Trước tiên là cháu trai của họ, Amit. Ngày 15 tháng Giêng, Jacob, Helen và Alexandru đáp chuyến bay El Al 008 đi Tel-Aviv sau khi đã trình cho hải quan hộ chiếu màu nước biển có hình một con đại bàng mạ vàng - những tấm hộ chiếu được thèm muốn nhất thế giới. Vì Jacob và Helen chưa có kì nghỉ thực sự nào từ khi Jacob bị lên cơn đau tim vào tháng Chín và họ cũng cần nghỉ ngơi, và vì Helen cũng cần nơi yên tĩnh sau những sự kiện dồn dập của tháng Mười hai nên bà tổ chức một chuyến đi chơi xa gia đình vài ngày ở biển Chết, sau hôn lễ của Amit. Khi trở về, họ dự định dừng lại một đêm ở Paris để gặp gỡ cha mẹ Marie vì hiện tại, Alexandru và Marie đã đính hôn.
Ở New York, họ đã giã từ mùa đông. Họ đến xứ sở của mặt trời và ánh sáng. Bà vui mừng gặp lại những người em của Jacob cùng với vợ họ, bọn trẻ đã trưởng thành cả và Zeruya, người phụ nữ độc thân kiều diễm hai mươi chín tuổi, rất nhanh nhẹn. Mọi người trong nhà tới tấp hỏi họ về châu Mỹ, về cuộc sống của họ, cha mẹ Helen ở Bucarest, vợ chưa cưới của Alexandru. “Người Pháp!” họ thốt lên, cứ như thể là anh chàng may mắn, Rumani trở thành Mỹ, đã trúng số độc đắc. Helen đã mang theo một vài tấm ảnh của Marie chụp vào dịp lễ Noël. Mọi người nhất trí khen cô rất đẹp và mắt Alexandru ánh lên vẻ kiêu hãnh. Hôn lễ rất ấm cúng, người vợ trẻ hiền lành và xinh xắn. Amit rất chu đáo đã xếp Helen và Jacob ngồi bàn danh dự và bố trí cho bác gái khiêu vũ, nhưng sau hai ngày, bà thấy chóng mặt. Bà hài lòng vì đã nài nỉ để ra khách sạn trong khi các em của Jacob muốn họ ở lại gia đình. “Lenoush giờ thích xa xỉ rồi”, họ thân tình nói giễu. Bà đã giữ trước phòng trong một khách sạn đẹp trên ngọn đồi Carmen trông ra biển, không xa căn hộ trước đây của họ. Nhưng buổi sáng ngày thứ hai, trong khi đang ngủ say vì chênh lệch múi giờ, họ bị những tiếng gõ cửa đánh thức dậy. Doru, người luôn dậy từ rạng sáng, đã sẵn sàng để ăn sáng với họ. Hiếm có dịp gặp anh trai, nhất là ở Ixraen, nên anh ta muốn tranh thủ dịp này. Trong suốt thời gian lưu lại Haïfa, anh ta không rời họ nửa bước, không ngừng chuyện trò với Jacob, theo họ vào phòng ngủ và ở lại đấy ngay cả khi Helen sử dụng phòng tắm.
- Em đã xin nghỉ thêm được mấy ngày, anh ta báo với họ vào buổi tối thứ ba. Em sẽ cùng anh chị đi biển Chết và sẽ đưa anh chị đi bằng xe con, thoải mái hơn xe ca.
Suốt buổi tối, Helen không nói một lời. Trong một giây lát ngắn ngủi đối diện nhau, Jacob thì thầm:
- Tôi có thể làm gì, hả Lenoush? Đó là em trai tôi!
Bà nhún vai không trả lời.
Trên bờ biển Chết, trên núi, nơi họ đi xem phế tích Massada, trong phòng ăn của khách sạn, trong ba ngày, giọng Doru không ngừng vang lên, làm Helen phát điên, làm hỏng cả vẻ tuyệt mỹ của phong cảnh, anh ta hình như không giây phút nào để ý đến bà chị dâu luôn im lặng và căng thẳng. Cuối cùng, Doru đưa họ ra sân bay. Máy bay chậm hai tiếng. Họ đến Paris vào buổi chiều. Họ lại trở về với mùa đông xám xịt, lạnh và ẩm ướt. Họ vừa vặn đủ thời gian nhận phòng khách sạn ở quảng trường Soócbon, mặc quần áo lịch lãm phù hợp với thời tiết rồi đi tàu điện ngầm đến nhà cha mẹ Marie. Alexandru trước khi đi gặp vợ chưa cưới đã viết mọi chỉ dẫn cần thiết ra giấy. Họ xuống ở ga cuối tuyến đường, men theo đại lộ, băng qua một đại lộ có cây xanh, đến khu nhà ở hiện đại và tìm thấy lối vào nằm khuất ở cuối một con đường nhỏ. Họ bấm chuông, lên tầng tám. Cửa đã mở sẵn. Một người đàn ông cao, mắt xanh, với chòm râu cằm nhỏ bé và mái tóc hạt dẻ, tươi cười đón họ. Marie giống ông.
- Xin chào! Tôi là Jean-Pierre. Mời ông bà vào. Ông bà khỏe không ạ?/Hi! I am Jean-Pierre. Please come in. How do you do?
Helen thấy ấn tượng về giọng Anh tinh tế của ông. Ông chìa tay cho Jacob và nghiêng người hôn Helen, bà ngạc nhiên lùi lại một bước. Ông mặc quần nhung màu nước biển sọc to, áo sơ mi trắng cắt đẹp với đường kẻ xanh da trời, và quấn khăn lụa màu xanh lơ sáng làm nổi màu xanh của đôi mắt ông. Vẻ lịch thiệp của ông làm lu mờ bộ âu phục màu xám sẫm của Jacob. Một người đàn bà xinh đẹp với nước da sẫm và mái tóc nâu cắt rất đẹp nhào tới.
- Chào Helen! Chào Jacob! Tôi rất vui được gặp ông bà! Ông bà đi đường khỏe không? Và tìm thấy nhà chúng tôi không quá khó khăn chứ ạ? Vùng ngoại ô này quá xa mọi thứ, phải không ạ? Lối vào lại khuất, người ta dễ lạc đường lắm! Nhiều bạn bè bị lạc lắm. Ông bà không quá mệt chứ?/Helen! Jacob! I am so much pleased to meet you finally! Did you had good trip? And to find our place, it was not too difficult? This suburb is so far of everything, right? The entrance is hidden, one can be lost! Lots of friends are lost. You are not too much tired?
Cùng lúc bà hỏi dồn dập nên khách không đủ thời gian trả lời. Mặc dầu giọng Pháp rất nặng với những lỗi ngữ pháp, bà không ngại diễn đạt bằng tiếng Anh, trong khi mà Helen không dám liều lĩnh nói một từ tiếng Pháp nào. Họ ngồi trong phòng khách và cha của Marie mở chai sâmpanh. Bà mẹ thổ lộ với họ bà đã học ở Harvard năm 1959, như con trai họ, nhờ có học bổng Fulbright, bà cũng là người Do Thái như Jacob và bà có cảm giác như quen họ từ đời nào rồi. Bà tử tế và thân tình, nhưng cũng làm ta e ngại. Và rất chi là thon thả. Helen chưa bao giờ thấy một phụ nữ ở tuổi ấy thon thả như vậy. Và còn lịch lãm nữa. Một phụ nữ Paris thực thụ. Bà mặc một cái váy dài xòe bằng lụa trắng có in hoa màu xám, xanh dương và xanh lơ, dáng dấp Nhật. Áo sơ mi vừa khít thắt lại ở vùng eo, mở ở ngực, nơi lấp lánh một cái vòng vàng. Tay bà đeo một nhẫn to bằng kim cương nạm ngọc lam. Trừ cái ghim nhỏ bé bằng vàng và hồng ngọc của bà ngoại cho, Helen chẳng có đồ trang sức nào quý giá. Bà thích những đồ trang sức độc đáo rẻ tiền không sợ bị mất hoặc bị ăn cắp. Mẹ của Marie đề nghị Helen và Jacob gọi họ bằng tên riêng. Helen cảm thấy mình sẽ không làm được. Chuông cửa reo và ba người mới đến. Đó là hai em trai của Marie và bạn gái của cậu út, một cô gái cao, tóc đen dài. Giới trẻ nói với nhau bằng tiếng Pháp, cười, đùa. Alexandru hình như thấy hoàn toàn thoải mái.
Trong bữa ăn, bà mẹ liên tục hỏi chuyện Jacob và Helen. Bà muốn biết mọi thứ: làm sao họ đã thoát khỏi Rumani của Ceausescu, cuộc sống của họ ở Ixraen thế nào, làm sao họ có thể di cư sang Mỹ và làm lại cuộc đời ở đó. Thật lạ, chính Jacob nói. Rõ ràng là ông hứng thú kể chuyện đời họ. Mẹ Marie chăm chú nghe và không ngừng hỏi thêm. Ôn lại kỉ niệm cũng làm Helen phiền muộn. Bà thấy lại Rôma, căn phòng nhỏ tồi tàn, những cái xoong nhơm nhớp, những bước chân kiệt sức trên đường phố ô nhiễm, sự chờ đợi, nụ cười lịch thiệp của nhân viên nói với họ: “Không có gì mới. Hãy trở lại vào ngày mai nhé.” Và rồi cái phòng tắm.
- Thật kinh khủng, bà nói khẽ như thể với chính mình.
- Phải đấy, thật kinh khủng! - Mẹ Marie phụ họa. Tôi thông cảm với ông bà! Ông bà hẳn đã phải đau khổ lắm!
Mười một giờ rưỡi, Jean-Pierre lái xe đưa họ về tận khách sạn. Ông cũng đưa Alex và Marie đi cùng để sau đó cho họ về nhà Marie ở quận 18. Trước khách sạn, Helen nhắc Alexandru sáng hôm sau họ phải ra đi từ rất sớm.
- Tại sao tối nay con không ngủ ở khách sạn? - Bà nói. - Mẹ đã thuê một phòng cho ba người rồi.
Marie nhìn anh chằm chằm, và Helen đoán được con trai sẽ trả lời thế nào.
- Không, mẹ ạ. Con sẽ đi taxi đến đón cha mẹ vào sáu
- Không được muộn hơn đâu đấy!
- Mẹ đừng lo.
Sáu giờ hai mươi sáng hôm sau, Helen và Jacob chờ đợi trên đại lộ Saint-Michel vắng tanh bên cạnh vali. Trời còn tối và rất lạnh. Helen rùng mình trong chiếc áo khoác quá mỏng. Jacob đưa cho bà khăn quàng của ông. Bà châm một điếu thuốc, và giật mình khi một người ăn xin tiến lại xin bà một điếu, đó là người duy nhất, ngoài họ ra, trên đại lộ. Bà đưa ông ta bao thuốc và ra hiệu bảo giữ lại cả bao. Ông ta bỏ đi. Sáu giờ rưỡi. Bà ngóng theo những chiếc xe qua lại đại lộ, lại châm một điếu thuốc. Sáu giờ bốn mươi, rồi sáu giờ năm mươi. Không có chiếc xe nào dừng ở nơi họ chờ. Bảy giờ, rõ ràng là con trai họ chưa tỉnh dậy.
- Jacob, mau quay lại khách sạn gọi điện cho Alexandru!
- Bà có số phôn của Marie không?
Họ nhìn nhau.
- Tôi nói có sai đâu! - Helen kêu lên. - Chính vì thế mà tôi đã giữ phòng cho ba người. Lẽ ra ông đã phải kiên quyết để Alexandru ở lại với chúng ta! Làm sao bây giờ?
Quỳ xuống hè, Jacob mở vali và tìm cái quần mà trong túi có để mẩu giấy ghi số điện thoại của cha mẹ Marie. Bảy giờ hai mươi lăm. Một chiếc taxi đột ngột dừng lại trước họ. Cửa mở và Alexandru đầu tóc rối bù bước ra, vẻ ngái ngủ và ân hận.
- Con xin lỗi. Đồng hồ báo thức không kêu. Con không hiểu tại sao.
Trong nháy mắt, anh cho vali vào cốp xe và chiếc taxi lại chuyển bánh. Họ lao ra sân bay Roissy. Họ đến nơi vào tám giờ mười lăm, thừa thời gian để đáp chuyến bay của họ vào chín giờ năm mươi, nhưng kết cục may mắn này vẫn không làm quên đi thời gian chờ đợi trên vỉa hè Paris.
Trở lại Mỹ, Helen kiệt sức. Quá nhiều chuyến đi trong một tuần, quá nhiều chênh lệch múi giờ, quá nhiều gia đình, trò chuyện, xúc cảm. Bà cần sự yên tĩnh để bình tâm trở lại. Đó không phải là đi nghỉ. Jacob th y cha mẹ Marie dễ thương. Helen đồng ý là họ dễ thương. Người cha ít nói hơn người mẹ, nhưng lịch thiệp, một người hào hoa phong nhã thực thụ. Tuy nhiên, ngay khi nghĩ về họ, về Paris, về con trai và Marie, về hôn lễ sẽ diễn ra đầu tháng Bảy ở Bretagne và người cha cũng đã nói sơ qua với họ vì từ nay đến đó họ sẽ không có dịp gặp nhau, là bà lại thấy có gì trong bà quặn đau. Lắm lúc, một dự cảm tăm tối hành hạ bà. Bà nhớ lại đã có cùng cảm giác này ngày 31 tháng Mười hai khi Alexandru báo cho họ về lễ đính hôn của anh. “Chúc mừng nhé! Mazel tov!” lập tức bà thốt lên, quá bối rối đến nỗi làm đổ cả cốc. Một nỗi hoảng sợ xâm chiếm bà. Người duy nhất mà bà đã thổ lộ chuyện ấy là đồng nghiệp của bà tên là Bill. Anh ta đã nói với bà rằng mọi người mẹ có một con trai duy nhất đều cảm thấy bị đe dọa khi con trai lấy vợ, nên sự lo âu của Helen là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng không phải chỉ có nỗi sợ hãi mất con trai. Helen biết chắc như vậy. Bà đã không cảm thấy hoảng sợ khi nghĩ rằng con bà sẽ lấy Ximena. Ngược lại, bà còn mong cho hôn lễ sẽ diễn ra. Có một sự khác biệt quan trọng, khách quan giữa Ximena và Marie. Ximena là người Achentina và tương lai nghề nghiệp của cô là ở nước Mỹ. Cô không hề có ý định quay trở về nước. Marie là người Pháp. Cả gia đình cô ở Pháp. Thế giới của cô là ở đó. Cô có một ý chí mãnh liệt mà hiển nhiên cô sẽ áp đặt cho Alexandru.
Helen lo lắng đến mất ngủ. Khi bà nằm ngủ ban đêm, ngay cả khi xem vô tuyến, tương lai của con trai bà hiển hiện ngày càng rõ nét. Người ta có thể làm gì ở Pháp nếu không phải người Pháp? Pháp là một nước khép kín và kén chọn tinh hoa. Nếu quý vị không sinh ra là người Pháp, nếu quý vị không nói lưu loát ngôn ngữ của họ mà không pha tạp giọng nước ngoài, nếu quý vị không đi học trường Pháp, đất nước này không mở cửa cho quý vị, ngay cả khi quý vị là người thông minh nhất trái đất. Alexandru vẫn còn chưa biết điều đó. Anh hai mươi bảy tuổi, anh bị tình yêu làm mù lòa. Khi anh nhận ra rằng mình lỡ dịp may thì đã quá muộn rồi. Tất cả những điều cha mẹ đã làm cho anh từ hai mươi năm nay sẽ là công cốc. Tại sao họ rời bỏ Rumani và di cư sang Mỹ, tại sao họ đã làm lụng cả đời, nếu như không phải để cho anh có tương lai tốt đẹp hơn?
Bà quyết định nói với Jacob. Ông không chế giễu bà. Ông chăm chú nghe bà, gật đầu. Ông thừa nhận những lo sợ của bà là có cơ sở. Mắt ông lộ vẻ lo lắng. Hôn lễ đã dự định đầu tháng Bảy. Họ có quyền can thiệp không? Có nên giữ im lặng? Họ có thể không nói gì cả và để cho con trai sa vào một con đường không lối thoát?
*
Khi điện thoại reo và Alex trả lời bằng tiếng Rumani, Marie đoán chắc cha mẹ anh gọi để chúc mừng con trai nhân ngày sinh nhật. Hôm nay, anh tròn hai mươi tám tuổi. Ở Pháp đang là kì nghỉ tháng Hai nên cô đến ở hai tuần với Alex tại Cambridge. Đang chữa bài trên cái trường kỉ cũ ở phòng khách, cô không hề để ý đến cuộc đàm thoại cho đến khi nhận ra rằng nó kéo dài và Alex chỉ thỉnh thoảng đáp lại bằng “hum” và “da” (nghĩa là “vâng” trong tiếng Rumani). Khi nói dài hơn hai từ là lúc anh nổi cáu. Cô nghe thấy anh đi đi lại lại từ phòng ngủ tới phòng khách. Có chuyện gì vậy? Có chuyện với sức khỏe của cha anh ư? Với giọng cáu bẳn của anh thì không phải vậy.
Rồi anh gác máy. Không nhìn cô, anh đi thẳng vào phòng tắm. Cô nghe tiếng nước chảy. Anh trở ra, mặt và tóc đẫm nước. Anh đối diện với cô, môi mím chặt, vẻ cực kì khó chịu.
- Có chuyện gì thế, Alex?
- Đó là cha anh.
- Em hiểu. Ông khỏe không?
- Ông điên. Cha mẹ anh đều điên.
- Tại sao? Đã xảy ra chuyện gì vậy?
- Họ bảo anh đừng lấy em.
- Gì cơ? Tại sao? Bởi vì anh muốn đi học lại à? Hai mươi tám tuổi, lấy vợ cũng không quá trẻ đâu!
- Không phải thế. Họ không muốn anh lấy em, em ấy.
- Em? Tại sao?
Anh nhún vai.
- Em cứ tưởng là cha mẹ anh quý em lắm! Thật chả ra thể thống gì cả!
- Là anh nói với em vậy.
Họ lặng im. Biết bao ý nghĩ ngổn ngang trong đầu Marie.
- Nhưng tại sao lại là bây giờ hả Alex? Họ đã rất sung sướng khi chúng ta báo với họ về lễ đính hôn của chúng ta! Anh nhớ mẹ anh đã rất xúc động chứ? Và họ cũng đã đến Paris vào tháng Giêng để gặp cha mẹ em! Tại sao họ làm vậy nếu như họ phản đối hôn lễ của chúng mình? Mọi cái đều suôn sẻ ở Paris, đúng không?
- Họ cho rằng anh sẽ làm hỏng đời anh.
- Tại sao?
- Vì em là người Pháp.
- Người Pháp? Thế nhưng người Rumani thân Pháp
cơ mà!
- Họ tin rằng chúng mình sẽ dọn nhà về Pháp và anh sẽ không tìm được việc làm vì giọng nói của anh.
- Do đâu mà họ có ý nghĩ này nhỉ? Bản thân em sẽ đến sống ở Mỹ cơ mà! Một sự hiểu lầm thôi Alex ạ. Cha mẹ anh lẽ ra phải hiểu rằng em sắp đến sinh sống và làm việc ở đây chứ. Ta phải về New Jersey và bình tĩnh giải thích cho họ hiểu rằng chúng mình yêu nhau và không hề có ý định chuyển nhà
về Pháp.
Alex lại gần và ôm ghì lấy cô.
- Cảm ơn em, Marie. Anh xin lỗi vì đã lôi kéo em vào tấn thảm kịch Rumani này.
Marie không thấy lo lắng nữa. Cô đã nhận ra rằng sự thận trọng quá mức của Alex và cha mẹ anh có thể đưa tới sự thiếu hiểu biết lẫn nhau. Cô chắc rằng chỉ cần vài lời giải thích là nỗi lo sợ của cha mẹ Alex sẽ nguôi ngoai.
Họ rời Boston chiều thứ sáu, hai ngày trước khi cô trở về Pháp. Trên đường về New Jersey, họ nhẩm lại lý lẽ đưa ra. Alex yêu cầu cô không được nổi cáu và để anh nói. Mười giờ rưỡi thì họ rời đường cao tốc, rẽ vào con phố tĩnh lặng và đỗ xe ở bên đường. Lần này, Helen không ra đón họ khi nghe thấy tiếng động cơ xe. Họ phải bấm chuông. Mọi người chào nhau mà không ôm hôn. Cha mẹ Alex đi giày trong nhà nhưng vẫn mặc chỉnh tề. Helen váy dài và áo chui màu hoa cà thoải mái hơn trang phục công sở, Jacob mặc sơ mi trắng là phẳng và quần màu hạt dẻ. Cái nóng trong nhà họ tương phản với cái lạnh buốt của đêm tháng Hai này. Cả bốn người ngồi quanh cái bàn kính sẫm màu. Helen dọn cho họ ăn vài thứ, vì Alex và Marie vẫn chưa ăn tối. Bà dọn đĩa ăn. Trên cái bàn phủ những khăn lót đĩa xanh sáng giờ chỉ còn những cái cốc màu xanh trong vắt, chai Pepsi Cola và cái gạt tàn to bằng gốm xanh với một nửa đầy mẩu thuốc. Cuộc trò chuyện bắt đầu.
Alex nói trước tiên. Anh trình bày với cha mẹ dự định của hai người. Marie mỉm cười thân tình với họ. Jacob và Helen mặt lạnh như tiền. Họ tránh nhìn cô. Khi cha Alex nói, hình như ông chẳng nghe tí nào những gì con trai đã trình bày.
- Cha mẹ nghĩ rằng con đang phạm một sai lầm, Alex. Cha mẹ phải có nhiệm vụ cảnh báo con. Cha mẹ đã trải qua một kinh nghiệm cuộc đời mà con không có. Chúng ta không thể nhìn con làm hỏng cuộc đời mà không can thiệp.
- Thế nhưng con không làm hỏng đời con! Con...
- Không được ngắt lời! Nếu ta không thể ngăn con lấy vợ, ta vẫn còn có thể nói mà không bị con ngắt lời chứ.
Alex tựa vào lưng ghế và môi mím chặt, châm một điếu thuốc dài của mẹ.
- Marie là người Pháp, - Jacob nói tiếp mà không nhìn cô, cứ như thể cô không có mặt ở đó. Nhưng vì cô mà ông nói với con trai bằng tiếng Anh, chậm rãi và có nhấn giọng. - Một ngày nào đó, cô ta sẽ trở về Pháp. Không có người Pháp nào lại chọn di cư sang Mỹ. Thật dễ hiểu. Pháp là một nước tuyệt diệu. Tại sao người ta lại từ bỏ nó kia chứ? Nhưng đó cũng là một nước mà người ta phải nói không pha giọng thì mới thành công về mặt xã hội cũng như nghề nghiệp. Mẹ con và ta nói tiếng Anh với giọng Rumani rất nặng bởi vì chúng ta đã học tiếng Anh muộn. Ở Mỹ thì cái đó không hề gì. Ở đây, mọi người đều đến từ nơi khác. Và con, Alexandru, con không hề pha giọng khi con nói tiếng Anh, bởi vì con đã đến đây tương đối sớm. Con đã trở thành một người Mỹ thực thụ. Cuộc đời chúng ta chỉ có một mục đích là làm cho con thành một con người tự do trong một đất nước tự do. Chúng ta đã hi sinh tất cả cho tương lai của con. Thế mà bây giờ con muốn làm hỏng nó khi rời bỏ cái đất nước đã quá rộng lượng với chúng ta này ư? Con làm tan nát trái tim mẹ.
Jacob ngừng lời để hắng giọng và uống chút nư ớc. Alex kẹp giữa những ngón dài của bàn tay trái một điếu thuốc lá rồi rít những hơi dài làm điếu thuốc rất mau hết, và tay phải anh mở ra, đóng vào một cách máy móc bao thuốc của mẹ. Marie nhận thấy anh căng thẳng, sôi sục bên trong nhưng vẫn giữ được bình tĩnh. Helen không rời mắt khỏi chồng và môi mím lại. Bà dụi mạnh mẩu thuốc vào gạt tàn và tìm bao thuốc mà con trai bà đưa cho.
- Bác không nói gì riêng tư chống lại cháu, Marie ạ, - Jacob nói tiếp, lần đầu tiên ông nói với cô. - Cháu là một phụ nữ trẻ đẹp. Nhưng cháu là người Pháp. Ngày nào đó, cháu sẽ trở về Pháp. Cháu muốn con cháu phải là người Pháp và chúng trưởng thành bên cạnh gia đình cháu. Cháu còn quá trẻ nên không thể hiểu điều bác muốn nói. Alexandru, thực đau khổ nếu con không thể nhìn nhận tương lai của mình sáng suốt như chúng ta.
- Thế nhưng, thưa bác Jacob, chính cháu sẽ đến sống ở Mỹ! Với kết quả bài luận văn của cháu, kiếm việc làm ở đây không khó khăn gì cả, trong khi đó ở Pháp lại rất khó. Đối với một người Pháp thì được dạy học ở đây là một giấc mơ.
- Cháu đề cập đến chủ đề này là chí lí lắm, - Jacob tiếp tục vừa nói vừa quay về phía con trai. - Bác thấy thế này: Sẽ là hôn lễ kiểu gì khi người vợ có bằng tiến sĩ chứ không phải chồng? Cháu có thấy thế là bình thường không? Làm sao người chồng có thể sung sướng khi bị vợ lấn át hai lần, bằng cấp cao hơn và lại là người Pháp?
- Bị vợ lấn át? Bác đang nói về điều gì thế nhỉ? Thật phi lí!
Bằng mắt, Alex ra hiệu cho cô im lặng. Thế nhưng, cha anh chẳng để ý gì đến sự ngắt lời ấy. Giọng ông át giọng Marie khi ông nói với con trai:
- Vì tôn trọng con, chúng ta yêu cầu con một việc: hãy lùi đám cưới lại một năm.
Ông ngừng nói. Ông đã kết thúc bài nói của mình và lại uống thêm vài ngụm nước. Helen hút thuốc và nhìn ông. Alex cắn môi và châm một điếu thuốc mới. Theo truyền thống Đông Âu, Jacob nói còn vợ ông không hé môi, nhưng Marie cảm thấy cả hai đang hợp sức để chống lại cô và Alex. Thậm chí cô còn tự hỏi liệu những lý lẽ của Jacob có thực không phải là của vợ ông? Helen có tỏ ra thụ động và im lặng cũng không giấu nổi sự chống đối thể hiện qua nét mặt căng thẳng và nếp nhăn lo sợ giữa đôi mắt bà.
- Chúng con không muốn lùi đám cưới, - Alex đáp, chậm rãi nhấn mạnh như thể nói với trẻ con. - Chúng con yêu nhau. Không gì làm chúng con nghi ngờ điều đó. Đó không phải là điều kiện của hạnh phúc ư? Marie di cư sang Mỹ và không hề có ý định sống ở Pháp, như cô vừa nói với cha mẹ.
- Lẽ ra cha mẹ cháu phải phản đối đám cưới mới phải, - cô vừa cười vừa nói cho bớt căng thẳng - Vì như vậy họ mất con gái. Chứ không phải hai bác!
Điều đó không làm cho họ cười.
- Mà tại sao cha mẹ lại muốn ngăn cản chúng con lấy nhau cơ chứ? - Alex hỏi - Cha mẹ không nhớ chuyện của chính mình hay sao? - Anh quay về phía mẹ - Mẹ, mẹ không nhớ đã buồn và giận dữ thế nào khi ông bà yêu cầu mẹ không được lấy cha hay sao? Sao cha mẹ lại nỡ cấm đoán chúng con như vậy?
Helen trố mắt và nếp nhăn giữa lông mày hằn sâu hơn.
- Sao con dám thiếu tôn trọng mẹ đến thế! - Jacob đáp lại bằng giọng giận dữ - Câm ngay và cút! Không hề giống nhau! Và suy cho cùng thì cha mẹ có bổn phận nói cho con điều chúng ta nghĩ. Những người trước đây đã cảnh báo cha mẹ là có lý. Họ nói vì lợi ích của cha mẹ.
- Vì lợi ích của hai bác ư? - Marie thốt lên vì không thể kìm nén lâu hơn nữa - Bác muốn nói gì vậy? Hai bác hối hận vì đã lấy nhau à?
Tất cả nhìn cô, ngay cả Helen với khuôn mặt tái mét. Đôi mắt đen của Alex nhìn cô chằm chằm, cô hiểu đó là lệnh phải im ngay. Jacob đặt nắm đấm trên bàn. Cơ bắp ông căng thẳng tới mức hình như ông sẵn sàng đấm xuống và đập vỡ kính. Ông nói điều gì đó với vợ bằng tiếng Rumani.
- Con biết là không giống nhau ạ, - Alex nói xen vào với một sự bình tĩnh đáng nể. - Con hiểu cha mẹ tìm cách làm điều mà cha mẹ nghĩ là tốt nhất cho con, và không phải dễ mà nói với con tất cả những điều ấy. Con biết là cha mẹ cảnh báo con vì lo cho con, vì yêu quý con ạ. Con rất biết ơn cha mẹ. Tuy nhiên, Marie và con, chúng con chắc chắn sẽ yêu thương lẫn nhau ạ.
- Hãy làm như con muốn, - Jacob đáp bằng giọng chua chát. - Hãy lấy cô ta và hủy hoại đời con đi. Chúng ta không có con trai nữa.
Bốn giờ sáng. Họ vừa trải qua năm giờ ở trong bếp, hút thuốc, uống Pepsi và nhắc đi nhắc lại từng ấy lý lẽ. Theo thời gian, sự bình tĩnh của Alex làm cho Marie càng phục anh hơn. Cho tới lúc này, Jacob chỉ thừa nhận một điều là con trai và ông đã chưa nói với nhau hết nhẽ. Nhưng, tóm lại, cha mẹ Alex vẫn chống lại đám cưới như lúc đầu. Đó là một thất bại.
Alex và Marie ngả lưng vài giờ trước khi trở về Boston. Cuộc chia tay lạnh nhạt.
Marie sợ sự chống đối của cha mẹ Alex làm hỏng niềm vui hôn lễ. Anh an ủi cô, anh buồn về cha mẹ, nhưng họ không thể ngăn cản hạnh phúc của anh. Cô hi vọng Helen và Jacob sẽ đổi ý khi nhận được thiếp mời vào tháng Năm. Bản thân cô đã thảo thiếp báo hỉ in trên giấy vêlanh, trong đó cô lần lượt viết tên ông bà ngoại Alex, ông bà Ion Tiberescu, cha mẹ anh, ông bà Jacob Tibb, theo sau là câu kinh điển: “Vui mừng báo với quý vị hôn lễ của cháu trai và con trai Alex Franklin Tibb với cô Marie T...” Ở phía dưới, bên phải, cô ghi địa chỉ ông bà của Alex ở Bucarest, địa chỉ cha mẹ anh ở New Jersey, và địa chỉ Alex ở Cambridge. Cô rất tự hào vì thiếp báo hỉ này phản ánh tính thế giới của hôn lễ của họ và cho thấy cô đã không quên gia đình Alex, ngay cả khi hôn lễ sẽ được cử hành tại Pháp và cả ông bà người Rumani lẫn gia đình Ixraen của anh sẽ không thể dự được vì chuyến đi đến tận cùng xứ Bretagne sẽ quá dài và tốn kém. Marie quá tin rằng cha mẹ Alex sẽ ngừng chống đối khi nhận được thiếp báo hỉ nên đã bảo cha cô giữ cho họ một phòng trông ra biển trong khách sạn tốt nhất của ngôi làng xứ Bretagne. Nhưng hai tuần trước hôn lễ, Jacob và Helen vẫn không biểu lộ gì. Alex dẹp bỏ sĩ diện và gọi cho cha mẹ mà anh không gặp từ tháng Hai. Anh nói với họ rằng hôn lễ sẽ không chu tất nếu vắng họ và anh cần họ chúc phúc. Anh nài nỉ cha mẹ đến dự.
- Chúng ta già rồi, mẹ anh đáp. Chúng ta quá mệt mỏi không thể đi máy bay được.
*
“Lenoush”, Jacob nói khi bà đi vào phòng trong ngủ sau khi đánh răng và xoa kem chống nhăn.
Bà ngẩng đầu. Ông mặc quần áo ngủ ngồi trên giường, một cuốn tạp chí trên đầu gối mà ông không đọc. Hiển nhiên, cũng như bà, ngày đêm ông nghĩ về mỗi một điều. Trong nhiều tháng ròng họ chỉ nói về điều ấy. Giờ đây họ lảng tránh chủ đề. Họ còn có thể nói gì nữa cơ chứ? Cách đây một tháng, trong khi bà hầu như bắt đầu ân hận về sự can thiệp của họ thì nhận được giấy báo hỉ qua bưu điện. Khi Helen mở chiếc phong bì vuông dán tem Pháp và nhìn thấy rõ ràng, bằng nét chữ thảo thanh lịch, tên và địa chỉ họ mẹ ở Bucarest, bà có cảm giác như nhận được một cái tát. Bà đã vứt thiếp vào thùng rác.
- Chúng ta đã nói với Alexandru điều ta nghĩ, - Jacob nói tiếp, vẻ suy ngẫm - Đó là quyền, thậm chí là bổn phận của chúng ta. Nhưng có lẽ giờ đây chúng phải chấp nhận thôi, vì đó là lựa chọn của con.
- Chấp nhận... và đi dự đám cưới ư?
- Đúng vậy.
Bà bật khóc. Bà ngồi tựa vào ông, người luôn tìm ra lời an ủi bà. Bỗng chốc, mọi việc hình như quá đơn giản.
Ngày mùng 3 tháng Bảy, mặc váy đầm màu tía dệt ngân tuyến mà bà đã mua hạ giá ở tiệm Lord và Taylor vào tháng Hai, sau chuyến đi Ixraen, rồi đội chiếc mũ rộng vành phù hợp, vịn tay con trai, bà tự hào bước trên lối đi của nhà nguyện nhỏ ở Bretagne giữa các khách mời, trong âm thanh của bản nhạc Stabat Mater của Vivaldi.
Ngay sau hôn lễ, bà trao cho Marie món quà mà bà đã mang cho cô.
- Theo truyền thống thì cô dâu phải nhận được một vật mới và một vật cũ. Đây là vật cũ, Marie.
- Đó là truyền thống Rumani ạ?
- Ồ không. Mỹ.
Marie bóc lớp giấy bọc của chiếc hộp nhỏ, mở ra và cầm lên cái ghim bằng vàng nạm hồng ngọc.
- Đẹp quá! Cái gì đấy ạ? Ồ, một con chim! Cứ như thể nó sắp bay lên!
- Nó vốn của bà ngoại mẹ, Helen giải thích
Marie cài món trang sức lên áo chui màu nước biển
của mình.
Nhờ có chiếc xe họ đã thuê ở sân bay Brest mà sáu ngày liền, Helen và Jacob khám phá bán đảo Bretagne, quê hương của cha Marie và là nơi con dâu họ thường về nghỉ hè từ khi ra đời. Họ phát hiện ra các làng xóm bằng đá của xứ sở, những phong cảnh hoang dã, bờ biển lồi lõm, nhà thờ cổ, xứ đạo. Họ thăm Quimper, Concarneau, Pont-Aven, Saint-Thégonnec, Sizun. Ở Camaret, Helen đã mua một bức tranh màu nước thể hiện thành lũy Vauban, ở Locronan, một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ hình Đức Mẹ có tô màu, giống như pho tượng pietà Đức Mẹ với đôi má tròn mà bà từng có khi còn bé. Sáu buổi tối liền, họ mời những người bạn của Alexandru và Marie còn ở lại vài ngày sau lễ cưới đến hiệu ăn hoặc hiệu bánh kếp. Hơn chục người trong số họ đến từ Mỹ: Ximena và Jorge mà Helen vui mừng gặp lại sau ba năm, Guillermo, bạn tốt nhất của Alexandru, Kate, Hillary và những người khác nữa.
Ở giữa những thanh niên Mỹ nói tiếng Anh và chuyện trò với bà một cách thân tình, Helen nhớ lại thời kì con trai bà đang học cử nhân ở Harvard đã đưa các bạn về ngủ ở New Jersey sau cuộc liên hoan muộn màng ở Manhattan, mà không báo trước cho cha mẹ. Sáng chủ nhật, bà tỉnh dậy và, giống như lâu đài của Người đẹp ngủ trong rừng, bà thấy nhà mình có nhiều thanh niên ngủ trên trường kỉ phòng khách, trên thảm phòng ăn, hoặc ở tầng hầm. Bà thấy sung sướng. Trong khi bọn trẻ nâng cốc chúc mừng đôi vợ chồng trẻ rạng rỡ, bà quên đi những tháng mất ngủ và lo âu. Suy cho cùng, có lẽ một người vợ Pháp cũng sẽ không ngăn cản Alexandru có một tương lai xán lạn.