Tôi sẽ ngồi mẫu ở Muôn Hoa trong bốn tháng, nhưng chỉ hai tuần sau ngày tôi quay lại, cô Tâm gọi tôi vào để nói chuyện.
"Con gái phải có hơi đàn ông thì mới thực sự đẹp được, chắc em biết?"
"Dạ…"
"Em ngồi mẫu được bao lâu rồi nhỉ?"
"Dạ… nếu tính ngay từ đầu thì độ một tháng."
"Em yêu thích công việc chứ?"
Tôi không biết nói sao, nhưng cô Tâm cũng không quan tâm đến câu trả lời. Cô hỏi tiếp:
"Em cần chuyên nghiệp hơn Mai à."
"Dạ… em biết là em phải luôn luôn cố gắng."
"Em cần phải trở nên một người phụ nữ toàn vẹn. Đẹp và gợi cảm."
"Em cũng muốn em được như thế."
"Em phải biết đàn ông."
"Lúc đầu chị có nói, khách thích nhìn con gái còn trinh. Chị cứ cho em tiếp tục như hiện nay."
"Gái còn trinh làm sao đẹp bằng một phụ nữ thực sự. Người ta thích con gái còn trinh chỉ vì một ngày nào đó họ sẽ được hưởng trinh tiết đó. Chứ giữ trinh mãi chỉ làm người ta chán. Em có còn trẻ lắm đâu."
Tôi đứng im.
"Có một khách, một vị khách, chị nói thế vì ông ấy giàu có lịch lãm lắm, ông để ý em đã lâu. Chị sẽ sắp xếp một ngày, phải là một ngày thật đặc biệt."
Tôi im lặng.
Tôi sẽ không đến Muôn Hoa nữa. Tôi sẽ trả căn phòng thuê giường có nệm dày, êm ái và yên tĩnh. Trong phòng tắm của dãy nhà trọ tập thể sẽ không có chỗ để tôi đặt những lọ nước hoa. Tôi sẽ không có một cái gương dài thấy cả người trong phòng riêng (tôi cũng không muốn tự ngắm mình làm gì nữa). Tôi chán mặc váy ngắn đứng gắp đá ra, bỏ đá vào những ly bia có quai bằng thủy tinh rẻ tiền trên những bàn ăn nhầy nhụa. Tôi sẽ không bao giờ trở lại đại học. Tôi sẽ đi làm công nhân, sẽ yêu rồi cưới một anh công nhân, như con gái của Yuri Zhivago. Chỉ tiếc cha tôi không phải là bác sĩ, không nhảy xe điện, không băng qua đường để tìm mẹ tôi.
Tôi mang về phòng những chiếc thùng giấy không. Tôi mở chúng ra, đặt ở giữa phòng. Tiền nhà đã đóng trước, đến cuối tháng mới phải trả nhà, nhưng tôi phải cất đồ đạc và sách vở của mình vào những cái thùng giấy, để tự nhắc nhở mình rằng tôi không thuộc về sự êm ái, yên tĩnh dễ chịu nơi đây. Tôi phải đi.
Nhưng ba ngày rồi mà những thùng giấy vẫn còn trống không. Tôi đứng nhìn hàng sách của tôi nằm trên kệ mà tôi phải lấy xuống, rồi bỏ ra ngồi trên chiếc ghế thấp nhìn ra ngoài cửa sổ bằng kính. Tôi từng đọc về những người trong đời thật và trong điển tích, theo Phật, theo Lão hay là vô thần, những người đã từ bỏ vật chất để sống đời thanh đạm gần với cội nguồn hay chân lý của mình hơn. Tôi cũng sẽ rời bỏ nơi này, nhưng tôi không có cội nguồn nào để quay về, không có chân lý nào để tìm kiếm.
Tôi ngồi nhìn ra ngoài. Nhiều giờ trôi qua, trời tối dần. Xuyên qua màn kính của khung cửa từ trên cao, thành phố trông thật xa; tôi không có cảm giác mình đang ở trong thành phố đó. Những ngọn đèn thắp lên. Ánh đèn xe nối nhau xuôi ngược trông như những chuỗi hoa màu vàng và màu đỏ được kết vào nhau, chuyển động, lấp lánh không tiếng động: một sự thanh bình không có thực. Tôi thích khung cửa này, chỗ ngồi này, vì nó nhấc tôi lên khỏi nỗi cô đơn dưới mặt đất. Khi tôi xuống phố, đường phố càng đông người thì tôi càng thấy bơ vơ và lo sợ. Quá nhiều những gương mặt, những cuộc đời, những câu chuyện; nhưng không có một thứ gì cho tôi biết họ là ai, và họ mê say toan tính những thứ gì. Họ làm tôi nhớ tới một giấc mơ: Có một người dẫn tôi đi xem địa ngục. Chúng tôi bước vào một gian phòng rộng và tối, và có rất nhiều người, vô số người. Người dẫn đường đưa tôi lên phía trên, chúng tôi đứng ở một lan can bằng gỗ nhìn xuống. Phòng rì rầm một thứ âm thanh không phải là tiếng người, không phải là tiếng máy, không hẳn là nhạc nhưng nó chập chùng theo một nhịp nhất định nào đó. Tất cả mọi người đang múa, không hẳn là múa, mà họ chỉ ngã người vào nhau, hết chiều này đến chiều kia, trông như những ngọn lúa rạp mình trong gió, nhưng gió ở đây không phải là gió, mà là những làn ánh sáng màu tím hay xanh tái quét qua gian phòng tối, và những người trong phòng lượn lờ theo ánh sáng đó, theo thứ âm thanh giống như là nhạc đó. Không ai có một gương mặt, và vì vậy, không có biểu lộ nào của nỗi buồn hay sự sung sướng, của cơn phấn khích hay chán chường. Tôi hỏi người dẫn đường, địa ngục là đây sao? Sao không có tiếng người kêu thương vì đọa đày, ân hận, đau đớn? Người dẫn đường nói không, em thấy rồi mà, ở địa ngục không có một nỗi buồn khổ nào hết. Địa ngục là nơi con người không có ý chí. Chỉ với một chút ánh sáng thôi, một bóng đèn 500W có thể điều khiển cho vài nghìn người ngả qua nghiêng lại. Thế ai rọi những ngọn đèn đó? Không ai cả. Không cần lính canh hay quỉ sứ nơi con người không có ý chí.
Khi thức dậy, nhớ lại giấc mơ đó, tôi nghĩ về chữ ý chí và nhận ra mình không thực sự hiểu nghĩa của chữ đó. Một lần tôi có vào thư viện, qua lại những kệ sách, nhưng tôi không biết tôi sẽ đọc được ý nghĩa của chữ đó trong quyển sách nào, nằm đâu trên những hàng kệ này.
Tôi không hiểu chữ duy nhất đọng lại từ giấc mơ đó, vậy thì cuối cùng tôi không hiểu giấc mơ. Tôi có thể quên giấc mơ ấy đi, đàng nào nó cũng không phải là câu trả lời cho một câu hỏi khẩn khoản nào, vì tôi chưa bao giờ nghĩ về ý nghĩa xác thực hay trừu tượng của địa ngục. Nhưng những hình ảnh lạ lùng và thứ âm thanh rì rầm trong đó vẫn ở lại, lắng xuống một nơi nào đó trong tâm tưởng. Và nó trở về tối nay, vào một hôm mà tôi cảm thấy tôi thiếu thốn ý chí. Nhưng ý chí là gì, tôi thiếu thốn điều gì mà cảm thấy mình ở gần cánh cửa địa ngục, nơi không có buồn đau, chỉ có sự vô cảm và lệ thuộc?
Nếu thiếu thốn ý chí, ít ra tôi phải nương theo một thứ nề nếp hay bổn phận nào đó để giữ lấy chút cân bằng tối thiểu. Tôi tự buộc mình đứng dậy, bắt đầu bỏ đồ đạc sách vở vào những chiếc thùng giấy, để sửa soạn dọn nhà. Đèn vẫn chưa bật.
Lúc đứng trước kệ sách, xoay lưng về khung cửa kính, tôi chợt có cảm giác là trong phòng có người. Một đứa con gái vừa đến và ngồi xuống chiếc ghế tôi đã ngồi suốt buổi chiều nhìn xuống thành phố. Tôi không quay đầu lại vội: đứa con gái chỉ là một cảm giác, và cảm giác ấy cần thời gian để trở nên rõ rệt hơn, hoặc là tan biến đi. Nếu tôi quay đầu lại ngay, tôi sẽ không nhìn thấy nó, nhưng cũng không có nghĩa là không có nó trong phòng. Tôi lấy những cuốn sách xuống thật khẽ. Tôi vẫn còn thấy sợ, nhưng có lẽ nỗi cô đơn của tôi đã làm cái sợ loãng đi, lẫn vào trong một chút mơ màng. Có ai đó nhìn thấy mình vẫn hơn không có ai nhìn thấy mình, dù người đó là ma, hay là một ảo giác.
"Mai ở lại căn phòng này, không nên dọn đi đâu hết. Ngày mai Mai sẽ trở lại Muôn Hoa."
Câu nói như một mệnh lệnh, nhưng nó thật dịu dàng. Tôi quay lại nhìn. Chi đang ngồi trên chiếc ghế trước khung kính trong căn phòng chưa bật đèn. Nó chỉ là một bóng đen với mái tóc dài. Khung cửa kính phía sau lấp loáng ánh sáng từ thành phố bên dưới, ngoài xa.
Tôi nghe một chút gì dễ chịu, một chút ấm áp rất khẽ khàng chỉ đủ làm dịu đi một phần, chứ không phải tất cả nỗi sợ.
"Không bao giờ còn có Muôn Hoa nữa", tôi nói.
"Mai ngồi xuống đi. Hai chị em mình là một câu chuyện dài để nói."
Tôi đi đến ngồi xuống giường, tựa lưng vào thành gỗ đầu giường. Chúng tôi ngồi cách nhau gần hết chiều ngang của căn phòng. Vì chiếc ghế Chi ngồi đặt xoay mặt ra ngoài cửa, nên từ chiếc giường ở phía phải của khung kính, tôi nhìn thấy vai phải của Chi và đường nét gương mặt nhìn nghiêng của nó. Chi không xoay ghế về hướng tôi, tôi nghi ngờ một hồn ma có thể di chuyển được đồ đạc.
"Mai cứ bật đèn lên đi, nhưng đừng bật đèn lớn."
Tôi vặn cái nút tròn của cái công tắc đèn nơi đầu giường. Ánh sáng loang ra từ chỗ tôi ngồi, nó không sáng đến chỗ Chi, nhưng đủ làm rõ hơn đường viền của cánh tay, bờ vai, một bên má Chi. Tôi biết Chi giống tôi, nhưng cũng không giống. Tóc nó dài hơn, dường như mái tóc có thể chạm đến bất cứ điểm nào nó thích. Đôi mắt cũng dài và mi đen hơn, gương mặt gầy, có lẽ trông già dặn hơn tôi, và cũng đẹp hơn. Bỗng dưng tôi nói:
"Chi đẹp lắm."
"Thật hở? Em cám ơn Mai. Em cũng muốn em đẹp, dù cái đẹp của em không có thực. Em chỉ mượn gương mặt, thân người của Mai, rồi tô vẽ thêm đôi chút. Đôi chút thôi, như khi một họa sĩ chỉnh lại ánh sáng chiếu nghiêng bên má một người mẫu, để cho gương mặt sắc cạnh và lung linh hơn."
Chi im một lúc rồi nó nói trong lúc nhìn ra bên ngoài:
"Mai phải quay lại Muôn Hoa. Không thể nào không quay lại."
"Tại sao?"
"Tại vì như thế Mai sẽ có tiền để trả tiền nhà, tiền sách vở, và gửi cho mẹ. Có lẽ mẹ nên có một nhà tắm riêng, một cái chăn mới, một chiếc áo đẹp. Cả đời mẹ may được mấy chiếc áo lụa màu Mai có biết không?"
Tôi không trả lời.
"Nhưng chuyện tiền bạc chỉ là chuyện phụ, một chuyện phụ cần thiết. Chuyện chính là ở Muôn Hoa Mai sẽ trưởng thành, Mai sẽ hiểu được sự thật, và nhờ sự thật đó mà chúng ta được giải thoát."
"Sự thật nào? Tại sao Mai phải quay lại Muôn Hoa để tìm nó?"
"Người ta cần một dòng sông, để thò tay chạm được trăng. Và trăng chỉ chạm được, khi nó vỡ."
Tôi không hiểu. Tôi lặng yên.
"Tại sao Mai không muốn quay lại Muôn Hoa?"
"Cô Tâm muốn bán Mai… bán trinh của Mai."
"Mai cũng nên làm như vậy đi. Thôi không bám víu vào ý nghĩ rằng mình là một cô con gái nhỏ nữa."
"Bán trinh là một chuyện tồi tệ và đau đớn."
"Mai sợ đau sao? Không ghê gớm lắm đâu. Cắn mạnh răng vào môi, để cái đau tự mình gây ra làm loãng đi cái đau do người khác làm. Nó qua nhanh thôi."
"Mai sợ cái đau tinh thần, sợ sự sụp đổ khi đánh mất thứ quí giá nhất của người con gái."
"Không lẽ Mai giữ trinh suốt đời sao? Buồn cười lắm."
"Không, Mai chỉ giữ cho đến lúc…"
"Đến lúc nào?"
"Mai không biết. Đến lúc lấy chồng. Hoặc đến lúc có người yêu. Một mối tình thật, một mối tình dài lâu."
Tôi vừa nói vừa cảm thấy tất cả sự trừu tượng và xa lạ của câu mình nói. Dường như tôi không có quyền có giấc mơ đó, giấc mơ của những đứa con gái lớn lên trong êm ấm.
Chi cười. Nó nhắm mắt, duỗi người, vươn hai cánh tay lên trần, quay mặt vào cánh tay để ngáp.
"Cứ cho là Mai sẽ gặp anh ấy, mối tình thật, mối tình dài lâu của chị. Nhưng tại sao lại phải để dành tiết trinh cho anh ấy? Tiết trinh của chị chứ có phải của anh ấy nhờ chị cất giùm đâu."
"Mai muốn để dành cho người yêu điều quí giá nhất của con gái."
"Mai vừa nói hay ai nói đó? Miệng của Mai chỉ nên để dành nói những điều Mai nghĩ. Còn lời của người khác nghĩ thì Mai không nên để nó đi ngang qua hai bờ môi hồng kia mà thoát ra ngoài."
"Mẹ nói như vậy. Mai nói lời của mẹ không được sao? Trinh tiết là thứ thiêng liêng. Nếu chúng ta không màng gì tới nó, thì ít nhất cũng phải hiểu rằng nó không phải là thứ mua bán được, chỉ có thể dâng hiến."
Tôi chợt thấy buồn ghê gớm vì nhắc đến mẹ trong một đêm như đêm nay. Chi cũng im lặng một lúc lâu. Cuối cùng Chi nói, giọng nó bây giờ cũng buồn:
"Mai dại khờ lắm. Cái gì Mai cũng học của mẹ, mà mẹ thì dại khờ nhất trong dòng giống dại khờ nhà mình.
Mai chưa nhận ra Mai là ai, được sinh ra như thế nào hay sao? Nhiều lúc em muốn Mai chết đi, rồi sống lại thành một người hết dại khờ. Em nói thật đó. Em muốn chị chết đi."
"Chi im đi. Mai không muốn nghe, cũng không muốn thấy Chi nữa."
Tôi nhắm mặt lại. Nếu tôi quyết liệt không chấp nhận rằng Chi đang ngồi đó, quyết liệt xua đuổi hình bóng của đứa con gái tóc dài và gương mặt tựa như tôi, thì khi mở mắt ra nó sẽ không còn đó.
Trong bóng tối mà tôi thấy bên trong đôi mắt nhắm, những vùng sáng mờ mờ trôi rất chậm. Căn phòng yên lặng lạ thường. "Tôi chỉ có một mình", tôi nghĩ, và nghe ý nghĩ đó lặp lại một lần, rồi một lần nữa, một lần nữa, lặp lại mãi như tiếng vang từ vách núi trong hang động. Khi tiếng vang tắt đi, tôi mở mắt ra nhìn về phía khung cửa.
Chiếc ghế trống. Chi không còn ngồi ở đó nữa, và lạ lùng thay, tôi cảm thấy buồn. Xua đuổi Chi rồi tôi còn phải xua đuổi nỗi buồn nó để lại.
Không, mẹ không nuôi tôi lớn lên để làm như vậy, chính Chi đã nói câu đó. Tôi phải rời bỏ nơi chốn này, xóa đi mọi ký ức về Muôn Hoa, về Chi. Tôi sẽ bắt đầu lại cuộc đời mình ở một nơi khác.
Tôi bật sáng tất cả đèn trong phòng. Tôi sắp đồ đạc, quần áo, sách vở vào những chiếc thùng giấy không, chỉ để lại bên ngoài ít món cho vài ngày còn ở lại đây. Tôi dán nắp các thùng giấy lại, và đi ngủ.
Giấc ngủ đến êm ái. Tôi dần rơi vào một vùng tối, nơi không khí rất mỏng, nơi ý nghĩ và ký ức trở thành sương loang ra rồi tan dần vào cái chết thinh vắng.
Tôi dậy muộn. Qua ánh sáng xám đục từ một khoảng trời không có mặt trời bên ngoài khung cửa kính, tôi không biết còn là buổi sáng hay đã là chiều, và tôi không muốn biết. Tôi chưa muốn ra khỏi giờ khắc lúc ý thức còn mong manh, chỉ đủ cho tôi nhớ lại loáng thoáng tên mình và loáng thoáng nỗi buồn, chưa rõ nét và không có sức nặng. Tôi muốn nằm hoài như thế. Nhưng một lúc nào đó tôi thấy đói. Tôi phải ngồi dậy, ăn uống và trở lại làm một tôi của ban ngày, của nỗi buồn dù vẫn không rõ nét nhưng chùng xuống vì sức nặng.
Lúc mở cánh cửa tủ để lấy một trong ba chiếc áo còn để lại, tôi bàng hoàng thấy tất cả quần áo của tôi vẫn còn nằm trong đó. Tôi bước đến giữa phòng: những chiếc thùng giấy còn nằm đó, nhưng nắp mở và bên trong không có gì. Tôi nhìn lên kệ sách, những cuốn sách của tôi đã được ai chất thành ba chồng trên các ngăn.
Tôi không buồn nhìn lại cửa ra vào để biết chắc rằng cửa vẫn khóa bên trong, không có ai đã vào phòng tôi đêm qua. Tôi biết không có ai đã làm chuyện vô lý này. Chỉ có tôi. Chỉ có tôi nhưng tôi không một mình.
Tôi vừa thấy giận , vừa thấy sợ. Sợ nỗi bất lực của mình, hay sợ chính mình? Tôi không biết. Chi có tình yêu của tôi trong lúc tôi thức và thân thể của tôi trong lúc tôi ngủ để làm mọi chuyện nó muốn. Chi nói tôi không có ý chí, tôi ở giữa đường. Tệ hơn giữa đường: tôi ở lưng chừng giữa đường và địa ngục. Đêm qua tôi đã thức để cất đồ đạc vào thùng, sửa soạn ra đi, sửa soạn bắt đầu một cuộc đời nào đó ở một nơi nào đó. Tôi muốn lẳng lặng nói với Chi rằng tôi có ý chí để bắt đầu cuộc đời đó, dù nó mơ hồ và gian nan. Nó quay lại lúc tôi ngủ, chiếm lấy thân thể của tôi, xóa đi dấu vết rằng tôi đã có ý chí để làm bắt đầu lại. Ý chí của tôi không có lý tưởng, tình yêu hay niềm tin nào làm sườn đỡ bên trong cho nó không gãy đổ. Nếu có chỉ là một ý niệm mơ hồ về sự thanh sạch. Sự thanh sạch của một con cá ở dưới tầng sâu một nghìn mét dưới mặt biển, nơi không có mặt trời nào rọi đến, nơi không có sinh vật nào cần có mắt.
Tôi chỉ cần làm được điều đó. Khoan nghĩ tới lý tưởng và hạnh phúc. Đừng đòi hỏi ý nghĩa. Đừng soi gương, đừng mơ ước, đừng tự thương thân, đừng đợi chờ. Cứ hãy lo cho mình mỗi ngày còn thở, và không làm đồ chơi cho kẻ khác.
Tôi định đứng dậy, sắp xếp đồ đạc của mình vào lại những thùng giấy, nhưng khi xoay ngang đầu, từ một góc mắt, tôi nhận ra Chi vẫn đã đến ngồi ở đầu giường phía bên trái, rất gần tôi.
Tôi vội nhắm mắt lại, tự nói với mình "Tôi chỉ có một mình." Nhưng câu nói không vang lại những tiếng vang từ vách núi. Nó tắt ngấm. Và trong lúc mắt còn nhắm tôi nghe Chi nói, nhẹ nhàng, chậm rãi:
"Chỉ có một lần này thôi. Một đêm duy nhất. Chi hứa. Sau đó, mọi việc sẽ khác hết.
Ngày kia em sẽ đưa chị trở lại Muôn Hoa. Chị sẽ chấp nhận đề nghị của cô Tâm. Chị sẽ xin cô Tâm giữ lời hứa, cho chị chọn lựa. Cô Tâm sẽ cho chị gặp ba người khách đang hỏi mua trinh Mai. Mai sẽ không chọn người đẹp nhất hay trẻ nhất. Mai hỏi cô Tâm: "Ai giàu nhất?". Cô Tâm sẽ cho Mai biết, và Mai sẽ nói chị muốn đi với người đó. Chị sẽ hỏi: "Ông ấy trả bao nhiêu?". Cô Tâm sẽ nói một con số đã bị cắt đi một phần lớn cho cô ấy. Chuyện đó tất yếu, chị đừng đòi hỏi phần mình cao hơn, mà hãy nhờ cô Tâm xin ông khách thêm một ít, một ít thôi, vì cha bị bệnh, chị cần vừa đủ tiền trả bệnh viện. Ông khách sẽ không từ chối, và chị sẽ nhờ cô Tâm chuyển lời cám ơn ông ấy đã cứu cha, và chị hứa sẽ làm tất cả để ông được vừa ý.
Em xin chị hãy làm đúng lời em nói, một lần này nữa thôi. Chuyện này có thể làm chị lịm đi vì đau buồn, vì mẹ không nuôi chị lớn lên để làm như vậy. Chị sẽ lịm đi, nhưng khi tỉnh lại, chị đã là một người khác, trưởng thành, vững vàng, không còn gì có thể làm chị đổ vỡ và tổn thương được nữa. Em sẽ thanh thản, sẽ ra đi, sẽ không bao giờ còn quấy rầy chị nữa. Em phải đi. Trái đất không còn là quê hương của em, vương vất ở đây em rất buồn."
Tôi mở mắt ra, căn phòng bây giờ hoàn toàn vắng lặng.
Cô Tâm hỏi:
"Em đồng ý rồi chứ?"
"Em xin cô cho em một ít thời gian."
"Khách quyết định ngày nào, chứ không phải em. Người ta đã chấm em, nhưng không có nghĩa là người ta chịu chờ đâu. Và chị cũng không thể chờ, mấy cảnh ngồi mẫu của em đã bắt đầu chán."
Tôi vẫn đứng im trong hai phút. Cuối cùng tôi nói:
"Em xin cô cho em gặp người khách ấy trước."
"Khách chọn người mẫu chứ người mẫu không được chọn khách đâu."
"Em chỉ muốn biết người ấy là ai."
"Cũng có thể cô cho em chọn. Vì em là hoa đặc biệt trong đám hoa vườn cô."
Khi đi gặp những người đàn ông, tôi không trang điểm, mặc áo đầm màu vàng cúc, có cổ cánh sen, mang sandal trắng, gót chỉ vừa cao, tóc chải cẩn thận và buộc ở phía sau bằng một sợi dây ruy băng mỏng. Cô Tâm đã sửa soạn cho tôi như vậy.
Người thứ nhất tôi gặp ở tầng trệt khách sạn Sheraton. Tôi được mời một ly cocktail không cồn còn ông khách hình như không uống gì cả. Tôi không biết nói gì và không biết nhìn đi đâu. Người đàn ông hỏi tôi có thích Sài Gòn không. Ông hỏi rồi nhìn quanh với một chút mãn nguyện. Tôi hiểu là ông hỏi tôi có thích những nơi như khách sạn này không, nơi có ghế êm, không khí mát dịu, nhạc dương cầm, tiếng nói chuyện bằng những ngôn ngữ lạ tai của những người chung quanh... Sự sang giàu đã trở nên tầm thường với ông và choáng ngợp với tôi. Tôi nói dạ có. Ông nói ông sẽ đưa tôi đến nhiều nơi đẹp hơn ở đây. Có vài cô người mẫu thật đi với bạn trai vào uống nước, họ trang điểm lộng lẫy, đi giày rất cao, đi đứng vững vàng như chốn này thuộc về họ. Tôi uống hết nước, ông kêu bồi nhờ gọi taxi đưa tôi về.
Người thứ hai tôi gặp ở một nhà hàng hay câu lạc bộ ở bờ sông, có một sân cỏ rất rộng. Tôi biết ông khách này rất giàu, và tôi tin rằng tôi sẽ đi với ông vì lý do đó. Chúng tôi ngồi trong một cái lều mái hình lục giác ở mé nước. Ông ấy cũng hỏi tôi có thích nơi này không. Tôi cũng trả lời dạ có. Ông khách nhìn tôi hoài, ông gọi tôi đến để nhìn. Tôi chợt nhớ ra rằng những người khách đã nhìn thấy tôi nhiều lần rồi, không quần áo, trong một tư thế khuất phục đớn hèn nào đó, trong khi tôi không nhìn thấy họ vì mắt tôi bị bịt, ở Muôn Hoa. Họ đã thấy và cô Tâm đã rao bán trinh tiết của tôi với họ. Tôi thấy xấu hổ và uất ức ghê gớm. Thật lầm lẫn khi xin gặp những người khách ở một nơi bên ngoài Muôn Hoa, trong thế giới thật, mặc một chiếc áo lụa vàng, đi một đôi giày trắng, tóc buộc ruy băng mỏng như một cô gái lớn lên trong một gia đình nề nếp khá giả. Tôi băng qua một khoảng sân rộng để vào khóc trong nhà vệ sinh. Ở đó có một chậu thủy tinh lớn đổ nước và thả đầy hoa cúc đã ngắt khỏi cành, cánh rất cứng, vàng như màu áo của tôi, tươi đẹp và hoàn toàn vô cảm.
Tôi nói với cô Tâm tôi không xin gặp thêm ai nữa. Mọi việc đã xong, tôi đã được hỏi mua và tôi đã thuận lòng. Cô Tâm nói:
"Không có đứa con gái nào được chọn khách như em. Cô cho em chọn thì em nên chọn người em thấy mến nhất."
Tôi không trả lời, chỉ cúi đầu. Cô Tâm nói tiếp:
"Sau đêm đó chắc chắn người khách sẽ giữ em cho riêng ông ấy có thể là nửa năm. Em phải hiểu em không phải là đứa con gái duy nhất trong nửa năm đó, nhưng được khách giữ cũng tốt. Nửa năm cũng khá dài, được gần người mình mến thì hay."
Tôi vẫn không biết nói gì.
"Ý cô muốn nói là mỗi người khách lại có một ý thích hơi khác nhau trong cách họ muốn được phục vụ. Nếu đi được với một người có ý thích hợp với tính chất của em thì thật may mắn."
"Thưa cô, thế nào em cũng sẽ thấy hợp. Em muốn được đi với người giàu nhất."
"Để cô xem, người em vừa gặp rất khá giả, nhưng chưa phải là người giàu nhất. Người thứ ba mới là người giàu nhất."
"Vậy xin cô sắp xếp cho em với ông ấy."
"Em có muốn đi uống nước với ông ấy một lần không?"
"Thưa không."
Cô Tâm nói với tôi là khách sẽ rất dịu dàng. Chị Hoa đi xe với tôi đến căn phòng nơi tôi sẽ tiếp khách, chỉ tôi cặn kẽ tôi sẽ phải đứng ngồi thế nào và làm những việc gì. Chị nói nếu tôi không thực sự chắc chắn rằng tôi đã hiểu rõ công việc, chị sẽ cho tôi quan sát, từ phòng bên cạnh, một cô người mẫu đang phục vụ chính vị khách đó. Tôi từ chối, nhưng sau đó tôi lại thấy lo. Tôi nói với cô Tâm:
"Hay cô cho em xem một lần. Em sợ em không nắm thật rõ."
"Không cần. Em vụng về một chút thì khách mới tin rằng đây là lần đầu. Cô nói vậy nhưng em vẫn phải làm đúng những điều được chỉ bảo, đó là những điều khách yêu cầu trước với cô để cô sửa soạn cho em, cô muốn mọi việc thật hoàn hảo."
"Lần trước đây em có biết trước gì đâu."
"Không phải cô lường gạt em đâu. Lần trước vị khách đó muốn như vậy. Không sửa soạn cũng là một cách sửa soạn."
"Em chỉ còn xin cô giúp em hai điều. Em nhờ cô xin ông khách cho em thêm một nghìn, vì cha em bệnh, em đang cần tiền để trả viện phí cho cha. Và em xin được nhận tiền sớm, vì chuyện của cha cấp bách. Em rất biết ơn ông khách, và sẽ làm tất cả cho ông được vui lòng."
"Cô hiểu rồi. Tất cả các cô gái đều làm việc này cho cha mẹ, ai cũng là Thúy Kiều bán mình chuộc cha."