Tôi muốn có một món quà khi đến thăm gia đình Sreykeo. Nó sẽ có lợi cho quan hệ của chúng tôi. Tôi hỏi Sreykeo nên mua quà gì cho mẹ. Cô thoáng nghĩ và nói, mẹ cô sẽ rất vui khi có một ti vi mới. Chiếc ti vi cũ rất hay bị nhiễu và bóng hình cũng hơi lệch. Chúng tôi mua một chiếc ti vi nhỏ đã qua sử dụng ở chợ. Tôi khuân nó lên cầu thang và đặt xuống đất trước mặt bà mẹ, lòng khấp khởi. Bà không hề vui. Tôi và Sreykeo quỳ trước bà theo đúng phong tục, bà lẩm bẩm cảm ơn và nói lời phù hộ, nhưng hoàn toàn không biểu lộ một cảm xúc nào. Tôi đưa bà chiếc điều khiển từ xa bằng cả hai tay.
Sau đó bà cãi nhau với Sreykeo. Tôi không hiểu lý do. Sreykeo bực bội dịch lại cho tôi nghe. Mẹ cô vừa hỏi, tại sao cô bảo tôi mua ti vi - thay vì lấy tiền hoặc một dây chuyền vàng - và trách cô chỉ biết nghĩ đến mình.
Sreykeo gói vài đồ để đến hẳn nhà trọ với tôi. Cô xếp đồ vào một va li vải mà mặt bên bị dao rạch toác ra. Tôi hỏi cô vì sao. Cô nói, mẹ cô đã làm thế để tìm thứ gì có thể bán được. Do Sreykeo khóa va li nên bà đã rạch ra.
Rốt cuộc tôi nói ra - thật khó viết lại mấy dòng này, vì đó là một giây phút mà tôi không thích nhớ lại. Tôi không nhớ cuộc nói chuyện bắt đầu ra sao. Cô hỏi với giọng cao và khẽ: “Anh sẽ cưới em chứ?” Nghe không như cô thực sự đợi câu trả lời. Tôi không tin rằng cô thực sự muốn biết trong người tôi đang có gì xáo động. Cô chỉ muốn nghe tôi khẳng định điều mà cô đã thừa biết.
Tôi thì thào: “Không, anh không thể.” Cô quay mặt đi, cô luôn làm thế khi khóc. Điện thoại của cô rung chuông. Anh tôi gọi. Anh ở phòng biên tập và thấy tôi chưa gửi bài phóng sự. Tôi nói: “Bây giờ không phải lúc thích hợp.” Anh gầm lên: “Ta phải nói chuyện khi cậu quay về.” Chưa khi nào tôi thấy mình vô dụng như lúc này. Đó là điều tệ hại nhất.
Tôi đâu muốn bỏ cô. Tôi chỉ muốn nói: Tôi cần nhiều thời gian hơn, để lập kế hoạch, để tìm một hướng đi. Nhưng thay vào đó tôi buông một chữ “Không.” Tôi nhìn vào tương lai của cô và chỉ thấy chứng bệnh - và khả năng mình phơi nhiễm. Tôi sợ, không biết nên làm gì. Tôi tìm đường khác nhưng không thấy. Trong khoảnh khắc ấy hình như cứ nói “Không” là đơn giản nhất. Tạm nghỉ lấy hơi đã. Chữ ấy chỉ có giá trị cho một giây lát thôi. Không có ý nghĩa gì lớn với tôi. Chỉ vài hôm sau là tôi đã quên rằng mình nói “Không” với cô. Mãi về sau này tôi mới ý thức được những gì tan nát trong khoảnh khắc đó.
Từ đó trở đi cô bắt đầu hoang tưởng là đã có mang với tôi. Cô nói, sáng sớm thấy người khó ở. Cô bấm mạch và cho rằng nhận ra một mạch đập thứ hai. Cô mua que thử thai. Nó không hiện ra dấu hiệu gì nhưng cô cả quyết trông thấy hai vạch. Cô ăn nhiều cá vì tin là đứa con sẽ thông minh. Cô gọi nó là “Benjamin 2”. Tôi kinh hoàng khi hình dung ra cảnh tượng ấy. Chúng tôi chưa có đủ vấn đề hay sao, nay lại thêm đứa trẻ, lạy Chúa lòng lành!
Người anh sẵn hầu bao
Djiat gọi vào máy di động của Sreykeo và hỏi cô có thì giờ về qua La Building. Khi chúng tôi đến, cô đang nằm ngủ dưới sàn nhà. Toàn thân cô đầy những mụn nhọt, đầm đìa mồ hôi. Nửa bên phải trên mặt cô có một vết chàm loang rộng. Cả nhà không nói một câu, có vẻ như đã chia tay với cô rồi. Chỉ mình Rottana hình như không hiểu gì và vẫn nghịch ngợm như mọi khi.
Djiat hỏi xin tôi tiền mua thuốc HIV. Tôi hỏi thuốc gì. Cô cho tôi xem một ống thuốc bằng nhựa rỗng không. Đó là loại thuốc mô phỏng do một công ty Ấn Độ sản xuất. Thuốc này chứa hỗn hợp hoạt chất đặc trưng cho những nước thế giới thứ ba: Stavudin, Lamivudin, Nevirapin. Có gì đó không ổn. Djiat lấy thuốc tại một bệnh viện nhà nước ở phía Nam thành phố. Một tổ chức bác sĩ quốc tế đã lập trạm bệnh nhân HIV ở đó. Thực ra cô được phát thuốc miễn phí. Bây giờ cô hỏi xin tôi 50 đô la. Tôi cho rằng đó là một mánh xin tiền của cô nhưng không thể từ chối. Nhưng nếu cô quả thật phải trả tiền thuốc mà lại không có tiền thì phải ngắt quãng điều trị. Vì vậy tôi nhờ Sreykeo dịch lại, tôi sẽ cùng Djiat đi mua thuốc.
Nửa tiếng sau cả ba chúng tôi ngồi bên bàn bác sĩ điều trị Djiat, một người Campuchia. Ông bối rối xoay cây bút bi trong tay và nói, thuốc có giá 60 đô la. Tôi bác lại, lần cuối Djiat chỉ phải trả 50 đô la. Ông nói, thôi được, 50 đô la, rồi đưa cô lọ thuốc. Tôi bảo Djiat thử mở nắp xem trước đó đã bị mở chưa. Ông đỏ mặt và cam đoan đó là thuốc tốt. Chúng tôi đi ra không một lời từ biệt.
Buồn quá. Các thành viên tổ chức này từ châu Âu qua Campuchia với tiền quyên góp của phương Tây trong túi để chống căn bệnh AIDS. Họ tuyển nhân viên tham nhũng tại địa phương. Ý định tốt cộng với sự ngây thơ của họ đã gây ra nhiều tác hại hơn tác dụng. Đa số bệnh nhân HIV là người nghèo, không ai trong họ có thể trả 50 đô la mỗi tháng. Nếu họ uống thuốc chỉ khi nào có tiền chứ không đều đặn thì thuốc chỉ gây ra tác dụng phụ chứ không có hiệu quả bảo vệ. Tệ hơn nữa: virus sẽ sinh ra nhờn thuốc, và ở Campuchia không thể chuyển qua loại thuốc nào khác.
Ngày ấy việc điều trị HIV ở thế giới thứ ba hoàn toàn mới mẻ đối với các tổ chức cứu trợ, do đó các dự án đầu tiên thường gặp vấn đề như đã nói ở trên. Tổ chức này có một số dự án nữa ở Campuchia, tiến hành rất thành công. Nhưng dự án này thất bại. Từ cuộc gặp gỡ này tôi học được một điều: tôi sẽ không đưa Sreykeo tới một tổ chức phi chính phủ. Tôi không tin những người làm việc vì lý tưởng. Phải tìm đường khác.
Chúng tôi có lịch hẹn với bác sĩ Marlow. Ông ngạc nhiên khi thấy tôi: “Cậu trẻ quá nhỉ!” ông nhướng mày nói. Chắc ông đợi thấy một “tay chơi trống bỏi”, một lão già người Âu yêu ca ve mặt bấm ra sữa. “Trông cậu như một bé ngoan thì đúng hơn!” Ông thân mật kiểu mày tao chí tớ, tôi thấy khó chịu.
Tôi phải ra hai quyết định: trước tiên chọn thuốc gì cho Sreykeo. Các tổ chức phi chính phủ dùng thuốc tổng hợp Stavudin như Djiat vẫn uống. Thuốc này có lợi thế là ba hợp chất cùng ép vào một viên, mỗi ngày bệnh nhân chỉ cần uống hai viên chia làm hai lần. Ở Đức hầu như không dùng nó nữa vì các tác dụng phụ mạnh kéo dài. Nó có thể làm thay đổi phân bố mỡ - bệnh nhân gầy tóp ở mặt và tay chân, nhưng cả người và lưng lại đọng mỡ. Tôi muốn chọn một thuốc tổng hợp khác trên cơ sở Azidothymidin. Ngày uống hai lần, mỗi lần hai viên. Thoạt đầu có khó chịu, nhưng sau vài tuần các tác dụng phụ sẽ biến mất.
Ngoài ra thuốc này ức chế virus mạnh hơn và vẫn được khuyến cáo làm liệu pháp khởi đầu ở Đức, mặc dù cho đến nay đã có thuốc khác ít tác dụng phụ hơn. Nếu Sreykeo sau này qua Đức thì cô không phải đổi loại thuốc. Quả là mâu thuẫn: một mặt tôi nói không cưới cô và đưa về nước, mặt khác tôi cố chọn loại thuốc mà cô cũng được nhận ở Đức. Nhưng cảm xúc của tôi đúng như thế: mâu thuẫn, chập chờn giữa yêu và sợ.
Quyết định nữa mà tôi phải chọn là thời điểm bắt đầu liệu pháp. Nếu đợi quá lâu, có thể cô bị nhiễm trùng nguy hiểm tính mạng. Hệ miễn dịch của cô sẽ bị một tổn thương không dễ khắc phục. Nhưng chúng tôi cũng không được bắt đầu quá sớm. Thuốc nào rồi cũng mất tác dụng sau một thời gian, không sớm thì muộn. Khi thử hết mọi loại thuốc, cô sẽ chết. Bắt đầu quá sớm cũng có nghĩa là phí phạm thời gian được sống. Và tiền. Nghe có vẻ nhẫn tâm, song chỉ nhẫn tâm đối với một người có bảo hiểm y tế.
Bác sĩ Marlow khuyên chúng tôi đi đo lượng virus rồi hãy quyết định thời điểm bắt đầu điều trị. Người ta đếm số virus trong một phân khối huyết tương. Đây là một xét nghiệm rất phức tạp không thể làm được ở Campuchia, chúng tôi phải sang Thái Lan. Ông cũng can chúng tôi mua thuốc ở Campuchia vì không ai biết rõ thuốc trong lọ có đúng như ghi trên nhãn không. Sreykeo lắng nghe chúng tôi trò chuyện, nhìn từ người này qua người kia và không hiểu chữ nào. Tuy chúng tôi dùng tiếng Anh nhưng sau này cô nói, chẳng khác gì bật radio cho bò nghe. Bác sĩ Marlow tính 20 đô la cho buổi tư vấn.
Chúng tôi làm hộ chiếu cho Sreykeo và mua vé xe buýt đi Bangkok. Chưa bao giờ cô rời khỏi đất Campuchia bé nhỏ và lạc hậu của mình. Trái lại thì Thái Lan là một phần của thế giới phương Tây: ở đó có máy ATM, tàu điện ngầm, siêu thị Seven Eleven, McDonald’s và KFC.
Sreykeo không thấy gì đáng chú ý. Chỉ một lần khi xe buýt nghỉ ở cây xăng biên giới cho mọi người đi vệ sinh, lái xe nhấn còi để gọi khách trở lại xe. Riêng cô mất tăm. Mọi người đợi tôi xuống xe đi tìm cô, và tôi thấy cô ngồi trên nóc xe. Cô nói là không chịu được máy lạnh hôi như mùi nhựa. Cô muốn ngồi trên nóc xe khi đi trên xa lộ như vẫn quen ở nhà.
Bangkok lớn đến ngộp thở đối với một người từ Campuchia đến: một rừng rậm toàn nhà cao tầng và xa lộ nhiều tầng ngoắt ngoéo chật cứng xe cộ ùn tắc. Thực lòng là tôi hơi thất vọng khi thấy biển ánh sáng không gây ấn tượng cho Sreykeo như cho tôi. Chúng tôi lấy một phòng trọ ở Banglamphu, khu du khách gần Khao Sun Road.
Cảm giác thời gian của Sreykeo khác với mọi người ở thành phố này. Cô có thể ngắm hàng giờ một người đàn ông ngồi khắc hoa từ xà phòng ở vỉa hè. Hoặc xem đàn khổng tước trong một chậu gốm trên sân thượng nhà trọ tóa ra khi cô nhúng đầu ngón tay vào nước, để rồi lại tò mò xúm lại thành đàn. Cô hay cho một thìa sữa bột vào cà phê chỉ để xem nó tan ra thành những họa tiết trắng hình xoáy ốc. Cô nhìn một phụ nữ ném cơm ra đường cho bồ câu ăn. Khi tôi giục cô đi tiếp, cô nói là sẽ đếm có bao nhiêu bồ câu bay đến để nhặt hết chỗ cơm. Có lần chúng tôi thấy một người đàn ông câu cá ven sông. Cô cho tôi biết là cô đợi xem con cá sẽ câu được to chừng nào. Cô có một dạng nhận thức rất khác mà tôi chỉ thấy quen quen trong quá khứ thơ ấu.
Tôi muốn chỉ cho cô những thứ khác của thế giới. Nhất định phải biết McDonald’s, tôi nói. Cô muốn biết đó là gì. Tôi giải thích, ở nơi nào trên thế giới cũng có cửa hiệu McDonald’s, hầu như ở mỗi nước và mỗi thành phố. Và ở đâu đồ ăn cũng có vị giống hệt như nhau. Chỉ ở Campuchia không có McDonald’s. Đồ ăn ở đó chán ngắt, nhưng cũng nên thử một lần trong đời cho biết.
Cô chống cự bằng được. Chúng tôi chơi trò đấu sức: tôi đẩy cô qua cửa kính, cô bám chặt tay nắm, và tôi nhẹ gỡ từng ngón tay cô. Cô ngồi xuống ghế, tôi gọi một túi khoai tây chiên nhỏ và một bánh kẹp đúp có lát phó mát cheeseburger. Thậm chí tôi còn bấm mấy ảnh ghi lại khoảng khắc lịch sử: Sreykeo ăn chiếc cheeseburger đúp đầu tiên trong đời.
Cô ăn thêm hai chiếc nữa. Từ đó trở đi mỗi lần tôi hỏi muốn ăn gì, mắt cô lại sáng lên như trẻ con: “Cheeseburger đúp!“ khiến tôi tự hỏi, liệu sáng kiến dẫn cô vào McDonald’s có hay ho gì không. Giả sử có ai nói với tôi trước đây một năm là người yêu tôi thích nghe Britney Spears và ăn cheeseburger đúp thì tôi sẽ phang lại: ”Quên khẩn trương!“
Bác sĩ Marlow đã ấn vào tay tôi danh thiếp một bệnh viện tư ở Bangkok. Trông giống khách sạn hơn bệnh viện: một nhân viên mặc com lê đen đeo máy bộ đàm giúp Sreykeo xuống xe tuk-tuk. Ở tiền sảnh vang tiếng dương cầm. Thay cho thang máy chật chội là thang cuốn. Y tá trông như chiêu đãi viên, nhiệm vụ chính của họ hình như chỉ là bưng đồ uống.
Chúng tôi gặp một nữ bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm. Sau một tuần có kết quả xét nghiệm. 105.000 virus trong một phân khối huyết tương của Sreykeo. Tôi cố giấu sốc để hỏi chuyện bà bác sĩ một cách thiết thực. Bà khuyên chúng tôi nên sớm bắt đầu điều trị. Lượng virus cao nghĩa là bệnh tiến triển nhanh: càng tăng virus thì càng giảm tế bào CD4.
Trong lúc này tôi lo cho chính mình hơn: rách bao cao su trong khi mỗi phân khối huyết tương chứa 105.000 virus. Càng nhiều virus thì khả năng có vài con lọt vào máu tôi càng cao. Cho đến lúc ấy tôi vẫn tự trấn an rằng chuyện lây nhiễm khó xảy ra. Giờ thì khác.
Chúng tôi đi buýt về nhà. Tôi nghĩ, có thể số mệnh của chúng tôi là gắn bó với nhau bởi cùng loại virus cho đến khi bị cái chết chia lìa.
Buổi tối hôm cô bị quỵ, chúng tôi định đi trượt pa tanh. Chúng tôi vừa ra khỏi tàu điện trên cao thì cô bảo không đi được nữa. Thoạt tiên tôi cho là cô mệt. Nhưng cô run lẩy bẩy và sụm xuống cầu thang. Tôi xốc nách cô dìu vào một cửa hàng, đặt nằm lên ghế băng và gọi nhân viên an ninh. Anh ta không biết tiếng Anh nào nhưng nhận ra tình thế khẩn cấp và rất ân cần. Sreykeo được phép nằm vào xô pha trong phòng nghỉ của nhân viên để nghỉ và uống nước. Sau đó anh ta kiếm một xe đẩy và đưa cô ra bến taxi cạnh đó. Chúng tôi đến bệnh viện gần nhất.
Đó là bệnh viện cảnh sát. Ngoài hành lang có nhiều cáng, cuối lối đi là một cửa lớn. Người ta bảo tôi phải ra ngoài. Hoàn toàn không cần thiết, vì cô chỉ nằm trên cáng và nhìn trần nhà đợi kết quả thử máu. Cô được truyền nước biển và phát một nắm viên sắt. Chẳng làm được gì khi bị cơn suy nhược cấp, chỉ còn cách đợi cho đến khi qua khỏi thôi. Sreykeo van xin tôi ở lại cạnh cô. Thực ra tôi không nhất thiết phải rời phòng, người ta chỉ muốn tuân thủ quy định. Nghĩa là tôi vẫn bị xua ra và cánh cửa thép to tướng khép lại. Tôi ngồi đợi trên một ghế nhựa da cam bắt vít chặt, muốn nổ tung lên và đập phá. Lũ bác sĩ này tự cho mình quyền gì! Chẳng làm được gì mà cứ ngoạc mồm ra. Tôi cảm thấy mình đã thay đổi. Ngày xưa tôi không bao giờ bẳn tính và gây gổ.
Hết chương 18. Mời các bạn đón đọc chương 19!