Phú ngồi bên vợ vừa cùng làm vừa dí dỏm kể không hết chuyện, như để bù lại mấy năm xa. Đến ngày thứ ba, anh vui vẻ động viên Mai Du: "Em cứ yên tâm mà đi. Rồi chuẩn bị để đón anh. 31 anh sẽ xuống".
Mai Du sung sướng được chồng thông cảm và hứa hẹn. Cô thanh thản trả phép, lòng ấp ủ bao nhiêu dự định tốt đẹp cho một tuần trăng mật.
Nhưng Mai Du vừa đặt chân đến huyện H thì nhận được giấy báo đi họp tỉnh. Nghĩ rằng không thể thoái thác, vả lại ngày đó tan họp rồi về ga Nam Định đón anh cũng vừa, Mai Du chuẩn bị chu đáo trước khi lên đường. Cô dặn kỹ anh Dũng - người anh kết nghĩa lớn tuổi cũng làm ủy viên Ủy ban:
- Anh ạ. Nhà em hẹn 31 về. Em sẽ lên ga đón. Nhưng nếu anh ấy về đây trước thì em nhờ anh tiếp hộ.
- Cô cứ yên tâm. Chú ấy về đây anh đón cho.
Chiều 31 tan họp. Là đại biểu trẻ nhất trên ghế Chủ tịch đoàn nên được tặng một bó hoa hồng trắng, Mai Du khấp khởi cầm bó hoa vượt đoạn đường hơn ba chục cây số ào về ga Nam Định đón chồng.
Ngày 31-7-1965. Đã mấy bận máy bay Mỹ quần đi quần lại ở mạn ga Nam Định. Con tàu Nam vừa đến ga Phủ Lý thì được lệnh phòng không: "Tất cả hành khách có xe đạp, xuống", để cho ga Nam Định giảm bớt lưu lượng khách. Trong đêm khuya vừa mưa vừa gió, Phú mải miết đạp xe về huyện H. Anh bực dọc nguyền rủa Giôn-xơn đã bắt anh phải đi xa thêm mấy mươi cây số nữa, nhưng lòng anh cũng nhẹ nhõm phần nào khi nhớ lại những ngày hạnh phúc vừa qua. Như có thêm sức mạnh, Phú tự khích lệ mình: "Hãy cố về đến nơi khi Mai Du vừa thức dậy".
Thế nhưng, nguyên tắc thời chiến, người lính đứng gác ở cổng đề cao cảnh giác, nhất định không để cho một người lạ mặt nào vào cơ quan huyện:
- Anh cần gặp ai?
- Tôi muốn gặp cô Mai Du.
- Bà Mai Du đi họp tỉnh chưa về.
- Cho tôi vào trong chờ?
- Chúng tôi chỉ có thể bố trí để anh nghỉ tạm ở một nhà dân gần đây, chờ bà Mai Du về.
Một cuộc đối thoại tẻ ngắt! Anh bảo vệ không biết mặt người chồng mới cưới của "Bà Huyện", mà anh chồng trẻ cũng e ngại không xưng tên và không nói rõ quan hệ vợ chồng của mình. Phú ấm ức quay xe trở ra, ngồi "mòn ghế" ở mấy cái quán xá cạnh chân cầu Yên, lúc uể oải múc từng thìa phở, lúc bóc từng mảnh lá tấm bánh chưng bà Thìn, miệng khô đắng, chân tay rã rời!
Vừa bực dọc vừa chán nản, Phú gửi lại cho Mai Du một trang thư viết cẩu thả trên tờ giấy học trò rồi đạp xe quay trở về, lòng nặng trĩu, tưởng như hàng tấn đá đè nặng lên poóc-ba-ga của mình.
Mai Du cũng đang uể oải đạp xe trở về huyện H. Cô vừa đi vừa đếm từng vòng bánh xe quay! Ồ, không! Cô vừa đi vừa làm thơ. Như không cần biết đến thời gian sớm muộn, như không để ý đến đường đi xa gần, cô đạp chậm rãi, rồi ngồi lại bên vệ đường, kê lên đầu gối mà viết bài thơ "Đêm trắng".
Khi còn cách huyện H. chừng sáu, bảy cây số,
ĐÊM TRẮNG
Em đến thành Nam, tắt nắng chiều
Cầm hoa hồng trắng đón anh yêu
Tàu về, kẻng báo, lòng khấp khởi
Mà nào trông thấy bóng anh đâu!
"Có phải chăng xe đạp chửa về?"
Em ngồi chờ đợi chuyến tàu khuya
Rằng anh đã hẹn đêm ba - mốt
Hy vọng vẫn tràn như suối khe...
Từng phút nặng nề chậm chạp trôi
Nóng ruột, canh ba cũng đến rồi
Dán mắt nhìn qua song cửa sắt
Tìm anh trong cả thác người xuôi
Thác cạn còn trơ đá lại rồi
Cửa ga sập đóng: nhói lòng... "Ôi!
Tàu về đâu nữa mà còn đứng?"
Tay cứng, chân run, lạnh nửa người!
Cơn lốc từ đâu bỗng cuốn về
Và dông, và tố giội hồn mê
Hoa hồng tơi tả vì mưa gió
Mình em bóng rũ giữa canh khuya!
Giôn tổng gầm gừ con mắt báo
Dân phố nhớn nhác trong đêm bão
Lần mò dắt xe về chợ Rồng
Nép trong đình vắng tránh đạn, pháo.
Báo yên, còi rú, trời vừa sáng
Đêm nay - đêm trắng đã trôi qua
Thân gái dặm trường buồn vô hạn
Đường về: đá nặng poóc-ba-ga!
Đọc xong bài thơ, Phú từ từ quay xe trở lại. Hai người đưa nhau về huyện H. Cơ quan huyện đón tiếp "con rể" khá chu đáo. Còn đồng chí Ủy viên thư ký Dũng thì cười cười nhắc đi nhắc lại một câu:
"Lỗi tại anh. Anh quên không dặn bảo vệ, anh quên không dặn anh em thường trực... Chú đừng trách cô Mai Du. Lỗi là tại anh".