Nhịp bước người đi như múa, hòa tiếng reo mừng trong tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống. Vua Thục đã phái quân quan lên đón đồ cống cách thành một ngày đường, như mọi năm. Một toán quân hoa cờ, dàn ngang, đi trước. Các cô tố nữ múa bài bông, múa quạt, đánh cồng dẹp đường. Rồi đến những người hề, mặt bôi sáp trắng, không biết đàn bà hay đàn ông mặc giả đàn bà, váy loe quét đất, áo ngắn hở nửa lưng, vạt thắt quả găng. Mỗi cặp bưng đôi chiếc trống cơm dài như quả mướp, dây da trâu đeo lên cổ. Hai tay đu đưa bập bồng vỗ mặt trống, tang trống. Trẻ nhỏ đuổi theo đám giả trai giả gái vỗ trống cơm đông nhất. Tiếng sáo réo rắt. Đoàn quân Phiên Ngung nghiêm nghị áo xám, ống tay rộng, chân đi giày cỏ, mũ lá. Các quan áp tải lễ cống đội mũ da bò nhọn chỏm, cưỡi ngựa, mắt nhìn thẳng. Những con la bước lênh khênh cao hơn hẳn một đầu người. Hàng trăm con la, đầu cài ngù đỏ toẽ xuống nửa bờm, khấu đuôi tết lụa bông hoa hiên. Trên lưng, mỗi con la đội hai chiếc rương lớn sơn then, phủ lụa thiên thanh. Con la đi đầu đã qua cổng thành được một lúc lâu, mà đoàn la đi sau vẫn lũ lượt vào. Người hai bên đường đứng lại, chỉ trỏ, trầm trồ.
- Năm nay vua Triệu tiến cống vua chủ ta hậu hĩ quá.
- Trầm! Trầm hương! Hòm rương đóng kỹ thế kia mà mùi trầm vẫn sực nức. Nam Hải mà có thứ trầm thơm thế à?
- Nghe nói có cả lễ ăn hỏi nên mới đưa nhiều của cải đến thế chứ.
- Thế nào? Thế nào? Ai bảo sao? Có người nhảy lên, reo nói, đếm vanh vách như chính tay mình đã được xếp các thứ phẩm vật quý báu lên trên lưng la.
- Kia là lụa, lụa bạch Hợp Phổ đấy. Lại nhung tơ Thương Ngô. Còn bình bạc, gương bạc, quạt bạc, đồ chạm quý đất Uất Lâm. Các rương kia đựng hương liệu. Ngoài đảo xa ở Chu Nhai hay tận Đàm Nhĩ mới có giống hương tuyến hun áo. Người mặc vào, váy áo thơm nức cả tháng.
Không ai biết thế nào. Chỉ biết mừng giỡn lên. Bao nhiêu đồ cống quý giá qua trước mặt. Có người gặng lại:
- Ai nói thế nào?
- Con vua Triệu sắp được làm rể vua chủ ta, còn thế nào nữa!
- Cớ sao chư ông biết?
- Người ở phường, ở chợ đồn đã lâu rồi. Anh ả này rõ nợ đời, chẳng biết gì.
- Tớ cứ ro ró xó bãi, chẳng biết gì thật. Thế thì thế nào?
- Lại còn thế nào! Vua Triệu cho con trai sang hầu vua chủ đã mấy năm nay rồi, bác biết không?
- Chuyện đầu lưỡi cả, chứ bụng dạ nó ai biết được sâu nông thế nào.
- Việc đời cũng hay. Đương là thằng giặc, bỗng thành ông quan lạc.
- L ạ, lão Úy Đà ấy mà trúng nỏ quân ta năm trước thì chết đỏng tử rồi. Thế mà bây giờ lại sắp được ngồi uống rượu đôi bên dâu gia với vua chủ?
- Cơ ngơi vần xoay đến vậy mới tài!
- Đếm được ngoài trăm con la tải đồ cống. Sang trọng quá. Khác mọi năm quá. Đích thị là chạm ngõ, ăn hỏi gì đây nên mới to tát nhường này.
- Thế cưới xin ai?
- Ông này tai điếc lòi. Từ nãy, đầu gối nghe hay tai nghe? Con trai Úy Đà lấy con gái vua chủ.
- Đấy, đấy, cái ông quan cưỡi ngựa đi sau cùng đốc đoàn la cống là rể vua chủ đấy.
- Ờ ờ, ông quan ấy... Ông quan ấy à... Người này mình đã trông thấy rồi... vẫn trông thấy... Cứ ngỡ quan bên ta. Cũng áo mũ quan ta, hóa ra là nó.
- Chán thật.
- Đương vui lại chán thế nào!
- Quân Triệu cũng được đi đường cái vào phường, vào thành như mình. Lại hơn mình. Vào cả nhà vua chủ. Chư ông đã mấy đời nhà ở phường ở chợ. Hỏi ai từ khi xây thành đã được bước chân vào xem cung vua lần nào?
- Thôi, việc vua quan thiên hạ sự, biết thế nào mà bàn. Trên thành cao, vua Thục và các quan ra đứng ngắm đồ cống quân Triệu đang nườm nượp vào. Vua Thục đứng im không nói. Nhưng nét nhìn chăm chú. Dưới thành, bên giếng nước chỗ khác, vẫn còn những đám dai dẳng cãi nhau nhấm nhẳng.
- Không phải.
- Nó thua vua chủ thì phải dâng đồ cống. Bao giờ quân thua chẳng phải chịu đớn thế.
- Nhưng mà con nó lại vào ở rể.
- Vua chủ ta nhân nghĩa.
- Ngoài thành lại có người nói khác chư ông.
- Còn nói thế nào?
- Đừng ai tha lời đi chỗ khác, tôi mới dám nói.
- Tao là quan lạc hầu xử án đây, cho mày nói.
- Người ngoài cõi nói rằng giặc thua trận rồi giặc lại vào được thành, là điểm gở.
- Vua chủ ta lượng rộng như bể, chư ông ạ.
- Nhưng mà phải tùy mặt chứ. Đằng này cho trộm cướp vào nhà.
- Thôi, thôi...
Trong cửa cao trên thành, vua Thục vẫn đứng yên nhìn theo đoàn la lững thững vào qua các phường. Xung quanh, quân tướng cũng đứng nghiêm, lặng lẽ. Rồi vua Thục trỏ tay:
- Ông Cao Lỗ, ông nghĩ xem đã thấy ra việc ta tính một được mười, biến hóa đến thế đã là hay chưa. Ta không cất quân đến Phiên Ngung mà quân kia phải nộp của nộp người làm tin, khác nào ta nắm gáy nó. Ông đã thấy thế là phải chưa?
Cao Lỗ nói:
- Tôi thật vẫn nghi ngại.
- Ông lúc nào cũng là người cả lo. Ông còn ngại thế nào?
Cao Lỗ nói thống thiết:
- Bây giờ hai họ một nhà, thiên hạ mừng được yên vui. Nhưng thật tâm tôi vẫn áy náy. Hòa hiếu thì quân quan người ra vào nhà ta như nhà người, hang hốc nào cũng thông tỏ. Ngộ như mai kia cơn cớ gì xảy đến, chẳng hóa ra bấy lâu ta nuôi chó ngao trong nhà mà ta không hay. Lòng người lá phải lá trái lường sao hết được.
Lúc ấy, đủ mặt các tướng theo vua chủ từ ngày trước, đứng quanh. Ông Đô Nồi, tướng Cao, tướng Đống, tướng Vực. Các ông Đinh, ông Phạm. Mọi người đăm đăm, nghiêm mặt. Nhưng không ai dám nói tiếp lời Cao Lỗ. Cao Lỗ dứt tiếng, giọng sang sảng vào khoảng không. Vua chủ hằm hằm đứng dậy, quắc mắt:
- Ông nói thế, là thế nào?
Cao Lỗ vẫn dõng dạc:
- Tôi nghĩ, ta đã có thiên hạ trong tay, ta lại phải biết cái lo ngoài nghìn dặm. Mười tám đường Hùng trước kia đã phải lấy cái lo toan ấy làm giường mối, không đời nào được sao nhãng nghỉ ngơi sự đối phó.
Vua Thục nhíu đôi mày rậm, trong khi Cao Lỗ nói mỗi lúc một thiết tha:
- Không đời nào sao nhãng việc đối phó. Cả đứa trẻ lên ba cũng phải lớn phổng, biết đứng dậy đánh giặc. Xưa kia
... Kíp đến lúc quân nhà Ân tới chân Núi Trâu bộ Vũ Ninh. Đứa con trai ba tuổi duỗi chân đứng dậy, cao hơn mười trượng, ngứa mũi hắt hơi liền mấy tiếng, cầm chiếc gậy sắt, giơ lên thét lớn:
" Ta là tướng nhà trời đây". Rồi đội nón sắt, cưỡi ngựa sắt. Ngựa chồm lên, hí dài một tiếng mà phi như bay. Nháy mắt đã tới trước vua Hùng. Cứ thế, giơ gậy sắt đi trước, quân quan theo sau. Giặc bỏ chạy, còn lại tên nào đầu cúi xuống hàng phục. Vua Ân chết tại trận. Mọi người xung quanh vẫn im. Vua Thục như lơ đãng nhìn ra ngoài vùng bờ tre rậm rạp trước mặt. Ai cũng run sợ, không biết vua chủ đương nghĩ thế nào. Cao Lỗ mắm môi, rồi ngước mắt:
- Hào kiệt sáu cõi nước ta nghìn năm vẫn đinh ninh một tiếng đánh. Xin vua chủ nghĩ lại.
Vua Thục thét to:
- Kẻ kia như con cua trong thời. Ta đã nói thế.
- Dẫu cho...
Đô Nồi chen vào câu nửa chừng của Cao Lỗ:
- Xin vua chủ...
Vua Thục trầm lại, nói thong thả. Nhưng dằn từng tiếng:
- Ta đã quyết thế. Con ếch Úy Đà đã nằm trong giỏ của ta, ta thò tay bắt lúc nào cũng được. Các người quá lo cũng hóa ra cua cáy cả rồi. Cấm không ai được bàn tán nữa mà hèn người đi!
Im lặng rùng rợn. Cao Lỗ đứng yên, rồi quay lại, sụp xuống nắm tà áo vua Thục.
- Bình sinh, tôi bụng nghĩ thế nào, nói thế.
- Ông nghĩ quẩn rồi.
- Từ thuở tôi bỏ cày dưới bãi ở Vũ Ninh về theo vua chủ, lòng dạ tôi thế nào, hà tất...
Vua Thục ngắt lời:
- Lúc nãy ông nói lòng người lá phải lá trái...
- Vâng, lòng người lá phải lá trái khôn lường. Ngày trước, Úy Đà đã nhân cơ hội nhà Tần sắp tiêu vong mà lấy Quế Lâm, Tượng Quận, việc nham hiểm này bốn phương đều tường, vẫn còn rành rành ra đấy.
Vua Thục cười nhạt:
- Không, không, sự thể cũng rõ như ban ngày mà sao bụng dạ ông cứ như vướng tóc. Đồ sính lễ của nó cũng là đồ tiến cống ta. Úy Đà được ở nhà thì con phải sang đây thế mạng. Không động binh mà thu tất cả thiên hạ của nó. Bờ cõi ta đương như trải chiếu, mở cờ, ông lại chỉ bàn cuốn cờ gấp chiếu là làm sao!
Bỗng vua Thục cười khà khà, tiếng to mà lạnh ngắt:
- Ừ , có khi ông nói tôi cũng cho là phải. Thì cứ nghĩ như Úy Đà là quân phản trắc. Nhưng cái cánh cung gỗ dâu Phiên Ngung hỏi đối với sức thần ta thế nào. Ông hiểu rồi đấy chứ? Ha ha...
- Tôi thật lo. Khéo không đại sự có cơ...
Vua Thục giận lắm:
- Lời nói xàm báng chẳng khác phạm tội đại nghịch. Ta thể tình mà tha cho lần này nữa. Thôi!
Cao Lỗ cúi đầu, lẳng lặng lùi ra. Bên cửa tây, bọn các nàng hầu đương xô nhau ra đứng nhìn xa xa phía đường cái ngày hội, người ta túm tụm xem đồ cống ngổn ngang. Mỵ Châu ngồi hiên trong. Nhưng nghe rõ mồn một các cô nàng hầu đương rỉ tai với nhau. Từng lúc lại chau mày, cúi mặt, thở dài. Mỵ Châu thẫn thờ.
- Nước Triệu đem dâng của nhiều thế kia, cũng là khoe giàu có đấy.
- Mày còn nhớ năm trước quân Triệu chạy chết, vua chủ mở cửa thành cho cả các phường ra đuổi giặc. Chúng mình cũng đòi đi. Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh, nhớ không. Vậy mà, bây giờ nghênh ngang thế vầy. Nghĩ cũng nực cười.
- Không nực cười bằng chúng mày lại ra xem!
- Chẳng thèm!
Bọn các cô nàng hầu buông rèm, quay vào, đứng quanh Mỵ Châu vẫn đương ngồi ủ rũ. Mỵ Châu gượng cười:
- Tàm ơi! Kể chuyện vui nào, kể đi.
Tàm nói:
- Người ta bảo đời trước có nhiều chuyện vui hơn bây giờ.
- Thuở bé, mày chỉ ở với vượn, nghe ai nói thế mà biết.
Tàm kể chuyện. Đời vua Hùng Duệ có nàng công chúa Tiên Dong. Tiên Dong chẳng ưa ngồi góc lầu ro ró nhìn ra như cô cháu mình đâu. Quanh năm, Tiên Dong chơi thuyền ngoài sông, thường mảng vui nơi sông hồ, quên về. ở Chu Diên, trên sông Cái, có nhà họ Chử nghèo khó, bố con phải chung một khố. Bố chết, Chử thương bố, đành liệm khố chôn bố, mình chịu ở truồng. Suốt ngày vùi thân dưới cát, đêm mới dám mò ra kéo cá kiếm ăn. Gần sáng lại về ngủ cạnh bụi lau trong cát. Một ngày kia, mới sớm, đã nghe tiếng sáo thổi, tiếng cồng dẹp đường, rồi thấy những cánh màn the quây quanh bụi lau. Tiên Dong bước vào màn, cởi xiêm áo, giội nước tắm. Cát trôi, chàng Chử tô hô ra trong cát. Tiên Dong giật mình, rồi trấn tĩnh lại, ngửa mặt lên trời, nói:
" Ta vốn ước suốt đời thảnh thơi không biết ràng buộc. Nay gặp người cùng trong hố cát. Có phải trời xui khiến vậy không". Chàng Chử nói:
" Xin Tiên Dong xá tội cho".
Tiên Dong nói:
" Đây là duyên trời xe chàng cùng ta".
Những người theo hầu về nói sự tình với vua Duệ. Vua Duệ giận quá. Sai quân quan đi bắt về. Nhưng quân gia ra đến nơi chỉ thấy bãi sông bụi lau vắng tanh. Thuyền đã giong đi chốn trời nước nào không biết. Về sau, nghe nói vợ chồng Chử mở chợ lập phường ở một bến đông vui lắm trên sông Cái.
Mỵ Châu thở dài:
- Nghe nói chuyện ấy từ thuở Hùng xa lắm chứ không phải vua Duệ đời trước đâu.
- Thế mà người ta vẫn kể cửa miệng như mới hôm qua.
- Biết vợ chồng Tiên Dong có còn không?
- Muốn đi tìm bến sông có phường chợ đông vui ấy à?
Mỵ Châu lại thở dài:
- Phận mình hẩm hiu, đâu được phóng đãng thế mà mong. Hai cánh song đã đóng từ lâu. Trong bóng tối âm thầm, những nét mặt rầu rầu. Giọt nước mắt bỗng long lanh ứa ra.
* * *
Giữa bóng tối nửa đêm, một vòng lửa vung tròn, rồi tắt. ánh lửa làm hiệu gọi đò sang sông khuya. Rồi vòng lửa lại hồng rực xuống mặt nước, chập chờn soi bóng người quay mồi làm hiệu. Chỉ một thoáng sáng cũng trông thấy lượn lờ một con rùa bên đám lá trang. ánh lửa lại xòe tròn lên. Giờ đã trông rõ Cao Lỗ ngồi trên chiếc thuyền thúng đương bơi qua sông. Cứ mỗi lúc, lại một tay vung mồi lửa, một tay thoăn thoắt chém nước đẩy thuyền đi. Chiếc thuyền vút vào hào thành rồi ghé bờ. Cao Lỗ nhảy thoắt lên. Khi chiều còn trông thấy mặt thành sừng sững. Dưới cổng thành, người ra kín nước gọi nhau ơi ới. Những con trâu ngoài bãi về muộn, tiếng y uôm, nghé ngọ vào bóng tối. Giờ đây, cả một vùng lồng lộng trời nước, chi chít từng chòm, từng vầng sao, lẫn lộn không nhận ra đâu bóng sao trên trời, đâu ánh sao mặt nước. Cao Lỗ khoác trên vai chiếc tay nải. Cao Lỗ bước lên mặt thành. Đến chỗ đầu tường, Cao Lỗ đứng lại. Cao Lỗ ngước nhìn trước mặt. Dưới bến cũng như trên thành, trời vẫn tối đen. Cao Lỗ đứng tựa lưng vào tường. Im một lúc, nhìn ra khoảng không càng mù mịt. Cao Lỗ rút ống sáo cài trên tay nải. Tiếng sáo nhẹ nhàng thảnh thơi từ bóng tối thoảng ra. Tiếng sáo ấy thật kỳ, tiếng sáo khiến được vùng tối trước mặt sáng dần. Rồi giữa nền tường đá ong bờ rào xương rồng đen kịt, một khung cửa tròn sang sáng lên. ánh đèn trong lầu đã rõ hẳn. Giữa vùng sáng đèn bấc lung lay. Thoáng có bóng người. Cao Lỗ đến đứng bờ tường dưới khung cửa hẩng sáng. Tiếng sáo vẫn nỉ non. Rồi một lúc lâu lặng im.
- Mình đi đâu mà lặn lội đêm hôm thế?
- Tôi phải đi.
- Đi đâu?
- Tôi chỉ còn được tha tội chết lần này nữa thôi.
- Trời ơi!
- Tôi còn nhớ, ngoài hai mươi năm trước những đêm chạy giặc Tần, trời cũng đầy sao như đêm nay. Vua tôi chia nhau mảnh lá nằm lót lưng giữa trời. Chỉ mong chóng đến ngày thiên hạ yên hàn, không biết mùi phú quý ở đâu.
- Xin đừng nói thêm những điều xót xa ấy nữa. Mình không còn ở lại được a?
- Không được nữa. Trước sau tôi cũng chỉ nói thế. Vua chủ không nghe. Thế thì tôi chỉ còn cái chết chờ đợi.
- Mình...
- Mình nghĩ thế nào?
Tiếng tù và ở một ụ canh đâu đấy nổi lên. Ánh sáng trong song cửa tắt ngấm. Vòm trời và mặt nước vẫn bát ngát ánh sao nguyên như lúc nãy. Bóng Cao Lỗ lặng lẽ trở xuống bến. Chiếc thúng vẫn đậu chỗ cũ. Cao Lỗ tần ngần vào đầu thuyền. Tiếng sáo lại mơ hồ đâu xa đâu gần. Cao Lỗ buông sáo đứng lên nhìn ra phía tường thành. Tường thành mờ mờ lẫn vào nền trời đen sẫm. Cao Lỗ ngồi xuống. Lát sau hai bàn tay Cao Lỗ uể oải thả xuống mặt nước, đẩy thuyền từ từ ra. Bến nước sau lưng đã trở lại mịt mờ. Bỗng thấy một bóng người. Bóng ai thướt tha, thanh mảnh. Tiếng hát mơ màng lại. Khăn vuông ai đội Khăn điều ai vắt vai ai.
Cao Lỗ gọi:
- Mình, phải mình đấy không? Cao Lỗ tất tả chèo vào lại bến. Bùi nhùi đã vung lên một vòng lửa. ánh sáng chập chờn ra khắp mép nước. Nhưng không thấy ai.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!