Cụ Kudơma sống với cháu gái Varusa ở làng Mokhova sát bên bìa rừng.
Mùa đông đến thật khắc nghiệt, gió mạnh và tuyết nhiều. Suốt cả mùa đông không có một ngày ấm lên. Từ trên các mái nhà gỗ bào không có những giọt nước tuyết tan lã chã chảy xuống. Đêm đến những con chó sói ở cổng sủa vu vơ. Cụ Kudơma bảo chúng sủa vì ghen tị với người: chó sói cũng thèm được sống ở trong nhà, được nằm gãi và sủa bên lò sưởi, để làm ấm lại bộ lông xù cứng lạnh.
Vào khoảng giữa đông thuốc hút của cụ cạn hết. Cụ ho nhiều, than phiền rằng người không được khỏe và bảo nếu được kéo vài hơi thì người sẽ khá lên ngay.
Chủ nhật Varusa sang làng Pereborư bên cạnh kiếm thuốc hút cho ông. Đường sắt chạy qua bên rìa làng, Varusa mua thuốc xong, cho vào cái túi thêu buộc lại rồi ra ga xem xe lửa. ít khi chúng dừng lại ở Pereborư. Hầu như bao giờ chúng cũng chỉ phóng qua với tiếng ầm ầm rin rít.
Có hai chiến sĩ đang ngồi trên sân ga. Một người để râu có đôi mắt xám vui vẻ. Tiếng còi tàu rúc lên và đã thấy rõ nó đang phăng phăng lao tới ga từ khu rừng đen sẫm, thân tỏa ra hơi nước mù mịt.
- à, tàu tốc hành! Chú chiến sĩ để râu nói. - Cháu gái coi chừng kẻo tàu nó thổi bay đấy. Khéo lại bay lên tới trời.
Con tàu lấy hết đà lao vào ga. Tuyết bay tung làm mờ cả mắt. Sau đó những bánh xe xình xịch nối nhau chạy tới. Varusa ôm lấy cột đèn và nhắm mắt lại: coi chừng kẻo nó bị cuốn bổng lên khỏi mặt đất và hút theo con tàu thực... Khi con tàu đã phóng qua, bụi tuyết còn quay cuồng trong không khí rồi đậu xuống đất, chú chiến sĩ có râu hỏi Varusa:
- Túi cháu đựng gì đấy. Có phải thuốc lá không?
- Thuốc đấy ạ. - Varusa trả lời.
- Bán cho chú nhé. Đang thèm hút quá!
Ông Kudơma cháu không cho bán. - Cô bé nghiêm nghị trả lời. - Cái này để chữa cho ông cháu khỏi ho.
- ồ, cái cô bé giống như bông hoa mọc trong ủng này, nghiêm thế hả?
- Chú cần hút chừng nào cứ lấy chú ơi. Varusa nói và chìa cái túi. - Chú hút đi.
Chú chiến sĩ bỏ vào túi ít thuốc lá vụn, cuộn một điếu to, hút rồi lấy tay nâng cằm Varusa vừa cười vừa nhìn vào cặp mắt xanh biếc của cô bé.
- Ôi, cây hoa tử la tết đuôi sam! Chú biết cảm ơn cháu bằng cách nào đây? Chả lẽ bằng cái này?
Chú chiến sĩ lấy từ trong túi áo khoác chiếc nhẫn nhỏ bằng thép, thổi vụn thuốc và muối bám quanh chiếc nhẫn rồi đeo vào ngón tay giữa cho Varusa.
- Cháu đeo chiếc nhẫn này cho mạnh khỏe. Chiếc nhẫn này tuyệt lắm. Trông xem, nó sáng thế này này!
- Nó tuyệt thế nào hở chú? - Varusa đỏ mặt lên hỏi.
- Nó có cái phép lạ thế này. Nếu cháu đeo ở ngón tay giữa nó sẽ mang lại sức khỏe, cả cho cháu lẫn ông Kudơma. Nếu đeo nó vào ngón này, ngón thứ tư - chú chiến sĩ chìa ngón tay đỏ ửng giá lạnh cho Varusa. - Cháu sẽ có niềm vui lớn. Còn nếu cháu muốn xem tất cả cảnh đất trời với trăm nghìn vẻ đẹp tuyệt diệu thì cháu đeo vào ngón trỏ. Nhất định cháu sẽ thấy hết.
- Thật ư, chú? - Varusa hỏi.
- Cháu cứ tin chú ấy, - anh chiến sĩ mặc áo khoác cổ bẻ ngược lên nói. - Chú ấy biết làm phép đấy. Cháu có biết chú ấy không?
- Cháu có nghe thấy rồi.
- Thế đấy. - Anh chiến sĩ cười, - chú ấy là lính công binh kỳ cựu. Đến mìn cũng còn phải kiềng chú ấy đấy.
- Cám ơn chú, - Varusa nói và chạy vù về làng Mokhova.
Gió cuốn tuyết rơi mù mịt. Varusa cứ sờ vào chiếc nhẫn mãi, xoay đi xoay lại, nhìn nó sáng lên trong ánh sáng mùa đông.
- Sao chú bộ đội quên không nói đến ngón tay út nhỉ? Cô bé nghĩ. Nếu đeo vào đó thì sao. Mình thử đeo vào xem thế nào?
Nó đeo vào ngón tay út. Ngón tay nhỏ tí, chiếc nhẫn không vừa và rơi ngay xuống tuyết sâu. Varusa kêu ối, lấy tay bới tuyết. Nhưng không thấy chiếc nhẫn đâu. Những ngón tay nó đã tím ngắt lại, cứng queo vì rét đến nỗi không gập lại được nữa. Varusa òa khóc. Mất chiếc nhẫn rồi. Có nghĩa là ông Kudơma sẽ không khỏe, nó sẽ không có niềm vui lớn và không được nhìn thấy thế gian với mọi vẻ đẹp tuyệt vời nữa. Varusa cắm một cành thông già xuống tuyết, đúng chỗ chiếc nhẫn rơi và đi về nhà. Nó lấy bao tay chùi nước mắt, nhưng nước mắt cứ trào ra, đông lại làm mắt cộm lên nhức nhối.
Ông Kudơma thấy thuốc về mừng rỡ hút thuốc thở ra nhà đầy khói, còn chuyện chiếc nhẫn ông nói:
- Cháu đừng buồn, con bé ngốc nghếch của ông! Nó rơi ở đâu thì vẫn ở nguyên đấy thôi. Bảo Xiđơrơ nó đi tìm cho. Nó sẽ tìm thấy cho cháu thôi.
Con sẻ già Xiđơrơ đang đậu trên chiếc sào ngủ, mình tròn như một quả bóng nhỏ. Suốt mùa đông Xiđơrơ sống trong nhà ông Kudơma đàng hoàng như chủ nhân. Nó không những bắt Varusa phải nể nó mà cả ông Kudơma nữa. Nó ăn cơm từ trong chén còn những mẩu bánh thì mổ từ tay người. Khi nào người xua đuổi nó thì nó phật ý, xù lông ra, bắt đầu gây gổ, kêu ầm lên giận dỗi đến nỗi những con chim sẻ ở gần đấy thấy ồn cũng bay đến, nghe ngóng rồi sau đó bàn cãi ầm ĩ, và chê trách Xiđơrơ. Được sống trong nhà, được no và ấm áp mà vẫn chưa cho là đủ. Hôm sau Varusa bắt con Xiđơrơ gói vào chiếc khăn tay mang vào rừng. Từ dưới tuyết chỉ nhô lên có đoạn đầu của cành thông. Varusa đặt con sẻ lên cành cây và bảo:
- Tìm đi, bới tuyết ra nào! Có khi mày thấy đấy!
Xiđơrơ liếc mắt, nhìn tuyết nghi ngờ và kêu:
“Khiếp, khiếp, tìm được chú ngốc! Khiếp, khiếp!” Xiđơrơ láy đi láy lại bay khỏi cành cây vào nhà.
Và chiếc nhẫn thế là không tìm thấy.
Ông Kudơma ngày càng ho nhiều hơn. Sang mùa xuân cụ leo lên bếp lò. Gần như không rời khỏi nơi ấy, và cụ cứ đòi uống nước luôn. Varusa đưa nước lạnh cho cụ uống từ trôn một cái gáo sắt.
Bão tuyết quay cuồng trên các mái nhà, làm ngập các căn nhà đến tận mái. Các cây thông ngập trong tuyết và Varusa đã không thể tìm ra nơi chiếc nhẫn rơi ở trong rừng. Nó thường chúi vào đằng sau bếp lò luôn và khóc khe khẽ vì thương ông và trách mình.
- Thật là đồ ăn hại! Cứ mải chơi mãi đến nỗi đánh rơi mất chiếc nhẫn. Thật là đáng đánh lắm. Đúng lắm!
Nó tự đấm vào mình để tự phạt mình. Cụ Kudơma hỏi:
- Cháu đang cãi nhau với ai đấy?
- Dạ, với Xiđơrơ. - Varusa trả lời. - Nó không nghe lời. Chỉ muốn gây sự thôi.
Một buổi sáng Varusa thức dậy vì Xiđơrơ nhảy nhót ở bậu cửa sổ mỏ mổ vào mặt kính. Varusa mở mắt và nheo mắt lại. Từ trên mái nhà những hạt nước dài nối nhau chảy xuống. ánh sáng nóng hổi rọi vào cửa kính. Những con quạ con kêu quàng quạc.
Varusa bước ra phố. Gió ấm thổi vào mắt em, làm tóc bay lòa xòa.
- Ô, mùa xuân đến rồi! - Varusa nói.
Những cành cây đen nhấp nhoáng, tuyết ướt lao xao trượt từ trên mái nhà xuống. Rừng ẩm ướt rì rào vui vẻ và trang trọng ở ngoài làng. Mùa xuân lướt trên đồng ruộng như một nữ chủ nhân trẻ tuổi. Nó chỉ vừa nhìn xuống các rãnh lạch đã thấy suối chảy róc rách lấp lánh. Mùa xuân bước đi và mỗi bước đi các con suối reo xa càng nhộn nhịp tưng bừng hơn.
Tuyết trong rừng đen lại. Đầu tiên là những lá thông nâu mùa đông rơi xuống lộ ra. Sau đó là nhiều cành khô - bão đã bẻ gãy nhiều hồi tháng chạp. Sau đó là đám lá vàng rơi từ năm ngoái nhô lên từ đám đất sạch tuyết. Và bên rìa những đống tuyết muộn đã nở hoa những bông hoa Mẹ - Dì ghẻ đầu tiên.
Varusa tìm thấy trong rừng cành thông già - cái cành cây mà nó đã cắm xuống tuyết nơi đánh rơi chiếc nhẫn và bắt đầu thận trọng gạt ra đám lá cũ, những quả thông rỗng do những con chim gõ kiến vứt bừa bãi, những cành gẫy và rêu mục. Dưới một chiếc lá đen thấy một đốm sáng lấp lánh. Varusa reo lên, rồi ngồi xuống. Nó đây rồi, chiếc nhẫn! Nó không gỉ đi chút nào. Varusa chộp lấy chiếc nhẫn đeo nó vào ngón tay giữa và chạy về nhà. Ngay từ xa khi chạy gần về tới nhà nó trông thấy cụ Kudơma. Cụ ra khỏi nhà ngồi trên đống gỗ, khói thuốc lá màu lam tỏa trên người cụ, bốc lên trời và tưởng rằng cụ đang ngồi hóng dưới mặt trời mùa xuân và hơi nước đang bay trên người cụ.
- Này cháu ơi, - ông già nói, - cháu cứ như cái chong chóng, ra khỏi nhà quên cả đóng cửa và gió nhẹ thổi ùa vào phòng. Thế là ông hết cả bệnh. Giờ ông ngồi hút thuốc một lát, rồi lấy cái rìu ông chẻ ít củi, ta nhóm lò làm một mẻ bánh ăn chơi.
Varusa cười phá lên, vuốt mớ tóc bạc bù xù của ông cụ và bảo:
- Cảm ơn chiếc nhẫn! Nó đã làm cho ông khỏe đấy, ông ạ.
Cả ngày Varusa đeo nhẫn ở ngón giữa để làm cho ông được khỏe hẳn. Mãi đến tối khi sửa soạn đi ngủ nó mới tháo chiếc nhẫn ra khỏi ngón giữa đeo vào ngón thứ tư. Sau đó sẽ phải có một niềm vui lớn. Nhưng sao nó mãi không đến. Varusa không đợi đươc, ngủ thiếp đi.
Nó dậy rất sớm, mặc quần áo, đi ra khỏi nhà. ánh dương ấm áp lặng lẽ tỏa trên mặt đất. ở phía cuối trời còn mấy ngôi sao chưa tắt. Varusa đi về phía rừng. Nó đứng lại bên bìa rừng. Có cái gì ngân vang trong rừng như có ai đang lắc những quả chuông nhỏ.
Varusa cúi xuống nghe ngóng và giơ cả hai tay ra. Những bông hoa điểm tuyết trắng rung rinh chào đón bình minh, mỗi bông hoa đều ngân nga như trong đó có một con bọ dừa đánh chuông và đang đập chân vào những sợi mạng nhện bằng bạc. Trên ngọn tùng con gõ kiến gõ năm tiếng. “Năm giờ!” Varusa nghĩ. Sớm quá. Yên tĩnh quá! Ngay lúc đó trên cành cao, một con vàng anh cất tiếng hót.
Varusa đứng há miệng giữa ánh nắng vàng, vừa nghe vừa mỉm cười. Một làn gió ấm áp và hiền hòa ào thổi vào người nó, bên cạnh có cái gì xào xạc. Rừng rung động, từ những chùm hoa bồ đào phấn vàng rơi xuống. Ai đó vô hình đang thận trọng rẽ các cành cây đi lướt qua bên người Varusa. Phía trước những con chim cu đang cất tiếng gáy chào mừng người đó.
“Ai vừa đi qua nhỉ? Thế mà mình không nhìn thấy!” Varusa nghĩ.
Em không biết rằng mùa xuân vừa đi qua.
Varusa cười rộ vang cả khu rừng và chạy về nhà. Và một niềm vui lớn - lớn đến nỗi không thể ôm xuể được - rộn ràng reo vui trong ngực em.
Mùa xuân mỗi ngày một bừng sáng tươi vui và rực rõ hơn. Bầu trời chan hòa ánh sáng đến nỗi mắt cụ Kudơma thu hẹp lại và cụ cười vui luôn. Và sau đó trong khắp rừng, tận các nội cỏ và các khe mương muôn ngàn đóa hoa nở rộ như có ai rắc lên đó một thứ nước thần.
Varusa nghĩ toan đeo chiếc nhẫn sang ngón trỏ để được nhìn thấy muôn ngàn cảnh lạ tuyệt trần của trái đất, nhưng nhìn những bông hoa ấy, những nõn lộc cây bạch dương, bầu trời trong vắt và ánh nắng ấm áp, nó không đeo nhẫn vào ngón trỏ nữa. “Mình còn kịp thấy tất cả, - cô bé nghĩ. Không có ở đâu trên thế gian có thể đẹp bằng làng Mokhova, làng mình. Thật là tuyệt vời. Không phải vô cớ ông Kudơma bảo rằng quê mình là thiên đường thực sự và chẳng có đâu mảnh đất tuyệt vời như vậy trên khắp trái đất này”.