Tôi đi Kalinice công tác. Tôi tới đó với nhiệm vụ phải mang về một bài báo hay về đề tài đời sống chị em phụ nữ sau khi đóng cửa nhà máy sợi bông tại Kalinice. Bài báo phải tràn đầy lạc quan, ông tổng yêu cầu như vậy. Hoàn cảnh mới ảnh hưởng tới chị em ở đó thế nào, họ ngẩng cao đầu, phát huy sáng kiến ra sao. Họ nắm vận mệnh trong đôi tay tự chủ của mình như thế nào.
“Cô Judyta, chắc chắn cô sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ này.” Tôi đang ngờ rằng ông tổng bị khủng hoảng tinh thần. “Được hiểu thêm về những vấn đề đó là yêu cầu cấp thiết của xã hội.” Ông tổng nói tiếp, khi nhìn thấy nét mặt khó dò của tôi. “Ở dưới đó người ta đã hẹn sẵn người này cho cô.” Ông ta đưa cho tôi tờ giấy ghi địa chỉ và họ tên. “Chị cứ tả thực tất cả mọi chuyện cho tôi.”
Cách đây ba năm, xe lửa đi Kalinice là hai chuyến một ngày bởi đây cũng là một thành phố khá lớn. Giờ sau khi nhà máy sợi bông đóng cửa, chỉ còn một chuyến mỗi ngày. Tôi đến nơi lúc chiều, ba tiếng trước cuộc hẹn với bà Tablowska. Tôi đi lang thang quanh trung tâm thành phố. Giá cả ở đây đắt bất ngờ, chỉ đứng sau thủ đô. Thời gian trôi chậm chạp một cách nghiệt ngã. Khi đi ngang qua một tiệm cắt tóc, có gì đó thôi thúc tôi bước vào.
Tay thợ cắt tóc, một gã đàn ông chẳng trẻ trung gì, sử dụng kéo rất thành thạo. Thoạt tiên gã hỏi tôi gần đây nhất ai làm đầu cho tôi. Sau đó gã thổ lộ với tôi về cuộc sống của mình sau khi ly dị. Cuối cùng gã hỏi bây giờ tôi làm gì.
“Tôi làm nghề viết lách.” Tôi trả lời.
“Tốt thôi, sức tới đâu thì làm tới đó!” Gã thở dài, nói đầy vẻ triết lý. Đoạn hắn nhìn hình mình trong gương. “Nghề nghiệp là quan trọng. Cực kỳ quan trọng.”
Tôi tỏ ra quan tâm và hoàn toàn thấu hiểu, gã thợ cắt tóc nói luôn:
“Nghề nghiệp rất quan trọng trong quan hệ vợ chồng.”
“Theo tôi, trong quan hệ vợ chồng, quan trọng nhất là tình yêu.” Tôi nhắc đi nhắc lại, nhưng ý của gã thợ cắt tóc không phải vậy.
“Không hẳn đâu!” Gã phẩy tay. “Phải biết là mình lấy ai làm vợ.”
Tôi có cảm giác, câu này chẳng khác gì câu “phải biết mình lấy ai làm chồng”, thế là tôi vui vẻ gật đầu tán thưởng.
“Chị đừng động đậy. Chắc lần trước chị động đậy...” Gã thợ cắt tóc giữ chặt đầu tôi lại. “… nên hậu quả mới như thế này.”
Tôi bèn ngồi im không nhúc nhích.
“Ý tôi muốn nói, người có nghề nghiệp tử tế, chị biết không, là người tốt.”
Chuyện này tôi biết từ lâu rồi.
“Ví dụ như, làm một gã tài xế thì có sung sướng gì đâu.”
“Chẳng sung sướng gì thật.” Tôi tán thành, không gật đầu.
Sở dĩ tôi biết làm tài xế chẳng sung sướng gì là nhờ đọc báo và xem ti vi, nhưng tôi quyết định cứ tỏ ra đồng tình thì hơn.
“Nhất là khi anh ta đã có vợ.”
Tôi không thấy có mối liên hệ đặc biệt nào giữa nghề tài xế taxi với chuyện có vợ, nhưng tôi cứ tán thành cho chắc ăn.
Chiếc kéo không động đậy.
“Nhưng chị có biết chuyện đó không?”
“Tôi phải biết chuyện gì cơ?”
“Sao lại hỏi thế?” Gã ngạc nhiên. “Chị không phải người ở đây chắc?”
“Không.”
“Ồ… thế thì chị chẳng biết gì rồi.”
Gã làm tôi nổi máu tò mò đến nỗi, tôi bắt đầu hỏi rất cặn kẽ về mối hiểm nguy kèm với nghề lái xe taxi. Gã bèn kể cho tôi câu chuyện đầy tính giáo dục sau đây.
Người em rể của gã là một tài xế taxi. Anh ta sở hữu một chiếc Seat mới toanh màu lá cây và làm việc cho nghiệp đoàn X. Một tối nọ ông em rể gọi điện về cho vợ và báo rằng anh ta đang chở chuyến khách cuối cùng trong ngày, khoảng mười một giờ đêm là về đến nhà. Nhưng sau đó anh chồng biến mắt tăm. Lúc mười hai giờ đêm vợ của người lái xe mất tích gọi điện cho mấy cô điều phối viên ở nghiệp đoàn X, báo rằng không thấy chồng về nhà. Điều phối viên ngay lập tức gọi cho tất cả lái xe taxi của nghiệp đoàn còn đang hoạt động trong khu vực và thông báo rằng chiếc Seat cùng tài xế đã bị mất tích. Đêm về khuya, đường vắng tanh, các tài xế taxi bèn tập trung theo dõi những chiếc Seat màu xanh lá cây vốn không mấy phổ biến ở thành phố Kalinice này. Lúc một giờ rưỡi sáng, các bạn đồng nghiệp của anh chàng phát hiện thấy chiếc Seat màu xanh lá đang đỗ trước một quán trọ ở rìa thành phố. Họ bèn cùng nhau đột nhập vào quán trọ, để rồi bắt gặp ở đó anh bạn đồng nghiệp cùng cô gái mà anh chàng vừa mới quen. Nhưng dường như cô gái này chẳng hề có âm mưu bắt cóc anh tài xế. Ngay sau đó, người vợ, tức em gái của gã đang cắt tóc cho tôi, hộc tốc đến quán trọ. Cô ta nhận chồng cùng chiếc xe ô tô đem về nhà.
“Chị thấy sao?”
“Không đến nỗi tồi!” Tôi nói khi nhìn mái tóc của mình.
“Tôi không nói về đầu tóc.” Gã thợ cắt tóc bực mình. “Tôi nói về em gái tôi cơ. Chị tưởng tượng mà xem, con bé còn bắt chồng nó phải cúi đầu nhận lỗi!”
Tôi lặng im, vì tôi nghĩ bụng, bắt anh ta xin lỗi trong trường hợp này là hoàn toàn đúng.
“Nếu hắn mà làm nghề khác thì chẳng bao giờ bị bắt quả tang bẽ bàng đến vậy. Chẳng hạn như làm bác sĩ hay nghề nào đó khá hơn. Đằng này, đã làm chồng mình bị bẽ mặt trước bạn bè, con bé lại còn bắt hắn ta phải xin lỗi. Thà làm thợ cắt tóc như tôi còn hơn.”
Tôi ra khỏi hiệu cắt tóc, đi thẳng tới nhà chị Tablowska, người đã hứa sẽ kể cho tôi nghe vì sao mọi chuyện có thể trở nên tốt đẹp sau khi nhà máy sợi bông bị đóng cửa. Thế là chị ta kể cho tôi ngọn ngành. Quả đúng là mọi chuyện có tốt đẹp hơn. Chị này còn nói thêm rằng chị ta sẽ chuyển đến Szczecin, vì ở thành phố này không có tiền đồ gì hết.
Không có chuyến tàu đêm, cho nên tôi phải ngủ lại một khách sạn địa phương. Sáng hôm sau, khi trở về nhà, tôi không ngừng bị ám ảnh về những mối nguy hiểm đang rình rập những tài xế taxi. Và tôi đi đến kết luận, tôi mà là đàn ông thì tốt hơn hết tôi sẽ không chọn nghề lái taxi.
* * *
Sao lại thế này!
Trong nhà tắm của mẹ tôi có lọ nước hoa cạo râu của bố. Nhưng lần sau tôi lại không thấy nữa. Bây giờ thì tôi hiểu, cả hai không hề lo chuyện của tôi và Cựu Chồng, mà chỉ bận tâm đến chính họ mà thôi. Chuyến viếng thăm của dì Hanka đã để lại dấu ấn không phai mờ trong gia đình chúng tôi. Dì đã làm được một việc tốt. Trên đời này quả có những chuyện các nhà triết học có nằm mơ cũng không thấy!
Và đúng như vậy, linh cảm của tôi đã không nhầm. Trước thềm năm mới, mẹ tôi gọi điện.
“Con ơi, mẹ muốn báo trước cho con chuyện này.” Mẹ tôi nói. “Bố sẽ đến ở chỗ mẹ vài ngày, ông ấy muốn sơn lại nhà. Cho nên con đừng lấy làm lạ khi thấy bố nghe điện thoại hay khi con đến chơi mà thấy ông ấy ở đây. Chào con!”
Tiếp đó là bố tôi gọi điện.
“Con gái ơi, bố muốn báo trước là bố sẽ đến ở chỗ mẹ vài hôm, vì ở nhà bố gió lùa qua cửa sổ, lạnh không chịu nổi. Nếu cần gì thì con gọi qua nhà mẹ nhé!”
Tôi gọi điện cho mẹ và kể rằng hình như căn hộ của bố bị gió lùa, chứ bố sẽ không sơn lại nhà đâu.
Mẹ tôi trả lời, giọng hơi bực. “Chắc con không nghĩ là mẹ nói dối đấy chứ? Bố có thể sang ở chỗ mẹ mà chẳng cần phải giải thích loằng ngoằng với con.”
Tôi những muốn cười toáng lên, ngay lập tức tôi gọi điện cho bố.
“Mẹ bảo bố sẽ sơn lại nhà...” Tôi lấy làm thích thú lắng nghe sự im lặng bên kia đầu dây.
“Con ơi... mẹ nói vậy hả? Đúng rồi, ngay cả bố cũng đã nghĩ như vậy...” Bố líu cả lưỡi.
“Bố ơi, ý bố là sao?”
“Con đừng có thóc mách với mẹ chuyện này!” Bố tôi dặn. “Chắc con biết mẹ con là người như thế nào. Vì trả tiền thuê hai căn hộ quá tốn kém cho nên bố mẹ tính...”
“Ở hoàn cảnh của bố…” Tôi nói nghiêm túc và lấy làm mừng trong bụng. “… chắc con sẽ phải tính việc đến ở hẳn với mẹ, không chỉ vì bố sẽ sơn lại nhà.”
“Nhưng bố không định sơn lại nhà!” Bố tôi nói ngay.
“Vâng, lẽ dĩ nhiên, bố cứ làm theo ý bố.” Tôi kết thúc với niềm phấn khởi vô bờ và đặt ống nghe xuống.
Ôi ôi ôi! Chuyện gì đang xảy ra trên thế giới này vậy? Tôi chạy ngay sang nhà Ula để chia sẻ tin mừng sốt dẻo này. Ula ôm chặt tôi, bạn tôi cũng vui lây.
“Hay quá, các cụ lại quay về với nhau, đúng không?” Ula hôn vào má tôi.
“Đúng quá còn gì!” Tôi hét lên sung sướng.
Lúc này chẳng gì có thể làm tôi sung sướng hơn thế!
Adam ơi, bố mẹ em quay về với nhau rồi!
* * *
Thì ra mấy ngày tôi đi công tác ở Kalinice, Cựu Chồng đã ngủ lại nhà tôi. Tosia không thể đi đến chỗ anh ta, còn anh ta không muốn cứ đi đi lại lại hoài, và cả hai nghĩ việc đó chẳng làm phiền tôi.
Nhưng không. Tôi điên tiết. Tôi thét vào ống nghe như thể những năm tháng tốt đẹp ngày xưa chưa hề tồn tại. Cựu Chồng định nói gì đó, nhưng tôi quát đến át cả lời anh ta, rằng đây là nhà của tôi, rằng tôi có mời anh ta đâu, vân vân và vân vân…
“Em chẳng hề thay đổi gì cả!” Sau chót anh ta nói vậy, rồi dập ống nghe.
* * *
Thật đáng buồn, một cuộc nói chuyện nảy lửa với Tosia chờ đón tôi ngay sau đó. Nó ca thán rằng tôi không quan tâm đến tình cảm của nó, rằng tôi đã xúc phạm bố nó, rằng tôi không bao giờ yêu nó, rằng cái gì cũng quan trọng hơn nó và rằng nó đang muốn chết. Tôi chịu không thể biết một người mẹ tinh khôn phải tránh bị mắc mưu con mình bằng cách nào. Tôi chẳng biết những người mẹ khác xử lý chuyện tương tự ra sao. Tôi chẳng những bực mình mà còn đau lòng. Vừa tức lộn ruột vừa buồn lòng, tôi bước ra khỏi phòng con gái. Tôi mới là người lớn, chứ đâu phải nó.
Tosia khóc, tôi biết chứ, nhưng lẽ ra nó không được mời Cựu Chồng đến mà không báo trước cho tôi. Đêm Giáng sinh là đủ rồi. Có thể hôm đó tôi đã không thể hiện rõ quan điểm của mình nên giờ mới có hậu quả thế này. Lần sau tôi phải chú ý đến bản thân mình. Tội nghiệp con bé. Rõ ràng có một gia đình hòa thuận tốt hơn là có bố mẹ ly dị. Thế nhưng, thà là đứa con có bố mẹ ly dị nhau còn hơn sống trong một gia đình bất hạnh. Ngoài ra, làm gì có khả năng nào khác! Chính anh ta đã quyết định ly dị. Còn bây giờ tôi phải gánh chịu hậu quả! Đàn bà bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi.
* * *
“Đàn ông họ đều như vậy!” Mẹ tôi bảo. “Còn vai trò của phụ nữ là nhắm mắt làm ngơ trước mọi chuyện.”
“Đàn ông cũng có nhiều kiểu khác nhau.” Bố tôi giật ống nghe từ tay mẹ tôi. “Cho nên con đừng có nghe mẹ.”
“Tosia cần có bố.” Mẹ tôi xúc động nói.
“Con cũng thế!” Tôi hét to.
“Bố đây!” Bố tôi đáp liền.
“Con có cản ngăn Tosia đi lại với bố nó đâu cơ chứ!” Tôi nói dịu dàng.
“Con ơi, vấn đề không phải như vậy!” Mẹ tôi nói.
Kể từ ngày bố mẹ tôi ở chung với nhau, nói chuyện qua điện thoại với hai người khó khăn hơn trước rất nhiều. Tôi chẳng biết ai đang ở đầu dây bên kia, tôi đang nói với ai và ai đang nghe tôi nói.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!