Nắng Vỡ Truyện ngắn 12


Truyện ngắn 12
Leo ơi, hàng gì mà rẻ thế!

Vợ con hắn bỏ về nhà bà ngoại. Trước khi cuốn nhau đi, mụ dặn: "Các thứ đồ đạc em không mang đi một thứ gì, nhớ dùng xong lại để vào chỗ cũ. Anh là chúa hay đãng trí". Hắn nghĩ bụng "Mẹ kiếp! Dặn như trẻ con, ông mày đãng trí chứ có phải mất trí đâu".

Mụ đã ngồi lên xe, lại sực nhớ chạy vào: "À quên, anh hay ăn dấm, nhớ cho cơm vào mẻ". Hắn không thèm nói gì. "Mẹ kiếp! người còn chả thiết, thiết gì đến mẻ". Tiếng xe máy xa dần, hắn cũng dần tĩnh trí, như một con tàu vừa mới vào ga, nghỉ ngơi vài phút rồi lại hành trình. Đã gần một năm nay, căn nhà này giống như cái trại giam, mụ vợ hắn lúc nào cũng ra dáng bà chúa ngục, cai quản tất cả, phủ định tuốt tuột, lúc nào cũng uốn nắn như nhắc nhở phạm nhân; "nhớ phải cải tạo thật tốt để mau mau trở lại với cộng đồng". Rồi già néo dây cũng đứt phựt.

 

- Thôi mày về nhà mày, tao ở nhà tao. - Hắn tuyên bố như thế. Vợ hắn tròn mắt ngạc nhiên. Mụ nghĩ: "Lão chồng ra đòn này thật hiểm.".

- Anh đuổi mẹ con em đi thật à?

- Ừ. - Hắn thét lên, bụng nghĩ: "Chứ lại không à, như thế mới giải quyết tận gốc". Mụ hạ giọng:

- Anh bình tĩnh lại, vì anh, vì con, thực tình em không muốn như thế... "Định thanh lý hợp đồng à, không để cho dễ dàng như thế đâu nhé!". Mụ thanh minh cho nhẹ tội:

- Em yêu anh chứ không yêu văn.

- Văn thì sao nào! Xấu à?

- Không! Văn không xấu nhưng văn nó bạc. Em lấy thợ xây chứ không lấy nhà văn. Nếu biết một ngày anh như thế này, thà em làm bà cô.

Vợ hắn đi rồi: "Được! Không ly dị thì ly thân, đằng nào cũng thế!". Hắn rất ức vợ: "Em lấy thợ xây chứ không lấy nhà văn". Mẹ kiếp! Nhà văn mà không bằng thợ xây à? Nó ăn phải cái gì mà dám xếp nhà văn bên dưới thợ xây? Thợ xây công tám chục một ngày, nếu ký được hợp đồng khoán gọn, không hớ thì cũng được vài trăm ngàn một công. Đơn giản có thế thôi! Đầu óc cũng đơn giản, không phức tạp như nhà văn. Tám chục ngàn một công là đủ sống trong một ngày, đủ tồn tại đến ngày mai, vẫn duy trì được giống nòi, đủ chất để con đực và con cái tớn lên với nhau vài ngày một lượt. Đơn giản lắm! Nghề thợ xây, cứ vác bay đi là có tiền, chỉ cần có cái bay và chút mồ hôi là có tiền, có tiền là có tình, chỉ cần tình thôi, không cần tưởng, tưởng là cái gì đó cao siêu, mơ màng không ấm được vào thân, thoát tục, siêu thực, khó thấy, không mùi, không vị. Còn tình là lương thực, ngũ cốc, là củ hành, rau răm, cảm khoái trung thực, mắt thấy, tay sờ, chỉ cần nghĩ đến nó thôi là đã đủ thấy sự chắc chắn để tồn tại. Mẹ kiếp! Văn cũng là nghề, nó phải cao hơn thợ xây một bậc, cao sang mà chả phải mua vốn. Nhà văn bảo viết khổ sở lắm, dằn vặt lắm. Hắn cứ nằm miên man suy nghĩ, rồi ông sẽ nổi tiếng cho mà biết, có lần hắn đã nói như thế, vợ cứ tửng từng tưng: "Em chỉ cần anh xây nổi tiếng thôi, chứ cái nghề văn từ trước đến nay người ta bảo phải kiềng nó ra". Hắn phát cáu lên.

Hai vợ chồng hắn cứ cãi vã, chỉ vì bỗng chốc hắn muốn đổi nghề, muốn thành nhà văn!

- Lành lặn không muốn lại muốn dở hơi!

- Cô bảo ai dở hơi?

- Thì mấy cái ông nhà văn đó, còn hơn cả dở hơi!

- Có cái lò nhà cô dở hơi thì có!

- Phải, cái lò nhà tôi có một người bị bệnh điên nhưng mà là điên "xịn", điên "xịn" mới sướng.

- Mẹ kiếp! Điên còn biết sướng.

- Không biết mới sướng, còn hơn nhà văn khổ vì biết!

- À, mày dám bảo văn sĩ là điên à?

 

Rồi đuổi đánh vợ rình rịch, vợ vừa chạy vừa cãi: "Thợ xây mà cũng đòi trí thức". Chả trách hắn càng điên hơn đuổi suýt bắt được, mụ hãi quá phải chạy sang nhà hàng xóm nương náu mấy hôm mới dám về. Suốt mấy tháng liền vợ chồng hắn cứ đày nhau trong bốn bức tường rồi vợ hắn bế con về nhà bà ngoại. Hắn được tự do, liền bắt tay ngay vào sản xuất. Cứ cầm bút lên là chữ chảy ra giấy. Viết xong hắn đem truyện cho bạn bè đọc thử. Thực không dễ như hắn tưởng, xem xong nhận xét: "Không đẹp bằng xây bếp, cứ như một đống gạch". Một thằng phụ vữa còn chõ mõm vào: "Viết thế này mà cũng viết!". Hắn cố kìm tự ái: "Thợ xây thì biết cái chó gì". "Viết thế nào mới là viết?". "Viết như vầy...". Rồi giảng giải: "Viết những cái bạn đọc cần, đừng viết những cái nhà văn có. Phải viết những truyện kể cả đám thợ hồ như chúng em cũng thích, viết những cái mà mọi người nghĩ ở trong đầu, đừng viết những gì người ta nói ra mồm, bẩn lắm!". Thì ra là vậy, đám thợ hồ cần ít bị chủ bóc lột, nhà nông cần miễn các loại thuế. Công nhân cần một người đại diện đích thực cho mình. Rồi hắn cũng về xem lại, viết cái khác rồi lại đem đến nhờ xem. Hắn chờ cho lũ thợ hồ nghỉ việc liền mời: "Đi uống nước đi". Rồi bỏ tiền ra mua bia cho chúng nó đọc hộ. Lại vẫn cái thằng thợ phụ vữa ấy nhận xét: "Lần này khá hơn, nhưng…". Rồi nâng cốc bia: "Mẹ kiếp! Thằng này uống như lợn, không thấy yết hầu của nó đâu". "Hay tao viết sex cho chúng mày đọc nhá". "Ui da, viết được thì tốt quá. Ở đời đứa chó nào chả sex, đến lợn còn sex". Một thằng thợ cả ra dáng: "Nói chung có rất nhiều thứ chúng tôi cần. Chúng tôi rất cần có nhu cầu giải trí, không thích được dạy dỗ, tự chúng tôi biết phải làm gì chứ! Thế nhỡ cứ nghe nhà văn, nếu sai thì nhà văn có đền được không? Lòng buồn tã tượi, nhìn "đống gạch" mà chán nản, rồi "đập ra", "xây lại" cuối cùng truyện cũng hiện ra như một cái "bếp" thật. Xong xuôi hắn đem bản thảo nhờ một nhà văn lớn, có cái chân tập tễnh góp ý: "Được đấy! Có truyện đấy! Anh là thợ xây phải không? Thảo nào văn còn dính đầy vôi vữa". Hắn đem về sửa chữa, "rửa ráy" chữ nghĩa cả ngày, cả đêm bất kể thời gian, thức ngủ chập chờn, quên cả ăn, con chó cũng phải đói theo, cứ ve vẩy cái đuôi, hắn cúi xuống vuốt ve "cả nhà này chỉ có mày là trung thành với tao, con vợ tao cũng không được bằng mày". Thấy chẳng sơ múi gì nó lủi đi ra góc nhà phục xuống đôi chi trước, hai mắt liu thiu, ngáp liền mấy cái, rỏ cả dãi ra. Hắn nhìn thương quá. Hôm sau hắn quyết định đem chồng bản thảo lên nhà xuất bản. Rồi hắn đi, phóng xe một mạch, xem địa chỉ ở đường X. Đến cổng nhà xuất bản thấy hai dãy đại lý bán báo, hắn sán vào chỗ mấy con mụ đang cầm quạt phe phẩy. Thấy hắn tất cả nhao nhao: "Bác múc cho em con lô". "Chú ơi! Chú chọc lỗ nào? Đây, để cháu ngửa ra cho chú chọn". "Anh ơi, sim Vina đang khuyến mại toàn cầu". Hắn hỏi một bà: "Sao lại quạt cho báo?". "Không quạt nhỡ ruồi ỉa vào thì bán cho ai!". "Cho tôi hỏi thăm nhà xuất bản…". "Tầng tư ấy, hứ!". Hắn đi lên tầng bốn, gặp trưởng ban biên tập, trao tập bản thảo. Liếc nhìn bút danh, anh ta hỏi: "Anh mới viết à?". "Vâng! Mới tinh". Rồi cắm cúi đọc một đoạn đầu, một đoạn cuối ra cái điều xem hắn mở, kết thế nào, diễn ngôn có đạt không, chắc thế! Rồi ngẩng cái mặt lên, chiếc kính tụt xuống sống mũi thành ra hai con mắt cứ dốc ngược lên: "Được, nói chung để in được chúng tôi sẽ biên tập lại, có chương phải roóc đi, có đoạn phải bồi thêm vào cho nó hay hơn". "Các bác đã roóc xương, lọc da thì đâu còn là người ta nữa, có hay hơn thì cũng đâu phải là họ nữa, thế ra là thành văn máy à?". "Tùy thôi! Anh mới viết chắc không biết đâu, nhiều ông lớn chúng tôi còn lột da ra nữa là. Tùy thôi! Nhìn chung cả chúng tôi, cả bạn nữa đã bước vào đây tức là bước vào nhà của người khác, nói thế anh bạn hiểu chứ?". "Không hiểu lắm". "Rồi từ từ sẽ hiểu, tốt nhất là biết thôi, biết là đủ đấy". Anh ta lưỡng lự một tý rồi bảo: "Anh mới vào nghề nên tôi dặn này, cái giống nhà văn ông nào cũng ngang, mà ngang là thiệt". Rồi với tay nhặt một cái bản thảo dứ vào mặt hắn: "Đây này! Như cái tay này chỉ viết về tình yêu thì chả ma nào động đến. Muốn viết thế nào thì viết. Ba mươi sáu kiểu sex chứ bảy mươi hai kiểu đây cũng in tất chả phải mất công sửa làm gì, vừa mới in xong chữ còn nóng là đã bán hết". Trưởng ban niên tập nhìn hắn đang mân mê tập bản thảo rồi bảo tiếp: "Thôi, hiện thực nó khó quá thì cứ tình yêu muôn màu mà nện". Nói xong đứng dậy như ý bảo kết thúc: "Thế này nhá…". Hắn chìa tay ra - Anh cứ về, chúng tôi sẽ xem hàng, cái nào in được, cho in, còn bản thảo nhà xuất bản không gửi lại, chắc anh biết". Hắn nắm bàn tay ướt nhèo nhẽo, lạnh như tay người chết: "Thế còn quyền lợi thì sao ạ". "Nhuận bút… phần trăm giá bìa, chúc anh thành công". Hắn chào anh ta, ra đến cửa còn nghe thấy tiếng lẩm bẩm: "Lại thêm một thằng dở hơi nữa". Suốt dọc đường về, hắn nhẩm tính đến bao giờ nhuận bút mới bằng lương của thợ xây! Nghe nói có nhà văn cả đời chỉ sản xuất được có mỗi một truyện, thế thì lấy gì mà ăn? Không ăn đến thánh cũng chết, đừng nói đến nhà văn! Nghĩ đến đấy mồ hôi hắn vãi ra như cơm nguội, có thứ nghề nào như nghề văn không? Có không hả giời? Hắn nghe nói có ông nhà thơ là Nguyễn kêu: "Nhà văn…đói như ngan ấp". "Mẹ kiếp! Được như ngan ấp đã sướng". Thế mà hắn cứ tưởng bở, lúc nào cũng bớ lên, sôi nổi đến lạ. Giờ bình tĩnh lại mới thấy nghề văn đếch chơi được, dễ đâu là tưởng, là mộng mị, đầu óc du dương cái nghề sang trọng, ôi nghề... Nghề ơi là nghề! Nhìn cái tập hàng mà phát chán! Giá lúc ấy có ai rủ xuống âm ty thì cũng đi. Ngày trước các cụ viết văn để chơi, viết cho nó sướng, cho nó sang vì nó khó, càng khó càng thích, văn càng thanh tao thì càng thoát thực, càng được xã hội khen. Thế mới chết! Ngang với các cụ bỏ bom lũ con cháu còn gì. Các cụ càng nêu cao tinh thần coi thường vật chất, gọi nó là tầm thường, cho mình là tao nhã để dạy con dạy cháu đẽo gọt cốt cách. Nhưng có ai biết các cụ toàn lừa các cụ bà, nếu không có vợ nuôi chắc cũng thường thôi. Còn thời nay con cháu các cụ nó khác, toàn một lũ tóc xanh, mỏ đỏ không lừa được các mụ đâu, các mụ có mà thèm vào cái thanh tao kẻ sĩ, đừng hòng cho bám, đã không cho bám thì thôi lại còn chê nhà văn là lũ dở hơi! Thế mới biết con cháu các cụ mất dạy hơn. Mộng tưởng vỡ như bong bóng giọt gianh, đúng như mụ vợ hắn nói "chưa tài đã chết", sao lúc này hắn thèm có bao nhiêu cái tài đem giả quách đi cho xong, giả hết không bớt lại tí nào để "thần tài" đừng có hòng mà cựa quậy. Có người bảo hắn nghề văn bây giờ không sống được đâu, phải tầm gửi vào một cái nghề nào đó, lấy nghề khác để nuôi nghề văn. "Mẹ kiếp! Sang trọng thế mà phải ký sinh à?". Văn của hắn lại phải ăn nhờ vào vôi vữa hay sao? Đã là nghề thì phải cho rõ ràng ra, nghề ra nghề, phải được tự do hàng hóa như các nghề khác chứ? Nếu không có thì giờ cái thần hồn, đang đứng trên giàn giáo mà đầu óc cứ nghĩ đến người Dơi là lộn cổ xuống đất ngay lập tức. Làm thợ xây ăn no, ngủ kỹ xách bay đi, loáng một cái là có vài ba chục ngàn, đằng này vài ba ngày chửa chắc đã viết được mươi dòng, chẳng khác nào bị đi kiết lị, sản xuất đã "khổ", đến lúc đem hàng đi thế mà có nhà xuất bản lại bảo: "Chúng tôi in cho là tốt rồi!". Hàng chùa à? Có nhà đài còn cứ như là bắt được truyện, lấy ra đọc để lôi kéo khán giả, nhà văn nghe được cứ lim dim ngồi nghe xem chừng cảm động lắm! Vợ đi qua lừ mắt: "Để cho đỉa hút máu thế mà cũng chịu được, thật đúng là đồ dở hơi!". Hắn không tin rồi kén mãi mới có nhà xuất bản mua. "Mẹ kiếp! Hàng chó gì mà rẻ thế!". Thậm chí lại còn cho không nữa chứ, giời đất ơi... Mình đi xây, khách hàng mời mọc, xếp hàng đông như kiến, đuổi đi không hết. Mà xây cũng khó chứ tưởng à? Nhà văn liệu có xây được bếp không? Không chứ gì! Xây làm sao được, xây khó lắm! Xây đã khó vậy lại còn phải biết "nhảy dù" từ giàn giáo xuống sao cho hạ chân tay, đầu óc, mình mẩy cho thật an toàn, thợ xây là cũng tài lắm chứ tưởng à? Ừ, không nói phét đâu, thợ xây vác bay ra khỏi nhà cộng với ít mồ hôi thì đúng là thích đi đâu thì đi, chỉ cần làm vài ba buổi là có tiền hạ trại, chơi chán lại đi chỗ khác. Cũng đều là lao động cả thôi. Lao động chân tay chẳng hóa ra hơn hẳn lao động chữ nghĩa hay sao? Hắn cứ lang thang như mộng du, không ra điên, nhưng giống dở hơi lắm! Chết, chết, giống lắm! Thảo hèn nào mà mụ vợ cứ giãy lên đành đạch khi hắn muốn chuyển nghề viết văn. Chậc! Tôi nói với các bà, bây giờ kiếm được một thợ xây còn khó hơn tìm một nhà thơ. Chậc! Ra ngõ là gặp nhà thơ. Chậc! Chỉ khổ đứa nào lấy phải thằng chồng dở hơi! Cái đầu dị mộng dẫn đôi chân hắn lang thang đến một quán bia hơi, mùi mực nướng thơm ác quá, gã chủ quán đem những con mực ranh đốt cho cháy khét rồi dùng quạt công nghiệp thốc ra như bão. Mùi mực nướng lẫn với hương bia tươi cuồn cuộn đổ ra đường, dính vào mũi khách đi qua, bố thằng nào mà chịu được! Đấy mới là đích thị cuộc sống, có mùi và có vị, nước dãi chảy ra đầy chân răng là có thật, không hư ảo, lừa phỉnh, không trí trá. Ôi, cuộc sống ơi, cuộc sống mới thật đáng yêu, người ở quanh ta mà ta cứ loanh quanh tìm kiếm... Như buổi chiều nay, như mọi chiều hè, sau một ngày vật lộn cật lực với tiền bạc, lại được ngồi cùng với bạn bè, với cốc bia trên tay, tròng ghẹo con người mới thấy thấm thía nụ cười, nụ cười từ trong gan ruột, không sâu hiểm, không ác độc với cuộc đời... Hắn bỗng rùng mình như tán cây rũ những hạt mưa đậu nhờ trên lá vì hắn chợt nhận ra một điều: Cuộc sống vốn giản dị, thật thà với tất cả mọi người, không gét bỏ ai, công bằng, thân ái, ai muốn lấy gì cho phù hợp với bản thân mình thì lấy. Có thế thôi mà hắn cứ loanh quanh, cứ tự dối mình...

- Ôi, nhà văn! Ngồi xuống đây.

Hắn thấy mấy người bạn cũ, thấy ông nhà văn lớn có cái chân què "hôm nay mới thấy ông ấy từ gốc đến ngọn. Khiếp, tã quá!". Nhà văn hỏi: "Dạo này hàng họ thế nào?". "Cháu đầu hàng rồi!". "Ừ, hàng là đúng". Mấy người bạn hỏi: "Dạo này còn đi xây không?". "Còn chứ!". "Thế thì ngày mai khởi công xây cho tao cái bếp". Nghe tiếng "xây", mấy bàn bia xung quanh ùa đến:

- Anh là thợ xây à?

- Chú em là thợ xây à?

- ...

Tíu tít đặt hàng. Nhà văn già đứng dậy trả tiền bia qua vỗ vai hắn:

- Đấy mới là hàng thật cháu ạ! Rồi tập tễnh đi ra, lừa đôi chân qua các hàng bàn xiêu vẹo...

Ngay chiều hôm ấy, hắn về bà ngoại đón vợ con, vợ mừng quá, quýnh lên, nhìn chồng như vừa ngoi dưới âm ty lên, không nói được bằng mồm, nói toàn bằng mắt: "Nếu có cái đuôi ở mông, hẳn sẽ vẫy rối rít".

- Về nhà thôi! Về nhà thôi! - Hắn reo lên như một đứa trẻ, trông ngây ngây, thương thương đến tội nghiệp. Hắn khoe: "Anh vừa ký được hợp đồng, ngày mai vợ chồng mình đi xây bếp".

- Anh về trước đi, để em đi ra chợ. - Rồi mụ đi thật nhanh, mua bán thật nhanh vì vui quá, sướng quá, niềm vui nóng hôi hổi "mình phải nâng niu, đừng có dại mà chạm vào Đam Văn Mê của anh ấy, nhớ đấy! Anh ấy hồi nghề rồi, nghề sống rồi, ôi sao mà sung sướng thế không biết! Lúc mụ xách mớ cá về, vẫn thấy hắn đợi ở cửa, mụ sung sướng quá, hai mắt tóe cả lửa ra: "Anh ơi, em vẫn đợi cảnh này, sao mà ấm áp thế! Đời này, kiếp này anh đừng có mà viết văn nữa nhá! Nhớ nhá!". Con chó nhảy bổ lên hôn cả vào cổ hắn, thấy mà vui! Mụ xách cá đi vào bếp: "Mình ơi, em nấu dấm cá nhé!". "Ừ, món anh thích mà!". Một lúc thấy vợ tiu nghỉu đi ra:

- Anh ơi, mẻ chết mất rồi...

Hắn cười lành như thợ xây:

- Ừ, mẻ không ăn mẻ chết. Văn không ăn thì văn


mới hay. Hắn nhìn con chó đang thè lưỡi ra: "Văn mà phè phỡn thì chó nó thèm, phải không mày!"

Hắn ôm ngang lưng vợ, thủ thỉ: "Từ rày ngày mai, anh xây còn em phụ hồ. Anh một đầu dây, em một đầu dây, mỗi đứa đứng một đầu cánh, em nhỉ". Hắn bỗng nhìn thấy nhà văn què cắp nách cuốn bản thảo đi qua. Hắn liền gọi với ra:

- Ông ơi, đợi em với!

Hắn đi ra, lại chẳng thấy ai cả liền quay vào nói
với vợ: "Hình như anh bị ma nhập". Mụ vợ hắn tỉnh
như không…

 

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87838


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận