Biên Thành Chương 3


Chương 3
Ngày Tết Đoan ngọ, đàn bà con trẻ nơi đây đều mặc áo mới, trên góc trán dùng rượu ngâm hùng hoàng viết một chữ Vương.

Nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh thì trong hơn mười năm qua, người chủ trì việc quân ở địa phương luôn chú trọng đến an ninh, xử trí rất thoả đáng nên không có biến cố nào phát sinh. Việc buôn bán đường thuỷ và bộ vừa không đến nỗi bị đình đốn vì chiến tranh, vừa không bị ảnh hưởng vì thổ phỉ, mọi việc không việc nào là mất trật tự; dân chúng cũng không ai không an phận, vui thú làm ăn. Ngoài việc nhà có trâu bò chết, thuyền bị lật, hoặc xảy ra biến cố lớn chết chóc nào đó, hoặc cảm thấy đau khổ, vấp ngã vì nỗi bất hạnh nào đó ra, dường như dân chúng biên khu này không bao giờ biết tình hình những địa phương khác của Trung Quốc đang phải chống chọi trong nỗi không may như thế nào.

Ngày náo nhiệt, vui vẻ nhất trong năm ở biên khu này là tết Đoan ngọ, tết Trung thu và Tết cuối năm. Trước đây hàng chục năm, ba ngày tết này đã làm dân địa phương phấn khởi như thế nào thì đến nay vẫn không có gì thay đổi, vẫn là những ngày có ý nghĩa nhất của dân nơi đây.

Ngày Tết Đoan ngọ, đàn bà con trẻ nơi đây đều mặc áo mới, trên góc trán dùng rượu ngâm hùng hoàng(15) viết một chữ Vương. Bất kỳ người nào đến ngày này cũng được ăn cá, ăn thịt. Khoảng mười một giờ sáng, toàn thể dân Trà Đồng đều đã  ăn cơm trưa; ăn xong, mọi nhà trong thành đều khoá trái cửa, cả nhà ra khỏi thành tới bờ sông xem chèo thuyền. Ai có người quen ở cửa phố bờ sông, có thể đứng bên cửa gác sàn mà xem, nếu không thì đứng ở cửa Cục thuế quan hoặc ra bến đò mà xem. Thuyền rồng trên sông lấy một chỗ nào đó làm điểm xuất phát, trước Cục thuế quan là đích, bởi vì ngày này các sĩ quan, nhân viên thu thuế và những người có địa vị ở địa phương đều đứng xem ở trước Cục thuế quan.

Trước đó mấy ngày, mọi người đã chuẩn bị cho cuộc đua thuyền. Chia tổ, chia bang xong, nhóm nào nhóm nấy tự chọn ra những trai tráng lanh lợi và chắc khoẻ nhất, tập tiến thoái ở chỗ nước sâu. Hình thức của thuyền cũng khác với thuyền gỗ thường ngày, hình thể nhất loạt phải dài và hẹp, hai đầu ngỏng cao, thân thuyền vẽ những đường chỉ dài màu hồng và đỏ thắm. Thường ngày, những thuyền này được gác trong hang khô ráo bên sông, khi dùng đến mới kéo xuống nước. Mỗi thuyền có thể ngồi từ mười hai đến mười tám tay chèo, một người dẫn đầu, một tay trống và một người đánh thanh la. Mỗi người chèo cầm trong tay một mái chèo ngắn, theo nhịp trống nhanh hay chậm mà chèo thuyền về phía trước. Người dẫn đầu ngồi ở mũi thuyền, đầu bịt một vuông khăn đỏ, tay cầm hai ngọn cờ lệnh nhỏ vẫy sang trái hoặc phải, chỉ huy thuyền tiến hoặc lùi. Tay trống và tay thanh la phần nhiều ngồi ở giữa thuyền, thuyền vừa khởi động bèn tùng tùng cheng cheng gõ trống và đánh thanh la theo nhịp đơn thuần để điều tiết nhịp chèo của các tay chèo. Thuyền chèo nhanh hay chậm không thể không dựa vào nhịp trống, cho nên khi hai thuyền đua nhau găng nhất thì trống đánh dồn như tiếng sấm, lại thêm người xem đứng hai bên bờ hò reo trợ oai, khiến ai nấy đều nghĩ tới tiếng trống trong trận thuỷ chiến trên sông Lão Hạc của Lương Hồng Ngọc(16). Hồi Ngưu Cao(17) bắt sống Dương Ma trên sông cũng trong trận thủy chiến có trống đánh cầm trịch. Thuyền nào về trước một chút đều được lĩnh thưởng ở trước Cục thuế quan; một tấm lụa đỏ, một tấm ngân bài, bất kể treo hoặc chít trên đầu một người nào đó trên thuyền đều nói lên vinh dự nhờ cả thuyền biết hợp tác. Mỗi khi có thuyền về trước đều có một anh lính rách việc nào đó đứng bên bờ nước đốt một tràng pháo Ngũ bách hưởng để mừng thắng lợi.

Đua thuyền xong, ngài Trưởng doanh lính thú trong thành muốn vui cùng dân chúng, tăng thêm niềm phấn khởi trong ngày Tết bèn cho thả xuống sông loài vịt đực lớn con, cổ dài, lông đầu xanh mướt, cổ buộc dải lụa đỏ, quân dân người nào bơi giỏi thì xuống sông đuổi vịt. Bất kể ai bắt được vịt thì vịt là của người ấy. Thế là một trò vui mới được thay đổi trên sông, trên mặt sông đâu đâu cũng là vịt, đâu đâu cũng có người bơi đuổi theo vịt.

Cuộc đua tranh giữa thuyền và thuyền, giữa người và vịt kéo dài đến tối mới kết thúc. Ông quản bến - Long đầu đại ca Thuận Thuận, hồi trẻ là tay bơi lội cực giỏi, đã xuống sông đuổi vịt thì dù có thế nào cũng không chịu trở về tay không. Nhưng khi con trai thứ của ông là Na Tống ngoài mười hai tuổi đã biết xuống sông, lặn một hơi đến bên con vịt rồi bỗng chồm người từ dưới nước nhô lên tóm ngay lấy vịt thì người làm cha bèn nói như chữa thẹn.

- Hay lắm, việc này đã có các con làm, cha bất tất phải xuống sông nữa!

Rồi quả nhiên ông không xuống sông tranh bắt vịt với người khác nữa. Còn xuống nước cứu người lại là chuyện khác nữa. Hễ giúp người tránh xa được hoạn nạn thì dù có phải nhảy vào lửa, vẫn là trách nhiệm không thể trốn tránh của con người ấy, cho dù đến tuổi tám mươi.

Hai anh em Thiên Bảo, Na Tống đều là người giỏi bơi lội và chèo thuyền ở địa phương này.

* * *

Tết Đoan ngọ lại sắp tới rồi. Mồng năm đua thuyền thì ngày mồng một, phố bờ sông có cuộc họp, quyết định con thuyền nào của phố xuống nước ngay hôm ấy. Vừa hay hôm ấy Thiên Bảo có việc, theo lái buôn đi đường bộ đưa hàng tết tới Xuyên Đông, Long Đàm nên chỉ có mình Na Tống tham gia. Mười sáu chàng trai chắc khoẻ như trâu tơ mang theo hương, đèn, pháo cùng một cái trống có chân cao bịt bằng da trâu vẽ hình thái cực đỏ chót tới nơi cất thuyền là hang núi phía thượng du. Sau khi thắp hương, đèn rồi kéo thuyền xuống nước, mọi người lên thuyền đốt pháo, đánh trống, con thuyền như một mũi tên, bắn vọt về phía hạ du. Lúc này mới là buổi sáng, buổi chiều thuyền rồng của dân đánh cá bên kia sông cũng xuống nước, hai chiếc thuyền rồng liền bắt đầu tập những cách đua. Lần đầu tiên nghe trống đánh trên sông, nhiều người đã cảm nhận được niềm vui của ngày tết đang đến gần qua tiếng trống đó. Những ai ở trên gác sàn ven sông có nhiều mong đợi thì khi thấy tiếng trống đều nghĩ đến người ở xa. Vào ngày tết này, tất nhiên có nhiều thuyền có thể về kịp, cũng có rất nhiều thuyền đành ăn tết ở nửa đường. Giữa về và không về có biết bao nhiêu niềm vui buồn mà mắt khó thấy được, bởi vậy trên phố bờ sông ở toà thành biên khu này có người cười vui và cũng có người mặt ủ mày chau.

Khi tiếng trống tùng tùng vượt nước, vượt non vang đến bến đò thì chú ý trước tiên là con chó vàng. Con chó sủa gâu gâu, chạy quanh nhà như sợ hãi. Có người sang đò lúc này, nó liền theo đò sang ngay bờ bên kia rồi chạy lên đầu ngọn núi nhỏ, hướng vào thành mà sủa tiếp.

Thuý Thuý đang ngồi trên phiến đá lớn ngoài cửa, lấy lá cọ tết cào cào và rết để chơi. Em thấy con chó vàng đang nằm ngủ dưới nắng bỗng chồm dậy chạy như điên, sang suối rồi lại trở về, bèn hỏi:

- Vàng, Vàng, mày làm gì thế? Tao cấm đấy!

Nhưng một lát sau em đã nhận ra có tiếng trống. Thế là em cũng chạy quanh nhà, rồi cùng chó sang bờ sông bên kia, đứng trên đầu núi nghe một lúc lâu. Tiếng trống náo nức lòng người đã đưa cô bé trở về với ngày tết Đoan ngọ trước đây.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26189


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận