Tương Lai Xán Lạn Chương 4

Chương 4
1988-1989 Bác có cho rằng con trai bác đáng tin cậy không ạ?

Thứ năm, ngày 16 tháng 6, mười tám giờ hai mươi. Helen đang xem lại bản hoàn chỉnh của một dự án mà bà phải đưa lại cho chủ vào hôm sau - một lập trình theo ngôn ngữ Trình hợp dịch sẽ kết nối những máy tính điện tử to với những máy vi tính, mà người ta tiên đoán sắp được dùng phổ biến - thì bà giật nảy mình vì điện thoại reo. Chắc chắn không phải Jacob. Ông đã biết rằng tối nay, bà quý từng phút, và bà cần tập trung hoàn toàn cho công việc. Bà nhấc máy, khó chịu vì bị làm phiền.

- Helen Tibb đây.

- Mẹ hả?

Giọng con trai làm bà vui vẻ liền, nhưng pha chút lo âu. Rất hiếm khi nó gọi đến phòng làm việc.

- Alexandru đấy à? Ổn cả chứ?

- Vâng. Con định mai đến, cùng với một người.

- Tuyệt vời!

 

Vì tế nhị, Helen tránh không hỏi "một người" ấy là ai. Nhưng nghe giọng vui vẻ của Alexandru thì hình như đó là một phụ nữ. Bà hi vọng rằng sau mười tháng, cuối cùng nó cũng ra khỏi nơi ẩn náu.

Bà gác máy và trở lại làm việc, lòng nhẹ nhõm. Khi Jacob đến ga đón bà trở về vào nửa đêm, câu đầu tiên bà nói với ông lúc ngồi vào xe:

- Alexandru đến thăm chúng ta vào ngày mai, với ai đó.

- Với ai đó? Ha ha! Jacob nhắc lại bằng một giọng đầy


ngụ ý.

Helen lo lắng cho con trai. Không phải về tương lai nghề nghiệp, mặc dù bà muốn con tiếp tục học hành sau khi đã có bằng cử nhân của Harvard cách đây bốn năm. Anh làm phóng viên cho một tờ báo địa phương của Cambridge, nếu không có bằng cấp cao hơn, vị trí này không hứa hẹn một sự nghiệp nào cả. Tuy nhiên, chỉ cần anh quyết đoán. Là người xuất sắc, mọi cánh cửa đều có thể mở ra cho anh. Cho đến nay, anh đã vượt qua mọi rào cản. Trong khi tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ và mẹ anh không phải người Do Thái, anh vẫn được nhận học bổng của ngôi trường nổi tiếng chính thống Do Thái Queens vào năm 1975. Hai năm sau, anh thi đỗ vào trường trung học công Stuyvensant mà việc tuyển chọn gắt gao nhất ở New York. Từ đó, con đường rộng mở trước mắt anh tới những trường đại học tốt nhất, tất nhiên còn phải được lựa chọn là những sinh viên ưu tú trong tầng lớp ưu tú của nước Mỹ. Helen sẽ không bao giờ quên buổi tối mà Alexandru đọc cho họ nghe bức thư của trường Harvard: “Alex Franklin Tibb thân mến, chúng tôi vui mừng báo với em rằng, v.v.” Harvard, đó là đỉnh của các đỉnh cao.

 

Chính những người phụ nữ mới làm Helen lo ngại. Ở tuổi hai mươi sáu, Alexandru đã trải qua hai mối tình sâu sắc; hai lần trái tim anh đều tan nát . “Đó là bài học cuộc đời, Lenoush. Con sẽ vượt qua thôi”, Jacob nói vậy lần đầu khi Alexandru hai mươi tuổi và Lisa, mối tình đầu của anh đã bỏ anh sau một năm yêu đương. Mùa hè ấy, anh đã trở về nhà cha mẹ, ở lì trong phòng hai tháng trời, nằm dài trên trường kỉ, hút thuốc và nghe nhạc bằng máy walk-man, Helen không hề hỏi gì nhưng trái tim bà nhỏ máu vì con. Hai năm sau, sau một loạt cuộc yêu đương không đi đến đâu, anh đã gặp Ximena. Cô người Achentina, li dị chồng, và hơn Alexandru năm tuổi, nhưng độ lượng và nhiệt thành đến mức mà ngay từ giây lát đầu tiên, nụ cười rạng rỡ của cô đã chinh phục Helen. Cô có tóc vàng và da sáng đến mức nào thì Alexandru tóc nâu và da sậm đến thế ấy. Chúng đẹp đôi. Tổ tiên cô là người Đức nên Alexandru vẫn trêu: “Ông em phát xít.” Thực ra thì ông cô đã rời Đức đi Achentina ba năm trước chiến tranh vì không hài lòng với chính sách của nước mình. Helen mở lòng đón Ximena như đứa con gái mà bà đã không có được. Nhưng tháng Chín vừa qua, trong khi mà Alexandru và Ximena đi lại với nhau đã được ba năm và mối quan hệ của họ hình như được cho là sẽ dài lâu - anh đã hai lần đi Buenos Aires và đã gặp gỡ toàn thể gia đình cô và được mọi người quý mến, anh bỗng ngừng gọi cho cha mẹ. Chỉ đến khi để tin nhắn cho con một lần, rồi hai lần mà không thấy hồi âm thì bà mới lo lắng cho sự im lặng ấy. Theo bản năng, bà thuyết phục được Jacob cùng đi Cambridge vào cuối tuần sau đó. Vào một giờ chiều, họ bấm chuông tầng trệt của căn nhà gỗ xám ở phố Pearl, gần Quảng trường trung tâm. Cuối cùng, Alexandru cũng ra mở cửa. Anh chớp chớp mắt như vừa tỉnh dậy và ánh sáng làm anh khó chịu. Râu cằm nhiều ngày không cạo và áo sơ mi nhàu nát mà hẳn là anh không thay khi ngủ. Một mùi chua chua bốc ra từ cơ thể anh. Trong phòng khách, xung quanh cái đệm đặt dưới sàn, trước vô tuyến là ngổn ngang vỏ chai bia và uýtki, cốc bẩn, vỏ hộp pizza, những bao Marlboro, và những cái gạt tàn đầy đến mức tro rơi cả xuống sàn. Anh xin lỗi vì đã không gọi lại. Anh bị cảm cúm nặng nhưng đã thấy khá hơn. Anh không nhắc gì đến Ximena cả. Phải sau bảy tháng anh mới nói với cha mẹ là cô ta đã bỏ anh để theo một người bạn rất tốt của anh là Jorge, cũng người Achentina như cô ấy. Anh đã cạo râu, tắm rửa và trở lại làm việc. Anh hai mươi sáu tuổi. Nhưng trong mười tháng trời, vẫn nỗi buồn ấy làm mờ mắt anh.

Tối thứ sáu, Helen đã có thể về nhà được vào bảy giờ rưỡi sau khi kết thúc dự án. Bà thay quần áo và mặc một cái váy đầm lịch lãm màu ghi sẫm trên có cài con chim vàng và hồng ngọc. Bà đeo vào cổ mặt dây chuyền bằng thủy tinh Murano mà con trai đã mang từ Ý về. Từ trong bếp, bà ngóng tiếng động cơ trên phố. Alexandru đã nói sẽ đến khoảng tám giờ. Đến tám giờ hai mươi, bà nghe thấy một chiếc xe chạy chậm lại rồi lao lên cổng. Chiếc xe Ford nhỏ màu vàng đã đậu sau xe của Jacob. Cửa phía cạnh lái xe mở ra và ai đó xuống xe. Một phụ nữ. Helen mỉm cười. Trực giác của bà quả không sai.

- Xin chào! - Bà reo lên bằng một giọng nhiệt tình nhất. - Đi đường thuận lợi chứ?

Cô gái ngẩng đầu. Cô có mái tóc dài vàng óng, giống Ximena. Trời rất nóng và cô mặc một bộ nhẹ nhàng, váy ngắn và áo chẽn màu xanh lam. Đến lượt Alexandru ra khỏi xe, quần jean và áo phông xanh rực rỡ chứng tỏ tâm trạng của anh đã khá hơn. Cả hai lên cầu thang đi về phía Helen. Người con trai cao lớn cúi xuống hôn mẹ, rồi lại thẳng người lên.

- Mẹ ơi, đây là Marie.

- Nice to meet you, cô gái nói tiếng Anh với một giọng mà Helen nhận ra ngay.

- Cháu người Pháp à?

- Vâng ạ.

- Quả vậy mà! Thật tuyệt!

Ôi nước Pháp! Nhanh như chớp, hình ảnh về thư viện của bà Weinberg quay trở lại với bà, xen với hình ảnh về những cô phục vụ xinh đẹp mặc váy ngắn trong quán cà phê ở Saclay. Rõ ràng là Alexandru toàn bị phụ nữ nước ngoài quyến rũ. Một cô gái Pháp còn hơn một cô Canađa hoặc Achentina.

Vì bà không có thời gian nấu nướng, họ đi ăn hiệu. Bà đã giữ chỗ trong hiệu ăn tốt nhất của khu phố, nơi mà Jacob và bà ăn mừng sinh nhật. Họ đi tới chỗ xe của Jacob, nhưng khi biết hiệu ăn không xa, cô gái Pháp nói thích đi bộ hơn sau những giờ đi trên đường. Họ vượt qua đường cao tốc bằng cầu dành cho người đi bộ và đi dọc theo đường thêm năm trăm mét nữa. Bãi đỗ xe của hiệu ăn đầy xe. Họ vào trong phòng Nghệ thuật deco, ở đó có điều hòa nên mát mẻ và dễ chịu. Vì là tối thứ sáu nên những bàn phủ khăn trắng hầu như đã có người ngồi và phục vụ bàn luôn tất tả ngược xuôi.

- Điều hòa nhiệt độ, ý tưởng điên rồ! - Cô gái Pháp thốt lên. - Bên ngoài dễ chịu, bên trong lạnh cóng. Mùa hè ở đây luôn phải mang theo mình một chiếc áo ấm.

May thay, cô đã mang theo áo của cô. Helen ngạc nhiên. Bà không bao giờ nghĩ người ta có thể phàn nàn về điều hòa nhiệt độ. Đó là một trong những tiện nghi bà thích nhất ở Mỹ.

“Marie là người Paris”, Alexandru nói với cha mẹ sau khi người phục vụ đã mang món khai vị ra.

- Thành phố đẹp biết bao! - Helen thốt lên. - Bác đã đến đó năm 1968.

Cô gái Pháp nhướn mày: “Vào tháng Năm năm 1968 ạ?”

Helen cười. “Không. Vào tháng Mười. Paris lúc ấy rất yên tĩnh. Không có chút dấu vết nào của những sự kiện tháng Năm. Bác tản bộ khắp nơi. Và bác đã mua giày cho Alexandru. Nhớ không con, Alexandru?

- Dĩ nhiên rồi, mẹ. Đó là đôi mocassins.

- Bằng da dê non màu xám, lót da thỏ. Không ai ở Bucarest hồi ấy lại có đôi giày đẹp đến thế!

- Bác được tự do đi phương Tây ạ? Cô gái Pháp hỏi.

- Bác được mời dự một hội thảo quốc tế ở Saclay. Cháu biết Saclay chứ?

Bà thận trọng phát âm từ đó theo kiểu Pháp, với trọng âm ở vần cuối.

- Cháu chỉ nghe nói đến thôi. Một hội thảo về gì ạ?

- Vật lí. Bác là nhà vật lí nguyên tử.

- Vậy ạ! - Cô gái Pháp có vẻ ngạc nhiên. - Nhưng mà... cháu tưởng bác làm về máy tính chứ ạ?

Helen và Jacob nhìn nhau cười.

- Chuyện dài lắm, Helen nói. Tóm lại, chúng tôi phải chuyển nghề khi đến đây. Cần phải có quốc tịch Mỹ mới được làm trong một nhà máy nguyên tử.

- Cũng không hẳn đơn giản như vậy, - Jacob cười, nói thêm. - Bác gái đã nghĩ rằng tin học quá khó. Bác rất vất vả để thuyết ph ục bác ấy cứ thử xem. Và bây giờ bác ấy trở thành người giỏi nhất trong những người lập trình đấy!

- Bác cứ tưởng rằng trình độ toán học sẽ phải rất cao. Nhưng không phải vậy. Hay thật đấy! Cứ như là học tiếng nước ngoài ấy.

Bữa ăn tối thực sự tốt đẹp. Alexandru có vẻ thư giãn và vui vẻ, lần đầu tiên trong mười tháng gần đây. Kín đáo, Helen không hỏi gì nhưng cô gái Pháp đã tự nói về mình. Cô nói rằng cô vừa làm phụ giảng tiếng Pháp trong hai năm cho Harvard và hiện nay cô chuẩn bị trở về Pháp làm việc tại một trường trung học ở ngoại ô Paris.

Những thông tin này cho Helen và Jacob biết về tương lai mối quan hệ của Marie và con trai họ: rõ ràng đó chỉ là một cuộc chơi mùa hè. Helen thấy nhẹ cả người. Có cái gì đó ở cô gái Pháp khiến bà khó chịu. Trên đường đến hiệu ăn, hai đứa vừa đi vừa ôm nhau, và Marie đã hôn môi Alexandru mà không đếm xỉa gì tới cha mẹ anh đi ngay đằng sau. Bây giờ thì cô lại đang vuốt ve tay anh cứ như thể không có đụng chạm thể xác thì cô không chịu nổi. Còn nữa chứ. Helen nhận ra trong mắt của con trai mình lại thứ ánh sáng mà bà thấy bừng lên hồi còn yêu Lisa và Ximena. Bà hài lòng vì con vui vẻ sau mười tháng ủ rũ, nhưng linh tính mách bảo bà rằng cô gái Pháp này không phải người phụ nữ cần cho con trai bà.

Tháng Bảy, Alexandru báo với họ anh sẽ đi nghỉ hè ở châu Âu để gặp lại Marie và cùng cô đi Hy Lạp. Anh có vẻ đang yêu. Một buổi tối khoảng cuối tháng Tám, Helen gọi cho con trai ở Cambridge, và bắt gặp một giọng phụ nữ phát âm không chuẩn: rõ ràng cô gái Pháp đến thăm hoặc thậm chí còn đến ở với anh. Nhưng tháng Chín đến, rồi tháng Mười, và anh không bao giờ nói về cô gái nữa. Nếu về thăm cha mẹ, anh chỉ đi có một mình. Có vẻ như họ đã chia tay. Helen không hỏi gì cả. Con trai bà hình như bất hạnh.

 

Cuối tháng Mười một, nhờ thành công của lập trình Trình hợp dịch đã làm hồi tháng Sáu, bà được đề bạt làm phó chủ tịch công ty. Giờ bà ngang hàng với Jacob và hưởng lương cao như ông, điều này không phải hiển nhiên, ngay cả ở nước Mỹ, nơi mà phụ nữ giống như khắp nơi trên thế giới, thường được trả công kém hơn nam giới cho cùng một công việc. Jacob rất tự hào về bà. Alexandru cũng vậy. Họ ăn mừng sự kiện này trong hiệu ăn Ý ngon nhất ở Manhattan - lẽ ra bà thích một hiệu ăn Pháp, như La Côte Basque, hoặc La Grenouille, nhưng ngại gợi lại cho con trai những kỉ niệm buồn. Ở cơ quan, người ta tổ chức tiệc đứng để chúc mừng bà. Có rượu sâmpanh Pháp và ông Chủ tịch - Tổng giám đốc công ty đọc một bài diễn văn tán dương. Đồng nghiệp tặng bà một bông hoa mộc lan trắng và giải thích rằng đó là loại hoa người ta thường tặng cho nữ sinh trung học Mỹ vừa đỗ tú tài. Helen thấy tự hào và cảm động giống như cách đây tám năm, cái ngày bà mở lá thư của cơ quan nhập cư đồng ý cho họ nhập quốc tịch Mỹ và được quyền mang họ mới, Tibb. Bà giữ bông hoa nhiều tuần trong tủ lạnh. Bà sung sướng vì được đánh giá cao, đư ợc thừa nhận và yêu quý. Bà phát hiện những ưu đãi dành cho cương vị phó chủ tịch: nếu bà làm việc muộn buổi tối, bà có thể gọi một xe Limousin với tài xế để đưa ra ga - thậm chí đến New Jersey, nếu bà ở lại phòng làm việc sau mười giờ. Ở tầng trên cùng của tòa nhà nơi có trụ sở công ty, có một quầy cà phê dành cho cán bộ cấp cao: dưới một quả chuông bằng kính là một nơi rất ấn tượng với những đồ đạc cực kì hiện đại, trắng toát, do Philippe Starck thiết kế, và một cái nhìn toàn cảnh khắp Manhattan, từ sông Đông đến sông Hudson. Khi ngồi đó uống một tách cà phê và hút một điếu thuốc, bà thấy đó là giây phút hạnh phúc tột độ.

Nhờ bà được tăng lương mà họ có thể mua một chiếc xe khác, đó là chiếc xe mới đầu tiên để thay cho chiếc Buick cũ kĩ đã là người bạn tốt và trung thành của họ trong mười năm trời, nhưng đồng hồ đã chỉ ba trăm nghìn cây số. Jacob chọn kiểu xe - bà không lái xe và chả biết gì về xe cộ - còn bà chọn màu, màu xanh kim loại thanh nhã cho vỏ xe và màu trắng ngà cho da bọc ghế. Chiếc Lincoln có hộp số tự động, điều hòa nhiệt độ cho những tháng hè, một dàn stéréo với âm thanh tuyệt hảo và những cái tựa cực kì thoải mái uốn theo đường cong của lưng. “Kính mời bà Phó chủ tịch”, Jacob vừa nói vừa nghiêng đầu mở cửa phía ghế ngồi cạnh lái xe, và mỗi lần như vậy Helen lại mỉm cười sung sướng.

Alexandru đón Noël cùng với họ, và báo với họ anh sắp đi học lại. Helen vui mừng khôn xiết. Đó là điều bà mong mỏi ở con trai. Anh đang tập hợp giấy tờ làm hồ sơ dự tuyển. Anh không vui cũng chẳng buồn. Vì nhiều tháng đã trôi qua và anh không có vẻ gì còn nghĩ tới cô bạn Pháp nên một buổi tối, mẹ hỏi anh cô ấy thế nào rồi. Khi thấy con trai giật nảy mình như thể vừa bị bà đâm bằng một cái kim, bà lập tức hối hận vì đã hỏi.

- Không ổn, mẹ ạ. Cuộc sống của cô ấy là ở Paris.

Một năm mới bắt đầu. Một buổi sáng chủ nhật của tháng Hai, khoảng mười giờ, chuông điện thoại reo. Đang giúp Jacob dọn tuyết rơi trong đêm ở con đường bên, Helen nghe thấy tiếng chuông điện thoại nên chạy vào qua cửa gara. Bà đi vội lên cầu thang và nhấc máy ở trong bếp, giọng hổn hển:

- A lô?

- Bác đấy ạ, Helen? Cháu chào bác ạ!

Helen tự hỏi giọng nữ này là của ai? Một cô trợ lý tiếp thị không gọi bà bằng tên riêng.

 

- Xin lỗi đã làm phiền bác, giọng nói tiếp tục. Cháu là Marie, bạn anh Alex. Bác nhớ không ạ? Cháu đã được gặp hai bác vào mùa hè vừa qua đấy ạ.

- Tất nhiên!

Lập tức bà thấy khó chịu và dự cảm có một mối nguy hiểm.

- Alex nói với cháu là bác đã được đề bạt làm Phó chủ tịch. Cháu chúc mừng bác! Thật tuyệt! Marie nói với sự phấn khởi giả tạo khiến Helen nổi da gà.

- Ồ, cảm ơn. Cháu rất chu đáo.

    Helen sửng sốt. Nỗi sợ lan tỏa khắp cơ thể bà. Lòng bàn tay cầm điện thoại ươn ướt. Tại sao cô gái Pháp gọi cho bà để chúc mừng sau khi bà được thăng chức đã hai tháng rồi? Cô ta muốn gì?

- Bác có biết Alex đâu không ạ? Cô gái Pháp vẫn nói với giọng vô cảm.

- Chắc nó đang ở nhà nó ở Cambridge, - Helen đáp, nhẹ người vì câu hỏi giản đơn. - Bác đã nói chuyện với nó cách đây mươi phút, và vì bị cảm cúm nên nó không muốn ra ngoài.

Lần này, im lặng kéo dài hơn. Helen tự hỏi làm sao để cúp máy mà không tỏ ra bất lịch sự.

- Lẽ ra anh ấy đến thăm cháu tại Paris cách đây một tuần. Nhưng anh ấy đã không đến và cũng chẳng gọi cho cháu, Marie nói tiếp bằng một giọng rất bình tĩnh.

Helen vẫn lặng thinh. Bà muốn ngừng cuộc đối thoại này ngay tức khắc. Bà không muốn biết điều con trai bà đã làm.
Bà không muốn nghe thấy người phụ nữ này khóc lóc trong điện thoại.

Một phút trôi qua, cô gái Pháp mới nói thêm:

- Bác có cho rằng con trai bác đáng tin cậy không ạ?

Mũi tên bắn trúng giữa tim Helen. Bà khẽ cười.

- Đó là con trai tôi, bà nói.

Nguồn: truyen8.mobi/t86739-tuong-lai-xan-lan-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận