Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa Chương 18


Chương 18
MIKHAIN PRISVIN(1)

Nếu như thiên nhiên biết mang ơn con người đã đi sâu vào trong lòng đời sống của thiên nhiên, đã ca ngợi nó, thì người trước tiên xứng đáng được hưởng ơn đó là Mikhain Prisvin.

Tên Mikhain Mikhailôvich Prisvin là tên dùng trong thành phố, còn ở những nơi mà Prisvin cảm thấy là nhà mình - trong những túp nhà của những người tuần rừng, ở những bãi sông dằng dặc màn sương, dưới những đám mây và những vì sao của bầu trời đồng nội nước Nga - người ta gọi ông rất đơn giản là “Mikhalứt”. Và dĩ nhiên người ta cũng rầu lòng khi ông biến mất trong những thành phố, nơi chỉ có loài én làm tổ dưới mái sắt là nhắc ông nhớ đến “quê hương loài sếu” của ông.



Cuộc đời của Prisvin là tấm gương về con người đã từ bỏ mọi cái xa lạ mà hoàn cảnh áp đặt cho ông và chỉ sống “theo lệnh truyền của trái tim”. Cái lẽ sống như vậy có một ý nghĩa lành mạnh, vô cùng vĩ đại. Người sống “theo trái tim”, trong sự hòa hợp với thế giới bên trong của mình là người sáng tạo, là người làm giàu cho cuộc sống và là nghệ sĩ.

Không hiểu nếu Prisvin vẫn là nhà nông học (nghề đầu tiên

của ông) thì trong đời ông, ông đã làm được những gì? Dù sao ______________________________

1. Nhà văn lớn Xô Viết, nổi tiếng về mô tả thiên nhiên.

thì chưa chắc ông đã phát hiện được cho hàng triệu người biết thiên nhiên Nga như một thế giới thi ca tế nhị nhất và trong sáng nhất. Giản đơn là ông chẳng có đủ thì giờ để làm chuyện đó. Thiên nhiên đòi hỏi con mắt chăm chú và hoạt động nội tâm liên tục để tạo ra trong tâm hồn nhà văn một thứ “thế giới thứ hai” của thiên nhiên. Cái thế giới thứ hai ấy làm cho chúng ta thêm giàu suy tưởng, nó lấy sắc đẹp của thiên nhiên mà nghệ sĩ đã thấy, làm cho chúng ta cao quí hơn lên.

Nếu ta đọc kĩ tất cả những gì Prisvin đã viết thì ta sẽ phải tin chắc rằng ông mới chỉ kịp nói với chúng ta được có một phần trăm những điều ông thấy và hiểu rất rõ.

Đối với những nghệ sĩ bậc thầy như Prisvin, một cuộc đời thực quá ít ỏi. Họ là những người có thể viết cả một bài thơ trường thiên về mỗi chiếc lá thu rơi. Mà có nhiều lá như vậy rơi lắm. Có biết bao nhiêu chiếc lá rụng mang theo những ý nghĩ không nói ra của nhà văn, những ý nghĩ mà Prisvin nói rằng chúng rụng xuống như những chiếc lá, không cần phải gắng sức.

Prisvin gốc người tỉnh Enxơ - một thành phố Nga cổ. Cũng trong những vùng ấy đã xuất hiện Bunin, người hệt như Prisvin, biết làm cho thiên nhiên phong phú thêm bằng màu sắc của những suy tưởng và tâm trạng con người.

Giải thích điều đó như thế nào đây? Hẳn là do thiên nhiên vùng đông Oclốpsina, thiên nhiên ở quanh tỉnh Enxơ rất Nga, rất giản dị và không giàu có. Và chính trong đặc điểm ấy, cả trong vẻ hơi khắc nghiệt của nó, ta tìm được câu giải đáp về cái sắc sảo nhà văn trong Prisvin. Trên cơ sở giản dị, phẩm chất đất đai nổi lên rõ hơn, cái nhìn cũng sắc hơn và ý nghĩ cũng tập trung hơn.

Sự giản dị nói với con tim mạnh hơn cái hào nhoáng nhiều màu nhiều sắc, ánh lửa pháo hoa của những buổi hoàng hôn, bầu trời sao sôi sục và cây cỏ lấp lánh những miền nhiệt đới, nó gợi ta đến những thác nước lớn, những Niagara(1) với lá và hoa.

Viết về Prisvin rất khó. Ta cần ghi lại cho ta những lời của ông trong những cuốn sổ ghi những điều thầm kín, đọc đi đọc lại, tìm ra những vật báu mới trong mỗi dòng, đi sâu vào tác phẩm của ông như đi theo những con đường không rõ nét trong rừng thẳm có những dòng suối trò chuyện với nhau và hương thơm của cỏ, dùng trí óc và trái tim thâm nhập vào những ý nghĩ và những trạng thái tâm hồn phong phú đặc biệt chỉ có trong con người trong trắng của ông.

Prisvin cho mình là nhà thơ “bị đóng đanh trên cây thập tự của văn xuôi”. Nhưng ông đã lầm. Văn xuôi của ông còn đầy chất thơ hơn rất nhiều, so với một số lớn những bài thơ và những bài thơ trường thiên.

Nói theo cách của Prisvin thì tác phẩm của ông là “niềm vui vô tận của những khám phá thường xuyên”.

Tôi đã vài lần được nghe thấy ở những người vừa đọc xong một cuốn sách của Prisvin cũng những lời này: “Thật là ma thuật!”

Nói tiếp câu chuyện với họ tôi mới hiểu người ta nói như thế vì họ cảm thấy cái ngây ngất khó tả nhưng rõ rệt và chỉ có ở Prisvin.

Điều bí ẩn của nó ở chỗ nào? Bí mật của những cuốn sách ấy ở đâu? Những chữ “phép phù thủy”, “phép tiên” thường dùng trong những truyện cổ tích. Nhưng Prisvin đâu phải là người

______________________________

1. Một thác nước ở châu Mĩ.

viết cổ tích. Ông là người của đất, của “bà mẹ đất đai ẩm ướt”, nhân chứng của tất cả những gì đang diễn ra quanh ông trên trái đất.

Bí mật của cái duyên Prisvin, pháp thuật của ông, chính là ở cái sắc sảo của ông.

Đó là cái sắc sảo biết tìm ra trong mỗi vật nhỏ bé một điều thú vị, dưới cái bề ngoài đáng ngán của những hiện tượng quanh mình một nội dung sâu sắc.

Mọi vật đều bóng lên ánh thơ như cỏ gặp sương. Mỗi lá liễu hoàn diệp hèn mọn có cuộc đời riêng của nó.

“Đêm qua đi dưới vầng trăng to lớn trong sạch, và về sáng, băng đầu mùa đã kết. Mọi vật đều xám, nhưng những vũng nước chưa đông. Khi mặt trời lên, sưởi ấm cho muôn vật thì sương đã ướt đầm cây cỏ, những cành thông từ trong rừng tối ló ra như những đường thêu lóng lánh, tưởng chừng nếu có dùng tất cả kim cương của thế giới cũng chẳng đủ để trang hoàng như vậy”.

Trong đoạn văn thực là kim cương này mọi vật đều giản dị, chính xác và đầy chất thơ bất tử.

Đọc những chữ trong đoạn ấy bạn sẽ phải đồng tình với Gorki khi ông nói rằng Prisvin đã “cao tay kết hợp mềm dẻo những từ đơn giản làm cho mọi vật được miêu tả gần như có thể sờ mó thấy”.

Nhưng như thế cũng chưa đủ. Ngôn ngữ của Prisvin là ngôn ngữ nhân dân. Nó chỉ hình thành trong sự chung đụng chặt chẽ của người Nga với thiên nhiên, trong lao động, trong cái đơn giản và sáng suốt của tính cách nhân dân.

Câu “Đêm qua đi dưới vầng trăng to lớn, trong sạch” hoàn toàn truyền đạt một cách rõ ràng khoảng thời gian im lìm và hùng vĩ của đêm khuya đang trôi đi trên đất nước ngủ yên. Và “băng đầu mùa đã kết”, và “sương đã ướt đầm cây cỏ” - tất cả những từ đó đều sinh động, đều nhân dân, không phải nghe lỏm ở đâu mà được, hoặc rút ra từ sổ tay, mà là của riêng người viết. Bởi vì Prisvin là người của nhân dân chứ không phải là người quan sát đứng bên ngoài mà nhìn nhân dân như một tài liệu dùng cho những tác phẩm của ông. Chuyện đó, tiếc thay, lại vẫn thường có ở các nhà văn.

Những nhà thực vật học có danh từ “tạp thảo” (raznotraviê). Danh từ này thường chỉ những cánh đồng cỏ ra hoa. Nó là sự ngẫu hợp của hàng trăm thứ hoa tươi tắn khác nhau mọc đầy trên bờ những ao hồ liên tiếp ở những triền sông.

Ta hoàn toàn có quyền gọi văn xuôi của Prisvin là “tạp thảo” của ngôn ngữ Nga. Những từ của Prisvin nở hoa, sáng lấp lánh. Lúc thì chúng xào xạc như cỏ, lúc lại thì thào như những nguồn suối, lúc thì hót lên đối đáp nhau như chim, lúc kêu lách tách khe khẽ như băng đầu mùa, và lúc thì hình thành trong trí ta chậm chạp và quy củ chẳng khác gì dòng sao.

Phép lạ của văn Prisvin sở dĩ có được là do những hiểu biết rộng rãi của ông. Trong bất cứ lĩnh vực nào của tri thức con người cũng đều có một hồn thơ vô tận. Những nhà thơ đáng lẽ phải biết điều đó từ lâu.

Đề tài về bầu trời sao được các nhà thơ yêu mến sẽ tráng lệ thêm biết bao nhiêu nếu như các nhà thơ biết rõ thiên văn học.

Đêm với bầu trời không tên và vì thế mà không có sức biểu hiện mạnh mẽ là một chuyện, nhưng cũng đêm ấy, nếu nhà văn biết quy luật vận chuyển của vòm sao và khi mặt nước hồ phản chiếu không phải là một chòm sao nào đó, mà là sao Ôriôn lấp lánh thì lại là một chuyện khác.

Có thể dẫn ra rất nhiều thí dụ chứng minh rằng chỉ một hiểu biết con con cũng mở ra trước mắt chúng ta những lĩnh vực mới của cái đẹp. Trong chuyện đó người nào cũng có kinh nghiệm riêng của mình.

Nhưng lúc này tôi muốn kể câu chuyện về một câu văn của Prisvin, câu văn này đã giải thích cho tôi hiểu một hiện tượng mà đến lúc ấy tôi vẫn cảm thấy là ngẫu nhiên. Câu văn của Prisvin không chỉ giải thích hiện tượng đó mà còn làm cho nó đầy đủ thêm bằng cái duyên dáng, tôi muốn nói cái duyên dáng theo đúng qui luật.

Từ lâu tôi đã nhận thấy trong những cánh đồng cỏ luôn luôn sũng nước bên bờ sông Ôka lác đác có những bông hoa như được lượm lại thành từng cụm, còn ở một số chỗ khác giữa đám cỏ bình thường bỗng kéo dài một dải ngòng ngoèo toàn một thứ hoa giống nhau. Từ trên chiếc máy bay nhỏ bé “U - 2” vẫn thường đến phun thuốc trừ muỗi ở những đồng cỏ và đầm lầy, cảnh đó trông càng rõ.

Đã nhiều năm tôi ngắm nghía những dải hoa cao và thơm ngát kia, mê mẩn với chúng, nhưng không biết giải thích hiện tượng đó như thế nào. Mà cũng phải thú thực là tôi cũng chẳng hề nghĩ đến chuyện đó.

Và rồi ở Prisvin, trong cuốn Bốn mùa, cuối cùng tôi đã tìm thấy câu giải thích ấy chỉ trong có một dòng chữ, trong một đoạn ngắn cỏn con dưới đầu đề “Sông hoa”.

“Nơi trước kia có những dòng suối xuân chảy băng băng, giờ đây là những suối hoa”.

Tôi đọc câu đó và hiểu ngay rằng những dải hoa mọc lên đúng ở nơi mùa xuân có nước dòng chảy mạnh và để lại đất phù sa màu mỡ. Nó giống như một bức bản đồ bằng hoa họa những con suối xuân.

Sông Đúpna chảy qua gần Matxcơva. Người ta đã đến cư trú ở đấy có hàng nghìn năm; sông Đúpna nổi tiếng, nó được ghi trên bản đồ. Đúpna chảy êm đềm qua những khu rừng nhỏ ngoại ô Matxcơva toàn cây hốt bố, xanh lên màu đồng nội và đồi cây, nó chảy bên những thành phố cổ xưa; Đmitơrôp, Verbilôc Tanđôm. Hàng ngàn người đã đi qua dòng sông này. Trong số đó có các nhà văn, các họa sĩ và các nhà thơ. Nhưng không có ai nhận ra chút gì đặc biệt đáng mô tả trên dòng sông Đúpna. Không có ai đi trên hai bờ sông này mà cảm thấy như đi trên một đất nước chưa người biết tới.

Prisvin đã làm chuyện đó. Và sông Đúpna bình thường bỗng lấp lánh lên dưới ngòi bút của ông, giữa những đám sương mù và những buổi hoàng hôn âm ỉ cháy, giống như một phát hiện địa lý, một phát minh, như một trong những dòng sông thi vị nhất của đất nước với cuộc sống riêng, với cây cỏ riêng, với cảnh quan duy nhất chỉ riêng Đúpna mới có, với sinh hoạt của những người dân ở hai bên bờ sông, và với lịch sử.

Ở nước ta có những người vừa là nhà thơ vừa là nhà bác học như Timiriadép, Kliutsépxki, Kaigôrôđôp, Fécxman, Ôbrutsép, Menzbia, Acxônhiép, như nhà thực vật học Kôgiépnhicôp, người đã viết một cuốn sách rất mực khoa học đồng thời lại vô cùng hấp dẫn về mùa xuân và mùa thu trong đời sống các loại cây.

Và ở nước ta đã có và hiện có những nhà văn biết đưa khoa học vào truyện dài, tiểu thuyết của mình như một tính chất cần thiết bậc nhất của văn xuôi thí dụ như Mennhikôp Pêtsécxki, Ácxakôp, Gorki, Pinhêghin và những người khác nữa.

Nhưng Prisvin chiếm một vị thế đặc biệt trong những nhà văn ấy. Những hiểu biết rộng rãi của ông trong địa hạt nhân chủng học, sinh vật, khí hậu học, thực vật học, động vật học, nông học, khí tượng học, sử học, điều loại học, địa lý học, văn chương truyền khẩu, địa phương học và những khoa học khác nữa trở thành bộ phận hữu cơ trong đời sống nhà văn của ông. Chúng không nằm ì như một đống hàng chết. Những khoa học ấy sống trong người ông, óc quan sát của ông, bởi cái đặc tính may mắn mà ông có là nhìn được những hiện tượng khoa học trong cái biểu hiện thơ của chúng, trong những thí dụ nhỏ hoặc lớn, những điều bất ngờ như nhau.

Khi Prisvin viết về con người, hình như ông phải nheo mắt lại vì cái nhìn sáng suốt của mình. Ông không chú ý đến cái ngoại lai. Ông say mê những mơ ước trong lòng mỗi người, dù cho người đó là người đốn rừng, là bác thợ giày, là người thợ săn hay là nhà bác học danh tiếng.

Đưa cái mơ ước thầm kín của con người ra ngoài ánh sáng - đó chính là nhiệm vụ của ông. Nhưng làm được việt đó rất khó. Không có gì con người giấu kín như là mơ ước. Có lẽ vì mơ ước không chịu nổi một sự chế giễu nhỏ, cả đến một câu nói đùa, và tất nhiên không chịu nổi sự đụng chạm của những bàn tay hờ hững.

Chỉ có với người đồng tâm với ta, ta mới có thể thổ lộ mơ ước của mình một cách tự nguyện, Prisvin là người cùng tư tưởng của các nhà mơ mộng vô danh của chúng ta. Các bạn thử nghĩ đến truyện ngắn Đôi giày của ông về những người thợ giày “Vôntsơki” ở vùng Mariana Rôsa, những người định đóng một đôi giày tráng lệ nhất và nhẹ nhàng nhất thế gian cho người phụ nữ của xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Prisvin chết đi còn để lại nhiều ghi chép và nhật ký. Trong những ghi chép ấy có rất nhiều suy tưởng của ông về nghệ thuật viết văn. Trong lĩnh vực này ông cũng đi sâu không kém gì trong quan hệ đối với thiên nhiên.

Tôi nghĩ rằng có một truyện ngắn của Prisvin về cái giản dị của văn xuôi đáng được coi là kiểu mẫu về cách suy nghĩ đúng đắn. Truyện ngắn tên là Người sáng tác. Trong truyện ngắn có đoạn đối thoại về văn học giữa nhà văn và một chú bé chăn bò.

Câu chuyện họ nói với nhau như thế này. Chú bé chăn bò bảo Prisvin:

- Nếu thực sự bác viết văn thì có lẽ bác toàn bịa cả.

- Không phải hoàn toàn bịa đâu. - Tôi trả lời. - Nhưng của đáng tội cũng có bịa tí ti đấy.

- Cháu mà viết ấy à, cháu sẽ viết rất tuyệt!

- Viết đúng y như thật?

- Hoàn toàn như thật. Giả dụ, nếu cháu viết về đêm, cháu sẽ viết đêm trôi qua trên đầm lầy như thế nào.

- Cháu viết thế nào nào?

- Viết thế này! Đêm! Một bụi cây to thực là to bên cạnh hồ nước. Cháu ngồi dưới bụi cây, còn lũ vịt con thì cứ vít, vít, vít...

Nó ngừng lời. Tôi nghĩ rằng hẳn nó đang tìm chữ, hoặc nghĩ đang đợi hình ảnh. Nhưng nó rút ra chiếc gialâyca(1) và bắt đầu khoet lỗ.

- Ờ, thế rồi sao nữa? - Tôi hỏi. - Cháu muốn tả đêm kia mà.

- Thì cháu tả xong rồi mà, - nó trả lời. - Hoàn toàn đúng sự thực. Một bụi cây to thực là to! Cháu ngồi dưới bụi cây, còn lũ vịt con thì cứ suốt đêm vít, vít, vít...

- Thế ngắn quá!

- Sao vậy, “ngắn” à! - Chú bé chăn bò ngạc nhiên - Suốt đêm chúng nó kêu vít, vít, vít...

Hiểu rõ câu chuyện chú bé kể, tôi nói:

- Hay quá!

______________________________

1. Một thứ nhạc cụ của nông dân Nga thời trước, làm bằng sừng bò.

- Không đến nỗi tồi, bác ạ! - Nó trả lời.

Trong sự nghiệp viết văn của ông, Prisvin là kẻ chiến thắng. Bất giác tôi nghĩ đến một câu nói của ông: “... Nếu như chỉ có những đầm lầy hoang dại là nhân chứng cho thắng lợi của anh thì chúng sẽ tỏa ra một sắc đẹp kỳ lạ, và mùa xuân sẽ còn với anh mãi mãi, một mùa xuân vinh quang thuộc về thắng lợi của anh”.

Đúng như thế, mùa xuân của văn xuôi Prisvin sẽ còn mãi mãi trong cuộc sống và trong nền văn học Xô Viết của chúng ta.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87003


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận