Chìm ngập. Giờ cô hoàn toàn bị bề mặt nước phủ kín.
Cô không thể thở được nữa. Cô ngâm mình thật lâu trong nước, không còn nghĩ đến điều gì.
Cô thích nước.
Dưới làn nước trong bồn tắm, mái tóc cô nổi lên, làn da cô nom giống thứ bìa các tông. Laetitia Wells gọi đó là nghi lễ tắm táp hàng ngày của mình.
Đây cũng là cách thư giãn của cô: một chút nước ấm và bầu không khí yên lặng. Cô thấy mình tựa như nàng công chúa hồ nước.
Cô nín thở hàng chục giây cho đến khi cảm thấy sắp chết.
Mỗi ngày cô lại ở được trong nước lâu hơn một chút.
Cô thu hai đầu g ối lại dưới cằm như thai nhi nằm trong nước ối rồi từ từ đu đưa theo một điệu vũ thủy sinh mà chỉ mình cô mới biết hướng.
Cô bắt đầu rũ sạch những mớ ngổn ngang khỏi đầu, thoát khỏi bệnh ung thư, thoát khỏi Salta (ding, dong), thoát khỏi ban biên tập tờ Tiếng vang Chủ nhật, thoát khỏi vẻ đẹp của bản thân (ding, dong), thoát khỏi tàu điện ngầm, thoát khỏi những bà mẹ mắn đẻ. Đây là cuộc tổng vệ sinh mùa hè.
Ding, dong.
Cô trồi lên khỏi nước. Ra khỏi nước, mọi thứ dường như đều khô cạn. Khô cạn, thù nghịch (ding!, dong!)... ồn ào.
Cô không mơ: có tiếng chuông cửa.
Thế là cô trườn ra khỏi bồn tắm tựa như loài lưỡng cư phát hiện ra sự hô hấp khí trời.
Cô với lấy chiếc áo choàng tắm rộng, quấn nó quanh mình rồi rón rén bước ra phòng khách.
- Ai đó? Cô hỏi qua cánh cửa.
- Cảnh sát đây!
Cô nhìn qua lỗ nhòm trên cánh cửa và nhận ra đội trưởng Méliès.
- Điều gì xui khiến anh tới vào giờ này vậy?
- Tôi có lệnh khám xét.
Cô chấp thuận mở cửa.
Anh có vẻ thoải mái.
- Tôi đến CCG và họ nói với tôi rằng cô đã thó mất mấy cái lọ thủy tinh đựng các sản phẩm hóa học mà anh em nhà Salta và Caroline Nogard nghiên cứu.
Cô đi lấy đống lọ thủy tinh và chìa chúng cho anh. Anh ngắm nghía chúng, vẻ trầm tư.
- Thưa cô Wells, tôi có thể hỏi cô thứ gì nằm trong đây được không?
- Tôi đâu phải làm sẵn việc cho anh. Tạp chí của tôi trả tiền cho biên bản giám định hóa học. Các kết luận chỉ thuộc về tạp chí chứ không thuộc về ai khác.
Anh vẫn đứng trên ngưỡng cửa, gần như rụt rè trong bộ quần áo nhàu nhĩ và trước cô gái vô cùng xinh đẹp đang thách thức mình.
- Thưa cô Wells, cô có thể vui lòng để tôi vào được không? Liệu chúng ta có thể bàn luận một chút được không? Tôi sẽ không làm phiền cô lâu đâu.
Hẳn anh đã đi dưới cơn mưa rào dữ dội. Người anh ướt sũng. Một vũng nước nhỏ đã hình thành dưới chân anh, trên tấm thảm chùi chân. Cô thở dài:
- Thôi được, nhưng tôi không có nhiều thời gian cho anh đâu đấy.
Anh lau giày hồi lâu rồi mới bước vào phòng khách.
- Thời tiết chết tiệt.
- Sau cơn nóng nực đến lúc mưa rào.
- Các mùa xáo trộn hết cả, chẳng có giai đoạn chuyển tiếp từ thời tiết nóng khô sang thời tiết lạnh ẩm gì.
- Nào, anh vào đi và mời anh ngồi. Anh muốn uống thứ gì không?
- Cô có gì?
- Hydromen.
- Đó là gì vậy?
- Nước, mật ong và nấm men, tất cả trộn lẫn vào nhau rồi để lên men. Đây là thức uống của các vị thần trên đỉnh Olympia và các đạo sĩ Celtique.
- Vậy uống thức uống của các vị thần trên đỉnh Olympia nào.
Cô lấy đồ uống cho anh rồi cáo lui.
- Chờ tôi, tôi phải sấy tóc trước đã.
Ngay khi nghe thấy tiếng rù rù của chiếc máy sấy từ phòng tắm, Méliès đứng bật dậy, quyết định tận dụng khoảng thời gian gián đoạn này để kiểm tra nơi cô ở.
Đó là một căn hộ tiện nghi sang trọng. Mọi thứ đều được trang trí rất có gu. Những bức tượng ngọc thạch có hình các cặp đôi quấn quýt nhau. Mấy bóng đèn halogen chiếu sáng những bức tranh khắc sinh vật treo trên tường.
Anh đứng dậy, quan sát một bức tranh.
Trên đó có khoảng năm mươi loài kiến trên toàn thế giới được ghi danh và vẽ một cách chính xác.
Chiếc máy sấy vẫn tiếp tục kêu.
Có những con kiến đen lông trắng nom giống những kẻ đi mô tô (Rhopalothrix orbis), những con kiến tua tủa sừng khắp ngực (Acromyrmex versicolor), những con khác có một chiếc tù và với một cái kẹp ở đầu (Orectognathus antennatus), hay có mấy mớ lông dài mang lại cho chúng dáng vẻ hippy (Tingimyrmex mirabilis). Chừng ấy loài kiến với chừng ấy hình dạng khác nhau khiến viên đội trưởng rất ngạc nhiên.
Nhưng nhiệm vụ của anh không phải là nghiên cứu côn trùng học. Trông thấy một cánh cửa sơn đen, anh rất muốn mở ra. Cánh cửa bị khóa. Rút từ túi một cái kẹp tóc, anh đang định mở trộm ổ khóa thì tiếng máy sấy ngừng bặt. Anh vội vàng quay về ghế ngồi.
Kiểu đầu Louise Brooks giờ đã đâu vào đấy còn Laetitia Wells thì mặc một chiếc váy lụa dài màu đen vừa khít người. Méliès cố gắng không để mình bị xúc động.
- Cô quan tâm đến loài kiến à? anh hỏi, giọng thời thượng.
- Không đặc biệt lắm, cô nói. Chủ yếu là bố tôi. Ông là chuyên gia nổi tiếng về kiến. Ông đã tặng tôi mấy bức tranh khắc này năm tôi hai mươi tuổi.
- Bố cô, giáo sư Edmond Wells phải không?
Cô ngạc nhiên:
- Anh biết ông à?
- Tôi từng nghe nhắc đến ông. Trong ngành cảnh sát chúng tôi, ông nổi tiếng trước hết vì là chủ sở hữu của căn hầm bị nguyền rủa ở phố Sybarites. Cô nhớ vụ hai mươi người biến mất trong căn hầm vô tận không?
- Dĩ nhiên là có! Trong số những người ấy có cả anh họ tôi, chị họ tôi, cháu họ tôi và bà nội tôi.
- Một vụ kỳ cục phải không?
- Làm thế nào mà anh, người luôn yêu thích những điều bí ẩn, lại không điều tra mấy trường hợp biến mất ấy?
- Thời điểm đó tôi đang làm việc khác. Đội trưởng Alain Bilsheim mới là người phụ trách vụ cái hầm. Thế nhưng vụ ấy không mang lại cho ông ấy may mắn. Như những người khác, ông chẳng bao giờ trở lên. Mà cô cũng v y, cô cũng yêu thích những điều bí ẩn, tôi nghĩ...
Cô nở nụ cười ranh mãnh.
- Tôi thích nhất là làm sáng tỏ những điều bí ẩn, cô nói.
- Cô tin mình có thể tìm được kẻ giết hại anh em Salta và Caroline Nogard?
- Dù thế nào tôi cũng sẽ thử. Điều này sẽ khiến độc giả của tôi hài lòng.
- Cô không muốn cho tôi hay các điều tra của cô đang đi đến đâu à?
Cô lắc đầu.
- Tốt hơn cả là hai chúng ta ai đi đường nấy. Như vậy chúng ta sẽ không làm phiền nhau.
Méliès lôi kẹo cao su ra. Khi nhai, anh luôn cảm thấy dễ chịu. Anh hỏi:
- Đằng sau cánh cửa màu đen kia có gì vậy?
Laetitia Wells ngạc nhiên một lúc trước câu hỏi cụt ngủn này. Thái độ bối rối thoáng qua nhanh chóng được che giấu.
Cô nhún vai.
- Phòng làm việc của tôi. Tôi không định cho anh tham quan đâu. Đó là một nơi ngổn ngang thực sự.
Nói đến đây, cô rút ra một điếu thuốc, lồng nó vào một cái đót thuốc và châm lửa bằng một chiếc bật lửa hình con quạ.
Méliès quay lại với những mối bận tâm của mình:
- Cô muốn giữ bí mật cuộc điều tra của mình. Còn tôi thì dù sao cũng sẽ nói với cô cuộc điều tra của tôi đang đi đến đâu.
Cô thở ra một làn khói nhẹ lấp lánh ánh xà cừ.
- Tùy anh thôi.
- Vắn tắt nhé. Bốn nạn nhân của chúng ta đều làm việc ở CCG. Chúng ta có thể nghiêng về giả thiết rằng có tồn tại động cơ đố kỵ nghề nghiệp đen tối nào đó. Cạnh tranh là chuyện thường thấy tại các công ty lớn. Ở đấy, người ta xâu xé nhau để được thăng chức hay tăng lương mà trong giới khoa học, người ta thường rất hám lợi. Giả thiết nhà hóa học cạnh tranh tỏ ra khá vững vàng, hãy thừa nhận điều này. Có lẽ anh ta đã đầu độc các đồng nghiệp của mình bằng một sản phẩm có hiệu ứng gây choáng váng chậm. Điều này hoàn toàn ăn khớp với những vết lở loét trong cơ quan tiêu hóa được nhận thấy qua khám nghiệm tử thi.
- Anh vẫn còn phấn khích quá đấy, đội trưởng ạ. Anh bị ý nghĩ chất độc ám ảnh và lúc nào cũng quên mất nỗi sợ. Một cơn stress quá mức cũng có thể gây ra các vết loét, mà bốn nạn nhân của chúng ta đều rất sợ hãi. Nỗi sợ, đội trưởng ạ, nỗi sợ là điểm mấu chốt của vấn đề và cả anh lẫn tôi đều chưa hiểu điều gì đã gây ra nỗi kinh khiếp hằn trên khuôn mặt mỗi người họ.
Méliès phản đối:
- Dĩ nhiên tôi cũng tự hỏi về nỗi sợ đó mà thậm chí về cả những gì có thể khiến người ta sợ!
Cô thổi ra một làn hơi thuốc nữa.
- Thế điều gì khiến anh sợ hả đội trưởng?
Anh bị bất ngờ vì chính anh cũng đang định hỏi cô câu này.
- Có nghĩa là... ừm...
- Có điều gì đấy khiến anh khiếp hãi hơn hết thảy mọi điều, phải không?
- Tôi rất muốn tâm sự với cô, nhưng đổi lại, cô phải nói với tôi, cũng chân thành như thế, rằng điều gì khiến cô kinh hãi, cô ấy.
Cô nhìn thẳng vào anh.
- Đồng ý.
Anh ngần ngừ rồi lắp bắp.
- Tôi... tôi sợ... tôi sợ lũ sói.
- Lũ sói á?
Cô phá lên cười và lặp đi lặp lại “lũ sói”, “lũ sói”. Cô đứng dậy và lấy cho anh thêm một cốc đầy hydromen.
- Tôi đã nói sự thật, giờ thì tới lượt cô.
Cô đứng dậy và nhìn qua cửa sổ. Dường như cô thấy từ xa có những thứ thú vị.
- Ừm... tôi, tôi... tôi sợ... tôi sợ anh.
- Cô thôi kiểu giễu cợt ấy đi, cô đã hứa sẽ chân thành cơ mà.
Cô quay lại và nhả ra một cuộn khói nữa.
- Nhưng tôi đang chân thành đây. Tôi sợ anh, và qua anh tôi sợ toàn thể nhân loại. Tôi sợ đàn ông, phụ nữ, những ông già, những bà già, những đứa trẻ sơ sinh. Khắp nơi, chúng ta cư xử không khác gì những kẻ mọi rợ. Tôi thấy hình hài của chúng ta mới gớm ghiếc làm sao. Chẳng ai trong chúng ta sánh nổi với vẻ đẹp của một con mực thẻ hay một con muỗi...
- Dứt khoát là thế rồi!
Có điều gì đấy thay đổi trong thái độ của cô gái trẻ. Ánh mắt được kiểm soát rất tốt của cô dường như đang bị giày vò bởi một chuyện hoang tưởng thoảng qua. Trong đôi mắt ấy có sự cuồng điên. Một bóng ma choán lấy con người cô và cô cứ để mặc mình trôi đi, một cách êm ru, theo cơn điên dại. Các rào cản sụp đổ ở khắp nơi. Chẳng còn sự kiểm duyệt nào nữa. Cô quên mất mình đang tranh luận với một đội trưởng cảnh sát mà cô mới chỉ vừa quen biết.
- Tôi thấy chúng ta thật tự phụ, kiêu kỳ, hợm hĩnh, lên mặt vì được làm loài người. Tôi sợ những người nông dân, những vị cha xứ và đám lính tráng, tôi sợ các bác sĩ và những bệnh nhân, tôi sợ những người muốn làm hại tôi và cả những người muốn điều tốt đẹp cho tôi. Chúng ta phá hủy mọi thứ chúng ta đụng vào. Chúng ta làm bẩn tất cả những gì chúng ta không phá hủy nổi. Chẳng thứ gì thoát khỏi khả năng làm bẩn vô đối của chúng ta. Tôi tin rằng sở dĩ người sao Hỏa không đến Trái đất là vì chúng ta khiến họ kinh sợ; họ rất rụt rè, họ sợ chúng ta cư xử với họ như chúng ta vẫn cư xử với các loài động vật quanh chúng ta và cả với chính bản thân chúng ta. Tôi chẳng tự hào gì khi được làm con người. Tôi sợ, tôi rất sợ đồng loại mình.
- Cô thực sự nghĩ như những gì cô nói sao?
Cô nhún vai.
- Anh hãy nhìn số người bị giết bởi lũ sói và số người bị giết bởi con người mà xem: anh không thấy là nỗi sợ của tôi, nói thế nào nhỉ, còn chính đáng hơn nỗi sợ của anh à?
- Cô sợ loài người ư? Nhưng cô cũng là một con người!
- Tôi biết rõ điều đó, vả chăng đôi khi tôi sợ... chính bản thân mình.
Anh kinh ngạc ngắm nhìn những đường nét đột nhiên bị nỗi hận thù làm hằn lên của cô. Rồi bỗng chốc cô hết căng thẳng:
- Ồ, chúng ta nghĩ sang chuyện khác đi! Cả hai chúng ta cùng thích những câu đố bí ẩn. Thật đúng lúc, đã đến giờ phát sóng toàn quốc chương trình câu đố của chúng ta. Tôi xin dành tặng anh cử chỉ hiếu khách nhất thời đại chúng ta, xem ti vi nhà tôi một lát nhé.
- Cảm ơn cô, anh nói.
Vung vẩy chiếc điều khiển ti vi trong tay, cô tìm kênh có chương trình “Bẫy suy tưởng”.
57. BÁCH KHOA TOÀN THƯ
TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG: Một thí nghiệm từng được
tiến hành với lũ chuột. Để nghiên cứu khả năng bơi của chúng, một nhà nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm sinh học hành vi tại đại học Nancy, Didier Desor, đã nhốt sáu con chuột vào một cái lồng, lối thoát duy nhất của cái lồng ấy đổ ra một bể bơi mà chúng phải vượt qua thì mới đến được chỗ máng chứa thức ăn. Người ta nhanh chóng nhận thấy rằng sáu con chuột không đi tìm thức ăn bằng cách bơi cùng nhau. Chúng phân chia vai trò như sau: hai con bơi bị bóc lột, hai con không bơi bóc lột, một con bơi độc lập và một con không bơi chịu đau đớn. Hai con bị bóc lột đi tìm thức ăn bằng cách bơi dưới nước. Khi chúng quay về chiếc lồng, hai con bóc lột tấn công chúng và ấn đầu chúng xuống nước cho tới lúc chúng nhả đồ ăn chúng giấu ra. Chỉ sau khi hai con bóc lột ăn xong hai con bị bóc lột phục tùng mới được phép ăn miếng thức ăn của chính mình. Lũ chuột bóc lột không bao giờ bơi, chúng chỉ dừng lại ở việc đánh đập lũ chuột bơi để lấy thức ăn cho mình. Con chuột độc lập là một tay bơi khá khỏe mạnh, nên nó lượm được các mẩu thức ăn rơi vãi trong lúc diễn ra đánh nhau. Cấu trúc tương tự - hai con bị bóc lột, hai con bóc lột, một con độc lập và một con chịu đau đớn - cũng được nhận thấy trong hai mươi cái lồng thí nghiệm khác.
Để hiểu rõ hơn cơ chế thứ bậc này, người ta đặt sáu con bóc lột ở cùng nhau. Chúng đánh nhau suốt đêm. Đến sáng, hai trong số sáu con phải lao động khổ sai, một con bơi một mình, một con chịu đựng tất cả. Người ta cũng tiến hành thí nghiệm tương tự với những con chuột có hành vi bị bóc lột. Rạng sáng ngày hôm sau xuất hiện hai con được cung phụng.
Nhưng điều khiến thí nghiệm này buộc người ta phải suy nghĩ thực sự là khi banh sọ lũ chuột ra để nghiên cứu não chúng, người ta nhận ra rằng những con bóc lột là những con căng thẳng nhất. Chắc chắn chúng sợ không được những con bị bóc lột tuân lời.
Edmond Wells,
Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.
58. KHÔ RÁO
Nước liếm đến lưng chúng. 103 683 cùng những con kiến đồng hành điên cuồng đào trên trần. Tất cả các cơ thể đều đang phủ hơi nước thì, thật kỳ diệu! rốt cuộc chúng cũng đào vào một căn phòng khô ráo.
Thoát rồi.
Chúng nhanh chóng bít lối thoát lại. Bức tường cát nhỏ liệu có thể đứng vững? Có thể, vì dòng thác nước đang chảy vòng qua nó để đổ vào các hành lang yếu hơn. Thu mình tựa vào nhau trong căn phòng nhỏ, lũ kiến trong nhóm cảm thấy ổn hơn.
Lũ kiến nổi loạn tự đếm: chúng chỉ còn khoảng năm mươi con sống sót. Một nhóm kiến hữu thần vẫn không ngừng lẩm nhẩm:
Chúng ta không nuôi dưỡng các Ngón Tay đầy đủ. Thế nên họ đã hé mở bầu trời.
Trên thực tế, theo thuyết nguồn gốc vũ trụ của Myrmécéen, hành tinh Trái đất có hình lập phương và phía trên là cái trần bằng mây kìm giữ “đại dương thượng tầng”. Mỗi khi trọng lượng của đại dương thượng tầng trở nên quá nặng trần mây sẽ bị rạn ra và khiến cho thứ được gọi là mưa tuôn chảy.
Về phần mình, lũ kiến hữu thần cả quyết rằng những vết rạn nứt trên trần mây ấy là do các Ngón Tay gây ra. Dù thế nào đi nữa và trong lúc chờ đợi những ngày xán lạn hơn, lũ kiến ấy vẫn giúp đỡ nhau hết sức. Vài con miệng kề miệng cùng trao đổi dinh dưỡng. Những con khác xoa người cho nhau để duy trì hơi ấm.
103 683 áp các xúc biện ở miệng mình vào vách, nó cảm thấy Cấm Thành vẫn rung lên dưới những đợt tấn công của nước.
Bel-o-kan không động đậy nữa, Cấm Thành đã hoàn toàn chết đứng trước tên kẻ thù đa hình kia, tên kẻ thù quăng những cái chân trong suốt vào bất kỳ kẽ hở nào. Nhục thay đó lại là mưa, còn mềm hơn, có khả năng thích nghi hơn và tầm thường hơn loài kiến. Đám kiến lính ngây thơ dùng hàm dưới sắc nhọn tấn công những giọt mưa chảy về phía chúng. Giết được một giọt là lại phải đối mặt với bốn giọt khác. Khi chúng đá chân vào mưa, mưa giữ cái chân dính nhằng của chúng lại. Khi chúng bắn axit vào mưa, mưa còn trở nên dễ ăn mòn hơn. Khi chúng xô đẩy mưa, mưa chào đón chúng và giữ rịt lấy chúng.
Các nạn nhân của cơn sóng dữ không tự đếm nữa.
Toàn bộ các lỗ trong Cấm Thành đều há hốc.
Bel-o-kan ngập chìm trong nước.
59. TRUYỀN HÌNH
Khuôn mặt bối rối của bà Ramirez xuất hiện trên màn hình. Từ lúc bà lúng túng với câu đố mới, với cái dãy số ấy, tỷ lệ khán giả xem chương trình đã tăng gấp đôi. Thú vui tàn ác được thấy ai đấy cho đến lúc đó vẫn bất bại và đột nhiên chao đảo ư? Hay đó là bởi công chúng, vốn nghĩ ai cũng như mình, thường thích kẻ thua hơn người thắng?
Với vẻ mặt tươi tỉnh quen thuộc, người dẫn chương trình hỏi:
- Thế nào, thưa bà Ramirez, đáp án cho câu đố này, bà đã tìm ra chưa?
- Chưa. Vẫn chưa.
- Bà hãy tập trung, bà thấy không, thưa bà Ramirez! Dãy số của chúng tôi khiến bà nghĩ đến điều gì?
Thoạt tiên máy quay chĩa về phía bảng rồi sau đó chĩa về phía bà Ramirez, người đang giải thích, vẻ ngẫm nghĩ:
- Càng quan sát dãy số này tôi càng thấy bối rối. Rất bối rối, vô cùng bối rối. Dù sao, dường như tôi cũng thấy nó lặp đi lặp lại vài nhịp điệu nào đó... Số “một” luôn được đặt ở cuối... Những con số “hai” luôn nằm ở giữa...
Bà tiến lại gần tấm bảng nơi có ghi các con số và bình luận theo cách của một giáo viên:
- Có thể cho rằng đây là cấp số lũy thừa. Nhưng cũng không thực sự là cấp số lũy thừa. Tôi từng cho rằng đây là một kiểu thứ tự giữa các số “một” và các số “hai” nhưng đây lại có con số “ba” này xuất hiện và cũng lan ra... Vậy nên tôi nghĩ chẳng có thứ tự nào hết. Chúng ta đang phải đối mặt với một thế giới hỗn độn, với những con số được sắp xếp một cách tùy tiện. Tuy nhiên, bản năng phụ nữ mách bảo tôi rằng đây chẳng là gì cả, rằng các con số được sắp xếp rất ngẫu nhiên.
- Vậy thì, bảng này khiến bà nghĩ đến điều gì, thưa bà Ramirez?
Khuôn mặt bà Ramirez bừng sáng.
- Tôi sẽ khiến các bạn bật cười, bà nói.
Căn phòng rộ lên những tràng pháo tay.
- Hãy để bà Ramirez suy nghĩ, người dẫn chương trình can thiệp. Bà ấy đang nghĩ đến điều gì đó. Và đó là điều gì thưa bà Ramirez?
- Sự hình thành của vũ trụ, bà nói, trán nhăn lại. Tôi nghĩ đến sự hình thành của vũ trụ. “Một”, đó là tia sáng tuyệt trần bùng lên rồi phân tán. Liệu có phải câu đố anh đưa cho tôi chính là cái phương trình toán học tác động lên vũ trụ? Cái phương trình toán học mà Einstein tìm kiếm vô vọng suốt đời mình? Chiếc Chén Thánh của tất cả các nhà nghiên cứu vật lý trên thế giới?
Lần này, người dẫn chương trình tỏ vẻ bí ẩn hoàn toàn hợp với chủ đề chương trình của mình.
- Ai biết, thưa bà Ramirez! “Bẫy...
- ... suy tưởng!” khán giả cùng đồng thanh hô vang.
- ... suy tưởng”, phải, thì không quan tâm đến giới hạn. Thế nào thưa bà Ramirez, đáp án hay quân bài phăng teo?
- Quân bài phăng teo. Tôi cần thêm thông tin.
- Bảng! người dẫn chương trình yêu cầu.
Anh ghi lại dãy số quen thuộc:
1
11
21
1211
111221
312211
13112221
Rồi vẫn không nhìn vào giấy, anh ghi thêm:
1113213211
- Tôi xin nhắc lại những câu chủ chốt. Câu đầu tiên là: “Càng thông minh người ta càng ít cơ hội tìm thấy.” Câu thứ hai là: “Cần phải quên m i thứ ta biết.” Tôi xin đưa ra câu thứ ba để giúp bà thêm sáng suốt: “Cũng như vũ trụ, câu đố này bắt nguồn từ điều tuyệt đối giản đơn.”
Tiếng vỗ tay.
- Tôi có thể khuyên bà một câu không thưa bà Ramirez? người dẫn chương trình hỏi, lại có vẻ hồn nhiên.
- Rất vui lòng thưa ông, thí sinh trả lời.
- Thưa bà Ramirez, tôi cho rằng bà chưa đủ đơn giản, chưa đủ ngốc nghếch, tóm lại là chưa đủ rỗng. Trí thông minh của bà luôn ngáng đường bà. Bà hãy bước lùi lại trong từng tế bào mình, hãy tìm lại cô gái bé nhỏ ngây thơ còn nằm trong mình. Còn với các quý vị nam nữ khán giả thân mến của tôi, tôi xin được nói: hẹn gặp ngày mai nếu quý vị muốn vậy!
Laetitia Wells tắt ti vi.
- Chương trình này càng lúc càng trở nên thú vị, cô nói.
- Cô đã tìm ra đáp án cho câu đố đó chưa?
- Chưa, còn anh?
- Tôi cũng chưa. Hẳn là chúng ta quá thông minh, nếu cô muốn biết ý kiến của tôi. Tay dẫn chương trình rất có lý.
Với Méliès thì đã đến giờ ra về. Anh xếp đống lọ thủy tinh vào mấy cái túi rộng.
Trên ngưỡng cửa, anh còn hỏi thêm:
- Tại sao chúng ta không giúp đỡ lẫn nhau thay vì cả hai cùng mệt mỏi?
- Bởi tôi quen hoạt động một mình rồi và bởi cảnh sát với báo chí chẳng bao giờ cộng tác tốt cả.
- Không có ngoại lệ à?
Cô lắc lắc mái tóc ngắn đen như mun.
- Không có ngoại lệ. Thôi nào, đội trưởng, và người giỏi nhất sẽ giành phần thắng!
- Bởi cô muốn thế nhé, người giỏi nhất sẽ giành phần thắng!
Anh mất hút trong cầu thang.
60. BẮT ĐẦU CUỘC THẬP TỰ CHINH
Cơn mưa kiệt sức đang rút lui. Nó rút lui trên mọi mặt trận. Nó cũng có kẻ săn đuổi. Kẻ đó mang tên Mặt trời. Đồng minh cổ xưa của nền văn minh Myrmécéen mãi mới xuất hiện nhưng dù sao cũng xuất hiện kịp thời. Nó nhanh chóng hàn gắn những vết thương toang hoác trên bầu trời. Đại dương thượng tầng thôi không chảy xuống thế giới nữa.
Cư dân Bel-o-kan thoát nạn ló đầu ra để sấy mình và sưởi ấm. Một trận mưa cũng giống như một kỳ nghỉ đông mà ở đó cái lạnh bị cái ẩm ướt thay thế. Điều này còn tồi tệ hơn. Cái lạnh khiến chúng thiếp ngủ, nhưng cái ẩm ướt giết chết chúng!
Bên ngoài, lũ kiến đang ngợi ca vì tinh tú chiến thắng. Vài con còn ngâm nga khúc tụng ca thắng lợi xưa cổ:
Mặt trời, xuyên qua lớp vỏ rỗng của chúng ta,
Khuấy động những bắp cơ đớn đau của chúng ta
Và hợp nhất những suy nghĩ tản mát của chúng ta.
Khắp nơi trong Cấm Thành, lũ kiến hát lại bài ca tỏa mùi này. Bel-o-kan không vì thế mà bớt phần thảm hại. Chút nóc vòm còn sót lại, lỗ chỗ vết do tác động của mưa đá, đang khạc ra những tia nước nhỏ, thứ nước trong suốt điểm những chấm đen đen: xác lũ kiến chết chìm.
Tin tức đến từ các đô thị khác cũng không lấy gì làm sáng sủa hơn. Vậy là chỉ cần một cơn mưa rào đã đủ để làm giảm thiểu dân số liên bang kiến đỏ hung trong rừng vốn đầy kiêu hãnh sao? một cơn mưa đơn thuần là đủ để một đế chế đi đến hồi kết ư?
Đống đổ nát trên nóc vòm để lộ ra một phòng sưởi nắng, ở đó, lũ kén chỉ còn là những vật thể hình hạt ẩm ướt nằm trong thứ nước bùn sền sệt. Bao nhiêu vú em đã chết vì muốn bảo vệ ấu trùng giữa các chân mình chứ? Vài vú em cứu được ấu trùng bằng cách giơ chúng lên cao quá đầu. Những con kiến gác cổng sống sót hiếm hoi đi dọn sạch các lối vào Cấm Thành. Chúng hốt hoảng đứng nhìn quy mô thảm họa. Bản thân Chli-pou-ni cũng sững sờ trước mức độ thiệt hại.
Có thể xây được gì vững chãi đây trong những điều kiện thế này? Trí thông minh thì ích gì nếu một chút nước thôi cũng đủ để mang thế giới quay lại những ngày đầu của nền văn minh kiến?
103 683 cùng lũ kiến nổi loạn rời nơi ẩn náu. Con kiến lính đi về phía kiến chúa ngay lập tức.
Sau những gì vừa xảy ra, chúng ta sẽ phải từ bỏ cuộc thập tự chinh chống lại các Ngón Tay.
Chli-pou-ni bất động, cân nhắc pheromon. Rồi nó điềm tĩnh cử động râu, trả lời là không được, cuộc thập tự chinh nằm trong số những dự định quan trọng và không gì có thể khiến cuộc thập tự chinh bị xét lại. Nó còn nói thêm rằng những đội quân tinh nhuệ của nó, vốn đang trú trong rễ cây của Cấm Thành, không hề hấn gì và rằng tương tự, lũ bọ hung tê giác cũng đã được dự trữ.
Chúng ta phải giết các Ngón Tay và chúng ta sẽ làm thế.
Tuy nhiên có sự khác biệt về quy mô: thay vì tám mươi nghìn kiến lính, giờ 103 683 sẽ chỉ còn... ba nghìn lính trong tay. Quân số suy giảm, hẳn là vậy, nhưng rất kỳ cựu và thiện chiến. Tương tự, thay vì bốn phi đội bọ cánh cứng biết bay như dự kiến ban đầu, sẽ chỉ còn một phi đội, trông cậy vào ba mươi đơn vị, thà thế còn tốt hơn không có gì.
103 683 thừa nhận điều này và thu râu về phía sau ra dấu chấp thuận. Nhưng không vì vậy mà nó bớt bi quan về số phận đang chờ đợi đội quân viễn chinh mỏng manh.
Đến đây, Chli-pou-ni rút lui và tiếp tục đi xem xét tình hình. Vài con đập đã giữ lại và cứu được nhiều khu nguyên vẹn. Nhưng thiệt hại quá lớn mà đặc biệt là tình trạng đám kén cùng thế hệ kế tiếp bị tàn sát. Chli-pou-ni quyết định tăng nhịp độ đẻ trứng để tái thiết dân cư đô thị một cách nhanh nhất. Nó vẫn còn hàng triệu tinh trùng tươi trong túi nhận tinh của mình.
Và vì cần phải đẻ trứng, nên nó sẽ đẻ trứng.
Khắp nơi tại Bel-o-kan diễn ra những hoạt động sửa chữa, nuôi dưỡng, chữa trị, phân tích thiệt hại, kiếm tìm giải pháp.
Loài kiến không dễ gì tỏ ra bị khuất phục.
Hết chương 60. Mời các bạn đón đọc chương 61!