Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa Chương 16


Chương 16
Blốc có một bài thơ đầu tay ít người biết đến: Đêm ấm áp trùm lên hải đảo.

Trong bài thơ ấy có một câu kéo dài và dịu dàng, nó gợi lên trong trí ta cả cái đẹp đẽ của tuổi thanh xuân mờ ảo: “Mùa xuân mơ ước xa xôi của mình..”

Đó không phải là những từ thường. Đó là ánh hào quang. Những hào quang đó tạo ra toàn bộ con người Blốc.

Lần nào đến Lêningrat tôi cũng muốn được đi bộ (chỉ đi bộ chứ không đi xe buýt hoặc đi tàu điện) tới sông Briatska để nhìn thấy ngôi nhà nơi Blốc đã sống và ở đó ông đã qua đời.

Một hôm tôi đi và bị lạc giữa những khu phố vắng và những nhánh sông dài ngập bùn lầy và khi hỏi chẳng thấy nhà Blốc đâu. Nhưng vô tình tôi gặp trong một ngõ hẻm cỏ mọc dầy, một tấm bảng kỉ niệm ở một ngôi nhà gạch đã bạc màu. Thì ra Đôxtôiepxki đã ở ngôi nhà này.



Mãi gần đây tôi mới tìm ra ngôi nhà của Blốc trên bờ sông Priaska.

Mùa thu tàn đã rắc đầy lá úa trên dòng sông đen. Bên kia sông bắt đầu khu ngoại ô của công nhân cảng trong thành phố. Trên nền trời sắp tối trông rõ những nhà máy, những xưởng đóng tàu, những cột buồm và những làn khói. Nhưng trên sông Priaska thì lại vắng vẻ và im lìm như trong một tỉnh lị xa xôi.

Đó là nơi ẩn náu kì lạ đối với một nhà thơ như Blốc. Có thể Blốc đã chọn nơi vắng vẻ và gần biển này vì nó trả lại sự yên tĩnh cho trái tim rối bời của con người.

 

GUY ĐỜ MÔPATXĂNG

Ông che giấu chúng ta cuộc đời mình.(1)

Môpatxăng có một chiếc thuyền nhỏ ở miền duyên hải Riviera tên là “Người bạn thân yêu”. Ông đã viết tác phẩm vang dội nhất và cay đắng nhất của ông trên con thuyền này: truyện Trên mặt nước.

Có hai thủy thủ làm công trên chiếc “Người bạn thân yêu” của Môpaxăng. Người nhiều tuổi tên là Bécna.

Hai thủy thủ không để lộ một lời nói, một cử chỉ nào để Môpatxăng biết rằng họ đang lo lắng cho ông mặc dầu họ nhìn thấy có chuyện gì đó không hay vừa mới xẩy ra với “ông chủ” và ông có thể phát điên không phải vì suy nghĩ, mà chỉ riêng vì những cơn buốt óc không tài nào chịu nổi.

Khi Môpatxăng qua đời, hai người thủy thủ nọ gửi tới tòa soạn một trong những tờ báo hàng ngày ở Pari một bức thư ngắn ngủi và vụng về, tràn ngập một nỗi đau khổ lớn của con người. Có lẽ chỉ có hai người bình thường kia, trái với quan niệm sai lạc chung của mọi người về Môpatxăng, biết rằng chủ họ có một tâm hồn tự hào và cả thẹn.

Họ có thể làm gì để tưởng nhớ Môpatxăng?

____________________________

1. Rơna nói về Môpatxăng

Họ chỉ biết cố gắng hết sức mình sao cho con thuyền mà Môpatxăng yêu mến khỏi rơi vào bàn tay thờ ơ của kẻ khác.

Và hai người thủy thủ đã cố gắng. Có thể kéo dài việc bán thuyền ra bao nhiêu họ kéo bấy nhiêu. Nhưng họ là những người nghèo khổ và chỉ có trời chứng giám họ đã phải chật vật đến thế nào.

Họ cầu cứu bạn bè Môpatxăng, cầu cứu các nhà văn Pháp, nhưng vô hiệu. Thế là chiếc thuyền bị rơi vào tay bá tước Báctêlêmi - một gã nhà giàu vô cùng rồi nghề.

Khi Bécna hấp hối, ông nói với những người chung quanh:

- Tôi nghĩ rằng tôi đã là một thủy thủ không đến nỗi tồi.

Không thể nào diễn tả giản dị hơn ý nghĩ về một cuộc sống cao thượng mà ta đã sống qua. Tiếc thay, lại chỉ rất ít người có thẩm quyền nói về mình bằng những lời như thế.

Những lời đó là di huấn mà Môpatxăng dặn lại chúng ta qua miệng người thủy thủ nọ.

Ông đã đi qua con đường viết văn rất nhanh chóng. Ông nói: “Tôi bước vào văn nghiệp như một mảnh sao băng và ra khỏi nó như một tia chớp”.

Là nhà quan sát tàn nhẫn cái thối tha của con người nhà giải phẫu gọi cuộc đời là: “bệnh viện thực hành cho nhà văn”, trước khi chết ít lâu, ông khát khao mong mỏi sự trong sạch, ca ngợi tình yêu - đau khổ và tình yêu - sung sướng(1).

Ngay đến giờ phút cuối cùng, khi tưởng như óc mình đã bị một thứ muối độc nào đó ăn ruỗng, ông còn tuyệt vọng mà nghĩ rằng ông đã phung phí mất bao nhiêu lòng chân thành trong cuộc đời hối hả và long đong của mình.

Ông kêu gọi con người đi đâu? Ông dẫn dắt người ta đến ______________________________

1. Nguyên văn có gạch nối ở hai chữ tình yêu - đau khổ và tình yêu - sung sướng.

đâu? Ông hứa gì với họ? Ông có dùng được đôi tay khỏe mạnh của người chèo thuyền và của nhà văn giúp đỡ họ được không?

Ông hiểu ông đã không làm điều đó và nếu như ông đem lòng trắc ẩn thêm vào những gì ông đã viết thì ông đã có thể vĩnh viễn trở thành ông Thiện trong trí nhớ của nhân loại.

Như mọi đứa trẻ bị bỏ rơi, rụt rè và cau có, ông tìm đến cái dịu dàng. Ông tin rằng tình yêu không phải chỉ là nhục dục mà còn là sự hi sinh, là niềm vui thầm kín. Nhưng đã muộn mất rồi, trong ông chỉ còn lại độc những lời trách móc của lương tâm và những ăn năn hối tiếc.

Và ông tiếc, ông giận mình đã miệt thị vứt bỏ hạnh phúc, nhạo báng nó. Ông thương nhớ đến nữ họa sĩ Nga Baskiaxêva. Nàng gần như là một đứa con gái nhỏ? Nàng đã yêu ông. Nhưng Môpatxăng đáp lại tình yêu của nàng bằng một cuộc trao đổi thư từ giễu cợt và còn hơi đỏng đảnh nữa là khác. Tính kiêu kì của đàn ông trong con người ông đã thỏa mãn. Ông không muốn đạt được điều gì lớn hơn.

Nhưng nhắc tới Baskiaxêva mà làm chi! Ông còn tiếc một cô thợ trong xưởng máy ở Pari hơn nhiều.

Pôn Buôcgiê(1) đã tả lại câu chuyện xảy ra với cô thợ ấy. Môpatxăng phẫn nộ. Ai cho phép tên tâm lí gia phòng khách kia được lỗ mãng xông vào tấn bi kịch của con người? Tất nhiên, chính ông, chính Môpatxăng, đã có lỗi trong chuyện đó. Nhưng biết làm thế nào, có cách gì cứu vãn được khi ông chẳng còn sức lực và chất muối kia đã lắng cặn tầng tầng lớp lớp trong tâm trí ông? Ông thỉnh thoảng thậm chí còn nghe thấy cả tiếng lách tách của những tinh thể nhỏ bé và nhọn sắc của chúng

khi chúng chọc sâu vào óc ông.

______________________________

1. Nhà văn Pháp (1852 - 1935)

Cô thợ! Người con gái ngây thơ và kiều diễm! Nàng đọc rất nhiều truyện ngắn của ông, chỉ nhìn thấy ông một lần mà đã yêu ông với tất cả trái tim nồng cháy trong trắng như cặp mắt tỏa sáng của nàng.

Người con gái thực ngây thơ! Nàng biết Môpatxăng không có vợ và sống cô độc, và thế là ý nghĩ điên rồ muốn trao cho ông cả đời mình, săn sóc ông, làm người bạn của ông, làm vợ ông, làm nô lệ cho ông, và làm đầy tớ ông đã dấy lên trong lòng nàng mạnh mẽ đến nỗi nàng không sao cưỡng lại được.

Nàng nghèo và xiêm áo tồi tàn. Nàng chịu ăn đói suốt một năm trời và dành dụm từng xu một để may bộ xiêm áo lộng lẫy mặc đi gặp Môpatxăng.

Cuối cùng bộ áo đã may xong. Nàng trở dậy từ sáng sớm, trong khi Pari còn ngủ, khi những giấc mộng còn phủ kín Pari như một màn sương và qua màn sương ấy le lói một mặt trời mọc. Lúc đó là giờ duy nhất có thể nghe tiếng chim hót trong những hàng bồ đề trên các đại lộ.

Nàng tắm qua loa bằng nước lạnh, từ tốn và nhẹ nhàng đi đôi tất mỏng tang và đôi giầy nhỏ bóng loáng rồi đến bộ áo tuyệt đẹp, như mặc vào mình những vật quý mỏng manh đắt tiền. Nàng soi gương và không tin cả bóng mình. Trước mặt nàng là một cô gái kiều diễm, mảnh mai, rạng rỡ niềm vui và nỗi bối rối trong lòng với đôi mắt quầng thâm vì yêu và đôi môi đỏ tươi, dịu dàng. Phải , nàng sẽ đến trước Môpatxăng với sắc đẹp ấy và thú thực với ông tất cả.

Môpatxăng ở một biệt thự bên ngoài thành phố. Nàng bấm chuông ngoài cổng. Một người bạn Môpatxăng ra mở. Gã là một thằng cha coi đời bằng nửa con mắt, thích hưởng lạc và chuyên tán gái. Gã mỉm cười nhìn nàng chòng chọc rồi trả lời là Môpatxăng không có nhà, rằng ông đã cùng với nhân tình đi Êtơrêta vài ngày.

Nàng kêu lên và bước vội đi, bàn tay bé nhỏ bó chặt trong chiếc găng da mềm chơi vơi nắm lấy những song sắt hàng rào.

Ông bạn của Môpatxăng đuổi theo, dìu nàng lên xe ngựa và đưa về Pari. Nàng khóc, nói một cách không có mạch lạc đến chuyện trả thù và ngay tối hôm ấy để chọc tức mình, chọc tức Môpatxăng, nàng đã hiến thân cho anh chàng chơi bời nọ.

Một năm sau nàng đã nổi tiếng ở Pari là một ả trong đám kĩ nữ trẻ. Còn Môpatxăng thì sau khi nghe câu chuyện do ông bạn kể lại đã không đuổi gã đi, không cho gã một cái tát, không thách đấu với gã mà chỉ mỉm cười: ông thấy câu chuyện xảy ra với người con gái cũng hay hay. Thực vậy, nó cũng có thể là một đề tài không đến nỗi tồi cho một truyện ngắn đấy chứ.

Thật đáng sợ vì giờ đây không còn có thể nào lấy lại được khoảng thời gian khi người con gái ấy còn đứng bên hàng rào nhà ông như một mùa xuân nức hương và tin cậy đặt trái tim mình trong đôi bàn tay nhỏ nhắn mà trao cho ông nữa.

Cả đến tên nàng ông cũng chẳng hay và giờ đây ông gọi nàng bằng đủ mọi cái tên âu yếm mà ông có thể nghĩ ra.

Ông quằn quại vì đau đớn. Ông sẵn sàng hôn những vết chân nàng và cầu khẩn nàng tha lỗi. Chính ông, chính Môpatxăng vĩ đại và cao xa. Nhưng không còn cách gì cứu vãn được nữa rồi. Tất cả những câu chuyện ấy chỉ còn là cái cớ để Buốcgiê có thể viết thêm một giai thoại ngộ nghĩnh thuộc lĩnh vực những tình cảm khó hiểu của con người.

Khó hiểu ư? Không, những tình cảm ấy giờ đây rất dễ hiểu đối với ông! Chúng rất tốt lành. Những tình cảm ấy! Chúng là cái thiêng liêng nhất trên tất cả những gì thiêng liêng trong cái thế giới không hoàn hảo của chúng ta. Và ông có thể viết ngay bây giờ với tất cả sức mạnh của tài năng và kĩ xảo mà ông có về chuyện đó nếu như không có chất muối kia. Nó đang gặm nhấm ông mặc dầu ông nhổ nó ra từng vốc. Từng vốc lớn hăng xì.

 

MACXIM GORKI



Người ta đã viết nhiều quá về Alêchxây Macximô Vich Gorki đến nỗi nếu ông không phải là một người không bao giờ có thể khai thác hết được thì chắc chắn ta sẽ dễ dàng bối rối, lùi bước và không dám thêm vào những gì đã viết về ông lấy một dòng.

Gorki chiếm một địa vị lớn trong đời mỗi chúng ta. Tôi thậm chí dám nói rằng có cái “cảm giác Gorki”, - cảm giác về sự có mặt thường xuyên của ông trong đời sống của chúng ta.

Đối với tôi, trong Gorki có cả nước Nga. Cũng như không thể hình dung nước Nga không có sông Vonga, tôi không thể nào nghĩ rằng trong nước Nga lại không có Gorki.

Ông là người đại diện toàn quyền của nhân dân Nga tài năng vô tận. Ông yêu mến và hiểu biết nước Nga tường tận, hiểu biết nước Nga như cách các nhà địa chất nói, trong mọi “tiết diện”, cả trong không gian, cả trong thời gian. Ông không coi thường một cái gì trong đất nước này và không có gì mà ông không nhìn theo cách của ông, cách Gorki.

Đó là một người đi săn các tài năng, con người đánh dấu một thời đại. Từ những người như Gorki có thể bắt đầu một niên biểu.

Lần đầu gặp ông, điều làm cho tôi sửng sốt trước tiên là cái bề ngoài duyên dáng lạ thường của ông, mặc dầu lưng ông hơi gù và giọng nói hơi khàn khàn. Ông lúc ấy đang ở trong giai đoạn chín muồi của tâm hồn và sự phát triển tài năng cao độ, khi cái toàn mĩ nội tâm hiện rõ ra bề ngoài, trong cử chỉ, lối nói, y phục, tóm lại, trên toàn thể dáng vẻ.

Ta cảm thấy rõ rệt vẻ duyên dáng kết hợp với sức tự tin trong đôi bàn tay to lớn của ông, trong cái nhìn chăm chú, trong dáng đi và trong bộ quần áo mà ông mặc một cách thoải mái và hơn nữa có vẻ cẩu thả của nghệ sĩ.

Tôi thường hình dung ông trong tưởng tượng như một con người mà một nhà văn đã được ở bên Gorki tại Krưm, ở Têxêli, đã kể lại cho tôi nghe.

Nhà văn ấy một hôm dậy rất sớm và lại bên cửa sổ, một trận gió giật từng cơn ào ào trên mặt biển. Gió dồn dập, căng thẳng, từ phương Nam thổi lại, ào ào trong những khu vườn và làm cho những mũi tên chỉ hướng gió kêu lên kèn kẹt.

Cách ngôi nhà nhỏ của nhà văn không xa lắm có một cây bạch dương rất lớn. Một cây bạch dương chọc trời. Nếu Gôgôn còn sống ông sẽ gọi nó bằng cái tên như thế. Và nhà văn nhìn thấy Gorki đứng cạnh cây bạch dương, tì tay lên chiếc can, đầu ngẩng, chăm chú nhìn cái cây hùng mạnh ấy.

Cả vòm lá bạch dương nặng nề và dày đặc run rẩy, kêu ầm ầm trong bão. Lá cây căng thẳng theo chiều gió, phơi mặt trái trắng như bạc. Cây bạch dương rít như một chiếc đàn oócgơ khổng lồ.

Gorki đứng rất lâu, bất động và ngả mũ xuống nhìn lên cây bạch dương. Sau đó ông nói một câu gì đó và đi vào sâu trong vườn, nhưng vẫn còn ngoái lại nhìn cây bạch dương mấy lần.

Trong bữa ăn tối, nhà văn đánh bạo hỏi Gorki xem ông nói gì khi đứng bên cây bạch dương, Gorki không ngạc nhiên trả lời:

- Ờ, nếu ông bạn đã theo dõi tôi thì được, tôi xin thú thực. Tôi nói: “Hùng vĩ biết chừng nào!”

Một lần tôi đến thăm Gorki tại một căn nhà ngoại ô của ông trong vùng Gorki. Hôm ấy là một ngày hè, trời đầy mây nhẹ, loăn xoăn, bóng mây trong suốt làm cho những ngọn đồi xanh rực hoa bên kia bờ sông Matxoan trở thành sặc sỡ. Gió ấm thổi trong các phòng.

Gorki nói chuyện với tôi về cuốn truyện dài vừa xuất bản của tôi - cuốn Kônkhiđa - như thể tôi là người am hiểu kĩ càng thiên nhiên những miền á nhiệt đới. Điều đó làm tôi rất bối rối. Nhưng mặc dầu vậy chúng tôi đã tranh cãi về chuyện những con chó có bị sốt rét cơn hay không, Gorki cuối cùng chịu thua và còn mỉm cười hồn hậu nhắc đến một trường hợp trong đời mình khi ông nhìn thấy những con gà ở Pôti bị sốt rét, lông xù ra và rên rỉ.

Không ai trong chúng ta bây giờ nói được như ông nói khi ấy. Một giọng nói có khối, rõ nét và âm vang.

Hồi đó tôi vừa mới được đọc một cuốn sách hiếm có của thủy thủ Nga, thuyền trưởng Ghécnhét. Cuốn sách nhan đề Những vết hắc lào băng giá.

Ghécnhét có thời gian đã làm đại biểu hàng hải của Liên Xô ở Nhật. Ở đó, ông đã viết cuốn sách này, tự tay sắp chữ trong nhà in vì không tìm đâu được thợ Nhật biết tiếng Nga và cuốn sách chỉ được in có năm trăm bản trên giấy Nhật mỏng.

Trong cuốn sách của ông, thuyền trưởng Ghécnhét trình bày luận thuyết độc đáo của ông về việc trả lời cho châu Âu khí hậu thời trung tâm của những miền á nhiệt đới. Trong thời kì trung tân thế thuộc đệ tam kỉ bên bờ vịnh Phần Lan và cả trên nền Sơpitxơbecghen đều có những khu rừng mộc lan và trắc bá.

Tôi không thể kể một cách tỉ mỉ luận thuyết của Ghécnhét ở đây. Chuyện đó sẽ chiếm mất quá nhiều chỗ. Nhưng Ghécnhét đã chứng minh rõ ràng đến nỗi không thể chối cãi được rằng nếu phá chảy được bộ áo giáp băng tuyết ở khu vực Groenlanđơ thì trung tân thế thuộc đệ tam kỉ sẽ trở về châu Âu và một thời đại hoàng kim sẽ bắt đầu trong thiên nhiên.

Nhược điểm duy nhất của luận thuyết này là sự hoàn toàn không có khả năng làm chảy vùng băng Groenlanđơ. Ngày nay, sau khi loài người đã tìm ra năng lượng nguyên tử thì chuyện đó hẳn có thể làm được.

Tôi kể cho Gorki nghe luận thuyết của Ghécnhét. Ông gõ gõ ngón tay trên mặt bàn và tôi nghĩ rằng ông nghe tôi chỉ vì lịch sự. Nhưng hóa ra ông bị lôi cuốn bởi luận thuyết đó, cái lí lẽ hoàn chỉnh không thể bác bỏ được và thậm chí cả tính chất trang trọng của nó.

Ông thảo luận với tôi về luận thuyết đó rất lâu, mỗi lúc một sôi nổi và đề nghị tôi gửi cho ông cuốn sách để in lại với một số lượng xuất bản lớn ở Nga. Và ông nói rất nhiều về chuyện có biết bao điều bất ngờ thông minh và tốt đẹp rình đón chúng ta từng bước.

Nhưng Alêchxây Macximôvich Gorki không kịp in cuốn sách của Ghécnhét. Ít lâu sau ông qua đời.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87001


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận