Người Đi Bỏ Mặc Câu Thề Truyện ngắn 3


Truyện ngắn 3
Đêm sang mùa

... Gió đi như vuốt mèo hoang cào vào đêm. Trên mái ngói nhà cổ thỉnh thoảng con cú lẻ bạn lại thả xuống mấy tiếng cù rúc, cù rúc như gọi hồn người về với cõi âm. Hành nhau không bằng...

 Cửa chính két mở. Sen vào mang theo hơi lạnh thấu tim. Kỳ lạ. Tôi giật mình nhìn Sen trân trối. Bộ cô này không lạnh sao? Váy áo mong manh mùa hè, má còn hây hây, tóc suôn mà cứ ươn ướt như mới gội, nhưng đôi mắt thì lại nhìn tôi rầu rầu :

- Ra xe đi anh, họ đang chờ - Sen nói. Tôi lập cập nhìn ra cổng, có một chiếc xe đang đứng đợi trong bóng tối của cây đại. Tôi hỏi lại:

 

- Sao em biết anh về mà gọi xe? Đêm hôm em đi đâu ra ngoài này... ?

- Anh làm gì mà em chả biết, chuyện dài, nhanh đi anh.

Không thể nhẹ nhàng, tôi ném mấy tiếng khô lạnh như những cục băng vào Sen:

- Cô về theo tôi sao được, đã vậy rồi, không thay đổi được gì đâu. Bác đã quyết. Mà lạ, sao cô biết tôi ở đây mà tìm... Tìm nhau làm chi... ?

 - Anh cứ cho em theo về, em ở ngoài ngõ cũng được... Vả lại em cũng gặp bác luôn có sao đâu... Thỉnh thoảng em còn thấy bác ngồi uống rượu cùng ông nội em nữa mà.

Không biết nói gì hơn, tôi lủi thủi ra xe. Sen xăng xái đi trước, chiếc váy ngắn bắt gió phập phồng để lộ cả một khoảng đùi non trắng như sứ. Chết thật, ăn mặc thế này mà dám về làng. Bất tiện trăm đường. Ngày xưa tóc dài, áo nâu, quần đen, nết na, nền nã là thế mà bác tôi còn cạch mặt. Giờ thế này... mà hình như chiếc váy và cái áo cổ rộng để lộ cả hai chân vú, tôi đã mua tặng Sen thì phải. Mua là mua vậy chứ nào biết là nó ngắn, nó hở thế đâu.

Ngày xưa... Tôi chỉ còn lưu lại hình ảnh ngày xưa của một cô bé mười bảy dáng dong dỏng cao, chân tay thuôn, chắc như vận động viên điền kinh. Một cô gái người bao giờ cũng ngai ngái mùi bùn, thoang thoảng mùi sữa ngô non. Thay đổi chi mà nhanh vậy không biết. Thay đổi đâu cũng được, về quê thì phải chăm chút sửa soạn sao cho hợp chứ, làm đĩ chín phương...

Cứ miên man nghĩ xe đã trôi về đến đầu huyện. Càng ngược về hướng núi sương mù càng dày đặc, sương mù như sữa chắn hết mọi tầm nhìn. Xe bơi trong màu sữa đó. Mọi người đều gà gật, lái xe cũng ôm vô lăng mà ngủ tự lúc nào. Sen cứ hồn nhiên dựa vào vai tôi mà ngủ. Từ mái tóc ép thẳng của em nghe tanh tao mùi bùn, nghe nồng nồng mùi cỏ mật ruộng quê, nghe khăm khẳm mùi nước đái trâu... Em cứ ngủ không biết xe đã về gần nhà. Tôi vẫn tỉnh như sáo. Tính đánh thức Sen dậy nhưng lại nghĩ, cứ để cô ấy ngủ, mình nhẹ nhàng xuống xe, rồi cứ cho xe chở cả Sen chạy tiếp. Vả lại cô ấy đã nói rồi, cô chỉ về cùng rồi đứng ngoài cũng được. Mà không đứng ngoài cũng chẳng thể vào nhà bác cả tôi. Bộ dạng như vậy. Coi kìa, khi vô tư ngủ trông lại càng khó coi, váy cứ lật lật lên thế gió vào thì đau bụng chết. Xe vẫn cứ êm trôi, êm trôi...

Tôi vào nhà bác cả như không phải bằng đôi chân của mình. Ngoảnh lại đã thấy Sen bám theo, không còn kịp đuổi, tôi chờ một trận lôi đình. Trời đêm quê lạnh như ai đang cầm roi da bò tẩm muối mà quất. Bác cả cởi trần, đóng khố ngồi như pho tượng cổ, lửa từ bốn cái bếp hắt lên soi nhang nháng khuôn mặt vuông màu đồng. Tôi cung kính chào nhưng bác không hề động đậy, đôi mắt đục mờ mở mà không nhìn, hàng lông mày bạc cước cong vòng rũ xuống như tua rua đầu cây đàn nhị, cái trán cao bóng loáng. Tôi không dám chào tiếng thứ hai sợ làm kinh động đến bác, đành kéo chiếc ghế nhỏ ngồi ngay phía sau. Sen ngang nhiên ngồi chồm hỗm phía trước. Lửa gặp cặp đùi non như cũng muốn bùng lên, reo vui. Tôi không dám động cựa, lẳng lặng ngồi ngắm bác từ phía sau. Lưng bác có hai cái sẹo thật to, trời rét nên chúng mốc xì, nổi vảy. Cái bên trái trông như miệng bát úp, nghe nói đó là vết tích của mảnh đạn thù. Còn chiếc sẹo bên phải trông như một dấu chấm hỏi to quá cỡ, cho đến giờ phần dưới còn ưng ửng như đang rỉ máu. Đã nhiều lần tôi hỏi về vết sẹo đó nhưng bác không trả lời, chỉ xoa đầu tôi nói: "Ta sẽ kể cho cháu ngọn ngành!"...

Tôi muốn hỏi bác có lạnh không để cho thêm củi nhưng không dám. Tôi thấy hai cánh tay già vẫn chắc như sợi chão của bác đang chắp lại trước gối. Hai bàn tay bác, nó không còn là tay người, những ngón tay to co quắp, xù xì nổi cộm u cục. Bàn tay dám chọi vào đất đá quê tôi. Bàn tay đã vắt đá thành gạo, ngô, khoai sắn nuôi cả một đàn con cháu ăn học thành tài thì không phải vừa. Cha tôi chết được mấy tháng, mẹ không dễ gì thả trôi tuổi xuân một cách uổng phí liền gửi tôi lại cho bác nuôi, rồi tong tả đi theo tiếng gọi của cái sướng ngàn đời. Hôm đó tôi đang len lén chui rào sang chơi ô ăn quan với Sen thì bị bác gọi giật về. Bác ôm tôi - thằng cháu côi cút vào lòng: "Kể từ nay trở đi cháu phải lao vào mà học như các anh các chị trong nhà. Sấp mặt xuống học cho thiên hạ phải ngửa mặt lên mà nhìn mình... Điều nữa, cháu tuyệt đối không được chui rào sang đất đó và chơi với những người bên đó... "

 

Hóa ra là một giấc mơ. Tôi bật dậy ngơ ngác, chiếc đèn dầu liu riu sáng. Ảnh bác tôi trên bàn thờ chập chờn khói hương. Đúng là tôi mơ. Tôi đã về quê từ sáng. Ngày mai là ngày giỗ đầu bác tôi. Các anh, các chị cũng về tụ họp đông đủ, hồi chiều mọi người cùng kéo nhau ra thăm mộ bác. Nhìn những nấm đất sè sè nằm cạnh nhau trong cái đìu hiu gió đồng, tôi càng thấy thương những người đang nằm cạnh nhau ở đây, thương những người đang cùng hiến xác thân cho đất đai quê nhà. Không biết linh hồn họ có được siêu thoát? Liệu ở thế giới bên kia bác tôi, Sen và ông nội em nữa có thường gặp nhau? Trò chuyện và hóa giải... ??? Chuyện cũ xa rồi mà vẫn như đang diễn ra trước mắt tôi...

 

*

*    *

 

... Bồ cào, đòn gánh, cánh cửa, nồi niêu, xoong chảo đến cả những cái chổi trện... Có nghĩa là cái gì lấy được là họ nạo cho kỳ hết đưa nhốt vào trong đình làng. Nhưng đến khi người ta vào vườn chặt cây thì bác đứng ở đầu ngõ huơ huơ lưỡi dao mài ba đêm, ba ngày sáng loáng, miệng bác không ngớt chửi. Nhưng bác chưa kịp làm gì thì họ đã hè nhau đè bác xuống trói như trói khỉ rồi tống lên chiếc xe bò đang đợi sẵn. Con bò đực già mót đái vẽ lên nền đường làng những long - ly - quy - phượng, những dấu chấm, dấu hỏi to như nắm tay. Nó cứ đi túc tắc cho bác nghe tiếng súng khô khốc ngoài bãi bồi vọng về...

 Khi còn bé tôi chưa thể hiểu tại sao bác lại ghét mõ đến như vậy. Không những ghét mà bác còn khinh cật khinh kề, bác coi thường ông nội Sen- vốn là mõ làng- đến nỗi không bao giờ tắm cùng một bến. Thấy ông nội Sen tắm bến giữa thì bác lên bến trên, ông nội Sen tắm bến trên thì bác lên bến thượng... Sau này tôi mới biết nguyên nhân của mối thâm thù trong một lần bác say rượu. Bác cứ chỉ vào mặt Sen và tôi mà nói: Bọn bay đồ con nít thì biết qué gì. Vết thẹo hình dấu hỏi này khi trời trở tiết lại thon thót nhắc tao. Không nhắc tao cũng không thể quên cái mặt thâm da dái của ông nội nhà mày, hắn cầm cái lưỡi cày nung đỏ huơ huơ trước mặt hỏi tao: "Địa chủ Cả! Mày có chịu nói không? Thóc lúa đầy bồ mày lấy ở đâu ra?" Tao khinh khỉnh bảo: "Thưa ông bà mõ! Thóc lúa ấy vợ chồng, con cái tôi hai sương một nắng với con trâu mộng cày cấy tám sào ruộng đẳng điền mà ra. Giá tôi cũng không một tấc đất cắm dùi, giá tôi lười nhác chỉ quen hóng cỗ ở sân đình thì cũng chẳng có thóc đầy bồ cơm ba bữa đâu ông bà mõ ạ... " "Á à... mày cạnh khóe nhiếc móc ông bà nông dân à?". Hắn lùi lại một bước lấy tay quệt mặt rồi ấn cổ tao xuống, tay còn lại đặt cái lưỡi cày nung đỏ lên lưng tao. Khi ấy máu trong người tao đã đông cứng như tiết canh, tim tao không còn đập nữa. Tao nghe lưng lạnh buốt, cái buốt nhói lên đến tận óc. Căn phòng khét lẹt mùi thịt cháy. Tao đau, tao buốt, tao nóng nhưng tao cười, tao ngước cổ lên nhìn mái tranh mà cười. Tao đau nhưng tao không sợ, thằng Tây tao chả sợ huống hồ là thằng mõ mặt thâm. Tao không sợ thì tất hắn phải sợ tao. Cái mặt của ông nội mày đã thâm lại càng thâm hơn, hết thâm rồi lại đổi màu tía như cà trâu kéo. Đến khi hắn không còn chịu được nữa, hắn đạp tao một cái ngã chúi dụi rồi vứt vội cái lưỡi cày đã nguội xuống đất. Hắn chạy, chạy như cuồng, vừa chạy vừa rắc trên nền đất những giọt nước khai khắm. Hắn chạy và tiếng cười của tao đuổi theo hắn. Tiếng cười như con rắn chui vào khắp lục phủ ngũ tạng hắn. Tiếng cười đã găm vào não hắn thì làm sao hắn chạy cho thoát. Thật đó, chưa bao giờ hắn thôi bị tiếng cười của tao ám ảnh. Ngay cả khi tao không còn muốn ám hắn nữa thì tiếng cười trong cơn uất ngẹn đó vẫn như một linh hồn đêm đêm hiện về vật hắn dậy, đuổi hắn chạy trong những giấc mơ...

 

*

*    *

 

Biết là không thể ngủ tiếp, tôi khoác thêm áo, mở cửa đi ra vườn. Đêm! Trời không còn đen màu nhọ nồi, hình như gió cũng bớt lạnh. Trên chuồng, tiếng sột soạt của bồ câu trở ổ. Cây dâu da mọc lên từ cái rễ sót ngày xưa nay đã thành cổ thụ, trầm mặc đứng như chiếc ô chở che cho những cây nhỏ trong vườn. Đêm quê yên tĩnh quá. Bên kia dậu râm bụt, có tiếng trẻ khóc trở giấc và tiếng ru hời của ngừơi mẹ trẻ. Hình như đó là tiếng ru của Cúc-em gái Sen. Mưa lay phay đã thấm đầy vai áo. Tôi quay trở lại bên thềm nhà, ngồi xuống bậu cửa. Cũng chính chỗ này, lâu lắm rồi, hình như ngày đó tôi mới mười ba...

 

... Một sáng mùa đông cũng lay phay mưa như đêm nay. Đang ngồi bó gối ngó vu vơ ra đường, tôi thấy ông nội Sen mặt tai tái vì lạnh đang lẫm chẫm chống gậy đi ngược chiều với những người ra đồng sớm. Khi giáp mặt nhau, mấy người kia đều đồng loạt: "Chúng cháu chào ông cán bộ ạ!". Cụ liền quỳ sụp xuống, mặc cho nền đường lầy lội lốt chân trâu, cụ vái lấy vái để theo mọi người: "Tôi xin các thần dân... Tôi gần chết, xin thần dân cho tôi được yên mấy ngày...". Mọi người không nói gì thêm, khinh khỉnh cười rồi ngoay ngoảy quảy gánh ra đồng. Cụ đứng dậy đi tiếp. Đến trước cổng nhà bác tôi, cụ không dám nhìn vào, chỉ cắm cúi bước nhanh. Đúng là cái dáng đi của người mất bạc. Tôi nghe nói mấy vị giáo sư tiến sĩ xuất thân từ làng tôi, bên dưới giấy khai sinh gốc vẫn còn lưu dấu ngón tay điểm chỉ của cụ. Coi vậy nhưng cụ cũng cẩn thận lắm, bao giờ trước khi điểm chỉ vào công văn gửi đi cụ cũng nói: "Tôi điểm chỉ nhưng các anh phải chịu trách nhiệm đấy nhé, anh đọc sao tôi biết vậy. Nhớ nhé!" Mấy tuần làm cán bộ là mấy tuần khổ của cụ. Không ai bảo nhưng tự cụ nghĩ ra. Trước nô lệ đi mặt cứ phải cúi gằm như thằng ăn vụng. Nay mình làm chủ rồi, không những chủ mà còn là chủ của những người làm chủ thì mình lại càng không được sấp mặt xuống đất nữa. Và cụ tập đi ngửa mặt lên trời. Gần một tuần, móng chân của cụ không còn cái nào vì vấp phải đá khi đi ra đường. Khi ấy cũng là lúc cụ được trả về đúng vị trí ban đầu của mình. Vẫn đi trên những con đường xưa, nói những lời người khác nói nhưng bây giờ cụ lại cái tên mới: Đồng chí chạy giấy uỷ ban chứ không còn cái tên Mõ cộc lốc như xưa. Cái tên mới thật oách nhưng cụ không hiểu được nó có ý nghĩa gì và mãi cho đến sau này, cụ vẫn không thể quen với tên gọi mới. Cứ ai nhắc đến hai từ cán bộ hay đồng chí là cụ lại giật mình thon thót. Nhất là càng về già. Người già thường hay nghĩ. Khốn khổ cho cụ, cứ tưởng tính xấu hổ - cái tính chỉ duy nhất có ở người - đã mất vì thời gian làm mõ quá lâu. Vậy mà mấy ngày làm cán bộ nó đã sống lại. Chẳng phải chỉ có tính xấu hổ đã trở lại mà cái tháp nhu cầu trong cụ cũng phục hồi nguyên vẹn. Ban đầu là thỏa mãn các nhu cầu. Ngày trước làm mõ nhà không cần cửa, ngõ không cần rào. Tối tối cứ chén no cơm thừa rượu cặn ngoài đình về là lật người xuống ổ rơm mà ngủ, ngủ không cần biết đến trời đất là gì. Bởi thằng kẻ trộm cũng biết xấu hổ khi nảy ý định tơ hào đến con gà, buồng chuối của thằng mõ. Nhưng giờ đây đã là anh cán bộ, đã đổi đời thì cũng phải cửa trước cửa sau cài then cho chắc chắn. Trước bảo vệ tính mạng, sau là của cải trong nhà, trong vườn. Dạo ấy cụ lại đâm ra nghiện tổ tôm. Tất nhiên chỉ chầu rìa chứ tập mãi cũng không biết đánh, chứ đâu phải là cái phường bài bạc như bọn chánh tổng, lý trưởng xưa. Nếu học được thì chắc cụ đánh cũng có nghề lắm, bởi phàm là dân đen thì mấy ai được tiếp xúc với các ngón nghề bài bạc sớm và nhiều như cụ, đêm nào cụ cũng làm chân điếu đóm bên chiếu bài hầu các chức dịch. Kế đến cái khoản được mọi người kính trọng thì hơi khó, dạo đó không ít người khi gặp cụ cứ gọi lẫn lộn hết cả, khi thì mõ ơi, khi lại chào ông cán bộ. Nhưng hơi tiếc, thời gian làm cán bộ ngắn ngủi quá, chỉ đủ cho mọi người quen với cái tên mới thì cụ được trả về đúng nghề truyền đời của mình. Chính cái tháp nhu cầu đã một lần sống lại và không chịu mất đi, giờ đây nó hành hạ cụ. Không đêm nào cụ ngủ yên giấc. Cứ chợp mắt là tiếng cười quái gở đó ám ảnh cụ. Đêm nào cụ cũng chạy cuồng chân vì tiếng cười đó. Cụ nhớ hết những điều mình làm. Khổ thế! Con người khi không đủ sức để làm chuyện ác mới thấy rùng mình bởi những chuyện mình làm.

 

*

*    *

 

Chiếc đồng hồ cổ thả vào đêm mấy tiếng binh boong. Đã mười giờ. Trời quang quắn lạ, le lói đâu trên cao lắm, có mấy vì sao nhấp nháy. Những vì sao hiếm hoi ẩn mình suốt cả mùa đông nay lại cùng tôi thức trong đêm. Tôi lâng châng thả bộ ra đường làng. Những bước chân vô định đưa tôi ra đường cái quan. Sông Ngàn Phố uốn một vòng như đang muốn ôm vào lòng bãi ngô đang thì trổ cờ. Tôi cảm thấy mình đang ngậm trong miệng một hạt đào, âm ấm và thơm nức mùi sữa ngô non. Đầu tôi hoàn toàn trống rỗng về chuyện ái tình kể từ ngày mất Sen, từ ngày Sen bỏ làng ra đi không hẹn ngày về. Hiện tại tôi chỉ nghĩ: Trong cái khổ thì đừng có xét ai khổ hơn ai. Đã lỡ làm khổ nhau rồi thì đừng làm khổ nhau thêm nữa. Mọi thứ qua lâu lắm rồi, người chết thì đã yên phận dưới cỏ, trắng đen đã phân minh. Người sai cũng đã đứng ra nhận lỗi. Sao không ai chịu nhìn vào cái được to lớn mà lại cứ săm soi vào những cái mất tất yếu. Liệu sống vào thời đó thì ta có làm được gì hơn không?

 Một cơn gió nhẹ lao xao bãi ngô, những cây ngô trổ cờ lay lay trong đêm như những bàn tay vẫy. Và hình như trong tiếng lao xao đó có cả tiếng Sen và tôi của mấy mươi năm về trước...

- Anh! em ... sợ...

-...

- Đừng anh... em sợ... em sợ lắm... anh...

- Sợ gì..ôi! Ở chỗ này có nốt ruồi son ... đẹp quá... nốt ruồi son là giàu lắm đó...

- Giàu gì... em chỉ mong đủ ăn thôi... nhà em đói truyền kiếp...

- Trời ơi! Anh lóa mắt rồi này... Sen... Sen... Sao đói mà trắng, mà hồng thế...

- Ngốc! Con gái tuổi này ai chả thế... không cần ăn vẫn cứ mập... Thích không... ?

- Thích ... ! Cho nhá...

- Ứ ừ... không đâu... đừng anh... đừng... !

 

 - Anh... em không tiếc nhưng em sợ... sợ anh.. không vượt qua...

- Không... anh vượt qua được hết... chuyện các cụ mặc các cụ...

- Anh hứa nhé... Em... em ... thích lắm...

Tôi nghe cả tiếng cây ngô gãy răng rắc, tiếng thở hổn hển, cùng tiếng gió đi lào xào trên bãi ngô đang mùa trổ cờ. Tiếng ở đâu xa xăm lắm của con chim tìm chồng đang gắng gỏi gọi trong tuyệt vọng... Bóp thì bóp... Bóp thì bóp... bóp... thì... bóp... tặc... tụp túp... cắc cụp cúp... bóp... thì... bóp... Bắt... em... trói ... cột... Sao bắt... em ... trói... cột? Rồi tiếng Sen lại hổn hển qua làn nước mắt tấm tức:

- Anh Tình ơi!... Anh hứa với em nhá... Không ở được làng thì mình đi nhá... Không có anh em không biết phải như thế nào đâu...

- Anh hứa mà. Sen! Không lấy được em anh cũng không lấy ai đâu...

- Thật không? Con trai khi yêu thì hứa ghê lắm... dám hái cả mặt trời cho người yêu nữa cơ... khi được rồi thì... Đừng dối em mà tội nghiệp nha... Ông, cha em đã khổ... em sợ...

Em đã nói đúng, tôi đã làm em khổ, em sợ, tôi sợ và mãi mãi tôi mất em...

Ngày từ nước bạn trở về, đứa bạn thân trao cho tôi một bức thư. Bức thư duy nhất người ta tìm thấy dưới gối giường bệnh của Sen. Hình như em viết trong những ngày cuối cùng của cuộc đời:

... Nhân lúc tôi xa quê mấy ngày anh đã chạy trốn tôi. Anh không thể vượt qua cái rào cản vô hình mà cứng như thép, vững như bàn thạch trong tâm can bác anh. Đó là ý chí, lòng hận thù. Có ai có tội đâu chứ. Tại sao cứ muốn được cả mà không chịu mất lấy một tí tì ti. Đau đó nhưng chuyện đã rồi. Anh trốn đi. Tôi biết anh cũng đau lắm, nhưng anh không dám vượt qua. Tôi ở lại còn đau hơn anh. Tôi đã đau và tôi đã điên, cái điên của loài bọ ngựa. Tôi trách tôi sao trong lúc ân ái không ăn thịt anh để mãi mãi anh nằm trọn trong tim tôi, anh và tôi hòa lẫn trọn vẹn vào nhau. Để mãi mãi tôi là người đàn bà đầu tiên anh biết và anh cũng chính là người đàn ông đầu tiên tôi biết. Và tôi đã thực hiện lời hứa, tôi đi tìm anh. Tôi đã quyết chí. Tôi sẽ xa mãi cái làng quê chất chứa nhiều hận thù. Tôi lần theo từng bước đi của anh. Tôi ăn bụi ngủ đường. Tôi làm đủ nghề, tôi có quyết tâm của con chim tìm chồng. Tôi vẫn nuôi hy vọng trong những lúc tuyệt vọng nhất. Tôi đã cố chui qua đường biên mấy lần. Nhưng đường biên không phải là cái dậu râm bụt ở quê để tôi có thể dễ dàng qua lại. Ba lần tôi bị bắt. Lần thứ tư, tôi chấp nhận một cuộc đánh đổi và coi đây là bước dấn cuối cùng trên con đường đi tìm anh. Mười hai thằng lâm tặc trong một đêm, thằng nào cũng khoẻ, thằng nào cũng hau háu vì lâu không thấy bóng đàn bà. Tôi không thể tìm lại được cảm giác đêm đầu tiên với anh trên bãi ngô đất bồi ven con sông Ngàn Phố. Tôi biết tôi đã hỏng. Không thể tìm được cảm giác đầu đời bên bến sông xưa. Tôi mất hết, không có anh tôi không thể tìm lại được chính mình. Tôi nằm lại đường biên một đêm cho lại sức. Mấy thằng tiếp tục gạ gẫm nhưng tôi không chấp nhận. Tôi không phải là con đĩ, tôi chỉ đánh đổi một đêm để đủ cho một lần chui qua biên giới. Tôi tiếp tục đi tìm anh. Tôi tiếp tục ngủ bất đắc dĩ với vài chục người nữa qua các trạm trên đường, nhưng tôi chưa phải là con đĩ. Có thể anh lại hỏi: " Biết anh ở đâu mà tìm?". Vâng, tôi mụ mẫm những bước chân tìm anh. Nhưng không tìm anh tôi còn biết làm gì. Trót đã đâm lao, tôi đi tìm anh, tôi tìm chính tôi, tìm một lời giải, một lối thoát. Rồi tôi sa ngã, tôi trượt dài...

Ngày đó tôi lẳng lặng xa Sen. Tôi đã không kịp gặp em để nói lên những dự định trong đầu. Bác đã bằng mọi cách đẩy tôi đi bằng được chỉ với mục đích không cho hai đứa ở gần nhau. Tôi không muốn làm bác buồn. Và tôi nghĩ, có khi lại hay. Chỉ có đi xa mới mong được gần nhau. Ở trên đất bạn không đêm nào tôi không nhớ em. Tôi đã mơ đến ngày về, quê mình đã đổi thay. Người già đã có độ lùi cần thiết để hiểu nhau. Tôi là tôi, chính là tôi. Tôi và em sẽ cầm tay nhau đi trên đường làng những đêm trăng trong mà không còn có những cặp mắt dòm ngó, soi mói, suy xét. Tôi đã viết thư kể với em về những dự định, những ước mơ và sau này đã không ít lần tôi đi tìm em...      ra?".

 

*

*    *

 

Trăng muộn e thẹn như khuôn mặt cô gái quê đang ne nép sau những gợn mây. Gió lào thào đưa tới hương ngô non. Một lần nữa tôi lại thấy lưỡi mình như đang lùa đi lùa lại cái hạt đào ấm nóng. Cảm giác này chỉ có mỗi lần tôi về lại quê hương. Về và đứng tần ngần bên bờ sông Ngàn Phố trong mùa ngô trổ cờ...

Lạ giường chú không ngủ được à?

- Anh! Em cũng vừa làm được một giấc, tỉnh dậy không còn muốn ngủ, em đi một vòng...

- Anh cũng thấy khó ngủ nên ra đây. Thế là anh em mình lại tụ họp đông đủ. Chỉ thương... những người đã... mất... Thương ông cụ lắm. Bỏ quê đi rồi mà lòng cũng chẳng yên. Chiều nào cụ cũng ngồi bên bậc thềm ngóng về quê. Nhất là những chiều có chim sâm cầm bay nhiều. Cụ cứ nhìn theo mãi, mắt như kéo màng. Cũng may chuộc lại được mảnh vườn cũ, bọn anh đã dựng lại ngôi nhà. Khi cụ ốm, anh tính đưa vào viện 108 nhưng cụ dứt khoát không chịu, nằng nặc đòi về quê cho bằng được. Anh đã đưa cụ về... Thấy cụ ra đi thanh thản, anh em cũng yên lòng... Thôi về cố mà chợp mắt một tý. Ngày mai, giỗ đầu, đông khách lắm, chú giữ sức khoẻ mà tiếp nhé. À này, cái Đào- em của Sen- vẫn nhắc chú luôn, lớn lắm rồi, nó giống chị đáo để...

- Em cũng mới gặp hồi chiều ngoài bãi, cứ ngỡ như Sen hiện về...

 Anh em tôi cùng về nhà. Giấc ngủ vẫn chập chờn toàn mộng mị... Lại những nén tâm hương cháy trên bàn thờ ẩn hiện...

 

... Tôi thấy một đoàn người cầm dao, rìu tiến vào. Bác đứng dậy đi ra gặp họ, rồi chỉ tay vào cây dâu da cổ thụ đứng ở góc vườn. Lập tức người ta xúm lại, người leo thoăn thoắt lên chặt cành, người hùng hục đẵn gốc. Tôi hốt hoảng nhưng không thể chạy lại cản. Tại sao bác lại cho họ chặt cây dâu da này? Tôi lớn lên thì cây đã cổ thụ. Nghe mọi người nói ngày bà nội sinh bác, ông lấy nhúm nhau bỏ vào cái hũ sành, rồi chôn ở góc vườn. Chôn xong ông trồng lên đó cây dâu da này. Tôi thấy từng dòng nhựa tuôn ra từ vết chặt rồi trào xuống nhuộm trắng thân cây, một lúc sau gặp gió đổi màu thành những cục máu đỏ bầm. Cây quằn quại răng rắc rồi đổ ầm. Gió cát bốc lên mịt mùng. Khi trời quang đãng trở lại thì họ đã đào bật gốc cây lên. Bác ôm khư khư trên tay chiếc hũ sành đầy đất cát, mắt rưng rưng. Rồi bác chỉ tiếp sang cây hồng xiêm, họ lại chặt, lại đào, bác lại cầm một cái hũ sành tương tự trao cho anh con cả, rồi đến cây bưởi đào, cây mận, cây ổi... Bác lần lượt trao tận tay từng chiếc hũ sành cho những người con. Khu vườn trông như vừa trải qua một trận bom chùm, cây cối nằm đè lên nhau, tức tưởi khóc. Trái cam non như hạt bom bi lăn loạn vườn, hoa bưởi hoa chanh rắc trắng đất dậy lên mùi luyến nhớ. Bác đến bên cây mít mật mọc cạnh hàng rào nhà Sen, lưỡng lự. Hình như bác có ngoái cổ về phía tôi. Tôi vẫn ngồi bất động. Tôi nghe, đúng hơn là tôi cảm thấy bác đang muốn hỏi tôi: Cháu có đi luôn không? Miệng tôi cứng ngắc như phải gió ... Khi đó Sen vụt đứng dậy chạy ào tới dang hai tay như cánh quạ can ngăn. Tôi không nói, bác không nói, mọi người không nói, chỉ có Sen đang ôm chặt lấy cây mít mật. Bác chỉ tay vào ngôi nhà tranh ba gian, ngôi nhà bốc lửa cháy đùng đùng, thoáng chốc chỉ còn lại một đống than nóng hầm hập, bác đến bên vén quần, lửa than gặp nước nổ bùng bục... Bác cười, tiếng cười như vọng về từ hang động. Thoáng chốc mọi người đã tản đi đâu hết. Sen lại trở về bên tôi. Bếp lửa lại bùng lê 1106 n. Má Sen bắt lửa hây hây đỏ. Sen cầm bắp ngô sâm sậm màu vỏ khoe: "Ngô tươi lùi cả vỏ... vô địch, anh ăn mà nhớ nhé. Ngô bãi bồi với phù sa sông Ngàn Phố quê mình là nhất, không ở đâu có, anh ăn rồi không thể quên. Em cho anh nhớ ngô lùi trước khi nhớ em...". Tôi cầm bắp ngô Sen đã lột vỏ, bốc khói nghi ngút trên tay chưa vội ăn. Sen vừa hít hà gặm vừa giục tôi: "Ăn đi anh, còn chần chờ gì nữa...". Tôi nhìn vết nhọ trên má Sen, cười: "Anh muốn ngắm trước khi ăn. Em xem này, những hạt ngô non trắng và đều tăm tắp như răng em vậy...". Mặt Sen đã hồng lại càng hồng hơn, em cầm bắp ngô đưa lên tận miệng tôi nói: "Ăn đi anh, của anh cả mà...!". Tôi vừa đưa bắp ngô lên, nhắm mắt tính cắn một miếng rõ to cho bõ cơn thèm thì bỗng đâu bác lầm lì xuất hiện. Bác không hề nói như từ khi tôi về đến giờ. Bác giằng lấy bắp ngô trên tay tôi vứt toẹt xuống vũng bùn. Hơi nóng từ bắp ngô gặp nước bốc lên như khói. Sen tấm tức khóc...

Nhưng kìa, bác cúi xuống nhặt bắp ngô từ dưới bùn lên... Lạ chưa! Bắp ngô non lại trắng như chưa hề bị lấm láp đất bùn. Và tôi không còn tin vào mắt mình nữa: Bác nhẹ nhàng trao cho Sen rồi mỉm cười hiền hậu, ánh mắt ấm áp lạ thường... Tôi muốn nói một lời với bác mà không tài nào nói được. Chả lẽ tôi đang mơ. Cả bác, cả Sen, cả bắp ngô biến mất. Tôi lại thấy các anh tôi đang đưa bác về quê. Không thấy ô tô đâu, bác nằm trên chiếc võng gai phe phẩy quạt, hai đầu võng là hai người con bác khiêng. Khi về đến nghĩa địa đầu làng, một người thợ cấy ngước đầu lên hỏi: "Các bác đưa cụ về chơi à?”. "Không! Ông cụ tôi về quê ở hẳn...”. Bỗng dưng gió ở đâu đó cuộn lên như bão. Thợ cấy nháo nhào chạy lên bờ. Cái võng cáng bác tôi biến mất. Nhìn mãi, nhìn mãi chỉ thấy lá sồi già lặng lẽ rơi rụng vàng dưới gốc trong chiều nắng quái...

Cuối cùng rồi bác cũng về, cứ tưởng bác đã toại nguyện, bác đã ép được con cháu học hành thành người. Học để bắt mọi người phải ngước mặt lên nhìn. Nhưng cháu biết bác bắt con cháu học là còn một mục đích khác, mục đích lớn lao hơn nhiều. Bác muốn tất cả con cháu học hành đỗ đạt để đi khỏi cái đất này. Đi không bao giờ trở lại. Bác ơi! Người ta đã đem bồ cào, thúng mủng, dần sàng... trả lại cho bác rồi cơ mà sao bác vẫn đào cả những nhúm nhau của con, cháu, cả của bác để đưa đi chôn ở một miền quê mới. Bác tưởng sẽ quên được miền đất quê hương...

Tôi sực tỉnh...

Tôi vươn vai thong thả đi ra bể nước. Vừa cúi xuống thau rửa mặt, một cái vỏ đài mít rơi xuống, tròng trành tròng trành như chiếc thuyền con... Tôi ngẩng mặt... Trời ơi! Sen... Sen đang ôm cây mít như ngày nào em giữ không cho bác tôi chặt gốc... Nhưng Sen lại nhìn tôi nhoẻn miệng cười, răng trắng như những hạt ngô non đang kỳ đọng sữa. Lại những vỏ đài mít, lá mít vàng chao chiêng, lả tả rơi xuống đầu tôi. Tôi dụi mắt... Ối trời! Hóa ra là Đào. Giống y hệt gương mặt chị. Đào đang đùa trêu tôi rung cây cho rụng lá. Tôi lặng nhìn Đào ôm cây mít. Cây mít của tôi, cây mít có nhúm nhau của tôi mùa này ra đài nhiều quá. Đài mít ra gặp mùa nắng ấm chắc đậu nhiều quả lắm đây.

 

Trại viết Đại Lải

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87492


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận