Tôi kiếm một bệnh viện địa phương ở Thái Lan có điều trị kháng retrovirus để Sreykeo có thể đến từ Campuchia trong cùng ngày. Bangkok quá xa và thuốc ở đây cũng đắt hơn. Trong hai tuần chúng tôi xem xét bảy bệnh viện Thái Lan khác nhau. Thủ tục thì giống hệt: nhận phiếu in số, sau đó đo huyết áp, đếm mạch, đo thân nhiệt, chiều cao và trọng lượng cơ thể. Sau đó chúng tôi ngồi đợi trên ghế nhựa da cam vặn vít chặt và xem quảng cáo địa phương trên chiếc ti vi gắn dưới trần hàng tiếng đồng hồ cho đến khi được một bác sĩ tiếp.
Hôm sau chúng tôi lại lên chuyến xe buýt đường dài khác, thuê một nhà trọ qua đêm, để rồi lại ngồi đợi trên ghế nhựa da cam vặn vít chặt cho đến khi được một bác sĩ tiếp. Ba lô của Sreykeo biến thành hiệu thuốc: viên sắt, thuốc hạ sốt, kháng sinh, trị nấm, vitamin, thuốc rỏ mắt, thuốc rỏ tai, thuốc sát trùng. Mỗi bác sĩ kê thêm thuốc mới. Sreykeo phân loại thuốc vào bữa ăn sáng: thuốc uống buổi sáng vào một túi riêng, mỗi màu một viên, thuốc buổi tối vào một túi khác.
Vài bác sĩ nói, tiếc là họ không điều trị HIV. Vài bác sĩ khác khuyên nên bắt đầu điều trị ngay, các bác sĩ khác dặn nên đợi, lại một số khác chẳng biết nói gì vì họ không thạo tiếng Anh. Có người nhìn chúng tôi đầy thương cảm khi nghe kể về bệnh trạng của cô. Một người nói, suốt ngày có bệnh nhân HIV từ Campuchia qua đây, và không thèm giấu vẻ khinh bỉ. Sau đó ông ném một túi nylon đựng thuốc lên bàn với điệu bộ ban ơn. Tôi không tìm thấy cái mình muốn tìm.
Mấy ngày cuối chúng tôi ở Ko Chang, một trong những đảo du lịch ở Vịnh Thái Lan. Chủ yếu Tây ba lô đến đây: bãi tắm cát trắng, cây cọ, nhà trọ bằng tre nứa, bữa sáng có bánh chuối dọn ở sân thượng. Du khách ba lô luôn tìm cách làm quen và có thói quen gọi nhau “Hello, cậu từ đâu tới?” Sreykeo kể, bố cô là thợ cắt tóc của Pol Pot. Còn tôi thường ra hiệu là không ưa trò chuyện. Chắc họ cho chúng tôi là một đôi quái dị - chúng tôi đang trên một chuyến đi khác với họ.
Tất nhiên Sreykeo không có thai. Một buổi tối cô thấy có kinh và vô cùng thất vọng. Cả tối cô ngậm miệng. Đó là hy vọng cuối cùng của cô để tôi không bỏ cô. Tôi khó lòng giấu được tiếng thở phào, thậm chí còn phì cười. Cô chỉ hỏi: “Sao anh lại vui thế?”
Biển làm cô quên chuyện cũ. Bản thân cô cũng như một đứa trẻ. Cả ngày tôi ngồi trong bóng mát dưới cây cọ và nhìn cô chạy đi chạy lại trên bãi biển. Cô nhặt vỏ ốc vào một túi nylon để xâu thành dây chuyền. Rồi cô chạy lại với tôi, cười rúc rích, tay trái cầm chai nước, tay phải bịt miệng chai. Cô giơ chai lên và tôi thấy trong đó một con cua con. Cô có thể suốt ngày ngắm nó giơ càng cào lên thành chai. Buổi tối cô rải vỏ ốc ra sàn nhà, chọn ra những vỏ xấu ra rồi đổ các vỏ đẹp nhất vào chai. Đêm đến cô đặt chai cạnh giường và chúc con cua “ngủ ngon.” Hôm sau cô ra biển để thả nó ra, vẫy tay tạm biệt.
Chúng tôi chỉ có một lần thử điều trị, không được thất bại. Ở Đức người ta được phép thử lần hai. Nếu ở đó bệnh nhân không uống thuốc đều và do đó làm thuốc bị vô hiệu thì hãy còn một loạt thuốc khác - hậu quả chỉ là tăng phí tổn cho quỹ bảo hiểm y tế. Ở Campuchia chỉ có hai loại thuốc, đã thế virus lại còn sinh ra nhờn thuốc chéo: nếu loại thuốc này mất công hiệu thì loại kia cũng vô tác dụng.
Tôi phải nghĩ hết mọi đường. Nếu một ngày nào đó cô không kiếm được thuốc nữa thì chấm hết. Nếu cô mua sai thuốc vì không đọc được chữ trên nhãn. Nếu Thái Lan đột nhiên đóng cửa biên giới vài tuần như đã có lần xảy ra trong quá khứ. Nếu bệnh viện bị đóng cửa. Và nếu tôi khi nào đó không có tiền để trả lệ phí thị thực vào Thái Lan, tiền bác sĩ, tiền thuốc, tiền vé xe buýt, nhà trọ. Thêm nữa, chúng tôi không có bác sĩ nào đáng tin cậy. Tài liệu của bác sĩ Marlow từ năm 1997 - thời điểm mà người ta biết rất ít về liệu pháp kháng retrovirus. Nghĩa là tôi phải biết đủ mức để đánh giá một bác sĩ có đủ chuyên môn hay không. Tôi không thể quyết định sẽ bắt đầu điều trị bao giờ và ở đâu. Không điều trị còn hơn điều trị sai. Đôi khi chẳng làm gì cả lại là đúng nhất. Nhưng đó là một quyết định rất khó khăn.
Ngày cuối cùng, chúng tôi thức dậy và nằm im lặng đợi cạnh nhau. Chuyến xe buýt của tôi đi Bangkok khởi hành buổi trưa. Mấy hôm vừa rồi hay có mưa ấm. Tôi đã ở đây bốn tuần và vẫn có cảm giác chưa làm được việc mà vì nó tôi đến đây, còn quên gì đó. Tôi đứng dậy kiếm ba lô, nhét bừa mọi thứ vào. Sreykeo phải ở lại Thái Lan để chờ lấy một tấm phim chiếu X quang.
Chúng tôi chia tay nhau ở bến buýt đường dài Chantaburi. Tài xế nhấn còi báo hiệu lên xe. Cô nói “Anh đi đi,” và khi thấy tôi không động đậy, cô cười lần nữa: “Đi đi!” Tôi nắm tay cô và nghĩ còn phải nói gì nữa, nhưng không biết nói gì. Rồi cô nói: “Em cần anh. Đừng quên.”
Trong xe lạnh toát. Nước mưa chảy dọc cửa kính xe, máy lạnh vặn hết cỡ. Tôi ngẫm nghĩ lời cô vừa nói. “Em cần anh. Đừng quên.” Vì sao cô bảo tôi đừng quên cô? Cô có tin là tôi làm thế không?
Chúc mừng sinh nhật
Máy bay hạ cánh ở Frankfurt đúng sinh nhật tôi. Bố mẹ ra đón tôi, đem theo bánh sinh nhật trong hộp bìa. Đó là loại bánh sô cô la hạt dẻ rưới mứt mơ và sô cô la đắng mà mẹ tôi hay làm mỗi khi các con có sinh nhật. Tôi không kể nhiều. Mẹ tôi lo lắng quan sát diễn biến. Bà nói: “Nếu cần mẹ giúp con và Sreykeo thì cứ nói.” Nhưng tôi không biết bà có thể làm gì. Sự giúp đỡ duy nhất là tiền, nhưng tiền thì tôi không thích hỏi.
Ngay hôm đó tôi đi tiếp về Hamburg. Tillmann và Annette đón tôi ở ga, đốt nến ở sân ga và hát Happy birthday. Chân tôi vẫn xỏ dép tông và lạnh run. Annette tặng tôi một hình kỵ sĩ bằng nhựa trắng của trò chơi Playmobil - một ẩn dụ rất hài hước. Tuy nhiên tôi không cho mình là một kỵ sĩ trắng.
Quà tặng của Tillmann là cuốn sổ tay và bút bi. Nghe nói loại bút bi này do NASA chế tạo, có thể viết ở trình trạng không trọng lượng và trong nước. “Vì cậu sắp phải đi săn tin trong điều kiện khó khăn,” anh vừa nói vừa mỉm cười khá cay độc. Tôi quên bẵng là còn nợ một lần nói chuyện.
Chúng tôi cùng vào một nhà hàng ở St. Pauli ăn tối, nhưng tôi rất kiệm lời. Đồng hồ sinh học của tôi chạy trước năm tiếng, đầu nhức, tay ướt nhơm nhớp.
Những triệu chứng đầu tiên tôi phát hiện được khi đã vào giường nằm. Hai bên bẹn nổi hạch. Khá to và cứng. Có thể sờ thấy dưới da như những hạt đậu sống. Tôi sờ lên a mi đan. Cũng sưng to. Chắc do mệt mỏi đi đường, tôi nghĩ thầm. Một cơn cúm mùa hè.
Sáng hôm sau tôi ngủ dậy và thấy sổ mũi, họng đau rát. Tôi uống hai viên thuốc giảm đau và tới tòa soạn. Hầu như không đủ sức lên cầu thang.
Một tuần sau tôi đưa từ khóa “cúm mùa hè” vào tìm trong Google. Bệnh này thường kéo dài vài hôm. Tôi đã đọc về giai đoạn cấp tính. Nhiều người cho rằng không thể nhận ra nhiễm HIV qua triệu chứng bên ngoài. Không đúng hẳn. Tôi đọc trong một tài liệu chuẩn về điều trị, “sau thời gian ủ bệnh dài từ vài ngày đến vài tuần kể từ khi nhiễm HIV, ở đa số các trường hợp xuất hiện một bệnh tương tự như cúm.” Đã hơn ba tuần nay tôi bị sốt và sưng hạch. Quá lâu để gọi là cúm. 105.000 phiên bản virus trong một phân khối huyết tương. Đột nhiên tôi nhìn thế giới qua một cặp kính mới. Tựa như mặt trời chiếu sáng cho những người khác chứ không cho tôi. Họ tốt nghiệp đại học, mở doanh nghiệp, lập gia đình, bàn kế hoạch tương lai. Tôi thì không. Nói là tôi sợ chết thì hơi quá. Một cảm giác nặng nề ngán ngẩm thì đúng hơn.
Tôi suy nghĩ nên ký bảo hiểm loại nào trước khi xét nghiệm HIV. Nếu vì HIV mà không làm được tiếp nghề này và không có bảo hiểm thì tôi sẽ tụt dốc về xã hội: không việc làm, không bảo hiểm mất khả năng hành nghề, không hưu. Ai còn muốn nhận người nhiễm HIV vào làm việc? Còn có nghĩa là tôi không thể trả tiền chữa bệnh cho Sreykeo.
Các công ty bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm mất khả năng hành nghề ở Đức đã nhận ra rằng tỉ lệ nhiễm HIV trong số khách hàng của họ cao hơn bình quân trong dân chúng - và họ ít ưa loại khách hàng ấy. Nếu chứng minh được là tôi đã biết mình bị bệnh trước khi ký bảo hiểm thì họ sẽ không trả tiền. Một khi đã phải sống với HIV thì ít nhất tôi cũng muốn có mức bảo hiểm cao nhất như có thể. Do đó trước tiên tôi không đi xét nghiệm, mặc dù tình trạng mập mờ ấy làm tôi phát điên.
Quan trọng nhất là bảo hiểm mất khả năng hành nghề. Tôi hẹn gặp nhân viên đại diện bảo hiểm, một ông cao tuổi thân thiện. Tôi ra vẻ phớt đời khi trả lời những câu hỏi về kiểm tra sức khỏe và giấu hồi hộp. Tôi tin chắc là mình đã nhiễm HIV, chẳng cần phải xét nghiệm nữa. HIV không còn là một chữ viết tắt đối với tôi. Tôi biết nó có mùi gì, sờ vào ra sao. Nó đã là sự thật hiển hiện.
Đồ khùng
Các vấn đề của tôi làm xấu đi quan hệ với bè bạn. Hồi đó chúng tôi gặp nhau vài lần mỗi tuần ở nhà một đứa trong bọn, nấu ăn chung, chuyền vòng quanh một điếu cần sa khi ngồi trước một đống bát đĩa rếch. Tôi luôn lắc đầu với một câu châm biếm: “Tớ có nguyên tắc của tớ: không bao giờ dùng ma túy loại nhẹ!” Ít nhất cũng chọc ra vài tràng cười. Nhưng rồi một tối tôi cũng rít vài hơi, hy vọng sẽ thấy trong người khá lên. Quanh tôi ai cũng có mắt đỏ như nhau, cười rúc rích và nói lè nhè - tác động đặc trưng của cần sa. Tôi nhìn dọc xuống người mình và đột nhiên cảm thấy đám virus từ dương vật tôi lan sang hạch ở bẹn và tỏa ra khắp cơ thể. Mồ hôi tay túa ra. Tôi cố thở thật chậm và tự nhủ đừng lên cơn điên, đừng lộ cho ai biết.
Sau chuyến đi thứ hai từ Campuchia về, quan hệ các bạn tôi đã đổi khác. Chúng tôi ngày càng ít nói đến Sreykeo. Mỗi lần chúng tôi ngồi với nhau, bao giờ cũng một phần của tôi vắng mặt, nó chưa quay về hẳn từ chuyến đi nọ. Sự sầu muộn được thế chỗ bởi trầm cảm nặng nề hơn. Tôi mất hết cảm giác thời gian. Sự trầm lặng của tôi tạo cho các bạn cảm giác là tôi hết quan tâm đến họ.
Cái tệ hại nhất của virus không phải triển vọng sắp chết. Nó đến sau cùng. Trước đó người ta bị thu gọn lại thành vị thế một nạn nhân. Nó làm ta bải hoải. Khô cằn. Biến ta thành một hình nhân thảm hại. Thành một vấn đề. Thành một người đẩy bố mẹ mình vào vòng bất hạnh. Nhìn lại chỉ thấy cuộc đời như một thất bại.
Tôi không khi nào kêu gọi các bạn cứu giúp. Nếu biết, chắc họ cũng sẽ giúp tôi. Nhưng chính bản thân tôi cũng không biết người ngoài nên giúp tôi kiểu gì. Giúp bằng tiền? Không bao giờ. Vì tôi sẽ chỉ lôi họ cùng vào vòng xoáy và làm tổn hại tình bạn. Giúp bằng lời khuyên? Người ta nên khuyên tôi gì trong tình cảnh này? Lời khuyên duy nhất là rời bỏ Sreykeo. Và đó là chuyện tôi không làm.
Rồi còn mặc cảm tội lỗi của tôi nữa. Nói cho cùng tôi đã tự gây ra mọi chuyện, tự có lỗi trong mọi chuyện, giờ thì phải tự tìm cách ra khỏi. Tôi xấu hổ kinh khủng. Xấu hổ vì đã thành một gánh nặng cho mọi người. Nhìn vào gương, tôi nghĩ “Mày là đồ khùng.“ Tôi sống như trong một thế giới đen tối ngoài luồng, như trong cảm giác đã phạm một tội gì đó, như mình có một bí mật đen tối không ai được biết. Luôn lo lắng ai đó biết mình điên khùng. Và luôn phải giữ một vẻ ngoài bình thường. Tôi phải làm ra vẻ cực kỳ bình thản, không ai được thấy gan ruột tôi hoặc biết tôi nghèo đến mức nào.
Cùng làm việc gì cũng phải có tiền, những đồng tiền mà tôi không có. Ta không thể tới quán bia cùng các bạn, ngồi xuống bàn và nói “Tớ không uống đâu, vì tớ không có tiền.” Không thể được. Vậy thì họ phải đãi ta bia. Ai muốn có bạn, người ấy cần tiền để trả đồ ăn thức uống, taxi và quà sinh nhật. Chẳng có gì lạ. Mỗi lần chúng tôi đi chơi, tôi mua một cốc bia và cả tối không uống cạn để khỏi phải mua thêm cốc nữa. Tôi hút thuốc của các bạn. Khi cùng nhau nấu ăn, mỗi người đem đến một chai vang, chỉ tôi là không. Tôi ăn và không nói một lời.
Chúng tôi ngày càng xa nhau, vì các bạn có một hình dung khác về quan hệ của tôi với Sreykeo. Họ chưa thấy mặt Sreykeo bao giờ. Trong quan hệ của tôi với Sreykeo họ thấy một dạng của tình yêu đồng loại theo tinh thần Cơ đốc giáo. Ngược lại, tôi hiểu hai chúng tôi là sợi dây số mệnh. Thông thường người ta vẫn hiểu nhầm đó là kiểu làm việc thiện mà không chịu nhìn nó theo đúng thực chất: một quan hệ hoàn toàn bình thường.
Có lần tôi cho một người quen xem ảnh Sreykeo. Anh ta ngạc nhiên thấy cô rất mạnh khỏe, vì anh vẫn tưởng tượng ra cô là một bộ xương. Anh gần như thất vọng khi được tôi cho biết là chúng tôi vẫn ngủ với nhau bình thường, chỉ phải dùng bao cao su. “Bây giờ tớ thấy quan hệ của các cậu quả là bình thường,” anh nói. Chính thế, đó là một quan hệ trần tục bình thường mà. Nhưng anh ta đã xem nó như một dạng tuẫn đạo Cơ đốc giáo. Thảo nào anh coi tôi là đồ khùng.
Các bạn tôi chắc cũng cho là tôi tâm thần. Tôi làm những việc không thể lý giải. Một phần của tôi sống trong thế giới khác, ở đó ngự trị một hệ giá trị khác. Sreykeo đã trải qua các khốn khó khác hẳn. Cô không có thuốc. Làm sao tôi có thể than phiền không có tiền tiêu pha?
Rất lâu sau tôi mới tìm được dịp kể cho một người khác về nỗi lo bị nhiễm HIV. Người đầu tiên được tiết lộ là Sebastian. Tôi gặp cậu ngoài phố, khoác tay kéo cậu vào hành lang. “Tớ có chuyện phải cho cậu biết, riêng mình cậu thôi.” Tôi không đợi được tới khi vào nhà. “Tớ nghĩ là đã bị nhiễm bệnh.” Rồi tôi kể cho cậu biết các triệu chứng. Sebastian dựa lưng vào tường và thoạt tiên không nói gì. Tôi tin rằng chuyện ấy là cú sốc nặng cho Sebastian - chẳng phải chính cậu đã rủ rê tôi làm chuyến đi này hay sao? Nhưng đồng thời trông cậu cũng có vẻ trút được gánh nặng: “Giờ tớ mới biết điều gì xảy ra với cậu.”
Chúng tôi đi uống bia ở Altona. Lại một lần nữa tôi không có thuốc hút và phải hỏi xin Sebastian. Cậu cũng không có và hất đầu về phía bàn bên cạnh không người, trên đó có đĩa gạt tàn. Ai đó đã châm một điếu rồi để quên. Tôi gõ tay lên đầu: “Cậu dở hơi à? Nhỡ lây bệnh gì thì sao?” Tôi chỉ ngộ ra sự trớ trêu ngẫu nhiên ấy sau khi đã nói xong. Sebastian suýt ngã khỏi ghế vì cười. Tôi cũng bật cười. Đã từ bao lâu tôi không được cười như thế?
Hết chương 20. Mời các bạn đón đọc chương 21!