Mưa Ở Kiếp Sau Truyện ngắn 15


Truyện ngắn 15
Em là nỗi buồn

Tôi sẽ đến với khách vào đêm thứ sáu. Sáng thứ năm tôi đến Muôn Hoa để nhận phần tiền của tôi. Cô Tâm đang bận tiếp khách, cô bảo tôi ngồi trong một gian phòng nhỏ ở dãy nhà sau, cô sẽ cho gọi tôi.

Tôi chờ không lâu. Cô Tâm nói:

"Em nói em phải chuyển tiền gấp để nộp viện phí cho mẹ? Khách vừa cho người mang tiền đến là cô đưa cho em ngay. Cô đối xử với em rất đặc biệt, những đứa con gái khác phải chờ đến sau khi xong việc."

"Em cám ơn cô."

"Cô biết cô tin em được. Mấy đứa bảo vệ sẽ đưa em về, mai tụi nó đón em lúc sáu giờ chiều nhé. Nếu em có đi đâu, cứ gọi chúng nó đưa đi. Đừng đi đâu hay gặp ai một mình."

Tôi hiểu là tôi bắt đầu được canh gác.

"Em ra bưu điện gửi tiền cho người nhà có được không ạ?"

"Được chứ. Cứ nói với tài xế. "

Mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Tôi ra ngoài chờ anh Nam mang xe đưa tôi đến bưu điện, rồi về nhà. Trong lúc đang đi bộ về phía cổng, tôi thấy một chiếc xe màu đen từ phía sau chạy ngang qua tôi về phía hai cánh cổng đã mở sẵn. Nó ngừng ở cổng một giây, rồi rẽ vào đường biến mất khỏi tầm nhìn của tôi. Không biết sao chiếc xe làm cho tôi thấy bất an. Một linh cảm mơ hồ làm cho tôi thấy sợ. Chiếc xe nói gì về chủ nhân của nó? Có phải ông ta là một người bạo tàn? Không, cô Tâm nói là ông sẽ rất dịu dàng, đó là một gentleman(1). Cái gì trên chiếc xe đó tôi thoáng nhìn thấy nhưng chưa kịp nhận ra, cái gì báo cho linh cảm tôi một điều không lành?

Tôi đến bưu điện, gửi cho mẹ một món tiền lớn, lớn hơn tất cả số tiền mà bà ngày ngày kiếm được đem về để trong chiếc tủ hương, dưới xấp quần áo, trong ba năm. Mẹ tôi sẽ muốn hỏi số tiền đó tôi làm sao có được, nhưng bà không thể hỏi, vì không có số điện thoại hay số nhà của tôi. Một hôm nào khác tôi sẽ nghĩ ra cách trả lời mẹ, một hôm nào khác, không phải hôm nay. Con không thể nào nghĩ về mẹ ngày hôm nay, bởi vì con đang có tội với mẹ, tội lớn lắm, con không hiểu, chưa hiểu hết là tội gì, con không nên biết, và mẹ không nên biết, vì nó sẽ làm cho chúng ta sụp đổ.

Tôi mời anh Nam tài xế ăn cơm Tàu với tôi ở đường Trần Hưng Đạo, rồi nhờ anh đưa tôi về nhà.

Anh Nam hỏi:

"Từ giờ đến chiều mai em có đi đâu không?"

"Em không định đi đâu hết, nhưng nếu có đi, em sẽ gọi."

 

 

 

Tôi thấy mệt, định lên giường nghỉ một lát, nhưng rồi tôi ngủ quên. Lúc thức dậy đã quá chín giờ tối. Tôi thấy lòng nao nao, bất an.

Tôi vào bếp nhưng không thấy đói, nên tự châm cho mình một ấm trà cúc. Trà cúc sẽ làm dịu cơn lo lắng. Tôi mang ấm trà và cái chén đến đặt lên chiếc bàn nhỏ. Tôi đến kệ lấy sách đọc, bất cứ cuốn gì, đọc để tập trung tâm trí tôi vào một chuyện khác và quên chuyện của tôi, để tìm chút an bình. Tôi đặt cuốn sách lên bàn, cạnh ấm trà, rồi ngồi xuống chế trà ra chén.

Tôi nhìn thấy cuốn sách, nó có bìa màu vàng. Tôi nhớ lại căn phòng, nhớ lại ngôi nhà nơi tôi đã lấy cuốn sách đó. Sách của Quỳnh nhưng tôi nói dối với mẹ Quỳnh nó là của tôi cho Quỳnh mượn và muốn lấy lại, chỉ để có được một lưu vật gì từ gian phòng đó, căn nhà đó. Tôi cầm cuốn sách lên và mở nó ra, lật qua lật lại các trang. Vẫn còn đây tấm danh thiếp mà người đọc sách trước đây đã dùng để làm tấm đánh dấu trang, rồi bỏ quên nó trong cuốn sách. Tôi cầm nó lên xem. Tôi hoảng loạn đến tận cùng.

Cuốn sách đó của cha tôi, chứ không phải của Quỳnh. Tấm danh thiếp đó là của cô Tâm ở Muôn Hoa. Và chiếc xe màu đen lướt ngang qua tôi chạy ra cổng sáng nay là của cha tôi, người lái chiếc xe đó là người đàn ông đã mở cái khung sắt nhỏ nói chuyện với tôi ngày đầu tiên tôi đến Sài Gòn. Nỗi lo sợ mơ hồ của tôi về chuyện chẳng lành đã trở nên rõ nét. Người mua tôi, người mà tôi sẽ hầu hạ ngày mai ở Muôn Hoa, là cha tôi.

Tôi quị xuống đất. Tôi phải gọi cô Tâm, xin hoãn mọi thứ, xin hủy mọi thứ ngay bây giờ, nhưng tôi đã ngất đi một nửa. Chiếc điện thoại đâu rồi, tôi không còn tỉnh táo để tìm nó. Tôi nằm úp mặt xuống sàn gạch và khóc. Tôi kiệt sức và lịm đi, đến gần tối.

Khi tỉnh táo lại một chút, tôi đứng dậy để gọi điện thoại cho cô Tâm. Tôi không thể dùng điện thoại bàn, vì tôi lưu số của cô trong điện thoại di động. Nó đâu rồi? Tôi bật đèn đi tìm nó khắp nơi. Không biết nó ở đâu. Tôi đã quên nó trong quán ăn sao? Hay trên xe? Tôi để nó trong ví kia mà. Ví tôi đâu rồi?

Tôi tìm thấy trên chiếc bàn nhỏ đặt ở đầu giường, không phải chiếc ví của tôi, mà những trang giấy. Tôi không nhớ đã đặt tờ giấy nào ở đây. Chỉ có Chi mới làm được chuyện lạ lùng này. Tôi đang muốn nói chuyện với Chi, báo cho nó biết chuyện kinh khủng đang đến. Nếu Chi không đến, tôi sẽ gọi nó đến. Tôi sẽ đốt hương đốt nến, đốt bất cứ thứ gì, đốt cả căn phòng này, để gọi hồn Chi đến.

Tôi ngồi xuống, bật cây đèn ở đầu giường lên. Tôi cầm lên những trang giấy và bắt đầu đọc thư của Chi.

Vâng, người đàn ông đó chính là cha. Bây giờ thì Mai biết rồi và Mai đang khóc, đang hoảng sợ kinh hoàng. Vậy mà em lại bảo Mai tạm bình tâm lại đôi chút. Em sẽ bắt đầu câu chuyện ở một nơi khác. Câu chuyện này là câu chuyện duy nhất của em, câu chuyện duy nhất cần được nói, nó quan trọng đến kỳ cùng. Mai hãy công bằng với em, hãy đọc thư em chậm rãi. Đừng đọc trong hoảng loạn, đừng vội phán đoán đúng sai. Em đã chờ tất cả những năm tháng dài từ lúc cuộc đời chúng ta bắt đầu, để được nói ra một lần, một lần này. Mai hãy đọc thật chậm. Chén trà cúc còn để trên bàn, tuy nước đã nguội rồi, nó vẫn làm dịu tâm trí Mai được đôi chút. Mai uống đi, rồi hãy đọc tiếp.

Em là nỗi buồn Mai à. Mai gọi em là Chi, nhưng Chi nó chết rồi còn đâu. Đâu còn cái đầu bé nhỏ chỉ muốn rúc vào ngực mẹ, đâu còn cái miệng bé nhỏ chỉ muốn bú muốn hút tất cả nguồn sữa nó tìm được vào cái cơ thể bé nhỏ để nó thôi không bé nhỏ nữa, để nó cao lên lớn lên, có mặt giữa loài người. Tách em ra khỏi Mai, em đâu còn cơ thể nào để đứng ngồi, đâu còn trái tim để yêu, da thịt để ấm lạnh, hay đau đớn, hay đê mê như một con người. Tách em ra khỏi Mai, em chỉ còn nỗi buồn, cũng không phải là nỗi buồn của Chi, vì Chi có còn đâu. Em là nỗi buồn đứng một mình. Khi em nương nhờ cơ thể của Mai, em trở thành nỗi buồn của Mai. Khi em vương vất qua bao xóm nhà, bao con đường, em trở thành nỗi buồn của loài người, của tất cả dòng giống người em muốn thành mà không được thành. Mai nói em vương mang thù hận, nên không thoát kiếp được, vất vưởng ở đây làm một con ma buồn khổ. Mai nói như nhà sư nói. Nhà sư bảo người sống cúng giải oan, vẩy cho em chén nước, đốt cho em vàng hương, nếu em quên oán nghiệp, thì sẽ thôi buồn khổ.

Không phải thù hận làm nên nỗi buồn đâu Mai. Suốt một đời ma em chỉ là nỗi buồn, chứ không phải là thù hận. Thù hận chỉ đến lúc sau này khi em nương nhờ thân thể Mai, Mai không chịu được nữa, Mai oằn xuống. Em nhìn Mai thấy xót xa. Lần đầu em ước ao mình không còn đó nữa, em thực sự muốn mình mất đi. Mai sẽ thôi gánh cái gánh buồn chực làm đổ vỡ châu thân. Nhưng em không thể tan đi được, không có cách nào hết. Lúc đó em mới hiểu là có một cách, nếu người đàn ông đó hiểu ông đã làm gì, thì em sẽ tan được. Cha tàn phá cuộc đời của mẹ rồi không hiểu rằng mình đã làm chuyện đó. Vì ông không phải là mẹ, ông không hiểu người ta phải sống cuộc đời rất dài của mình thế nào sau khi đánh mất nó vào năm hai hai tuổi. Cha giết con, rồi không hiểu rằng mình đã làm chuyện đó. Vì cha không phải là em, ông không hiểu đứa con gái bị cha mình úp chiếc gối vào mặt thì nó thèm được thở như thế nào, không phải chỉ trong lúc ấy, mà mãi mãi, vĩnh viễn, nó không bao giờ ngưng thèm được thở. Ông không biết địa ngục nó như thế nào. Vì ông không phải là Mai, cha không hiểu khi đứa con gái chỉ có vải che mắt chứ không có vải che thân ngồi bên dưới những ngọn đèn cầy đang nhỏ sáp nó như thế nào. Chính vì ông không hiểu nên em không tan đi được. Ngày cha hiểu, em sẽ mất đi, sẽ không còn. Làm sao cho cha hiểu sự tàn phá hở Mai? Ma quỉ có thể xô ông ngã từ lầu ba, hoặc đẩy cho xe đụng ông què quặt; thần thánh có thể thổi một làn hơi đủ làm bay hết của cải cha lấy của người ta. Những chuyện ấy dễ lắm, khi con sâu đã bò lên đến ngọn cây, gọi một con chim đến ăn nó thì có khó gì. Nhưng làm như vậy cha cũng không hiểu, cuộc đời không khác mấy nếu còn hay mất đi một con sâu mê muội, vì trước sau gì nó cũng mất, và nó mất rồi nỗi buồn cũng còn hoài. Em chỉ tan được nếu cha hiểu. Cha chỉ hiểu sự tàn phá khi cha ở cả hai đầu của sự tàn phá ấy. Cha phải vừa mang giày đinh giẫm đạp lên một con chim lỡ sa xuống đất, vừa là con chim ấy để hiểu giờ phút bầu trời bị giẫm đạp, từ phía trên và phía dưới đôi giày đinh. Cha phải tàn phá chính mình và hiểu sự tàn phá ngay khi nó xảy ra. Cha phải hiểu tội lỗi, và nỗi tan hoang.

Em không biết em chết như thế nào. Lúc em chết em còn bé quá. Về sau em mới biết, do mấy con ma già hơn em kể lại, là cha đưa cho lái xe ở cơ quan năm chỉ vàng, để hắn mang em về quê cho một người chị họ hắn nuôi. Nhận năm chỉ vàng xong, hắn úp cái gối lên mặt em cho em chết rồi mang em đi bỏ. Hắn đặt em vào một cái giỏ, ràng cái giỏ vào yên sau xe đạp. Lúc đó độ năm giờ chiều. Nhưng hắn vừa dắt xe đạp ra khỏi cổng thì gặp vợ hắn đang đứng chờ ở gốc cây trước nhà. Bà ấy cho bạn mượn xe, nên đi bộ đến chỗ hắn công tác chiều đó chờ hắn đèo về nhà. Hắn đành tháo cái giỏ ra đưa cho vợ ôm, bảo là giỏ của thủ trưởng, miệng giỏ vẫn còn cột dây cẩn thận. Nhưng bà vợ ngồi sau tò mò luồn tay thò vào giỏ xem trong đó có gì. Bà nắm phải bàn chân một hài nhi chết đã lạnh, bà ấy la thét lên, ném cái giỏ xuống đường. Mọi người xúm lại. Tên lái xe mới giả vờ la theo, nói rằng hắn nhặt được cái giỏ của con bé nọ bỏ bên đường, ngay trước căn nhà của cha ở Tuệ Tĩnh. Công an đến. Công an hỏi những người buôn bán ở lề đường, họ không nhớ có thấy gì. Hỏi kỹ hơn thì anh vá xe rồi cả bà hàng nước ở đầu đường cùng nhớ có thấy có một cô gái độ mười lăm mang cái giỏ qua lại chỗ đó mấy lần.

Cha biết là tên lái xe sẽ úp cái gối lên mặt em. Năm chỉ vàng cha đưa là để trả công hắn làm việc đó thay ông, chứ không phải để hắn mang về quê đưa cho chị họ hắn nuôi em. Không có một chị họ nào ở quê hết. Cha cũng biết như vậy. Thỏa thuận giữa cha và tên lái xe không bao giờ được nói ra bằng lời. Nhưng họ đã hiểu nhau tuyệt đối. Có người cho rằng tội lỗi khi chỉ nằm trong ý nghĩ, hoặc ý muốn, thì chưa phải là tội lỗi. Ông giết con cũng mới chỉ là ý muốn. Ông chưa bao giờ nói với thằng tài xế, tao thuê mày giết con tao. Ông chỉ đặt vào tay thằng tài xế năm chỉ vàng để ý muốn của ông trở thành hành động. Với thằng tài xế, đó là một vụ làm ăn. Với ông, nó dừng lại ở mức ý muốn, chưa phải phạm tội. Mai đừng nói rằng cha có sai thằng tài xế giết em bằng lời hay không thì có khác gì đâu. Nó khác lắm. Nếu hỏi một nghìn quan tòa ở trên dương thế, có bao nhiêu người sẽ cho rằng cha không giết em? Cha không bóp mũi hay siết cổ em bằng bàn tay của chính mình, không biết khi bàn tay với những ngón tay cứng và mạnh của một người đàn ông đã lớn chạm tới làn da mỏng tang của bé thơ thì cảm giác ấy thế nào. Đó là điều tệ hại nhất của cuộc đời, nơi chập chùng xương trắng những đứa trẻ bị giết, nhưng không có những kẻ giết người.

Mai đừng nghĩ là em trả thù, vì đời đời con người đắm chìm trong những mối nợ nần nhau trùng điệp không còn mối gỡ. Mai đừng nghĩ em đưa cha vào thứ tội lỗi ghê hồn nhất, để ông mãi mãi bị đọa đày ở địa ngục, nơi sông không chảy, gió không thổi, ngày không đến, đêm không đi. Cha giẫm đạp lên cuộc đời những người khác, những người vì một thứ duyên phận tiền định nào đó, vào một lúc nào đó đã trao cả sinh mệnh của họ cho cha, cần có được chút nghĩa tình thương vọng để mà sống sót. Và cha đã giày xéo lên họ mà không cần nghĩ mình tàn bạo. Nạn nhân của cha nhỏ hơn những con người, nên cha không cần nghĩ tới tội lỗi.

Cha không phải là người buông thả. Người buông thả không có ý chí, để cho đam mê và lạc thú làm chủ mình. Họ dễ quên trọng trên khinh dưới, cho nên họ không leo lên được cái ghế cao của quyền thế. Trái lại, cha là người yêu nguyên tắc, yêu trật tự, và rất biết chọn những trật tự nào có lợi cho ông để ông yêu. Trong thứ trật tự đó, phần bánh của ông và những người như ông trong xã hội quá lớn: quyền lực, nhà cửa, tài sản… cho nên sự hưởng thụ của ông cũng phải lớn, chứ đó không phải là đam mê. Ông uống rượu chứ không nghiện, chơi gái chứ không yêu. Nếu có đam mê, có thể ông sẽ vô độ hơn, nhưng dễ tha thứ hơn. Nhưng ở đây chỉ có sự tính toán chặt chẽ, để bảo đảm được cả hai phần: phần bánh của một người thành công mẫu mực, và phần bánh của con thú bên trong con người đó. Nhưng còn những đứa con gái?

Mai hãy nhìn phần của chúng ta, chúng ta có gì? Một người mẹ suy tàn quá sớm vì nghèo khổ và buồn tủi; một chỗ ngồi trong giảng đường nơi chúng ta không đến được vì nếu đến thì ban đêm không có chỗ ngủ và ban ngày không có gì ăn. Chúng ta lấy đâu ra sức lực để đòi hỏi hay báo thù. Ngay cả sức lực để cầu xin và đợi chờ chúng ta cũng không có. Mơ ước cũng tắt đi vì kiệt quệ. Em không có sức lực để oán trách, Mai không có sức lực để tha thứ. Và cuộc đời cứ trôi, mọi việc cứ tiếp tục như vậy. Không thể được Mai à. Chúng ta phải chết một lần cái chết nơi trận mạc, trận đầu và trận cuối, để cứu mình, cứu cha.

Đi vào bãi chiến trường thách thức địa ngục và thiên đường đó, chúng ta có gì? Quyền lực đâu, vũ khí đâu, đồng minh đâu? Chỉ có tấm thân này. Và nỗi sợ hãi nguyên thủy trong lòng cha: viên đá lửa đã trăm năm nay không biết sự va chạm. Không còn gì có thể làm cho nó tóe lên những tia chớp. Chỉ còn một thứ. Nếu không bán mình chuộc cha, không đem ngọc trinh tiết của những đứa con gái chơ vơ ra va đập vào viên đá, chúng ta biết lấy gì khởi đầu cơn bão lửa? Chúng ta nào có lựa chọn.

Trong giây phút người ta hiểu được tội lỗi, thì nó tan biến đi, sông sẽ trôi và gió sẽ thổi. Nhưng cha không hiểu, không bao giờ hiểu. Cha vẫn ở trong thế giới của những người cho là mình lương thiện, họ xây nên luật lệ, nhà cửa và tượng đài để tôn vinh và bảo vệ lẫn nhau. Nếu đời là một chiếc cối xay, cha là một trong những người tạo ra nó, không có một thứ lời nói nào có thể nói cho cha hiểu về những con người nằm bên dưới tảng đá của chiếc cối xay. Em phải đưa cha xuống bên dưới. Em không có cách nào hết. Chỉ có một khe hở: ông mua phụ nữ trẻ. Vậy thì những đứa con gái của ông sẽ đem thân mình ra, kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỉ thần, để dắt ông xuống dưới. Có những kẻ giết người nhưng không thấy máu nên không biết mình giết người. Em sẽ đưa cha đến nơi án mạng, không phải để trả thù, mà để cho tội lỗi đến nơi kỳ cùng rồi thì nó tan biến đi, trong giây phút cha nhìn ra nó. Em chỉ muốn ông biết khi cha giết con gái, và máu chảy ra, thì nó như thế nào.

Khi vũng máu hồng trinh tiết đã chảy ra và thấm vào làn vải trắng tinh mà cô Tâm đã cho trải lên giường, Mai sẽ quì trước mặt cha và nói: Con là Phan Kỳ Mai, lẽ ra là Nguyễn Kỳ Mai, vì cha con họ Nguyễn. Con là con của bà Phan Ngọc Liên và ông Nguyễn Bá Lân. Con là con gái của cha.

Nếu ông tin rằng phá trinh một người con gái đem lại may mắn trong công việc làm ăn, thì ông cũng biết rằng phá trinh con gái mình sẽ hủy hoại, không phải công việc làm ăn mà thôi, mà là một thứ khác. Chính ông sẽ phải biết thứ khác đó là gì.

Cha quá thờ ơ với khổ đau, chỉ khi ở trung tâm cơn bão, cha mới nghe thấy tiếng gió. Chỉ khi mặt trăng vỡ tan, ông mới nhìn thấy sự thật. Tội lỗi đó với ông lớn hơn tội giết con. Nó ngang với tội giết tổ tông. Thế giới của ông sẽ vỡ tan. Chỉ trong sự đổ vỡ, ông mới nguyên lành trở lại. Người Thiên Chúa rửa tội bằng lửa, Mai có biết không?

Mai làm cho em lần này, một lần cuối cùng duy nhất, đưa tội lỗi đến chỗ tận cùng, để cha quị xuống và trở lại làm người. Mai chỉ có một cách này để bán mình chuộc cha. Em xin Mai một lần, cho nỗi buồn em tan đi. Cho em tan đi.



1. Quý ông.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87354


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận