Ngày Của Kiến Chương 36-38

Chương 36-38
Bách khoa toàn thư

SUY NGHĨ: Suy nghĩ con người có thể làm được mọi việc.

Trong những năm 50, một tàu công ten nơ của Anh chở những chai rượu Madère từ Bồ Đào Nha cho dỡ hàng xuống một cảng thuộc Scotland. Một thủy thủ đi vào phòng lạnh kiểm tra xem liệu mọi thứ có được giao đúng hay không. Không biết có người ở trong, một thủy thủ khác đóng cửa lại từ bên ngoài. Kẻ bị nhốt cố hết sức đập vào các vách ngăn, nhưng không ai nghe thấy tiếng anh và con tàu lại lên đường trở về Bồ Đào Nha.

Người đàn ông bị nhốt có đủ thức ăn nhưng anh biết mình sẽ không thể sống sót trong chỗ đông lạnh ấy. Tuy nhiên, anh dồn hết nghị lực bứt lấy một mẩu kim loại và giờ qua giờ, ngày qua ngày, khắc lên các vách câu chuyện về nỗi thống khổ mình phải trải qua. Một cách vô cùng tỉ mỉ, anh kể lại quá trình hấp hối của mình. Cái lạnh khiến anh tê cóng thế nào, đóng băng mũi anh ra sao trong khi các ngón tay ngón chân anh trở nên dễ vỡ như thủy tinh. Anh miêu tả không khí buốt giá khiến anh bỏng rát. Rồi dần dần toàn cơ thể anh cứng lại thành một khối băng.

Khi con tàu thả neo ở Lisbonne, viên thuyền trưởng mở công ten nơ đó ra và phát hiện thấy người thủy thủ đã chết. Ông đọc được trên các vách cuốn nhật ký chi tiết kể về những cơn đau đớn đáng sợ của anh.

Thế nhưng đó không phải điều đáng ngạc nhiên nhất. Viên thuyền trưởng nâng nhiệt kế bên trong công ten nơ lên xem. Nhiệt kế chỉ 190C. Bởi công ten nơ không đựng hàng nên hệ thống làm lạnh không được kích hoạt suốt cuộc hành trình trở về. Người đàn ông ấy chết chỉ bởi anh nghĩ mình lạnh. Anh là nạn nhân của chính trí tưởng tượng của mình.

Edmond Wells,

Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.

37. NHIỆM VỤ SAO THỦY

Tôi muốn gặp Tiến sĩ Livingstone.

Mong muốn của 103 683 không thể được thỏa mãn. Bằng toàn bộ râu của mình, lũ kiến nổi loạn soi nó một cách khẩn nài.

Chúng tôi cần chị cho việc khác.

Con kiến thọt giải thích. Hôm trước, lúc con kiến lính ở chỗ kiến chúa, một nhóm kiến nổi loạn đã xuống bằng lối đi dưới cái trần đá hoa cương. Chúng gặp Tiến sĩ Livingstone và thông báo cho Tiến sĩ hay biết vụ thập tự chinh chống lại các Ngón Tay.

Đó là Tiến sĩ Livingstone với lời phát ngôn hữu thần hay vị Tiến sĩ với lời phát ngôn vô thần? 103 683 hỏi.

Không. Đó là vị Tiến sĩ vô thần, có lý và cụ thể, nói về những chuyện đơn giản và thẳng thắn vừa tầm mọi cái râu. Dù sao đi nữa, Tiến sĩ Livingstone và những Ngón Tay thường vẫn phát biểu qua ông đều không phát điên khi biết một phái đoàn sẽ đi đến nơi tận cùng thế giới để tiệt diệt tất cả các Ngón Tay. Ngược lại, họ đón nhận điều đó như một tin tức vô cùng tốt lành, thậm chí còn nói rằng đây là cơ hội duy nhất không được bỏ lỡ.

Các Ngón Tay suy nghĩ rất lâu. Tiến sĩ Livingstone truyền đi các chỉ thị, các mệnh lệnh cho một nhiệm vụ của riêng họ, nhiệm vụ được họ gọi là “nhiệm vụ Sao Thủy”. Nhiệm vụ này sẽ trực tiếp kết nối với cuộc thập tự chinh về phía Đông và hòa vào cùng cuộc thập tự chinh ấy.

Vì chính chị sẽ dẫn dắt các đoàn quân của Bel-o-kan nên chị cũng sẽ phù hợp hơn cả với việc đưa nhiệm vụ Sao Thủy đi đến thành công.

103 683 tìm hiểu trách nhiệm mới của mình.

Hãy chú ý! Hãy cân nhắc tầm quan trọng của những gì chị cần để chiến thắng. Nhiệm vụ Sao Thủy có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới.

38. Ở PHÍA DƯỚI

- Bà tin là nó có thể thành công với nhiệm vụ Sao Thủy ư?

Augusta Wells đã trình bày xong kế hoạch của bà dành cho loài kiến. Người phụ nữ già nua đưa một bàn tay bị căn bệnh thấp khớp làm chi biến dạng lên quẹt trán và thở dài:

- Lạy Chúa, miễn là con kiến đỏ hung bé nhỏ ấy thành công!

Mọi người lặng lẽ quan sát bà. Một vài người mỉm cười. Họ buộc phải tin tưởng vào lũ kiến nổi loạn này. Họ không được lựa chọn. Họ không biết tên của con kiến gánh vác nhiệm vụ Sao Thủy, nhưng ai nấy đều cầu nguyện cho nó không bị giết chết.

Augusta Wells nhắm mắt lại. Một năm đã trôi qua kể từ ngày họ ở dưới này, cách mặt đất nhiều mét. Dù đã trăm tuổi nhưng bà vẫn nhớ mọi chuyện.

Thoạt tiên là con trai bà, Edmond, sau khi vợ chết, đã đến ngụ cư ở số 3 phố Sybarites, cách rừng Fontainebleau hai bước chân. Vài năm sau đó, khi đến lượt mình cũng qua đời, ông để lại một lá thư cho người thừa kế là cháu họ Jonathan của mình. Một lá thư kỳ quặc với câu dặn dò duy nhất: “Đừng bao giờ xuống hầm.”

Vì lạc hậu, bà Augusta Wells lúc ấy không hề nghĩ rằng đó là lời kích động hiệu quả nhất. Dù sao, thì Parmentier cũng đã quảng bá được thứ khoai tây không ai thèm của mình bằng cách trồng chúng trên một đám ruộng rào kín và được bao quanh bằng những tấm biển: “Tuyệt đối cấm vào”. Ngay đêm đầu tiên, lũ trộm đã chôm luôn đống củ quý giá và một thế kỷ sau, khoai tây chiên trở thành thành phần chủ chốt của ngành thực phẩm thế giới.

Vậy là Jonathan Wells đã xuống hầm cấm. Anh không trở lên nữa. Cô vợ Lucie của anh cũng liều đi tìm anh. Rồi cậu con trai Nicolas của anh. Rồi các thành viên đội cứu hỏa do thanh tra Gérard Galin cử xuống. Rồi các viên cảnh sát do đội trưởng Alain Bilsheim cử xuống. Cuối cùng là chính bà, Augusta Wells, cùng Jason Bragel và Giáo sư Daniel Rosenfeld.

Tổng cộng có tất cả mười tám người cùng ùa vào cái cầu thang xoáy trôn ốc dài bất tận ấy. Tất cả họ đã đối mặt với lũ chuột cống, đã giải quyết câu đố sáu que diêm tạo thành bốn hình tam giác. Họ đã đi qua cái lờ ép cơ thể lại như để tái sinh. Họ đã trở lên và rơi vào bẫy. Họ đã vượt qua những nỗi sợ trẻ con và những cái bẫy trong vô thức, vượt qua cơn mệt mỏi, vượt qua ý niệm về cái chết.

Cuối cuộc hành trình dài, họ đã phát hiện ra ngôi đền dưới lòng đất, được xây thời Phục hưng, ở phía dưới một tấm đá lát hoa cương lớn, tấm đá lát hoa cương này lại nằm dưới một tổ kiến. Jonathan đã chỉ cho họ thấy phòng thí nghiệm bí mật của Edmond Wells. Anh đã bày ra trước mắt họ bằng chứng chứng tỏ tài năng thiên bẩm của ông bác già của anh, đặc biệt cỗ máy ông sáng chế mang tên “Đá Hoa thị”, vốn giúp hiểu được ngôn ngữ tỏa mùi của loài kiến và nói chuyện với chúng. Từ cỗ máy thò ra một cái ống nối với đoạn dây dò, hay chính xác hơn là một con kiến nhựa, vừa được dùng làm mic vừa được dùng làm loa. Cái máy này chính là sứ giả của họ giữa cộng đồng ki ến, Tiến sĩ Livingstone.

Qua người phát ngôn của mình, Edmond Wells đã từng đối thoại với kiến chúa Belo-kiu-kiuni. Họ không có thời gian trao đổi nhiều nhưng đủ để đánh giá được hai nền văn minh tồn tại song song của họ chưa có khả năng giao thoa ở điểm nào.

Jonathan đã kế tục ngọn đuốc bác mình bỏ lại và dẫn dắt cả nhóm đi theo đam mê của ông. Anh luôn thích thú khi nói họ giống như các nhà du hành vũ trụ trong một buồng du hành không gian đang cố giao tiếp với người hành tinh khác. Anh khẳng định: “Chúng tôi đang thực hiện những gì có thể sẽ là trải nghiệm hấp dẫn nhất của thế hệ chúng tôi. Nếu chúng tôi không đối thoại thành công với loài kiến, chúng tôi sẽ chẳng thể đối thoại thành công được với bất kỳ loài nào khác có trí tuệ, dù trên Trái đất hay ngoài Trái đất.”

Hẳn nhiên là anh có lý. Nhưng có lý quá sớm phỏng có ích gì? Cộng đồng không tưởng của họ hoàn hảo chẳng được bao lâu. Họ đã phải đối mặt với những vấn đề tế nhị nhất, họ đã bị ngưng trệ bởi những vấn đề tầm thường nhất.

Một ngày kia, một lính cứu hỏa cộc lốc nói với Jonathan:

- Có lẽ chúng ta giống như các nhà du hành vũ trụ trong buồng du hành nhưng họ ấy mà, hẳn họ sẽ xoay xở để mang theo số đàn ông và phụ nữ bằng nhau. Trong khi chúng ta ở đây có tới mười lăm người đàn ông đang tuổi xuân sắc và chỉ có một phụ nữ duy nhất. Đừng nói đến bà già và thằng oắt con nhé!

Jonathan Wells phụt ra câu trả lời:

- Ở loài kiến cũng vậy, cũng chỉ có một con cái với mười lăm con đực!

Họ phá lên cười.

Họ không biết nhiều lắm về những chuyện đang diễn ra trên kia, trong tổ kiến, nếu có cũng chỉ là kiến chúa Belo-kiu-kiuni đã chết và kiến chúa kế tục Belo-kiu-kiuni không muốn nghe nhắc đến họ. Thậm chí nó còn cắt đứt nguồn thực phẩm cung cấp cho họ.

Không đối thoại cũng chẳng thức ăn, trải nghiệm của họ nhanh chóng trở thành địa ngục. Mười tám con người bị bỏ đói, bị giam hãm trong một cái hầm: tình huống chẳng dễ quản lý.

Chính đội trưởng Alain Bilsheim là người đầu tiên, vào một buổi sáng nọ, phát hiện ra “hộp đựng đồ lễ vật” ở trong tình trạng rỗng không. Thế là họ đành phải ăn đồ dự trữ, chủ yếu là những cây nấm mà họ học được cách trồng ở dưới lòng đất. Ít nhất họ cũng không thiếu nước mát nhờ có nguồn nước ngầm, họ cũng không thiếu không khí nhờ mấy cái ống thông gió.

Nhưng không khí, nước và nấm, cứ như lễ ăn chay vậy!

Rốt cuộc một cảnh sát bùng nổ. Thịt, anh ta đòi thịt tươi. Anh ta gợi ý chơi trò rút thăm xem ai phải làm món thịt tươi cho những người khác ăn. Và anh ta không hề đùa cợt!

Augusta Wells nhớ chuyện đó như thể khung cảnh đau buồn ấy mới xảy ra ngày hôm qua.

- Tôi muốn ăn! viên cảnh sát gào lên.

- Nhưng chẳng có gì nữa cả.

- Có đấy! Có chúng ta! Chúng ta có thể người này ăn được người kia. Một số người nào đó được chọn ngẫu nhiên sẽ phải hy sinh bản thân để những người khác sống sót.

Jonathan Wells đứng dậy.

- Chúng ta không phải lũ súc vật. Chỉ loài vật mới ăn thịt lẫn nhau. Chúng ta, chúng ta là con người, con người!

- Chẳng ai ép anh biến thành kẻ ăn thịt người cả, Jonathan ạ. Chúng tôi tôn trọng các ý kiến của anh. Nhưng nếu anh từ chối ăn thịt người anh có thể trở thành bữa ăn của họ.

Nói đến đó, viên cảnh sát thể hiện một cử chỉ đồng lõa với một trong số các đồng nghiệp của anh ta. Họ cùng nhau trói Jonathan lại và tìm cách đánh gục anh. Anh thoát được ra, cố hết sức đấm đá. Nicolas Wells cũng tham gia vụ ẩu đả.

Cuộc ẩu đả lan rộng. Người phản đối và kẻ ủng hộ chuyện ăn thịt người ai nấy đứng về phe của mình. Ngay sau đó họ lao vào đánh nhau, ngay sau đó máu chảy. Một vài cú đánh được tung ra với dụng ý giết chóc. Những kẻ thèm khát thịt người giành lấy những mảnh chai vỡ, những con dao, những mẩu củi để đạt được mục đích dễ hơn. Ngay cả Augusta, Lucie và cậu nhóc Nicolas cũng trở nên điên cuồng, cào cấu, đạp chân, đấm tay. Có lúc người bà còn cắn một cái cẳng tay vung ra đúng tầm miệng mình nhưng hàm răng giả của bà rụng cái rụp. Dù sao cơ bắp con người cũng thật chắc.

Bị cách ly dưới mặt đất nhiều mét, họ đánh nhau với sự dữ dội của những con thú bị kẹt. Cứ thử nhốt mười tám con mèo vào một cái hòm một mét vuông trong vòng một tháng mà xem, có thể bạn sẽ có được cái nhìn bao quát về tính tàn bạo của cuộc ẩu đả mà nhóm người không tưởng kia đã lao vào ngày hôm đó, cái nhóm người từng nghĩ sẽ giúp nhân loại tiến hóa ấy.

Không cảnh sát cũng chẳng nhân chứng, họ hoàn toàn mất kiềm chế.

Có một người chết. Một lính cứu hỏa nạn nhân của một nhát dao. Đám cử tọa kinh hoàng dừng ngay lập tức cuộc chiến lại và chiêm ngưỡng thảm họa. Không ai nghĩ tới việc ngốn ngấu xác chết.

Tâm trí mọi người bình tĩnh lại. Giáo sư Daniel Rosenfeld chấm dứt cuộc tranh lộn:

- Chúng ta sa ngã quá rồi! Con người ăn lông ở lỗ vẫn ẩn nấp trong chúng ta và chẳng cần phải cào sâu lớp lịch sự của chúng ta ra mới thấy con người ấy tái xuất. Năm nghìn năm văn minh chẳng có trọng lượng gì. (Ông thở dài.) Lũ kiến hẳn sẽ coi thường chúng ta lắm nếu lúc này chúng thấy chúng ta đang giết chóc lẫn nhau vì miếng ăn!

- Nhưng..., một cảnh sát định nói.

- Anh im đi, đồ ấu trùng người! giáo sư quát. Không một loài côn trùng có tính xã hội nào, dù là con gián, lại dám cư xử giống như những gì chúng ta vừa làm. Chúng ta tự coi mình là vật báu của tạo hóa, ồ! hãy để tôi cười khẩy. Cái nhóm chịu trách nhiệm báo trước con người tương lai này cư xử như một bầy chuột cống. Tự nhìn mình đi, các anh sẽ thấy các anh đã biến nhân loại của mình thành thứ gì.

Không ai đáp lời. Mọi ánh mắt lại nhìn xuống xác người lính cứu hỏa. Không lời nào được thốt ra, mọi người vội vã đào cho anh ta một nấm mộ trong góc đền. Họ vừa chôn anh ta vừa hát một bài kinh cầu nguyện ngắn. Chỉ bạo lực tột đỉnh mới có thể ngăn chặn bạo lực ngay tức thì. Họ quên bẵng những đòi hỏi của cái dạ dày, họ liếm láp vết thương của họ.

- Tôi không phản đối gì một bài giảng triết học hay ho, nhưng dù vậy tôi vẫn muốn biết làm thế nào chúng ta có thể xoay xở để sống sót được, thanh tra Gérard Galin nói.

Quả là ý tưởng ăn thịt lẫn nhau thật suy đồi nhưng biết làm gì khác để sống đây? Ông gợi ý:

- Nếu tất cả chúng ta cùng tự tử một lúc thì sao nhỉ? Chúng ta sẽ thoát được mọi đớn đau và nhục nhã mà con kiến chúa Chli-pou-ni ấy bắt chúng ta phải chịu đựng.

Đề xuất này chẳng khiến ai hào hứng cả. Galin hét lên:

- Nhưng chết tiệt, tại sao lũ kiến lại cư xử độc ác với chúng ta như vậy? Chúng ta là những con người duy nhất hạ cố nói chuyện với chúng, lại còn bằng ngôn ngữ của chúng nữa chứ, và nhìn xem chúng cảm ơn chúng ta thế nào! Để chúng ta chết ngoéo!

- Ồ, chẳng có gì phải ngạc nhiên cả, Giáo sư Rosenfeld nói. Ở Liban, thời kỳ hay xảy ra các vụ bắt cóc con tin, bọn bắt cóc ưu tiên giết những ai nói tiếng Ả Rập. Chúng sợ người ta hiểu chúng. Có lẽ cái con Chli-pou-ni kia cũng sợ chúng ta hiểu nó.

- Nhất định chúng ta phải tìm ra cách gì đó để thoát khỏi tình huống này mà không ngốn ngấu lẫn nhau cũng không tự vẫn! Jonathan thốt lên.

Họ lặng thinh và suy ngẫm bằng toàn bộ trí óc mà mấy cái bụng háu ăn của họ cho phép.

Rồi Jason Bragel lên tiếng:

- Tôi nghĩ mình biết phải làm thế nào...

Augusta Wells nhớ lại và mỉm cười. Ông ấy biết phải làm thế nào.

Hết chương 38. Mời các bạn đón đọc chương 39!

Nguồn: truyen8.mobi/t40055-ngay-cua-kien-chuong-36-38.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận