia công và giọt giũa nó trở nên tinh tế hơn, rung động hơn, nhưng chị vẫn nhận ra sự phù phiếm của nó. Âm nhạc nhà bếp là những thứ âm thanh cuộc sống cần, nhất thiết phải có. Sắc màu của ngọn lửa hồng reo lên không bao giờ trễ nải. Bát đũa cái lành, cái sứt cũng làm cho chị nghĩ ngợi giống như cuộc sống, với những va chạm thường nhật, cũng sứt vỡ như miếng bát kia, nhưng khi nhìn chúng xếp chồng, ôm lấy nhau khăng khít như là một thứ trật tự gia đình, phải là một thứ trật tự do người đàn bà thu xếp. Nhiều lần đi chợ, chị gặp anh, anh cố tình lảng tránh. Hai người đầu bếp gặp nhau thì có gì là lạ. Chỉ có điều thấy chị anh không dám đối mặt. Anh thấy xấu hổ cũng vì cái bếp. Nếu biết có ngày hôm nay thì không bao giờ anh rời xa vợ con, anh đã có một người vợ tốt chỉ đến bây giờ anh mới thấm. Nhìn chị xách cái làn một cách tự nhiên, mặc cả mua bán tự nhiên. Đằng này cái làn anh mang cũng miễn cưỡng, mua bán cũng không dám kỳ kèo. Về nhà chị kể lại cho các con nghe. Hồng đâm cái đũa xuống mâm, bảo: "Đáng đời ông ấy lắm!".

- Dù sao ông ấy cũng là cha các con. - Chị nhẹ nhàng bảo thế. Hằng thì ngồi im nhưng Hồng vẫn không chịu: "Mẹ quên ông ấy đi".

Chị vẫn đứng đó mặc cho nước mắt giàn giụa. Nhớ lại, biết chẳng để làm gì nhưng chị vẫn nhớ và bỗng thấy càng tủi thân hơn, nước mắt lại một lần thi nhau rơi xuống. Chị sợ những đứa con của chị lặp lại thất bại, không phải vì sự đói nghèo mà từ cách làm nội trợ - Nó dường như cũng có cá tính vừa mềm mại vừa dứt khoát, vừa là nguyên nhân vừa là kết quả. Nếu như ông ấy không bị cái bếp nhà giàu cám dỗ, thì căn nhà này, cái căn tập thể cũ xưa, nghèo mà ấm áp, lúc nào cũng rộn lên tiếng trẻ nhỏ, từng tiếng củi nổ tí tách, tiếng anh ho sù sụ khi nhóm hộ vợ cái bếp đun mùn cưa, từng bữa cơm nghèo, nhưng ái ân không bao giờ nhạt nhẽo. Có bao nhiêu cái bếp như thế không ngừng vươn lên cải thiện đời sống và chất lượng ngày càng tăng cao. Cái bếp luôn làm cho người ta hãnh diện cho dù bất kể là loại bếp gì, nó đủ nói lên một điều rằng người ta sẽ nhận thấy sự làm ra hạnh phúc không thể thiếu cái bếp.

Người ta nói nhiều đến nhiều thứ truyền thống. Còn một thứ truyền thống bếp phải do chính người đàn bà hiểu lấy. Chị biết đây là món gia bảo theo suốt với thời gian không bao giờ mất đi, càng không bao giờ nên xao nhãng. Chị thấy mình có lỗi với các con, chị thương chúng nó thiếu sự che trở của người cha nên muốn làm tất cả, làm cho chúng bị cứng khô đi trong cái vỏ yêu kiều của một phụ nữ. Vô hình chị đã xâm hại và tước mất cái niềm vui nho nhỏ, nhưng vĩnh hằng là ở niềm tin yêu, là sự cho đi và đổi lại bằng sự bình yên. Chẳng người phụ nữ nào không mong điều đó.

Chiều chầm chậm xuống, ánh nắng đã ẩn trong tàng cây, và chị dường như đã suy nghĩ kỹ càng, chị biết mình đã phạm sai lầm và đang quyết tâm sửa chữa. Qua chiếc cửa sổ bếp chị nhìn thấy anh thợ điện đã xuống thang. Chị nhìn những cuộn dây cuốn gọn gàng bên dưới, chị biết công việc của anh ta còn nhiều, anh ta còn phải tiếp tục gỡ nhiều ngày. Trên tầng, chị nghe tiếng đóng cửa sổ rầm rầm và tiếng Hồng rít lên: "Nhìn cái gì mà nhìn".

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87837


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận