Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa Chương 14


Chương 14
Cuốn sách định viết từ lâu

Đã lâu lắm rồi, khoảng hơn mười năm trước, tôi đã quyết định viết một cuốn sách không dễ gì viết nổi, nhưng là một cuốn sách thú vị, như lúc đó tôi đã nghĩ và cả bây giờ nữa tôi vẫn nghĩ như thế.

Cuốn sách đó gồm những tiểu sử của những con người xuất chúng.

Tiểu sử của họ phải ngắn và đẹp.

Thậm chí tôi đã bắt đầu lập danh sách những con người xuất chúng cho cuốn sách đó.

Trong cuốn sách của tôi, tôi quyết định đặt vào đó vài mẩu đời của những con người bình thường nhất mà tôi đã gặp, những con người không tên tuổi, bị chìm trong quên lãng, nhưng trong thực tế lại chẳng kém gì những người đã trở thành danh tiếng và được mọi người yêu mến. Chẳng qua họ không gặp may và không để lại được dấu vết gì, dù chỉ là một dấu vết mờ nhạt, cho đời sau. Phần lớn, những người đó là những người không vụ lợi, biết xả thân vì nghĩa và cũng bị lôi cuốn bởi một niềm say mê chung.



Thuyền trưởng đường sông Ôlênhin Vôngari - con người có một cuộc đời muôn màu muôn vẻ - là một trong những người như thế. Ông lớn lên trong một gia đình yêu âm nhạc và học hát ở Ý. Nhưng rồi ông muốn cuốc bộ khắp châu Âu nên đã bỏ học và thực sự đã làm một người hát rong đi khắp nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp. Ở nước nào ông cũng hát những bài hát mang tiếng của nước đó trong nhịp đệm đàn của ghita.

Tôi được biết Ôlênhin Vôngari tại tòa soạn một trong những tờ báo hàng ngày ở Matxcơva, năm 1924. Một hôm, sau giờ làm việc chúng tôi đề nghị Ôlênhin Vôngari hát cho nghe vài bài trong chương trình hát rong của ông. Không biết người ta kiếm đâu được một cây đàn ghita và thế là ông già gày còm, thấp bé, trong bộ quần áo thuyền trưởng đường sông bỗng chốc đã biến thành một nghệ sĩ điêu luyện, một diễn viên và một danh ca xuất chúng. Giọng ông hoàn toàn trẻ.

Chúng tôi lặng đi, lắng nghe những giai điệu Ý phóng khoáng chảy trôi, tiếng ầm ầm dứt đoạn trong những bài hát của dân miền Baxkơ, bài Macxâye(1) hoan hỉ trong tiếng kèn đồng lanh lảnh và khói thuốc súng mù mịt.

Sau khi đã đi lang thang khắp châu Âu, Vôngari làm thủy thủ trên những tàu biển, đoạt bằng hoa tiêu đường trường, đi ngang dọc Địa trung hải nhiều lần, rồi mới trở về Nga và làm thuyền trưởng đường sông Vônga. Hồi tôi mới quen ông, Ôlênhin Vôngari đưa tàu chở khách từ Matxcơva đi Nhigiơnhi Nôvôgôrốt.

Ông là người đầu tiên dám mạo hiểm đưa con tàu chở khách to lớn chạy đường sông Vônga qua các đập nước hẹp và cũ kĩ của sông Matxcơva. Tất cả thuyền trưởng, kĩ sư đều cả quyết rằng việc đó không thể nào thực hiện được.

______________________________

1. Một bài ca cách mạng do nhạc sĩ Pháp Rouget de Liste sáng tác năm 1792, sau lấy làm quốc ca Cộng hòa Pháp.

Ông là người đầu tiên đề nghị nắn lại dòng sông Matxcơva trong vùng Máctsughi nổi tiếng, nơi dòng sông uốn khúc đến nỗi chỉ cần nhìn cái hình thù ngoằn ngòeo không biết bao nhiêu lần của nó trên bản đồ cũng đã đủ hoa mắt.

Ôlênhin Vôngari đã viết nhiều bài tuyệt hay về những dòng sông Nga. Ngày nay những bài viết đó đã bị mất và bị lãng quên. Ông biết đủ mọi xoáy nước, khúc nông và đống cây chìm trên hàng chục con sông. Ông có những chương trình đơn giản và không ai ngờ tới về việc cải tiến phương tiện đi lại và vận chuyển bằng đường thủy trên những dòng sông ấy.

Những lúc rảnh rang ông dịch Thần khúc của Đăngtơ(1)ra tiếng Nga.

Đó là một con người nghiêm nghị, tốt bụng và hiếu động, người chủ trương mọi nghề đều đáng trọng bởi chúng phục vụ sự nghiệp của nhân dân và giúp cho mỗi người có cơ hội tỏ ra mình là “một con người tốt đẹp trên mảnh đất tốt này”.

Tôi còn quen một con người giản dị và đáng yêu khác là giám đốc nhà bảo tàng địa phương trong một thành phố nhỏ ở miền Trung Á

Nhà bảo tàng đặt trong một ngôi nhà cổ kính. Ông giám đốc không có người giúp việc nào khác, ngoài bà vợ. Hai người không những chỉ coi sóc viện bảo tàng đâu ra đó, mà còn tự tay sửa chữa nhà cửa, kiếm củi sưởi và làm đủ mọi việc nặng nhọc linh tinh khác.

Một hôm, tôi bắt gặp hai người đang làm một việc kì quặc. Họ đi đi lại lại mãi trong cái phố nhỏ lặng lẽ cỏ mọc đầy và nhặt hết những hòn đá, những viên gạch vỡ nào còn nằm vương vãi quanh viện bảo tàng.

Thì ra lũ trẻ đã lấy đá ném vỡ cửa kính viện bảo tàng. Để

______________________________

1. Dante, nhà thơ vĩ đại, người thầy của nền thi ca Ý.

sau này chúng không còn đạn để mà ném nữa, ông giám đốc mới quyết định nhặt hết đá, gạch ngoài phố mang vào sân.

Mọi vật trong viện bảo tàng, từ bức thêu ren cổ xưa hoặc viên gạch phẳng hiếm hoi của thế kỉ thứ XIV đến một mẩu than bùn và xác ướp của con chuột nước Achentina - con nutơri - vừa đây được thả vào những đầm lầy địa phương để gây giống, đều được nghiên cứu và ghi chép cẩn thận.

Những con người khiêm tốn, bao giờ cũng nói khẽ, vừa nói vừa đằng hắng vì bối rối kia mỗi lần giới thiệu bức tranh của họa sĩ Pêrêpletsikốp là lại tươi hơn hớn. Ông đã tìm ra bức tranh ấy trong một tu viện đóng cửa.

Thực vậy, đó là một bức phong cảnh tuyệt đẹp mà họa sĩ đã nhìn qua khung cửa sổ sâu thẳm mà vẽ. Một buổi chiều trắng phương Bắc với những cây bạch dương mơn mởn ngủ yên và mặt nước như thiếc trên một con hồ nhỏ.

Ông làm việc vất vả. Người ta coi ông không ra gì. Ông làm việc trong yên lặng, không quấy rầy ai. Nhưng dù cho viện bảo tàng của ông có không mang lại nhiều lợi ích đi chăng nữa thì chẳng lẽ bản thân sự tồn tại của một con người như thế không phải là tấm gương về lòng trung thành với sự nghiệp, tính khiêm tốn và tình yêu quê hương, cho những người ở đây, nhất là cho thanh niên, hay sao?

Mới đây tôi vừa tìm được bản danh sách những con người xuất chúng mà tôi đã lập ra để viết cuốn sách nói trên. Danh sách đó rất lớn. Tôi không thể viết ra đây toàn bộ. Vì thế tôi chỉ chọn hú họa lấy một số nhà văn.

Bên cạnh tên mỗi nhà văn tôi viết những ghi chép ngắn ngủi và lộn xộn về những cảm giác của tôi, chúng gắn liền với nhà văn này hay nhà văn khác.

Để cho rõ hơn tôi xin dẫn ra dưới đây một vài đoạn ghi chép ấy. Tôi đã sắp xếp chúng lại cho gọn và mở rộng thêm.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86790


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận