Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa Chương 34


Chương 34
Bình nguyên tuyết phú



Tuyết bắt đầu rơi từ chiều tối và đến đêm thì đã trắng xóa cả bình nguyên.

Đại dương đẩy những bọt sóng dài lên bãi cát. Năm qua tháng lại sóng ầm ì không mỏi và Alan đã quen với tiếng sóng đến nỗi chàng không còn để ý đến nó nữa. Ngược lại, sự yên lặng ở chung quanh lại làm chàng ngạc nhiên. Chàng có cảm giác như cùng với tuyết, yên lặng đang từ trên trời rơi xuống.

Tuyết lạnh và những tấm kính cửa sổ thẫm màu phản chiếu hình ngọn nến. Hẳn từ tít tắp ngoài đại dương, nơi chiếc xuồng đánh cá đang vật vã với sóng, người ta cũng có thể nhìn thấy ngọn nến. Và những dân chài nhìn ngọn lửa yếu ớt, hẳn phải nghĩ đến cái chảo đang sôi trên bếp và cái giường không ướt nước.



Alan nhếch mép cười. Lại vẫn cái sự tự dối mình, lại vẫn cái ngây thơ của những hy vọng và mơ ước! Giá mà họ, những người dân chài ấy lại đỗ vào bờ mà vượt bình nguyên để đến nhà chàng thì tốt biết mấy! Họ sẽ nhìn thấy gì ở đây? Căn phòng trống rỗng, ngọn nến, chiếc giường lính và tro lạnh trong lò sưởi. Và Alan, chàng quấn chiếc khăn rách, người rét cóng và buồn bã đến nỗi chàng không thể cất lời. Bởi vì Alan cô độc, không có ai cô độc như Alan. Cả con chuột lục xục trong đống tro kia cũng hạnh phúc hơn chàng. Nó là con chuột nhắt xám và vui tính, còn chàng là nhà thơ vĩ đại và không ai cần tới của châu Mỹ, của đất nước rộng lớn, nơi mùa đông dài đằng đẵng này đang bắt đầu.

Thường họ thích lý sự về hạnh phúc. Nhưng không ai hiểu rằng hạnh phúc lớn nhất là sự hiểu nhau. Alan không thèm muốn vinh quang, không mong yên tĩnh. Chàng chỉ muốn có một điều là sao cho người ta hiểu rằng trí tưởng tượng của chàng, tài làm vui cho mọi người của chàng đủ dùng cho hàng nghìn người chứ không phải chỉ vài ba.

Chàng muốn cho người mãi mãi. Chàng càng cho bao nhiêu thì lại càng giàu thêm.

Chàng có thể ngồi trên phiến đá ở ngã ba đường mà kể cho một chú bé da đen nghe một ý sáng tác mới của mình. Ý đó giống một câu chuyện thần tiên đến nỗi Alan bật cười vì những điều bất ngờ chợt đến khi chàng kể. Và chú bé da đen kia cũng cười ầm ĩ và lấy đôi bàn tay đen thui của chú mà vỗ vỗ vào đùi.

Chàng có thể nói với cô bạn đồng hành trên một chuyến xe về tình yêu vừa chớm nở bất thần, ngay lúc đó, với nàng. Đoạn kết của cuộc tình quá ngắn ngủi: nó kết thúc ngay nơi trạm đỗ đầu tiên, khi nàng bước xuống. Nhưng đồng thời Alan biết rằng mối tình ấy sẽ không có đoạn kết. Bởi vì có trí nhớ và trí nhớ sẽ chẳng để yên ta.

Alan tưởng tượng ra cuộc gặp gỡ ấy rất rõ đến nỗi tưởng chừng chàng phải ngồi ngay xuống bên bàn để viết về nó. Khuôn mặt mệt mỏi vì đường xa của người con gái, tiếng hải âu kêu lanh lảnh trên mặt nước đục mờ, tiếng ngựa thở phì phì, tiếng cát rít dưới bánh xe và rồi, sau một vài chữ của chàng bởi một phép mầu nào đó, cả thế giới vui tươi nở khắp chung quanh.

Thiếu phụ ngước mắt lên, mỉm cười và chàng nhận thấy vẻ bối rối trên mặt nàng. Người này là ai? Phải chăng là người khách từ cái xứ sở mà chúng ta thường nghĩ đến một cách thầm kín, nhưng lại không tin rằng nó có thực? Hay là một người điên?

Tại sao nắng lại chọc thủng những tràng mây ẩm ướt và bọt biển lại chói lọi như tuyết kia tung tóe? Tại sao anh xà ích lại hát về người con gái đã đánh cắp trái tim anh mà không hề nói với anh một lời yêu thương? Tại sao từ những đồi xa vẫn vẳng lại tiếng ì ầm của rừng, còn những giọt mưa hiếm hoi lại nặng nề nện trên mui xe ngựa? Tại sao cầu vồng kia lại đổ nhào trên bình nguyên y như một cái cổng trên đường qua biên giới? Có tiếng rì rào nào ồn lên như thế? Chẳng lẽ có một con bọ rùa vàng vừa bay qua cửa sổ? Tại sao tay nàng run rẩy và môi nàng gặng nói? “Chàng là ai? Đáng lẽ không nên nói với em điều đó. ”

Alan biết nàng nói đúng, rằng chàng đã phá hủy dòng đời mà năm tháng đã làm cho nó trở thành thiêng liêng, rằng từ nay căn phòng phất giấy sọc của nàng, giọng nói của chồng nàng, tiếng lao xao của chiếc cối xay cà phê và những ông khách đứng đắn, tốt bụng - tất cả những cái đó đối với nàng sẽ chẳng còn chút sinh khí và đáng ngán như một ngày tầm thường đầy những công việc quá sức.

“Người ta có thể buộc mình tội thiên vị đối với đàn bà và trẻ con”, Alan nghĩ thầm.

Thôi được. Ta hãy nhớ đến một chuyện khác, đến bệnh viện ở Môrixtơn và bác tiều phu đang hấp hối ở giường bên. Ông lão bị một cây thông đổ đè lên và chỉ còn nằm chờ chết.

Và tất nhiên, ông lão không sống nổi. Nhưng đêm ấy, hai giờ trước khi ông lão qua đời, ông mở mắt ra và hỏi Alan:

- Ông bên cạnh ơi, ông bên cạnh! Ông có biết rừng nó thế nào không ông?

- Biết chứ! - Sau khi suy nghĩ một lát, Alan đáp - Nó cũng na ná như đại dương nếu ta đứng từ một đỉnh cao cô độc mà nhìn xuống. Rừng ồn ào, lay động và nắng tắt dần trong cành lá như trong một khoảng tối tăm vô tận. Và nếu có con chim nào đỗ xuống bên trên đầu ta và kêu năm tiếng thì cái đó có nghĩa là ở đâu đây, cách chỗ ta đúng năm thước có một kho vàng xưa ai chôn giấu. Tìm thấy kho vàng ấy và lôi từ trong cát ra một cái rương bọc sắt thì chả có gì khó. Bác có thể đập cái rương ấy ra và tìm thấy ở trong đó, không phải những đồng tiền vàng đâu, mà một bộ quần áo cưới thời xưa cho con bác. Hình như tên cô ấy là Samen có phải không?

- Vâng. - Bác tiều phu nói - tên cháu là Samen.

- Thế bác có chạm trán với gấu bao giờ chưa? Alan hỏi.

- Còn phải nói! - Bác tiều phu đáp - Nó giương đôi mắt xanh ra mà nhìn tôi một lúc lâu, rồi tôi và nó nháy nhau một cái rồi ai đi đường nấy. Chúng tôi đều là dân rừng, chẳng vạ gì gây gổ với nhau. Còn cháu Samen! - Đột nhiên bác tiều phu nói thêm - thì mới mười chín tuổi. Tôi đã biên thư cho cháu, nói rằng tôi sắp khỏi.

Có thể lấy gì an ủi ông lão lúc ấy? Chỉ có nói dối.

- Bác ạ. - Alan nói - Bác chỉ cần nhắm mắt lại, hít một hơi thật mạnh và nhớ đến cháu và thế là mọi việc sẽ xảy ra đúng như ý bác muốn. Bác cứ thử mà xem! Nào! Gió về chiều tối bao giờ cũng lặng đi và nắng chiều chiếu rọi những ngọn thông trên lều bác. Bác hãy nhìn lên trời và dù cho có nhìn mãi bác cũng chỉ thấy cô độc một đám mây, nó nhỏ bé như một chiếc lông mà chỉ một con cà cưỡng nào đó đã đánh rơi và chỉ có thế mà thôi. Tôi biết thừa là bác muốn đợi tối hẳn khi trên trời kia có những vì sao lấp lánh. Thế có nghĩa là buổi tối đã đến rồi. Và thức ăn, tất nhiên, đã xong xuôi: Samen đang đụng bát loảng xoảng và hát khe khẽ một bài. Bực quá, tôi lại quên mất lời bài hát ấy rồi!

- À, - bác tiều phu đoán ra, - hẳn đó là bài hát về con gấu con ăn mày van xin cô bé của bố thí.

- Đúng, đúng vậy đấy! Tôi nhớ ra bài hát ấy rồi. Tôi sẽ hát nhé, nhưng chỉ hát khe khẽ thôi để các cô hộ lý khỏi nghe thấy. Họ tưởng đâu tất cả những gì làm ta vui đều có hại.

Alan bắt đầu hát:

Tốc tốc! Tiếng gõ cửa.

Con thú nào ướt át -

Con gấu con đói khát

“Xin lỗi cô, cô nhà,

Có thể vay cô Samen

Một ít tiền không ạ?”

Bác tiều phu nghe chàng hát thiếp đi và cứ thế, bác không trở dậy nữa. Cuộc sống lặng đi trong bác như một tiếng chuông xa.

Người ta chôn bác tiều phu ở nghĩa trang bên bệnh viện. Mấy con ngựa bị cột chân tìm ăn bên những nấm mồ xanh cỏ.

Alan tự động khắc hàng mộ chí lên trên cây thập tự gỗ. Chàng nói:

“Nơi đây yên nghỉ người sơn tràng Tômasơ Birơn, 63 tuổi, thiệt mạng bởi một cây thông đổ. Ông làm việc suốt đời và vì thế ông là một người cao thượng. Xin Chúa hãy rủ lòng thương ông trên đất đai những chiên lành của Chúa”.

Alan dần khỏi bệnh và ở nốt những ngày cuối cùng trong bệnh viện. Chàng thường đến thăm mộ bác Tômasơ. Chàng thích được nghĩ rằng dưới gò đất cỏ chưa mọc kín kia có một người đáng lẽ có thể trở thành bạn của chàng đang nằm.

Hai người chắc chắn sẽ hiểu nhau, bởi vì đối với bác tiều không cần phải giải thích tất cả những điều phiền toái của cuộc đời là những cái gậm nhấm sự sinh tồn của Alan. Với bác, Alan sẽ được nghỉ ngơi trong những câu chuyện về cách rửa cưa và thú bẫy chim.

Trước khi rời bệnh viện, Alan viết thư cho con gái ông tiều phu biết về những phút cuối cùng của đời cha cô và Alan biến mất tức khắc, như thể chàng sợ Samen sẽ tới và ở Môrixtơn cô sẽ bắt gặp chàng.



*

* *

Alan bước đến bên cửa sổ. Đại dương nổ tung và lay chuyển mọi bờ.

- Không bao giờ! - Alan nói và rúm người lại vì lạnh - Không bao giờ!

Chàng nhắc lại.

Không bao giờ cuộc sống đã qua sẽ trở lại. Alan thương nàng. Nếu như bỏ đi những năm đói khổ, mất mát và lầm lạc, xuất hiện trong bất cứ lần nào chàng chung đụng với mọi người thì cũng vẫn cứ còn lại vài chục ngày dịu dàng và êm ả như cái êm ả của tuyết đang rơi này.

Viếcginia đã mất. Người ta gọi nàng là “hoa Tam vị”. Đó là tên mà người ta đặt cho thứ hoa xuân thanh tú trong tiểu bang.

Alan có lỗi trong cái chết của nàng. Chàng không có khả năng kiếm được mấy chục đô la để mời thầy thuốc, để nhóm cái lò sưởi trong túp lều cũ kỹ của hai người và tạo cho Viếcginia gọi là lấy một chút yên tĩnh. Chàng chỉ có thể mơ ước. Đó là công việc duy nhất của đời chàng.

Chàng còn có thể làm được gì nữa kia chứ? Chàng chỉ biết lấy chiếc áo choàng rách của mình mà đắp cho Viếcginia khi nàng sốt nằm trên nệm cỏ. Và quay mặt đi, nuốt nước mắt. Đến nỗi con mèo hoang đã ở quen nhà họ cũng còn biết lúc ấy cần phải làm gì hơn là Alan. Những đêm cuối cùng nó nằm trên ngực Viếcginia và lấy hơi ấm của nó sưởi cho nàng.

Lúc đó cũng vào một mùa đông như thế này và đại dương cũng ồn ào như bây giờ. Đại dương hơi đâu mà bận lòng với những đau khổ của Viếcginia! Hàng ngàn năm đại dương táp lên đất liền những núi nước màu xanh lục. Công việc ấy vĩ đại đến nỗi những đau khổ của con người trước mắt nó chỉ còn là những vật thoảng qua, như tiếng lạo xạo của những hạt cát.

- Chả lẽ không bao giờ nữa ư? - Alan hỏi và quay mặt lại nhìn căn phòng tối.

Sao mà chàng chung sống với những đồ vật tồi tàn này lâu đến thế! Sao mà chúng nhẫn nhục chịu đựng được cùng chàng cả cái nhọc nhằn của cuộc sống đến như vậy! Khi Viếcginia còn sống, chúng đã có ở đây. Tay nàng đã đụng vào những đồ vật ấy. Ta có thể nói chuyện thì thầm với chúng nhưng dù sao mặc lòng không bao giờ ta có thể thấy ở chúng một tiếng trả lời:

- Tại sao các ngươi còn sống nhăn mà nàng thì không?

Alan hỏi to.

Lũ đồ đạc im lặng.

- Thôi được, không hề chi, - Alan nói - các ngươi đừng giận. Ta sẽ không bao giờ bỏ các ngươi.

Lũ đồ đạc không trả lời,

- Trời ơi - Alan kêu lên - Làm sao chịu nổi được đêm nay.

Chàng ngồi xuống bên bàn và bắt đầu viết. Công việc làm cho chàng bình tĩnh hơn chút ít mặc dầu chàng cũng hiểu rằng mỗi một truyện mới viết của chàng sẽ gây ra trong người đọc một nỗi băn khoăn độc địa, hoặc may ra, một nỗi băn khoăn kính trọng. Ở nước Mỹ, chàng bị coi như một kẻ từ hành tinh khác đến.

Tại sao tên nhà thơ đói khát kia lại dám dùng lời văn sắc bén và óng ả của hắn phá nát những tập tục đứng đắn và những quan niệm vững chắc, biến thế giới tỉnh táo, thành hình nộm cho những nụ cười giễu cợt? Sao hắn lại dám đánh lẫn lộn trắng với đen, trí tưởng tượng của hắn với thực tế, chẳng hạn như sự tồn tại của các sở giao dịch, lá cờ sao, nhà thờ và bàn giấy?

Cái đó cho ta gì ngoài niềm vui nguỵ tạo ngắn ngủi và nỗi buồn day dứt mãi trong tim? Đầu độc những trái tim và kể những điều đẹp đẽ không có thực làm chi? Để cho thiên hạ phải nhỏ những giọt nước mắt thừa chăng? Để người ta vỡ mộng ư? Để làm gì kia chứ?

“- Không đúng! - Alan tự nhủ - tôi là một anh chàng vui vẻ và nhẹ dạ. Xin các ngài đừng nhăn nhó làm gì? Hãy cười lên mà đón tôi! Tôi muốn tặng các ngài thêm một giọt hạnh phúc. Thế mà các ngài lại lảng tránh giọt hạnh phúc ấy, như lảng tránh thuốc độc. Đồ ngốc!”

Alan viết:

“Tôi tin hết sức chắc chắn rằng con người có thể tạo dựng những điều kỳ diệu. Nếu tôi không chứng minh được điều đó thì năm mươi năm nữa hoặc một trăm năm nữa sẽ xuất hiện một người khác, người đó sẽ chứng minh điều nói trên tốt hơn tôi. Có trời chứng giám, tôi không hề có ý muốn nói rằng tôi chính là người có thể tạo nên điều kỳ diệu. Nhưng dù sao thì tôi vẫn cứ nhận rằng người ta sẵn sàng tin những câu chuyện mà tôi bịa ra cho họ và họ kể lại những chuyện ấy cho nhau nghe tức khắc. Thế là trong họ đã nảy sinh một niềm tin vững chắc vào sự tồn tại của cái mà tôi nghĩ ra và là cái chưa từng có trong cuộc đời. Cái đó chẳng phải là một điều kỳ diệu sao?

“Chúng ta đều biết rằng những con tàu của Magiơlăng đã đi vòng quanh thế giới và đô đốc Nenxơn bị giết trong trận Trafanga. Và cũng với một sự chính xác như vậy, chúng ta biết đã có một hoàng tử Hamlét, còn lady(1) Mácbét thì không thể rửa sạch những vết máu trên tay... ”

Có người nào đập mạnh, hẳn là bằng nắm đấm, vào tường. Alan lấy mảnh giấy úa vàng với những hàng số cong queo vứt lăn lóc trên bàn che trang giấy đã viết kín lại, rồi đứng lên và bước ra gian ngoài. Gió lùa qua cửa kính vỡ, nghe rõ tiếng ngựa thở phì phì, nóng nảy đập chân trên đất giá ở bên ngoài.

Không hỏi tên người khách đến giữa đêm hôm khuya khoắt, Alan mở cửa.

- A! - Chàng nói - Bác sĩ Grêgori! Đêm khuya thế này mà ông cất công đến nhà tôi ư?

Grêgori cúi mình, bước vào tiền phòng, bỏ mũ và rũ tuyết. Đó là một người cao lớn, khô khan với đôi má màu gạch nung. Ông ta nheo đôi mắt không cần nheo cũng đã nhỏ tí, mỉm cười và chìa tay cho Alan.

- Đó là nghĩa vụ của tôi, - ông ta trả lời bằng giọng khàn khàn - Tôi vừa ở nhà Friđerơ, cách đây không xa. Ông đang chết dở vì phù thũng. Đã hai tuần nay không thấy ông ở Uextơ Pointơ, tôi mới quyết định rẽ qua xem ông có được khỏe không, ông Alan ạ.

Họ vào phòng.

- Rất tiếc... - Alan lẩm bẩm và nhìn cái lò sưởi đen lạnh ngắt.

- Bận tâm làm chi - Grêgori đáp - khi trong túi lúc nào cũng có cái này... Còn ly thì có khi nào mà không kiếm ra.

Grêgori lôi trong túi ra một chai uýtxki và đặt lên bàn.

Lúc đầu họ uống chậm chạp và lặng lẽ. Đại dương gầm thét ______________________________

1. Tiếng Anh Lady: phu nhân. Hamlét và Mácbét là hai nhân vật trong hai vở bi kịch của Sêchxpia.

mỗi lúc một giận dữ hơn, nó đã nổi cơn thịnh nộ. Ngọn nến run rẩy trên khuôn mặt bằng đá của nữ thần Pallađơ - tượng bán thân của nữ thần đặt trên cái tủ cũ kỹ.

- Nhà ông bụi bặm ghê. - Grêgori sau hết cất lời - Bụi bặm và lạnh giá!

Ông ta quay lại tượng Pallađơ.

- Ông hãy đập tan cái đầu mụ này đi cho tôi, cái mụ nữ thần chiến thắng này này!

- Để làm gì kia chứ?

- Mụ ta chẳng đưa lại cho ông cái gì hết ông ơi, chiến thắng cũng không mà cả đến thành công cũng không nốt.

- Biết thế nào mà nói được.

Alan ý tứ trả lời.

- Còn biết gì nữa! - Grêgori kêu lên - Số phận ông đã rành rành như cái ly này. Ông muốn coi mình là gì cũng được. Sứ giả nhà trời. Hay sứ giả của địa ngục. Đối với tôi, điều đó chẳng có nghĩa lý gì hết. Ông còn có thể bịa ra những gì nữa hả ông Alan? Nhiều lắm ư? Tuyệt! Và ông sẽ kiếm được cái gì khi làm cái chuyện bịa đặt đó? Bụi bặm và lạnh giá. Và tiếng kêu chin chít của lũ chuột nhắt ở kia, trong lò sưởi?

Alan chăm chú nhìn Grêgori. Bác sĩ uống ít nhưng đã say và như thường lệ, bắt đầu gây sự. Alan nhếch mép cười.

- Ông tự hào về trí tưởng tượng của mình - Grêgori giận dữ - Thế mà ông không nặn trong trí tưởng tượng của ông ra được lấy một xu. Ông không biết cuộc đời là thế nào. Ông hãy đi đêm như tôi đây này. Dưới mưa tuyết thế kia. Cưỡi một con ngựa già. Mà để làm gì kia chứ? Để được bọn ăn mày và bọn vô công rồi nghề biết ơn hay sao? Lòng biết ơn của chúng, cũng như thơ của ông, chẳng thể nào nặn ra được một trinh.

- Tôi đang nghe ông rất chăm chú đây.

Bác sĩ đập mạnh tay xuống bàn.

- Mẹ kiếp, đáng lẽ tôi phải được sống sung sướng hơn kia! Tôi đã tình nguyện làm thầy thuốc trong quân đội của tướng Taylo. Chiến tranh Mễ Tây Cơ, tôi khoái nó. Ở đó phất cực kỳ.

- Châu Mỹ đầy rẫy những tên vô lại và bọn tìm thú phiêu lưu.

Alan từ tốn nhận xét.

- Những kẻ tìm vàng. - Grêgori chữa lại - Trong thời đại này làm một thằng ngốc là vô lối, ông Alan ạ!

Grêgori nhìn chằm chằm vào mặt Alan.

- Hình như tôi uống hơi nhiều. Đúng! Có phải không ông? Ông có thể rũ những điều mơ ước của ông ra lấy chẵn một đô la không? Và sau đó thì cái đầu ông sẽ đáng giá bao nhiêu?

- Ông cứ nói đi.

- Hơ! - Bác sĩ kêu lên - Tôi sẽ không đổi đầu ông thậm chí lấy cái ô rách của tôi.

- Tôi không thích nghe bất cứ câu chuyện nhảm nhí nào của người say. Ông cản trở tôi làm việc rồi đấy.

Alan bình tĩnh nói.

- Dù sao mặc lòng ông cũng chẳng còn có thể chọn đâu được người tiếp chuyện khác - Grêgori lầu bầu - Tôi cản trở gì? Phát minh ra đá triết(1) ư? Hay thuốc trường sinh bất lão?

Mắt Alan tối sầm lại vì căm tức.

- Được! - Chàng kêu lên - Nếu ông đã giễu cợt trí tưởng tượng của tôi thì... ông có nhìn thấy mảnh giấy rách với những con số này không?

- Bản tính tiền của một tên chủ quán - Grêgori nói và rót uýtxki cho mình. - Tôi nhìn thấy rồi. Để xem ông còn bịa ra được chuyện gì nữa. Trong hoàn cảnh hiện tại của ông.

- Đây không phải là bản tính tiền của một tên chủ quán ______________________________

1. Vật chất kỳ diệu trong quan niệm của các thuật sĩ luyện đan thời trung cổ, nhờ vật chất đó có thể biến mọi kim loại thành vàng và chữa được bách bệnh.

đâu, thưa ông. Ông là một người không sáng ý, ông Grêgori ạ! Nhất là khi ông uống say và ăn nói lỗ mãng. Tôi tìm thấy tờ giấy này trong một cuốn sách khổ đôi cổ lỗ. Đó là cuốn sách nói về sự phát hiện ra đất Floriđa của đô đốc Pôngxê đờLêông. Tôi mua được cuốn sách này của một người da đen ở Uextơ Pointơ. Nó sặc mùi hạt tiêu và mùi của nhiều thế kỉ.

- Chỉ còn mùi bọn da đen. - Grêgori phản đối.

- Mảnh giấy này được dán giữa hai trang sách. Căn cứ vào mực, giấy và chữ viết thì mảnh giấy này đã được gần hai trăm năm. Đó là một mảnh giấy ghi những điều bí mật. Liệu ông có thể khám phá nổi nó không?

- Tôi cũng chẳng có ý định khám phá nó làm gì!

- Đó chẳng qua chỉ vì trí thông minh của ông không đủ sức để làm nổi chuyện ấy - Alan mỉm cười, lịch sự giải thích - Cần phải tìm ra chìa khóa. Tôi đã tìm thấy nó và giải thích được mảnh giấy này, thưa ông. Trong vài tiếng đồng hồ.

- Thế cơ đấy! - Grêgori dài giọng một cách hờ hững - vậy thì ở trong đó có gì đặc biệt thưa ông?

- Trong trường, ông đã được học lịch sử xâm chiếm châu Mỹ. Tất nhiên, ông cũng biết về những tên cướp biển và bọn cường đạo. Trong số đó có một người tên là Blếk. Hắn người Anh, nhưng phụng sự vua Tây Ban Nha.

- Cảm ơn ông đã cho biết những tin tức nóng hổi - Grêgori lầu bầu - Blếk! Một thằng ba que giàu nhất trái đất này.

- Trước khi chết, Blếk đã chôn tuốt tuột của cải của hắn... Không ai biết của cải đó để đâu. Người ta đã tìm kiếm một trăm năm nay và ...

- Tìm thấy? - Grêgori hỏi.

- Không. Nhưng bây giờ thì chẳng cần phải tìm làm gì nữa.

Grêgori tuyệt vọng vẫy tay.

- Ôi, đó là những chuyện cổ tích, ông Alan ơi! Những câu chuyện cổ tích dành cho các bà già bại liệt ngồi bên lò sưởi.

- Ông hãy chép đi! - Alan nói một cách nghiêm trang. - Tôi sẽ giải những con số của tờ giấy ghi cũ kỹ này và đọc cho ông. Giờ đây, tôi đọc những con số này cũng dễ dàng như ông kê đơn thuốc mà thôi. Nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa có lúc nào rỗi rãi để biến tờ giấy ghi bằng số này ra chữ.

Kể cũng hay đấy! - Grêgori lầu bầu, cầm lấy bút, gạt mạnh những trang bản thảo của Alan sang một bên và sửa soạn viết.

- Ông hãy viết đi! “Ta, nhờ ơn Chúa thương, là Blếk mà thiên hạ đều nghe tiếng, trối lại cho ai là kẻ đọc được chúc thư của ta, kẻ không dùng nó làm điều ác cho mọi người mà dùng nó làm việc thiện, ta nhận lời thề của kẻ ấy rằng hắn sẽ tuân theo những điều trên đây trước ngai vàng của Chúa cao cả trên hết các Chúa. Trong trường hợp kẻ đó tìm thấy của cải ta dành dụm được trong các trận đánh trên biển cả - xin Chúa hãy tha tội cho ta vì những dòng máu vô tội đã chảy! - Thì hắn hãy lấy một phần trăm, phần còn lại thì đem cho đứa con gái nhỏ mà hắn gặp đầu tiên trong những vùng quê, với điều kiện là ngoài chiếc áo rách trên mình con bé không còn vật gì khác.

Nếu như mệnh lệnh của ta không được thi hành thì đến ngày Phán xét ta sẽ từ trong mồ trở dậy để thanh toán với tên lường gạt kia bằng những hình phạt ghê gớm nhất mà trí óc con người có thể nghĩ ra.

Kho của chôn ở phía Nam pháo đài Brunxuyk, trên đảo Jêkin, sau ngọn đồi thứ ba nếu đi từ mỏm phía Bắc của đảo, từ mũi Kim đến. Tìm đến giữa đồi, phải đếm một trăm mười bảy bước về phía Tây nam, đến chỗ có một tảng phenxpát màu đen nằm lăn lóc giữa những tảng đá ngổn ngang. Từ tảng đá đó đếm thêm ba mươi bước nữa theo góc hai trăm bốn mươi mốt độ và lúc đó hãy bắt đầu công việc.

Những báu vật đó có thể làm cho cả loài người lóa mắt. Đến cả đức vua muôn vàn tôn kính của ta cũng không có được một phần ba số của cải đó, mặc dầu trên đất đai của người mặt trời không bao giờ lặn và bất cứ trận bão nào chưa lọt tới trung tâm những đất đai ấy cũng đã phải tan!

- Ông chép xong chưa? - Alan hỏi sau khi đợi cho Grêgori viết nốt chữ cuối cùng.

- Ồ, câu chuyện hay đấy.

- Xin cảm ơn ông - Alan cầm lấy tờ giấy Grêgori vừa viết ở dưới tay y và cẩu thả đặt vào trong cuốn sách. - Giờ hẳn ông đã tin ở sức mạnh của trí tưởng tượng?

Grêgori chậm rãi đưa mắt nhìn Alan, nháy mắt nhìn cuốn sách, lấy đôi tay sưng đỏ vỗ vào đầu gối và cười phá lên.

- Ông tài đánh lừa người ta lắm - Ông ta thú thực một cách vô tư. - Thế tại sao cho đến nay ông vẫn chưa đào kho vàng đó lên, ông Alan? Hả? Không có thì giờ ư? Hay là ông giàu quá rồi nên chăng không cần đến nó?

Alan không trả lời.

- Thôi được? - Grêgori hòa giải - Đủ rồi. Ta hãy gạt những câu chuyện hão huyền của con nít ấy qua một bên. Tôi đang muốn biết chuyện khác. Ông thấy trong người thế nào?

- Mất ngủ - Alan trả lời - Cái đó cực hơn hết. Tôi muốn ghi lại tất cả những ý nghĩ qua suốt một đêm trong đầu tôi. Nhưng lúc đó những ý nghĩ ấy dừng lại.

- Và yếu nữa chứ? - Grêgori hỏi.

- Vâng. Và yếu.

- Thần kinh căng thẳng như dây đàn - Grêgori nhận xét - Mà nó thì lại chẳng bền hơn một sợi tơ nhện.

Ông ta suy nghĩ.

- Tôi biết làm gì với ông đây? Tôi nói thẳng cho ông biết: ông cần phải nằm viện.

- Lại bệnh viện! - Alan rầu rĩ kêu lên - Không! Không đời nào.

- Trời ơi! - Grêgori thở dài - Ông lúc nào cũng vẫn thế! Tôi có thể cho ông thuốc ngủ. Nhưng cái đó cũng chẳng cứu nổi ông.

- Chẳng có gì có thể cứu nổi tôi.

Grêgori nghiêm khắc nhìn Alan, lấy ở trong túi áo gilê ra mấy gói giấy, lục lọi rồi đưa một gói cho Alan:

- Ông uống ngay bây giờ đi. Như thế đến sáng ông sẽ ngủ. Uống với uýtxki cũng được. Thuốc sẽ mạnh thêm.

Alan trút bột thuốc trắng tơi tả vào trong ly uytxki và uống cạn một hơi.

- Đêm sắp qua - Grêgori nói - Tôi có thể ngồi với ông tới sáng để theo dõi bệnh trạng của ông. Nhưng ai sẽ đóng cửa cho tôi khi ông ngủ thiếp đi?

- Tôi có thể đóng cửa ngay bây giờ.

Ông lúc nào cũng lịch sự quá đi mất.

Grêgori đứng phắt dậy mạnh đến nỗi không khí vụt chuyển động làm tắt nến. Đêm lập tức tái nhợt đi và qua cửa sổ Alan nhìn thấy chân trời đại dương nổi bọt, nhìn thấy gốc cây đen bên cửa trong một ánh sáng giống như ánh phản chiếu của lửa trăng lạnh lẽo.

- Kìa ông? - Grêgori nói một cách độc ác - Ông có định đóng cửa hay không đây? Tôi khuyên ông hãy thắp nến lên.

Grêgori bước ra khỏi phòng ngoài và vấp phải chiếc ghế. Ông ta ra, cởi dây buộc ngựa vỗ 1832 vào cổ nó rồi nói lớn:

- Chúc ông ngủ ngon!

Alan không trả lời. Chàng ra đến phòng ngoài khi qua cánh cửa để ngỏ đã nghe tiếng chân ngựa xa dần. Ngựa phi nước đại.

- Tiếng vó ngựa ròn vang trong thung lũng - Alan ngâm nga, cố ý để âm sắc của những từ ăn nhịp với tiếng chân ngựa đập - Tiếng vó ngựa ròn vang trong thung lũng!

Chàng trở vào phòng, đốt nến, cầm lấy cuốn sách, nhắc lên trên mặt bàn và rũ. Rồi chàng giở hết cuốn sách từng tờ một. Tờ giấy Grêgori chép không còn nữa. Alan bật cười.

- Ta đã thắng. Cả đến cái đế giày khô khấc kia, ta cũng thắng. Mặc cho hắn đào tung cả đảo Jêkin lên. Ở đó nhiều cát đến nỗi đủ cho hắn đào một ngàn năm.

Alan cầm lấy tờ giấy có ghi số. Đó là một trang giấy xé ra từ một quyển vở học trò ở một quán trong hàng nào đó. Người ta đã dùng nó để gói cho Alan một miếng pho mát. Trên mảnh giấy vẫn còn lại những vết mỡ.

“Tội nghiệp thằng bé? Nó không sao giải được một phương trình có hai ẩn số. ”

Một tiếng đại bác ở xa bất thần lăn trên mặt đại dương. Ánh sáng đỏ thắm vụt lóe lên.

Alan tắt nến đi và nhìn vào bóng tối. Có chuyện gì xảy ra ở ngoài kia? Bình minh đến nhanh đã nhuộm màu đồng ảm đạm cho sóng và chàng trông rõ một con tàu bốn chục pháo. Con tàu căng hết buồm và nổ súng. Trên cột buồm, lá cờ đen có hình tay người màu trắng bay phần phật.

Blếk! Hắn đang đuổi ai vậy? Khói súng che khuất sóng. Phải tất nhiên đó là Blếk, người khách từ thế kỉ trước đến.

Nhưng tại sao hắn lại đi từ bờ biển đến nhà Alan, chân lún xuống cát, và gió làm cho gấu tay áo choàng thêu ren của hắn bay lất phất? Tên Blếk mũi to với bộ mặt bủng. Tên cường đạo và là kẻ ưa đùa đã nghĩ ra chuyện vẽ cánh tay người trên lá cờ.

“Ta sẽ dễ dàng nói chuyện với hắn” Alan nói và nhắm mắt lại, gục đầu xuống bàn.

Trời trở nên tối và ngột ngạt hẳn, nhưng trong bóng đêm Alan vẫn nhìn thấy bình nguyên nở đầy hoa tím. Từ những đóa hoa phát ra một âm thanh mảnh dẻ, tưởng chừng trong mỗi bông hoa có một sợi dây đàn nhỏ bé.

“Phải, đó là mộng - Alan nghĩ một cách khoan khoái - Liều thuốc độc mới ngọt làm sao? Ta muốn sống, nhưng ta không còn sức chống lại nó. Viêcginia, hoa Tam vị của em nở rồi kìa. Đưa tay đây cho anh! Thế! Sao tay em lạnh và anh không nhận ra tiếng em! Anh nhớ từng ngón tay em một, bởi vì có lúc nào đó trước kia anh đã lần lượt kể cho chúng nghe những chuyện cổ tích. Ta bị hút vào cái vực nào như vực Manxtrem kia nhỉ?

Hãy giúp anh! Mở mắt hộ anh, Viếcginia!”

*

* *

Buổi sáng, một cô gái gầy gò, nhút nhát đi về phía nhà Alan. Đó là Samen.

Gió đã lặng hẳn, nhưng trời âm u. Một màu xanh thấp thoáng trên đại dương.

Samen gõ cửa nhưng không ai trả lời. Nàng thấy cửa không cài then. Nàng rón rén bước vào nhà.

Một người đàn ông gầy gò, tầm thước ngồi ở bàn. Đầu người đàn ông gục trên cuốn sách khổ đôi để ngỏ.

- Ông Alan! - Samen gọi.

Người đàn ông không trả lời.

Samen tim đập mạnh, đến gần Alan và nâng đầu chàng lên. Chàng đã chết.

Samen phải vất vả mới đặt được chàng lên chiếc giường nhà binh.

Trên cổ Alan có một sợi dây chuyền mang một chiếc mêđayông nhỏ(1). Samen mở ra. Trong đó có chân dung một thiếu phụ trẻ tuyệt đẹp. Ở bên cạnh tấm ảnh có một dòng chữ tự tay Alan viết: “Mẹ tôi”.

Samen cúi xuống khẽ khàng lấy lòng bàn tay nâng đầu Alan lên, dịu dàng ôm chặt lấy và hôn vào môi chàng.

______________________________

1. Nguyên văn: médaillon: Thời trước người ta thường dùng một hộp tròn hoặc bầu dục nhỏ đựng kỉ vật, đeo nơi cổ.

Mặt Alan lúc ấy rất đẹp. Hình như không bao giờ chàng xứng đáng với một tình yêu lớn như bây giờ.

Alan được chôn cất trên một cồn cát gần đại dương.

Trên mộ chàng người ta đặt một tấm bia đá có khắc tên chàng và một hàng mộ chí ghi rằng chàng đã sống trên đời này cả thảy bốn mươi năm.

*

* *

Một năm sau khi Alan qua đời, trong một đêm giông bão lạnh lẽo, bác sĩ Grêgori cưỡi một con ngựa già phi tới mộ chàng. Ông ta xuống ngựa, nhìn quanh rồi đến bên mộ nhanh nhẹn rút trong áo mưa ra một chiếc búa tạ và vung hết sức, đập vào tấm bia. Tấm bia vỡ tan thành nhiều mảnh.

Nhát búa làm con ngựa sợ, nó nhảy lui lại và phi nước đại dọc theo bờ biển. Gregori lặng lẽ chạy theo, nhưng lại dừng bước để vứt chiếc búa xuống biển. Rồi cả người, cả ngựa biến mất.

Mùa xuân từ những kẽ nứt của tấm bia đá, những nụ hoa Tam vị vươn lên và chả bao lâu cả tấm bia đã bị ngập trong những vòng hoa nhẹ ấy.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87040


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận