Biên Thành Chương 2


Chương 2
Khi hai đứa con còn rất nhỏ, người làm cha đã hiểu đứa lớn giống mình về mọi mặt nên lặng lẽ yêu chiều đứa con thứ hai

Thành Trà Đồng dựa núi kề sông mà xây nên. Phía sát núi, tường thành như một con rắn dài bò theo núi; phía kề sông thì dành một khoảnh đất bên sông ở ngoài thành làm bến, trên bến đậu những thuyền mui nho nhỏ. Thuyền xuôi chở dầu đồng(5), muối, ngũ bội tử(6) nhiều màu; thuyền ngược thì chở bông, sợi bông, vải tấm, tạp hoá cùng đồ biển. Nối các bến có một con phố men theo sông, nhà cửa phần nhiều một nửa bám đất trên bờ, một nửa chìa ra sông vì đất có hạn. Những nhà ấy không nhà nào không có gác sàn, chân chống xuống sông. Về mùa xuân, nước sông lên to, khi nước tràn vào phố thì người trên phố dùng thang dài, một đầu dựa vào hiên nhà mình, một đầu dựa vào tường thành. Ai nấy la lối ồn ào mang khăn gói, chăn đệm, thạp gạo leo thang mà lên thành. Khi nước rút mới qua cổng thành mà về. Nếu nước lên mạnh thì gác có chân chống thế nào cũng có một vài nơi bị nước cuốn đi. Mọi người đứng trên đầu thành chỉ biết ngây ra nhìn, người có gác bị cuốn trôi cũng ngây ra nhìn, dường như không có gì để nói về tổn thất của mình, cũng chẳng khác gì nhìn những nỗi bất hạnh khác không thể cứu vãn do thiên nhiên sắp đặt. Lúc nước lên, đứng trên thành có thể nhìn thấy mặt sông đột nhiên rộng ra, nước chảy mênh mông bát ngát, nổi chìm cùng với nước lũ có cả nhà, trâu, dê và cây lớn. Thế là khi nước dịu đi một chút, trước chỗ neo thuyền thuế quan thường có người chèo thuyền tam bản, hễ thấy trâu bò, khúc gỗ, hoặc một chiếc thuyền không, hoặc trên thuyền có tiếng đàn bà và trẻ con kêu khóc thì vội chèo thuyền lui về phía hạ du đến đón người và vật, buộc chặt chão vào những thứ đó rồi chèo vào bờ. Những người dũng cảm này vừa hám lợi, vừa trượng nghĩa, tương tự như người địa phương vậy. Bất kể cứu người hay vớt vật, họ đều rất nhanh nhẹn và dũng cảm trong hành vi mạo hiểm vui vẻ đó, khiến ai trông thấy cũng phải reo hò khen ngợi.

Con sông đó chính là Dậu Thủy nổi tiếng trong lịch sử, tên mới gọi là Bạch Hà. Bạch Hà sau khi hợp lưu với sông Nguyên Thủy ở Thìn Châu thì hơi đục như nước suối chảy từ núi ra. Nếu ngược dòng đi lên thì chỗ sâu đến năm ba trượng, nước đều trong vắt nhìn thấy cả đáy. Chỗ sâu ban ngày được mặt trời soi xuống khiến nhìn thấy rõ những viên đá trắng nho nhỏ dưới đáy sông, cả đá mã não có hoa văn cũng vậy. Cá bơi lội dưới nước chẳng khác nào nổi giữa không khí. Hai bên bờ có nhiều núi cao, trong núi có nhiều nứa nhỏ có thể dùng làm giấy, lâu năm thành màu xanh biếc rất bắt mắt. Nhà gần sông phần nhiều đều trồng đào, trồng hạnh. Xuân sang, chỉ cần hơi chú ý thì nơi nào có hoa đào ắt có người ở, mà nơi nào có người ở ắt có rượu bán. Mùa hè thì bộ quần áo vải hoa tím phơi dưới nắng rất bắt mắt có thể làm cờ cho nơi có người ở. Còn khi mùa thu, đông sang, nhà cửa trên vách đá dựng đứng và ở bên bờ nước, không nơi nào không khiến người ta phải nhìn. Những bức tường bằng đất sét màu vàng, những viên ngói đen trũi đều ở những vị trí thoả đáng cho mãi tới mai sau, hơn nữa còn vô cùng hoà hợp với hoàn cảnh xung quanh, khiến cho ấn tượng để lại ngay trước mắt người ta là vô cùng khoan khoái. Nếu lữ khách nào hơi có chút hứng thú với thơ và tranh thì hãy nằm co trong chiếc thuyền nhỏ trên dòng sông này, làm một chuyến du hành trong một tháng, ắt không đến nỗi cảm thấy nhàm chán. Đó là vì nơi nào cũng có dấu tích kỳ lạ, nơi thì là sự bạo gan, nơi thì là sự tinh xảo của thiên nhiên, không nơi nào không khiến cho người ta say đắm.

Ngọn nguồn sông Bạch Hà từ biên cảnh Tứ Xuyên chảy xuống, vì thế thuyền nào ngược sông Bạch Hà thì khi nước mùa xuân tràn về có thể đến thẳng Tú Sơn ở Tứ Xuyên. Nhưng phần thuộc về biên giới tỉnh Hồ Nam thì Trà Đồng là bến cuối cùng. Mặt sông của dòng sông này khi tới Trà Đồng tuy rộng chừng nửa dặm, nhưng sang thu, đông khi nước rút, chỗ sông có nước chảy chưa rộng tới hai chục trượng. Còn ngoài ra là những bãi đá xanh, thuyền sau khi tới đây không có cách gì ngược lên nữa, bởi vậy hàng hoá xuất khẩu ở miền đông Tứ Xuyên đều đến đây thì lên bờ. Hàng hoá xuất khẩu đều do phu khuân vác gánh, khiêng bằng đòn gánh gỗ sam đặt trên vai; hàng hoá nhập khẩu cũng không thứ hàng nào không buộc thành bó, thành gánh, dùng sức người chuyển đi.

Đóng trong thành nơi này chỉ có lính thú phiên chế lại từ số đinh lục doanh(7) ngày trước và khoảng năm trăm nhà dân (trong số dân này, ngoài một số nhà tư bản nhỏ có ít ruộng nương và xưởng ép dầu hoặc cho vay rồi lấy dầu, lấy gạo, lấy sợi bông ra, số còn lại hầu hết đều là gia đình người có quân tịch đến đây đồn thú năm xưa). Nơi này còn có Cục thuế quan, cơ quan làm việc đóng trong một ngôi miếu nhỏ dưới phố bên ngoài thành, còn Cục trưởng thì ở trong thành. Một doanh quân lính đóng ở nha môn của vị Tham tướng già, ngoài lính kèn hàng ngày lên thành thổi kèn chơi, khiến người ta biết ở đây có quân lính đóng ra, số quân lính khác hầu như không tồn tại. Mùa đông ban ngày mà vào thành, chỉ thấy trước cửa nhà nào cũng phơi quần áo và rau cải. Khoai lang phần nhiều còn để cả dây treo dưới mái hiên. Những chiếc túi may bằng vỏ cây đựng đầy hạt dẻ và hạt trăn(8) cũng phần nhiều treo dưới mái hiên. Chỗ nào cũng có gà lớn, gà bé ríu rít chạy chơi. Thỉnh thoảng có người đàn ông bửa gỗ, bổ củi ngay trước cửa nhà mình, rồi xếp củi đã bổ xong thành đống hình tháp trên chỗ đất bằng phẳng rộng rãi. Thỉnh thoảng còn có thể thấy vài người đàn bà mặc quần áo vải chàm, giặt rồi hồ rất cứng, trước ngực đeo tạp dề màu trắng, khom lưng dưới nắng, vừa chuyện trò vừa làm việc. Tất cả cứ mãi mãi yên tĩnh như thế, người dân nào hàng ngày cũng sống trong cảnh tĩnh mịch như thế. Một chút yên tĩnh làm tăng thêm sức suy nghĩ của người ta về sự đời, tăng thêm những giấc mộng. Sinh tồn trong toà thành nhỏ này, mỗi người tự nhiên nhất định đều có cuộc sống của riêng mình, có niềm chờ mong tất nhiên về yêu ghét đối với sự đời. Nhưng người ta nghĩ gì? Ai mà biết được.

ở chỗ tương đối cao trong thành, nếu đứng trước cửa là có thể ngắm sông và cảnh sắc trên sông. Khi có thuyền cập bến, đứng xa cũng có thể nhìn thấy vô số phu kéo thuyền trên bãi sông. Trong số phu kéo thuyền, có người từ miền hạ du mang theo bánh điểm tâm(9) và đường kính, khi thuyền đến bến thì đem vào thành bán lấy tiền. Lúc thuyền về, trí tưởng tượng của bọn trẻ con đương nhiên để ở những người kéo thuyền. Còn người lớn thì ấp một ổ gà con, nuôi hai con lợn, nhờ phu thuyền khi về xuôi đánh giúp cho đôi hoa tai vàng, mua giúp hai chục thước vải đen, một vò xì dầu ngon hoặc chụp đèn kép loại đẹp mang về. Tất cả những thứ đó choán một phần lớn nỗi lòng của các bà nội trợ.

Toà thành nhỏ này tuy lặng lẽ bình yên, nhưng nơi này là đầu mối giao dịch thương nghiệp của miền đông Tứ Xuyên nên phố bờ sông nho nhỏ ở ngoài thành có khác chút ít. Đã có nhà trọ cho khách buôn nghỉ lại, có hiệu cắt tóc cố định. Ngoài ra, cửa hàng cơm, hiệu bán tạp hoá, hàng dầu, hàng muối, hàng quần áo hoa, hàng nào cũng có địa vị riêng, trang điểm cho phố bờ sông này. Còn có hiệu bán ròng rọc làm bằng gỗ đàn, chão bện bằng tre và nồi đất dùng trên thuyền, người giới thiệu nghề thuỷ thủ(10), kiếm cơm ở bến thuyền. Trước cửa tiệm ăn thường có cá chép, đậu phụ rán vàng rộm, được điểm tô bằng ớt đỏ thái chỉ được đặt trong bát tô nông, trong ống tre vầu để bên bát cắm một nắm to đũa đỏ. Bất kể ai muốn tiêu một ít tiền thì người ấy cứ việc ngồi bên chiếc bàn dài đặt cạnh cửa, rút một đôi đũa cầm trong tay, phía bên kia sẽ có một người đàn bà tỉa lông mày nhỏ mướt, mặt thoa phấn trắng bước đến hỏi:

- Uống rượu ngọt hay rượu cay?

Nếu “lửa” nồng một chút, thích bông lơn, thích trêu bà chủ thì khách đàn ông ấy ắt giả vờ làm mặt giận, gắt:

- Uống rượu ngọt? Có phải trẻ con đâu mà còn hỏi người ta có uống rượu ngọt không?

Thế là rượu trắng cay nồng được múc từ chum ra qua cái lọc bằng gỗ, đổ vào bát sành, lập tức được đưa đến bàn ở bên cạnh.

Hiệu tạp hóa bán dầu mỹ phu(11) và đèn ngoại đốt bằng dầu mỹ phu cùng hương, nến, giấy. Hàng dầu thì trữ dầu đồng, hiệu muối thì chồng chất muối xanh lấy từ giếng lửa. Hiệu quần áo hoa thì bán sợi bông trắng, vải vóc, bông, lụa đen làm khăn chít trên đầu. Còn hàng bán vật dụng trên thuyền thì bày ngổn ngang, không thứ gì không có, thỉnh thoảng còn có mỏ neo bằng sắt nặng tới hơn trăm cân để ở cạnh đường ngoài cửa, đợi khách đến hỏi giá. Người giới thiệu nghề thủy thủ kiếm cơm ở bến thuyền thì ở trong nhà trên phố bờ sông, suốt ngày cửa rộng mở, thường có chủ thuyền mặc áo ngắn bằng đoạn màu xanh và thủy thủ nôn nóng ra ra vào vào. Nơi ấy giống quán trà nhưng không bán trà, không phải hàng thuốc lá nhưng lại có thể hút thuốc. Những ai đến đây tuy đều bàn về chuyện buôn bán trên thuyền nhưng thuyền ngược hay xuôi, người chèo và kéo thuyền phần lớn đều có quy củ nhất định, không cần phải bàn đến các con số. Họ đến đây hầu hết đều để “liên hoan”. Lấy “quản sự đầu rồng”(12) làm trung tâm, họ trao đổi một chút về thời sự của địa phương, tình hình buôn bán giữa hai tỉnh cùng những “chuyện mới” ở hạ du. Người mời họp khi cần tập trung các khoản tiền phần nhiều đều ở đây; khi cần gieo xúc sắc xem số điểm nhiều hay ít để luân lưu làm chủ hội cũng thường tiến hành ở đây. Thực sự trở thành mối buôn bán của họ chỉ có hai việc: mua bán thuyền và mua bán nàng dâu.

Theo đà buôn bán phát đạt mà đô thị lớn nảy sinh ra một số người ăn bám. Vì nhu cầu của lái buôn, nhu cầu của thủy thủ, phố ven sông của toà thành nho nhỏ ở biên khu này cũng có những người như thế tụ tập ở những nhà có gác sàn. Những người đàn bà này nếu không phải từ miền quê lân cận đến đây thì cũng là theo quân Tứ Xuyên tới Hồ Nam rồi lưu lạc. Họ mặc áo lụa làm giả lụa ngoại, quần bằng vải in hoa, lông mày nhổ nhỏ mướt như sợi chỉ, búi tóc thật to, xức loại dầu có mùi thơm gắt. Ban ngày họ chẳng có việc gì làm, đều ngồi ở cửa khâu giày, trên mũi giày thêu đôi phượng bằng chỉ tơ xanh đỏ; hoặc họ ngồi bên cửa sổ ngoảnh ra sông xem thủy thủ khuân hàng lên thuyền, nghe thủy thủ trèo lên cột buồm mà hát. Đến tối, họ thay nhau tiếp lái buôn và thủy thủ, hoàn thành nghĩa vụ của một gái điếm cần phải làm.

Do phong tục biên khu thuần phác, cho dù là làm tiền thì những phụ nữ ấy bao giờ cũng đôn hậu. Gặp người không quen, khi giao dịch thì người kia phải trả tiền trước, sau đó mới đóng cửa lại mà hú hí. Còn khi đã quen nhau, có tiền thì trả mà không cũng được. Gái làm tiền chủ yếu sống nhờ vào lái buôn Tứ Xuyên, nhưng họ phần nhiều kết ân tình với thủy thủ. Khi tình cảm đã thân mật thì họ cùng cắn môi nhau, cắn cổ nhau mà thề bồi, ước hẹn “sau khi chia tay, không ai được làm rầy rà nhau”. Bốn mươi ngày hoặc năm mươi ngày, người trôi nổi trên thuyền và người ngồi xổm trên bờ đều ngơ ngẩn sống cho qua quãng ngày đó và đều buộc chặt lòng mình với người nơi xa. Nhất là những người phụ nữ, họ si tình đến mức không hình dung nổi. Đã quá thời gian hẹn hò mà người đàn ông không trở lại thì khi nằm mơ, họ thường mơ thấy thuyền về bến, người ấy khật khưỡng từ thuyền nhảy qua tấm ván làm cầu mà lên bờ rồi chạy thẳng đến bên họ. Hoặc ban ngày ai có lòng ngờ thì ban đêm mơ thấy người đàn ông leo lên cột buồm ngoảnh về phía khác mà hát, không thèm để ý đến mình. Người nào tính yếu mềm một chút thì mơ thấy mình nhảy xuống sông hoặc nuốt thuốc phiện tự tử; người nào cứng cỏi thì mơ thấy mình tay cầm dao phay, xông thẳng tới người thủy thủ đó.

Cuộc sống của họ tuy xa cách với xã hội nói chung, nhưng trong sự được mất về tình yêu, nước mắt và niềm vui nhào trộn với cuộc sống của họ cũng trở nên tương tự như nơi khác và với người nơi khác; cả thân thể lẫn tâm hồn họ đều bị niềm yêu, nỗi ghét xâm chiếm, thấy lạnh nhạt vẫn cho là nồng ấm, quên hết mọi điều. Nếu có chỗ không giống ít nhiều thì chẳng qua là những người đàn bà ấy chân thành hơn, chân thành đến mức gần với hồ đồ. Ngắn hạn thì bao, dài lâu thì lấy, đóng cửa với người khác trong một thời gian. Sự giao dịch trên thân thể đàn bà ấy do phong tục nơi đây đơn giản nên người làm việc ấy không hề cảm thấy ti tiện, nhục nhã mà người đứng ngoài cuộc cũng không chỉ trích, khinh miệt họ theo quan niệm của người có học. Họ vừa trọng nghĩa khinh lợi, lại vừa biết tự kiềm chế trong chữ tín nên dù là gái làm tiền thì thường thường họ còn đáng tin hơn người thành phố biết liêm sỉ.

Ông quản bến tên Thuận Thuận là một nhân vật đã từng sống trong doanh ngũ thời nhà Thanh, hồi cách mạng làm tiểu đội trưởng thuộc đoàn 49 nổi tiếng của lục quân. Cùng làm tiểu đội trưởng như ông, có người nhờ cách mạng trở thành danh nhân, vĩ nhân, có người bị chém đầu, băm thây; còn ông, nhờ bệnh thống phong mắc từ hồi niên thiếu nên được về quê, đem chút tiền tích lũy được mua một con thuyền gỗ trắng có sáu mái chèo rồi cho một chủ thuyền nghèo thuê, chở hàng cho người ta đi về giữa Trà Đồng và Thìn Châu. Gặp vận may nên trong nửa năm thuyền không hư hỏng, ông liền dùng số tiền kiếm được cưới một bà goá trẻ, mặt trắng tóc đen, lại có chút vốn liếng. Mấy năm sau, trên dòng sông này, ông đã có tám chiếc thuyền, một vợ và hai người con trai.

Nhưng con người thoải mái, phóng túng đó, tuy sự nghiệp rất lên tay, nhưng vì thích kết giao bạn bè, tính khảng khái lại biết cứu giúp người khi nguy cấp nên không thể phát tài lớn như lái buôn dầu. Bản thân ông đã từng sống trong quân doanh nên hiểu nỗi đắng cay của người ra khỏi nhà, hiểu được tâm tình của người không được như ý muốn, nên những nhà thuyền nào vì thuyền gặp sự cố mà phá sản, binh lính giải ngũ nào đi qua, hoặc văn nhân du học, hễ ai đến nơi này nghe tiếng và muốn xin giúp đỡ thì không ai là ông không hết sức trợ giúp. Một mặt ông kiếm được tiền trên sông nước, mặt khác ông lại hào phóng tiêu đi. Tuy chân ông hơi có tật nhưng vẫn bơi được, chỉ đi bộ là không được bằng bạn, còn tư cách thì ông lại rất công bằng vô tư. Việc trên sông nước vốn dĩ cực kỳ đơn giản, tất cả đều do một tập quán chi phối. Thuyền ai bị va chạm, thuyền ai làm tổn hại cho một người khác hoặc một thuyền khác thì đều chiếu lệ giải quyết theo cách thức quen dùng. Chỉ có điều khi vận dụng quy củ quen thuộc để thu xếp mọi việc, cần phải có nhân vật trung tâm có tuổi và có đức lớn. Mùa thu một năm, người như thế đã từ trần, Thuận Thuận liền làm người thay thế cho người đó. Năm ấy ông mới chỉ năm mươi tuổi nhưng hiểu rõ sự việc và lý lẽ, tư cách vừa chính trực, công bằng và ôn hoà lại không hám tiền tài nên không ai còn nghi ngại về tuổi của ông.

Đến nay, con trai ông đứa lớn đã mười sáu, đứa bé đã mười bốn. Hai cậu thiếu niên này đều rắn chắc như nghé đực, biết lái thuyền, biết bơi lội, biết đi đường xa. Những việc nào mà người trẻ tuổi xuất thân từ thị trấn khác làm được thì hai anh em đều làm được, đã làm thì không việc nào không đến nơi đến chốn. Cậu lớn tuổi hơn thì hào phóng, thoải mái như cha, không bao giờ để ý đến thói thường và việc nhỏ; cậu nhỏ tuổi hơn thì khí chất gần với người mẹ mặt trắng, tóc đen của mình, không ưa nói nhiều, mặt mày thanh tú khác người, vừa nhìn đã biết là thông minh và giàu tình cảm.

Hai anh em đã lớn ắt mỗi người phải có một cuộc sống để rèn luyện nhân cách cho mình. Người cha bèn luân phiên cắt cử hai con đi các nơi xa. Khi thuyền về xuôi, phần nhiều các cậu theo thuyền và làm người giúp việc ngay trên thuyền, chia sẻ ngọt bùi hay cay đắng với người khác. Khi chèo thuyền thì chọn mái chèo nặng nhất, khi kéo thuyền thì kéo dây đầu hoặc dây thứ hai, thức ăn là cá khô, ớt và dưa khú, ngủ thì nằm ngay trên sàn thuyền cứng đơ. Nếu thuyền ngược thì các cậu đi đường bộ, theo lái buôn Xuyên Đông, qua Tú Sơn, Long Đàm, Dậu Dương mà buôn bán. Bất kể nóng, rét hay mưa, tuyết, các cậu đều đi giày cỏ, theo trạm mà đi. Họ còn mang theo dao ngắn, gặp khi bất đắc dĩ phải ra tay thì rút phắt dao ra, đứng nơi quang đãng, đợi kẻ đối diện tiến đến, tiếp đó giải quyết với kẻ ấy bằng đánh dao ngắn. Thói quen được ưa chuộng của bang là “đối với kẻ thù phải dùng dao, mà kết giao bè bạn cũng phải dùng dao.” Bởi vậy khi cần dùng dao thì hai anh em cũng không để dao phải mất đi cơ hội đó. Học buôn bán, học ứng xử, học cách sống tại nơi ở mới, còn học cả cách dùng dao để bảo vệ thân thể và danh dự. Mục đích giáo dục dường như đã giúp hai đứa trẻ học được dũng khí và nghĩa khí làm người. Một phần kết quả của giáo dục khiến hai anh em rắn chắc như hổ nhưng lại ôn hoà dễ gần, không kiêu ngạo, không xốc nổi, phù phiếm. Cho nên ở biên cảnh Trà Đồng, khi nhắc đến ba cha con thì ai ai cũng tôn kính tên họ ấy.

Khi hai đứa con còn rất nhỏ, người làm cha đã hiểu đứa lớn giống mình về mọi mặt nên lặng lẽ yêu chiều đứa con thứ hai. Do niềm riêng tư không tự giác đó, ông đặt tên cho đứa lớn là Thiên Bảo, đứa nhỏ là Na Tống. Trời phù hộ thì về mặt người với người có khi không tránh khỏi trục trặc, còn do thần Na(13) đưa đến thì theo phong tục nơi đây, không ai có thể coi thường được. Na Tống rất đẹp trai, nhà thuyền ở Trà Đồng vụng về trong việc khen người đẹp trai, chỉ biết đặt tên hiệu cho cậu thứ là Nhạc Vân(14). Tuy chưa người nào chính mắt nhìn thấy Nhạc Vân nhưng ấn tượng nói chung là có dáng dấp gần gũi với vai kép trẻ đóng Nhạc Vân trên sân khấu.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26188


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận