Ngày Của Kiến Chương 51-55

Chương 51-55
Bách khoa toàn thư

THUẬT GIẢ KIM: Mọi thao tác giả kim đều nhằm mục đích

bắt chước hoặc tái tạo sự ra đời của thế giới. Có sáu thao tác cần thiết. Đốt Cháy. Phân Hủy. Hòa Tan. Chưng Cất. Nhào Trộn. Làm Thăng Hoa.

Sáu thao tác này diễn ra qua bốn giai đoạn: tác phẩm ở dạng màu đen, hay còn gọi là giai đoạn nấu chín. Tác phẩm ở dạng màu trắng, hay còn gọi là giai đoạn làm bốc hơi. Tác phẩm ở dạng màu đỏ, hay còn gọi là giai đoạn nhào trộn. Và cuối cùng là giai đoạn làm thăng hoa tạo ra những bụi vàng. Thứ bụi này giống với thứ bụi của Merlin l’Enchanteur trong truyền thuyết về các Hiệp sĩ Bàn tròn. Chỉ cần đặt nó lên một người hay một vật nào đó là đủ để khiến nó trở nên hoàn h o. Trên thực tế, có rất nhiều truyện kể và huyền thoại giấu công thức này phía sau cốt truyện. Chẳng hạn truyện Nàng Bạch Tuyết. Nàng Bạch Tuyết là kết quả cuối cùng của một quá trình giả kim. Làm thế nào mà ta có được nàng? Với bảy chú lùn (lùn, xuất phát từ “thần giữ của”, hay sự hiểu biết). Bảy chú lùn ấy đại diện cho bảy kim loại: chì, thiếc, sắt, đồng, thủy ngân, bạc, vàng, bản thân bảy chú lùn cũng có mối liên hệ với bảy hành tinh: sao Thổ, sao Mộc, sao Hỏa, sao Vệ Nữ, sao Thủy, Mặt trăng, Mặt trời, bản thân bảy chú lùn cũng có mối liên hệ với bảy tính cách đặc trưng của con người: cáu bẳn, chất phác, mơ mộng, v.v.

Edmond Wells,

Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.

52. CUỘC CHIẾN NƯỚC

Những tia chớp vẫn lóe lên dọc ngang trên bầu trời giông bão, nhưng không con kiến nào còn lòng dạ chiêm ngưỡng những áng mây nâu ánh vàng bị những tia sáng trắng xé toạc. Cơn giông đúng là một tai ương.

Bao nhiêu giọt mưa rơi xuống Cấm Thành là bấy nhiêu trái bom và những kiến chiến binh nấn ná bên ngoài để thực hiện những chuyến săn muộn đã bị thứ đạn lỏng ấy quật vào.

Trong lòng Bel-o-kan, một trong những thử nghiệm được Chli-pou-ni tiến hành hồi mùa xuân giờ đang khiến thảm họa thêm trầm trọng.

Kiến chúa từng cho đào kênh nhằm thúc đẩy quá trình lưu thông từ khu vực này sang khu vực khác. Đám kiến đi lại trong đó trên những chiếc lá nổi dập dềnh. Song dưới cơn mưa rào, những dòng suối nhỏ dưới lòng đất ấy trào lên thành những con sông, đám đông kiến canh gác vất vả lắm mà không ngăn nổi cơn giận dữ của những con sông đó.

Trên đỉnh vòm, tình hình còn tệ hại hơn. Những hạt mưa đá khoan thủng lớp lót bằng cành con của Cấm Thành. Nước ào qua những vết thương chi chít ấy.

103 683 cố hết sức bít lỗ hổng lớn nhất.

Tất cả đi vào phòng sưởi nắng, nó kêu lên, cần phải cứu các ấu trùng!

Một nhóm kiến lính vội vàng đi theo nó, bất chấp những ngọn sóng ồ ạt.

Phòng sưởi nắng nằm ở vị trí cao đã mất đi ánh sáng quen thuộc. Trên trần, đám kiến thợ bị nỗi âu lo giày vò đang cố thử lấp mấy cái lỗ hổng bằng lá rụng. Nhưng nước lại ào vào ngay sau đó và chảy thành những dải dài ánh bạc trên sàn. Tất cả đều sũng nước. Không thể cứu được toàn bộ đám vỏ kén quý báu, có quá nhiều. Đám kiến vú em vừa kịp cứu thoát một vài ấu trùng chín sớm. Đống trứng bị quẳng vội cho đám kiến thợ vỡ tan ngay sát mặt đất.

Khi ấy, 103 683 nghĩ đến lũ kiến nổi loạn. Nếu nước rút, mà nước thì luôn rút, rút đến tận mấy chuồng bọ hung, lũ kiến nổi loạn sẽ chết hết!

Báo động giai đoạn 1: Các pheromon kích động lan tỏa hết mức có thể, chúng thường bị hơi nước làm nhiễu.

Báo động giai đoạn 2: Kiến lính, kiến thợ, kiến vú em, kiến hữu tính, tất cả cùng dùng đầu bụng dưới gõ vào các bức tường, gõ rất dữ dội và kiên trì. Tình cảnh chiến trận lộn xộn ấy làm cả Cấm Thành rung chuyển.

Bùng, bùng, bùng. Báo động! Nghìn lần báo động!

Nỗi hốt hoảng mới kinh khủng làm sao!

Ngay cả đám kiến đã mắc kẹt trong những vũng nước cũng cố gõ vào đất qua làn nước để toàn thành phố ở trong tình trạng báo động. Tiếng khua đập giống như tiếng máu đứt rời trong các động mạch.

Trái tim thành phố hổn hển.

Đáp lại tiếng hổn hển ấy là tiếng mưa đá khoan đục vòm. Bốp, bốp, bốp.

Những cái hàm dưới dù vô cùng sắc bén liệu có thể làm được gì chống lại những giọt mưa?

Báo động giai đoạn 3: Tình huống đang trở nên cực kỳ nguy kịch. Một vài kiến thợ hóa cuồng chạy tứ tung. Những cái râu chìa ra của chúng tuôn ào ạt các pheromon gào thét khó hiểu. Trong cơn náo loạn, một vài con còn làm đồng loại bị thương.

Ở loài kiến đỏ hung, pheromon báo động mạnh nhất là một chất được tuyến vỏ gai tiết ra. Mang tên n-decane, đó là một hydrocacbon bay được có công thức hóa học C10-H22. Một mùi đủ nặng để khiến một kiến vú em đang ngủ đông phát điên phát cuồng.

Không có sự hy sinh của đám kiến gác cổng, hẳn cơn sóng thần đã chẳng buông tha Cấm Thành. Bằng cách dùng đầu phong tỏa kín bưng các lối vào, những lính gác anh hùng này đã ngăn không cho kẻ xâm chiếm lỏng dìm ngập gốc cây trung tâm. Toàn bộ cư dân Cấm Thành, đứng đầu là kiến chúa Chli-pou-ni đều bình an vô sự.

Tuy nhiên, giờ nước đang tràn xuống các phòng rệp. Lũ vật màu xanh lá ấy thốt ra những tiếng kêu tỏa mùi vô nghĩa.

Bị dồn vào thế phải bỏ trốn, lũ kiến chăn rệp chỉ có thể cứu được một nhúm rệp sắp đến kỳ sinh nở.

Khắp nơi, lũ kiến tìm cách xây cao các con đập. Chúng miệt mài gia cố con đập được đặt một cách chiến lược ở hành lang chính và đang gắng sức kìm chế cơn thác lũ điên cuồng. Nhưng sức nước là điều khó lòng chống nổi. Con đập vỡ vụn, nứt toác và tan tành. Công trình vỡ tung, khiến một cuộn nước đột ngột òa ra cuốn theo những con kiến thợ nề dũng cảm.

Cuốn theo những kẻ chết đuối, con nước tràn qua các hành lang, làm sụp các mái vòm, nhổ tung các cây cầu, làm xáo trộn địa hình dưới lòng đất trước khi ập vào các phòng trồng nấm. Cả ở đây nữa, đám kiến trồng trọt cũng chỉ kịp hái một vài bào tử quý rồi bỏ chạy.

Đám bọ cánh cứng sống trong nước, cái đám niềng niễng trứ danh mà Chli-pou-ni rất muốn thuần hóa ấy, hiện diện khắp nơi, chúng sung sướng nô giỡn trong môi trường quen thuộc, ngấu nghiến lũ rệp, xác kiến và ấu trùng đang hấp hối.

Vòng đi vòng lại nhiều lần, vượt qua các chướng ngại vật, cuối cùng 103 683 cũng đến được chuồng bọ tê giác. Lũ vật tội nghiệp đang xập xòe bay chỗ này chỗ kia hòng tránh bị ch t đuối. Nhưng trần thấp tới nỗi chúng bị va vào đó ngay lập tức và hết sức kinh hãi.

Ở đây cũng như ở mọi nơi, bất chấp hiểm nguy, các kiến thợ chăm chỉ vẫn lo lắng cứu sống con bọ nhỏ và đẩy những viên phân bò hình cầu đầy trứng ra chỗ khô ráo. Tuy nhiên, chúng cũng biết, mất mát rất lớn và không thể tránh khỏi.

Chân ẩm khiến lũ bọ hoảng sợ và húc sừng lên trần. Phải nhờ có tính cảnh giác của lính chiến binh, 103 683 mới lướt qua được giữa những cú húc điếng người.

Rốt cuộc cũng đến được lối vào chỗ trú ẩn của đám kiến nổi loạn. Hữu thần hay vô thần, tất cả đều ở đó. Nhưng nếu lũ kiến vô thần căng thẳng nháo nhào thì lũ kiến hữu thần lại bình tĩnh một cách kỳ lạ. Tai biến không khiến chúng sửng sốt.

Chúng ta không nuôi dưỡng các đức chúa đầy đủ, chính vì vậy họ dìm ướt chúng ta.

103 683 cắt ngang những lời ê a của chúng. Sắp chẳng còn lối thoát nào nữa. Nếu chúng muốn cứu phong trào nổi loạn thì quan trọng là phải chuồn đi ngay lập tức.

Cuối cùng chúng cũng lắng nghe và theo gót nó. Đúng lúc bỏ đi, con kiến số 24 chìa cho nó cái vỏ kén bướm mà nó đã bỏ lại đó trong đợt viếng thăm trước.

Dành cho nhiệm vụ Sao Thủy. Chị không được quên cái này.

Thay vì lại phải tranh cãi, 103 683 vác lấy cái vỏ kén và kéo lũ kiến nổi loạn theo mình. Nhưng giờ không thể vượt qua chuồng được nữa. Căn phòng đã hoàn toàn bị ngập. Bọ tê giác và cả kiến cùng trôi nổi giữa hai dòng nước.

Cần phải đào thật nhanh một đường hầm mới, 103 683 ra lệnh.

Cần phải làm nhanh, mực nước đang bắt đầu dâng trong phòng. Toàn bộ thức ăn nổi lềnh bềnh.

Nước dâng càng lúc càng nhanh.

Song lũ kiến hữu thần không nghĩ đến việc phàn nàn. Phần lớn cam tâm chịu đựng cơn cuồng giận công bình của thần thánh.

Chúng tin rằng cơn mưa tàn phá ập đến tấn công chúng chỉ là để ngăn cuộc thập tự chinh của Chli-pou-ni.

53. NHỮNG KỶ NIỆM CHUA XÓT

- Xin lỗi cô!

Có người đang nói với cô.

Khi mở mắt ra, Laetitia Wells thấy mình vẫn chưa đến trạm cuối. Một phụ nữ đang nói với cô.

- Xin lỗi cô. Tôi nghĩ mình đã đâm mấy cái que đan vào cô.

- Không sao đâu, Laetitia thở dài.

Người phụ nữ đang đan len màu hồng kẹo. Cô ta xin cô nhích ra một chút để trải tấm len cô ta đan. Laetitia Wells nhìn người phụ nữ đang đan ấy cử động những Ngón Tay của mình. Các que đan làm dày thêm những nút thòng lọng trong tiếng lách cách đầy ám ảnh.

Tác phẩm màu hồng của cô ta nom giống như một món đồ lót dành cho trẻ sơ sinh. Cô ta định cầm tù đứa trẻ tội nghiệp nào trong thứ vòng xích bằng len này nhỉ? Laetitia Wells nghĩ. Như thể nghe thấy câu hỏi, người phụ nữ nhe hàm răng giả tráng men tuyệt vời ra.

- Cho con trai tôi đấy, cô ta nói với vẻ tự hào.

Đúng lúc ấy, ánh mắt Laetitia Wells chạm phải một tấm áp phích: “Đất nước chúng ta cần trẻ con. Hãy đấu tranh chống lại sự giảm sinh.”

Laetitia Wells cảm thấy chút cay đắng. Sinh con ư! Cô tự nhủ đó là mệnh lệnh cốt yếu được ban ra cho loài: sinh sản, lan tràn, phân tán theo từng nhóm đông đúc. Bạn không có một hiện tại thú vị? Vậy hãy tiếp tục sống trong tương lai bằng việc sinh đẻ! Cứ nghĩ đến số lượng trước đã, chất lượng có lẽ sẽ tiếp bước theo sau.

Những kẻ đảm đương nhiệm vụ sinh đẻ đều không ý thức được điều ấy, nhưng họ phục tùng chính sách tuyên truyền muôn thuở vượt lên mọi chính sách khác của mọi quốc gia: tăng cường ảnh hưởng của loài người đối với hành tinh.

Laetitia Wells từng muốn túm vai những người mẹ ấy rồi nhìn thẳng vào mắt họ mà nói: “Không, đừng sinh con nữa, hãy kìm chế bản thân, hãy e lệ đôi chút, quỷ thần ơi! Hãy sử dụng các biện pháp ngừa thai, hãy tặng bao cao su cho chàng trai bạn yêu, hãy nói điều phải trái với người bạn gái mắn đẻ của bạn như thể chính bạn cũng mong muốn được thành người biết điều phải trái. Cứ một đứa trẻ được nuôi nấng thành công thì có tới cả trăm đứa trẻ bị nuôi nấng cẩu thả. Thật chẳng bõ công chút nào. Bởi sau đó lại là những đứa trẻ bị nuôi nấng cẩu thả nắm giữ quyền lực và kết quả thì đấy. Nếu mẹ bạn nghiêm túc hơn, bà hẳn đã tránh cho bạn mọi khổ đau này. Đừng trút mối thù của bản thân vào con cái, cái mối thù đối với điều tồi tệ nhất mà bố mẹ bạn gây ra cho bạn là sinh ra bạn ấy. Hãy ngừng yêu nhau đi, hãy cứ tăng trưởng nhưng đừng gia tăng thêm nữa.”

Mỗi cơn khủng hoảng ghét đời (mà ở cấp độ của cô là ghét nhân loại) lại khiến miệng cô đắng ngắt. Nhưng điều đáng hoang mang hơn cả là cô không lấy thế làm khó chịu.

Cô trấn tĩnh lại, mỉm cười với người phụ nữ đang đan.

Khuôn mặt đối diện kia, rạng ngời vì niềm hạnh phúc được làm mẹ, khiến cô nhớ đến... không... không... nên... nó khiến cô nhớ đến... mẹ cô. Ling-mi.

Ling-mi Wells mắc bệnh bạch cầu cấp tính. Ung thư máu, thứ bệnh chẳng khoan dung chút nào. Ling-mi, người mẹ dịu dàng của cô, người không bao giờ đáp lời cô mỗi lần cô hỏi xem bác sĩ nói gì. Với Laetitia, Ling-mi luôn lặp đi lặp lại: “Con đừng lo lắng. Mẹ sẽ khỏi. Các bác sĩ rất lạc quan và thuốc men thì ngày càng có tác dụng.” Nhưng trong phòng tắm, luôn xuất hiện những dòng chảy màu đỏ ở lavabo còn lọ thuốc giảm đau lại thường xuyên trong tình trạng hết nhẵn. Ling-mi dùng quá mọi liều thuốc được chỉ định. Chẳng gì có thể giảm nổi các cơn đau của bà.

Một ngày kia, chiếc xe cứu thương đến và đem bà tới bệnh viện. “Con đừng lo. Ở đó họ có đủ loại máy móc cần thiết cùng các chuyên gia để chăm sóc mẹ. Con hãy trông nhà, ngoan ngoãn khi mẹ vắng mặt và tối tối đến thăm mẹ.”

Ling-mi c ó lý: ở bệnh viện, người ta có đủ loại máy móc cần có. Đến nỗi bà không thể chết nổi. Đã ba lần bà định tự vẫn và cả ba lần người ta đều cứu được bà ở phút cuối. Bà vùng vẫy. Người ta buộc bà bất động bằng những cái đai và bà bị tiêm moóc phin. Khi đến thăm mẹ mình, Laetitia thấy rõ hai cánh tay bà phủ đầy những vết tụ máu do các xơ ranh và mũi tiêm gây ra. Trong vòng một tháng, Ling-mi trở thành một người phụ nữ già nua quắt queo. “Chúng tôi sẽ cứu bà ấy, các vị đừng lo lắng, chúng tôi sẽ cứu bà ấy”, đám bác sĩ khẳng định. Nhưng Ling-mi Wells không muốn được cứu nữa.

Chạm vào cánh tay cô con gái, bà thì thầm với cô: “Mẹ muốn... chết.” Nhưng một đứa trẻ mười bốn tuổi có thể làm được gì khi mẹ nó gửi gắm nó lời thỉnh cầu như vậy? Luật pháp không cho phép để mặc người khác chết dù đó là bất kỳ ai. Đặc biệt nếu người ấy lại có khả năng trả hàng nghìn franc tiền phòng mỗi ngày bao gồm cả chi phí chăm sóc lẫn tiền lưu lại trọn gói.

Edmond Wells cũng vậy, ông cũng già đi, già đi nhanh chóng sau ngày vợ nhập viện. Ling-mi yêu cầu ông giúp bà được chết. Một ngày kia, khi bà không chịu đựng nổi nữa thì cuối cùng ông cũng từ bỏ. Ông cho bà hay cách làm chậm nhịp thở và nhịp đập của tim.

Ông tiến hành thực hiện một buổi tạo giấc ngủ thôi miên. Dĩ nhiên không ai được chứng kiến quang cảnh ấy nhưng Laetitia biết cha cô làm thế nào để giúp mẹ cô thiếp ngủ. “Em đang bình tĩnh, rất bình tĩnh. Hơi thở em tựa như một con sóng xô lên rồi lùi lại. Thật dịu dàng. Xô lên, lùi lại. Hơi thở em tựa như biển cả muốn biến thành hồ nước. Xô lên, lùi lại. Mỗi lần thở là một lần chậm hơn và sâu hơn. Mỗi lần hít vào lại khiến em mạnh mẽ hơn và dịu dàng hơn. Em không cảm thấy cơ thể mình nữa, em không cảm thấy đôi bàn chân mình nữa, em không cảm thấy đôi bàn tay mình nữa, cũng không cảm thấy nửa người trên hay đầu mình. Em là một chiếc lông vũ nhẹ tênh và vô cảm dập dềnh trong gió.”

Ling-mi bay lên.

Trên khuôn mặt bà hiện ra nụ cười thanh thản. Bà ra đi như thể đang ngủ. Các bác sĩ thuộc khoa hồi sức nhấn chuông báo động ngay lập tức. Họ níu lấy bà như những con chồn bơ lét khao khát ngăn cản một con diệc bay đi.

Kể từ đó, Laetitia có một câu đố cần phải tìm lời giải: bệnh ung thư. Và một nỗi ám ảnh: căm thù các bác sĩ cũng như những kẻ quyết định số phận người khác. Cô tin rằng nếu không ai loại trừ được căn bệnh ung thư thì đó là vì không ai thực sự quan tâm đến việc tìm ra giải pháp.

Để hiểu rõ mọi việc, bản thân cô đã trở thành một chuyên gia nghiên cứu ung thư. Cô muốn chứng tỏ rằng ung thư không phải không chữa được và các bác sĩ là những kẻ bất lực lẽ ra phải cứu sống mẹ cô thay vì làm bà thêm tuyệt vọng. Nhưng cô đã thất bại. Thế là đọng lại trong cô chỉ còn nỗi căm thù loài người cùng niềm đam mê dành cho các câu đố.

Nghề báo giúp cô dung hòa được mối hận thù của mình với những khát vọng sâu xa nhất trong lòng. Bằng ngòi bút, cô có thể tố cáo các bất công, kích động các đám đông, công kích những kẻ đạo đức giả. Than ôi, cô nhanh chóng nhận ra rằng trong số những kẻ đạo đức giả, chính đồng nghiệp của cô xếp ở vị trí đầu bảng. Ngôn từ thì dũng cảm nhưng hành động lại hèn nhát. Những kẻ dựng chuyện tầm bậy trong các bài xã luận, sẵn sàng thực hiện các hành vi đê hèn nhất để đổi lấy một lời hứa tăng lương. So với giới truyền thông, dường như trong mắt cô giới y học còn đầy những người tử tế.

Nhưng trong ngành báo, cô đã giành được cho mình một địa bàn riêng, lĩnh vực săn bài của cô. Cô tạo dựng nên danh tiếng bản thân bằng cách giải quyết nhiều vụ án hình sự. Hiện tại, các đồng nghiệp vẫn giữ khoảng cách với cô, đợi ngày cô thất thế. Không được phép chệnh choạng.

Chiến lợi phẩm lần tới mà cô muốn giành được trong kết quả săn bắt của mình sẽ là vụ Salta-Nogard. Và kệ thây cái anh chàng đội trưởng hoạt bát Méliès ấy!

Rốt cuộc cũng đến trạm cuối. Cô bước xuống.

- Chúc cô buổi tối tốt lành, người phụ nữ đan len vừa nói với cô vừa xếp miếng tã lót lại.

54. BÁCH KHOA TOÀN THƯ

LÀM THẾ NÀO: Đứng trước một chướng ngại vật, con người

thường có phản ứng đầu tiên là tự hỏi: “Tại sao lại nảy sinh vấn đề này và lỗi là do ai?” Anh ta đi tìm các thủ phạm cùng hình phạt mà các thủ phạm ấy sẽ phải gánh chịu để điều đó không tái diễn nữa.

Trong tình huống tương tự, thoạt tiên con kiến tự hỏi: “Làm thế nào và với sự giúp đỡ của ai tôi sẽ giải quyết được vấn đề?”

Trong thế giới Myrmécéen, không hề tồn tại chút gì gọi là khái niệm tội phạm.

Luôn có sự khác biệt lớn lao giữa những người tự hỏi “tại sao mọi thứ không hoạt động” và những người tự hỏi “làm thế nào để khiến mọi thứ hoạt động”.

Hiện tại, thế giới loài người thuộc về những kẻ tự hỏi “tại sao” nhưng sẽ có ngày những người tự hỏi “làm thế nào” lên nắm quyền lực...

Edmond Wells,

Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.

55. TOÀN NƯỚC LÀ NƯỚC

Những cái móc và những cái hàm dưới hoạt động một cách bền bỉ. Đào, đào nữa, không còn lối thoát nào khác. Xung quanh đám kiến nổi loạn đang bám riết lấy đường hầm cứu nạn, đất rung lên và run rẩy.

Nước quét bay toàn bộ Cấm Thành. Tất cả những dự định đẹp đẽ, những thành tựu tiên phong tuyệt vời của Chli-pou-ni đều chỉ còn là đống rác thải bị sóng nước cuốn mất. Những điều hão huyền, vậy ra đó chỉ còn là những điều hão huyền, những khu vườn, những luống trồng nấm, những cái chuồng, những căn phòng nuôi kiến chứa thức ăn, những kho dự trữ mùa đông, những nhà trẻ được điều nhiệt, phòng sưởi nắng, những mạng lưới thủy sinh... Chúng biến mất trong vòi rồng như thể chưa bao giờ tồn tại.

Đột nhiên, một bên của đường hầm cứu nạn vỡ tung. Nước bắn ra thành chùm. 103 683 cùng đồng đội nuốt đất để đào nhanh hơn nữa. Nhưng nhiệm vụ là bất khả thi và dòng thác bắt kịp chúng.

103 683 không nuôi ảo tưởng gì về số phận đang chờ đợi chúng. Chúng đã ướt nhẹp đến bụng và nước vẫn tiếp tục dâng hết sức nhanh.

Hết chương 55. Mời các bạn đón đọc chương 56!

Nguồn: truyen8.mobi/t40065-ngay-cua-kien-chuong-51-55.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận