Chuyến Viếng Thăm Của Ngự Y Hoàng Gia Chương 16


Chương 16
Tu viện

1

 

Nếu gập chân khuỵu một góc và hạ xuống dần dần anh không còn cảm thấy xiềng xích dài đến ba bộ làm anh không thể đi được. Thực ra, những thứ đó chả cần thiết vì làm sao anh có thể trốn thoát được? Chúng con trốn đi đâu khỏi sự có mặt của Chúa và nơi nào có thể cho chúng con nương náu vào giờ khẩn cấp này? Câu trích trong Kinh thánh cùng với hình ảnh người cha rầu rĩ của anh, Adam Struensee, bỗng hiện lên: Làm sao anh có thể nhớ được điều đó? Chả phải tất cả những điều này đã quá lâu rồi không? Nhưng sự tra tấn của xiềng xích còn có ảnh hưởng lớn hơn trong đầu anh; nó làm anh phải mất một thời gian mới có thể làm quen được với nỗi đau về thể xác. Anh đã cố để tỏ ra lịch thiệp. Thật quan trọng phải tỏ ra bình tĩnh và không biểu lộ sự tuyệt vọng hoặc phê phán gì. Họ tỏ ra tôn trọng và nghiêm túc; anh hoàn toàn chắc chắn về điều này và nhắc đi nhắc lại thường xuyên rằng họ đối xử với anh tốt, anh muốn nhấn mạnh điều ấy. Nhưng vào ban đêm khi cái lạnh ùa tới ngấm vào da thịt, nỗi sợ hãi của anh đã đông cứng trong người giống như một tảng băng, vào ban đêm, anh không có đủ sức mạnh để chủ động và tốt bụng. Và anh cũng không thể làm bộ được nữa. Thỉnh thoảng nó cũng xảy ra vào cả ban ngày; khi anh ngước nhìn lên trần và thấy những giọt hơi nước tụ lại rơi xuống, đôi tay anh run rẩy mạnh không sao kiềm chế được, rồi đến một sự tra tấn còn tồi tệ hơn khi không biết điều gì đã xảy ra đối với Caroline Mathilde và đứa trẻ, liệu nàng có thể cứu được anh không. Ôi lạy Chúa, người không tồn tại, người không tồn tại, con xin hỏi Người liệu họ có thẩm vấn con nghiệt ngã và đóng đinh vào tinh hoàn của con và không biết liệu con có chịu đựng được không, còn ngoài ra thì mọi thứ đều hài lòng, đồ ăn ngon và đầy hương vị, những kẻ phục vụ trong pháo đài đều tốt bụng và anh không thấy có lý do gì để phê phán hoặc kêu ca về cách anh được đối xử, thực tế anh đã bày tỏ với viên chỉ huy sự ngạc nhiên của mình trước sự đối xử nhân đạo như vậy, trước cách anh được đối xử, nhưng anh lại nghĩ nếu như cuộc hành trình không bao giờ xảy ra thì có thể anh đã tới Đông Ấn Độ, nơi người ta rất cần các bác sĩ và nếu như mình rời mọi người tại Altona, suy nghĩ quẩn quanh đó cứ lặp lại mỗi tối, và những cơn ác mộng về hạ sĩ Mörl cứ thế diễn ra, cách họ làm với Christian; anh bắt đầu hiểu Christian mơ về  những gì, những cơn ác mộng về Mörle, những cơn ác mộng, cái đó không giống sự ngưng nghỉ trong những vết thương của con cừu, thay vì đó họ đóng đinh vào anh ta và anh ta kêu lên tuyệt vọng, Christian đã nói như vậy, song anh tỏ ra bình tĩnh và phục tùng, đôi lúc anh còn kể cho những lính gác vài chuyện cười, mà người ta vẫn thích.

Vào ngày thứ ba, Guldberg vào thăm.

Guldberg hỏi anh liệu mọi thứ có ổn không, và anh trả lời khẳng định là có. Guldberg mang theo một danh sách dài những thứ của anh đã bị tịch thu và đề nghị xác nhận. Danh sách đó bắt đầu với "ba mươi lăm đồng ducas Đan Mạch", tiếp tục với một hộp thuốc đánh răng (bằng tiếng Đan Mạch!) và kết thúc với "một cái lược" cùng với một lời bình luận kỳ quặc rằng "Struensee luôn để tóc cuốn ngược lên bằng một cái lược cài phía sau giống như một phụ nữ". Anh làm như không nhìn thấy câu bình luận, thay vào đó xác nhận bản danh sách rồi gật đầu đồng ý.

Anh cũng chẳng mang gì nhiều theo vào lúc bị bắt. Họ đột nhiên đứng đó trong ánh sáng lờ mờ và anh chỉ nghĩ một cách đơn giản là không thể trốn tránh được nữa rồi. Điều này không thể tránh được. Thậm chí anh không nhớ được tất cả những gì diễn ra. Anh chỉ cảm thấy quá sợ hãi.

Guldberg hỏi anh đã bị thương ở đầu như thế nào, anh không trả lời. Guldberg bèn nhắc lại câu hỏi. Guldberg nói rằng theo như báo cáo của lính gác thì Struensee đã cố tìm cách tự sát bằng cách lao đầu vào tường đá. Guldberg nói:

- Tôi biết có một cách để làm tăng thêm ý chí của anh muốn sống trong tình hình hiện nay.

Rồi ông ta đưa cho anh một cuốn sách. Đó là cuốn Câu chuyện cuộc đời của một kẻ tự do tư tưởng đã cải đạo do Ove Guldberg viết, xuất bản năm 1760.

Struensee cảm ơn ông ta.

- Nhưng tại sao? - Ông ta hỏi sau một hồi im lặng kéo dài.

- Đằng nào thì tôi cũng chết. Cả hai chúng ta đều biết điều đó.

- Đúng, chúng tôi biết điều đó. - Guldberg đáp lại.

- Vậy thì ông ở đây làm gì?

 

Đó thực sự là một cuộc gặp gỡ kỳ lạ.

Guldberg tỏ ra quan tâm đến tình trạng của Struensee, ông băn khoăn về thái độ lãnh đạm của người tù. Ông đi đi lại lại trong xà lim nhà tù, đánh hơi như một con chó, luôn ngọ nguậy, lo lắng; nhưng như thể một con chó được sủng ái vừa được cho một cái cũi mới và ông chủ của con chó giờ đây đang kiểm tra nó với thái độ không hài lòng. Guldberg lệnh cho mang vào một cái ghế rồi ngồi xuống. Họ nhìn nhau.

Không hề ngượng nghịu, Struensee nghĩ hắn nhìn mình "không hề ngượng nghịu".

- Một cuốn sách khiêm tốn, - Guldberg nói giọng thân mật, - được viết trong những ngày tôi ở Học viện Soro. Nó chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn về sự hoán cải.

- Tôi không hề sợ chết, - anh nói, - và tôi thấy mình khó có thể thay đổi được.

- Đừng nói vậy. - Guldberg đáp lại.

Ngay trước khi rời đi, Guldberg đưa một tấm ảnh cho Struensee. Đó là một tấm ảnh khắc bằng đồng ghi lại Caroline Mathilde cùng đứa bé gái nhỏ của Struensee và Hoàng hậu khi mới được bốn tháng tuổi.

- Ông muốn gì vậy? - Struensee hỏi.

- Hãy nghĩ kỹ về điều đó đi. - Guldberg nói

- Ông muốn gì vậy? - Struensee nhắc lại.

 

Hai ngày sau Guldberg quay lại.

- Ngày thì ngắn và ánh sáng mờ quá, tôi chưa thể đọc được cuốn sách và tôi cũng chưa bắt đầu. - Struensee nói.

- Tôi hiểu. Thế anh có nghĩ sẽ bắt đầu không?

- Tôi nhắc lại việc cải hoán đối với tôi là khó. - Struensee nói.

Đó là vào một buổi chiều, trong xà lim rất lạnh, cả hai người đều có thể nhìn thấy hơi thở của họ như đóng thành băng.

 

- Tôi muốn anh nhìn kỹ vào bức hình của đứa bé gái, - Guldberg nói, - một đứa trẻ vô phúc. Nhưng nó rất xinh và đáng yêu.

Rồi ông đi ra.

 

Mục đích của hắn là gì?

Những chuyến thăm ngắn ngủi luôn lặp đi lặp lại. Ngoài ra không còn gì khác hơn là sự im lặng. Những tên lính gác không nói với anh điều gì, những cửa sổ xà lim cao ngất, anh chỉ có mỗi thứ đọc được là cuốn sách Guldberg đưa cho bên cạnh cuốn Kinh thánh. Cuối cùng, trong cơn giận dữ, anh bắt đầu đọc cuốn sách của Guldberg. Đó là một câu chuyện cảm động, được diễn tả rất mạch lạc, ngôn từ giống như một buổi cầu kinh, câu chuyện không hề hư cấu. Nó mô tả một con người hoàn toàn tốt, thông minh, thẳng thắn, có rất nhiều bạn và được nhiều người yên mến và rồi con người này bị lôi cuốn vào tư tưởng tự do. Sau đấy, anh nhận ra sự sai lầm trong cách thức của mình.

Đó là tất cả.

Với sự cố gắng và ý chí, anh lần mò qua được một trăm tám mươi sáu trang sách viết bằng tiếng Đan Mạch và anh chẳng hiểu gì cả.

Vậy Guldberg muốn điều gì?

Bốn ngày sau, ông ta trở lại, ra lệnh mang chiếc ghế bành nhỏ vào, ngồi xuống nhìn người tù nhân đang ngồi trên giường.

- Tôi đã đọc cuốn sách. - Struensee nói với ông.

Guldberg không đáp lại. Ông chỉ ngồi im lặng và rồi sau một hồi lâu ông nói bằng một giọng nhẹ nhàng:

 

- Tội lỗi của anh rất lớn. Việc anh làm đã làm ô uế ngai vàng của đất nước, lẽ ra phải cắt và vứt nó đi một cách ghê tởm, mà anh cũng còn có những tội lỗi khác nữa trong lương tâm. Đất nước bị rơi vào tình trạng hỗn loạn và chỉ có Chúa cùng sự tha thứ của Người mới có thể cứu rỗi tất cả chúng ta. Đan Mạch đã được cứu thoát. Tất cả các sắc lệnh của anh đã bị đình lại. Một chính phủ cứng rắn đang cai trị đất nước. Giờ đây, anh phải viết ra giấy, thú nhận sự gần gũi tội lỗi và ghê tởm với Hoàng hậu, thừa nhận tội ác của mình. Rồi dưới sự hướng dẫn của cha Balthasar Münter, cũng giống anh, ông là người Đức, anh sẽ soạn ra một văn bản viết tay trong đó anh mô tả việc hoán cải, việc anh từ bỏ những ý tưởng ngông cuồng của Chủ nghĩa Khai sáng và thú nhận tình yêu của anh đối với đức Chúa Jesu.

- Tất cả chỉ có vậy thôi à? - Struensee hỏi với điều anh nghĩ là một sự châm biến kìm nén.

- Thế thôi.

- Còn nếu như tôi từ chối?

Guldberg ngồi đó, nhỏ bé và xanh xám, nhìn chòng chọc vào anh như thông lệ không hề chớp mắt.

- Anh không thể từ chối được. Và như thế, do anh đồng ý hoán cải vậy, nêu ra một tấm gương ngoan đạo như tôi đã mô tả trong cuốn sách, thì cá nhân tôi có thể bảo đảm rằng đứa trẻ vô phúc sẽ không bị hại, nó sẽ không bị giết. Đã có nhiều, rất nhiều người muốn ngăn cản đứa trẻ không được dính dáng gì đến ngai vàng của Đan Mạch, họ muốn vậy.

Cuối cùng thì anh cũng hiểu.

- Con gái của anh, - Guldberg nói thêm với giọng thân mật, - chính là niềm tin của anh vào sự vĩnh cửu. Có phải là những người theo tư tưởng tự do tin vào một cuộc sống vĩnh cửu không? Nếu có thì chỉ có thể tồn tại qua đám trẻ con. Có phải cuộc sống trường tồn của anh chỉ nằm ở đứa bé không?

- Họ sẽ không dám giết một đứa bé vô tội.

- Họ không thiếu sự dũng cảm đâu.

Hai người ngồi im lặng hồi lâu. Rồi Struensee, với sự phẫn nộ mà chính anh cũng ngạc nhiên, hét lên:

- Vậy thì ông tin vào điều gì? Rằng Chúa đã lựa chọn Christian! Hay Hoàng thái tử chảy dãi?

Rồi Guldberg bằng một giọng bình tĩnh và khẽ khàng nói:

- Vì anh sắp chết rồi... ta muốn cho anh biết là ta không chia sẻ quan điểm của anh rằng những "kẻ đốn mạt hoàng tộc"- đó là điều cốt lõi đằng sau những lời của anh! Điều cốt lõi! - Không được sự ưng thuận của Chúa. Ta tin rằng những cá nhân bé nhỏ ấy cũng có một nhiệm vụ đã được giao cho riêng họ. Chứ không phải những con vật ngạo mạn, sa đọa và đẹp trai như anh đâu. Kẻ đã coi họ là rác rưởi.

- Tôi không như vậy, - Struensee bác lại.

- Và! Và chính Chúa đã giao cho tôi nhiệm vụ bảo vệ họ chống lại những đại diện của tội lỗi, mà anh là một trong số đó. Và nhiệm vụ lịch sử của tôi, của tôi là cứu vãn Đan Mạch.

Ra tới cửa, ông ta nói:

- Hãy nghĩ kỹ đi. Ngày mai chúng ta sẽ chỉ cho anh xem những hình cụ tra tấn.

 

 

Họ dẫn anh tới một căn phòng mà những hình cụ các loại dùng để tra tấn và lấy cung được cất giữ.

Một viên đại úy cận vệ là người hướng dẫn, đã kiên nhẫn giới thiệu chi tiết các loại hình cụ. Anh ta cũng nhận xét trong vài trường hợp mà phạm nhân chỉ sau vài phút bị tra tấn đã đồng ý hợp tác, song luật lệ quy định việc hỏi cung căng thẳng phải bảo đảm đủ thời gian đề ra. Đó là những luật lệ và điều quan trọng là cả hai bên đều phải thừa nhận điều ấy nếu không thì người bị tra tấn có thể nghĩ rằng anh ta ngưng ngay việc tra khảo nếu anh ta muốn. Nhưng không phải người bị hỏi cung quyết định độ dài của buổi hỏi cung. Nó không thể được cắt ngắn, ngay cả đã được thú nhận hoàn toàn, trừ phi đã được ủy ban thẩm vấn đồng ý và được thực hiện từ trước đó.

Sau khi đi tham quan các hình cụ, Struensee được áp giải về xà lim.

 

Cả đêm đó, anh nằm thao thức, thỉnh thoảng lại òa khóc nức nở.

Chiều dài của dây xích ngăn không cho phép anh lao đầu vào tường.

Anh đã bị cầm tù hoàn toàn, và anh biết điều này.

Ngày hôm sau, anh được hỏi có cần mục sư Münter nào đó đến thăm anh không, vị linh mục đã nhận sẵn sàng giúp và thu lại câu chuyện xin cải hoán.

Struensee đáp rằng có.

 

 

 

 

 

2

 

Brandt ở trong tù, gặp Dean Hee, và anh ta ngay lập tức tuyên bố mình sẵn sàng hợp tác đầy đủ với bản báo cáo và ra nói trước công chúng việc mình cải hoán hoàn toàn, cũng như tội lỗi và giờ đây đặt mình quỳ dưới chân đức Chúa cứu rỗi.

Cũng chả cần được hỏi, anh ta đã tuyên bố mình sẵn sàng bác bỏ tất cả các ý tưởng của Chủ nghĩa Khai sáng, và đặc biệt những ý tưởng do một ngài Voltaire khởi xướng. Đối với cá nhân này, anh ta có thể nói chuyện về ông, thậm chí một cách chuyên nghiệp hơn vì anh ta đã có lần gặp Voltaire và ở với ông ta bốn ngày trước chuyến thăm châu Âu của Nhà vua. Lúc này, vấn đề không phải là thảo luận những ý tưởng của Chủ nghĩa Khai sáng, mà là phong cách của đạo đức nhà hát, điều đó vốn hấp dẫn với Brandt hơn là chính trị. Dean Hee chẳng muốn nghe gì về những cuộc đối thoại ở nhà hát và nói rằng ông ta quan tâm hơn đến linh hồn của Brandt.

Thực ra thì Brandt nghĩ anh ta khó có khả năng bị kết án. Trong lá thư gửi mẹ, anh trấn an bà rằng "không ai có thể giận dữ lâu với con. Con đã tha thứ cho tất cả, giống như Chúa đã tha tội cho con".

Trong những tuần lễ đầu tiên, anh ta dành thời gian huýt sáo và hát những làn điệu opera điều mà anh ta nghĩ phù hợp với tước vị của mình là ông thầy vui chơi và sau này là một vị quan văn hóa. Sau ngày 7 tháng Ba, anh ta được nhận lại cây sáo để biểu diễn cho mọi người nghe tài nghệ của mình.

 

Anh ta nghĩ chỉ là vấn đề thời gian trước khi được thả ra và trong một lá thư gửi cho vua Christian VII, anh ta đã cầu xin một chức vụ trong chính phủ, "bất kể thấp thế nào cũng được".

Chỉ khi luật sư của anh ta thông báo rằng tội lỗi đầu tiên và cũng là duy nhất của anh ta là đã hành hung thể xác Nhà vua, như vậy xúc phạm đến uy quyền của hoàng gia, thì anh ta mới thấy sợ hãi.

 

Đó là câu chuyện về ngón tay.

Việc ấy quả là một sự kiện nhỏ nhoi đến mức mà chính Brandt cũng quên khuấy đi mất, nhưng thực sự anh có cắn vào ngón tay trỏ của Christian đến chảy máu. Bây giờ thì câu chuyện đã vỡ lở ra. Vì lý do đó, anh phải cố gắng nhiều hơn cùng với Dean Hee để hình thành sự hoán cải của mình từ tự do suy nghĩ và sự ghê tởm đối với các nhà triết học Pháp, tài liệu cải hoán này đã được nhanh chóng xuất bản ở Đức.

Trong một tờ báo Đức, sự cải hoán của Brandt đã được nhìn nhận bởi một sinh viên trẻ người Đức có tên là Wolfgang Goethe, hai mươi hai tuổi, người đã phẫn nộ mô tả toàn bộ sự việc như một sự đạo đức giả về tôn giáo  và giả thiết việc cải hoán chẳng qua chỉ là kết quả của các đòn tra tấn và gây áp lực mà thôi. Trong trường hợp Brandt thì điều ấy không đúng sự thật; mà anh chàng trai trẻ Goetthe, người sau đó cũng quan tâm đến số phận của Struensee, đã vẽ bằng bút mực cho bài viết, mô tả cảnh Brandt bị xiềng xích trong xà lim, cùng với Dean Hee đứng dạy dỗ anh ta về sự cần thiết phải cải hoán.

Tiêu đề của minh họa đó có một bài thơ châm biếm, có lẽ đây là bài thơ đầu tiên mà Goethe xuất bản toàn văn như sau:

Dean Hee:

Ngay bây giờ đây, hỡi ngài công tước, ngài sẽ tắm mình trong ánh lập loè thần thánh vui tươi;

Công tước Brandt:

Lạy thánh, thưa ngài mục sư thân mến, đối với kẻ thù của tôi...

 

Tuy nhiên mọi thứ đều được kiểm soát.

Sự kiểm soát thân thể của những tù nhân là có hiệu quả nhất, chân trái của họ bị xích vào tay phải bằng một dây xích dài một thước rưỡi, cái xích này lại bị cột vào tường với những đai rất nặng. Sự kiểm soát về luật pháp đã được nhanh chóng định ra. Một tòa án điều tra được thành lập vào ngày 20 tháng Giêng, tiếp theo việc thành lập Ban thẩm tra với bốn mươi hai thành viên.

Chỉ có một vấn đề. Rõ ràng là Struensee phải bị và sẽ bị kết án tử hình. Nhưng bế tắc về hiến pháp đã bao phủ tất cả.

Bế tắc đó là ở ả gái điếm nhỏ người Anh.

Nàng bị nhốt tại Kronborg, đứa con trai bốn tuổi của nàng, thái tử đã bị tách khỏi nàng mặc dù nàng được phép giữ đứa bé gái vì vẫn còn đang cho bú. Nhưng Hoàng hậu lại khác và cứng rắn hơn các tù nhân khác. Nàng không hề thú nhận điều gì. Và hơn nữa, nàng lại là em của nhà vua Anh.

Những cuộc hỏi cung được tiến hành. Kết quả không lấy gì làm mỹ mãn.

 

Hoàng hậu thực sự là một vấn đề.

 

Họ cử Guldberg và một nhóm gồm ba người là thành viên của ủy ban đi theo tới lâu đài Hamlet để xem có thể làm được gì.

Cuộc gặp đầu tiên rất ngắn ngủi và trịnh trọng. Nàng thẳng thừng bác bỏ việc nàng và Struensee có quan hệ thân mật và đứa trẻ là của anh ta. Nàng giận dữ nhưng cũng rất đúng mực, và đòi được gặp viên đại sứ Anh tại Copenhagen.

Ra tới cửa, Guldberg quay lại nói:

- Tôi xin hỏi lại Hoàng hậu một lần nữa rằng có phải đứa bé là con của Struensee không?

- Không. - Nàng đáp cụt lủn như một ngọn roi quất xuống.

Song ngay lập tức nỗi sợ ánh lên trong mắt nàng. Guldberg thấy được điều đó.

Cuộc gặp đầu tiên của họ đã kết thúc như vậy.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87525


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận