Chương 11 Cha xứ, linh mục Pe-o-ka, là một người đã có tuổi. Cụ ít ngủ và thức dậy rất sớm. Và sự thiếu chính xác trong hệ thống tiêu hóa đã khiến cho cụ cảm thấy rất khó chịu khi đói lòng. Vì vậy, những ngày thường thì trước bảy giờ người ta đã rung chuông gọi đi lễ và đúng bảy giờ linh mục Pe-o-ka bước ra trước ban thờ.
Muốn kịp đi lễ, Ma-rư-sia phải dậy lúc sáu giờ và vì thế nàng ngủ không đẫy giấc. Song việc cầu nguyện tại nhà thờ đã khiến nàng được nhiều phần an ủi, nên đã nhiều ngày nay nàng không bỏ sót một buổi cầu nguyện nào. Nàng quỳ vào một góc sau đài giảng và cầu nguyện nhiệt thành, cầu xin Chúa tha cho nàng những lỗi lầm đã qua, giải thoát cho nàng khỏi nỗi buồn lo đang đè nặng lòng nàng, cầu Chúa ban phước cho người nàng yêu thương.
Đại phong cầm đệm theo dàn đồng ca những giai điệu nhà thờ kỳ ảo, trong đó không hề có nỗi buồn hay niềm vui, mà chỉ vang ngân một nỗi yên bình lạ lùng, toàn năng nào đó của sự vĩnh hằng, nỗi yên bình như từ trời cao tuôn xuống thế gian trong những đêm sao sáng.
Nỗi yên bình ấy tràn ngập trong lòng nhà thờ, đọng cứng lại trong các pho tượng màu trắng của các vị thánh tông đồ cùng các bậc tiên tri, tan chảy trong những đường viền cũ kỹ của những bức tranh già nua, vang lên trong những lời kinh cầu tiếng Latinh thốt ra từ trước ban thờ và tràn ngập những tâm hồn bị đầy đọa của con chiên đang khát khao tìm đến với sự bình yên nơi đây.
Khi rời khỏi nhà thờ, Ma-rư-sia dường như mê mẩn bởi niềm an lạc nơi thiên giới kia, nàng trở nên lặng lẽ và cam chịu số phận. Trong những giờ ngắm nguyện và nhập hồn nơi Chúa, nàng không dám nghĩ gì sâu xa về những chân lý lớn lao đã một thời được hiển linh do ý Chúa. Vả chăng nàng cũng không thể. Song nàng cảm thấy rất rõ hơi gió của chốn vĩnh hằng kia, hơi gió mang lại cho nàng, một cô gái bé nhỏ, nghèo hèn, bị mọi người lãng quên, không cần thiết cho một ai, niềm tin vững chắc rằng ở một nơi nào đó xa xôi, trong khoảng không gian vô bờ bến kia, nàng vẫn có một người che chở, một đồng minh vĩ đại, toàn năng đang mở đôi mắt vô hình nhưng thấu suốt dõi theo nàng.
Hàng ngày, nàng bước ra khỏi nhà thờ với một cảm giác lạ lùng rằng rồi sẽ xảy ra, ngay gần đây thôi, một điều gì đó, rằng tất cả sẽ đổi thay, một hạnh phúc nào đó sẽ đến với nàng vào lúc không ngờ nhất. Niềm tin ấy mạnh đến nỗi buổi sáng hôm ấy, từ nhà thờ trở về, nàng thậm chí không hề ngạc nhiên khi gặp chàng Lê-sếch trước cửa hiệu. Nàng chỉ không sao kìm nổi niềm vui dào dạt mà thôi.
- Thế là ông đã đến, - nàng run run nhắc đi nhắc lại, - thế là ông đã đến...
Và nếu nàng có khả năng quan sát thấy điều gì trong trạng thái xúc cảm kia, thì nàng cảm thấy chàng có vẻ nghiêm trang và tập trung hơn trước. Nàng xấu hổ khi chàng hôn tay để chào nàng ngay trên đường phố, trước mặt mọi người.
Vừa vào đến trong nhà, chàng đã cầm tay nàng, nhìn thẳng vào mắt nàng mà bảo:
- Tôi chưa từng yêu ai như yêu em. Tôi không thể sống thiếu em. Em có đồng ý làm vợ tôi không?
Chân Ma-rư-sia nhũn ra, nàng thấy quay cuồng trong óc.
- Ông nói gì... ông nói gì cơ... - nàng ấp úng.
- Ma-rư-sia, tôi cầu xin em đồng ý làm vợ tôi.
- Nhưng... đó là điều không thể! - Nàng gần như kêu lên
- Sao lại không thể?
- Xin ông hãy nghĩ lại! - nàng rút tay ra khỏi tay chàng,
- Ông nói điều đó không nghiêm chỉnh!
Chàng nhíu mày:
- Em không tin tôi sao?
- Không, không! Em tin, nhưng ông có nghĩ rằng... Lạy Chúa! Sẽ ra sao đây! Cha mẹ ông... Những người ở đây, ở thị trấn này... Họ sẽ đầu độc cuộc đời ông, sẽ nỏ mồm nỏ miệng... Họ sẽ căm thù em...
Trưn-xki gật đầu.
- Chính thế. Tôi đã cân nhắc tất cả những điều đó. Tôi hiểu rằng sẽ có nhiều, có thể là rất nhiều điều phiền toái, nhiều thủ đoạn thâm hiểm, nhiều điều xúc phạm chờ đón chúng ta. Nhưng khi phải lựa chọn giữa những cái đó với việc chịu mất em, tôi sẵng sàng gánh chịu tất cả. Vì một lý do hết sức giản đơn: tôi yêu em. Còn nếu như em không hiểu được tình yêu ấy thì rõ ràng tôi đã nuôi ảo vọng đối với tình cảm của em: em hoàn toàn không yêu tôi một chút nào hết.
Nàng nhìn chàng trách móc.
- Em? Em mà lại không yêu ông?...
- Ma-rư-sku!
Chàng ôm ghì nàng trong vòng tay và hôn như mưa. Sự cuồng nhiệt và sức mạnh chàng dùng để ghì nàng vào ngực đã khiến Ma-rư-sia hoàn toàn bất lực. Nàng không thể và cũng không muốn cưỡng lại. Lúc này đây, nàng vô cùng sung sướng. Nàng sẵn sàng thề rằng từ thuở khai thiên lập địa đến nay chưa một cô gái nào được sung sướng như nàng.
Nếu có khi nào trong suy tư nàng cảm thấy có điều gì dù nhỏ nhặt oán trách Lê-sếch thì giờ đây chúng đều tan biến hết, không để lại một mảy may dấu vết. Dĩ nhiên, nàng không hề tin rằng cả hai có thể đi đến một cuộc hôn nhân chồng vợ. Điều đó là một việc không thể. Nhưng chỉ riêng quyết tâm của chàng, cái quyết tâm rõ ràng là chân thành kia, chỉ riêng thiện ý của chàng, chỉ riêng việc chàng thắng bản thân mình vì nàng, chứng tỏ tình cảm chàng rất sâu sắc và bản tính chàng là phi thường. Nếu lúc này người ta hỏi nàng xem có thể có một ai giàu giá trị phẩm chất hơn chàng chăng, nàng sẽ phản đối ngay với một lương tâm hoàn toàn trong sạch.
Chàng đã tự chiến thắng, bởi lẽ dĩ nhiên chàng đã phải tự vượt lên niềm tự hào của chàng, vượt qua lòng tin rằng các tiểu thư giàu có và xinh đẹp nhất đều ao ước làm vợ chàng, rằng những gia đình danh giá nhất đều muốn chọn chàng làm rể, rằng có rất ít kẻ sánh ngang chàng về gia tư, tài sản và học thức. Bởi chưng chàng thích khoe chức tước danh hiệu của bạn hữu, chàng nói đến đám người thị trấn với kẻ khinh khi, bỉ báng đến như thế kia mà.
Thế mà đột nhiên chàng muốn lấy nàng làm vợ. Nàng, kẻ mà ngay cả đối với cái thị trấn bé tí teo đến tức cười này vẫn chỉ là đứa con gái tha hương, một cô gái mồ côi nghèo, không gia đình, không bè bạn (ngoại trừ một ông lão thầy lang quê mùa), không chút tiền của giắt lưng. Dẫu so với các cô gái khác ở Ra-đô-li-xki nàng có học thức hơn và nhờ mẹ mà được giáo dục theo kiểu khác, nhưng biết đâu học thức, cách cư xử và quan hệ giao tiếp của nàng lại chẳng khiến chàng phải hổ thẹn trong môi trường của chàng?...
Cha đẻ nàng, người đã mất khi nàng còn là một cô gái vài tuổi đầu, hình như vốn là một thầy thuốc, cha dượng nàng, người mà nàng yêu thương như cha và cũng gọi là cha, chỉ là một viên chức kiểm lâm bình thường của một gia đình quý tộc, mẹ nàng xuất thân từ gia đình danh tiếng đấy, nhưng trong vùng này bà cũng chỉ được biết đến như một cô giáo dạy nhạc và dạy ngoại ngữ nghèo, về sau chỉ là một người may thuê vá mướn.
Liệu những người như vợ chồng ông bà Trưn-xki, những người thuộc tầng lớp trên, nơi người ta chú trọng nhiều đến xuât thân và gia thế hơn cả giới quý tộc nòi có bao giờ đồng ý để con trai họ kết hôn với một người như thế?...
Khi những ấn tượng ban đầu qua đi, Ma-rư-sia bắt đầu nói với Lê-sếch về chuyện đó. Chàng chăm chú lắng nghe, không hề ngắt lời, nhưng khi nàng vừa nói xong, chàng bảo:
- Nhưng tất cả những cái đó có nghĩa gì đâu?... Chúng có hề làm thay đổi một thực tế là chúng mình yêu nhau?...
- Không, đó là những điều không thay đổi được. Em sẽ mãi yêu anh, người duy nhất của em, đến khi nhắm mắt! - nàng khẽ thì thầm.
- Nhưng hình như em với điều đó không quan trọng đến mức phải chiến đấu vì nó, phải chịu đựng tất cả những lo buồn phiền não thì phải.
Nàng lắc đầu.
- Ồ, không! Không phải vì em! Em sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi hy sinh, chịu đựng tất cả mọi nhọc nhằn. Nhưng còn anh...
- Anh thì sao? - chàng hỏi như giận dỗi.
- Còn anh... Việc ấy sẽ làm anh bất hạnh và sẽ khiến anh mất hào hứng. Sẽ bẻ gãy anh...
Chàng bật dậy, vặn vẹo hai bàn tay.
- Ma-rư-xka! Ma-rư-xka! Em không xấu hổ sao? Em xúc phạm đến anh! Tại sao em lại không tin ở anh đến thế nhỉ?...
- Không phải vậy, - nàng phản đối, - em tin chứ. Nhưng em không có quyền bắt anh chịu đựng những điều đó. Em không thể trở thành vật buộc chân anh. Thế này em cũng đủ hạnh phúc, đã đủ sung sướng lắm rồi...
- Ồ, thật là đẹp. Thế là em thấy sung sướng rối đấy, còn anh thì mặc kệ chứ gì? Sao?... Anh cứ việc tiếp tục bất hạnh, chỉ bởi em nghĩ vớ vẩn rằng sẽ thành vật nặng buộc chân anh. Em hãy thấy xấu hổ đi nhé! Một cô gái thông minh và chín chắn đến thế mà lại thốt ra những điều vô nghĩa nhường kia! Và nói chung, ai ủy nhiệm cho em được quyền quyết định số phận của anh nào?... Cô ấy không có quyền bắt tôi phải chịu! Nhưng chắc anh thì vẫn có quyền chứ?... Anh muốn, anh nhất thiết phải làm thế, chấm hết! Thế em cho anh là một kẻ vô dụng, nhất thiết phải phụ thuộc vào cha mẹ đấy à? Phải chăng thế giới không đủ rộng để hai ta có thể tìm thấy chỗ nương thân? Sao em không nhĩ rằng trong trường hợp có xung khắc với gia đình, một khi chúng mình đã quá ngán cuộc xung khắc ấy, chúng ta sẽ có thể đi điến nơi khác?... Em đừng lo! Em chưa hiểu hết anh đấy. Anh không thuộc loại người để yên cho kẻ khác thổi vào đĩa cháo đang ăn đâu. Rồi em sẽ thấy! Vả chăng cũng không có gì phải bàn nữa. Đã quyết định, chấm hết!
Chàng tươi cười và lại ghì lấy nàng vào người lần nữa.
- Ít nhất thì em cũng đừng nên gây khó khăn cho anh trong cuộc chiến đấu ấy vì cuộc chiến đấu hạnh phúc của em, của anh, của hai chúng ta... Em sẽ làm anh phát điên lên mất và anh sẽ bắn vào sọ cho rồi đời!
- Anh Lê-sếch! Anh thân yêu nhất, anh yêu quý nhất đời của em! - nàng xiết chặt vòng tay quanh cổ chàng.
- Rồi em thấy, Ma-rư-sien-kô của anh, chúng mình sẽ là đôi vợ chồng hạnh phúc nhất trên thế gian này!
- Vâng, vâng! - nàng nép vào người chàng. Nàng không còn chút năng lực nào nữa để suy nghĩ, phản đối, chống cự. Nàng tin vào nơi chàng, bằng niềm nhiệt thành và ý chí của mình, chàng đã chiến thắng những nỗi nghi ngờ của nàng.
Lê-sếch rút trong túi ra một chiếc hộp nho nhỏ, và lấy chiếc nhẫn ngọc xa-phia ra khỏi hộp.
- Đây là dấu hiệu bảo hộ của anh, - chàng vui vẻ nói khi lồng chiếc nhẫn vào ngón tay nàng. - Để em luôn nhớ rằng em là sở hữu không thể chia sẻ nổi của anh.
- Nhẫn đẹp quá!
- Những viên đá ngọc này có màu mắt em đấy, Ma-rư-sien-ku!
Nàng ngắm nghía mãi chiếc nhẫn, cuối cùng nàng thốt lên vừa ngạc nhiên cừa thành kính:
- Thế ra em đã là... hôn thê rồi chăng?...
- Phải, em thân yêu, em là vị hôn thê của anh.
- Hôn thê... - nàng lặp lại và nói thêm vẻ buồn buồn - Còn em, chưa thể tặng anh một chiếc nhẫn nào cả... Em chưa có. Chiếc nhẫn cuối cùng, chiếc nhẫn của mẹ em, đã bị bán đi để... lo ma chay. Nhẫn ấy cũng có xa-phia, mẹ em rất yêu nó dù nó chẳng đáng bao nhiêu tiền, nó giản dị hơn chiếc nhẫn này nhiều.
Mắt nàng rớm lệ.
- Em đừng nghĩ đến chuyện buồn nữa, - chàng bảo. - Dù không có nhẫn đính hôn, anh cũng không sao quên được rằng mình đã là một kẻ nô lệ, kẻ nô lệ sung sướng nhất, kẻ hoàn toàn không mong được giải phóng.
- Lạy Chúa, lạy Chúa! - Nàng thì thào. - Đầu em quay cuồng hết cả. Mọi chuyện đến sao bất ngờ...
Chàng cười.
- Ôi, có lẽ không bất ngờ lắm đâu. Chúng mình quen nhau đã được hai năm rồi còn gì.
- Vâng, nhưng em không thể ngờ rằng nó lại được kết thúc như thế này!
- Kết thúc theo cách tốt đẹp nhất mà người ta có thể hình dung nổi
- Em thật khó tin rằng đây không phải là giấc mơ, rằng đây là sự thật, và nói thật tình... em sợ...
- Em sợ gì, Ma-rư-si-en-kô?
- Rằng... em cũng không biết nữa, em sợ tất cả sẽ tan đi, sẽ biến mất, rằng một kẻ nào đó sẽ chia rẽ chúng mình.
Chàng cầm tay nàng.
- Dĩ nhiên, kho báu quý giá nhất của anh ạ, cần phải hết sức thận trọng, cần phải vô hiệu hóa mọi sự can thiệp, cùng các ý đồ tương tự. Vì vậy chúng mình phải tuyệt đối giữ bí mật. Không một ai, tuyệt đối không một ai được biết chuyện chúng mình hứa hôn. Anh đã sắp xếp một kế hoạch đầy đủ. Một khi anh biến kế hoạch ấy thành hiện thực, chúng mình sẽ làm lễ cưới ngay lập tức. Then đã cài, họ có muốn chổng ngược đầu xuống đất cũng chẵng làm gì được nữa. Có điều em phải ghi nhớ: im lặng!
Ma-rư-sia bật cười.
- Không thế thì em cũng chẳng hở với ai đâu. Người ta sẽ cười em, không một ai tin đâu. Vả chăng thưa cậu chủ Lê-sếch, cậu nghĩ rằng em có ai đó để tâm tình sao... Có nhẽ chỉ mỗi mình bác An-tô-ni.
- Ông thầy lang ở cối xay ư?... Không, em cũng đừng nói với ông ấy. Được không?
- Em xin hứa danh dự.
Và Ma-rư-sia đã giữ lời hứa. Nàng đã giữ lời hứa, mặc dù ngay từ ngày hôm ấy việc nói ra sự thật sẽ giúp nàng thoát được nhiều điều khó chịu.
Những chuyện khó chịu ấy bắt đầu từ việc bà Skốp-kô-va bước vào hiệu. Người phụ nữ vốn nhân hậu, rõ ràng đã chịu tác động bởi bầu không khí đang chế ngự toàn trấn Ra-đô-li-xki. Gặp cậu chủ Lê-sếch trong hiệu, bà đành hanh ngồi sau quầy hàng, để cho chàng hiểu rằng bà sẽ ngồi đấy thật lâu. Khi chàng trai bước ra, bà giận giữ lên tiếng:
- Cô không nhớ một chút nào hết! Đầu óc cô loạn cả lên rồi hay sao! Tôi đã được trả công chăm lo nuôi nấng cô như thế đấy!
- Lạy Chúa lòng lành! Ma-rư-sia nhìn bà khẩn khoản - nhưng cháu có làm gì xấu cho bà đâu ạ?
- Làm gì xấu hả? - bà Skốp-kô-va nổi xung. Cô làm cái việc để cả thị trấn chỉ trỏ vào mặt tôi, rằng tôi đã dung túng cho những sự như thế! Làm xấu à?... Làm cái việc là ngay trong cửa hiệu của tôi lại diễn ra những sự ấy!...
- Nhưng là những sự gì kia?!
- Đồi phong bại tục! Phải, đồi phong bại tục! Nhục nhã! Tôi giáo dưỡng cô như thế đấy hả? Tôi chăm lo vun đắp cho cô để đến bây giờ người ta sỉ nhục tôi phải không? Cái cậu chủ ấy, cái gã Đông-gioăng ấy, cái anh chàng chải chuốt bảnh bao muốn gì ở đây mới được chứ?
Ma-rư-sia nín lặng. Bà Skốp-kô-va ngừng một lát rồi lại tự trả lời câu hỏi của mình.
- Tôi sẽ báo cho cô biết cậu ấy muốn gì! Tôi bảo cho! Cậu ấy săn cái phẩm hạnh của cô đấy! Phải, thế đấy! Cậu ấy muốn biến cô thành nhân tình của cậu ấy! Còn cô, thật là ngu, cô lại đong đưa cặp mắt để mồi chài cái đồ xỏ lá ba que kia, mong nó mang nổi nhục nhã, mang sự diệt vong đến cho cô! Cô có biết cái gì chờ đợi cô khi cô mắc mồi không hả... Một cuộc đời hèn hạ, một cái chết nặng nề, một sự nguyền rủa đời đời sau khi chết!... Nếu cô chưa đủ khôn thì phải nghe tôi, nghe con mụ già này này! Cô tưởng tôi thích múa lưỡi thế này lắm đấy phỏng? Cho khoái khẩu chứ gì?... Có chó nó thích chuyện ấy. Tim tôi tan nát ra như có ai lấy dao băm vằm. Một mụ đỏng đảnh đỏ mả như mụ Krô-pi-đuốp-xka chạy đến gặp tôi, chưa gì đã quàng quạt lên rằng tôi mù à, tôi không thấy à? Cái gã mô-tô hay gì gì ấy lại dựng xe trước của hiệu kia rồi? Những là sao tôi lại phó mặc cho con đỡ đầu làm chuyện đồi trụy báng bổ thần thánh như thế ?... Tôi bảo bà ta: này Krô-pi-đuốp-xka thân mến, xin lỗi bà chứ, đó không phải là việc của bà, không phải việc của bà là như thế nào, là ra làm sao kia mà! Nhưng nếu bà muốn biết thì thưa bà, bột bánh ấy nó đã nở bồng lên quá cái liễn rồi, nó trào ra khỏi vung rồi, vậy mà bà muốn tôi phải chạy ngay đến hiệu phỏng? Mụ ta bèn trả lời: bà cẩn thận đấy, bà Skô-pếc thân mến ạ, kẻo bột bánh ấy nó nở quá, nó trương quá, đến nỗi cô con nuôi của bà bị phồng ở chỗ mà ai cũng biết ấy!... Tôi nghe đến câu ấy, tôi tưởng như máu trong người nó buột hết cả ra!... Mà đó là tại cô! Cô đã trả ơn tôi, đã đáp lại tấm lòng tôi, trái tim tôi như thế đấy!... Để bất cứ một con mụ khố rách áo ôm nào cũng có thể mang cô ra xỉa xói tôi... Trong những ngày tuổi già này...
Bà Skốp-kô-va mủi lòng thút thít khóc.
Ma-rư-sia cầm lấy bàn tay bà định hôn, nhưng hẳn người đàn bà ấy đang quá bực mình, bà giằng tay ra, kêu lên:
- Xin lỗi, xin phải không giúp gì được cô hết!
- Thưa bà nhưng cháu có gì phải xin lỗi đâu ạ? - Ma-rư-sia phản đối
- Sao, sao kia? - Bà Skốp-kô-va hắng giọng.
- Vâng, đúng thế ạ. Mọi người hay bà Krô-pi-đuốp-xka nhìn vào đâu cũng thấy cái xấu. Nhưng ở đây có gì mà xấu. Bà đã đánh giá ông Trưn-xki quá thiên lệch. Ông ấy không hề có ý định nào như thế cả. Đó là một con người rất cao quý và trung thực.
- Cậu ấy không móc túi ai! - Bà Skốp-kô-va nổi xung - nhưng nếu nói về gái thì mỗi gã đàn ông đều là một con lợn, giống nhau hết.
- Hoàn toàn không phải thế. Người khác có thể, cháu không rõ, nhưng ông ấy không thể.
- Cô đang có miếng mồi dữ trước mũi đấy thôi (38), cô ạ. Tôi bảo thật cô nhé, cô cứ mời ngay cậu chủ ra cửa cho tôi, nếu cô còn muốn giữ danh giá. Danh giá và sự chăm lo của tôi - bà nhấn mạnh thêm.
- Làm sao cháu có thể mời ông ấy ra được ạ? Thế cháu phải bảo ông ấy là cháu không muốn ông ta vào hiệu nữa sao?
- Chính thế đấy!
- Khi đó ông ấy sẽ có quyền nói với cháu rằng đây không phải hiệu của cháu, hơn nữa ai cũng có quyền ra vào cửa hiệu.
- Vào nhưng không phải chỗ tán tỉnh.
- Trừ phi cháu bảo ông ấy rằng bà muốn thế.
- Cô cứ bảo thế cũng được.
- Nhưng rồi sẽ ra sao nếu ông ấy phật ý? Nếu như ông bà Trưn-xki thôi không mua hàng ở hiệu ta nữa như đã không mua hàng của ông Mô-xte-rơ-giây?
Bà Skốp-kô-va sa sầm nét mặt. Chính bà cũng lo điều này và cái lẽ tuy không chân thành lắm nhưng được Ma-rư-sia đưa ra đúng lúc đã làm nhiệm vụ của mình.
- Nào, bà lẩm bẩm, không thể thế được. Nhưng tôi vặn vẹo cô mà làm gì? Tự cô cũng biết cách xua đuổi cậu ta.
- Xin bà bảo cháu phải làm thế nào, - Ma-rư-sia vẫn khăng khăng.
- Vậy thì tôi sẽ bảo cô! Bà Skốp-kô-va chấm dứt cuộc tranh luận, quyết định trong lòng là sẽ đi hỏi ý kiến cha xứ.
Trong khi đó, ngày nối nhau trôi đi, nhưng không ngày nào chàng kỹ sư không ghé qua chỗ Ma-rư-sia, dù chỉ nửa tiếng đồng hồ. Có điều chàng ngồi trong cửa hiệu ngắn hơn trước, bởi giờ đây chàng rất ít thì giờ. Cha mẹ hài lòng thấy chàng bắt tay vào công việc ở nhà máy. Chàng lần lượt làm quen với sổ sách kế toán, với bộ phận hành chính, khu vực sản xuất, khai thác nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Chàng tính toán, ghi chép, và trong những cuộc trò chuyện với cha mẹ, vô tình chàng đưa ra vài dự án tổ chức lại, hoàn toàn đúng đắn và nghiêm túc.
Cha chàng lớn tiếng khen ngợi, mẹ chàng vẫn im lặng, điều mà ở bà lời khen có ý nghĩa nhất. Một buổi chiều bà hỏi:
- Lê-sếch, con có ý định giúp cha mẹ một cách có hệ thống và lâu dài trong việc điều hành nhà máy chứ.
- Vâng, thưa mẹ. Nhưng với vài điều kiện nhất định.
- Những điều kiện đó là như thế nào?
- Thưa mẹ, con muốn ổn định hoàn toàn.
- Con hiểu chuyện đó thế nào chứ?
- Bình thường thôi ạ! Con muốn có khuôn khổ công việc nhất định, có quyền hạn nhất định, có cương vị được xác định rõ ràng...
Phu nhân E-lê-ô-no-ra nhìn chàng không khỏi ngạc nhiên.
- Nhưng con là con của cha mẹ kia mà.
- Con cảm thấy rất sung sướng vì điều đó, - chàng mỉm cười cúi đầu, nhưng riêng điều đó chưa đủ chính xác hóa cương vị của con. Mẹ thấy đấy, con thích những chuyện rõ ràng. Hết sức rõ. Về phương diện luật pháp cũng vậy. cho đến nay con lấy của cha mẹ một số tiền mà chắc chắn con không làm ra nổi. Còn bây giờ, con muốn làm việc và muốn có lương. Lương cố định. Con chưa muốn cha mẹ trao cho con toàn quyền điều khiển. Nhưng giả thử cha mẹ giao con con điều hành khâu sản xuất chẳng hạn.
- Nhưng hiện nay có gì cản trở con đâu.
- Đúng vậy, cũng có thể cha mẹ xem con là một đứa kỳ quặc, nhưng con không thể, con không muốn, và sẽ không làm việc cách nào khác đâu. Con hiểu rõ mẹ định bảo con điều gì thưa mẹ. Mẹ sẽ bảo con là người thừa kế của cha mẹ, rằng tất cả mọi thứ này một ngày kia sẽ là của con và thật buồn cười khi chon một chức vụ trong xí nghiệp của chính cha mẹ đẻ. Nhưng cha mẹ biết đấy, để có được hạnh phúc, được yên ổn về tinh thần và được hài lòng về bản thân, con cần phải có một sự độc lập cá nhân nhất định. Con phải có công việc của con, cương vị của con, đồng lương của con. Và đó là điều kiện của con.
Ông Trưn-xki đưa tay làm một động tác nửa vời.
- Điều kiện hơi lạ, nhưng thật ra cha không thấy có lý do gì để xem đó là điều vớ vẩn.
- Con cần cái ấy để làm gì? Phu nhân Ê-le-no-ra hỏi ngắn gọn, nhìn vào mắt con thăm dò.
- Thưa mẹ, liệu mẹ có thỏa mãn không nếu con thưa rằng đó là mong muốn được tự lập?
- Sự tự cấp có thể được sử dụng một cách rất không hay đấy.
- Chắc hẳn thế. Nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể vững tâm nếu đặt ra điều kiện bổ sung. Chẳng hạn, nếu như khẳng định được rằng con không đảm nhiệm tốt bổn phận của mình, về sản xuất bị sụt giảm về số lượng hay chất lượng, rằng tổ chức bị hủy hoại, hoặc giả nếu có những thiệt hại gì đó do lỗi của con, thì cha mẹ có quyền cách chức con.
Ông Trưn-xki cười:
- Con nói hệt như chúng ta sẽ ký một hợp đồng đúng thể thức vậy.
- Sao lại không ạ? - Lê-sếch giả bộ ngạc nhiên. - Tình trạng càng rõ ràng càng khiến cho mối quan hệ càng thêm dễ dàng. Con muốn được là một nhân viên bình thường, giống như ông Ga-vô-lôi-xki hay ông Xu-pếch chẳng hạn. Họ có hợp đồng. Trong những bản hợp đồng ấy, họ có những khoản thu nhập, có nhà ở và tiền thưởng. Con không thấy có lý do gì khiến cha mẹ từ chối không ký với con một hợp đồng như thế.
Im lặng, Lê-sếch cả thấy rằng chỉ lát nữa thôi tự miệng bà mẹ sẽ bật ra câu hỏi: - Con cần cái ấy để làm gì?... Chàng hắng giọng và nói thêm:
- Con chỉ có thể là một viên chức có trách nhiệm và có kỷ cương trong trường hợp con hiểu được rằng con được hợp đồng quy định buộc phải thế. Nếu không con sẽ dễ dàng nghĩ rằng ta là con của ông bà chủ và cùng lắm họ sẽ sẵn sàng tha thứ cho con sự tắc trách hay chểnh mảng. Lẽ ra cha mẹ phải thấy hài lòng vì con đã tự nguyện mang lấy cái ách ấy chứ.
- Được thôi. - Phu nhân Ê-lê-no-ra trầm ngâm đáp lại. - cha mẹ sẽ cân nhắc chuyện này.
- Cảm ơn cha mẹ.- Lê-sếch đứng dậy, hôn tay mẹ, hôn trán cha rồi bước ra.
Chàng làm bộ thản nhiên và vui vẻ, song thực ra trong lòng chàng run lên khi nghĩ rằng cha mẹ sẽ thấy hết các dự tính của chàng và cương quyết từ chối. Chính vì thế để đẩy lùi mọi nỗi nghi ngờ, chàng bắt đầu lui tới thăm viếng các trang chủ khác trong vùng, đi thăm cả những người láng giềng khá xa xôi, khi trở về chàng thuật lại những tin tức mới cùng những chuyện đồn đại. Trong đó chàng chú trọng đặc biệt đến việc mô tả diện mạo của các cô tiểu thư khác nhau. Điều đó nhằm gây cho cha mẹ chàng ấn tượng rằng sự ổn định mà chàng đang khao khát hướng tới gắn liền với các kế hoạch hôn nhân của chàng, và những cuộc viếng thăm kia nhằm mục đích tìm chọn ý trung nhân.
Từ Lu-đơ-vi-kốp có một con đường chạy về hướng tây dẫn thẳng tới Ra-đô-li-xki. Nhưng nếu thêm vào chừng mười cây số nữa, có thể tới được thị trấn bằng đường vòng qua Bô-giư-xki và Vi-xku-nư. Và muốn phòng xa, từ đó trở đi, chàng Lê-sếch nhà ta chỉ sử dụng con đường vòng đó mà thôi. Chàng chỉ đi đường thẳng tới Ra-đô-li-xki khi nào chàng chỉ có thể biện minh sự có mặt của mình tại thị trấn bằng các nhu cầu mua sắm gì đó. Và những khi ấy chàng phóng như điên để giành giật thêm cho mình mười lăm phút trò chuyện với Ma-rư-sia.
Vì phải nghiên cứu tình hình nhà máy nên giờ đây chàng thường rảnh vào buổi chiều. Chính vì thế chàng nhiều lần gặp thầy lang Kô-si-ba trong cửa hiệu. Chàng hơi ngại người đàn ông râu ria nghiêm trang, có đôi mắt u buồn và đôi vai rộng này. Chàng tin chắc rằng thầy lang nhìn mình không mấy thiện cảm, thậm chí có phần ác cảm, mặc dù Ma-rư-sia cam đoan đó là con người tốt nhất trên dương thế.
- Có thể bác ấy có chút thiếu tin tưởng ở anh, - nàng nói, - nhưng chính anh có lỗi. Nếu anh cho phép em thổ lộ với bác việc đính ước của hai chúng mình, em tin chắc rằng bác ấy sẽ yêu mến anh ngay lập tức.
- Thế thì anh thà cứ thận trọng còn hơn.- chàng mỉm cười - Còn phần anh, anh sẵn sàng chờ đón những biểu hiện tình cảm của bác ấy. Anh sẵn sàng chịu thiệt!
Nàng nhìn anh vẻ trách móc.
- Lê-sếch, thật chẳng đẹp tí nào khi anh chế giễu người tốt bụng đến thế, người bạn lớn của em.
- Xin lỗi em, em yêu. Nhưng anh có cảm giác, anh nghĩ rằng địa chỉ tình cảm ấy không thật tương hợp với em. Có thể ông thầy lang ấy là mẫu mực của lòng ngay thẳng, thậm chí có thể ông ấy biết chữa bệnh, điều mà anh không tin mấy, nhưng dù sao lão cũng chỉ là một nông dân thuần túy. Em đánh bạn với một người bình dân chất phác như thế để làm gì?
Nàng lắc đầu.
- Đánh bạn để làm gì?... Lê-sếch, anh thấy không, anh có đủ cha mẹ, anh không hiểu thế nào là mồ côi. Khi không có một ai, hoàn toàn không có một ai. Khi ấy, mỗi bàn tay chìa về phía ta, mỗi bàn tay chìa về phía ta, mỗi bàn tay, dẫu là bàn tay chai sạn nhất, làm lụng nhiều nhất đều là cả một kho báu, một kho báu lớn lao. Một kho báu không sao kể xiết. Anh không hiểu nổi điều đó đâu!
- Nhưng anh hiểu, Ma-rư-si-en-kô, anh hiểu chứ! - Lê-sếch xấu hổ. - Và quỷ tha ma bắt anh đi nếu như anh không đền đáp lại cho ông lão trung hậu kia, người đã đối xử như thế với người anh yêu quý nhất, với người duy nhất của anh... Anh cũng mến ông lão mà.
Ma-rư-sia kể cho chàng nghe ông thầy lang đã hứa với nàng điều gì khi nàng lo bị mất việc ở hiệu bà Skốp-kô-va.
- Bây giờ chắc là anh thấy tấm lòng của bác ấy rồi chứ? - Nàng kết thúc câu chuyện kể.
Lê-sếch xúc động.
- Phải, đó là một tấm lòng khác thường. Nhưng chúng mình cũng sẽ không chịu kém. Chỉ cần mọi sự xong xuôi, con người ấy sẽ được nhận một ngôi nhà đàng hoàng ở Lu-đơ-vi-kốp và sẽ được nuôi dưỡng trọn đời. Em biết không, hễ ai dọn đi một viên đá nhỏ dưới chân em, người ấy sẽ được anh hàm ơn. Còn tạm thời, khi nào gặp bác ấy, anh sẽ cho bác ấy ít tiền....
Ma-rư-sia cười:
- Rõ ràng anh không hiểu bác ấy rồi. Bác ấy chẳng bao giờ lấy tiền đâu. Bác ấy chữa bệnh phần lớn là không công. Ngoài ra anh còn bảo bác ấy là một người nông dân thuần túy. Anh biết không, em hết sức nghi ngờ điều đó.
- Nhưng vì sao cơ chứ?
- Anh biết không, hình như bác ấy biết tiếng Pháp đấy?
- À, bác ấy có thể đã từng lưu vong. Biết bao nông dân đã đi tìm việc làm ở Pháp.
- Không mà, - nàng phản đối. - Giá như chỉ có thế thì bác ấy có thể biết nói tiếng Pháp là cùng. Nhưng đằng này bác ấy biết đọc tiếng Pháp mà còn là thơ nữa chứ. Có điều anh đừng hở ra với ai, lạy chúa, rằng anh biết chuyện ấy nhé.
- Sao vậy?
- Bởi chỉ cần nhớ tới điểm ấy thôi thì cũng gây cho bác ấy một ấn tượng khủng khiếp rồi. Em tin chắc có một bí ẩn to lớn lắm trong chuyện đời bác ấy.
- Vậy em cho rằng đó là một trí thức tự giấu mình trong bộ quần áo nông dân?
- Em không biết bác ấy có tự giấu mình không. Nhưng em sẵn sàng thề rằng một người như bác không thể phạm vào một điều gì nhục nhã có thể buộc bác ấy phải ẩn náu. Bác ấy là trí thức, anh hãy lưu ý đến ánh mắt của bác ấy, một số cử chỉ, đến cách nói năng. Cũng có thể đó là huyễn tưởng. Nhưng mỗi khi trò chuyện với bác, em có cảm giác rằng về phương diện trí óc, bác ấy cao hơn hẳn em.
- Cũng có những nông dân thông minh chứ. - Lê-sếch lưu ý và trầm ngâm suy nghĩ
Lát sau chàng thốt lên:
- Được rồi! Có một cách rất đơn giản. Hoàn toàn dễ dàng, chúng mình có thể thẩm tra bác ấy để xem bác ấy có phải là trí thức không, hay chỉ là một nông dân thuần túy. Chỉ cần khéo léo một chút.
- Lê-sếch, bằng bất cứ giá nào em cũng không muốn...
- Anh biết, anh biết! Anh cũng không hề có ý định ấy đâu. Anh không hề muốn can thiệp vào những bí mật của bác ấy, nếu như chúng có thật đi nữa. Anh chỉ muốn xác minh thôi. Anh xin đảm bảo là bác ấy không hề nhận ra nữa kia.
- Cũng thế thôi, - nàng làm ra vẻ mặt không hài lòng. Vẫn không đẹp tí nào.
- Tùy em, anh không làm chuyện đó cũng chẳng sao, - Lê-sếch ưng thuận.
Nhưng chàng chỉ ưng thuận bề ngoài thôi, chàng vẫn quyết định sẽ tiến hành thử ngay lúc nào có dịp thuận tiện. Bản tính chàng ham thích lý giải những điều bí mật. Ngay khi còn là một cậu bé, chàng đã say mê đọc Ka-rôn May (39), rồi sau đó là các chuyện trinh thám của Cô-nan Đoi-lơ (40). Ngay cả những chuyện bí mật thường tình cũng tác động đến chàng một cách mê hoặc.
Cách thức mà chàng chợt nghĩ ra quả thực cũng không có gì phức tạp. Chỉ cần trong khi trò chuyện với ông lão thầy lang, chàng dùng thêm các từ mà một người nông dân thông thường không thể hiểu nổi nghĩa. Nếu như ông ta hiểu được nghĩa của câu nói hoặc câu hỏi, thì đó sẽ là một bằng chứng hiển nhiên chứng tỏ ông ta không phải là loại người ông muốn đội lốt. Và khi ấy mới có thể tiếp tục điều tra về nguyên do...
Một hôm gần đó, trong khi đi đường vòng tới Ra-đô-li-xki, chàng gặp thầy lang trên đường từ thị trấn trở về. Chàng dừng xe, cúi chào rồi trỏ tay vào một bó cây thuốc mà hẳn ông đã hái trong rãnh bên đường và hỏi:
- Thứ này chữa bệnh gì thì tốt, thưa ông Kô-si-ba?
- Đây là bạch chỉ. Trợ tim. - Thầy lang đáp lại lịch thiệp nhưng lạnh lùng.
Để lấy lòng ông lão và hướng ông vào một cuộc trò chuyện dài hơn, chàng đùa:
- Thế ông có thứ thuốc nào hữu hiệu nhất đối với tình yêu hay không?
Thầy lang ngước mắt nhìn lên trả lời rành rẽ:
- Thưa cậu, - Đối với tình yêu, thứ thuốc tốt nhất là tính trung thực.
Ông lão ngã mũ chào rồi tiếp tục bước đi.
Lê-sếch đứng lặng hồi lâu, hoàn toàn bất ngờ trước câu trả lời không hề chờ đợi, rồi sau đó đoán ra điều mà thầy lang định nói, chàng lẩm bẩm một mình:
- Không thể không công nhận là ông ta thiếu "exprit d`à propos" (41).
Đến thị trấn chàng thuật lại cho Ma-rư-sia nghe cuộc gặp mặt kia rồi nói thêm:
- Phải thừa nhận rằng ông ấy khiến anh hơi phật ý, anh không đáng để nhận cái đơn thuốc ấy.
- Nhưng bác ấy có biết thế đâu, - nàng lưu ý.
- Chính thế. Anh sôi cả lên, chỉ muốn nói hết sự thật với ông ta. Nói chung anh mệt mỏi vì phải giữ điều bí mật ấy. Anh chỉ muốn thông báo cho tất cả mọi người biết chuyện đính ước của chúng mình. Nhưng anh chưa được phép. Không được phép. Vội vã quá chỉ tổ làm hỏng các kế hoạch của anh mà thôi.
Chính vì thế, không những chỉ riêng đối với Lu-đơ-vi-kốp, mà ngay cả Ra-đô-li-xki, Chàng cũng không muốn ai phải lưu ý đến những cuộc thăm viếng của chàng. Đôi khi chàng để mô-tô trước quán ăn hoặc trên sân nhà ông Gla-ze-rơ, lái ngựa rồi đi bộ đến cửa hiệu. Dù sao cũng đỡ chọc vào mắt người ta hơn.
Hẳn là không có tin đồn gì mới truyền đến Lu-đơ-vi-kốp nên cha mẹ chàng không hề nhắc nhở đến điểm gì cả, cả hai tận tình theo dõi công việc của cậu con trai tại nhà máy. Họ cũng không trở lại câu chuyện quyết định kia. Câu chuyện mà Lê-sếch cũng không muốn đề cập trước vì e rằng cha mẹ chàng sẽ nhìn thấy những động cơ riêng tư nào đó trong sự sốt ruột của chàng.
Một hôm thứ sáu nọ chàng gặp lại ông lang Kô-si-ba. Lần này trong cửa hiệu. Ông lão đang trò chuyện với Ma-rư-sia và khi Lê-sếch bước vào, trên khuôn mặt rộng đầy râu của ông hãy còn vương một nét cười. Rõ ràng ông đang vui vẻ và Lê-sếch quyết định tận dụng ngay cơ hội này để tiến hành thí nghiệm dự tính. Chàng chào hỏi ông với vẻ thân thiện vô tư nhất, rồi như thuận miệng chàng hỏi:
- Quê ông ở vương quốc, vậy ông không thấy nhớ quê hương bản quán hay sao?
- Tôi cũng chẳng còn ai ở đó, nên cũng không nhớ nhung gì.
- Thế thì lạ thật. Tôi còn ít tuổi và thiếu kinh nghiệm, nhưng tôi nghe những người già nói rằng ở nơi đất khách quê người họ thường bị hành hạ bởi nỗi hoài vọng cố hương, Thế ông không cảm thấy nỗi hoài vọng cố hương hay sao?
- Cảm thấy cái gì cơ? - Thầy lang hấp háy mắt.
- Nỗi hoài vọng cố hương. - Lê-sếch nhắc lại, vẻ thản nhiên.
- Không.- Ông lắc đầu. - Nơi đây cũng cùng một đất nước, phải đâu đất khách quê người.
Lê-sếch vẫn thấy chưa chắc chắn lắm, chàng nhận xét thêm:
- Đúng vậy, nhưng người cũng khác, phong tục cũng khác. Bao giờ cũng vẫn khó thích nghi.
Thầy lang nhún vai:
- Tôi đã lang thang khắp thế gian. Đâu cũng là nhà, mà chẳng đâu là nhà cả.
Thế vẫn chưa khiến Lê-sếch hài lòng. Thầy lang có thể đoán ra nghĩa của một từ chưa hiểu thông qua cả câu. Cần phải đặt câu hỏi hết sức chính xác.
- Và ở đây người ta cũng đối xử tốt với ông thì phải - chàng nói.- Nhiều lần tôi được nghe nói thế. Hình như ông có lưu lượng bệnh nhân lớn?
Ông Kô-si-ba gật đầu.
- Đúng thế, nhất là mùa xuân và mùa đông. Mùa hè người ta ít ốm hơn.
Tim Lê-sếch đập dồn. Gần như chàng tin chắc rằng những ước đoán của Ma-rư-sia là chính xác. Chàng bèn thêm:
- Ông có thể tạo dựng cả một sản nghiệp giá như ông không có thiên hướng nhân từ rõ rệt.
Hoặc ông lang không chú ý rằng mình đang bị khảo sát, hoặc ông dửng dưng với việc người ta đặt bẫy phục ông, ông mỉm cười nhân hậu.
- Đó không phải là sự từ thiện, - ông nói, - Đơn giản là tôi phải giúp đỡ những người đang đau đớn, còn tài sản thì... tôi chẳng cần thiết gì. Là một người giàu, ông khó lòng hiểu nổi chuyện ấy.
- Nhưng tại sao?
- Vì lẽ tài sản khiến người ta mụ mị đầu óc. Người ta xây dựng sản nghiệp cốt để phục vụ một điều gì đó, có thể giúp ích được một công chuyện gì đó. Nhưng một khi đã gây dựng được rồi, của cải sẽ làm lu mờ tất cả và sẽ buộc con người ta sẽ chỉ phục vụ cho chính nó, chính cái của cải ấy mà thôi.
- Nghĩa là từ vai trò phương tiện chuyển thành mục đích?
- Chính thế.
- Xuất phát từ giả thiết ấy, thì nói chung việc có được bất cứ một chút gì đó cũng đều là nguy hiểm bởi lẽ con người ta rất có thể biến thành nô lệ cho chính tài sản của mình?
- Thì đã hẳn, - Ông lang ôn tồn đáp. - Nhưng sẽ chỉ nguy hiểm một khi con người ta không hiểu điều ấy, khi người ta mê muội đi rồi.
Ma-rư-sia im lặng lắng nghe cuộc nói chuyện kia, nàng đoán được rằng Lê-sếch khai mào nhằm mục đích kiểm tra những điều nghi vấn của mình. Giờ thì nàng không còn nghi ngờ gì nữa rằng nàng đã có lý. Ông lang Kô-si-ba chắc chắn không phải là một người nông dân bình thường. Trong đời đã từng có lúc ông được học hành hoặc được sống trong môi trường những người có học thức. Chính Lê-sếch cũng đi đến kết luận ấy.
Sau khi ông lang bước ra, chàng bảo:
- Em biết không, thật đáng suy nghĩ! Con người này suy nghĩ những vấn đề trừu tượng, biết suy diễn lô-gíc và hiểu rất rõ những từ mà người bình dân không bao giờ dùng. Anh dám đem đầu ra thề rằng ở đây quả thực ẩn giấu một điều bí mật nào đó.
- Anh thấy chưa?
- Nhưng lúc này anh không nghĩ về việc đó. - Lê-sếch nói tiếp, - anh ngạc nhiên hơn bởi một mặt khác của vấn đề này. Con người kia rõ ràng rất thông thái. Cứ giả sử cho rằng do những nguyên nhân chưa rõ nào đó ông quyết định đóng giả một người nông dân bình thường. Chắc ông ta cần phải thế, một khi ông ấy đã sống lâu dài như một nông dân, lao động như nông dân, ăn mặc như nông dân, thậm chí nói năng như nông dân. Ấy thế mà bỗng nhiên ông ấy lại để mình bị lôi cuốn vào một cuộc trò chuyện ngẫu nhiên, cuộc trò chuyện cho phép anh phát hiện ra học thức của ông ấy... Điều này quả thực không sao hiểu nổi! Sao lại thế được? Ông ấy đã làm biết bao điều để đóng vai một kẻ tiện dân, đã làm tất cả để rồi bị lôi kéo vào cái bẫy thế kia ư? Thật khó ăn nhập vào nhau lắm. Hình như ông ấy không cần phải che đậy nữa hay sao ấy. Quỷ thật kia! Điều bí ẩn này hấp dẫn anh rồi đấy.
Ma-rư-sia cầm tay chàng.
- Thế mà anh thấy đấy, anh chẳng tốt tí nào hết. Anh đã hứa với em rằng sẽ không làm việc ấy kia mà. Em sẽ không làm việc ấy kia mà. Em sẽ không thể tha thứ cho anh nếu như bác An-tô-ni có thể gặp phải một điều không hay nào vì anh, mà cũng gián tiếp là vì em.
- Em cứ yên tâm, em yêu ạ. Không bao giờ xảy ra chuyện đó đâu. Nếu anh có phát hiện ra điều gì, thì đó là bí mật riêng của hai ta thôi. Vả chăng, chúng mình đâu có thì giờ lo đến việc của người khác nữa, phải không em?... À, thế quyển nhật ký thì sao?
Nàng đã hứa sẽ mang đến cho chàng quyển nhật ký dẫu đã bị bỏ lơ suốt ba năm trời nay, nhưng gần như là biên niên sử của đời nàng từ thuở bé đến nay.
Nàng trao cho chàng một tập dày cộp đóng bìa vải thô.
- Em muốn anh đọc hết cái này, - nàng nói, má ửng hồng. - Nhưng xin anh đừng cười đấy nhé! Chớ có cười em đấy! Ngày xưa em ngốc ơi là ngốc ấy, và em cũng không rõ với ngần ấy tháng năm em có khôn lên được chút nào chăng.
- Em là thiếu nữ thông minh nhất mà anh được gặp, - chàng cam đoan với nàng bằng những lời nồng nàn và vui vẻ. - Bằng chứng rõ rệt nhất là em nhận ra anh.
- Nếu đó là thước đo của trí thông minh, - nàng bật cười, - thì anh đã tự chuốc cho mình một bằng chứng xấu khi chọn một thứ vô nghĩa lý bé nhỏ như em.
- Cái vô nghĩa bé nhỏ ấy 7d15 đối với anh lại là tất cả.
Tối hôm ấy, khi đi ngủ, Lê-sếch mở trang đầu nhật ký và bắt đầu đọc:
"Tôi là Ma-rư-sia Jô-lan-ta Vin-tru-rúp-na. Mười tuổi. Cha đầu của tôi đã mất, tôi sống cùng người cha thứ hai và mẹ tôi tại sở kiểm lâm thân yêu của chúng tôi ngay chính giữa rừng đại ngàn Ô-đrư-nhe-xki..."
Những nét chữ cong queo, vụng về kết thành những lời bình thường mộc mạc, những lời giản dị, dàn ra thành đường lượn sóng kéo hết trang này sang trang khác.
Bất giác, chàng mỉm cười mà mắt thoáng ướt khi đọc những trang giấy kia, những trang giấy yêu thương, quí báu nhất trên đời, những trang hết ngày này sang ngày khác, tháng này tiếp tháng nọ, năm này nối năm kia cho phép chàng thấy được những niềm vui bé nhỏ nhưng vô cùng xúc động, thấy được cái linh hồn trong sáng, thanh sạch, mẫn cảm và nhạy bén kia, những trang giấy cho phép chàng đi cùng thời thơ ấu của nàng, những năm thiếu nữ của nàng, cùng hòa đồng với chúng, và để càng khao khát hơn, sao cho không bao giờ còn có điều gì chia cách chàng với nàng nữa.
------------------------------
(38) Nguyên văn: Cô đang có sữa trước mũi đấy thôi (N.D)
(39) Tức Karl Friedrich May (1842-1912), nhà văn Đức, nổi tiếng với bộ tiểu thuyết "Winnetou" cho thanh thiếu niên, viết về người da đỏ.
(40) Arthur Conan Doyle (1859-1930) là một nhà văn người Scotland nổi tiếng với tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes, tác phẩm được cho là một sáng kiến lớn trong lĩnh vực tiểu thuyết trinh thám. Các tác phẩm của ông bao gồm nhiều truyện khoa học giả tưởng, tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử, tiểu thuyết, thơ và bút ký.