Hình Phạt Nhân Đôi Chương 18


Chương 18
Như lần trước, chúng tôi lại vào ngồi trong phòng ăn. Đối với tôi thì điều đó không quan trọng vì tôi đã xem khắp nhà rồi.

Tôi đồng ý nhận lời mời uống cà phê mà bà chủ nhà đề nghị một cách miễn cưỡng. Bà Leguerche đi chậm như rùa ra bếp và quay lại phòng ăn với bình nước nóng, ba cái chén và cà phê bột không có cafeine. Đúng như tôi đoán, không có bóng dáng con chó nào trong nhà này.

Chúng tôi im lặng khuấy cà phê trong tách. Sau vài phút, tôi bắt gặp hai vợ chồng Leguerche đưa mắt nhìn nhau dò hỏi lý do tôi đến đây. Tôi để mặc họ đoán mò và tỏ vẻ chăm chú đổ đường vào cà phê. Ông chồng không chịu được nữa bèn hỏi với vẻ cau có:

- Có gì mới à?

- Vâng. Tôi mới nói chuyện với con gái ông bà chiều nay.

- Điều đó không có gì liên quan đến chúng tôi, - bà vợ ngắt lời.

Ông chồng gắt lên:

- Đừng có ngu như thế! Tất nhiên là có liên quan chứ!

 

"Và đừng có nói rằng chị ta không phải là con gái của bà nhé, - tôi vừa nghĩ thầm vừa quan sát bà vợ - Đừng có nói gì cả. Để tôi tự đoán ra nào".

Tôi tiếp tục bình tĩnh nói:

- Khi được gọi đến trại giam lần thứ hai, tôi được ban giám đốc giao việc chuyển một bức thư vừa mới được gửi đến cho chị Giselle. Tôi chờ chị ta bình phục rồi mới làm việc đó.

 - Thư từ người ta gửi cho nó thì có gì liên quan đến chúng tôi? – Ông chồng cắm cảu. – Đó có phải là việc của chúng tôi đâu!

- Bức thư này không giống bình thường. Rất lạ là trong phong bì có lông người…Không có dòng chữ nào, không có bức thiếp nào, mà chỉ có lông, như lông ở bộ phận sinh dục…

Ông chồng giãy nảy người lên và như ngã ngửa về đằng sau. Còn bà vợ thì trợn mắt và hét lên:

- Sao lại thế? Sao lại có trò bẩn thỉu thế? Lông à? Lông gì? Lông… chứ gì?

- Thật ra thì… Theo ban giám đốc trại giam thì ngoài ông bà ra, không ai có thể gửi thư cho chị Giselle Leguerche. Trong mười năm ở tù, chị ấy không hề nhận được thư của ai khác ngoài thư do chính ông bà gửi.

- Con mẹ này nói gì vậy? – Bà vợ ngắt lời, mặt đỏ lên vì bực tức. – Nó nói gì vậy? Rằng chúng ta gửi những thứ bẩn thỉu ấy à?

 

- Vấn đề còn nghiêm trọng hơn, bà Leguerche ạ. Chị Giselle buộc tội ông bà đã giết con của chị ấy.

Ông chồng, cựu trung sĩ Leguerche, nói chen vào với giọng quả quyết:

- Tôi đã nói với bà là tôi không giết nó.

Trên mặt ông ta như có một mặt nạ thù hận làm cho nét mặt thay đổi hẳn đi. Việc ông ta cố gắng che giấu lòng căm thù đó lại còn làm vẻ mặt ông ta đáng sợ hơn nữa. Bà vợ nhìn ông ta sợ hãi:

- Ông đã nói thế à? Ông đã nói lúc nào?

Ông ta không trả lời. Tôi nhận thấy những đốt xương hằn trắng trên hai nắm tay nắm chặt để trên bàn, trông như hai cái chặn giấy nặng nề thời Liên Xô cũ. Tôi không rõ là điều gì làm ông ta tức giận đến như vậy, những lời trách móc của bà vợ hay bản thân ông ta tự trách mình đã để lọt thông tin ra ngoài, nhưng rõ ràng là ông ta sẵn sàng đập phá bất kỳ thứ gì.

Tôi cố tình đổ thêm chút dầu vào lửa:

- Ông bà đừng lo. Cho đến giờ thì chỉ có lời nói thôi chứ không có bằng chứng gì. Nhưng bức thư này có thể sẽ làm thay đổi mọi thứ…

 

 Trong bầu không khí lặng yên nặng nề, chỉ có tiếng đồng hồ tích tắc là còn nhắc chúng tôi rằng chúng tôi vẫn đang thuộc về thế giới người sống. Hai vợ chồng Leguerche giống như hai con khủng long bị lửa vây quanh và buộc phải cùng nhau đoàn kết. Họ nhận thấy nguy hiểm ở trước mặt, nhưng bất lực và hoàn toàn không làm chủ được tình hình.

- Lúc mở phong bì thì nó nói gì? – Ông chồng hỏi.

Giọng khàn khàn của ông ta phải khó khăn lắm mới thoát ra khỏi hai hàm răng nghiến chặt. Tôi nhanh nhẹn trả lời:

- Chị ấy nổi giận. Chị ấy vò nát phong bì và vứt đi, trong đó vẫn còn lông.

- Thế nó nghĩ rằng chúng tôi gửi à?

- Ai cũng nghĩ như vậy cả. – Tôi lịch sự trả lời. – Thậm chí cả bà giám thị trưởng ở nhà giam Fleury. Nhưng tôi xin nhắc lại với ông bà rằng đó không phải là một hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, với tư cách là bác sĩ tâm thần, tôi tự hỏi là điều này không biết có quan hệ gì với lời chị ấy buộc tội ông bà đã giết con mình hay không? Ông bà có hiểu điều tôi nói không?

Tôi vừa nói vừa theo dõi hai nắm tay như hai cái chặn giấy để trên bàn. Thái độ căng thẳng của ông chồng, cách ông ta nhìn tôi mà như không thấy tôi, tất cả đều cho thấy rằng ông ta sẽ nổ tung. Bà vợ cũng sẽ không chống chọi được lâu nữa.

Đó là thời điểm tôi chọn để hất đổ tách cà phê.

- Ôi, thôi chết!

Tôi đứng phắt dậy và làm đổ ghế rơi đánh uỳnh xuống sàn nhà. Hai người kia giật nảy mình. Cà phê đổ lênh láng trên mặt bàn phủ vécni và bắt đầu chảy thành dòng xuống sàn nhà. Bà Leguerche chạy vội vào bếp, còn tôi cũng tranh thủ chạy theo. Tôi đã nghĩ đến chuyện ông ta nổ tung, nhưng đã qua rồi. Trái lại, có thể nói rằng ông ta đã trở lại bình thường. Sự cố này đã kéo ông ta thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng và trở lại trạng thái bình thường.

 

Trong nhà bếp, bà vợ dường như sắp cho tôi một cái tát. Rất căng thẳng, bà ta giật lấy chiếc khăn lau từ tay tôi:

- Không sao.- Bà ta gầm lên - Cứ để đấy cho tôi.

Tôi bối rối xin lỗi rồi quay trở về phòng ăn. Gia đình Leguerche không còn quan trọng nữa. Tôi đã đạt được thứ mà tôi muốn. Chỉ còn có việc đi về thôi.

Trong bát ăn dành cho chó, lại một lần nữa, thức ăn đã không còn. Lần này không phải do Kiki ăn.

Ra khỏi nhà đó, tôi suýt nổi khùng vì phải thuyết phục bố mẹ tôi chăm sóc hộ con chó không phải của tôi. Thương thuyết kiểu này cần phải có đủ sự tế nhị, mà tôi thì không còn nữa. Chưa kể đến những chuyện tôi vừa phát hiện ra.

Nhà Leguerche đã giấu đứa con của con gái mình từ mười năm nay. Không ai biết về sự tồn tại của nó, thậm chí cả mẹ nó vẫn tưởng nó đã chết. Chắc chắn nó đã bị đối xử tàn tệ, cần phải cứu nó ra khỏi địa ngục này. Nhưng bằng cách nào đây?

Gọi cảnh sát, có nghĩa là rất nhiều khả năng khiến nó sẽ bị giết. Nhà Leguerche có lẽ ít bận tâm đến chuyện họ đã không coi nó là một con người. Đó không phải là những kẻ quá độc ác, những kẻ bạo lực, mà chỉ là những người Pháp lương thiện, vì muốn lẩn tránh tôi, đã làm hại thằng bé. Vì nó là con của một người Ả Rập chăng? Không. Leguerche đã thừa nhận có thể đã giết nó. Vậy thì tại sao?

Liệu Giselle có biết việc này không? Có phải là chị ta trốn tránh nỗi khiếp sợ này bằng cách giết người nữ giám thị? Tôi không nghĩ thế. Giselle thực sự nghĩ rằng đứa bé đã chết. Chắc chắn bởi lý do này mà họ đã gửi tóc trong phong bì để báo cho chị ta biết rằng đứa bé còn sống. Vậy sự bạo liệt trong phản ứng của chị ta đến từ đâu? Chị ta đã hy vọng thoát khỏi họ, bước ra khỏi cơn ác mộng, nhưng họ đã tìm ra cách này để chị ta nhớ lại hồi ức "tốt đẹp" của mình.

Làm sao đây? Tôi cần phải nói chuyện với Hugo. Tôi cần ý kiến của anh ấy để soi sáng mọi chuyện cho tôi. Tự nhiên tôi đi qua cầu Austerlitz, gần Bercy và theo đường bờ sông.

Tại sao nhà Leguerche bỗng nhiên có nhu cầu nói cho con gái họ biết rằng đứa bé còn sống? Có thể, có thể lắm. Tất cả đều nói lên rằng đã từ nhiều năm, chắc chắn là khoảng hơn mười năm, nhà Leguerche theo đuổi vụ trả thù có tính chất gia đình, trong đó đứa bé và hai người phụ nữ bị sát hại là con tin. Điều quan trọng là đạt được mục đích của họ và cái đích này là một trong số họ.

 

Ôm con Kiki vô tích sự bên sườn, đã năm phút, tôi đứng chờ trước cửa căn hộ của Hugo. Tôi biết là anh có nhà vì tôi nghe thấy nhạc của Doors ở bên trong. Tôi xúc động nhủ thầm rằng một người yêu thích Doors thì không thể hoàn toàn là người xấu. Bởi vì dường như anh không chờ tôi tới nên tôi phải bấm chuông cho đến khi anh ra mở cửa.

- Không ổn phải không?

Anh đứng trước mặt tôi, quần jean, toàn thân và chân để trần như mọi khi.

- Xin lỗi, em phải đợi mười phút đấy.

- Em chỉ cần gọi trước.

 

Chắc thế rồi. Mặc dù vậy, cũng chẳng mất thì giờ đến thế, việc tôi có gọi hay không cũng chẳng quan trọng chút nào.

Anh đứng trước tôi, tóc rối bù, có vẻ muốn đóng cửa lại.

- Em nghe này, anh rất tiếc. Anh đã có một ngày chủ nhật tồi tệ. Sau lễ tang Solange, mọi chuyện cứ rối tinh lên. Anh toàn ở Saint-Cloud.

Tôi mỉm cười và chợt nhớ là đã từng yêu anh. Tôi có chút thông cảm bởi anh chỉ khó chịu, bực mình với gia đình mình, bởi mắc vào chuyện cảm thấy có lỗi với ông anh trai.

- Em nghĩ nhiều về anh, - tôi nói và mỉm cười với anh - Thực tế thì, giữa hai chúng mình với nhau…

Đôi mắt anh lấp lánh, gần như ngoài ý muốn.

- Như thế nào?

Tôi cố giữ không ôm anh, anh biết điều đó và chúng tôi thấy vui vì chuyện ấy.

- Thực tế thì chẳng phải là không có gì. Em còn nhớ một kỷ niệm rất hay…

Chính lúc đó, một bóng người thấp thoáng ngay sau lưng anh, mái tóc nâu xõa trên vai, và chỉ có một chiếc khăn nhỏ quàng trên người, che không hết ngực và mông.

Đó là Sarah.

Ý nghĩ đầu tiên của tôi là đáng lẽ tôi phải nghi ngờ về điều cô ta không bao giờ từ bỏ. Ý nghĩ thứ hai là tôi tự hỏi chuyện này đã kéo dài bao lâu rồi.

- Xin chào Véra, - cô ta cất tiếng.

Và tôi, cũng với giọng ngọt xớt như thế:

- Ồ, chào Sarah.

- Lạ thật, cô làm phiền quá! - Hugo như lao vào Sarah.

Tôi dừng ngay anh ta lại:

- Nghe này, anh hãy làm những gì anh muốn. Em đâu phải đã mua anh ở một cửa hàng.

- Anh yêu, anh thấy chưa, - Cô ta nói, - em đã bảo với anh rằng đó là một cô gái đã trưởng thành.

Tôi tiếp tục, không thèm để ý đến sự can thiệp của Sarah:

- Anh Hugo, em cần anh giúp một việc, rất quan trọng.

Tôi ôm Kiki trong tay trước khi bước vào thang máy.

 

Chiều tối hôm đó, tôi không biết là tôi đã về nhà bằng cách nào, tôi cũng không biết là tôi có nằm trên giường không, tôi có ăn uống, khóc lóc và nôn mửa không nữa. Không quan trọng. Tôi nhớ là tôi cần phải gặp Hakim để nói với anh ta về những gì tôi phát hiện ra từ nhà Leguerche, cả từ bản thân tôi nữa, vì từ nay, anh ta là bạn của gia đình, bởi vì anh ta có thể hiểu tất cả. Nhưng Hakim đã biệt tăm tích, và như thế lại càng hay. Tôi có thể làm mọi chuyện linh tinh.

Bước ra khỏi nhà tắm, tôi nhìn vào gương và thấy mình thật đáng sợ. Đôi mắt thâm quầng dưới bờ mi sưng húp, da xám xịt, mái tóc đỏ hoe dính lấy hộp sọ, trông tôi thật gớm ghiếc. Chẳng ngạc nhiên khi nhà Markovich phát khiếp vì tôi.

Ngồi ở một chiếc bàn của nhà hàng Wepler, tôi chờ "bà mẹ" mà tôi đã không quên lời hẹn gặp. Tôi gọi khoai tây chiên vì món đó nhiều chất béo là thứ mà tôi đang cần.

Khoảng 15 giờ, nhà hàng vắng vẻ, đã qua giờ cao điểm. Một cách khó nhận thấy là nhịp độ phục vụ đã chậm dần lại. Từ chỗ ngồi ở cuối phòng, sau một chiếc cột, tôi có thể nhìn thấy mọi người đi vào khi nhìn trong gương. Nhưng chẳng có ai đến và tôi đã đợi được gần một tiếng đồng hồ. Đối với bất kỳ ai, bà Lili Markovich có thể sai hẹn, nhưng không phải với tôi. Tôi vẫn ngồi thoải mái sau cột.


Tôi không muốn động đậy, và nhất là không muốn động não tí nào.

 

- Bác sĩ Cabral phải không ạ?

Tôi ngạc nhiên nhìn anh phục vụ:

- Vâng.

- Có người gọi điện thoại cho chị.

Và chắc vì tôi có vẻ ngẩn ngơ như không hiểu tiếng Pháp, anh ta nói thêm:

- Cabin điện thoại ở tầng dưới.

Rõ ràng là chỉ có bà Lili Markovich mới có thể xử sự như thế được thôi! Ai mà lại đi gọi đến nhà hàng trong khi gọi thẳng vào điện thoại di động của tôi có phải tiện hơn không! Cái kiểu hơi cổ như thế mới sang hơn bao nhiêu chứ! Tôi đi xuống cầu thang hẹp dẫn xuống khu vệ sinh và vào cabin điện thoại, đóng cửa lại. Ống nghe điện thoại đã được để sang bên cạnh.

- Allô!

- …

- Allô! Tôi Véra Cabral đây.

- …

Không có tiếng trả lời. Tuy nhiên, tôi cảm thấy một hơi thở đủ để biết rằng người gọi điện cho tôi đang cầm máy. Trong đầu tôi lộn xộn một lô những điều rất triết lý và mỉa mai mà tôi có thể phun ra để làm ngạt thở người phía bên kia bằng trí thông mình siêu đẳng của tôi. Nhưng tôi đã trót ăn nhiều khoai tây rán quá. Tôi dập máy và mệt mỏi quay người mở cửa. Không được! Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi ý thức được rằng tôi bị nhốt trong một khoảng không chật hẹp rất giống với một quan tài. Việc cabin lát ván gỗ và hoàn toàn không có lỗ thông hơi nào càng làm cho cảm giác này có vẻ thật hơn. Tôi cố quay tay cầm, tôi đập cửa, rồi đá vào cửa. Thế nào cũng có người đi vệ sinh sẽ nghe thấy tôi gọi. Nhưng nhà hàng gần như không có khách lúc tôi đi xuống đây. Tôi sẽ còn bị nhốt trong này bao nhiêu thời gian nữa? Khoảng không giữa sàn nhà và trần nhà chỉ đủ ôxy cho tôi thở trong một thời gian ngắn nữa thôi. Tôi đá vào cửa, tôi gọi, tôi hét lên, rồi lại đập cửa. Mồ hôi chảy ròng ròng. Cuối cùng tôi ngã ngồi xuống sàn. Ai đã làm trò này? Bất kỳ ai cũng có thể theo dõi tôi ngồi trong phòng và gọi cho nhà hàng từ máy điện thoại di động cá nhân. Thật dễ như trò trẻ con! Anh ta, hoặc cô ta, chỉ cần chờ tôi đi xuống rồi bí mật đi theo và khóa trái cửa lại. Đó chỉ có thể là Fabrice mà thôi. Ngoài anh ta ra thì không ai có thể biết là tôi có hẹn ở đây. Việc nhận diện kẻ đã làm việc đó giúp tôi tỉnh táo lại. Đó chắc chắn là một cách anh ta nghĩ ra để dọa tôi. Rõ ràng đó là phương pháp của anh ta.

 Tôi thầm chửi rủa anh ta bằng đủ các từ và tiếp tục
đập cửa. Gần như ngay lập tức, có người đến và tôi được giải thoát.

 

Một cơn mưa bụi trút xuống đại lộ Clichy. Tôi thở thật sâu thứ không khí ẩm ướt và ô nhiễm. Sự kiện lúc nãy thế là kết thúc. Tôi không nghĩ là bà Lili Markovich lại có vai trò gì trong việc này. Fabrice chắc là đã nói với bà ta rằng anh ta sẽ đến gặp tôi vì anh ta muốn nói chuyện với tôi. Chỉ còn vài ngày nữa thôi. Tôi sẽ kể hết cho thẩm phán và luật sư của anh ta. Tôi sẽ đi kiện nếu cần. Đã đến lúc phải có người cho anh ta một bài học để anh ta hiểu rằng anh ta không phải là Thượng đế.

- Anh Hakim!

Anh ta quay lại, vẻ thật sự ngạc nhiên. Sau lưng anh ta là xe ôtô của tôi: kính nổ tung, bánh xe xẹp gí. Tôi mở miệng nhưng không thốt ra được câu nào. Tôi không tin nổi mắt mình.

- Rất tiếc! - Anh ta nói. - Lúc tôi đến nơi thì đã quá muộn.

Tôi muốn ngồi xuống chỗ nào đó. Tôi mở cửa xe nhưng Hakim giữ tôi lại.

- Cẩn thận, có kính vỡ khắp nơi đấy.

Tôi hỏi, giọng chua như dấm:

- Anh đến đây làm gì?

Mà nếu là anh ta thì sao? Tôi biết là anh ta theo dõi tôi từ lâu, 24 tiếng trên 24. Ai có thể tàng hình như anh ta đến nỗi tôi không phát hiện được ra? Ai có thể làm trò này được? Fabrice chỉ là một tên vũ phu. Còn anh ta mới là chuyên nghiệp. Anh ta đã kịp làm thân với cả gia đình tôi, cái thái độ hòa nhã, thân thiện của anh ta, đó chỉ là
những lớp mặt nạ mà thôi. Người này là ai? Mục đích của anh ta là gì?

Nhưng tôi chỉ có thể nói được mỗi một câu:

- Anh đi đi.

Anh ta có vẻ cứng nhắc:

- Tôi đã gọi điện cho cảnh sát. Họ sẽ đến bây giờ.

 - Anh gọi điện cho cảnh sát mà không gọi cho tôi à?

Tôi biết là anh ta có số di động của tôi, mặc dù tôi chưa bao giờ cho anh ta.

- Tôi đang định gọi thì cô ra.

Rất tình cờ!

- Anh tưởng là tôi sẽ còn bị nhốt hàng giờ nữa chứ gì?

- Bị nhốt ở đâu?

- Ở chỗ mà anh khóa trái ấy. Trong cabin điện thoại.

Nhìn cái vẻ anh ta quan sát tôi thì tôi cảm thấy rõ ràng là tình hình đã thay đổi rồi. Đôi mắt anh ta dường như là hai lỗ đen, còn khuôn mặt thì như một cành cây khô.

Anh ta hỏi lại bằng một giọng gần như thì thầm mà tôi phải rất cố gắng mới nghe được:

- Tôi nhốt cô trong một cabin điện thoại ấy à?

- Tôi biết là chỉ có anh thôi. Những cú điện thoại vô danh, kiểu hành hạ tinh thần như thế thì chỉ có anh thôi.

- Thế thì tôi đi đây.

Tôi cố nặn ra một nụ cười:

- Anh còn muốn gì nữa nào? Anh thấy tôi không cho anh đủ thông tin chứ gì? Tôi không giúp anh giải quyết công việc nhanh hơn à? Tôi không phải là con tốt mà anh đã tưởng nhầm chứ gì?

Nhưng anh ta không nghe thấy những lời tôi nói. Anh ta đã bỏ đi. Ở chỗ anh ta vừa đứng, hai cảnh sát mặc quân phục vừa nhảy từ xe đạp xuống.

 

Một nhân viên mặc đồng phục chờ tôi trước cửa khách sạn bốn sao, một tòa nhà chín tầng nghễu nghện ở phía bên kia đại lộ ngoại vi. Monique, bà thư ký điều hành mới, gọi cho tôi khi tôi đang ngồi ở đồn cảnh sát. Xong việc tôi đi ngay đến đó mà không rẽ qua Trung tâm, cũng không có thời gian giải quyết vụ xe ôtô. Trên đường đi như chạy theo người nhân viên qua phòng chờ khách sạn, tôi tự hỏi làm sao lại có người chọn loại khách sạn này? Dường như để trả lời cho câu hỏi của tôi, một loạt khách du lịch nhìn chúng tôi chạy qua với vẻ lo lắng. Theo tôi hiểu thì ở đây hầu hết là khách nước ngoài, nhất là người Mỹ.

- Mời được họ đến đây đã là khó, thế mà lại làm họ sợ nữa thì... - anh nhân viên tâm sự, vẻ rầu rĩ.

 

Cứ theo như anh ta nói thì khách du lịch Mỹ cũng nhút nhát như con gái mới lớn.

Thang máy dừng lại trước nhà hàng ở trên sân thượng, tầng cuối cùng. Khắp nơi trải thảm thật dày, có cảm tưởng như bước vào thì ngập đến mắt cá chân. Chắc là để cho mấy ông bà người Mỹ ngã khỏi đau. Cảnh sát đứng đầy.

Một người gầy gầy, yết hầu lộ rõ, siết tay tôi chặt đến nỗi tôi tự hỏi ông ta sẽ làm gì với đống xương tay tôi sau khi bắt tay. Đó là ông giám đốc khách sạn. Ông ta nói ngay, không để cho trung úy chỉ huy kịp chào tôi:

- Đó là một khách hàng quen, một người rất tử tế, đại diện cho hãng Mercedes ở Mans. Ông ấy thường xuyên phải đến Paris.

Tôi quay lại hỏi trung úy:

- Anh có thể nói cho tôi biết tình hình được không?

Anh trung úy chỉ cho tôi thấy một đôi đang ngồi ở bàn ăn trải khăn trắng có dao dĩa bằng bạc. Các bàn khác đều trống trơn, nhân viên phục vụ đứng xếp hàng ở phía cuối phòng. Trông như một trường quay khi các diễn viên đã vào vị trí và chỉ còn chờ lệnh "Máy quay!". Nhưng có điều khác là ở đây có mùi vị của sợ hãi.

- Nhân vật có vấn đề là một khách hàng của khách sạn, - anh trung úy bắt đầu tóm tắt tình hình cho tôi biết. - Ông ta có vẻ khá quen cô gái làm trong khách sạn ở bộ phận dọn buồng từ hai năm nay. Có thể là ông ta đã hành hung cô ta, hoặc có thể có chuyện gì đó giữa hai người mà kết thúc không được ổn thỏa. Vấn đề là cô ta chạy ra khỏi phòng kêu cứu trong tình trạng gần như không có gì trên người. Theo những người làm chứng thì ông ta chạy theo và đuổi kịp cô gái trong thang máy.

- Chị có tưởng tượng được không, - ông giám đốc thốt lên. - Có cả khách hàng người Mỹ của tôi nữa!

Tôi lấy làm tiếc cho người Bỉ và người Serbo-Croate. Đối với họ thì chẳng cần che đậy gì. Tôi và anh trung úy cùng nhìn ông giám đốc với một vẻ lạnh lùng. Rồi anh trung úy tiếp tục:

- Họ khóa trái cửa thang máy và làm nốt việc mà họ đã bắt đầu ở trong phòng.

- Ấy, anh đang nói về một vụ hiếp dâm...

- Chúng tôi không chắc một trăm phần trăm, - anh trung úy phản đối.

- Thế ngay trước đó cô ta không kêu cứu à?

- Có, nhưng ông ta có vẻ như quen biết cô ta thật. Có thể là cô ta đã hứa hẹn gì đó để kiếm thêm và ông ta đã tưởng thật.

- Thế chẳng lẽ cô ta không có quyền thay đổi ý kiến à?

Chúng tôi nhìn nhau. Tôi phải cố gắng lắm mới nhớ lại được rằng tôi đến đ 2af8 y không phải để cãi nhau với anh ta. Đối với anh ta thì đó là chuyện bình thường. Hoặc là hơi bình thường. Hoặc chỉ đơn giản là hơi gì đó.

Tôi tiếp tục một cách nhẫn nại:

- Có ai thấy họ ra khỏi thang máy hay không?

- Có chứ! - Ông giám đốc kêu lên. - Họ vào nhà hàng, rất ồn ào... Ai cũng có thể thấy được là họ vừa làm tình xong!

Tôi nghi ngờ là ông giám đốc cố tình kể như vậy để sau đó sẽ thương lượng số tiền mà khách sạn sẽ phải trả cho cô phục vụ đáng thương.

Tôi hỏi lại:

- Như vậy là ông ta vào nhà hàng cùng với cô phục vụ mà ông ta vừa hãm hiếp à?

Ông giám đốc nuốt nước bọt, yết hầu chạy lên chạy xuống, rồi trả lời:

- Ông ta chĩa súng vào anh phụ trách nhà hàng và nói rằng ông ta muốn ăn tối cùng với vợ chưa cưới. Thật may là lúc đó cũng không có nhiều người và không ai muốn ngồi lại.

- Ông ta thường đến khách sạn à?

- Vâng, từ sáu tháng nay.

- Ông ta có nói chuyện với nhân viên phục vụ không? Ông ta có vẻ dễ tính không? Có thưởng tiền không?

- Đó là một khách hàng lịch sự, nhã nhặn, tối nào cũng ăn ở nhà hàng của khách sạn. Hoàn toàn không phải là loại người đi uống rượu say ở quán bar, hoặc đưa gái điếm vào phòng. Không, - ông giám đốc vừa nói vừa lắc đầu cương quyết. - Chắc chắn là cô kia phải làm gì đó thì ông ta mới như vậy được!

- Thế bây giờ thì họ đang làm gì?

 - Ông ta đòi phải có một cha cố và một người đại diện chính quyền. Ông ta có ý định cưới cô ta. Quả thật là tôi nghĩ rằng ông ta không được bình thường cho lắm.

Bây giờ không phải là lúc suy nghĩ lâu la. Nạn nhân thấy là cảnh sát đã đến, nhưng không có ai đến cứu cô ta, chỉ như thế cũng đủ để cô ta mất hết tinh thần. Trong hoàn cảnh này thì không thể dùng bạo lực được. Phải nói chuyện thôi.

 

Tôi đi xuyên qua phòng ăn để đến gần bàn nơi ông khách hàng đang ngồi với "vợ chưa cưới".

Ông ta đang tìm cách thuyết phục cô ta gì đó vì ông ta nói nhỏ với một giọng hăng hái. Cô ta cúi đầu xuống chiếc đĩa để trước mặt, mấy lọn tóc vàng dài phủ một phần khuôn mặt. Từ chỗ tôi đứng nhìn ra thì cô ta có vẻ dễ thương, nhưng chỉ thế mà thôi.

-Ông Cabesco à!

- Chị là nhân viên tòa thị chính à?

- Không, tôi là bác sĩ Cabral.

Ngược lại với điều tôi tưởng, ông ta mỉm cười. Cà vạt xộc xệch thõng thượt trên áo sơmi kẻ sọc màu xanh trắng.

- Thôi, - ông ta nói vẻ xảo trá, - Chị cứ nói thật đi. Người ta không làm gì chị đâu.

Ông ta sờ vào nòng khẩu súng lục để trên bàn bên cạnh đĩa và nói thêm, vẻ rất hài lòng:

- Tôi xử lý chúng rồi.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với bàn của họ.

- Tôi có một tin buồn, ông Cabesco à. - Tôi vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt ông ta. - Vợ chưa cưới của ông không được khỏe lắm đâu.

Ông ta quay lại phía cô gái, vẻ ngạc nhiên:

- Nadège à? Nadège không khỏe à?

Cô gái đáng thương mếu máo nói:

- Tôi xin bà, bà giúp tôi đi. Tôi sẽ không nói gì cả, tôi chỉ muốn ông ta thả tôi ra thôi.

Tôi đặt tay tôi lên tay cô gái, trong một giây thôi.

- Ô này! Không được thế nhé!

Kẻ đã hành hung cô gái, với chiều cao1m90, khó chịu vì có người đã chạm đến của cải của mình. Tôi tiếp tục nói và nhắc lại tên ông ta, như là chúng tôi là người quen từ lâu rồi:

 - Ông Cabesco này, tôi không làm đám cưới cho ông được đâu. Nhất là khi ông có vũ khí thế này.

Trong mắt ông ta thoáng một vẻ nghi ngờ:

- Thế là làm sao? Chị ở phía bọn nó à?

Tôi lắc đầu buồn bã:

- Nadège còn chưa sẵn sàng... ông cũng thấy đấy...

Ông ta nhanh nhẹn vồ lấy súng và chĩa nòng vào thái dương cô gái đang sợ đến cứng người.

- Thế như thế này thì có được không?

- Ông Cabesco à, - tôi nói vẻ chê trách, – Chẳng nhẽ chúng ta không nói chuyện được với nhau à? Ông đừng phật lòng! Thôi ông bỏ cái kia xuống đi. Ông quen cô Nadège từ bao giờ?

- Từ sáu tháng rồi. Khi cô ấy cho tôi biết rằng cô ấy yêu thầm tôi...

Cô gái lắc đầu và nhìn tôi với vẻ van xin. Tôi rất muốn nói với cô rằng tôi biết rõ là cô chưa bao giờ yêu người này, thậm chí cô chưa bao giờ để ý đến ông ta. Trong trường hợp này thì bệnh điên đã ngấm ngầm từ lâu, đến khi bộc lộ ra ngoài thì gần như quá muộn.

 

Ông ta càng ngày càng hưng phấn và hạ dần nòng súng xuống:

- Mỗi khi tôi đến thì cô ấy chỉ chăm sóc tôi thôi! Ôi, nếu chị mà thấy cô ấy mắt rực lửa! Nếu chị mà thấy cô ấy đi lại uyển chuyển như thế nào! Chắc chắn là chị sẽ hiểu ngay rằng cô ấy đã rất có ấn tượng khi gặp tôi.

- Ông có nói chuyện với cô ấy không?

- Để làm gì cơ chứ? Mọi việc rõ như ban ngày ấy! Cô ấy điếm lắm, chỉ nhớ đến tôi thôi!

Thế là rõ rồi. Thật ra ông ta mới là người chỉ nghĩ về
cô ấy.

- Ông Cabesco này, nếu cô ấy mà là điếm thì làm sao ông lại có ý định cưới cô ấy được, chẳng giống tí nào!

 

Thôi chết rồi! Tôi đã gọi đối tượng thờ phụng của ông ta là "điếm". Trông vẻ ông ta nhìn tôi, tôi cảm thấy máu tôi đang chảy ngược lên và tìm chỗ trốn ở đâu đó thật sâu.

 - Chị có biết tôi đã làm gì sáng nay, trước khi đến đây không? - Ông ta gào lên. - Chị có biết tôi đã làm gì cho cô ấy không? Cô ấy đã đề nghị và tôi đã đồng ý cho dù phải trả bất kỳ giá nào đi chăng nữa.

- Nhưng tôi có đòi hỏi gì đâu! - Cô gái kêu lên. - Tôi chưa bao giờ nói gì với ông ta cả!

- Tôi biết. - Tôi nói và cố gắng mỉm cười để trấn an cô gái. - Nhưng cô cứ để ông Cabesco trình bày.

Có nghĩa là: Nếu cô không muốn ông ta giết cả hai chúng ta. Rất may là trong lúc lên cơn như thế, ông ta không để ý đến câu cô ta vừa nói.

- Chị có biết tôi đã làm gì không? Tôi đã bỏ vợ và con! Đó có phải là một bằng chứng của tình yêu hay không? Đó có phải là điều không tưởng tượng nổi không?

Ở mức độ này thì tôi sẵn sàng tin bất kỳ điều gì. Tôi không chịu được nữa, bèn đứng phắt lên:

- Ông Cabesco này, ở đây có nhiều người quá. Người ta sẽ không bao giờ chấp nhận làm đám cưới cho ông. Ông đi với tôi, chúng ta sẽ xem có cách giải quyết nào không.

- Chị có lý. - Ông ta bảo.

Rồi như một người uống nốt ly rượu trước khi rời khỏi bàn ăn, ông ta xả cả băng đạn vào cô gái.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/88973


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận