Không có chuyện hoãn, ngày cưới vẫn đang tiến gần lại, mọi việc chuẩn bị đã xong cả. Ít nhất tôi cũng chẳng còn việc gì phải làm nữa, hòm xiểng đã đóng khóa và chằng buộc cả, xếp một hàng dọc theo bức tường trong căn buồng của tôi; ngày mai vào giờ này, chắc là chúng đã ở xa, trên con đường đi Luân Đôn rồi, và cả tôi nữa (nếu như đó là ý Chúa)... hoặc đúng hơn, không phải tôi, mà là một bà Jên Rôchextơ, một con người mà tôi tuy thế cũng chưa hề biết. Chỉ còn việc dán những danh thiếp lên mặt hòm nữa thôi, bốn mảnh giấy còn nằm trơ trong ngăn kéo. Ông Rôchextơ đã tự tay viết địa chỉ lên mỗi mảnh: "Bà Rôchextơ, khách sạn... Luân Đôn". Tôi không sao quyết định được tự mình dán, hay sai người dán những danh thiếp ấy. Bà Rôchextơ! Đã làm gì có bà ấy. Phải đến sáng mai, vào quãng sau tám giờ, bà ấy mới ra đời và tôi muốn đợi đến khi biết chắc bà ấy đã có mặt trên đời này, sống hẳn hoi, rồi mới dám trao cho bà chỗ tài sản này. Trong cái tủ đằng kia, đối diện với bàn trang điểm của tôi, những y phục gọi là của bà ấy đã thay thế cho bộ áo vải đen mặc ở Lôut và chiếc mũ rơm của tôi, thế là quá lắm rồi, bởi vì bộ áo cưới ấy đâu phải của tôi, cả cái áo màu ngọc trai, cái khăn voan mỏng như hơi sương, treo ở giá áo mới bị bà ấy chiếm đoạt. Tôi đóng tủ lại, che khuất bộ trang phục xa lạ, giống như cái bóng ma, đang tỏa ra một ánh sáng lờ mờ, cực kỳ ma quái, qua bóng tối của gian buồng, lúc ấy vào khoảng chín giờ. Tôi nói: "Thôi, ta để mặc mi ở đấy một mình, giấc mơ trắng ạ. Ta đang phát sốt lên đây. Nghe có tiếng gió thổi, ta phải ra ngoài hóng gió một chút mới được.
Chẳng phải vì công việc chuẩn bị vội vã mà tôi phát sốt, cũng chẳng phải chỉ vì ngóng đợi sự thay đổi lớn sắp đến - tức là cuộc đời mới phải bắt đầu từ ngày mai, tất nhiên hai điều đó có dự phần làm cho tôi xúc động, bồi hồi, khiến tôi phải đi vội ra ngoài trời tối trong lúc khuya khoắt này; nhưng có một nguyên nhân thứ ba ảnh hưởng đến tâm trí tôi nhiều hơn cả.
Trong lòng tôi, có một nỗi lo âu kỳ lạ. Một việc gì đó đã xảy ra, mà tôi không thể hiểu được; ngoài tôi ra không có ai được biết hay chứng kiến sự việc ấy; nó xảy ra vào đêm hôm trước. Đêm ấy ông Rôchextơ vắng nhà; mà tới bây giờ cũng chưa thấy về, ông có việc phải đi thu xếp ở cách đây chừng ba mươi dặm, nơi đó ông có hai, ba cái trại; công việc đòi hỏi phải đích thân giải quyết, trước khi ông rời nước Anh như đã dự tính. Tôi đang chờ ông về, nóng lòng muốn trút bỏ nỗi lo âu và nhờ ông giải thích cái việc kỳ quặc làm tôi bối rối. Bạn đọc, xin bạn hãy chờ tới khi ông về, và khi tôi nói điều bí mật ra cho ông rõ, thì rồi bạn cũng sẽ được biết.
Tôi ra vườn quả, kiếm chỗ tránh gió; suốt ngày gió mạnh không ngớt thổi từ phương Nam tới, mà chẳng có một giọt mưa nào. Đáng lẽ gần tối gió phải ngớt đi, vậy mà dường như nó lại càng thổi dữ và gầm rít hơn. Cây cối quay cuồng mà cứ ngả rạp về một phía, hàng giờ liền rồi mới đứng ngay lại một chốc; chiều gió liên tục uốn các ngọn và cành cây về hướng bắc. Từng đám mây lớn ùn ùn nối tiếp nhau vùn vụt bay qua bầu trời. Tuy là một ngày tháng bảy mà không có lấy một mảnh trời xanh nào xuất hiện.
Với một niềm vui thú man rợn, tôi chạy ngược chiều gió, trút bỏ nỗi lo âu trong những đợt cuồng phong đang gào thét qua không gian. Đi hết con đường trồng nguyệt quế, tôi đến trước cây dẻ tang thương. Nó đứng sừng sững, đen sì và tả tơi, thân cây bị chẻ đôi đến tận lõi, há hốc ra một cách gớm ghiếc. Hai mảnh thân chưa rời hẳn nhau vì gốc vững chắc và những rễ rất khỏe đã giữ cho thân cây không bị tách ở phía dưới, tuy nguồn cung cấp sinh lực cho chúng ta đã bị hủy diệt - nhựa không còn chảy ra được nữa; cành lá sum suê ở hai bên đều khô héo cả, và các trận bão mùa đông sắp tới chắc sẽ quật đổ một hay cả hai mảnh thân kia xuống đất, tuy vậy, lúc này hai mảnh đó vẫn hợp thành một cái cây... Một cảnh đổ nát, nhưng là một cảnh đổ nát toàn vẹn.
"Các ngươi bám chặt lấy nhau là phải", tôi nói dường như hai mảnh cây quỷ quái kia là những vật sống, có thể nghe được lời tôi - "Ta nghĩ dù các ngươi có bị hủy hoại, thiêu sém như hiện nay, trong thân các ngươi hẳn cũng còn một chút cảm giác của sự sống, vì các ngươi vẫn gắn bó với những rễ trung thành và chân thực; các ngươi sẽ không bao giờ còn có lá xanh, không bao giờ còn nhìn thấy chim đến làm tổ và hót véo von những bản tình ca trên cành của các ngươi nữa, đối với các ngươi, thời kỳ yêu đương và hạnh phúc đã qua rồi; nhưng các ngươi không hiu quạnh, vì các ngươi vẫn có nhau làm bầu bạn chia sẻ nỗi niềm trong những ngày tàn tạ". Lúc tôi ngước nhìn lên thì mặt trăng thoáng hiện trong mảnh trời giữa kẽ nứt của thân cây bị chẻ đôi; vầng trăng tròn đỏ như máu, một nửa bị mây che khuất; hình như chị Hằng đang nhìn tôi bằng con mắt sầu thảm, ngơ ngác, rồi lập tức lại ẩn mình vào những đợt mây dày đặc. Trong một lát, trời bỗng lặng gió quanh Thornơfin, nhưng xa xa trên cánh rừng và những con suối, vẫn còn văng vẳng tiếng gió than vãn man rợ và sầu thảm, nghe buồn bã làm sao, tôi lại vội chạy đi.
Tôi đi thơ thẩn khắp vườn, nhặt những quả táo rụng đầy trên mặt cỏ quanh gốc cây, rồi tôi chọn những quả chín, mang vào nhà, cất trong buồng kho. Sau đó tôi về phòng đọc sách xem lò sưởi đã đốt lửa chưa, vì do đang mùa hè, tôi biết vào những buổi u ám như thế này, ông Rôchextơ ưa thấy có ánh lửa vui mắt khi ông trở về, lò sưởi đã được nhóm từ lúc nãy và đang cháy lên rừng rực. Tôi đặt cái ghế bành của ông bên cạnh lò sưởi, đẩy cái bàn lại gần, buông màn xuống đem sẵn nến vào để đợi thắp. Lúc đã sắp đặt mọi thứ xong xuôi, tôi lại càng cảm thấy bứt rứt hơn bao giờ hết, thậm chí không thể ngồi yên, mà cũng không ở lại trong nhà được nữa. Một cái đồng hồ nhỏ để trong buồng và chiếc đồng hồ cổ lỗ sĩ ở phòng lớn đồng thời cùng điểm mười tiếng.
- Khuya quá rồi! - Tôi tự nhủ. Mình phải chạy ra cổng; có ánh trăng chiếu sáng từng lúc, mình có thể nhìn xa trên đường. Có thể ông ấy về bây giờ, mình ra đón, đỡ được mấy phút chờ đợi".
Gió gầm thét trong những lùm cây cao bao quanh cổng chính; nhưng nhìn xa cả bên phải lẫn trái, tôi thấy con đường hoàn toàn vắng lặng, trừ những lúc có một vài bóng mây lướt qua mặt trăng, đường chỉ là một vệt dài mờ xám, không một chấm nhỏ nào di động.
Một giọt lệ trẻ thơ làm mờ mắt tôi trong khi nhìn, tôi khóc vì thất vọng và sốt ruột. Xấu hổ vì thế tôi vội lau nước mắt. Tôi còn nấn ná một lát, chị Hằng đã ẩn kín trong căn buồng của nàng và đã buông tấm màn dày đặc xuống, đêm càng tối, mưa ập đến mỗi lúc một to.
"Ước gì ông ấy về nhỉ! Ước gì ông ấy về nhỉ!", tôi thốt lên, bị một linh cảm buồn rầu đột ngột xâm chiếm. Tôi chờ đợi ông về từ trước giờ uống trà, thế mà bây giờ đã tối mịt... Không biết có việc gì giữ ông lại? Hay là có tai nạn gì xảy ra? Sự việc đêm qua trở lại ám ảnh tôi, tôi cho đó là điềm báo trước tai họa. Tôi sợ hy vọng của tôi tươi sáng quá, khó mà thực hiện được, và trong những ngày gần đây tôi đã hưởng quá nhiều hạnh phúc nên tưởng tượng vận may của tôi đã đến tuyệt đỉnh, bây giờ phải tàn lụi đi thôi.
"Ừ, mình không thể trở vào trong nhà được, tôi nghĩ thầm mình không thể ngồi cạnh lò sưởi trong khi ông ấy còn phải ở ngoài trời mưa gió thế này; thà chịu mỏi chân còn hơn để cho lòng day dứt. Mình phải đi đón ông ấy mới được".
Tôi lên đường, chân rảo bước, nhưng không phải đi xa, chưa đến một phần tư dặm, tôi đã nghe thấy tiếng vó ngựa, một người đang phóng ngựa nước đại tiến lại, một con chó chạy theo bên cạnh. Thế là mọi linh cảm đen tối tiêu tan! Đúng là Rôchextơ rồi, ông ấy đây, cưỡi Mexrua, con Pilôt chạy theo. Ông trông thấy tôi, vì lúc đó mặt trăng đã ló ra trong một khoảng xanh trên nền trời, chan hòa ánh sáng, ông giơ mũ, vung lên quanh đầu. Tôi chạy lại đón ông.
- Nào! - Ông kêu lên và cúi xuống giơ cánh tay ra, - em không có tôi là không xong, điều đó thật rõ nhé. Đặt chân lên mũi giày tôi, rồi đưa cả hai tay đây, nào nhảy lên!".
Tôi vâng lời, sự vui mừng làm cho tôi lanh lẹn; tôi nhảy lên ngồi trước mặt ông. Thay cho lời chào đón, tôi nhận được một cái hôn nồng nàn với đôi chút khoe khoang đắc thắng của ông mà tôi cố tận hưởng, ông kìm hãm niềm vui bồng bột lại hỏi tôi: "Nhưng có việc gì thế, hả Jên, mà em phải đi đón tôi vào giờ này, có chuyện gì không hay sao".
- Không, nhưng em tưởng ông không bao giờ về nữa; cứ ngồi trong nhà mà chờ đợi, em không sao chịu nổi, nhất là trời lại mưa gió thế này.
- Ừ mưa gió, thật nhỉ! Em ướt như một nàng tiên cá ấy, em hãy kéo vạt áo choàng của tôi mà quấn vào người, nhưng tôi thấy hình như em sốt đấy, Jên ạ! Má và tay nóng như lửa. Tôi hỏi lại em, có chuyện gì thế vậy?
- Bây giờ thì chẳng có chuyện gì, em không sợ hãi khổ sở nữa.
- Nghĩa là lúc này thì em khổ sở và sợ hãi chứ gì?
- Cũng gần như thế, nhưng để lát nữa em sẽ kể ông nghe mọi chuyện. Em chắc thế nào ông cũng lại cười giễu nỗi lo sợ của em thôi.
- Hết ngày mai tôi mới tha hồ được cười em, từ giờ đến lúc ấy thì chưa dám, vật báu đã nắm chắc được đâu, có phải là em đây không, con người cứ lẩn tránh tôi như trạch và sắc cạnh như một đóa hồng gai suốt tháng vừa qua? Chạm vào chỗ nào ngón tay tôi cũng bị gai đâm; vậy mà bây giờ tôi thấy như mình đã ôm được con cừu non lạc lõng trong tay rồi. Em đi lang thang ra khỏi chuồng để tìm gã chăn cừu có phải không Jên?
- Em đang cần có ông, nhưng ông đừng huyênh hoang. Ta đã về với Thornơfin, thôi để em xuống.
Ông Rôchextơ đặt tôi xuống đất. Bác Jôn ra dắt ngựa, ông theo tôi vào phòng lớn, bảo tôi mau đi thay quần áo khô, rồi đến gặp ông ở phòng đọc sách, tôi sắp bước lên cầu thang, ông còn giữ tôi lại, bắt tôi hứa không để ông phải đợi lâu. Nhưng tôi cũng không chậm, năm phút sau, tôi đã trở lại với ông, thấy ông đang ngồi ăn tối.
- Em ngồi vào ghế ăn cùng với tôi, Jên. Lạy Chúa, sau bữa ăn này em sẽ chỉ còn ăn một bữa ở đây thôi, trước khi rời Thornơfin một thời gian lâu.
Tôi ngồi xuống bên ông, nhưng nói rằng không thể ăn được.
- Có phải là vì dự định sắp đi xa không, Jên? Ý nghĩ đi Luân Đôn làm em không thiết ăn uống chứ gì?
- Tối nay em không nhìn rõ được những dự định của em và em cũng khó biết em đang nghĩ gì trong đầu óc, mọi sự trên đời hình như là mộng ảo cả.
- Trừ tôi ra, tôi thì tương đối là có thật đấy chứ? Mó vào tôi mà xem.
- Chính ông mới lại giống một bóng ma hư ảo nhất, ông chỉ là một giấc mơ thôi.
Ông cười, chìa bàn tay ra;
- Đây có phải là giấc mơ không? - Ông đặt bàn tay sát mắt tôi, một bàn tay mập mạp, gân guốc và rắn chắc, cũng như cánh tay ông dài và khỏe.
- Vâng, tuy em mó vào nó, nhưng nó vẫn là một giấc mơ! Tôi vừa nói vừa kéo tay ông xuống. - ông đã ăn xong chưa?
- Xong rồi, Jên ạ.
Tôi rung chuông, sai dọn khay ăn đi. Khi chỉ còn lại hai chúng tôi, tôi kều lửa, ngồi xuống một cái ghế thấp bên chân ông. Tôi nói:
- Gần nửa đêm rồi.
- Phải, nhưng Jên ạ, em nhớ rằng, em đã hứa sẽ thức với tôi suốt đêm trước hôm tôi cưới vợ đấy.
- Có thể, và em sẽ giữ lời hứa, ít nhất cũng thức với ông một hai tiếng đồng hồ, em chẳng muốn đi ngủ.
- Em sửa soạn xong xuôi cả rồi chứ?
- Thưa ông, xong cả rồi.
- Phần tôi, cũng thế, - ông đáp, - Tôi đã thu xếp mọi việc đâu vào đấy. Ngày mai, chúng ta sẽ rời Thornơfin khoảng nửa giờ sau khi ở nhà thờ về.
- Xin vâng.
- Jên ạ, em nói câu "xin vâng" với một nụ cười kỳ lạ làm sao! Đôi má em ửng đỏ hẳn lên, mắt em long lanh khác thường! Em có dễ chịu không?
- Em tin là dễ chịu...
- Tin là! Có chuyện gì vậy? Cho tôi biết em cảm thấy thế nào?
- Thưa ông, em không thể nói lên những gì em cảm thấy. Em chỉ mong giờ phút này không bao giờ hết, ai biết được giờ phút sau số mệnh sẽ dành cho ta những gì?
- Jên, em lại mua sầu chuốc não rồi, em đã bị xúc động hay mỏi mệt quá đấy.
- Thưa ông, ông có cảm thấy bình thản và hạnh phúc không?
- Bình thản à? Không! Còn hạnh phúc thì... tràn ngập tâm hồn.
- Tôi ngước nhìn ông để đọc những dấu hiệu của hạnh phúc in trên nét mặt, vẻ mặt ông say sưa và ửng đỏ.
- Hãy nói cho tôi biết đi, Jên, hãy thổ lộ cùng tôi để trút bỏ mọi nỗi ưu tư đè nặng tâm hồn. Em sợ gì vậy? Sợ tôi không phải là người chồng tốt chăng?
- Điều ấy, em không hề nghĩ tới.
- Hay em e ngại cái thế giới mới em sắp sửa bước vào, ngại cuộc đời em sẽ sống?
- Không!
- Em làm tôi rối trí, Jên ạ! Cái nhìn và giọng nói của em có cái gì táo bạo và sầu thảm làm tôi phân vân và đau khổ? Tôi muốn được giải thích.
- Thế thì xin ông nghe đây. Đêm qua ông không có nhà.
- Phải, tôi biết rồi. Và lúc nãy em nói tới một việc gì đã xảy ra trong lúc tôi vắng mặt, có lẽ không có gì nghiêm trọng, nhưng rút cục nó đã làm cho em bận tâm. Nào, em hãy kể cho tôi nghe. Có lẽ bà Fefăc đã nói gì chăng? Hoặc em nghe thấy họ bàn tán gì, khiến tính tự trọng tế nhị của em bị tổn thương?
- Thưa ông, không.
Chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng, tôi chờ đến lúc cả hai đồng hồ lớn nhỏ cùng dứt tiếng ngân lanh lảnh và tiếng chuông rè rè mới nói tiếp:
- Suốt ngày hôm qua em bận lắm, nhưng em rất sung sướng trong khi bận rộn túi bụi, vì em không hề bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ nào về cái thế giới mới và những chuyện khác... như ông tưởng. Em nghĩ được có hy vọng sống bên ông là một điều vô cùng sung sướng, vì em yêu ông. Không, ông đừng vuốt ve em bây giờ... để em nói, đừng làm em bận trí tin tưởng ở Thượng đế, em tin rằng mọi việc đều thuận lợi cho hạnh phúc của đôi ta, thực là một ngày đẹp trời, hẳn ông còn nhớ... trời quang mây tạnh, không có lý do gì mà lo có chuyện không may xảy đến cho ông trong cuộc hành trình. Uống trà xong, em đi tản bộ trên sân trước, nghĩ đến ông. Trong trí tưởng tượng, em thấy ông gần em quá, đến nỗi lúc đó em không cảm thấy vắng ông. Em nghĩ đến cuộc đời trải ra trước mặt em... cuộc đời của ông... một cuộc sống phong phú và sôi nổi hơn cuộc sống của em, như lòng biển sâu là nơi dòng nước đổ đến, phong phú và sôi nổi hơn hẳn eo biển sâu nông choèn. Em không hiểu sao các nhà luân lý lại gọi thế giới này là một nơi hoang vu ảm đạm, đối với em thì nó nở rộ như một bông hồng. Đúng lúc hoàng hôn, trời bỗng trở lạnh, bầu trời đầy mây u ám. Em bèn vào nhà. Xôphi gọi em lên gác để xem bộ áo cưới họ vừa mang đến. Trong cái hộp, ngay dưới bộ áo, em thấy tặng phẩm của ông, một cái khăn quàng mà vì tính hoang phí như ông hoàng, ông đã gửi mua ở Luân Đôn, em cho rằng vì em không chịu đeo đồng hồ trang sức nên ông quyết đánh lừa em phải nhận một vật gì cũng đắt tiền như vậy. Em vừa cười vừa trải khăn ra, và nghĩ cách chế giễu những sở thích quý phái của ông, và việc ông cố gắng cải trang cho người vợ thường dân của ông bằng trang phục của một bà công tước. Em tưởng tượng sẽ mang đến cho ông xem vuông khăn lụa mộc mạc mà em tự khâu lấy để trùm lên đầu em, một người hạ tiện, và hỏi ông liệu nó có xứng đáng với người vợ đã không mang lại cho chồng được chút của cải, sắc đẹp, cũng như danh giá gì không. Em thấy rất rõ vẻ mặt ông, và nghe thấy những câu trả lời sôi nổi phóng khoáng của ông, ông kiêu hãnh tuyên bố không cần tăng thêm của cải hay danh vọng của ông bằng cách cưới một túi tiền hay một cái mũ miện.
- Em hiểu lòng tôi lắm, cô em phù thủy ạ! - ông Rôchextơ ngắt lời tôi. - Nhưng em đã thấy gì ở cái khăn ấy, ngoài những đường thêu? Em có thấy dao găm hay thuốc độc không, mà bây giờ vẻ mặt rầu rĩ đến thế?
- Không, không, thưa ông, ngoài sự mịn màng và giá trị của thứ hàng quý, em chỉ thấy có sự kiêu ngạo của ông Fefăc Rôchextơ thôi, nhưng điều đó chẳng làm em sợ hãi, vì em nhìn con quỷ ấy cũng đã quen rồi. Nhưng thưa ông, vào lúc trời tối thì gió nổi lên, tối hôm qua gió không điên cuồng hung tợn như bây giờ, nhưng thổi rì rầm "với giọng than vãn rầu rĩ" nghe ma quái hơn nhiều. Em mong ước có ông ở nhà. Bước chân vào phòng này, nhìn chiếc ghế bành trống không, lò sưởi lạnh lẽo, em thấy lòng giá ngắt. Sau đó một lát em lên giường mà không tài nào chợp mắt được, một cảm giác lo âu kích động cứ khiến em thao thức. Gió vẫn lộng thổi, em nghe như che lấp một tiếng rền rĩ thảm thiết nào đó, vẳng lên từ trong nhà hay ở ngoài, lúc đầu em không thể phân biệt được, song những lúc lặng gió, nó lại nổi lên, mơ hồ mà ai oán. Sau cùng em cho rằng đó hẳn phải là một con chó nào sủa ở đằng xa. Khi tiếng ấy im đi, em thấy dễ chịu. Trong khi ngủ, em lại tiếp tục mơ thấy một đêm tăm tối, lộng gió, và tiếp tục cả ước vọng được sống bên ông, song em cứ lờ mờ có cái cảm giác kỳ lạ đáng buồn, như có một trở ngại gì chia rẽ chúng ta. Ngủ thiếp đi lần đầu, em thấy mình đang đi trên con đường quanh co, xa lạ, bóng tối mịt mù bao phủ quanh em, mưa táp vào người em, em đang bế một em bé nhỏ xíu còn non nớt và yếu quá không đi được, nó run rẩy trong cánh tay em giá lạnh và rên rỉ nghe đến thương tâm. Còn ông, ông ạ, em có cảm tưởng là ông cùng đi với em trên đường, nhưng trước em một quãng xa. Em ráng hết sức theo kịp ông, cố gắng gọi tên ông, van ông đứng lại nhưng không sao cử động được bàn tay, tiếng nói cứ ú ớ tắt đi, trong khi ông thì mỗi phút em cảm thấy càng xa em thêm mãi.
- Và bây giờ, tuy tôi đã ở sát bên em, mà giấc mơ vẫn còn ám ảnh nặng nề tâm hồn em phải không, Jên? Cô em yếu thần kinh của tôi ơi, hãy quên nỗi buồn tưởng tượng, mà chỉ nghĩ đến hạnh phúc có thực! Jên, em nói em yêu tôi, phải - tôi sẽ không quên điều đó, mà em chẳng chối cãi được. Những lời nói đó đã không ú ớ tắt trên môi em. Tôi nghe thấy nó rõ ràng và đầm ấm, ý nghĩ có lẽ hơi quá trịnh trọng, nhưng êm ái như một điệu nhạc "Em nghĩ được có hy vọng sống bên ông là điều vô cùng sung sướng, vì em yêu ông". Em có yêu tôi không, Jên? Em nhắc lại đi.
- Thưa ông, em yêu, em yêu ông với tất cả tâm hồn. Sau vài phút yên lặng, ông nói:
- Này, thực là lạ, câu nói của em thấm vào lòng làm cho tôi đau đớn. Sao vậy? Tôi cho là vì em đã nói nó với một nhiệt tình say sưa, tín ngưỡng biết bao, và vì ánh mắt em ngước mắt nhìn tôi lúc này đây là biểu hiện tuyệt đỉnh của lòng trung thành, chân thực và tận tụy. Như vậy là quá nhiều, tôi tưởng như có một linh hồn nào đang ở bên tôi vậy. Jên, em hãy lấy lại cái vẻ nhìn tinh quái, sở trường của em đi, hãy nhếch nụ cười man rợ, e lệ, khiêu khích của em đi. Hãy bảo là em ghét tôi; hãy trêu chọc, làm cho tôi tức giận đi, em hãy làm bất cứ cái gì miễn là đừng làm tôi xúc động. Tôi muốn thà bị chọc tức còn hơn là phải buồn rầu.
- Để em kể nốt chuyện, rồi em sẽ trêu chọc, làm cho ông tha hồ mà tức giận, bây giờ ông hãy nghe hết đã.
- Jên ạ, tôi cứ nghĩ là em kể hết rồi, tôi tưởng nguyên nhân nỗi buồn của em là giấc mơ.
Tôi lắc đầu.
- Sao? Còn nữa à? Nhưng tôi sẽ không cho là có chuyện gì quan trọng đâu nhé. Tôi báo trước em biết là tôi không tin đâu. Kể tiếp đi.
Vẻ mặt lo ngại và cử chỉ có phần sốt ruột của ông làm tôi ngạc nhiên, nhưng tôi vẫn tiếp tục.
- Em còn mơ thấy một chuyện khác nữa, ông ạ, mơ thấy tòa nhà Thornơfin đổ nát tiêu điều, chỉ còn là nơi trú ẩn của dơi với quạ. Mặt nhà chính uy nghi là thế mà chỉ còn lại một bức tường rất cao, ngất ngưởng. Một đêm trăng, em thơ thẩn giữa đám cỏ mọc đầy trong lâu đài, chốc chốc lại vấp phải một cái lò sưởi bằng đá, hoặc một mảnh cột sụp đổ. Em quàng một tấm khăn san và vẫn bế đứa bé xa lạ kia trên tay, em không thể đặt nó xuống chỗ nào được tuy cánh tay mỏi rời, nhất là bế nó nặng em bước đi rất khó, nhưng em cứ phải giữ lấy nó. Em nghe tiếng vó ngựa đằng xa trên đường cái. Em biết chắc rằng đó là ông, và ông bỏ đi từ bao năm rồi để tới một xứ xa xôi. Em leo lên bức tường mỏng mảnh ấy, hấp tấp một cách liều lĩnh, mong đứng trên ngọn tường sẽ nhìn thấy bóng ông. Những hòn đá dưới chân em lở ra, những cành trường xuân em bám lấy bị gẫy, đứa bé sợ hãi ôm chặt lấy cổ em, làm em gần nghẹt thở, cuối cùng em cũng leo lên được ngọn tường. Em trông thấy ông chỉ bằng một cái chấm trên con đường trắng xóa, mỗi lúc một nhỏ dần. Gió thổi mạnh quá em không đứng vững được; em ngồi xuống bờ tường nhỏ hẹp, và dỗ cho thằng bé khiếp sợ nằm yên trong lòng, ông rẽ ở một chỗ đường ngoặt, em cúi xuống nhìn ông một lần cuối, bức tường lở lả tả; em bị hẫng một cái, đứa bé lăn ra khỏi lòng, em mất thăng bằng, em ngã xuống và bừng tỉnh dậy.
- Thế là hết chứ, Jên?
- Thưa ông, đó mới chỉ là đoạn mở đầu, bây giờ mới đến chuyện chính. Lúc tỉnh dậy, một tia sáng làm em lóa mắt. Em nghĩ, ồ! Trời đã sáng rồi! Nhưng em nhầm! Đấy chỉ là ánh sáng của một cây nến! Em cho là Xô phi đã vào buồng. Trên bàn trang điểm có một ngọn nến và cửa buồng còn để ngỏ, trước khi đi ngủ em đã treo bộ áo cưới và tấm choàng mạng vào đó. Em nghe về phía ấy có tiếng sột soạt, bèn hỏi: "Xôphi, chị làm gì đấy?". Không có tiếng trả lời, nhưng một bóng người lù lù bước ra khỏi buồng con, nó cầm lấy ngọn nến, giơ lên cao để soi các bộ áo treo trên mắc. "Xôphi! Xôphi". Em lại kêu lên, nhưng vẫn không thấy trả lời. Em bèn nhổm dậy, nhoài mình ra nhìn. Mới đầu, em còn ngạc nhiên, rồi sau em bàng hoàng cả người, mạch máu em giá lạnh hẳn đi. Ông Rôchexíơ ạ? Không phải là Xôphi. Không phải chị Li, cũng không phải bà Fefăc, lại cũng chẳng phải cái chị Grêxơ Pun kỳ quái kia nữa... không, lúc ấy em biết chắc như thế, và bao giờ cũng vậy.
- Nhất định phải là một con người trong bọn họ đấy thôi. - ông chủ tôi ngắt lời.
- Thưa ông không, em đoán chắc với ông rằng trái lại, em chưa hề nhìn thấy cái hình thù đứng trước mắt em lúc đó trong cái lâu đài Thornơfin này lần nào. Dáng dấp ấy hoàn toàn xa lạ đối với em.
- Em hãy tả lại xem, Jên.
- Thưa ông, hình như đó là một người đàn bà cao lớn có bộ tóc đen rậm, buông xõa xuống lưng. Em không hiểu mụ bận áo gì, chỉ thấy là áo trắng, cứng đờ, nhưng không thể nói chắc đó là áo ngủ, khăn trải giường, hay vải liệm xác nữa.
- Em có trông thấy mặt nó không?
- Lúc đầu thì không nhưng rồi liên ngay đó mụ cầm lấy cái khăn choàng của em treo trên mắc, giơ lên trước mặt, ngó thật lâu, rồi quấn vào đầu mụ và quay ra soi gương. Lúc ấy em mới nhìn thấy nét mặt phản chiếu thật rõ trong tấm gương bầu dục tối.
- Nét mặt mụ thế nào?
- Ma quái và khủng khiếp... Ồ, thưa ông, em chưa từng thấy một bộ mặt nào như thế bao giờ. Một bộ mặt trắng bệch... một bộ mặt man rợ. Em mong sao quên được cặp mắt đỏ ngầu cứ long lên sòng sọc ấy và những nét mặt xám xịt sưng phù lên của mụ.
- Mặt ma quỷ thường xanh nhợt, Jên ạ.
- Thưa ông, đằng này nó lại tím bầm. Đôi môi thâm và mọng lên; trán nhăm nhúm, lông mày rậm giương cao trên đôi mắt đỏ ngầu những tia máu. Có nên nói nó khiến em nhớ đến cái gì không?
- Em cứ nói đi.
- Đến cái bóng ma quỷ trong truyện Đức, con ma cà rồng.
- À! Thế rồi nó còn làm gì?
- Nó bỏ cái khăn choàng của em ra khỏi đầu nó, xé khăn ra làm hai mảnh, ném xuống sàn, rồi di chân lên.
- Rồi sao nữa?
- Nó vạch màn cửa sổ và nhìn ra ngoài. Có lễ nó thấy trời sắp sáng chăng, vì nó cầm lấy cây nến đi ra cửa. Đến đúng bên giường em, cái hình thù đó dừng lại, giương đôi mắt rực lửa ngó em trừng trừng, nó giơ cây nến sát mặt em, rồi thổi tắt đi trước mắt em. Em cảm thấy cái bộ mặt sầu thảm ấy cúi xuống mặt em, thế là em ngất lịm đi. Đây là lần thứ hai - mới là lần thứ hai thôi - em ngất đi vì sợ.
- Khi tỉnh dậy, em thấy ai ở bên em?
- Thưa ông, chẳng có ai, nhưng trời đã sáng rõ. Em trở dậy, nhúng đầu vào nước và rửa mặt, em uống nước một hơi dài, em cảm thấy tuy người uể oải nhưng không ốm đau gì, và quyết định ngoài ông ra, em sẽ không nói chuyện này với ai cả. Bây giờ thì, thưa ông, ông cho em biết người đàn bà ấy là ai, là thế nào?
- Là sản phẩm của một bộ óc kích thích quá mạnh, rõ ràng là thế. Em yêu quý, tôi cần săn sóc em hơn mới được. Thần kinh em yếu, không nên để cho bị xúc động mạnh.
- Thưa ông, em cam đoan với ông rằng thần kinh em không làm sao cả, đó là chuyện thực hẳn hoi. Cảnh ấy có xảy ra thực sự.
- Thế thì những giấc mơ trước của em dễ cũng thực cả ư? Lâu đài Thornơfin có bị đổ nát không? Tôi và em có bị những trở ngại không vượt ngăn cách không? Tôi có bỏ em mà đi không một giọt nước mắt, không một cái hôn, không một lời từ biệt không?
- Không, chưa phải như thế.
- Vậy thì sắp như thế hay sao? Thôi, cái ngày phải ràng buộc chúng ta vĩnh viễn đã bắt đầu rồi đấy, và một khi chúng ta kết duyên với nhau rồi thì sẽ không còn những phút tâm thần hoảng loạn này nữa. Tôi cam đoan với em như vậy.
- Tâm thần hoảng loạn! Em mong ước có thể tin được rằng chỉ có thể thôi, em mong ước điều đó hơn bao giờ hết, vì ngay đến ông cũng không giải thích được cho em sự bí mật của người khách khủng khiếp ấy.
- Chính vì tôi không giải thích được, nên chuyện ấy nhất định không có thực.
- Nhưng, thưa ông, sáng dậy em cũng định đã tự nhủ như thế, em nhìn quanh buồng, nhìn hình dáng tươi vui của mỗi vật quen thuộc trong sáng ban ngày để được thư thái và lấy lại can đảm thì kìa, ngay trên mặt thảm, em trông thấy cái bằng chứng phủ nhận hoàn toàn giả thiết đó, chiếc khăn choàng bị xé tan làm hai mảnh.
Tôi cảm thấy ông Rôchextơ giật mình và run rẩy. Ông vội vòng tay ôm lấy tôi và thốt lên:
- Đội ơn Chúa! Nếu quả đêm qua có vật gì hung ác đã đến gần em thì may cũng chỉ có cái khăn choàng là bị hại. Ôi cứ nghĩ đến chuyện đã có thể xảy ra.
Ông thở gấp ghì chặt lấy tôi, làm tôi đến nghẹt thở. Sau vài phút yên lặng, ông lại vui vẻ nói tiếp:
- Bây giờ thì tôi sẽ giải thích cho em hiểu tất cả, Jên ạ! Chuyện này vừa là mộng vừa là thực. Tôi cũng tin là có một người đàn bà đã vào buồng em, người đó là... nhất định phải là Grexơ Pun. Chính em cũng đã bảo chị ta là một người kỳ quái, căn cứ vào những điều em biết về chị ta, em gọi như vậy là có lý đấy. Chị ta đã làm gì tôi? Đã làm gì Maxơn? Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, em đã thấy chị ta vào buồng và thấy những hành động của chị ta, nhưng lúc ấy, vì em bị sốt gần như mê sảng, nên em đã nhìn chị ta với cái hình dáng ma quái khác hẳn đi, mớ tóc dài tả tơi, bộ mặt sưng phù xám đen, vóc người cao lớn quá sự thực, tất cả chỉ là những điều tưởng tượng, kết quả của một cơn ác mộng. Riêng cái khăn bị xé thảm hại kia là có thực, đúng là chị ta hay làm như thế. Tôi đoán em sắp hỏi tôi tại sao lại nuôi một người đàn bà như vậy ở trong nhà. Khi nào chúng ta lấy nhau được một năm tròn thì tôi sẽ nói em rõ, bây giờ thì chưa vội. Em đã vừa lòng chưa, Jên? Em có thừa nhận lời giải thích của tôi về sự bí mật ấy không?
Tôi suy nghĩ, và nhận thấy đó là cách giải thích duy nhất hợp lý, tuy tôi chưa thỏa mãn nhưng để cho ông vừa lòng, tôi cũng cố làm ra thế - có điều chắc chắn là tôi trút nhẹ được lo âu, cho nên tôi đã trả lời ông với một nụ cười vui vẻ. Lúc ấy đã quá một giờ từ lâu, tôi sửa soạn cáo lui.
- Xôphi có ngủ với Ađen trong buồng trẻ không? - Ông hỏi tôi trong lúc tôi đang thắp nến.
- Có, thưa ông.
- Giường Ađen còn đủ chỗ cho em nằm, em hãy vào ngủ chung với nó đêm nay. Cái việc vừa kể rất có thể làm em sinh hoảng hốt, điều đó cũng không có gì là lạ, nên tôi không muốn em ngủ một mình, em hứa với tôi là sẽ vào buồng trẻ nhé!
- Thưa ông, em rất vui lòng.
- Và nhớ cài then bên trong cho cẩn thận. Lúc lên gác, em hãy đánh thức Xôphi, dặn chị ta ngày mai gọi em dậy sớm, vì em cần trang điểm và ăn điểm tâm xong trước tám giờ. Thôi, bây giờ đừng có những tư tưởng hắc ám nữa nhé, hãy xua đuổi những suy nghĩ buồn rầu đi. Em có nghe thấy gió đã lắng, chỉ còn những tiếng rì rào êm nhẹ đó không? Mưa không đập vào cửa kính nữa; em nhìn xem (ông kéo màn cửa lên), đêm đẹp biết bao!
Đêm đẹp thực. Nửa vòm trời trong suốt, không gợn áng mây, những đám mây lớn, bị gió tây cuốn, đang nối đuôi nhau kéo về phía đông thành từng đoàn dài, ánh bạc. Trăng tỏa sáng êm đềm.
- Thế nào? - Ông Rôchextơ nhìn vào mặt tôi, vẻ dò hỏi. - Bây giờ Jên của tôi thấy ra sao?
- Đêm êm ả quá, và lòng em cũng vậy.
- Đêm nay, em sẽ không mơ thấy những cảnh biệt ly buồn khổ nữa, mà sẽ chỉ thấy những cảnh yêu đương hạnh phúc và sum họp sung sướng thôi.
Lời ông đoán trước chỉ đúng có nửa phần, quả thật tôi không còn mơ thấy cảnh buồn khổ, nhưng tôi cũng chẳng mơ thấy hạnh phúc; vì tôi có ngủ được tí nào đâu. Ôm bé Ađen trong tay, tôi ngắm nhìn giấc ngủ của tuổi thơ - sao nó bình thản, êm ả, trong trắng thế - và chờ đợi buổi ban mai. Toàn thể sinh lực của tôi thức tỉnh dậy, náo động trong cơ thể, và khi mặt trời vừa mọc thì tôi cũng dậy ngay. Tôi còn nhớ Ađen níu lấy tôi khi rời nó, tôi còn nhớ vừa hôn nó tôi vừa gỡ đôi cánh tay bé nhỏ của nó quàng lấy cổ tôi, và cúi xuống nó, tôi đã khóc với một xúc cảm kỳ lạ, và vội quay đi, sợ những tiếng nức nở của tôi sẽ làm nó tỉnh giấc ngủ êm đềm. Trông nó như tiêu biểu cho cuộc đời quá khứ của tôi, cũng như người đàn ông mà tôi sắp trang điểm để gặp mặt bây giờ là tượng trưng đáng sợ, mà cũng là đáng yêu cho cái tương lai của đời tôi, chưa biết ra sao.